Nguyễn Hiền
“Hồi tưởng về cuộc chiến Đông Dương 2” qua một buổi hội luận
Từ trái sang phải: Ông Kevin Phạm, bà Stephanie Bezaquen-Gautier, ông Rimko van der Maar,
ông Andreas Kleiser, bà Tâm Ngô và điều hợp viên Đạt Nguyễn
Ngày 23/05/2025, Phân khoa Khoa học Xã hội của Đại học Amsterdam đã tổ chức một buổi hội luận quanh chủ đề “Remembering The Second Indochina War” tại một trụ sở của đại học, nằm cạnh đó.
Kevin Phạm (giáo sư phụ giảng môn Lý thuyết Chính trị của đh. Amsterdam) dẫn nhập buổi hội luận qua bài phát biểu trong đó ông lược qua lịch sử Việt Nam, từ thời bị Trung Hoa đô hộ, kế đến là thời Việt Nam chiến tranh với Champa, và cuối cùng là ách đô hộ của người Pháp, chấm dứt bằng cuộc chiến tranh Đông Dương 1 (1946-1954) nhưng liền sau đó là cuộc chiến tranh Đông Dương 2 (1955-1975) và 3 (1978-1991). Ông chú ý nhiều đến cuộc chiến tranh Đông Dương 2, theo ông là cuộc nội chiến giữa dân Việt hai miền Nam Bắc sau thời kỳ thực dân Pháp, với một số vấn đề những người ưu tư thời cuộc khi đó mang trong đầu: 1. Khi nước nhà độc lập, ai sẽ nắm quyền?, 2. Những giá trị nào sẽ định hướng xã hội Việt Nam, 3. Mô hình kinh tế nào sẽ được chọn, và 4. Thế nào là một chính quyền tốt đẹp?
Trong khi nghiên cứu về những luồng tư tưởng trong thời kỳ này, ông nhận ra một số điều lý thú (ông đã có một cuốn biên khảo về công cuộc chống thực dân Pháp – The Architects of Dignity: Vietnamese Visions of Decolonization – xuất bản năm 2024). Một trong những điều đó là ông thấy cả Hồ Chí Minh lẫn Ngô Đình Diệm đều không theo mô hình chủ nghĩ tư bản, mà theo mô hình chủ nghĩa xã hội. Sự khác nhau nằm ở điểm: Ngô Đình Diệm có khuynh hướng xã hội theo kiểu Marx (Dân chủ Xã hội với khuynh hướng nhân bản), còn Hồ Chí Minh theo khuynh hướng xã hội kiểu Stalin (Chủ nghĩa Xã hội với khuynh hướng toàn trị).
Bà Stephanie Bezaquen-Gautier sau đó đã thuyết trình về thời Khmer Đỏ. Là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Châu Á Quốc tế (IIAS – Leiden) và Nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Khmer (Campuchia). Bài phát biểu của bà xoay quanh thời Polpot, cuộc thảm sát và ép buộc di dân lớn nhất thế giới từ xưa tới nay (nếu tính theo tỉ lệ dân số). Đồng thời, đây cũng là cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Cambodia, với nhiều thương vong cả hai bên. Nhưng việc tìm kiếm tài liệu cho cuộc khảo cứu của bà không dễ dàng, vì những văn kiện, tài liệu, sách báo trước thời Polpot coi như đã bị đốt sạch.
Giáo sư phụ giảng môn Lịch sử Bang giao Quốc tế của Đại học Amsterdam, ông Rimko van der Maar, tiếp đó giới thiệu công trình biên khảo của ông về cuộc chiến Nam Bắc Việt Nam. Theo ông, những tài liệu nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam thường được nhìn qua lăng kính tây phương cho nên không trung thực. Phe Cộng sản đã tích cực vận động dư luận quốc tế qua ngả các tòa đại sứ, các cuộc thăm viếng cấp quốc gia ở Hà Nội chỉ được nghe lý luận một chiều từ chính phủ. Những tiếp xúc ở miền Nam Việt Nam bị cản trở vì sự chia rẽ, và vì miền Nam mắc kẹt trong công tác chống đỡ luồng dư luận chống chủ nghĩa Tân Đế Quốc. Vì thế trong công trình này, đã vừa thành sách với tựa đề In de ban van Vietnam. De Vietnamese onafhankelijkheidsstrijd en het Westen (tạm dịch: Dưới sự phù phép của Việt Nam. Cuộc chiến giành độc lập của Việt Nam và Tây phương), trong đó ông đặt trọng tâm vào những ảnh hưởng của các bên có dính dự vào cuộc chiến này. Cuộc chiến tranh tuyên truyền đã khiến nhân dân Việt Nam ở cả hai miền trở nên thất thế và là nạn nhân của những bóp méo thông tin. Ông cho biết cuốn sách có ghi lại những cuộc phỏng vấn một số nhân vật ngõ hầu rút ra được những bài học về cuộc chiến tranh tuyên truyền. Tác động của đảng Cộng Sản ở Hòa Lan và Bỉ cũng không thể bỏ qua. Ông chỉ trích Hòa Lan khi đó đã nhìn vấn đề một chiều và tâm sự là ông cảm thấy rất cô đơn khi có quan điểm khác về cuộc chiến tranh.
Nhưng bài học ông đưa ra là chúng ta luôn luôn phải có sự phán đoán khi tiếp cận thông tin.
Phần thuyết trình của các diễn giả từ đây chuyển sang đề tài khác: tìm kiếm và xác định danh tính người mất tích trong chiến tranh.
Bà Tâm Ngô cho biết từ lâu bà đã tham gia công cuộc tìm kiếm và giúp xác định danh tính những người H’mong mất tích trong chiến tranh Việt Nam, trong nghiên cứu của bà về những ngôi mộ gió (mộ làm ra nhưng không có thây, nhưng dân gian tin là hồn người chết sẽ về đó). Sau này bà cũng làm việc trong những chương trình khảo cứu về người tị nạn Việt, H’mong… qua phương pháp nhận dạng dựa trên DNA. Một số nghiên cứu của bà về dân H’mong đã được bà đưa vào cuốn sách với tựa “The New Way: Protestantism and the H'mong in Vietnam” (Tạm dịch: Con Đường Mới: Đạo Tin Lành và người H’mong tại Việt Nam). Bà tham dự buổi hội luận trong y phục H’mong, một biểu lộ cảm tình đặc biệt của bà với dân tộc này. Bà cũng kể một số chuyện thương tâm trong khi nghiên cứu về những mất mát của gia đình trong quá trình đi tìm thân nhân bị mất tích và vài chuyện quanh vấn đề tâm linh trong phong tục dân gian dành cho thân nhân đã qua đời. Bà cho biết những năm gần đây Hà Nội đã có kế hoạch tìm kiếm và xác nhận danh tính những bộ đội tử trận dựa trên những phương pháp nhận dạng mới nhất.
Tiếp lời, ông Andreas Kleiser, với nhiều năm làm việc trong Ủy ban Quốc tế về Người Mất Tích (ICMP) có nhiều kinh nghiệm về tìm kiếm người mất tích, và cách thức truy tìm lý lịch, nhận dạng qua DNA, cho biết ICMP đã có những giao kèo với Việt Nam trong công tác tìm kiếm này, ông nhấn mạnh là phần lớn từ miền Bắc, với sự trợ giúp của USAID. Một trong những trở ngại là xương cốt của họ, qua hơn 50 năm nằm trong rừng rậm, nên DNA đã bị hư hại nhiều. Nhưng đó không phải là trở ngại lớn nhất. Vấn đề là làm sao tìm được thân nhân, hiện nay là thế hệ thứ 3, thứ 4… và xác xuất trong việc so sánh các mẫu DNA để có thể đưa ra kết luận chính xác. Ngoài ra ông cũng trình bày một số kỹ thuật và phương pháp truy tìm lý lịch những người bị mất tích trong những cuộc xung đột ở Nam Tư. Trong bài phát biểu, ông còn lạc quan khi cho là với những phương pháp và kỹ thuật luôn cải tiến, người ta sẽ có thể tiến tới bước xác định danh tính tương đối chính xác bằng DNA của những mẫu lấy từ thế hệ thứ 3, thứ 4. Tuy nhiên, công việc tìm kiếm và nhận dạng người mất tích trong chiến tranh Việt Nam cần nhận được nhiều hỗ trợ từ quốc tế. Bù lại, Việt Nam có thể là thí điểm để tiếp tục những kế hoạch tương tự ở các quốc gia khác với kinh nghiệm thu được từ Việt Nam. Ông nêu thí dụ như ở Nga, với rất nhiều người bị mất tích 70 năm trước.
*
Phần 2 của buổi hội luận là những câu hỏi từ thính giả. Một số câu hỏi và nhận xét lý thú, đáng để suy nghĩ là:
1. Trong cuộc tìm kiếm và nhận dạng người chết trong chiến tranh, có sự phân biệt giữa ‘bộ đội’ (Bắc Việt) và ‘lính’ (Nam Việt) không? Bà Tâm Ngô cho biết vì bà khởi đầu cuộc nghiên cứu nơi dân H’mong nên đương nhiên bà có nhiều tiếp xúc với phía Bắc Việt. Anh điều hợp viên Đạt Nguyễn, nghiên cứu sinh Viện NIOD (Viện Nghiên cứu Hòa Lan về Chiến tranh, Holocaust và Diệt chủng) cho biết là có một số tổ chức ở Hoa Kỳ có những cố gắng tìm và xác nhận danh tính những quân nhân miền Nam VN mất tích, hoặc xác những cải tạo viên qua đời trong trại mà mồ mả không được ghi dấu.
2. Nghi vấn về luận án tiến sĩ của Hun Sen, cựu thủ tướng Campuchia (sử ghi là ông ít học, vậy mà có bằng tiến sĩ, trình ở Việt Nam). Câu hỏi là: luận án này viết bằng ngôn ngữ gì? vì dường như (nguồn dư luận ngoài luồng) Khieu Samphan viết giùm luận án cho ông. Cố giáo sư Phan Huy Lê, người đỡ đầu cho ông trong việc bảo vệ luận án, cũng không hề tiết lộ chi tiết này. Bà Stephanie cũng thú thật là chưa hề nghe chuyện này, bà nói thêm là những tài liệu không có lợi cho Khmer đỏ đã bị tiêu hủy hết.
3. Một tham dự viên thuật lại là có nhiều trẻ em từ Bắc Việt theo đường mòn HCM trên đất Lào và Campuchia để cuối cùng giao chiến với quân Nam VN. Hoa Kỳ đã làm ngơ cho chuyện đó xảy ra. Người khác đưa ra nhận xét là vì Kissinger và Nixon đã cho không kích và thả bom trên đất Campuchia làm cho cuộc chiến leo thang trên toàn vùng. Theo bà Tâm Ngô, có khoảng 217.000 quân cộng sản, phần lớn bị thiệt mạng trong chiến dịch Tây Nam.
Trong những tiếp xúc với một tướng lãnh cao cấp, ông Kevin Phạm được biết là vấn đề xâm lăng Campuchia luôn luôn là vùng đất cấm, không được đá động tới, và những người trong cuộc cũng cảm thấy xấu hổ. Đó cũng là 1 cản trở trong công cuộc tìm kiếm và nhận dạng người mất tích. Trong khi đó, về mặt tuyên truyền VN vẫn cho cuộc xâm lăng và chiếm đóng 10 năm trên đất Campuchia là làm ‘nghĩa vụ quốc tế’, tức là ‘vì không có nước nào trên thế giới có hành động, nên Việt Nam phải ra tay.’!
Đáp trả lại, một tham dự viên hỏi là trong ngày Campuchia ăn mừng đã chiến thắng Việt Nam thì Việt Nam làm gì?
4. Một tham dự viên ngỏ ý là nên có thêm những khảo sát về người Việt tị nạn. Ông Rimko cho biết là khảo cứu vừa qua của ông chỉ tới mốc 1975, nhưng ông đang nghiên cứu về làn sóng tị nạn, ở Hòa Lan tại thành phố Hoorn có một cộng đồng người Việt tị nạn lớn, có thể tìm hiểu thêm nơi những người này.
5. Việt Nam đã có những bước âm thầm cải biến. Thí dụ về tên một viện bảo tàng ở Saigon. Để lưu lại những ‘chứng tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống các thế lực xâm lược’ cộng sản đã dựng lên Nhà Trưng bày tội ác Mỹ - Ngụy được mở cửa phục vụ công chúng. Đó là những năm vừa qua chiến tranh. Nhưng sau đó, họ đã đổi tên cơ sở này thành Nhà Trưng bày Tội ác Chiến tranh xâm lược và bây giờ lại trở thành Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh.
6. Chính sách ngoại giao cây tre, tùy thời thế mà ngả theo để đạt mục đích của VN tương đối thành công, so với nhiều quốc gia khác trên thế giới cùng hoàn cảnh.
***
Nói tóm tắt, buổi hội luận có chủ đề quá bao quát, giới hạn trong một thời lượng nhỏ, khó có thể đi đến trọng tâm từng điểm. Phần lớn những tham dự viên tới với kho kiến thức giàu có về chiến tranh tại các quốc gia đông dương, những vấn đề họ nêu ra rất đáng để suy nghĩ. Một trong những ý kiến có thể đưa đến tranh luận gay gắt và phải chờ thời gian trả lời, là: có thể nào sự tìm kiếm và xác nhận danh tính các xác ‘vô danh’ từ những phe thù nghịch tạo được cơ hội cho các phe xích lại gần nhau và cùng chung sức thực hiện công tác, trên căn bản thuần túy khoa học và nhân đạo? Chắc là khó.
Buổi hội luận có được sự tham gia tại chỗ của gần 50 tham dự viên, và cũng được phát trực tuyến cho những người không hiện diện có thể theo dõi.
Nguyễn Hiền
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/hoituongvecuocchiendongduong.html