Minh Hạnh


Hội thảo về tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh

.

Một cuộc hội thảo về các vấn đề chung quanh công tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh đã được Học viện Nghiên cứu về Chiến tranh, Thảm sát hàng loạt và Diệt chủng (NIOD Instituut voor Oorlogs-, Holocaust- en Genocidestudies, Amsterdam) phối hợp với Đại học Columbia (New York) và Học Viện Max Planck (Đức-Hòa Lan) tổ chức vào hai ngày 08-09/06/2022 tại Viện Khoa học Hoàng gia Hòa Lan ở Amsterdam.

11 thuyết trình viên đến từ nhiều quốc gia đã lần lượt trình bày những đề tài về công tác tìm kiếm người mất tích trong chiến tranh mà họ đã và đang nghiên cứu. Các bài nói chuyện là những cuộc nghiên cứu, tìm kiếm tại một số quốc gia nơi đã xảy ra những cuộc chiến lớn hoặc lâu dài, như tại Tây Ban Nha, Nhật, Trung Quốc, Triều Tiên… và cả ở Việt Nam.

Cụ thể, ba bạn trẻ Alex Thái Võ, Đạt Mạnh Nguyễn và Quỳnh Nguyễn đã trình bày về những cuộc tìm kiếm, xác định danh tính và chăm sóc thi hài các quân nhân Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận. Đạt Mạnh Nguyễn đề cập nhiều đến công việc sửa sang, trùng tu nhiều ngôi mộ tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa (hiện mang tên Nghĩa Trang Nhân Dân Bình An), do ông Nguyễn Đạc Thành và tổ chức VAF (Vietnam American Foundation – Texas, Hoa Kỳ) đã thực hiện trong nhiều năm vừa qua, và những vận động nhằm đưa tới một dự án trùng tu lại nghĩa trang. Đạt Mạnh Nguyễn cho biết nếu hoàn cảnh cho phép, hội VAF sẽ mở rộng hoạt động sang việc tìm kiếm và trùng tu những ngôi mộ tù cải tạo. Cô Quỳnh Nguyễn nghĩ là trong tương lai, những cuộc tìm kiếm tử sĩ có thể sẽ là một bước đưa đến sự cảm thông và hiểu nhau hơn của cả hai bên, qua sự trao đổi những quà tặng và hài cốt đã tìm được.

Từ trái sang phải: Đạt Mạnh Nguyễn, Quỳnh Nguyễn và Alex Thái Võ
trả lời các câu hỏi chung quanh đề tài tìm hài cốt tử sĩ ở Việt Nam

Được biết, từ năm 2003 Việt Nam đã áp dụng các công nghệ DNA trong việc xác định danh tính các tử sĩ, ngoài việc nhận biết qua quần áo hoặc những vật dụng tùy thân của người chết. Việt Nam hiện đang áp dụng một số kỹ thuật do nước ngoài cung cấp để phân tích DNA, như NGS (Hoa Kỳ), STR (Đức) hoặc SNPs/mtDNA do Hòa Lan cung cấp. Các dữ kiện thu lượm được sẽ được software chuyên về điều tra Bonaparte (Úc) phân tích và đối chiếu với nhau để xác định danh tính. Vì nhiều lý do, việc phân tích này vẫn phải thực hiện tại Việt Nam!

Hành trình tìm kiếm những tử sĩ vô danh gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài giấy phép và những khoản phải chi bất ngờ, còn có vô vàn chuyện để kể lại. Nhiều trường hợp, khi tìm đến mộ, đào lên thì xương cốt quần áo đã mủn hết rồi, hoàn toàn không có cách nào để xác định danh tính người nằm dưới mộ. Ông Dương Văn Sáo tử trận, nhưng khi tìm ra nơi chôn cất qua sự khám phá tình cờ, thì mộ mang tên Dương Văn Sáu v.v.. Một diễn giả người Việt khác, cô Linh D. Vũ, cũng trình bày những khó khăn của cô trong hành trình đi tìm mộ tử sĩ trong cuộc chiến Mao-Tưởng ở Trung Hoa đầu thập niên ’50 của thế kỷ trước. Sự gian nan còn nhiều gấp bội, vì những thủ tục và giấy phép đi đường phức tạp, đường xá hiểm trở v.v., chưa kể tới những chiêu trò làm tiền, điển hình là có lần tìm được mộ, đánh dấu để sau này tiếp tục công tác đào bới, nhưng khi trở lại thì thấy người ta đã xây một công trình trên đó để bắt chẹt toán tìm kiếm phải trả thêm tiền để thuê họ phá bỏ đi.

Tâm Ngô (trái) và Nina Janz trong phần thuyết trình về đi tìm tử sĩ cho mộ gió tại Việt Nam
và về nỗ lực của hội tư trong việc khai quật và xác định danh tính các tử sĩ người Đức trong cuộc thế chiến thứ 2

Bà Zhaokun Liu nói về những yếu tố chính trị tại Trung Quốc đã ảnh hưởng nhiều đến công việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ tử trận, vì nó sẽ là những chứng tích lịch sử rõ ràng. Một diễn giả khác, ông Heonik Kwon, có chung quan điểm khi ông nói về công tác tìm kiếm các hài cốt của quân nhân tử trận trong cuộc chiến tranh Triều Tiên vào đầu thập niên ’50. Sự phức tạp ở đây là Liên Hiệp Quốc đã gửi quân thuộc nhiều quốc gia khác nhau đến Nam Hàn tham chiến, và sau cuộc chiến tranh, người ta phải tìm cách xác minh hài cốt là người dân của nước nào. Trên mặt phân tích DNA, rất khó để phân biệt người Triều Tiên với người Trung Hoa. Đã vậy, người ta còn đòi hỏi phải xét xem người đó là phe Đồng Minh hoặc phe Cộng Sản! “Để làm gì vậy?,” ông đặt câu hỏi, “phải chăng đó là yếu tố chính trị”?

Bà Sarah Wagner, trong bài nói chuyện về công cuộc tìm xác người Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, thu lượm những di vật họ để lại, và về nghĩa trang quân đội Arlington, đã đưa ra một số hình ảnh, như những đồ ngụy tạo di vật và những câu chuyện nghe như thần thoại. Bà cho biết, hiện tại vẫn còn 1584 quân nhân Hoa Kỳ được ghi nhận là mất tích.

Khi bàn về đề tài thần linh trong hành trình tìm xác, người ta thấy có sự giống nhau ở các nước Á châu như Nhật, Hàn, Indonesia và cả Việt Nam. Chị Tâm Ngô có bài nói chuyện về những ngôi mộ gió, là những ngôi mộ trong đó không có xác, mà chỉ có những nắm đất tượng trưng, và những chuyện quanh một số tập tục tâm linh của địa phương dành cho người mất tích. Ông Akira Nishimura, trong bài phát biểu, cũng nêu ra những trường hợp hồn ma chỉ chỗ, hoặc đóng góp của những ‘nhà ngoại cảm’ trong công cuộc tìm kiếm, và về những chuyện quanh ngôi đền Yasukuni, nơi có ghi tên hơn 2 triệu rưởi quân nhân Nhật đã tử trận. Chỉ có phân nửa ngôi mộ trong số này là đã được trùng tu.

Con số quân nhân tử trận được các diễn giả nêu ra trong các cuộc chiến lớn là những con số khủng khiếp. 7 triệu người Đức đã chết trong thế chiến 2. Trong số này có 5,3 triệu thường dân. Ở Việt Nam vẫn còn khoảng 300.000 bộ đội được ghi nhận là mất tích. Nhiều người trong số này có mộ hẳn hoi, với bia mộ đề “Liệt Sỹ Vô Danh”, nhưng gần đây, để xoa dịu nỗi đau của thân nhân, chính phủ đã quyết định cho sửa chữ khắc trên bia lại thành “Liệt Sỹ Chưa Biết Tên” hoặc “Liệt Sỹ Chưa Xác Định Được Thông Tin” (mở ra một dịch vụ làm/sửa bia mộ?). Đồng thời, để thống nhất, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt và xác định danh tính cũng đã được ấn định trong hai đề án 150 và 1237 được đưa ra vào năm 2014.

Một điểm gây suy nghĩ là phải làm gì khi xác minh DNA cho thấy là hài cốt dưới huyệt không khớp với danh tính người chết. Nhưng vấn đề này đi ra ngoài phạm vi buổi hội thảo.

Cuộc hội thảo cũng được truyền trực tuyến qua mạng Zoom cho một số tham dự viên vì hoàn cảnh không đến dự tại chỗ được, cũng như một số diễn giả đã phát biểu qua mạng. Rất tiếc, đề tài quá rộng và có quá nhiều bài phát biểu, thời gian thảo luận dành cho cử tọa đã bị cắt giảm tới mức tối đa.

2 thuyết trình viên Beatrice Trefalt (trên, trái) và Akira Nishimura (dưới)
đọc bài tham luận từ Úc và Nhật qua mạng Zoom

.

Minh Hạnh

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/hoithaovetimkiemnguoimattich.html


Cái Đình - 2022