Cái Đình


Hội thảo về nhân quyền, 2022

.

Hàng năm, vào đầu tháng 12, Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan luôn luôn tổ chức một buổi hội thảo để cùng nhớ lại Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền – được công bố ngày 10/12/1948, và nhận định về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Năm nay 2022, buổi hội thảo về nhân quyền cho Việt Nam được tổ chức vào chiều ngày chủ nhật 11/12 tại hội trường ’t Veerhuis (Nieuwegein), địa điểm quen thuộc của những buổi hội thảo do Cộng Đồng tổ chức.

Ông Nguyễn Hữu Phước, chủ tịch CĐVNTNCS/HL đọc lời khai mạc buổi hội thảo (trái)
và luật sư Nguyễn Văn Đài phân tích về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam (phải)

Diễn giả chính của buổi hội thảo năm nay là luật sư Nguyễn Văn Đài, đến từ Đức. Ông Nguyễn Văn Đài là một nhân vật bất đồng chính kiến với chính quyền Việt Nam được nhiều người biết đến qua những hoạt động cho nhân quyền của ông. Do những hoạt động này ông đã bị bắt năm 2007 và bị án tù 4 năm. Sau đó, ông đã cùng một số người đồng chí hướng lập ra hội Anh Em Dân Chủ vào năm 2013 để tranh đấu cho tự do, dân chủ và công bằng cho nhân dân Việt Nam, một lần nữa ông bị bắt năm 2015 với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Đến năm 2018 ông bị tuyên án tù 15 năm. Tuy nhiên, 2 tháng sau, ông đã được Đức can thiệp cho tị nạn ở Đức. Ông đã được trao 3 giải nhân quyền.

Trong bài thuyết trình về tình hình nhân quyền ở Việt Nam, ông đã vạch ra ba điểm mấu chốt mà nhà cầm quyền Việt Nam dùng nó để củng cố quyền lực. Đó là sử dụng Bạo Lực để dẹp những phong trào chống đối, dùng Kinh Tế để bao vây cô lập những tổ chức đấu tranh, và giành độc quyền về Truyền Thông để cho người dân cuối cùng chỉ nhận được những tin tức do nhà nước chỉ đạo.

Trong phần phát biểu của các tổ chức tham gia hội thảo, ông Đinh Ngọc Hiển, đại diện cơ sở Việt Tân tại Hòa Lan đã nhắc lại những điểm cốt lõi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ông lưu ý một điểm là nhà cầm quyền trong thời gian vừa qua đã gia tăng bắt bớ các nhân vật phản kháng, dùng lực lượng công an mạng phá vỡ nhiều mạng truyền thông, ngăn cấm và bắt bớ những người hành đạo. Trong khi đó, trớ trêu thay, Việt Nam lại vừa được bầu làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Sự kiện này sẽ giúp cho nhà cầm quyền Việt Nam che giấu những vi phạm nhân quyền của họ. Bởi thế đảng Việt Tân sẽ cố gắng vạch rõ cho quốc tế thấy sự thực về nhân quyền ở Việt Nam và tạo áp lực với các tổ chức quốc tế để bắt Việt Nam thực hiện những lời hứa về nhân quyền của họ.

Ông cũng cho biết đảng Việt Tân, trong buổi lễ tại Tokyo ngày 10/12 đã trao giải thưởng Lê Đình Lượng năm 2022 cho ông Nguyễn Năng Tĩnh, một giảng viên âm nhạc có nhiều hoạt động ủng hộ các tù nhân chính trị, phản đối thảm họa Formosa, phản đối Dự luật Đặc Khu v.v.. Do những hoạt động này, ông đã bị bắt năm 2019 và bị tuyên án 11 năm tù giam.

Trong phần phát biểu dành cho Gia Đình Quân Cán Chính VNCH tại Hòa Lan, ông Trần Văn Thắng cũng kêu gọi mọi người cùng dồn nỗ lực trong việc tố cáo tội ác Việt Cộng và cùng chung sức đấu tranh cho một Việt Nam tự do, không còn cộng sản.

Ông Trần Văn Thắng trong phần phát biểu dành cho Gia đình QCC/HL

Để trả lời cho câu hỏi về đường hướng hành động cụ thể trong tương lai, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết một trong những phương cách trong tương lai là “phản biện chính sách”, tức là để đối lại với những chính sách do nhà cầm quyền đưa ra theo hướng của họ, tổ chức của ông đang đề ra cách phản biện lại, bằng hình thức nêu ra sách lược dựa trên quan điểm của ta để giải quyết vấn đề một cách có thể thuyết phục được quần chúng hơn cách của nhà nước.

Cho câu hỏi “Trung Quốc sẽ hành động ra sao nếu có biến động ở Việt Nam”, không có câu trả lời chính xác. Trung Quốc dùng những quốc gia tiếp cận ranh giới làm ‘phên giậu’ để tránh sự can thiệp trực tiếp của các quốc gia khác. Một thay đổi lớn trong giới cầm quyền ở Việt Nam sẽ đưa tới một chính phủ thân với Hoa Kỳ hơn. Trung Quốc sẽ bắt buộc phải có thái độ, nhưng cụ thể ra sao còn tùy thuộc diễn biến.

Sau phần phát biểu và đặt câu hỏi, chương trình chuyển sang phần trao đổi trực tuyến với một số nhân vật trong nước, gồm vợ và em của hai nhân vật tranh đấu đang ngồi tù, và một nhân vật đang tích cực hoạt động đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam. Thân nhân của các tù nhân lương tâm cho biết tinh thần của họ vẫn rất vững và họ vẫn rất tin vào con đường họ đang đi. Tất cả đều cám ơn sự hưởng ứng của mọi người và kêu gọi những người ở hải ngoại hãy lên tiếng đấu tranh cho chồng và anh của họ bằng mọi cách.

Buổi hội thảo được chấm dứt bằng một số ca khúc cảm động.

Vũ Thủy trong ca khúc “Mời Em Về”, sáng tác của Việt Dzũng và
Ban Hợp ca CĐVNTNCS/HL đồng ca với toàn thể hội trường bản
“Việt Nam Việt Nam”, sáng tác của Phạm Duy

Hơn 20 người đã tham dự buổi hội thảo, một khích lệ trong thời kỳ các ý niệm nhân quyền phổ quát đang bị thử thách trên toàn thế giới, trong bối cảnh xung đột và viễn cảnh suy thoái kinh tế.

.

Cái Đình
(12/2022)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/hoithaovenhanquyen2022.html


Cái Đình - 2022