Quốc Đạt


Họa sĩ Hà Lan tìm cha mẹ Việt: Tôi đã tìm được tên cho mình

Arjen IJff, họa sĩ người Hà Lan gốc Việt, đã dành 15 năm
tìm cha mẹ ruột bị thất lạc nhưng không có kết quả.
Hy vọng của anh lúc này dồn vào một chiếc logo.

.

Zing gặp lại anh Arjen IJff trong một chiều Sài Gòn nắng dịu. Bằng tiếng Việt, người đàn ông trung niên có chòm râu điểm bạc mở lời với chúng tôi: “Xin chào, tôi tên là Hưng. Tôi làm nghề thiết kế đồ họa”.

Câu nói ngắn gọn với phát âm chưa tròn chữ là một trong những cách mà người đàn ông Hà Lan chuẩn bị cho cuộc tái ngộ với cha mẹ ruột người Việt, nếu phép màu xảy ra. Đã 15 năm trôi qua kể từ khi lên đường tìm người thân máu mủ, Arjen chưa nhận được bất cứ manh mối nào.

Nhưng Arjen nói anh không tuyệt vọng. Trên đường tìm kiếm, người họa sĩ thiết kế đồ họa 47 tuổi đã phát hiện đất nước Việt Nam gần gũi với những người bạn thân thiết. Anh cũng dần tìm thấy trong mình dáng dấp của một người con Việt Nam.

“Khi tới Hà Nội, chỉ sau một ngày tôi đã cảm thấy sự yên bình và hòa hợp”, Arjen hồi tưởng về lần đầu tiên trở lại Việt Nam vào năm 2007.

“Tôi là Hưng”

Arjen nghe kể lại anh bị bỏ rơi tại một cô nhi viện trên đường Tô Thị Huỳnh ngày nay ở tỉnh Vĩnh Long khi mới vài tuần tuổi, vào đầu 1975. Tới tháng 4 năm ấy, anh được Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn tiếp nhận rồi đưa đến Amsterdam làm con nuôi, cùng 26 đứa trẻ khác.

Năm 2007, Arjen trở lại quê hương, bắt đầu hành trình tìm cha mẹ ruột. Nhưng những người liên quan năm xưa hoặc đã khuất, hoặc không còn nhớ trường hợp của anh. Cô nhi viện năm nào cũng đã bị tháo dỡ và được thay bằng một quảng trường rộng lớn. Trong tay anh không có bất cứ giấy tờ gì về gốc gác của mình.

Hình ảnh anh Arjen khi còn bé. Ảnh: NVCC

Song Arjen vẫn không ngừng tìm kiếm. 15 năm qua, anh đã về quê hương 7 lần và đã đi hết từ Bắc vào Nam.

Lần đầu gặp Zing vào năm 2018, người họa sĩ Hà Lan vẫn đau đáu nhiều câu hỏi về bản thân. Khi ấy, đến cái tên “Nguyen Khanh Hung” được sứ quán ghi trong danh sách 27 đứa trẻ sẽ được nhận nuôi năm ấy, Arjen cũng không rõ là Hưng hay Hùng.

Nhưng trong cuộc gặp gần đây, Arjen chắc nịch với chúng tôi tên anh là Nguyễn Khánh Hưng. Anh chọn cho mình cái tên ấy không phải vì cuộc tìm kiếm của anh có phát hiện mới, mà là dựa vào cảm thụ của một người con đang tìm về nguồn cội. “Tôi cảm thấy vậy”, anh bảo. “Âm ‘ư’ cao hơn, mang đặc trưng tiếng Việt hơn”.

Tiếng mẹ đẻ cũng đã trở thành sợi dây tinh thần nối kết Arjen với quê hương cách xa gần 10.000 km khi anh không thể rời Hà Lan trong đại dịch Covid-19. Đều đặn mỗi tuần, người đàn ông ngoài 40 tuổi lại lên lớp, cặm cụi tập đọc, tập viết cùng gia sư người Việt.

Arjen đặc biệt thích cách viết các dấu tiếng Việt và tự thấy mình viết tốt hơn nói, có lẽ vì chuyên môn của anh là typography (nghệ thuật sắp xếp, thiết kế và sáng tạo hình dáng câu văn, chữ viết). Nhưng những lúc được nói tiếng mẹ đẻ là khi anh thấy gần gũi với quê hương hơn cả.

“Có lẽ đâu đó sâu thẳm trong gene di truyền, tôi có năng khiếu với tiếng Việt”, Arjen thoáng cười rồi trở nên nghiêm túc. “Và tôi tin là như vậy. Vì khi cảm thấy bản thân là người Việt Nam, bạn sẽ thêm nhạy bén với các thanh âm”.

Tòa nhà nơi từng là nhà riêng đại sứ Hà Lan tại Sài Gòn.
Arjen được chăm sóc những tháng đầu đời tại đây trước khi được đưa sang Amsterdam làm con nuôi,
trong khuôn khổ chiến dịch Babylift (Không vận Trẻ em) phiên bản Hà Lan. Ảnh: Hồng An, NVCC

Tín hiệu của số phận

Không ai biết chắc cuộc tìm về cội nguồn của Arjen sẽ kéo dài bao lâu, và cũng không ai có thể chắc chắn liệu hành trình ấy có thể đem lại kết quả. Nhưng Arjen đã sớm làm hòa với sự vô định.

“Tôi sẽ tìm kiếm ở mọi ngóc ngách, tôi sẽ tiếp tục kể câu chuyện của mình”, anh bảo. “Nếu không có kết quả thì đành vậy”.

Cơ hội để Arjen tiếp tục nói lên câu chuyện của bản thân đã tới vào một ngày tháng 9, khi anh bắt gặp thông báo về cuộc thi thiết kế logo kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan.

“Phái đoàn Hà Lan tại Việt Nam muốn mời bất cứ ai sống ở Việt Nam hoặc Hà Lan, có đam mê với thiết kế đồ họa và có tình yêu đặc biệt với hai nước tham gia cuộc thi”, thông báo viết. Những dòng mô tả khiến Arjen cảm giác đây là cuộc thi dành cho mình. Anh bắt tay sáng tác khi chỉ còn 2 ngày nữa là hạn chót.

Nghĩ về Hà Lan, Arjen nghĩ ngay tới hoa tulip. Beemster, vùng đất nơi người họa sĩ lớn lên ở Hà Lan, có những cánh đồng tulip trải dài hàng trăm mét mà anh thường ngắm không biết chán mỗi khi xuân tới, anh kể.

Với Việt Nam, Arjen chắt lọc những trải nghiệm thân thương để chọn hoa sen làm hình ảnh biểu tượng. Anh đã ấn tượng với sắc hồng của loài hoa này từ sau những lần thăm lại quê hương. Và trùng hợp, hoa sen còn là logo của hãng bay đưa Arjen về nước lần đầu vào năm 2007.

Arjen IJff (thứ hai từ phải sang) chụp ảnh cùng chiếc logo
kết hợp hoa sen và hoa tulip. Ảnh: NVCC

Trong cuộc trò chuyện với Zing, Arjen lộ rõ sự hào hứng khi nói về bông hoa “lai” giữa sen và tulip mà anh hoàn thiện trong 2 ngày. “Tôi giữ cho thiết kế đơn giản nhất có thể, cùng các màu tượng trưng cho hai nước là cam cho Hà Lan, đỏ cho Việt Nam, và hồng là màu chung cho 2 loài hoa”, anh nói.

Hai tuần sau khi gửi tác phẩm, Arjen đón tin vui. Thiết kế của anh được lựa chọn là logo thắng cuộc. Tin tức khiến người họa sĩ rất đỗi ngạc nhiên, anh kể, do từ đầu đã không ôm nhiều kỳ vọng. Và cũng vì với Arjen, đây không phải một cuộc thi đơn thuần.

“Tham gia vào dự án này là cách để tôi kết nối với Việt Nam, để đền đáp quá khứ”, Arjen nói. “Những tháng đầu đời, tôi được phu nhân đại sứ chăm sóc chính ở tòa nhà Đại sứ quán Hà Lan tại Sài Gòn. Gần 50 năm sau, tôi lại thiết kế logo cho đại sứ quán. Một vòng tròn đã hoàn tất”.

Phải mất một thời gian sau nữa, Arjen mới nhận ra tầng ý nghĩa khác ẩn dưới tác phẩm của mình. Đó là khi anh được nghe thành viên của ban giám khảo ví bông hoa sen/tulip như hiện thân của chính anh - một người Hà Lan gốc Việt.

“Tôi không cố đưa chuyện đời mình vào trong logo”, anh chia sẻ. “Nhưng tôi không nghĩ mình có thể gọi đây là chuyện tình cờ. Nó đã được định sẵn như thế”.

Có thể số phận đã an bài Arjen tham gia và chiến thắng cuộc thi logo, hoặc đó chỉ là sự tình cờ. Dù thế nào chăng nữa, anh cũng muốn tận dụng dịp này để nhiều người biết tới câu chuyện của mình. Biết đâu một trong những người ấy có thể giúp anh đoàn tụ với gia đình ruột thịt, anh bảo.

Cuộc tìm kiếm gia đình ruột thịt của Arjen đã diễn ra 15 năm nhưng anh chưa một lần nhận được bất cứ manh mối nào. Ảnh: An Nguyễn

Một cuộc tìm kiếm khác

Mục tiêu trước mắt của Arjen lúc này là có thể học tốt tiếng Việt, anh kể. Để khi được tái ngộ với mẹ, anh có thể nói với bà một câu giản đơn: “Con chào mẹ, con là con của mẹ đây”.

Nhưng người họa sĩ cũng phát hiện ra bên cạnh cuộc tìm kiếm cha mẹ ruột, anh vẫn còn một sứ mệnh khác: Đó là hành trình của “Arjen IJff” đi tìm “Nguyễn Khánh Hưng”.

“Tôi luôn cố gắng hợp nhất hai nửa con người mình, một điều rất khó”, anh nói. “Có lẽ tôi sẽ không bao giờ trở thành người Việt Nam 100%, nhưng tôi muốn cố”.

Arjen thật sự đã nỗ lực. Như người sưu tầm, Arjen cóp nhặt từng mảnh ký ức và mối liên hệ với Việt Nam qua những chuyến thăm quê. Người họa sĩ nhớ nhất là năm 2019, khi anh được người bạn mới quen mời về ăn Tết cùng gia đình tại tỉnh Vĩnh Long.

Cái Tết năm ấy rất đặc biệt, Arjen kể, vì đó là cái Tết đầu đời của anh, khi ấy đã ngoài 40 tuổi. Người họa sĩ bị ấn tượng trước cảnh người dân tất bật chuẩn bị đón năm mới, phố xá tràn ngập hoa và biểu ngữ chào mừng. Đó cũng là lần đầu Arjen biết tới phong bao lì xì và tục đi chùa đầu năm.

“Trước kia, tôi không thấy mình là người Việt Nam. Nhưng lúc này, tôi thấy thêm tự hào vì xuất thân từ mảnh đất này”, người họa sĩ nói.

Những lần về lại quê hương trước đây, Arjen đều nán lại không quá 3 tháng. Anh mong sẽ có dịp ở lại lâu hơn để tiếp tục cả 2 cuộc tìm kiếm. Dĩ nhiên, người họa sĩ vẫn mong đợi vào điều kỳ diệu cho phép anh gặp lại người thân.

“Năm 2023 là năm con mèo, cũng là năm tuổi của tôi. Tôi hy vọng may mắn sẽ tới”, Arjen bảo. “Có lẽ phép màu sẽ xảy ra vào năm sau”.

.

Quốc Đạt

Nguồn: Zingnews.vn, 25/12/2022

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/hoasihalantimchameviet.html


Cái Đình - 2023