Minh Hạnh


Hòa Lan bổ túc điều 1 Hiến Pháp: chiều hướng mới của xã hội?

.

Ngày 17.02.2023, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Hòa Lan, Hanke Bruins Slot đã chuẩn phê bản Tu chính điều 1 Hiến Pháp, 40 năm sau lần sửa đổi cuối cùng (1983) là lần ghi thêm điều cấm kỳ thị dựa trên một số cơ sở nhận thức vào điều 1.

Lần này, khuyết tật và nhắm vào dục tính được thêm vào những cơ sở này, có nghĩa là Điều 1 sau tu chính sẽ là:

“Tất cả mọi người hiện đang sống tại Hòa Lan được đối xử bình đẳng trong cùng một trường hợp giống nhau. Kỳ thị trên cơ sở tôn giáo, nhân sinh quan, khuynh hướng chính trị, chủng tộc, giới tính, khuyết tật, nhắm vào dục tính hoặc bất kỳ trên cơ sở nào khác, là không được phép”.

Bộ trưởng Hanke Bruins Slot ký chuẩn thuận bản tu chính Điều 1 Hiến Pháp Hòa Lan. Hình: Rijksoverheid.nl

Đề nghị sửa đổi này đã được một số dân biểu trong quốc hội Hòa Lan năm 2020 khởi xướng. Sau khi được Hạ viện chuẩn thuận, đề nghị tu chính được chuyển lên Thượng viện cứu xét. Ngày 17.01.2023 Thượng viện đã đồng ý, với 56 phiếu thuận và 15 phiếu chống.

Thế là kể từ sau phong trào đòi nữ quyền lần thứ 3 (thập niên ’90 của thế kỷ 20) và lần thứ 4 (2012), liên tiếp đã có nhiều phong trào đòi bình đẳng về mọi mặt nở rộ khắp thế giới. Phong trào đòi công nhận những người có giới tính hoặc khuynh hướng tính dục không như định nghĩa cổ điển về nam hoặc nữ (LGBTI+), phong trào đòi hoàn toàn không phân biệt màu da, nguồn gốc, tên v.v., và gần đây nhất là phong trào đòi xét lại vấn đề ngược đãi/bạo hành trên cơ sở chức vị hoặc giới tính.

Nhờ các mạng xã hội, lời kêu gọi đã có thể nhanh chóng tạo nên những phong trào toàn cầu, đưa đến những vụ xét lại. Như ‘Black Lives Matter’, ‘ #MeToo’… đã đánh động lương tâm nhân loại. Luật pháp một số nước cũng đã thay đổi tiêu chuẩn định tội ‘cưỡng hiếp’, là không bắt buộc nạn nhân phải trưng bằng cớ đã nói ‘không’ khi bị đe dọa xâm hại tính dục, vì người ta đã chứng minh là có những trường hợp nạn nhân tê cứng vì quá sợ, hoàn toàn không thể phản ứng. Đây là một số nét đẹp trong tiến trình nhân bản hóa xã hội. Nhưng cũng có những vụ dường như đi quá xa, khi nó đụng chạm đến truyền thống:

Ở Hòa Lan suốt nhiều năm qua đã có những đòi hỏi là đám tùy tùng ‘Piet Đen’ (Zwarte Pieten) theo ông thánh Sinterklaas đi phát quà Giáng Sinh không được bôi đen mặt, vì nó xúc phạm đến hình ảnh da đen phải hầu hạ da trắng. Kết quả là các ‘Piet’ bây giờ trở thành da ngăm hoặc da trắng. Cuối năm 2022, phim Pietje Bell – một phim thiếu nhi nổi tiếng ra mắt 20 năm trước (2002) dựa theo cốt truyện một tác phẩm cổ điển, đã bị một nhóm đòi xét lại hạn tuổi được phép xem vì có vài ‘xen’ bị coi là hình phạt dùng bạo lực trên trẻ nhỏ (như dùng thước ‘khẻ’ vào tay, một hình phạt phổ thông trong trường tiểu học ngày xưa – ngay cả ở Việt Nam cũng dùng hình phạt này). Từ hạng ‘thích hợp cho mọi lứa tuổi’, cuốn phim đột nhiên trở thành ‘cấm dưới 12 tuổi’, và sau nhiều phản đối đã được sửa lại thành ‘cấm dưới 9 tuổi’.

Gần đây nhất, tháng 2/2023, nhà xuất bản Puffin (Anh Quốc), đồng thừa hưởng tác quyền của nhà văn Roald Dahl (1916-1990) – nổi tiếng với những cuốn truyện viết cho thiếu nhi, cho biết là kể từ nay trong phiên bản mới, hàng trăm từ mang ý nghĩa kỳ thị hoặc ‘không tốt’ sẽ được thay đổi cho hợp thời hơn. Thí dụ đứa trẻ ‘mập’ sẽ trở thành ‘to lớn’, ‘các ông bố’ và ‘các bà mẹ’ sẽ trở thành ‘các bậc cha mẹ’, v.v.

Mặc cho những người bảo thủ đòi hỏi nguyên tác phải được lưu giữ và tôn trọng, nhưng nhà xuất bản cho biết “mục đích của nhà văn này là viết cho trẻ em đương thời, không phải viết cho những người lớn còn hoài cổ”. Trẻ em phải được đọc những truyện thích hợp với chúng, trong môi trường chúng đang sống.

Thế rồi nhà xuất bản Fleming Book cũng theo sát gót, tuyên bố là sẽ xem lại tất cả tác phẩm của Ian Fleming với nhân vật chính James Bond, và sẽ thay những từ mang tính kỳ thị hoặc phân biệt chủng tộc!

Thử nghĩ nếu chính phủ Việt Nam cho sửa lại truyện Tấm Cám (kêu gọi lòng thù hận và dã man) hoặc Lưu Bình Dương Lễ (phụ nữ bị coi là một phương tiện), chúng ta sẽ thấy sao?

Tuy thế, tương quan giữa các cá nhân trong xã hội tương lai chắc chắn sẽ có nhiều thay đổi người ta khó đoán, nhất là trong quan hệ nam nữ trong bước đầu đến với nhau.

.

Minh Hạnh

__________

(1) Trước làn sóng phản đối của quần chúng và ngay cả từ một số nhà xuất bản các dịch phẩm của Roald Dahl (vì họ cũng sẽ phải sửa bản dịch cho phù hợp), nhà xuất bản Puffin cuối cùng đã quyết định cho nhà xuất bản Penguin (là nhà xuất bản mẹ của Puffin) quyền ấn hành bản chưa sửa, tóm lại trong tương lai sẽ có hai phiên bản cùng lưu hành.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/hoalanbotucdieu1.html


Cái Đình - 2023