Trần Ngọc


Chỉ một dây sạc điện duy nhất trong EU, do công của một người Hòa Lan

Ngày 28/12/2024 đánh dấu một thay đổi quan trọng trong công nghệ chế tạo các thiết bị điện tử cầm tay không dây cho thị trường EU: chúng phải có lỗ cắm cho chấu USB-C. Các bộ sạc điện dùng trong EU cũng phải có chấu USB-C. Chấm dứt một giai đoạn tranh giành quyền lực qua sợi dây sạc và dây truyền data.

Đây là kết quả của cuộc tranh đấu dài hơi kéo dài suốt 15 năm của một người Hòa Lan, ông Toine Manders.

Toine Manders, sinh năm 1969, là một luật sư, có thời (1994 tới 2014) là thủ lãnh Đảng Tự Do (Libetarische Partij – một đảng nhỏ, từng có đôi lần tranh cử quốc hội nhưng chưa bao giờ được một ghế). Ông cũng là một người tranh đấu cho những vấn đề mà ông (và một số ít người) cho là ‘bất công xã hội’.

Ông nổi danh qua vụ giúp cho một số người trốn thuế qua sự lách luật, bằng cách, qua văn phòng luật sư của ông, giúp họ mở công ty trách nhiệm hữu hạn theo kiểu Anh quốc (limited company). Vụ việc bị khui ra khi sở thuế phát giác có tới 6000 người đã theo cách này, tuy nhiên sau nhiều vụ kiện dằng dai ông chỉ bị phạt tạp dịch 180 giờ, và văn phòng luật của ông đã được ông khai phá sản.

Đối lại, ông đã kiên trì tranh đấu yêu cầu Âu châu phải ra luật bắt buộc các công ty chế tạo thiết bị quốc tế phải tìm ra một chuẩn cho các dây sạc điện. Chúng ta ai nấy đều biết rằng, từ khi các thiết bị điện tử bắt đầu được sử dụng rộng rãi, một trong những vấn đề làm người mua đau đầu nhất là mỗi khi đi đâu phải nhớ mang theo một đống cục sạc điện, vì mỗi máy có một chấu cắm riêng và các thiết bị sạc điện chỉ cung cấp điện thế thích hợp để sạc cho cái máy kèm theo.

Một người đi làm việc ở xa nhà hoặc đi du lịch phải mang theo 3, 4 cục sạc khác nhau cho laptop, máy chụp hình, máy tính bảng, điện thoại v.v..

Qua các cải biến trong sợi dây truyền dữ liệu USB (Universal Serial Bus), trở ngại này đã được khắc phục một phần, vì dây cắm USB cũng có thể dùng để cung cấp năng lượng cho máy. Cục sạc thời xưa đã được thay bằng cục sạc có lỗ cắm dây truyền USB, và các thiết bị cũng đã dần được chuẩn hóa để chỉ dùng với một cục sạc USB mà thôi. Tuy nhiên, nó chưa giải quyết được đầu cắm vào thiết bị, vì có tới gần chục chấu cắm khác nhau cho các thiết bị, thông dụng nhất là các chấu USB A, USB B, mini USB, micro USB, USB 3.0. Các máy do Apple sản xuất lại dùng chấu cắm khác là Lightning và Thunderbolt… Càng ngày càng thấy phức tạp.

Các công ty sản xuất thiết bị điện tử dùng accu kiên quyết bảo vệ chấu cắm cùng sợi dây sạc của họ, với lý do là nó có kèm thêm những chức năng dẫn truyền thông tin đặc biệt chỉ có thể chạy qua chấu cắm của họ. Rồi họ lại viện dẫn lý do: vì mỗi thiết bị cần một điện thế đặc biệt, do đó cục sạc của họ cũng được chế tạo để cung cấp đúng điện thế đó. Rồi tất cả đồng tuyên bố là đang nghiên cứu thực hiện một chuẩn thống nhất cho chấu cắm, bởi vì trở ngại về điện thế đã được họ giải quyết.

Nhưng ông Toine Manders không tin những lời hứa kéo dài thời gian như vậy. Suốt 15 năm ông tranh đấu cho việc ra đời một chuẩn thống nhất cho chấu cắm của sợi dây sạc, nhất là trong thời kỳ ông làm nghị viên EU – từ 2019 tới 2024). Mặc dù không được hậu thuẫn nào từ những nhà sản xuất cho tới những chính trị gia, ông vẫn không nản chí. “Không sao cả”, ông nói. “Tôi đã quen với kiểu các chính trị gia thường cười nhạo về những đề nghị thực tế của tôi.”

Nhưng có lẽ vấn đề môi trường và rác thải đã là những động lực chính khiến cho cuối cùng EU đã đưa tới quyết định chung vào năm 2022 là phải có một chuẩn trên toàn Âu châu cho các chấu cắm USB. Các quốc gia thành viên EU có 2 năm chuẩn bị để chuyển sang chuẩn mới: bán hết hàng tồn kho, cải biến các thiết bị. Các quốc gia phần lớn không thấy trở ngại gì, ngoại trừ công ty Apple. Công ty này cho là cổng Lightning và Thunderbolt của họ đạt được vận tốc truyền không thiết bị nào sánh kịp. Thực ra, vấn đề nằm ở lợi nhuận do bản quyền 2 cổng này, và kiểu muốn chơi khác người của Apple, là lợi thế chiêu dụ người thích hàng cao cấp: ai cũng biết là dây USB do Apple chế tạo mắc tiền gấp 3 lần dây USB chính hãng của các công ty khác, và mắc tiền gấp 5 lần hoặc hơn so với những dây USB làm nhái của Tàu.

Cuối cùng, Apple cũng đã phải khuất phục trước tối hậu thư đưa ra: hoặc chấp nhận dùng chuẩn Âu châu cho dây USB của họ, hoặc mất thị trường Âu châu.

Vậy là tuồng đã hạ màn: Kể từ 28/10/2024, tất cả các thiết bị điện tử cầm tay dùng accu (như điện thoại di động, máy tính bảng, tai nghe, headphone…) đều phải được trang bị chấu cắm USB-C. Từ 28/04/2026 các laptop cũng sẽ được chế tạo để dùng dây sạc USB-C.

Hai lợi điểm lớn nhất của dây USB-C là không có phân biệt mặt trên mặt dưới của đầu cắm, và cục sạc cũng có lỗ cắm USB-C, tức là không như dây cũ, 1 đầu cắm vào lỗ USB của cục sạc hoặc của computer, đầu kia cắm vào lỗ của thiết bị.

Trong thời gian chuyển tiếp sẽ còn tồn tại vài trở ngại nhỏ: có thể bạn sẽ cần thêm một dây chuyển USB sang USB-C để có thể dùng để sạc các thiết bị mới (vì các thiết bị mới sẽ không được bán kèm với cục sạc nữa). Hoặc bạn có thể phải mua thêm cục sạc USB-C có công suất sạc cao hơn để dùng cho các thiết bị nạp điện nhanh hoặc tiêu thụ nhiều điện năng.

Và vấn đề chót, cần nhiều thời gian chuyển tiếp hơn: headphone và earphone cũng phải có chấu để cắm vào lỗ USB-C thay vì cắm vào lỗ 3,5mm cho âm thanh như các thiết bị cũ. Bạn có thể mua dây chuyển âm thanh từ 3,5mm sang USB-C, nhưng chắc chắn một điều là bạn sẽ không thể vừa dùng headphone vừa sạc điện được (vì chỉ có 1 lỗ cắm trên thiết bị) nếu bạn không có headphone/earphone có Bluetooth.

Chắc chắn trong vòng chục năm nữa, các cục sạc cũ sẽ nằm trong đống rác tái chế.

Còn ông Toine. Ông vẫn tiếp tục say mê với những ý tưởng mới để cải biến xã hội. Vốn là một nghệ sĩ, một nhà ươm cây, một doanh nhân… ông luôn suy nghĩ về những khó khăn người dân gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Một thay đổi nhỏ có thể dẫn đến một cải tiến không ngờ. Như một đề nghị khác của ông đã được nhiều người hưởng ứng: Khi trả tiền qua ngân hàng, ngân hàng có bổn phận kiểm soát xem tên và số tài khoản có ăn khớp với nhau không. Cách này đã được áp dụng tại các ngân hàng có trụ sở ở Hòa Lan, và tới cuối năm 2025 biện pháp này sẽ có hiệu lực trên toàn EU. Cuộc tranh đấu của ông cho một chiếc dây sạc cũng bắt nguồn từ sự bực bội khi ông muốn mượn dây sạc để sạc điện thoại của ông, năm 2009. “Có tới cả 30 dây sạc khác nhau, mà không có cái nào dùng được,” ông cho biết. “Đây thực là một sự phí phạm khủng khiếp.”

    

Trần Ngọc

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/chimotdaysacdien.html


Cái Đình - 2025