Nguyễn Hiền
Buổi giới thiệu tác phẩm ‘Verdreven Naar de Zee’
Sau nhiều tháng chờ đợi, tác phẩm “Verdreven naar de Zee” (tạm dịch: Bị đẩy/xua ra biển), gồm những câu chuyện do thuyền nhân Việt Nam ở Hòa Lan kể lại – do ông Lam Ngo (Ngô Thụy Trúc Lâm) tổng hợp và biên soạn, đã được giới thiệu lồng trong một buổi sinh hoạt đặc biệt về vấn đề thuyền nhân, tổ chức tại Viện Bảo tàng Hàng Hải (Maritiem Museum) ở thành phố Rotterdam, chiều ngày 05/04/2025.
Ngôn ngữ trong buổi sinh hoạt là tiếng Hòa Lan.
Bạn Tuấn đệm và trình bày ca khúc “Đêm Chôn Dầu Vượt Biển”,
sáng tác của nhạc sĩ Châu Đình An, với tiếng đệm đàn tranh của bạn Lãnh,
mở đầu cho buổi sinh hoạt giới thiệu ‘Verdreven Naar de Zee’.
Sau một khúc phim ngắn dẫn nhập về thuyền nhân, bạn Thế Phan, người điều hợp tổng quát của buổi sinh hoạt, đã trình bày một số nét về thuyền nhân và về người Việt ở Hòa Lan. Thế Phan lấy ngay cuộc đời của chính mình, anh không được cha mẹ kể nhiều về chuyến vượt biển. Khi làm việc ở một quốc gia thuộc vùng Đông Nam Á, anh có dịp tìm hiểu thêm về thuyền nhân, anh đã đi thăm trại tị nạn cũ, thấy được những di tích còn sót tại đó, cả cái ‘cây chết’ (death tree), là nơi có nhiều thuyền nhân đã tự tử vì bị loại khi thanh lọc… Theo thời gian, anh lần lần hiểu thêm về thảm cảnh tị nạn, về những gì cha mẹ anh đã phải gánh chịu, rồi qua thời gian cộng tác làm ‘Verdreven Naar de Zee’ anh càng hiểu về thuyền nhân nhiều hơn.
Thế Phan, một điều hợp viên chính của buổi sinh hoạt
Tiếp theo mục dẫn nhập này là phần phỏng vấn ba nhân vật chính trong công trình thu thập và biên soạn tác phẩm, với sự điều hợp của Tiffany Phạm. Ngoài tác giả Lâm Ngô, còn có giáo sư John Kleinen, ông từng là trưởng bộ môn Nhân học tại đại học Amsterdam và đã có nhiều công trình nghiên cứu ở Đông Nam Á – đặc biệt là Việt Nam; và ông Phạm Kim Luân, một người đã sát cánh với tác giả trong kế hoạch thực hiện dự án làm nên tác phẩm này.
Phỏng vấn ba nhân vật trụ cột của tác phẩm,
từ trái: ô. Lâm Ngô, John Kleinen, Kim Luân và cô Tiffany Phạm (phỏng vấn viên)
Ông Lâm Ngô đã lược kể công trình thu thập và biên soạn thành tác phẩm, một số khó khăn phải vượt qua. Trong cuốn sách, 18 câu chuyện do các thuyền nhân kể lại trong các cuộc phỏng vấn có thể coi là những chuyện chưa từng được kể, đã được ông đúc kết thành một hình ảnh của những cuộc vượt biển đầy gian nguy của người Việt tị nạn ở Hòa Lan.
Giáo sư John Kleinen đã thuật lại một số nhận xét của ông khi ông làm nghiên cứu ở các quốc gia Đông Nam Á và trong thời gian đầu của làn sóng thuyền nhân đến Hòa Lan. Ông cho biết là nhiều người Âu châu không thấy được là ngay bên trong ‘xã hội’ thuyền nhân cũng có những chia rẽ giữa các thành phần do nguồn gốc chủng tộc. Ông nhắc lại khi ông làm nghiên cứu về người tị nạn trong trại Khao-I-Dang ở biên giới Thái Lan-Cambodia, ông đã thấy người Việt gốc Hoa đã chịu nhiều kỳ thị, sự không ưa nhau giữa những nhóm người tị nạn có nguồn gốc khác nhau cũng xảy ra ở Hòa Lan.
Ông Phạm Kim Luân kể về thời gian ông lập nghiệp ở Hòa Lan, sự phấn đấu trong xã hội mới, tuy nhiên cũng có nhiều khó khăn trong việc tiến thân vì rào cản ngôn ngữ, thí dụ khi ông xin việc, người Hòa Lan có thể khen ‘bạn nói tiếng Hòa Lan giỏi’ nhưng rồi họ không thâu nhận…
Bạn Milcah tiếp theo đã đọc một trích đoạn trong tác phẩm, câu chuyện của linh mục Tạ Kim Thanh Bình.
Trong phần phỏng vấn hai bạn thuộc thế hệ thứ 2 – Tiffany Phạm và Tâm Ngô, do Thế Phan thực hiện, Tiffany cho biết là cô đã trải qua cuộc vượt biển kinh hoàng, thấy tận mắt người chết trên ghe và nhiều chuyện khác, chúng đã để lại nhiều dư chấn trong cô. Tâm Ngô kể về một số khác biệt trong cách xử sự giữa thế hệ thứ 1 và thứ 2, thí dụ khi anh muốn phỏng vấn ông bố, ông bảo anh ghi các câu hỏi trên email cho ông, trong khi anh nghĩ cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra trong một khung cảnh khác, qua lời kể chẳng hạn.
Phần 2 của chương trình là một tiết mục hấp dẫn: trao đổi cảm nghĩ về một số vấn đề các tham dự viên thấy là quan trọng. Phần này do bạn Belina điều hợp. Để biết quan điểm của những người tham dự, một cuộc thăm dò ý kiến ngay trong phòng họp qua thể thức bầu trực tiếp online đã nhận được hơn 80 phiếu chọn lựa, kết quả được liên tục cập nhật.
Một trong những vấn đề nhiều bạn quan tâm nhất, là sự hội nhập vào xã hội Hòa Lan, với những trải nghiệm rất khác nhau. Một bạn thuộc thế hệ thứ hai có nhận xét, một phần qua chính những gì bạn đã trải qua: nhiều bậc cha mẹ trong thập niên ’80, ’90 gặp xung đột xoay quanh hai vấn đề tài chính có liên quan đến gia đình hai bên: gởi quà và gọi điện thoại. Bạn khác thấy là một điểm có thể nhận ra sự hội nhập là tình trạng ‘giờ cao su’ nơi người Việt đã giảm rất nhiều. Nhận xét này được sự đồng tình của một người Hòa Lan có những hoạt động trong công tác tiếp nhận người Việt ở Hòa Lan những năm đầu tiên. Một bạn nhận thấy là người Hòa Lan theo như bạn tìm hiểu, ít biết về người Việt. Theo ý bạn đó, hội nhập phải là có làm chuyện gì đó mang tính xây dựng, bồi đắp cho xã hội mình đang sống, phải có giao tiếp với xã hội một cách tích cực. Bạn này không thấy sự đóng góp vào xã hội theo cách đó nơi người Việt, và cũng không có người Việt nào tham gia sinh hoạt chính trị, thí dụ như ứng cử vào các chức vụ ở các địa phương có nhiều người Việt định cư. Để phản bác, ý kiến được một bạn đưa ra là loempia cũng là một đóng góp vào xã hội, làm sinh hoạt ăn uống ở Hòa Lan đa dạng thêm.
Một vấn đề được thảo luận sôi nổi khác là người Việt được tiếng là siêng năng, chịu khó làm việc, nhưng vì sao người Việt phải/hoặc chịu làm việc quần quật tới mức không còn thời giờ dành cho việc riêng tư, nghỉ ngơi v.v.. Nhiều lý do được nêu ra: vì tới Hòa Lan phải bắt đầu sự nghiệp, vì bản tính người Việt vốn siêng năng, vì muốn làm gương cho con cái noi theo v.v.. Hoặc có thể là do muốn quên đi những ngày đau buồn hoặc quên đi nỗi nhớ quê hương. Hai ý kiến khác cũng gây nhiều chú ý: một vị cao tuổi thuộc thế hệ thứ nhất cho là cố gắng làm việc như một hình thức trả ơn phần nào sự cưu mang của chính phủ Hòa Lan. Một bạn trẻ nghĩ là đó có thể cũng là cách trong vô thức muốn chạy trốn những chấn thương tâm lý.
Có lẽ chấn thương tâm lý là một gánh nặng nhiều thuyền nhân đã phải đeo theo cả đời, vì có những người gật gù tỏ ra đồng ý. Chị Tiffany Phạm, một chuyên viên về hướng dẫn chữa trị chấn thương tâm lý xác nhận điều này, và đã đưa ra vài lời khuyên là không nên chạy trốn và cố dồn nén, nhưng phải tìm cách nói ra, để từ đó có thể làm nhẹ bớt gánh nặng. Tuy nhiên, chị nói, nên cẩn thận và không phải người nào cũng là nơi để mình trải lòng. Tốt nhất là tìm những chuyên viên về tâm lý, là những người được đào tạo những kỹ năng để chữa trị chấn thương tâm lý.
Một vấn đề khác được mổ xẻ là câu hỏi phải chăng với người ngoại quốc có một cái ‘trần kiếng’ (glass ceiling – glazen plafond, tiếng lóng để chỉ một giới hạn vô hình khiến cho một người – thường ám chỉ phái nữ, không thể vượt qua một giới hạn trong nấc thang tiến thân)? Câu hỏi này gợi nên từ câu chuyện của ông Phạm Kim Luân trong phần phỏng vấn đầu chương trình, và qua bàn cãi, dường như cái trần này có thực nơi người Việt ở Hòa Lan. Lý do vì sao, vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Xen giữa các tiết mục mạn đàm và phỏng vấn là các tiết mục trình diễn đàn tranh của bạn Lãnh, và đặc biệt là bạn Sandra Phạm đã đàn và hát hai bản nhạc do bạn sáng tác bằng tiếng Hòa Lan, với tiết điệu rất mới, và bạn Tâm Ngô có màn rap tiếng Hòa Lan đầy ấn tượng. Được biết Sandra Phạm vừa nhận giải Young Impact Awards về Diversiteit năm 2024. Đây là giải trao cho các tài năng trẻ được tổ chức Young Impact phát hiện.
Sandra Phạm với ‘Een Nieuwe Stad’ do cô sáng tác
Buổi sinh hoạt kết thúc với lời cám ơn của ban tổ chức và của tác giả ‘Verdreven naar de zee’. Những bó hoa được trao cho các nhân vật góp nhiều công để buổi tổ chức được diễn ra như ý. Một số trong gần 150 người tham dự sau đó đã có những phút gặp gỡ riêng để trao đổi tâm tình trong một tiệc trà thân mật.
Nguyễn Hiền
Xem các chi tiết về tác phẩm ‘Verdreven Naar de Zee’ nơi đây
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/sinhhoat/sinhhoathoalan/buoigioithieutacphamverdreven.html