Phạm Ɖình Lân
Xà Tộc Thán
.
Trước khi đại diện Xà tộc lên diễn đàn ban nhạc Eagle trình diễn bản nhạc khá dài tựa đề La Vipère et la Sangsue lấy từ bài ngụ ngôn của Jean Pierre Claris de Florian (1755 - 1794). Bản nhạc này do một nhạc sĩ trẻ của tộc Đại Bàng Sói Hoa Kỳ phổ nhạc và được ban nhạc Eagle trình bày rất tuyệt. Đại biểu các tộc động vật rất thích phần âm nhạc cũng như giọng ca của nữ ca sĩ Rossignol nhưng họ thắc mắc về lời của bản nhạc ở đoạn cuối:
Entre nous deux, je crois, la différence est belle.
Je suis remède, et vous poison.
Tôi nghĩ rằng giữa đôi ta sự khác biệt rất ư là đẹp
Tôi (Đỉa) là phương thuốc còn anh (Rắn) là thuốc độc.
Đó là lời nói của anh Đỉa với với anh Rắn trong một cuộc đối thoại thiếu thân mật.
Hầu hết các đại biểu động vật đều cho rằng loài người là kẻ thù của muôn loài động vật kể cả cây cỏ trên Trái Đất. Đỉa làm lợi cho loài người; Rắn hại loài người bằng nọc độc. Đối với cộng đồng quốc tế động vật Đỉa tốt hay Rắn tốt? Dưới hội trường có tiếng la to: “Đả đảo ban nhạc Eagle! Đả đảo ban nhạc Eagle! Đả đảo! Đả đảo!” Đại diện Xà tộc là Trăn Anaconda hay Mãng Xà Anaconda lên giàn xếp, các đại biểu động vật mới ngừng phản đối. Đại diện Xà tộc cho biết nhạc sĩ Đại Bàng Sói Hoa Kỳ sáng tác bản nhạc La Vipère et la Sangsue nhằm mục đích phục vụ nghệ thuật chớ không có hậu ý gì khác. Ông kêu gọi đại biểu các động vật bình tĩnh hầu tránh những sự hiểu lầm đáng tiếc vô tình gây chia rẽ đoàn kết động vật. Trăn Anaconda vừa dứt lời thì một nữ ca sĩ dòng Hải Yến ca bản Hãy Quên Đi Chuyện Vừa Qua để tái lập trật tự trong hội trường và chuẩn bị cho trưởng lão Trăn Anaconda đọc tham luận về Xà.
***
Tôi là trưởng lão Trăn Anaconda Nam Mỹ. Tên khoa học của tộc Mãng Xà chúng tôi là Eunectes murinus thuộc gia đình Boidae. Đại Hội Đồng Xà Tộc Quốc Tế đề cử tôi thay mặt Xà tộc để trình bày với quí vị về Xà tộc, dòng họ, những nỗi vinh nhục trong cuộc sống của họ Xà.
Trăn Anaconda Nam Mỹ Eunectes murinus (Ảnh: treopicalherping.com)
Xà tộc có 20 đại gia đình và 3.200 loại Rắn khác nhau sống khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Xà tộc có thể sống ở mọi vùng khí hậu trên địa cầu từ vùng có nhiều cây cối rậm rạp, vùng ẩm ướt, đồng cỏ đến sa mạc khô hạn. Xà tộc vắng bóng ở Tân Tây Lan, Greenland, Ái Nhĩ Lan, Iceland, Hawaii.
Xà tộc là động vật có xương sống, không có chân, mình hình ống thon, dài và uốn éo uyển chuyển, linh động. Mình phủ đầy vảy có nhiều màu khác nhau. Xà tộc là động vật ăn thịt sống. Thức ăn của Xà tộc là Chim, Chuột, Ếch, Nhái, loài bò sát v.v.. Mãng Xà có thể ăn Nai, Trừu, Heo, Beo, Chó v.v.. Xà tộc đẻ trứng. Cũng có gia đình Xà tộc đẻ con như Trăn Đuôi Đỏ Boa contrictor, gia đình: Boidae; Rắn Biển Pelamis platura, gia đình: Elapidae; Rắn Chuông Crotalus cerastes, gia đình: Viperidae và vài loại Rắn có nọc độc khác (Vipers).
Loài người cho rằng Xà tộc chúng tôi gần như mù. Có lẽ họ thấy mắt chúng tôi nhỏ và lúc nào cũng lim dim. Nhưng họ quên rằng nếu mù làm sao chúng tôi hoạt động về đêm được. Thực sự Xà tộc không có tai nên không nghe gì cả. Các anh chị ấy bắt mồi bằng cách đánh hơi.
Trung bình mỗi anh chị Rắn có 200 cái răng nhỏ nhưng bén nhọn. Rắn có răng nanh để truyền nọc độc vào cơ thể người hay động vật bị cắn nhanh chóng.
Rắn có máu lạnh (ectothermy) và lột da mỗi năm từ 03 đến 06 lần.
Các anh Xà có hai bộ phận sinh dục (hemipenes).
Xà tộc nhỏ nhất chỉ dài lối 10 - 12cm. Đó là Rắn Trùn (worm snake; thread snake: Rắn Chỉ) Leptotyphlops carlae, gia đình: Leptotyphlopidae. Các chị Rắn nhỏ bé này chỉ đẻ một trứng mà thôi.
Rắn Trùn Leptotyphlops carlae (Ảnh: Wikipedia)
Rắn Hổ Mang Bành (Cobra) Ophiophagus hannah, gia đình: Elapidae dài từ 1m đến 5m và cân nặng lối 6kg hay hơn nữa.
Rắn Hổ Mang Bành (Cobra) (Ảnh:wikipedia)
Rắn Chuông (Rattlesnake) Crotalus cerastes, gia đình: Viperidae dài lối 2,5m và cân nặng lối 5kg.
Rắn Chuông Crotalus cerastes (Ảnh: Wikipedia)
Trăn Python reticulatus hay Boa reticulata, gia đình: Pythonidae dài trung bình 07m, cân nặng 60 – 75kg. Trăn dài nhất đo được 10m bị bắt năm 1912 trên đảo Sulawesi. Anh Trăn Miến Điện này cân nặng 182,76kg. Anh Trăn này được nuôi trong sở thú Illinois. Năm 2002 người Indonesia trên đảo Sumatra bắt một anh Trăn không đặt tên dài 1m. Mỗi tháng anh Mãng Xà này ăn 04 chàng Khuyển hung hăng nhất. Đó là sở thích đặc biệt của anh. Năm 2016 một anh Mãng Xà dài 8m, cân nặng 250kg bị các công nhân xây cất gần đảo Penang, Mã Lai, bắt được.
Trăn Python reticulatus hay Boa reticulata (Ảnh: usgs.gov)
Trăn Anaconda chúng tôi Eunectes murinus, gia đình: Boidae có thể dài đến 7,7m và cân nặng 250kg.
Thức ăn của Xà tộc rất đa dạng. Có thể là Ếch, Nhái, Chim Muông, Chuột, loài bò sát. Thức ăn của Trăn có thể là Heo, Nai, Thỏ, Beo, Chó, Sấu nữa.
Rắn dùng nọc độc làm cho con mồi tê liệt rồi dùng thân hình quấn chặt con mồi để ăn.
Trăn có thân dài, nặng cân và rất mạnh. Sức mạnh của Trăn và Rắn nằm trong xương sống. Chúng tôi siết chặt con mồi to lớn như Nai, Dê, Heo và ăn dần nó trong nhiều ngày.
Người Việt Nam có câu: Lột da sống đời. Xà tộc chúng tôi lột da mỗi năm ít ra 3 lần. Có tộc lột da 6 lần mỗi năm. Tuổi thọ của Xà tộc trong trạng thái bị giam giữ trong các sở thú hay trại chăn nuôi Rắn để lấy nọc độc xê dịch từ 25 đến 50 năm. Tuổi thọ trung bình trong trạng thái hoang dã thấp hơn tuổi thọ của Xà tộc bị giam giữ.
Xà tộc có tuổi thọ cao nên tuổi yêu đương của Xà tộc tương đối cao, khoảng 7 tuổi trong khi tuổi yêu đương của Trăn (anaconda, python, boa) khoảng 4, 5 tuổi. Nhiều nữ Xà có tuổi cặp kê đến 10 tuổi.
75% Rắn đẻ trứng. Trứng nở ra con trong thời gian 45 - 70 ngày tùy theo tộc. Có những tộc Rắn ấp trứng. Cũng có tộc Rắn không ấp trứng. Trứng nở nhờ nhiệt độ của ánh nắng mặt trời. 25% Xà tộc đẻ con.
Mùa yêu đương của Xà tộc là mùa xuân và đầu hạ. Các nam Xà tụ tập và đấu đá nhau giành quyền ái ân với các nữ Xà ở những địa điểm có tiếng gọi của các nữ Xà đang độ yêu đương. Tiếng gọi đó là mùi hương toát ra từ các nữ Xà. Các nam Xà quấn vào nhau thành một trái cầu to lớn trong khi chờ đợi sự lựa chọn của nữ Xà. Sau cuộc ái ân nữ Xà trở nên hiềm khích với nam Xà vừa ái ân với chị ấy. Nam Xà thua buồn đi tìm nữ Xà khác trong mùa yêu đương này. Các nam Xà có hai bộ phận sinh dục. Vì vậy, sau một lần ái ân, có những nữ xà vẫn đẻ trứng nở ra con mà không trải qua những giây phút ái ân với nam Xà vì số tinh trùng được tồn trữ trong lần ái ân trước.
Trăn Anaconda chúng tôi sống rất nhiều ở các vùng đầm lầy Nam Mỹ, dọc theo sông Amazon. Có hai tộc Trăn Anaconda căn cứ vào màu da:
1. Trăn Anaconda Xanh (Eunectes murinus)
2. Trăn Anaconda Vàng (Eunectes notaeus).
Trăn Anaconda Xanh (Eunectes murinus) (Ảnh: Shutterstock)
và Trăn Anaconda Vàng (Eunectes notaeus) (Ảnh: alamyimages.fr)
Tuổi yêu đương của dòng Anaconda chúng tôi xê dịch từ 3 đến 4 tuổi. Cuộc sống nam-nữ của chúng tôi cũng giống như Xà tộc. Sau khi ái ân nhiều nữ Trăn ăn thịt vài người yêu đã từng vui hưởng cuộc ái ân với nàng! Thời gian mang thai của các chị Trăn Anaconda kéo dài từ 6 đến 7 tháng. Các chị sinh trung bình 20 - 40 con dưới nước. Có khi số Trăn con lên đến 80. Vừa sinh ra các tiểu tử Trăn Anaconda phải tự túc, tự lực cánh sinh chớ không được sự chăm sóc của cha mẹ. Con cái nhà Trăn Anaconda là như thế đó. Mở mắt chào đời không biết cha vì đã bị mẹ giết chết sau cuộc ái ân kéo dài hàng giờ hay có khi cả ngày. Vừa ra khỏi bụng mẹ đã phải lặn lội dưới các vùng lầy. Tình mẫu tử Trăn, Rắn sao khô khan và tàn độc thế! Hèn gì mấy thằng cha Việt Nam hay nói câu: Chằn ăn Trăn quấn.
Trăn Lưới (vì da tựa như cái lưới) Python reticulatus (reticulatus: như cái lưới net-like), gia đình: Pythonidae được tìm thấy nhiều ở các nước Đông Nam Á, đẻ trứng ấp trong vòng 88 ngày và nở ra Trăn con dài lối 60cm. Trăn Lưới đẻ từ 60 - 80 trứng.
Trăn Lưới Python reticulatus (Ảnh: Wikipedia)
Trăn Đuôi Đỏ (Red-tailed Boa) Boa constrictor, gia đình Boidae như Trăn Anaconda, được tìm thấy nhiều ở Nam Mỹ, Florida, Virgin Islands. Loại trăn này dài 3 - 4 m, sinh con.
Trăn Đuôi Đỏ (Ảnh: thesprucepets.com)
Người Anh dùng ba từ Boa, Acanonda và Python để chỉ tộc Trăn. Trăn BOA và ANACONDA thuộc gia đình Boidae. Trăn PYTHON thuộc gia đình Pythonidae.
Về chiều dài ta có: Python > Anaconda > Boa
Về trọng lượng ta có: Anaconda > Python > Boa
Về môi trường sống ta có: Anaconda và Boa sống ở Nam Mỹ, vùng Caribbean. Python sống nhiều ở Nam Á, Đông Nam Á.
Trăn không có nọc độc như Xà tộc nhưng rất nguy hiểm vì có thể ăn những con vật lớn như Nai, Chó, Heo, Khỉ, Beo đến người ta bằng cách quấn chặt và siết con mồi cho đến khi ngộp thở và chết rồi ăn thịt dần dần.
Có trên 3.000 Xà tộc trên thế giới. 15% Xà tộc có nọc độc. 85% còn lại không có nọc độc. Loài người cho rằng con ngươi trong mắt Xà tộc có nọc độc hình tròn. Nhận xét này có giá trị rất tương đối.
Nọc độc của Xà tộc có từ 90 đến 95% proteins, neurotoxins, cardiotoxins rất độc hại đối với tim và thần kinh.
Chúng ta thử lướt qua vài tộc Xà có nọc độc:
- Rắn Cạp Nong (Krait) mặc quần áo xanh có sọc trắng mang tên khoa học Bungarus caeruleus, gia đình: Elapidae. Địa bàn sống: Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh.
Rắn Cạp Nong (Ảnh: indian-animals.blogspot.com)
- Rắn Mang Bành (Cobra) Ophiophagus hannah, gia đình: Elapidae. Rắn mặc quần áo đen có sọc vàng nhạt. Địa bàn sống: Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, các nước Đông Nam Á.
- Rắn Chuông (Rattlesnake) Crotalus cerastes, gia đình: Viperidae. Bộ phận gây âm thanh nằm dưới đuôi. Có loại Rắn Chuông Hai Đầu. Địa bàn sống: Nam Mỹ, Bắc Mỹ. Rắn Chuông sống trong vùng đầm lầy, đồng cỏ, đầm pha nước mặn, sa mạc, rừng rậm. Rắn Chuông rất độc. Rắn Chuông sinh con sau khi các chị Rắn Chuông mang thai 3 tháng.
- Rắn Biển Mũi Lưỡi Câu Belcher (Belcher's Sea Snake) mang tên đô đốc Anh Edward Belcher (1799 - 1877). Rắn Biển này rất độc. Tên khoa học là Hydrophis belcheri, gia đình: Elapidae. Địa bàn sống: Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương từ Thái Lan sang Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân v.v.
Rắn Biển Mũi Lưỡi Câu Belcher (Ảnh: Pnterest)
- Hồng Xà (Coral snake. Coral: màu hồng) hay Xích Xà có nhiều trên các cựu lục địa và tân lục địa. Hồng Xà Micrurus fulvius, gia đình: Elapidae mặc quần áo có ba mầu đen-vàng-đỏ trông ghê rợn. Người ta cho rằng Hồng Xà mặc quần áo Đỏ-Vàng rất độc xuyên qua câu châm ngôn của người Mỹ: Red-Yellow kills a fellow (Rắn Đỏ-Vàng giết một người bạn).
Hồng Xà Micrurus fulvius (Ảnh: https://nl.dreamstime.com)
- Độc Xà ăn Chuột (Rat adder) Vipera berus, gia đình: Viperidae có nhiều ở Âu Châu, Trung Hoa, Triều Tiên, Mông Cổ. Xà tộc ăn Chuột này có nọc độc, mặc áo quần màu đen có sọc xám; sinh con sau khi mang thai (trứng) lối 3 tháng.
Độc Xà ăn Chuột Vipera berus (Ảnh: soortenbank.nl)
- Rắn Màu Hung Đỏ nhạt ở Úc (Brown snake) mang tên khoa học Pseudonaja textilis, gia đình: Elapidae. Địa bàn sinh sống: Úc Đại Lợi, Papua New Guinea. Xà tộc này đẻ trứng. Xà tử không được mẹ chăm sóc ngay từ khi mới chào đời. Nhiều người cho rằng tình phụ tử và tình mẫu tử của Xà tộc có vẻ nghèo nàn quá. Cũng có thiểu số người ca ngợi vì cho rằng làm như thế Xà tử quen dần với sự đấu tranh sinh tồn (đấu tranh với thời tiết; đấu tranh với chim muông đến ăn thịt và phát triển óc tự lực cánh sinh)!!
Rắn Màu Hung Đỏ nhạt Pseudonaja textilis (Ảnh: natureplprints.co)
- Rắn Vảy Lưỡi Cưa (Saw-scaled Snake) Echis carinatus, gia đình: Viperidae mặc quần áo đỏ viền trắng. Các chị Rắn Vảy Lưỡi Cưa sinh con. Địa bàn sinh sống: Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka, các quốc gia Trung Á.
Rắn Vảy Lưỡi Cưa Echis carinatus (Ảnh: Wikipedia)
- Rắn Mulga (King brown snake) là Rắn màu hung đỏ nhạt to lớn mang tên khoa học Pseudechis australis. Có nọc độc. Rắn Mulga được tìm thấy nhiều ở Úc Đại Lợi. Rắn Mulga đẻ trứng.
Rắn Mulga Pseudechis australis (Ảnh: australiaswildlife.com)
- Rắn Taipan hay Rắn Vảy Nhỏ (small- scaled snake) còn được gọi là Rắn hung tợn (vì nọc độc chớ không phải vì đặc tính hung hăng, bạo tợn của các anh chị ấy) mang tên khoa học Oxyuranus microlepidotus, gia đình: Elapidae. Taipan là tên gọi của thổ dân địa phương ở Úc Đại Lợi chỉ một loại Rắn có nọc độc rất mạnh trong nội địa Úc Đại Lợi (inland taipan). Các chị Rắn Taipan đẻ trứng.
Rắn Taipan hay Rắn Vảy Nhỏ (Ảnh: biologydictionary.net)
- Rắn Mamba ám chỉ loại Xà tộc sống trong các bộng cây có nọc độc rất nguy hiểm cho tánh mạng người bị cắn. Tên khoa học của Rắn Mamba là Dendroaspis polylepis, gia đình: Elapidae. Địa bàn: các nước Đông Phi và Trung Phi. Rắn Mamba mặc hai mầu quần áo khác nhau:
a. Rắn Mamba Dendroaspis polylepis mặc quần áo đen.
b. Rắn Mamba Dendroaspis angusticeps mặc áo quần màu xanh.
Rắn Mamba Dendroaspis polylepis (Ảnh: a-z-animals.com)
và Rắn Mamba Dendroaspis angusticeps (Ảnh: reptilefact.com)
Cả hai đều có nọc rất độc. Các anh chị Mamba dài đến 3,5 - 4,5m nên sự di chuyển rất nhanh. Rắn Mamba đẻ trứng. Trứng ấp từ 80 - 90 ngày mới nở ra Xà tử.
Đối với người Việt Nam Rắn Hổ Mang (copperhead – Agkistrodon contortrix, gia đình: Viperidae), Rắn Hổ Mây (da giống vỏ trái mây), Rắn Lục, Rắn Trùn (Rắn nhỏ lối 10 cm hình ống bằng nhau từ đầu tới đuôi), Rắn Râu, Rắn Vày Tên là những Xà tộc có nọc độc có thể gây tử vong nếu không cứu chữa kịp thời.
Rắn Lục (Ảnh: Wikipedia)
Các Xà tộc không có nọc độc ở Việt Nam là Rắn Nước, Rắn Hổ Ngựa (Coelognathus radiata, gia đình Colubridae), Rắn Hổ Hành (vì hôi hành - Xenopeltis unicolor, gia đình Xenopeltidae), Rắn Roi, Rắn Bông Súng v. v.
Rắn Bông Súng (Ảnh: Wikipedia)
Nhìn chung các Xà tộc có nọc độc đa số thuộc gia đình Viperidae và Elapidae.
Người Anh dùng chữ Snake để chỉ chung Xà tộc. Serpent và Viper cũng chỉ Xà tộc. Serpent là Rắn không có nọc độc. Viper là Rắn có nọc độc.
***
Thưa quí vị, loài người có ác cảm với Xà tộc chúng tôi. Họ săn lùng bắt chúng tôi. Họ bẻ răng chúng tôi, cắt cổ lấy huyết, lột da lấy thịt làm gỏi ăn với nước mắm me, xào lăn với bột cà -ri hay nấu cháo Rắn. Ở vài địa phương ở Trung Hoa người ta ăn cháo Rắn với lá hoa cúc non. Người ta uống huyết Rắn với rượu. Họ ăn trứng Rắn như ăn hột Gà. Mỗi chị Rắn có từ 10 - 15 trứng. Mật Rắn dùng để làm thuốc. Trước kia ở Việt Nam có liều thuốc Tam Xà Đởm kết hợp mật của ba tộc Rắn. Lại có Thuốc Dán Con Rắn.
Loài người cho rằng ăn thịt Rắn để được cường dương, kích dục.
Xương Rắn và Trăn dùng để nấu cao, trị đau lưng, đau xương sống.
Mỡ Trăn dùng để trị tê thấp, gãy xương.
Những nghiên cứu gần đây cho thấy acid béo trong máu Trăn sau khi ăn một ngày có lợi cho bịnh tim. Mặc dù vậy người ta cho rằng không nên ăn thịt Trăn vì có nhiều thủy ngân! Lời khuyên này sớm bay đi như cơn gió thoảng.
Da Trăn và da Rắn được dùng làm bóp, giày, dây thắt lưng v.v.. Ở Indonesia và Trung Hoa có lò sát Rắn để lấy thịt, huyết và da Rắn. Người Thái Lan cũng có nhiều kinh nghiệm săn bắt tộc Mãng Xà chúng tôi. Trong truyện chưởng của Kin Yung (Kim Dung) có đề cập vua Nam Đế (ám chỉ người Nam Chiếu tức người Thái ở Yunnan Vân Nam và Thái Lan bây giờ) uống huyết Mãng Xà.
Người Việt Nam phân biệt các tộc Trăn Đất, Trăn Gấm (vảy có vằn), Trăn Gió (bò rất nhanh), Trăn Núi (Trăn to ở vùng núi cao), Trăn Nước (vì sống dưới nước). Người ta nói Xà tộc chúng tôi ác hiểm, làm cho người và các loại thú vật khác phải khiếp sợ. Điều này đúng 50%. Trong những năm vừa qua Rắn và Trăn gặp những người học tập cải tạo đều bỏ chạy mất hồn. Không phải họ mạnh mà chúng tôi sợ mà vì họ đói nên quyết sống chết rượt bắt chúng tôi làm thịt ăn cho đỡ đói. Kẻ độc ác như Xà tộc chúng tôi lại sợ người đói hay thiếu chất dinh dưỡng! Nhục thay! Nhục thay!
Loài người tàn nhẫn với Xà tộc chúng tôi lắm. Họ gây ấn tượng chúng tôi hiểm độc nên gặp đâu giết đó và luôn miệng nói: Đập Rắn phải đập nát đầu. Nếu không, nó báo thù.
Loài người dựng lên những mẩu chuyện anh hùng như:
- Thạch Sanh chém Chằn.
- Nào là Thần Apollo bắn hàng trăm mũi tên để giết con Trăn-Rồng ở Delphi. Theo huyền thoại Hy Lạp thì Thần Zeus tư tình vụng trộm với nữ Thần Leto. Nữ Thần Leto mang song thai. Đó là Thần Artemis và Thần Apollo sau này. Vợ Thần Zeus là Hera nổi cơn ghen. Bà cho Trăn-Rồng theo dõi bà Leto, mẹ của Thần Apollo, trong lúc mang thai. Khi lớn lên Thần Apollo giết Trăn-Rồng để báo thù cho mẹ.
- Nào là Liu Pang (Lưu Ban 256 hay 247(?) tr. T.L - 195 tr. Tây Lịch), người khai sáng ra nhà Hán, chém Bạch Xà như để nói lên tính anh hùng của những người vĩ đại trong xã hội loài người.
Thánh Kinh nói nhiều về Xà tộc với nhiều nét xấu hơn là tốt. Xà tộc được xem như quỉ sứ cám dỗ ngay từ trong vườn Eden giữa ông Adam và bà Eva. Trong văn hoá Ai Cập cổ và văn hoá Mesopotamia (Lưỡng Hà Châu) Xà tộc lại là biểu tượng của sự sinh sản và cứu trị. Dấu hiệu Tây Y là hình ảnh Rắn quấn trên chiếc roi của Asclepius, Thần Y Tế trong huyền thoại Hy Lạp. Nọc Rắn rất độc khi bị Rắn cắn nhưng đó là phương thuốc chữa bịnh ung thư.
Xà tộc được nhắc đến trong sách Revelation 12:9, 20:2. Rắn là quỉ, là cái gi xấu xa, tàn độc. Rắn trong vườn Eden được nhắc đến trong Genesis 3:1 - 20. Trong sách Jeremiah 51:34 nhà tiên tri Jeremiah ví vua Babylonia như Rắn (monster: quái vật) nuốt thành Jerusalem. Xà tộc được nhắc đến rất nhiều trong sách Exodus 3:4 - 20 rồi 4:3 khi Moses được lịnh từ Thượng Đế đưa dân Do Thái ra khỏi Ai Cập để thoát đời nô lệ. Moses xin Thượng Đế chọn người khác vì ông không cáng đáng nổi công việc nặng nhọc này cũng không thể làm sao cho người Do Thái ở Ai Cập tin ông. Thượng Đế hỏi: Nhà người cầm cái gì vậy? - Dạ thưa cây gậy. Moses đáp. Hãy liệng nó xuống đất! Thượng Đế phán. Moses liệng cây gậy xuống đất. Cây gậy biến thành một anh Rắn. - Hãy nắm đuôi con Rắn lại! Thượng Đế phán. Moses nghe lời làm theo thì con Rắn biến thành cây gậy. Phép lạ ấy giúp cho lời nói của Moses được mọi người tin phục và rủ nhau trốn khỏi Ai Cập để tìm đường về đất tổ phụ Abraham dưới sự chỉ huy của Moses.
Nọc độc Crotoxin của Xà tộc CB24 được dùng làm thuốc giết tế bào ung thư bướu. Nọc độc của Rắn Hổ Mang Bành dùng để làm thuốc hạ huyết áp. Khái niệm lấy độc trị độc của loài người không tệ vậy.
Ngày nay trên thế giới có nhiều trại nuôi Rắn để bán nọc độc. Ấn Độ, Trung Hoa, Hoa Kỳ, Thái Lan,Việt Nam đều có trại nuôi Rắn để bán thịt, da, và nọc độc sấy khô dùng làm thuốc chữa bịnh. Ở Trung Hoa người ta dùng da Rắn làm dụng cụ âm nhạc. Ấn Độ là nơi dân chúng có nhiều kinh nghiệm bắt Rắn độc. Ở Ấn Độ người ta dụ Rắn đến để bắt bằng tiếng sáo hay tiếng kèn nhỏ (Rắn không có tai nhưng có thể nghe! Tai Rắn nằm khuất dưới một cục xương). Có lẽ vì vậy mà ở Việt Nam ban đêm người ta cử hút gió vì sợ Rắn Lục đến.
Trong Thiên Văn Học có chòm sao Hydra, tên một loài thuỷ quái như Rắn Biển có nhiều đầu trong huyền thoại Hy Lạp.
Trong thực vật học có nhiều loại cây cỏ mang tên Snake, Rắn hay Xà như:
Trong ngôn ngữ Việt Nam, căn cứ vào màu sắc và đặc tính của Xà tộc ta có: Bạch Xà, Thanh Xà, Độc Xà. Mãng Xà là tộc Trăn của chúng tôi.
- Khẩu Xà tâm Phật: lời nói độc như nọc độc của Rắn nhưng tâm không độc.
- Khẩu Phật tâm Xà: lời nói hiền như Phật nhưng tâm độc ác như Rắn độc.
- Ngựa chạy đàng Xà: ngựa chạy trên đường uốn khúc như Rắn bò.
- Vẽ Rắn thêm chân (Hoạ Xà thêm túc): thêu dệt và cường điệu hoá một chuyện gì.
- Vẽ Rồng vẽ Rắn: thêu dệt không đúng sự thật.
Xà tộc Việt Nam cảm thấy không hài lòng về chuyện Rắn Thần Báo Oán khiến Nguyễn Trãi, một đại công thần có công giúp Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh thành công vào thế kỷ XV, bị tru di tam tộc một cách oan ức. Rồi người ta dựng lên chuyện Rắn Thần Báo Oán qua người thiếp trẻ và đẹp của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, hoá kiếp từ một chị Rắn. Sắc đẹp và sự thông minh của Nguyễn Thị Lộ lay động tính hiếu sắc của vua Lê Thái Tôn. Cái chết oan ức của Nguyễn Trãi có nguồn gốc chánh trị sâu xa:
1. Liên hệ huyết thống của tiến sĩ Nguyễn Trãi với nhà Trần (Nguyễn Trãi là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán). Tướng Trần Nguyên Hãn có công trong cuộc kháng chiến chống quân Mình dưới sự lãnh đạo của Bình Định Vương Lê Lợi là cháu của Trần Nguyên Đán. Ông bị ám hại chết sau khi rũ áo từ quan. Tiến sĩ Nguyễn Trãi cũng rũ áo từ quan sau ông nhưng cũng không thoát chết vì sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi xin Minh Triều sắc phong. Nhà Minh từ chối. Họ chỉ sắc phong cho con cháu nhà Trần mà thôi. Các bô lão ký thơ thỉnh nguyện xin nhà Minh sắc phong cho Bình Định Vương Lê Lợi vì con cháu nhà Trần không còn ai nữa. Sự hiện diện của Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trãi trở thành hai cái gai trước mắt các triều thần nhà Hậu Lê. Mãi đến triều vua Lê Thánh Tôn, tiến sĩ Nguyễn Trãi mới được phục hồi danh dự.
2. Sự ganh tỵ suy bì giữa các võ quan gốc Thanh Hoá có liên hệ thân thuộc với vua Lê Thái Tổ với văn quan Nguyễn Trãi, tác giả của Bình Ngô Đại Cáo.
Trong 12 con giáp Xà tộc đứng trước Mã tộc và sau Long tộc. Trong Đề 40 con Rắn mang số 32 trước mấy anh chị Nhện (số 33) nhưng sau mấy anh chị Tôm (số 31). Thầy tướng chê người có tướng đi õng ẹo như Rắn uốn khúc. Người có mắt lim dim như Rắn là có tâm không hiền.
Trong võ thuật loài người há không học thế mổ của Xà tộc và thế siết cổ đối thủ của Trăn?
Loài người chê Xà tộc chúng tôi độc ác. Họ hiền với chúng tôi sao? Săn bắt, bẻ răng, cắt cổ uống huyết, lột da làm bóp, làm giày; thịt thì nấu cháo, xào lăn, làm gỏi Rắn bán ở các nhà hàng. Đã vậy họ còn biếm nhẽ Xà tộc. Ai có tướng giống Xà tộc thì bị chê. Chưa hết, loài người còn nghiên cứu về các loài bò sát như Xà tộc và khám phá ra những bí mật phòng the của các nam Xà. Vậy mà mấy thằng Chó trung thành với chủ loài người của chúng để bị loại người khinh bỉ với câu: Chó sủa người áo rách. Hiểu hết nổi rồi.
Dưới hội trường đại diện Berger Đức sủa vang lên và lồng lộn muốn nhảy lên cắn Trăn Anaconda. Nhưng thấy thân hình dài 7m với trọng lượng bằng 150kg của Trăn nên đại diện Berger Đức đành phải theo triết lý một câu nhịn chín câu lành của người Việt Nam. Trăn Anaconda nhìn đại diện Berger Đức bằng cặp mắt khinh bỉ rồi tiếp tục đọc bài tham luận về Xà tộc. Bỗng nhiên đại diện Gà Ác chân đen đứng lên phản đối ngôn từ thiếu lịch sự của đại diện Xà tộc đối với Khuyển tộc. Đại diện Gà Ác nói: “Tôi không ưa gì Khuyển tộc. Hàng ngày các anh chị Khuyển hiếp đáp chúng tôi dữ lắm. Nhưng hiện nay chúng ta tham dự Quốc Tế Động Vật Hội Nghị thì mỗi đại diện các tộc động vật đều bình đẳng nhau dù sức vóc và trọng lượng cũng như sức mạnh của các động vật đều khác nhau. Chúng ta đến đây không phải để khinh bỉ, mạt sát nhau mà để lên án sự độc ác của loài người đối với động vật chúng ta như Trăn Anaconda đã nói qua về cảnh loài người uống huyết Rắn, cắt cổ, lột da Rắn hay chuyện một anh hay chị Trăn nào đó bị vua Nam Đế họ Đoàn cắt cổ uống huyết tươi nghe qua ai cũng rợn người. Đại diện Xà tộc khinh bỉ Khuyển tộc trung thành với chủ giàu, và ghét người áo rách. Điều ông nói không sai. Nhưng suy cho cùng Xà tộc của các ông phục vụ cho loài người bằng xương, thịt, huyết, da và trứng. Âu đó cũng là số phận tập thể của muôn loài động vật trên mặt địa cầu này vậy.” Cả hội trường đều im lặng. Để phá tan bầu không khí nặng nề trong hội trường một nữ Sơn Tước mời đại diện Xà tộc tiếp tục đọc bài tham luận của ông. Trưởng lão Mãng Xà Anaconda tiếp tục đọc nốt bài tham luận về Xà tộc.
Đại diện Xà tộc tôi xin cảm ơn đại diện Gà Ác. Lời phát biểu quí báu của ông vừa qua kết thúc bài tham luận của chúng tôi hôm nay. Tôi chua xót khi nghĩ đến những anh chị Rắn và Mãng Xà bị giam giữ trong sở thú hay các trại chăn nuôi Rắn của loài người khắp thế giới. Tôi cũng đau lòng khi nghe đến cảnh truy lùng, bắt bớ và giết hại Xà tộc ở Ấn Độ, Trung Hoa, Thái Lan, Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân, Việt Nam v.v.. Càng đau buồn hơn khi thấy da của Xà tộc và Mãng Xà được trưng bày ở các hiệu tiệm nổi tiếng trong các thành phố lớn của loài người dưới dạng bóp, túi xách, giày da. Xác thịt của họ được hấp, nấu, chiên xào thơm phức trong các cao lầu v.v.. Để xua đuổi những hình ảnh ảm đạm trên xin mời quí đại biểu hiện diện thưởng thức bài Mãng Xà Dạ Hành Khúc do một nhạc sĩ Mãng Xà Miến Điện Burmese Python sáng tác tặng Mãng Xà Indonesia và Thái Lan. Mới quí vị thưởng thức và kính chúc quí vị một ngày vui.
Trưởng Lão Mãng Xà Anaconda Eunectes murinus, Sao Paulo, Brazil
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/xatocthan.html