Minh Hạnh


Trí tuệ Nhân tạo sẽ đảo lộn việc học và công việc văn phòng?

Cuối năm 2022/đầu năm 2023, một sự kiện đã làm dấy lên một đề tài gây tranh luận
trên báo chí và các phương tiện truyền thông, và tạo sự lo lắng cho một tương lai
trong ngành giáo dục và một số ngành nghề. Cũng là một vấn nạn về đạo đức.

.

Ngày 30/12/2022, tổ hợp nghiên cứu và chế tạo trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo OpenAI Corporation đã cho ra mắt ứng dụng ChatGPT. Chỉ một tuần sau, đã có hơn một triệu người đăng ký sử dụng khiến mạng bị quá tải. Một hiện tượng chưa từng xảy ra cho một sản phẩm mới!

Văn phòng chính của OpenAir tại San Francisco (Hoa Kỳ). Hình: wikipedia

ChatGPT là gì?

ChatGPT – viết tắt từ Chat Generative Pre-trained Transformer, là một ứng dụng dùng thuật toán (algorithm) cho phép người sử dụng đặt ra câu hỏi hoặc một nêu ra một vấn đề cần giải quyết. ChatGPT sẽ tìm trong kho tài liệu trên internet và cho ra câu trả lời, lời giải hoặc một văn bản theo yêu cầu.

Khác với sự lục tìm thông tin trên Google, là Google chỉ cho ta thấy những thông tin mà ta muốn biết, người tìm giải đáp sẽ phải tự đọc, tự phân tích để tìm ra lời giải. ChatGPT thực hiện luôn nhiệm vụ phân tích và tổng hợp này.

Đi xa hơn, ChatGPT có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật như văn, thơ, sáng tác nhạc…, lập trình cho vi tính, cho ra các phúc trình nghiên cứu, soạn diễn văn v.v., và còn nhiều khả năng khác chưa được khám phá hoặc chưa được khai thác. Hơn thế nữa, ChatGPT có thể tương tác ở dạng đối thoại. Người dùng cũng có thể trò chuyện trực tiếp với ChatGPT về đủ mọi đề tài.

Về khả năng tạo văn bản, ChatGPT có thể soạn lời giải đáp thành văn bản giống cách hành văn của người đặt câu hỏi. ChatGPT làm được như vậy vì ứng dụng này được đặt căn bản trên một loại mạng thần kinh vĩ đại, từ khối tài liệu khổng lồ thu thập, nó đã tự học được cách đối thoại và phong cách trả lời của nhiều người khác nhau.

Đây quả thực là một cuộc cách mạng lớn trong khoa học.

ChatGPT thực ra là một dạng chatbot (ứng dụng đối thoại trực tuyến). Ứng dụng này không xa lạ trong các sinh hoạt xã hội hiện nay, nhưng những chatbot từ trước tới giờ chỉ dùng cho một phạm vi chuyên môn nào đó, như ngân hàng, học trực tuyến, cửa hàng v.v.. Tổ hợp OpenAI có tham vọng cho ChatGPT trở thành một chatbot phổ thông cho đại chúng, bao trùm mọi lãnh vực.

Một tin mừng cho giới học sinh, sinh viên, những phóng viên, người viết tin… Ngay sau khi ra mắt, người ta thấy ngay một ứng dụng rất thiết thực trong giới sinh viên. ChatGPT có thể rút ngắn thời gian và tiết kiệm công sức khi phải đi tìm dữ liệu cho bài luận văn của học sinh, viết bài tóm tắt nhận định tác phẩm…, thậm chí có thể góp phần bổ túc cho luận án và rà soát lại, sửa chữa câu văn, bố cục…, tuy chỉ là bước khởi đầu, nhưng đã làm nhiều người ngạc nhiên.

Phản ứng từ quần chúng

Con số 1 triệu người đăng ký sử dụng ChatGPT trong tuần lễ đầu tiên là bằng chứng cho thấy sự tò mò và nhận ra lợi ích của ứng dụng này. Brett Winton, Giám đốc Tương lai học tại ARK Venture Investment, cho biết là 40 ngày sau khi ra mắt, giờ đây (tháng 1/2023) mỗi ngày đã có 10 triệu người sử dụng ứng dụng này, vượt xa Instagram (mất 1 năm để có được 10 triệu người sử dụng hàng ngày, vốn đã là một thành tích vượt bực). Theo phân tích, người ta ước tính, với đà phát triển này, vào cuối năm 2023, con số người sử dụng ChatGPT sẽ vượt qua 1 tỷ. Tuy nhiên, nó còn tùy thuộc vào lợi ích trên thực tế và những cải biến trong tương lai của ứng dụng này. 1 tỷ người truy cập vào một mạng internet có thể coi như một dạng tấn công DDos hiện nay vẫn đánh sập nhiều mạng toàn cầu mỗi ngày.

Biểu đồ so sánh sự phát triển của ChatGPT với Instagram

Hiện nay, ChatGPT, với phiên bản thử nghiệm, được cho sử dụng miễn phí. Có một phiên bản cao cấp hơn (ChatGPT Professional), người đăng ký phải trả US$ 42 mỗi tháng, đổi lại họ được hưởng một số tiện ích cao cấp, OpenAI dùng tiền thu được để trả chi phí khổng lồ cho công tác thu thập và phân loại dữ liệu.

Những người hoan nghênh ChatGPT phần lớn thuộc giới học sinh sinh viên, họ đánh giá đây là một công cụ giúp họ rất nhiều trong việc tìm tài liệu và hợp tác thực hiện những bài kiểm tra. Họ lý luận: ngày xưa cần ‘văn hay chữ tốt’, nhưng với sự tiến triển của khoa học, ‘chữ tốt’ (viết đẹp) đã trở thành công việc của computer, thì bước tiếp nối, ChatGPT sẽ giúp cho phần ‘văn hay’. Ở bậc trung học, học sinh phải đọc một số tác phẩm văn học tiêu biểu, và viết bài tóm tắt, nhận định tác phẩm. Tuyệt đại đa số học sinh hiện nay không còn tự đọc cả cuốn sách, hoặc chỉ đọc lơ mơ, nhưng để làm bài, họ đã tìm đọc (qua Google search) những bản tóm tắt tác phẩm, và có người cũng ra công tìm (hoặc mua) những bài nhận định trên mạng, xào nấu lại thành bài của mình.

Một lý luận khác của phe tán thành ChatGPT là: xã hội phải đi theo đà tiến hóa của con người. Máy ảnh kỹ thuật số đã giết các cuộn phim. Báo và tạp chí đã thay hình đen trắng bằng hình màu. Mười năm trước nhiều người thắc mắc không hiểu vì sao máy tính bảng (tablet) được tung ra thị trường khi không ai cần đến nó, nhưng bây giờ máy tính bảng (và điện thoại di động) đã thay thế máy vi tính trong sinh hoạt hàng ngày. Vậy thì tại sao không dùng ChatGPT nếu nó giải quyết được nhu cầu con người đòi hỏi trong tương lai. Con người sẽ làm những công việc khác hoàn toàn mới, phát sinh do nhu cầu của xã hội. Thí dụ như trong kỹ nghệ nặng, khi robot đã thay thế con người làm những thao tác lập đi lập lại trong môi trường nguy hiểm hay độc hại, thì nhân công giờ đây ngồi trong phòng điều khiển, bấm máy theo dõi, và sử dụng trí óc của mình cho sự cải tiến quy trình sản xuất. Chúng ta hãy cùng nhớ lại thời máy tính (calculator) bắt đầu được đại chúng hóa: học sinh không được dùng máy tính trong lớp học, thí sinh không được phép mang máy tính vào phòng thi. Chuyện tưởng như thần thoại, nhưng đó là sự thực. Rồi tới bây giờ, máy tính đã trở thành một công cụ phổ thông, nhưng con người giữ nhiệm vụ kiểm soát tổng quát để phán đoán xem kết quả của máy tính có tương đối phù hợp với logic hay không.

Những người làm công việc văn phòng cũng thấy sự tiện ích của ChatGPT. Nó giúp thảo email, thư từ cho từng cá nhân, rút ngắn được thời gian một cách đáng kể. Các vị trong ban lãnh đạo công ty cũng phấn khởi vì nhờ ChatGPT họ sẽ có thể sa thải một số nhân viên đang giữ phần việc giao dịch với khách hàng chẳng hạn.

Nhưng, bên cạnh đó, cũng có những người chống đối việc đại chúng hóa những ứng dụng kiểu ChatGPT.

Thứ nhất, nó làm cho con người trở nên ‘lười’ trong suy nghĩ, vì đã có AI lo giùm việc này. Những gì được con người đưa ra sẽ không là sản phẩm của cá nhân đó mà là sản phẩm của AI.

Thứ hai, thầy cô giáo, các giáo sư đại học, nhà xuất bản v.v. sợ là sẽ không thể kiểm soát được tính xác thực, sự sáng tạo trong bài tập, bài văn, tác phẩm…, khó phát hiện ra các trường hợp đạo văn, cóp-pi tài liệu. Họ sẽ phải tranh đua với ‘máy’, một cuộc chiến không cân sức. Antony Aumann, giáo sư triết học tại Northern Michigan University, đã lầm lẫn đánh giá một bài tiểu luận là ‘hay nhất lớp’ trong khi bài đó do AI làm. Hiện giờ, khi nộp luận án, các trường đại học cũng dùng những công cụ phát giác cóp nhặt (bằng cách so các đoạn trong luận án với những đoạn trong các báo cáo trong cùng ngành của những người đi trước), tuy nhiên AI kiểu ‘trí tuệ tổng quát’ (generatieve artificial intelligence) như ChatGPT đã có thể thay đổi cách hành văn cho phù hợp với ‘tác giả’, và dĩ nhiên nó ngày càng cải tiến nhờ học thêm được những lỗi lầm.

Tháng 9/2022, giải nhất cuộc thi tranh mỹ thuật tại Colorado State Fair đã bị ‘trao lầm’
cho bức tranh ‘Théâtre d’Opéra Spatial’ do AI vẽ theo mệnh lệnh của Jason Allen

Thứ ba, một số ngành nghề như y dược, luật… lo ngại là vị trí và vai trò của con người sẽ bị lu mờ trước sự xuất hiện của các ứng dụng AI. AI có thể chẩn đoán bệnh tốt hơn nếu nó có được dữ kiện về sức khỏe cá nhân, cộng thêm những kinh nghiệm từ các báo cáo nghiên cứu y khoa. Một luật sư được AI giúp có thể cho ra bản biện minh trạng (bài bào chữa của luật sư) thuyết phục hơn vì đưa ra được nhiều chứng cứ hơn.

Thứ tư, các nhà xã hội học, tội phạm học sẽ phải đối đầu với những chiêu trò được tạo ra từ AI. AI có thể tạo nên những vụ lừa đảo. Rồi tới cả việc viết mã độc, xâm nhập máy tính rồi sẽ được AI giúp sức chăng? Chưa kể tới vụ người sử dụng đã gián tiếp cung cấp thông tin về cá nhân họ, các thói quen, sinh hoạt, lập trường… cho kho dữ liệu bigdata mà chưa biết nó sẽ được sử dụng như thế nào. Và điều gì xảy ra khi một ứng dụng AI bị hacker xâm nhập?

Thứ năm, và có lẽ quan trọng nhất, là ý kiến của một số nhà đạo đức học hoặc những người hoạt động trong chiều hướng “đạo đức” (thí dụ như những hacker tìm cách xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ sở chỉ với mục đích cảnh báo họ về việc phải tăng cường bảo mật). Họ cho là “con người xứng đáng được biết sự thật”, tức là sản phẩm do một cá nhân đưa ra phải là tư duy, sáng tạo của cá nhân đó, chứ không phải là công phu của AI bị cá nhân đó chiếm đoạt. Họ cũng lo ngại là AI sẽ bị bóp méo do các dữ kiện đầu vào mang tính kỳ thị, thiên vị, dâm ô, kích thích bạo động, bạo hành tính dục… Làm sao con người còn có thể giữ được khả năng phán đoán trước một nhận định do AI đưa ra? Tuy nhiên, ta cũng nên biết hiện nay Google cũng cho ta biết những gì ‘nó muốn cho ta biết’, không phải ‘những gì chúng ta thực sự muốn biết’. Như thế có gì khác nhau giữa AI và Google Search?

Và tổ chức (hoặc cá nhân) đứng sau ứng dụng AI đó có thực sự phục vụ cho khoa học, cho con người không? Làm sao phát hiện ra sự chuyên quyền hoặc thao túng khi những người sử dụng đã trở nên mê muội, mất khả năng phán đoán của cá nhân.

Edward Tian, hình từ Facebook cá nhân

Bởi thế, ngay khi ChatGPT được tung ra, đã có nhiều cố gắng tạo những ứng dụng nhằm phát hiện dấu vết của AI trong những văn bản được đưa ra. Một trong những nhân vật này là Edward Tian, 22 tuổi, người Canada gốc Nhật, đã cho ra đời ngay phiên bản GPTZero của anh. Một chi tiết thú vị: người ta đã thử lấy một văn bản 300 từ do ChatGPT soạn rồi cho GPTZero đánh giá, GPTZero cho kết luận “rất có thể nó đã được AI tạo ra”. Khi cho ChatGPT biết điều này và ra lệnh cho ChatGPT “làm lại”, nó đã cho ra một văn bản khác, lọt qua được mạng lưới của GPTZero, tóm lại cuộc chiến mèo-chuột vẫn chưa kết thúc.

Các phân khoa của một số trường đại học đã thay đổi thủ tục chấm luận văn, luận án của sinh viên. Nghiên cứu sinh phải nộp trước sơ đồ nghiên cứu đề tài và trong suốt thời gian nghiên cứu phải trình bày từng bước qua bản nháp. Cũng có người đề nghị bắt sinh viên phải tự viết một bài tóm tắt công trình nghiên cứu của mình trong một phòng thi, vì nếu đó là sự cóp nhặt thì sinh viên đó sẽ không thể hiểu thấu đáo những mối liên hệ trong công trình như đã ghi trong luận án.

Về mặt cơ quan chủ quản, để đối phó với vấn đề đạo đức, OpenAI đang xây dựng một cơ chế phòng ngự bằng cách thuê nhân công ở những nước có thể cung cấp lao động giá rẻ như Kenya, Ấn Độ, Uganda để làm công tác lọc lựa những mẩu thông tin mang tính ‘độc hại’, rồi dựa vào đó cho ChatGPT học nhằm có thể loại bỏ những gì được coi là ‘vô đạo đức’ ra khỏi kho dữ liệu. Đã có những than phiền về các công nhân ở Kenya làm công việc 'dán nhãn' cho các thông tin, với tiền lương chết đói là 2 USD/giờ.

***

Trí tuệ nhân tạo (AI – Atificial Intelligence) trong vài thập niên mới đây đã trở thành ‘hot’ trong ngành công nghệ thông tin. Với sự ra đời của những mạng ‘trí tuệ tổng quát’ mà cái đinh hiện nay là ChatGPT, xã hội đang rẽ sang một khúc quanh mới. ChatGPT đã tạo một bước nhảy vọt và hiện là đối thủ đáng sợ của ‘đế quốc Google’. Cho dù có những chống đối, ngành giáo dục trong tương lai sẽ phải trải qua một cuộc cải tổ sâu rộng về phương thức giảng dạy và thu thập kiến thức. Có thể, trong tương lai không xa, ngay từ bậc tiểu học (cấp 1) học sinh sẽ được dậy nhiều hơn về cách tìm và đánh giá thông tin qua những ứng dụng tìm kiếm. Trong vài ngành học, hiện nay sinh viên đã được phép tra cứu tài liệu tại chỗ trong phòng thi. Những ứng dụng tương tự như ChatGPT sẽ giúp các công ty nhẹ gánh trong công tác gởi thư tới khách hàng.

Trong tương lai, đương nhiên sẽ có sự điều chỉnh hỗ tương từ nhiều phía: nhà lập ứng dụng AI, người sử dụng, nhu cầu xã hội, luật pháp v.v.. Tiến trình này sẽ dẫn chúng ta đi về hướng nào, khó có thể nói trước, vì sự tiến hóa của con người và xã hội lắm khi không đi theo con đường như nhiều người tiên đoán.

.

Minh Hạnh

______

Link để vào ChatGPT (lưu ý: vì lượng truy cập quá lớn, website thường xuyên bị quá tải):

https://openai.com/blog/chatgpt/

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/trituenhantaosedaolon.html


Cái Đình - 2023