Phạm Ɖình Lân


Tri Thù Tộc (Nhện)

.

Giàn nhạc Araignée du Soir của Pháp được bố trí để giúp vui trước khi đại diện Tri Thù tộc đọc tham luận. Sau nhiều phút thảo luận với các nhạc sĩ Tri Thù trên thế giới giàn nhạc Araignée du Soir chọn bản Tri Thù Báo Hỷ của một nhạc sĩ Nhện Trường Sơn, Việt Nam. Ban Araignée du Soir của nhạc sĩ Nhện Pháp quốc sẽ được trình diễn sau bản Tri Thù Báo Hỷ. Giàn nhạc sẽ dùng bản Nhện Chờ Mối Ai? của một nhạc sĩ Nhện Việt Nam sống gần sông Tô Lịch và thành Đại La sau khi đại diện Tri Thù tộc kết thúc bài tham luận.

Gà Ri nói với Gà Tây: “Tôi ghét bọn Nhện lắm.”

“Tại sao?” Gà Tây hỏi.

“Ban ngày bọn Gà chúng tôi tấn công chúng nhưng ít khi giết được chúng. Ban đêm chúng biết thị giác chúng tôi kém về đêm nên chúng cắn chúng tôi đau đớn, có khi dẫn đến tử vong.” Gà Ri đáp.

“Các anh thuộc nhà họ Kê to lớn như vậy mà sợ mấy thằng Nhện giò cẳng lêu khêu sao?” Gà Tây nói.

“Tụi nó nhỏ nhưng có nọc độc. Chúng biết nhả tơ làm lưới bắt mồi. Vì vậy chúng nó nguy hiểm lắm! Chúng sống trong bóng tối. Nhưng hoạt động ngoài ánh sáng dễ dàng. Chúng không phải là Điểu tộc nhưng sống trên cao, trèo tường rất giỏi.” Gà Ri nói.

“Anh Gà Ri ạ! Tôi thấy anh có vẻ chủ bại đó.” Gà Tây nói.

“Đó là sự thật sao lại gọi là chủ bại?” Gà Ri gạn hỏi.

“Vì lý do gì đó có những sự thật không cần phải nói ra!” Gà Tây đáp.

Vịt Xiêm yêu cầu Gà Ri và Gà Tây im lặng để các đại biểu thưởng thức bản Tri Thù Báo Hỷ. Âm điệu bản nhạc nghe vui tai nhưng không ai hiểu tại sao Nhện báo hỷ. Giữa loài người và Nhện có gì thân thiện mà báo hỷ? Nhà có nhiều mạng Nhện là nhà hoang, chết chủ hay nghèo đến nỗi không có cây chổi dài để quét mạng Nhện. Loài người không ưa Nhện. Nhện không ưa loài người thì làm sao có sự báo hỷ? 

Bỗng có một tiếng nổ vang rền. Cả hội trường bao phủ bởi một bức màn đen. Một màn Nhện trắng bạc hiện ra trong màn đen như mực. Một lão Nhện Tarantula từ trên trần nhà tuột xuống nhẹ nhàng trên một sợi dây ‘đu’ mịn màu trắng như tuyết giữa tiếng vỗ tay và những lời tung hô vang dội trong hội trường. Giàn nhạc Araignée du Soir trổi bản Tri Thù Hành Khúc pha lẫn với âm điệu La Marseillaise hùng tráng.

***

Tôi, một thân hào nhân sĩ của tộc Tri Thù Goliath Colombia, kính chào toàn thể quí vị đại biểu các tộc động vật hoàn vũ.  

Tri Thù tộc chúng tôi sống khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Chúng tôi có 150 đại gia đình với 48.000 chi tộc Tri Thù lớn nhỏ khác nhau. Chúng tôi thích vùng khí hậu nóng và khô. Chúng tôi không bay được như các anh chị Điểu tộc nhưng chúng tôi sống trên cao, trong bóng tối vắng bóng động vật hai chân.

Tên gọi thông thường mà loài người gán cho chúng tôi là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Nhện, Tri Thù (Hán-Việt)

Anh

Spider

Pháp

Araignée

Tây Ban Nha

Arana

Trung Hoa

Zhizhu (Tri Thù)

Nhật Bản

Kumo

Nhện chúng tôi là động vật hạ đẳng nhỏ bé, không xương sống và không có máu đỏ. Chúng tôi khác với các côn trùng khác là không có 2 ăn-ten. Ngoại hình chúng tôi không đẹp. Thân thể chúng tôi chia ra làm 2 phần:

1. Đầu và ngực nhỏ: Trong phần đầu và ngực có bộ não, cặp mắt, tuyến nọc độc, 4 cặp chân đầy gai góc, cặp răng nanh bén nhọn. Có những anh chị Nhện không có mắt hay chỉ có một cặp mắt như sự hiểu biết thông thường của chúng ta. Có anh chị Nhện có 4 mắt, 6 mắt, 8 mắt hay 12 mắt!

2. Bụng tròn và to: tim, ruột, tuyến tơ, bộ phận nhả tơ (spinneret), buồng trứng, ống dẫn tinh trùng, hậu môn. Trong cơ thể Nhện chúng tôi có phòng thuốc gây tê và gây mê và nhà máy dệt tơ. Các chị Nhện kéo tơ lập mạng Nhện nhiều hơn các anh Nhện. Các anh Nhện lập mạng Nhện để chứa tinh trùng hơn là tạo mạng Nhện to lớn để làm bẫy bắt mồi như các chị.

Nhện nhỏ nhất là Nhện Patu digua thuộc gia đình Symphytognathidae chỉ dài 0,37mm. Nhiều anh Nhện thuộc tộc này khó thấy được bằng mắt thường. Tên khoa học của tộc Nhện này xuất phát từ tên sông Rio Digua ở Colombia, Nam Mỹ.

Nhện nhỏ nhất Patu digua (Ảnh: dierenweetjes.nl)

Nhện to lớn là Nhện Goliath Điểu Thực (Goliath Birdeater) cân nặng 175g, dài 13cm. Tám chân dang ngang 30cm. Tên khoa học của Nhện Goliath Điểu Thực là Theraphosa blondi thuộc gia đình Theraphosidae. 

Một loài nhện to lớn khác thuộc gia đình Therraphosidae gọi là Nhện Tarantula tức Nhện có lông đen dày, chân màu vàng cam và màu đen như Nhện Brachypelma klaasi (do tên nhà sưu tầm Peter Klaas), gia đình: Theraphosidae. Các anh chị Nhện Tarantula dài 9cm; bốn cặp chân dang ra 25cm.

Các loài Nhện to lớn được tìm thấy nhiều ở Mexico và các nước Nam Mỹ như Brazil, Venezuela, Colombia, Peru, Ecuador v.v..

Tuổi thọ trung bình của Nhện chúng tôi là 2 tuổi. Trong trạng thái bị giam cầm tuổi thọ có thể lên đến 20 năm. Tuổi thọ của nữ Tri Thù cao hơn tuổi thọ của các anh.

Chị Nhện Gaius villosus hay Amidiops villosus, gia đình Idiopidae ở Úc được gọi là Nhện #16 là Nhện có tuổi thọ cao nhất thế giới (1974 - 2016): trên 42 năm!  

Nhện Gaius villosus có tuổi thọ cao nhất thế giới (Ảnh: iflscience.com)

Các chị Nhện sống lâu hơn các anh. Tộc chúng tôi có văn hóa đặc biệt: Các nữ Tri Thù ăn thịt Tri Thù tử và nam Tri Thù. Nhện Latrodectus mactans, gia đình Theridiidae sản sinh các chị Nhện ăn thịt các anh trước, đang và sau cuộc ái ân. Các nhà động vật học của loài người gọi các chị là Hắc Quả Phụ Tri Thù (Black Widow Spider). Trường hợp các nam Tri Thù ăn thịt các chị rất hiếm. Rồi con của các Hắc Quả Phụ Tri Thù ăn thịt mẹ của họ. Đó là hiện tượng Matriphagy (Ăn thịt mẹ) đáng sợ trong cộng đồng Tri Thù tộc.

Các nam Tri Thù trưởng thành khi lên 2 tuổi. Không phải tộc Nhện nào các anh cũng bị các chị ăn thịt sau khi ái ân. Xã hội Nhện là xã hội mẫu hệ. Các chị có quyền ái ân với nhiều nam Tri Thù. Trước khi ái ân, các nam Tri Thù làm một mạng Nhện để lưu giữ tinh trùng. Các chị Nhện giữ tinh trùng trong buồng trứng. Tinh trùng này trở thành trứng đặt trong một túi tròn chứa lối 100 - 400 trứng trên một mạng Nhện đặc biệt do các chị Nhện tạo thành. Túi trứng lớn to gấp 10 lần thân hình các chị Nhện. Sau lối 30 ngày ấp trứng, trứng nở ra Tri Thù tử. Một số chết non. Một số bị các loài Côn Trùng và các Điểu tộc ăn nên số sống sót còn lại không nhiều lắm.

Tộc Tri Thù được xem là động vật ăn tạp. Chúng tôi ăn Trùn, Dế, Sâu Bọ, Ốc, Nhái, Chim, Chuột, Cắc Kè v.v.. Chúng tôi giăng mạng Nhện để bắt mồi. Mồi vướng vào mạng Nhện bị chúng tôi chích nọc độc vào khiến con mồi bất tỉnh và chết mới bị ăn thịt. Thức uống của chúng tôi không nhất thiết là nước mà là mật trái cây hay huyết các động vật có xương sống hay không có xương sống bị chúng tôi ăn thịt.

Bây giờ tôi xin phép được nói qua vài tộc Nhện quan trọng trong 150 đại gia đình Tri Thù tộc với 48.000 chi tộc khác nhau.

NHỆN GOLIATH ĐIỂU THỰC

Goliath Birdeater
Theraphosa blondi

Gia đình: Theraphosidae

Nhện Goliath Điểu Thực Theraphosa blondi (Ảnh: fineartamerica.com)

Gọi là Goliath vì vóc dáng to lớn của các anh chị Nhện. Goliath là người khổng lồ trong Cựu Ước Kinh bị David giết bằng một hòn đá bắn ra từ một cái giàn thung.       

Điểu Thực dựa vào một bảng đóng năm 1705 của bà Maria Sibylla Merian ghi thành tích Nhện ăn Chim Ruồi (Hummingbird).

Thực tế chuyện này rất hiếm vẫn biết rằng Tri Thù tộc ăn Côn Trùng lẫn động vật có xương sống như Nhái, Cắc Kè, Chuột v.v.

Nhện Goliath là Nhện tarantula to lớn có nhiều lông phủ khắp đầu, ngực, bụng và 8 chân. Chữ tarantula phát xuất từ tên thành phố Taranto ở Ý trước tiên được dùng để chỉ Nhện Sói Lycosa tarantula, gia đình Lycosidae to lớn và có nọc rất độc. Từ đó có chứng bịnh Tarantism vì bị Nhện Lycosa tarantula (Nhện Sói) cắn. Người bịnh run rẩy, múa vờn.

Tên khoa học của Nhện Goliath Điểu Thực là Theraphosa blondi, gia đình: Theraphosidae. Nhện có lông màu vàng được tìm thấy nhiều ở miền bắc Nam Mỹ. Nhện Goliath cân nặng 175g, dài 13cm. Chân dang ngang 30cm.

Trong trạng thái thiên nhiên bình thường Nhện Goliath có thể sống từ 15 năm đến 25 năm.

Các chị Nhện Goliath sinh từ 100 - 200 trứng. Trứng ấp từ 6 - 8 tuần sẽ nở ra Tri Thù tử nhỏ li ti.

Có một nhóm Nhện Goliath có lông màu hồng mang tên khoa học Theraphosa apophysis cùng gia đình Theraphosidae.

Nhện Goliath trốn trong hang ban ngày và ra ngoài hoạt động ban đêm. 

Thổ dân ở Nam Mỹ thui lông Nhện rồi gói vào lá chuối nướng Nhện Goliath ăn như ăn Tôm nướng hay Cua nướng vậy.

NHỆN SÓI

Wolf Spider
Lycosa tarantula

Gia đình: Lycosidae

Nhện Sói Lycosa tarantula (Ảnh: Wikipedia)

Nhện Sói Lycosa tarantula (do tên thành phố Taranto ở Ý), gia đình Lycosidae là tộc Nhện to lớn, có nhiều lông và có nọc rất độc. Nhưng ngày nay người ta đem Nhện to lớn tarantula vào gia đình Theraphosidae của Nhện Goliath.

Như các tộc Nhện khác Nhện Sói nữ to lớn hơn Nhện Sói nam.

Tuổi thọ của nam Nhện Sói lối 2 tuổi. Tuổi thọ của nữ Nhện Sói lối 4 năm. Nam Nhện Sói thường bị các chị Nhện Sói ăn thịt sau khi ái ân.  

Nhện Sói có nọc độc không gây tử vong nhưng gây ra bịnh Tarantism. Chứng bịnh này xuất hiện ở Ý từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 17 vì bị Nhện Sói cắn. Người bịnh bị chảy nước mắt, tay chân run rẩy và được chữa bằng một điệu nhảy múa cho tháo mồ hôi!

HẮC QUẢ PHỤ TRI THÙ

Black Widow Spider
Latrodectus mactans

Gia đình: Theridiidae

Hắc Quả Phụ Tri Thù Latrodectus mactans (Ảnh: spideridentifications.com)

Địa bàn cư trú của tộc Hắc Quả Phụ Tri Thù là Bắc Mỹ và vùng biển Caribbean. 

Gọi là Hắc vì các chị Nhện chi tộc nầy mặc quần áo đen tuyền đôi khi có đốm đỏ trên lưng. Còn quả phụ? - Quả phụ vì các chị ấy tự nguyện biến mình thành quả phụ vì sau khi ái ân, các chị ăn thịt các anh Tri Thù làm tình với các chị.

Tên khoa học của Hắc Quả Phụ Tri Thù là Latrodectus mactans, gia đình Theridiidae.

Có ba dòng Latrodectus:

Các chị Nhện Hắc Quả Phụ to lớn và có chân dài hơn các anh. Chiều ngang thân hình các chị đo lối 1,3cm trong khi chiều ngang thân hình các anh đo được 0,6cm tức chỉ bằng 46% chiều ngang của các nữ Hắc Quả Phụ Tri Thù.

Mạng Nhện do các anh chị dòng này dệt rất chắc nên dễ bắt mồi.

Nọc độc của dòng Hắc Quả Phụ Tri Thù rất độc. Tuy vậy ít xảy ra những truờng hợp tử vong vì bị Nhện cắn. Chứng bịnh do Nhện dòng Latrodectus cắn gọi là Latrodectism với các triệu chứng: đau nhức, bắp thịt co quắp, nôn mửa, đổ mồ hôi.

Nọc độc của Nhện có alpha latrotoxins, polypeptides, adenosine C10H13N5O4 (phục hồi nhịp đập của tim), guanosine C10H13N5O5, inosine C10H12N4O5 (dùng làm thuốc trị nghẽn mạch, bịnh Parkinson), 2,4,6 trihydroxypurine (Uric acid C5H4N4O3). Công thức hóa học của nọc độc của Nhện: C156H242N48O49.

Mạng Nhện là sợi protein. Đa phần amino acids trong sợi proteinalanine C3H7NO2 (25%) và glycine C2H5NO2 (42%), glutamine C5H10N2 O3, serine C3H7NO3, leucine C6H13NO2, valine C5H11NO2, proline C5H9NO2, tyrosine C9H11NO3, arginine C6H14N4O2

NHỆN TÚI VÀNG

Yellow Sac Spider
Cheiracanthium inclusum
Clubiona inclusa
Eutichurus frontalis
Matidia haplogyna

Gia đình: Cheiracanthiidae

Nhện Túi Vàng Cheiracanthium inclusum (Ảnh: inaturalist.org)

Nhện Túi Vàng hay Nhện Túi Vàng Chân Đen là chi tộc Nhện có nọc độc. Các anh chị chi tộc này dễ bị thu hút bởi mùi hydrogen oxide OH- của dầu xăng. Nhện Túi Vàng được tìm thấy nhiều khắp lục điạ Mỹ Châu, Phi Châu đặc biệt trên đảo Reunion.

Chi tộc này có 23 tên khoa học khác nhau. Trong bài tham luận này chúng tôi nói qua vài tên khoa học mà thôi.

Các anh chị Nhện Túi Vàng có vài đặc điểm sau đây:

NHỆN SYDNEY MẠNG NHỆN HÌNH PHỄU

Sydney Funnel-Web Spider
Atrax robustus
Atrax formidabilis
Hadronyche formidabilis

Gia đình: Atracidae/ Dipluridae

Trái: Nhện Atrax robustus (Ảnh: spidapedia.fandom.com).
Phải: mạng Nhện hình cái phễu (Ảnh: stock.adobe.com)

Các anh chị Nhện dòng Atrax sống trên cây và dệt mạng Nhện hình cái phễu. Chi tộc Nhện này thuộc gia đình Atracidae hay Dipluridae được tìm thấy nhiều ở đông nam Queensland và New South Wales, Úc Đại Lợi.

Trong tên khoa học có những chữ Robustus: mãnh lực và Formidabilis: kinh khủng, khiếp đảm cho thấy chi tộc Nhện này to lớn, mạnh và có nọc độc gây tử vong cho người bị Nhện Sydney cắn. 

Các anh Nhện Atrax robustus hay cắn và có nọc độc chết người hơn các chị Nhện cùng chi tộc. Từ năm 1927 đến 1981 có 14 người chết vì bị Nhện Sydney cắn. Ngày nay đã có thuốc hóa giải nọc độc của nhện Sydney.

Người bị Nhện Sydney cắn bị đau nhức, các sớ thịt máy động, buồn nôn, tim đập mạnh, áp suất máu lên cao, xuất mồ hôi, sùi bọt mép, tiêu chảy, hơi thở hụt hỏng, phổi nghẽn (pulmonary congestion/ edema), đông mạch máu và chết.

Công thức hóa học của nọc độc của các anh Nhện Sydney: C206H313N59O59S9.

NHỆN LANG THANG BRAZIL

Brazilian wandering Spiders
Banana Spider
Phoneutria fera
Phoneutria nigriventer
Ctenus fetus

Gia đình: Ctenidae

Nhện Lang Thang Phoneutria fera (Ảnh: inaturalist.org)

Gọi là Nhện Lang Thang vì các anh chị chi tộc này không làm mạng Nhện để bắt mồi mà, về đêm, tự đi tìm mồi để tấn công. Chi tộc nầy rất đông đảo ở Nam Mỹ, nhất là ở Brazil và các nước lân cận khác như Colombia, Venezuela, Guyana, Ecuador. Các anh chị ấy còn có biệt danh Nhện Chuối vì sống ẩn nấp trong lá chuối.

Tên khoa học của chi tộc Nhện dòng PhoneutriaPhoneutria fera, gia đình Ctenidae.  

Đặc điểm đáng ghi nhớ của chi tộc Nhện Lang Thang này là nọc độc có thể gây tử vong. Các anh Nhện Lang Thang có nọc độc mạnh hơn nọc độc của các chị. Người bị Nhện Lang Thang cắn sùi bọt mép, nhịp tim đập rối loạn, dương vật cương đau đớn (priapism). Thỉnh thoảng có người thổ dân Nam Mỹ chết vì bị Nhện Lang Thang cắn.

Người ta dùng nọc độc của Nhện Lang Thang làm thuốc trị chứng bất lực sinh lý, dương vật bất cương (ED: Erectile dysfunction).

NHỆN CHÂN DÀI

Daddy Long Legs
Cellar Spider
Pholcus phalangioides

Gia đình: Pholcidae

Nhện Chân Dài (Ảnh: bugguide.net)

Nhện Chân Dài được tìm thấy khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Băng Châu. Các anh chị ấy tương đổi hiền hòa, nọc không độc, hình dáng không xấu xí và bạo tợn. Các anh chị ấy sống ngoài thiên nhiên trên cây, hốc đá hay trên trần nhà, nơi tối tăm không người qua lại trong nhà, trong hầm rượu. Vì vậy các anh chị còn có nhiều tên gọi khác nhau: Daddy long legs, Cellar spider (Nhện Hầm Ruợu) v.v..

Nhện Chân Dài có vài đặc điểm đại để như sau:

***

Qua vài hàng tham luận quí vị thấy Tri Thù tộc là đại tộc ác độc bẩm sinh. Nào là các chị Tri Thù là những ác phụ giết nam Tri Thù ái ân với mình. Nào các bà mẹ Tri Thù ăn con. Nào các Tri Thù tử ăn thịt mẹ mình.

Như quí vị đã thấy Tri Thù tộc chúng tôi không hiền. Chúng tôi giăng lưới bắt các động vật to lớn hơn chúng tôi để ăn thịt như Ếch, Nhái, Chim, Chuột, Cắc Kè chẳng hạn. Bù lại chúng tôi là nạn nhân của những động vật mà chúng tôi bẫy và ăn thịt. Cuộc đấu tranh sinh tồn tự nhiên như thế đó. Thật đẫm máu và đẫm lệ. Cá ăn Kiến và Kiến ăn Cá là định luật sinh tồn tự nhiên. Động vật hai chân vẫn là kẻ thù nguy hiểm hơn cả. Họ bắt các nữ Tri Thù mang hàng trăm bào thai cho Gà, Vịt ăn. Các bào thai thì cho Cá Lia Thia ăn hay làm mồi để câu Cá. Cá táp mồi bị mắc lưỡi câu nên bị loài người bắt đem về xử tử bằng dao trên thớt làm bằng gỗ me.

Người ta nướng Tri Thù ăn như Cua nướng hay Tôm nướng để có chút chất dinh dưỡng. Ở Việt Nam người ta nướng Tri Thù cho trẻ nít ăn như là phương thức chữa chứng đái dầm (bedwetting) của trẻ nít. 

Thân xác phơi khô của Nhện màu nâu sẫm Aranea ventricosa, gia đình Araneaceae được gọi văn vẻ là Tri Thù Thoái được dùng làm thuốc trị loét, tràng nhạc (Scrofula - Écrouelles), cam tẩu mã (cancrum oris <Oris: miệng - La Tinh>, noma), sâu răng v.v..

Nhện mang bào thai Uroctea compactilis (Ảnh: Wikimedia Commons)

Nhện mang bào thai Uroctea compactilis, gia đình Urocteidae, được dùng làm thuốc chữa a-my-dan, loét miệng, lưỡi, bí đái (giã nát Nhện đắp vào rún hay dưới rún 3 thốn, lối 3cm nơi huyệt Quang Nguyên) v.v..

Mạng Nhện có khả năng cầm máu. Ngày xưa các chiến binh La Mã bị thương dùng mạng Nhện để cầm máu.Vết thương được lau sạch bằng giấm và mật ong xong mới đắp mạng Nhện lên trên vết thương rỉ máu.

Nọc độc của Nhện được dùng làm thuốc. Việc dùng nọc độc của Nhện để chữa bịnh đã có từ năm 380 trước Tây Lịch ở Hy Lạp. Thời hưng thịnh của Đế Quốc La Mã người ta dùng nọc độc của Nhện để chữa bịnh trái rạ, phong hủi, sốt, vết thương (mạng Nhện). Người ta tiêm nọc độc (giảm bớt độc tính) vào các động vật và dùng máu của động vật này để giải độc. Thuốc Captopril làm từ nọc độc của Nhện là thuốc trị chứng nghẽn tim.

Trong huyền thoại Hy Lạp Arachne là một nữ thợ dệt. Chị ấy là thợ dệt khéo nhưng thiếu khiêm tốn đối với các vị Thần trong một cuộc thi đua dệt vải với nữ Thần Athena. Thần Athena tức giận làm nhục Arachne khiến bà này phải tự treo cổ chết. Thần Athena biến xác chết của Arachne thành một chị Nhện để phải dệt suốt đời.

Thời Ai Cập cổ, Nhện kết nối với nữ Thần Neith, nữ Thần của sông, nước, săn bắn, dệt vải, chiến tranh v.v..

Người Trung Hoa cổ xem Tri Thù là điềm may mắn, là ‘côn trùng hạnh phúc’. Giết Nhện đồng nghĩa với sự phá hủy sự may mắn. Trong số Đề 40 con của người Trung Hoa Nhện mang số 33. Nằm chiêm bao thấy đi vào lầu xanh thì đánh số 33.

Nhện là biểu tượng của ảo tưởng trong Ấn Giáo.

Người Pháp tin rằng Nhện sa trước mặt vào buổi chiều như báo tin sẽ có khách tới nhà.

Văn chương và âm nhạc của loài người về Trí Thù tộc rất êm dịu dễ thương như chuyện một anh chàng Việt Nam mất ngủ trong bài ca dao: Đêm khuya ra đứng bờ ao.
Trông Cá, Cá lặn
Trông sao, sao mờ.
Buồn trông con Nhện giăng tơ,
Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai? …

Anh chàng mất ngủ này nói lung tung và hỏi đủ thứ làm sao trả lời nổi. Nói theo Qui Tiên Sinh thì anh này có nhiều chuyện không vui trong lòng.

Quí vị ơi! Đừng nghe lời nói ngon ngọt mà lầm. Lời nói và hành động của loài người hiếm khi đi đôi. Loài người gặp Nhện ở đâu thì dùng chổi quét công trình kéo tơ dệt lưới của Nhện, ruồng bắt và giết Nhện cho Gà, Vịt ăn tươi nuốt sống.  

Trong tinh tú học có sao Nhện (Tri Thù), Auriga, cách Địa Cầu 10.000 năm ánh sáng.

Trong thực vật học có vài loại thảo mộc mang tên Spiders (Nhện) như:

Tên Anh

Tên Việt Nam

Tên khoa học

Gia đình

Spider grass

Sơn mạch đông

Liriope spicata

Liliaceae

Spider lily

Tỏi voi

Crinum asiatique

Liliaceae

Spider plant

Lan Nhện

Chlorophytum capons

Liliaceae

Spider tree

Cây mấm núi

Crataeva religiosa

Capparaceae

Spider wisp

Màn màn tía

Cleome gynandry

Capparaceae

Spider wort

Cỏ Nhện

Leucas cephalotes

Lamiaceae

Loài người kiêu ngạo vì có trí thông mình, ngôn ngữ, chữ viết. Họ khinh bỉ các động vật vô ngôn ngữ, vô văn tự chúng ta. Thế mà họ bắt chước Tri Thù tộc chúng tôi khi làm ra ra-đa qua hình ảnh của các mạng Nhện của chúng tôi. Trong võ thuật và y thuật họ bắt chước chúng tôi bấm huyệt gây tê, gây mê cho đối phương hay bịnh nhân. Một ít người được nổi tiếng trên thế giới khi được danh hiệu Spiderman (Người Nhện) nhờ bắt chước nghệ thuật trèo tường của Tri Thù tộc chúng tôi.

Thưa quý vị, trong cuộc sống hàng ngày Tri Thù tộc chúng tôi gài bẫy và ăn thịt nhiều Ruồi và Muỗi. Trong những phút tĩnh tâm chúng tôi trầm ngâm suy nghĩ và cảm thấy hồ thẹn vì đã bắt và giết những chiến sĩ nhỏ bé gây khốc hại cho loài người như gây bịnh sốt rét, bịnh buồn ngủ, dịch tả, thổ tả giữa lúc Tri Thù tộc có nọc độc, có bẫy lưới bằng tơ.

Chúng tôi nổi tiếng độc ác nhưng có lập được thành tích chống động vật hai chân nào đáng kể đâu. Chẳng những vậy còn được loài người dùng nọc độc làm thuốc chữa bịnh nan y, dùng mạng Nhện như thuốc cầm máu và dùng thân xác nướng của Tri Thù tộc đề ăn hay cho trẻ nít ăn hầu trị chứng đái dầm! Tri Thù tộc còn có văn hóa ăn thịt lẫn nhau thì dù có 48.000 chi tộc khác nhau cũng không thể hùng cường được. Tôi xin chấm dứt bài tham luận về Tri Thù tộc tại đây. Xin mời quí vị thưởng thức bản Nhện Chờ Mối Ai? do ban nhạc Araignée du Soir trình tấu.  

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay vang dội như để tưởng thưởng những nhận xét khách quan của đại diện Tri Thù tộc.

Thân hào nhân sĩ Tri Thù Tộc Goliath Colombia Theraphosa blondi.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I. 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/trithutoc.html


Cái Đình - 2023