Phạm Ɖình Lân


Thố tộc tâm sự

.

Ban kịch Hầu tộc trình diễn xuất sắc vở kịch dựa vào cuộc chạy đua giữa Thỏ và Rùa. Cả hội trường vỗ tay vang dội tán thưởng Rùa thắng Thỏ trong cuộc chạy đua hiếm thấy này.

Gà Trống Thiến hỏi lão Hạc: “Ai viết ra bài ngụ ngôn Con Thỏ và con Rùa?”

Lão Hạc từ tốn trả lời: “Lão Aesop ở bên Hy Lạp. Lão sống từ năm 620 trước Tây Lịch đến năm 564 trước Tây Lịch.”

“Lão có bịnh gì không khi nghĩ rằng Rùa chạy nhanh hơn Thỏ? Lão không nghe người Việt Nam nói: Chậm như Rùa sao?” Gà Trống Thiến thắc mắc.

“Tôi không nghe ai nói lão Aesop bị bịnh kinh niên hay tâm thần gì cả, anh Gà Trống Thiến ơi! Vĩ nhân nào cũng cùng có lắm điều lập dị đó anh ơi! Lão Aesop muốn dùng hai hình ảnh trái nghịch này để nhắn nhủ người có tài năng rằng: Có tài mà cậy chi tài
Chữ Tài liền với chữ Tai một vần.

Người có tài quá ỷ lại vào tài của mình dễ trở nên chủ quan, kiêu ngạo, thiếu khiêm tốn, thiếu kiên nhẫn và mất sáng suốt nên dễ chuốc lấy bại vong. Nói theo người Việt Nam, có tài mà không có đức thì phải chịu sự bại vong như Phạm Ɖình Trọng (1715 - 1754) và Nguyễn Hữu Cầu (1712 - 1751) trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ XVIII. Cả hai người đều thông minh như nhau nhưng Phạm Ɖình Trọng có đức độ hơn, đậu tiến sĩ và làm thượng thơ bộ Binh, còn Nguyễn Hữu Cầu là người nổi loạn, đào mả tổ tiên của Phạm Ɖình Trọng, tạo loạn lạc ở Ɖàng Ngoài để bị bắt và bị xử chém. Chuyện Thỏ chạy thua Rùa cũng tương tự như thế. Sức mạnh thể xác không mạnh bằng sức mạnh nội tâm.” Lão Hạc nói thao thao.

“Ông nghĩ sao về chuyện Thỏ và Rùa trong mắt của lão Charles de La Fontaine (1621 - 1695)?” Gà Trống Thiến hỏi.

“Chuyện Thỏ và Rùa của lão La Fontaine dựa vào chuyện của lão ông Aesop lớn hơn ông trên 2000 tuổi.” Lão Hạc đáp.

“Hèn gì người ta nói Hy Lạp là cái nôi của văn minh phương Tây.” Gà Trống Thiến nói như một sự phát hiện mới trong tâm.

“Gà Trống Thiến nói đúng. Người Hy Lạp cổ làm chủ biển Ɖịa Trung Hải vào thời cổ. Nhiều thành phố cảng ở Trung Ɖông, Nam Âu và Bắc Phi do người Hy Lạp thành lập và buôn bán. Năm 600 trước Tây Lịch họ lập ra cảng Marseille của Pháp bây giờ.” Lão Hạc nói.

Trong lúc lão Hạc và Gà Trống Thiến trò chuyện thì ban nhạc Rabbit trình diễn bản CUỘC DẠ HÀNH DƯỚI ÁNH TRĂNG THU của một nhạc sĩ Thố tộc ẩn danh sống trong dãy núi Alps giữa Pháp-Thụy Sĩ để chào mừng đại diện Thố tộc từ Pháp đến.

***

Thưa quý vị,

Tôi là trưởng lão Thố tộc Âu Châu vùng núi Alps giữa Pháp và Thụy Sĩ. Ɖược sự ủy nhiệm của đại cộng đồng Thố tộc Âu-Á-Phi-Mỹ-Úc Châu, tôi hân hạnh trình bày trước Hội Nghị Quốc Tế Ɖộng Vật về Thố tộc chúng tôi.

Chúng tôi có kích thước của Miêu tộc nhưng có hình dạng của Kangaroo thu gọn, thích môi trường khô ráo và có phân cứng như Dương tộc. Thố tộc chúng tôi là động vật tầm thường trong cộng đồng động vật hoàn vũ. Chúng tôi là động vật hiền hòa, nạn nhân của các động vật dũng mãnh ăn thịt sống khác.

Thố tộc có mặt khắp thế giới với các đặc điểm sau đây:

Thỏ Núi Lepus timidus (Thỏ Rừng) (Ảnh: flickr.com)

Có nhiều dị biệt giữa Thỏ Rừng và Thỏ Nhà:

1- Thỏ Rừng to lớn và nặng cân hơn Thỏ Nhà. Chiều dài trung bình của Thỏ Nhà lối 55cm, cân nặng 1kg - 2kg. Thỏ Rừng dài trung bình 70cm, cân nặng từ 2kg - 3kg. Tai Thỏ Rừng dài hơn tai Thỏ Nhà. Hai chân sau của Thỏ Rừng dài và mạnh hơn hai chân sau của Thỏ Nhà nên Thỏ Rừng chạy nhanh và phóng xa hơn Thỏ Nhà. Tốc độ chạy và phóng nhảy của Thỏ Rừng lối 70km/giờ.

2- Thỏ Rừng có 24 cặp chromosomes. Thỏ Nhà chỉ có 22 cặp. Khác với Ngựa và Lừa, Thỏ Rừng và Thỏ nhà không thể bắt cặp và có con.

3- Về chỗ ở trong trạng thái hoang dã Thỏ Rừng sống trong hang gần mặt đất trong khi Thỏ Nhà sống sâu dưới hang.

4- Thỏ Nhà sinh con trần truồng (không có lông), mắt không mở. Trái lại Thỏ Rừng mới sinh con đã có áo quần (lông) và mở mắt. Thỏ Nhà mới sinh nương nhờ sự chăm sóc của Thỏ mẹ. Thỏ Rừng mới sinh không được sự chăm sóc của Thỏ mẹ. Óc tự lập tự tồn của Thỏ Rừng con đã hiện hữu ngay từ lúc mới chào đời.

5- Các chị Thỏ Rừng mang thai 40 - 42 ngày trong khi các chị Thỏ Nhà mang thai từ 30 - 32 ngày. Trung bình mỗi năm các chị Thỏ sinh 4 - 5 lứa con.

6- Thỏ Nhà thích ăn cỏ mềm. Củ cải cà-rốt là thức ăn được Thỏ nhà ưa thích nhất. Thỏ Rừng thích ăn vỏ cây và các nụ non của cây.

Thố tộc thường mặc quần áo màu tro, hung đen, đen và trắng. Thỏ mặc quần áo trắng là Thỏ Nhà hay Thỏ miền cực. Màu áo của Thỏ Rừng thay đổi theo mùa. Thỏ Rừng mặc quần áo màu hung đỏ nhạt chuyển sang màu trắng vào mùa đông.

Thố tộc dù trong trạng thái hoang dã hay thuần hóa đều có vóc dáng hiền hòa thanh tú, áo quần sạch sẽ sang trọng. Không kiêu hãnh, bí hiểm như Mèo và không ồn ào, hung hăng như Chó.

Thỏ Nhà nặng cân là Thỏ Darius vùng Scoulton, Anh Quốc, dài 1,3m và cân nặng 22kg. Thỏ Darius thuộc dòng dõi Flemish Giant Rabbit của Bỉ (Thỏ Nhà Flamand Khổng Lồ). Tộc này mang tên khoa học Oryctolagus cuniculus domesticus, gia đình Leporidae. Thỏ Nhà Flamand Khổng Lồ cân nặng từ 6kg đến 10kg. Ɖó là giống Thỏ Nhà được nuôi ở Bỉ từ thế kỷ XVI để lấy thịt và lông. Vào thập niên 1920, 1930 và 1940 yên xe đạp của giới trung lưu Việt Nam được lợp bằng da lông thỏ.

Thỏ Nhà Flamand Khổng Lồ (Ảnh: lovetoknowpets.com)

Theo tin tức của Sở Thú Oregon ngày 12-10-2009 Thỏ Nhà Tí Hon Vùng Lòng Chảo Columbia (Columbian Basin Pygmy Rabbit) là Thỏ Nhà nhỏ nhất cân nặng không đến 453grams (0,453kg). Tên khoa học của Thỏ Nhà Tí Hon (Pygmy Rabbit) này là Brachylagus idahoensis (tiểu bang Idaho), gia đình Leporidae.

Thỏ Nhà Tí Hon Brachylagus idahoensis (Ảnh: idfg.idaho.gov)

Thố tộc ở Úc Ɖại Lợi có một dòng lịch sử lý thú. Tổ tiên của Thố tộc Úc Ɖại Lợi là 24 anh chị Thỏ được Thomas Austin du nhập từ Âu Châu. Ɖó là Thỏ mang tên khoa học Oryctolagus cuniculus hay Lepus europaeus occidentalis.

Thỏ Âu Châu Oryctolagus cuniculus (Ảnh: Wikipedia)

Thomas Austin (1815 - 1871) là người Anh đến đảo Tasmania năm 1831. Năm 1837 ông định cư trong tiểu bang Victoria, đông nam Úc Ɖại Lợi, khai thác 12.000 hectares đất (mỗi hectare – mẫu tây: 10.000m2) để trồng trọt, nuôi trừu lấy len, thịt, sữa và huấn luyện ngựa. Ông Thomas Austin được xem là người du nhập Thỏ và vài giống Chim lạ vào Úc Ɖại Lợi. 24 anh chị Thỏ từ Âu Châu vào Úc năm 1859 trở thành tổ tiên của 200 triệu Thố tộc của Úc ngày nay. Các anh chị Thỏ từ Âu Châu đến Úc khỏe mạnh và sinh sản mạnh hơn Thố tộc Âu Châu ở quê nhà. Trung bình mỗi nữ Thỏ sinh 5 lứa mỗi năm. Mỗi lứa lối 5 Thố tử. Ɖến cuối thập niên 1860 nông dân Úc bắt đầu than phiền Thỏ tàn phá nông sản, rau cải, cây cối. Người ta ngăn ngừa Thỏ phá hoại hoa màu, cây trái bằng cách thiết lập hàng rào, dùng Chó canh giữa không cho Thỏ xâm nhập và phá hoại hoa màu. Vikhuẩn myxoma gây chứng bịnh tử vong cho Thố tộc. Ɖó là chứng myxomatosis. Vi khuẩn RHDV (Rabbit Hemorrhagic Disease Virus) gây xuất huyết và tử vong cho Thỏ. Vào năm 1950 Úc, Chile và Pháp là ba quốc gia bài trừ Thố tộc tích cực nhất.

Thảo dã và rừng Phi Châu đều có Thỏ sinh sống. Thảo dã và rừng Tây Phi, Trung Phi, Ɖông Phi là nơi có nhiều Thố tộc sinh sống nhất trên lục địa Phi Châu. Ɖó là Thỏ mang tên khoa học Lepus microtis hay Lepus Victoriae, gia đình Leporidae. Các anh chị Thỏ này có vóc dáng trung bình, trọng lượng xê dịch từ 1kg - 3kg. Thố tử mới sinh đã mở mắt và có thể nhảy từng bước ngắn vài giờ sau khi được sinh ra.

Thỏ Phi Châu Lepus microtis (Ảnh: Flickr.com)

Ở Canada và Hoa Kỳ có Thỏ đuôi trắng Lepus townsendii dài lối 60cm. Các chị Thỏ đuôi trắng (Bạch Vĩ Thố) mang thai trong 42 ngày thì sinh ra từ 3 đến 6 Thố tử. Mỗi Thố tử cân nặng 100gr. Thố tử mới sinh đã mặc áo (có lông). Ɖến tháng thứ 7 thì Thố tử đã trưởng thành, biết yêu đương và sinh sản.

Thỏ đuôi trắng Lepus townsendii (Ảnh: flickr.com)

Thỏ Rừng ở Việt Nam, Trung Hoa và đảo Taiwan (Ɖài Loan) mang tên khoa học Lepus sinensis, gia đình Leporidae. Các chị Thỏ này lớn hơn các anh. Các chị dài lối 70cm, cân nặng từ 1kg - 2kg.

Thỏ Rừng Lepus Sinensis ở Việt Nam, Trung Hoa và đảo Taiwan (Ảnh: flickr.com)

Thố tộc là động vật hiền hòa và yếu ớt. Vì vậy đấng Tạo Hóa tạo cho chúng tôi có cặp chân chạy nhảy rất nhanh, ngang hàng với tốc độ xe hơi Hoa Kỳ trên các xa lộ. Ɖó là cách thoát hiểm duy nhất của chúng tôi. Chúng tôi bị bọn Chó, Mèo, Chồn, Chó Sói, Cọp, Beo, Sư Tử, Chim (Ó, Quạ, Chim Cú)… hiếp đáp và đe dọa mạng sống. Kẻ thù nguy hiểm nhất là loài người. Họ săn bắn Thố tộc để phô trương tài thiện xạ và để lấy thịt, huyết và da, lông của Thố tộc.

Theo thống kê năm 2019 thế giới sản xuất gần 900.000 tấn thịt Thỏ. Quốc gia dẫn đầu là Trung Hoa với 457.000 tấn, Bắc Hàn: 167.000 tấn, Ai Cập: 45.000 tấn, Ý Ɖại Lợi: 26.600 tấn, Nga: 18.000 tấn. Trung Hoa và Nga nhập cảng thịt Thỏ từ các nước khác. Ɖiều đó cho thấy sự tiêu thụ thịt Thỏ ở hai nước ấy rất cao. Trong những năm gần đây cộng đồng Miêu tộc hốt hoảng vì sự mất tích kỳ lạ của các anh chị Miêu thuần hóa và sống ở các thành phố lớn trên thế giới. Các thám tử Miêu báo cáo đã thấy xác chết của nhà họ Miêu trong các quán nhậu. Thế là Miêu nhục thay thế Thố nhục ở vài nơi trên thế giới.

Ở Trung Hoa tỉnh Sichuan (Tứ Xuyên) là nơi tiêu thụ nhiều thịt Thỏ nhất. Món Tutou (Thố Thủ) nấu thật công phu bằng gia vị thật cay là món thịt Thỏ nổi tiếng của tỉnh Sichuan trong vài thập niên gần đây. Cầu kỳ hơn, người nấu chỉ chọn đầu Thỏ dưới 7 tháng tuổi thôi.

Người Pháp có món thịt Thỏ nấu với rượu chát đỏ (Red Wine) hay rượu chát trắng (White Wine).

Nhìn chung loài người quay, nướng, chiên, xào, nấu ra-gu, cà-ri, um thịt Thỏ với nước dừa, rượu, hành, tiêu, tỏi, ớt, sả và bột nghệ. Trước khi toát hương vị thơm, Thố tộc phải trải qua cảnh dầu sôi lửa bỏng. Loài người ban cho Thố tộc những ân huệ tiêu cực: Phải chịu cực hình đau khổ mới đươc thơm tho và được nhiều người đưa tiễn.

Ngôn từ của loài người luôn luôn có tính phân biệt và kỳ thị. Ɖể phân biệt giống (gender) họ có những từ ngữ khác nhau:

Loài

Giống đực

Giống cái

Người

Nam

Nữ

Ɖộng Vật Sinh Con

Ɖực

Cái

Ɖộng Vật Ɖẻ Trứng

Trống

Mái

Thố tộc chúng tôi là động vật nhị cấp hơn động vật đẻ trứng như Gà, Vịt, Chim, Cá.

Người Anh tỏ ra yêu mến chúng tôi khi gọi Thỏ ƉỰC là BUCK (Nai Ɖực) và Thỏ Cái là DOE (Nai Cái). Thố tộc được nâng lên hàng Lộc to lớn hơn gấp trăm lần. Trong tiếng Anh và Pháp có nhiều từ về Thố tộc như Hare – Lièvre, Rabbit – Lapin, Bunny – Jeannot v.v.

Thố tộc có vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa, Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam với Ngọc Thố (Thỏ Ngọc) trên cung trăng với Hằng Nga trông coi việc giã thuốc trường sinh. Theo huyền thoại thì Ngọc Thố được trông thấy vào ngày trăng rằm tháng tám Âm Lịch tức ngày Tết Trung Thu. Bạch Thố là Thỏ trên cung trăng tức Ngọc Thố hay nôm na là Thỏ Ngọc.

Ở Việt Nam, ngoài việc cung cấp thịt và da, lông, Thố tộc còn được dùng trong việc thử thuốc trong các viện nghiên cứu y dược.

Ngôn ngữ Việt Nam về Thố tộc khá dồi dào như: Thố thoát (thoát chạy lẹ làng); Thố phách (mặt trăng); Thỏ đế (Thỏ trong lùm cỏ đế); nhát như Thỏ đế; cột Thỏ sau lưng, Ɖiểu đậu vườn thị, Thỏ lụy vườn trâm. Thương em tiếng nói trăm năm cũng còn (Ca dao); Thỏ lặn, Ác tà (Ác: con Quạ, mặt trời; Thỏ: mặt trăng); Thố tử Hồ bi (Thỏ chết Chồn buồn); Thố tử Cẩu phanh (Thỏ chết Chó săn bị làm thịt); Thố dinh tam quật, sinh lộ nhất xuất (Thỏ đào ba hang tìm đường sống); Ɖược Chim bẻ ná; được Cá quên nơm; Ɖược Thỏ giết Chó v.v.

Thầy tướng Tàu chê người có mặt Thỏ mỏ Dơi. Người Pháp gọi môi sứt là lèvres en bec de lièvre. Ngày xưa phụ nữ mang thai ở Việt Nam được khuyên không nên nhìn mặt Thỏ vì sợ sanh con có môi sứt như Thỏ!

Theo Âm Lịch Trung Hoa, Thố là một trong 12 con Giáp (Tí, Sửu, Dần, Thố, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi). Thố niên tương ứng với Mão niên của Việt Nam. Ɖó là năm âm nên chúng ta có:

Quốc gia

Năm

Trung Hoa

Ất Thố - Ɖinh Thố - Kỷ Thố - Tân Thố - Quý Thố

Việt Nam

Ất Mão - Ɖinh Mão - Kỷ Mão - Tân Mão - Quý Mão

Trong Ɖề 40 số của người Trung Hoa Thỏ chiếm số 8 sau Heo (số 7) và Trâu (số 9).

Trong huyền thoại Hy Lạp và La Mã Thỏ tượng trưng cho TÌNH YÊU, PHONG PHÚ và SINH SẢN. Thỏ gắn liền với nữ Thần Artemis, nữ Thần núi rừng hoang dã. Vị nữ Thần này cấm giết các Thố tử. Thỏ cũng gắn liền với nữ Thấn tình yêu và thẩm mỹ Aphrodite.

Hình khắc trên các mộ cổ Hy Lạp và La Mã mô tả cảnh Thỏ ăn nho, trái sung tượng trưng cho sự SỐNG, CHẾT và TÁI SINH.

Thố tộc được đề cập trong sách Leviticus 11:6 và Deuteronomy 14:7 trong Cựu Ước Kinh. Thỏ được xem là động vật không sạch nên không được phép ăn, mặc dù là động vật nhai lại nhưng không có móng chẻ. Dù vậy Thố tộc gắn liền với sự Phục Sinh của đấng Christ: Thỏ Phục Sinh (Easter Bunny).

Một trong những hình ảnh Thỏ Phục Sinh (Ảnh: Pixabay)

Trong tinh tú học có chòm sao Lepus Constellation (chòm sao Thiên Thố)

Trong văn chương, thi phú của loài người có nhiều chuyện về Thỏ. Nào là chuyện Thỏ chạy đua thua Rùa. Nào là Thỏ hy sinh thân xác mình cho người nghèo đói ăn thịt để sống qua ngày (chuyện kể Ấn Ɖộ). Nào là chuyện Người Thợ Săn và Con Thỏ (Le Chasseur et le Lièvre). Nói chung không có chuyện nào là thật cả. Quý vị thấy không? Loài người không thích nghe hay thấy sự thật. Có lẽ sự thật cũng chẳng có gì hay nên lắm lúc họ còn khuyên: La vérité n’est pas bonne à dire (Sự thật có tốt gì để nói ra). Thế là phải nghĩ ra những chuyện không thật để đi tìm chút thoải mái và vui vẻ giả tưởng trong tâm để sống.

Dưới hội trường có tiếng nói to: Hãy kể cho chúng tôi về chuyện Le Chasseur et le Lièvre. Chuyện như thế nào mà nói là không thật phải tránh né?”

Cả hội trường đồng thanh yêu cầu đại diện Thố tộc kể lại chuyện Le Chasseur et le Lièvre.

Thưa quý vị đại biểu,

Nếu quý vị yêu cầu, chúng tôi không thể khước từ. Chuyện kể như sau:

Có một anh thợ săn bất tài, ngày nào cũng vác súng đi săn nhưng chiều về vẫn không săn được con mồi nào. Anh ta rất hổ thẹn vì bị vợ nhạo báng.

Một hôm anh thợ săn vác súng đi săn với một số tiền khá lớn trong túi. Anh đến trại nuôi Thỏ và mua một con. Anh dùng dây cột Thỏ vào một thân cây rồi nhắm vào đầu Thỏ mà bắn. Viên đạn không trúng đầu Thỏ mà trúng sợi dây. Thỏ nghe tiếng nổ nhảy lồng lên và thoát chạy mang theo một phần sợi dây bị đứt. Gặp một cái hang, Thỏ vui mừng chui vào để ẩn nấp. Ɖi sâu vào hang, Thỏ gặp hai thằng Chồn con. Mặt mày thằng nào cũng khó ưa, ít hiền. Thỏ giật mình vì chạy trốn người thợ săn lại rơi vào hang Chồn. Chắc chắn Chồn cha và Chồn mẹ của chúng sẽ về hang ổ và tấn công Thỏ để ăn thịt. Thỏ rùng mình, lặng lẽ rời hang Chồn. Người thợ săn đi tìm mãi vẫn không thấy Thỏ đâu cả. Anh lặng lẽ về nhà thú thật với vợ những gì đã xảy ra.

Cả hội trường vang lên: “Hoan hô anh thợ săn bất tài. Nhờ sự bất tài của anh mà Thỏ được cứu mạng! Cám ơn anh rất nhiều! Anh đừng buồn. Sự vụng về và bất tài tạo phúc đức cho anh đó. Anh không bị tội sát sinh!” Ɖại diện Thố tộc tiếp tục cuộc thuyết trình.

Nếu Ngọc Thố cùng chị Hằng Nga giã thuốc trường sinh trên cung trăng thì dưới Ɖịa Cầu Thỏ được dùng để thử thai. Vậy mà người ta gán cho Thỏ một loại bịnh mang tên Tularemia tức chứng sốt Thỏ (Hare fever) do trùng Francisella tularensis do Thỏ cùng loài gặm nhấm như Chuột, Sóc, Nhen cắn và truyền sang hoặc do mòng hút máu Nai truyền sang người để gây ra bịnh sốt Thỏ Tularemia (1).

Trong kho tàng thảo mộc có những loài thảo mộc mang tên Thỏ, Rabbit, Hare hay Bunny như sau:

Xuyên qua cách gọi tên Thố tộc và các loại thảo mộc mang tên Hare, Rabbit, Bunny, ta thấy người Tây Phương có vẻ có biệt cảm với Thố tộc hơn dân tộc các vùng khác trên thế giới. Thi nhân Việt Nam và Trung Hoa dùng cảnh Thỏ lặn, Ác tà trong thi ca để nói lên cảnh ngày, đêm trôi qua bằng hình ảnh mặt trăng và mặt trời lặn.

Người Pháp tự hào với món Civet de lapin. Trong những năm gần đây ở Sichuan (Tứ Xuyên) xuất hiện món lẩu Lao Má Thố Thủ (Lao Ma Tutou hot pot) trứ danh.

Trước khi kết thúc bài tham luận về Thố tộc, chúng tôi xin được phép nêu vài ý kiến về câu Nhát như Thỏ đế của người Việt Nam.

Người can đảm thì gan to mật lớn (Can: gan, Ɖảm: mật). Thố tộc chúng tôi không được như vậy nên lấy sự nhút nhát làm võ khí phòng thân. Suy cho cùng loài người cũng thường nói: Tam thập lục kế tẩu vi thượng sách (Trong 36 kế chạy là thượng sách). Vậy nhát như Thỏ đế có gì xấu? Ɖộng vật nào nghe tiếng nổ mà không hoảng sợ, thấy gươm đao mà không giật mình ớn lạnh? Loài người có sợ không? Nếu có, sao quý vị chế nhạo động vật không ngôn ngữ, không văn hóa chúng tôi bằng những từ ngữ nhức nhối khó nghe như nhát như Thỏ đế, lì như Bò, hùa như Chó, Chó cậy nhà, Gà cậy chuồng, Vịt nghe sấm v.v.

Trước khi chấm dứt bài tham luận hôm nay, nhân danh đại diện Thố tộc hoàn vũ tôi kêu gọi toàn thế quý vị hiện diện hô to: Ɖả đảo loài người nhiều chuyện lắm lời! Ɖả đảo! Ɖả đảo!

Dưới hội trường vang dội những tiếng “Ɖả đảo! Ɖả đảo!”

Trân trọng kính chào quý vị và kính chúc quý vị tránh xa nhà bếp của loài người.

Trường Lão Thố Tộc Pháp vùng núi Alps giữa Pháp và Thụy sĩ Oryctolagus cuniculus.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_______

Chú thích: 

(1): Chứng bịnh Tularemia (Sốt Thỏ) được phát hiện đầu tiên vào năm 1911 tại thành phố Tulare, California.

(2): Hare bell: Thố Chung Hoa vì có hình cái chuông và Thỏ hay núp dưới bụi hoa. Thanh Chung vì hoa màu xanh sậm và có hình cái chuông (Campa: cái chuông – tiếng LaTinh). Tô Cách Lan: Scotland (vì được tìm thấy nhiều ở Tô Cách Lan).

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/thotoctamsu.html


Cái Đình - 2023