Phạm Ɖình Lân
Thảo mộc trị sạn thận
Sạn thận hay sỏi thận là sự trầm tích của chất vôi và muối kết tinh thành sỏi, sạn trong thận. Nguyên nhân gây sạn thận có thể là do:
a. Ăn nhiều sô-cô-la, cải spinach (epinard: rau bi-na, rau ba-lạng theo Pháp- Việt Tự Điển của Đào Đăng Vỹ), các loại quả hạch, uống nhiều trà, cà phê và các thức ăn có nhiều oxalate.
b. Ít uống nước
c. Ít luyện tập cơ thể hay luyện tập quá nhiều.
d. Béo phì (obesity), tiểu đường, bịnh về thận.
e. Ăn thức ăn có nhiều muối và đường.
Tên gọi của bịnh sạn thận:
Tên Y khoa |
Tên thông thường |
Urolithiasis |
Kidney stones |
Nephrolithiasis |
Renal calculi |
Thảo mộc trị sạn thận là những loại thảo mộc nhuận tiểu và có vị chua có tác dụng bào mòn sạn và tống ra ngoài bằng đường tiểu. Dưới đây là những loại thảo mộc dùng để trị sạn thận (renal calculi-calculs renaux <Pháp>).
CỎ CHÓ ĐẺ
Phyllanthus niruri
Gia đình: Euphorbiaceae, Phyllanthaceae
Cỏ chó đẻ (Ảnh: alivingproof.com)
Gọi là cỏ chó đẻ vì chó đẻ con thường chạy kiếm cỏ này để nhai. Cây cỏ chó đẻ cao lối 30 - 40cm. Cây có nhánh nhỏ, yếu ớt; lá nhỏ màu xanh nhạt. Hoa màu xanh. Trái tròn, nhỏ, ra dưới lá. Trái có hột nhỏ li ti.
Tên khoa học của cỏ chó đẻ là Phyllanthus niruri (+ nhiều tên khoa học khác) thuộc gia đình Euphorbiaceae hay Phyllanthaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cỏ chó đẻ, Diệp hạ châu |
Anh |
Stone breaker, Quinine weed (cỏ ký-ninh trị sốt rét); |
Brazil |
Quebra pedra (nghiền sỏi sạn – tiếng Bồ Đào Nha ở Brazil) |
Tây Ban Nha |
Chanca piedra (tiếng Tây Ban Nha ở Nam Mỹ) |
Pháp |
Derrière dos, Quinine créole (quinine: ám chỉ khả năng trị sốt rét; créole: hậu duệ người Âu Châu sinh ra trong những đồn điền Âu Châu trên các hải đảo trong biển Caribbean) |
Trung Hoa |
Zhu Zi Cao (Châu Tử Thảo), Ze Xia Zhu (Diệp Hạ Châu) |
Phi Luật Tân |
Sampa-sampa-lukan (Trái ra dưới lá) |
Cỏ chó đẻ kháng viêm, kháng khuẩn, nhuận tiểu, nhuận trường, làm giảm đau nhức, chống cao máu, hạ đường trong máu, hạ cholesterol, bảo vệ gan, tẩy độc trong gan, trị viêm gan B, trị sốt rét (quinine weed, quinine créole), sạn thận, trục lãi v.v.. Ngày nay cỏ chó đẻ được nghiên cứu xem nó có thể dùng để ngăn ngừa ung thư và trị HIV với sự hiện diện của hợp chất niruriside C38H42O17 hay không?
Về thành phần hóa học cỏ chó đẻ có: carboxylic acid R-COOH, ellagic acid C14H6O8, repandusimic acid C48H30O28, alkaloids, astragalin C21H20O11, brevifolin C12H8O6, corilagin C27H22O18, cymene C10H14, phyllantin C24H34O6, ellagitannnins C44H32O27, gallocatechins C15H14O7, geranin C41H28O27, hypophyllantin C24H30O7, lignins, lintetraline C23H28O6, lupeols C30H50O trị ung thư, methyl salicylate C8H8O3, niranthin C24H32O7, nirtetralin C24H30O7, niruretin, ninurin C32H40O15, niruriside C38H42O17, norsecurinines C12H13NO2, phyllantine C14H17NO3, phyllanthenol C30H50O2, phyllochrysine C13H15NO2, phyllotralin C15H14O5, quercetin, quercetol, quercitrin C21H20O11, rutin C27H30O16, saponins, triacontanol C30H62O, tricontanol C30H62O v.v..
Cỏ chó đẻ được Brazil và Ấn Độ dày công nghiên cứu. Từ lâu, ở Brazil người ta dùng cỏ chó đẻ để trục sạn thận, làm giảm chất vôi trong nước tiểu. Người ta dùng cỏ chó đẻ để thuốc cá vì có phyllantin C24H34O6.
Ở Ấn Độ cỏ chó đẻ còn được dùng làm màu nhuộm đen.
LÁ TRƯỜNG SINH
Kalanchoe pinnata,
Bryophyllum pinnatum (+ nhiều tên khoa học khác)
Gia đình: Crassulaceae
Lá trường sinh (Ảnh: istockphoto.com)
Lá trường sinh hay nôm na là lá sống đời, một dược thảo quan trọng được biết qua hàng chục tên khoa học khác nhau như Kalanchoe pinnata, Bryophyllum pinnatum và nhiều tên khoa học khác, thuộc gia đình Crassulaceae.
Sự dồi dào về tên gọi thông thường cho thấy khả năng trị liệu bịnh tật dồi dào của loại thảo mộc miền nhiệt đới và bán nhiệt đới này.
Người Việt Nam gọi là lá sống đời, lá trường sinh, lá Quan Âm (cứu độ như Đức Quan Thế Âm Bồ Tát), lá cầm máu, lá bỏng (trị phỏng lửa hay nước sôi), lá thuốc hàn, lạc diệp sinh căn (lá rụng sinh rễ và mọc lên cây con), đả bất tử (đánh không chết).
Người Trung Hoa gọi cây trường sinh (sống đời) là Zhang shou hua (trường thọ hoa vì hoa vẫn tươi suốt 5, 6 tháng liền).
Người Nam Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha gọi lá trường sinh là Angelica (Thiên Thần Diệp), Siempre Viva (Sinh Diệp).
Người Phi Luật Tân gọi là Katakata-ka tức là cây thần diệu.
Người Anh gọi là Life plant, Air plant, Life love plant (sinh ái mộc), Wonder of the world (kỳ quan thế giới), Cathedral bell (hình dạng của hoa).
Năm 1971 cây sống đời được phi thuyền Liên Sô đưa lên không gian.
Cây sống đời có những đặc điểm đáng lưu ý sau đây:
1- Cây không bao giờ chết vì như biệt danh đả bất tử và lạc diệp sinh căn của nó đã nêu bật đặc tính của nó. Rìa lá sống đời có răng cưa. Khi lá già rụng xuống đất, rễ mọc ở các răng cưa và những cây sống đời con bám đất để vươn lên. Cây sống đời cũng có thể trồng bằng thân cây sống đời già, chặt ra từng khúc, đặt xuống đất và tưới nước.
2- Lá sống đời có ba vị khác nhau trong ngày: a- Vị chua: lá xanh mọng nước hái lúc bình mình. b- Vị chát: lá hái lúc mặt trời lên cao. c- Vị lợ: lá hái lúc 10 giờ đêm.
3- Lá vàng vì thiếu nước luôn luôn chát. Lá xanh trên đọt cây sống đời luôn luôn chát.
4- Lá chua có thể dùng để uống (giã nhuyễn và vắt nước uống) hay để đắp ngoài da khi bị phỏng hay bị chảy máu. Lá chát chỉ dùng ngoài da chớ không uống được. Nếu uống lá chát sẽ gây khó thở.
Đại cương thành phần hóa học của lá trường sinh gồm có: alkaloids, triterpene glycosides C42H66O14, flavonoids C27H30O15, steroids C19H28O2, lipids, bufadienolides C24H34O2, cardienolides C23H34O2, phenanthrene C14H10, taraxasterol C30H50O, aurones C15H10O2, phenolic acid C6H6O, caffeic acid C9H8O4, syringic acid C9H10O5, magic acid F6HO3SSb, oxalic acid C2H2O4, ferulic acid C10H10O4, ascorbic acid (sinh tố C) C6H8O6, Na, Fe, Mn, Mg, K, Ph, Cu, Zn v.v..
Lá trường sinh được dùng để cầm máu, xuất huyết nội, phỏng lửa hay nước sôi, huyết tiện (hematuria), kiết lỵ, tiêu chảy, táo bón, kinh nguyệt quá đà, ho, suyễn, (kháng histamine), kháng viêm, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng ký sinh trùng Leishmania, kháng ung thư, kháng kết bướu, trị sạn thận, bịnh về thận và đường tiểu.
Ở Ấn Độ người ta dùng lá trường sinh để trị bịnh gan, sốt rét.
Ở vùng biển Caribbean người ta tin rằng lá trường sinh trị được các chứng ung thư vì sự hiện diện của bufadienolides C24H34O2, nhựa độc trên da sần sùi của con cóc Bufo fowleri, gia đình Bufonidae và trong cây hành biển Urginea maritima, gia đình Hyacinthaceae, được dùng như digoxin C41H64O14 hay digitoxin C41H64O13 để chữa chứng nghẽn tim.
THÌ LÀ ĐEN
Nigella sativa
Nigella indica
Nigella cretica
Nigella truncata
Gia đình: Ranunculaceae.
Thì là đen, hoa và hột (Ảnh: powo.science.kew.org & indiamart.com)
Đây không phải là thì là (dill) lá nhuyễn như sợi chỉ dùng để ăn chả cá. Thì là ăn chả cá mang tên khoa học Anetum graveolens, gia đình: Apiaceae hay Umbelliferae.
Thì là đen trong bài này là một loại cây cao từ 20 - 50cm, lá chẻ, nhuyễn. Hoa màu trắng-xanh nhạt, 10 cánh hướng lên trời. Nhụy hoa màu vàng. Trái có nắp. Bên trong trái chín có nhiều hột nhỏ màu đen. Hột có từ 30% - 40% dầu và được dùng như hương liệu cho vào thức ăn tuy rằng thảo mộc thuộc gia đình Ranunculaceae thường có độc chất, vì vậy cần phải cẩn thận không nên dùng hột thì là đen quá nhiều. Melanthin C20H33O7 là một chất độc. Nigelline C10H13NO3 gây tê bại. Thymoquinone C10H12O2 có khả năng ngăn chặn tế bào ung thư lá lách. Nó có công năng bảo vệ gan, thận, tim và kháng oxy hoá.
Tên khoa học của thì là đen là Nigella sativa (xem các tên khác trên tựa), gia đình Ranunculaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Ấn Độ |
Mangrail |
Do Thái |
Ketzakh |
Anh |
Black cumin, Fennel flower, Roman coriander, Black onion seed |
Pháp |
Cumin noir |
Hột thì là đen được tìm thấy trong các mộ cổ của các Pharaohs Ai Cập (Quốc Vương Ai Cập thời cổ sử).
Ở Ai Cập và Trung Đông người ta dùng hột thì là đen để chữa bịnh về hô hấp, bịnh đường ruột, bịnh gan, bịnh thận, sự tuần hoàn máu, hột thì là đen chống dị ứng, chống oxy hóa, chống viêm, chống ung thư, chống vi khuẩn v.v.. Các tín đồ Hồi Giáo rất tin tưởng vào tính năng trị liệu của hột thì là đen.
Ở Đông Nam Á hột thì là đen được dùng trị suyễn, viêm phế quản, tê thấp, các dạng viêm, gia tăng tuyến sữa cho phụ nữ mới sinh con, tiêu hóa, chữa bịnh chàm ngoài da (eczema), chốc và cả ung thư!
Thành phần hóa học của dầu hột thì là đen: sterol C17H28O, beta-sitosterol, melanthin C20H33O7, nigelline C10H13NO3, damascene C10H13NO3, tannins, linoleic acid C18H32O2, oleic acid C18H34O2, palmitic acid C16H32O2, carvacrol C10H14O, thymoquinone C10H12O2, alpha-pinene C10H16, protein, alkaloids v.v..
DÂY THẦN THÔNG LÁ TRÒN (1)
Tinospora cordifolia
Coccolus cordifolius
Menispermum cordifolium
Gia đình: Menispermaceae
Dây thần thông lá tròn và trái (Ảnh: reseachgate.net)
Dây thần thông lá hình trái tim được tìm thấy nhiều ở Nam Á và Đông Nam Á.
Dây dài từ 5 - 10m, lá hình trái tim, hoa nở vào mùa hè. Hoa màu xanh-vàng không đẹp. Hoa có 3 cánh và có hai lớp, tổng cộng có 6 cánh. Nhụy hoa màu trắng, đầu nhụy màu vàng. Trái nhỏ và tròn, màu đỏ rất đẹp khi chín.
Dây thần thông lá tròn có 6 vị: ngọt, mặn, chua, chát, đắng và cay nồng.
Tên khoa học của dây thần thông lá tròn là Tinospora cordifolia, gia đình Menispermaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Thần thông lá tròn (do tác giả đặt tên) |
Sanskrit (Phạn ngữ) |
Guduchi |
Ấn Độ |
Giloya |
Anh |
Hearted-leaved moonseed (2), Gulbel, Indian tinospora |
Pháp |
Tinofolin |
Trung Hoa |
Xin ye qing niu dan (Tâm diệp thanh ngưu đơn) (tâm: tim) |
Tính năng trị liệu: Người Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm dùng dây và rễ thần thông lá tròn như thuốc đắng trị sốt rét, bịnh về gan, hoàng đản, tiểu đường, chống kết sạn thận, bảo vệ gan, trị bịnh về thị giác, mất hồng huyết cầu, ung thư, H. I.V., tiêu chảy, kiết ly, tăng cường trí nhớ. Trong thời kỳ dịch COVID-19 (2019 - 2022) người Ấn Độ dùng dây thần thông lá tròn để gia tăng sự đề kháng chống dịch.
Người Tây Tạng rất quí dây thần thông lá tròn (hình trái tim) được họ gọi là THUỐC THIÊN ĐÌNH.
Thành phần hóa học của dây thần thông lá tròn: alkaloids tinosporine C21H26O8, tinosporidine C20H22O7, berberine C20H18NO4+, glycosides C45H74O18, diterpenoid lactone C20H26O4, steroids C19H28O2, sesquiterpenoids C15H26O3, phenolics C6H6O, polysaccharides (C6H10O5) v.v..
(1) Chúng tôi gọi là dây thần thông lá tròn vì người Việt Nam gọi dây ký-ninh Tinospora crispa, gia đình Menispermaceae là DÂY THẦN THÔNG. Loài thảo mộc này có quinine C20H24N2O2 trị sốt rét (malaria) rất tốt. Dây thần thông lá tròn (hình trái tim) mang tên khoa hoc Tinospora cordifolia cùng gia đình Menispermaceae và có tính năng trị sốt rét.
(2) Moonseed: dây sâm; dây xanh; mộc phong kỳ Menispermum canadense, gia đình Menispermaceae. Hearted-leaved moonseed: Mộc phong kỳ lá hình trái tim (Tâm diệp mộc phong kỳ – TÂM: TIM).
CÂY BÚN
Tam Diệp Bách Hoa
Three-leaved Caper (1)
Crataeva nurvala
Gia đình: Capparidaceae
Lá và hoa cây bún (Ảnh: shutterstock.com)
Cây bún được tìm thấy nhiều ở Ấn Độ và các nước Đông Nam Á. Người Việt Nam gọi là ‘bún’ vì hoa của cây này có nhiều nhụy dài và nhuyễn như cọng bún.
Cây bún cao lối 15m. Lá láng, thon dài, ba lá chụm lại. Hoa có cánh mỏng màu vàng-trắng nhạt với nhiều nhụy dài và nhuyễn. Trái tròn, nhỏ, ăn được.
Tên khoa học của cây bún là Craetava nurvala, gia đình Capparidaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Ấn Độ |
Barna, Baruna |
Sanskrit |
Varuna (2) |
Anh |
Three-leaved caper (Tâm diệp bạch hoa) (Caper: cây bạch hoa), |
Cây bún là một cây thuốc quan trọng theo cổ y Ấn Độ.
Vỏ, lá, rễ cây bún (Varuna) có tannins, saponins, flavonoids C27H30O15, sterols C17H28O, lupeol C30H50O, glucosinolates C12H23NO10S3, diosgenin C27H42O3, betulinic acid C30H48O3, stachydrine C7H13NO2, triterpenes C30H48, rutin C27H30O16 v.v..
Vỏ, lá và rễ cây bún dùng làm thuốc nhuận tiểu, nhuận trường, làm tan sạn trong đường tiểu, thận, bàng quang, tuyến tiền liệt, trị lãi, kích thích gan, lọc máu, hạ nhiệt, kháng viêm.
(1). Caper: cây bạch hoa (hoa trắng).
(2) Varuna: là Thủy Thần trong Ấn Giáo (Hinduism).
LÁ LÔNG NHUNG TRỊ SẠN THẬN
Velvet leaf
Saxifraga ligulata
Bergenia pacumbis
Bergenia ligulata
Gia đình: Saxifragaceae
Cây lá lông nhung và hoa Saxifraga ligulata (Ảnh: FB Dravyaguna)
Theo tiếng La Tinh Saxifrage có nghĩa là “làm bể đá; nghiền đá” ám chỉ sạn trong thận.
Cây lá lông nhung là một loại cây cao lối 60cm được tìm thấy nhiều trong vùng Hi Mã Lạp Sơn, Bhutan, Tây Tạng, Trung Á và Tây Bá Lợi Á trên cao độ 1.500m. Lá mỏng, rộng tựa như tai voi, màu xanh nhạt; gân lá chìm nhưng rõ nét. Hoa 6 cánh màu đỏ hay hồng. Nhụy hoa màu vàng.
Gọi lá cây lông nhung vì hai mặt lá non đều phủ lông mịn như nhung (velvet). Khi già lông trên hai mặt lá không còn nữa.
Tên khoa học của cây lá lông nhung trị sạn thận là Saxifraga ligulata (xem các tên khoa học khác trên tựa), gia đình Saxifragaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Ẩn Độ |
Pashanbheda (nghiền nát đá) |
Anh |
Velvet leaf (lá lông nhung). Biệt danh: Pigsqueak, Elephant |
Trung Hoa |
She yan bai cai |
Tính năng trị liệu của cây lá lông nhung rất phong phú. Toàn cây được dùng để chữa tiểu đường, sạn thận, kháng trùng, kháng khuẩn, kháng viêm, chướng hơi (flatulence), bịnh về gan, rối loạn đường tiểu, rối loạn lá lách (splenic disorder), huyết tiện (hematuria), bảo vệ gan v.v..
Thành phần hóa học: bergenin C14H16O9, gallic acid C7H6O5, arbutin C12H16O7, sitosterol C29H50O, calcium oxalate CaC2O4, glucose, tannins, chất nhờn (mucilage), C-glycoside C21H20O10.
CÂY GAI LẠC ĐÀ
Camelthorn
Algahi maurorum
Hedysarum pseudalhagi
Gia đình: Fabaceae
Cây gai lạc đà và hoa (Ảnh: nps.gov)
Chúng tôi dịch chữ Camelthorn ra cây gai lạc đà để hiểu rõ địa bàn sống của loài thảo mộc có gai, lá nhỏ, thon dài và dày ở vùng sa mạc hay vùng đất khô hạn trên thế giới như vùng Địa Trung Hải, Trung Á, Trung Đông, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Phi, Nam Phi ,vùng sa mạc ở Hoa Kỳ, Úc Đại Lợi, miền nam nước Nga, Tân Cương, Iran v.v.
Cây gai lạc đà mọc trên đất mặn, đất đá, đất cát có nhiều đá sỏi trong vùng khô hạn. Cây gai lạc đà cao từ 1 - 1,2m. Lá nhỏ, nhọn, dài, màu ô-liu nhạt; gai dài lối 6cm. Hoa màu tím sẫm hay nhạt. Trái có vỏ dày như trái dâu. Bên trong có nhiều hột to như hột đậu nành. Trái chín màu đỏ.
Tên khoa học của cây gai lạc đà là Alhagi maurorum (nhiều tên khoa học khác trên tựa), gia đình Fabaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Ấn Độ |
Yasava |
Anh |
Camelthorn, Caspian manna, Persian manna plants |
Cây gai lạc đà nhuận tiểu, nhuận trường, lợi phế được dùng để trị u bướu, ống dẫn tiểu, kiết lỵ, trĩ (hemorrhoids), hoàng đản, sạn thận, các chứng bịnh về thận.
Thành phần hóa học: flavonoids C27H30O15, flavone glycosides C23H22O10, alhagidin C34H44O20, proanthocyanidins C31H28O12, triterpenes C39H48, tannins v.v..
DƯA CHUỘT
Cucumis sativus
Gia đình: Cucurbitaceae
Dưa chuột (Ảnh: antropocene.it)
Dưa chuột là một loại dây trồng bằng hột và phải làm giàn cho dây bám vào để có ánh sáng mặt trời và ra nhiều trái.
Dưa chuột gốc ở Ấn Độ, được du nhập sang Âu Châu và Trung Hoa. Dưa chuột được trồng ở Pháp vào thế kỷ IX, ở Anh vào thế kỷ XIV và ở Bắc Mỹ vào thế kỷ XVI. Ngày nay khắp nơi trên thế giới đều có trồng dưa chuột ngoại trừ vùng khí hậu hàn đới hay bán hàn đới.
Tên khoa học của dưa chuột là Cucumis sativus, gia đình Cucurbitaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Dưa chuột (1), Dưa leo |
Anh |
Cucumber |
Pháp |
Concombre |
Dưa chuột Anh gọi là English cucumber ít đắng, ít hột. Dưa chuột vàng được người Ấn Độ gọi là dosakai.
Dưa chuột trồng lối 40 - 45 ngày thì có thể thu hoạch.
Đó là một thức ăn có vị ngọt lợ, nhiều nước, được các dân tộc trên thế giới ưa thích. Người ta ăn dưa chuột sống hoặc dùng nó để làm đồ chua hay chiên xào với thịt và các loại hải sản. Người Việt Nam trộn dưa chuột với khô và chút giấm + đường đề ăn cơm. Kỹ nghệ làm đồ chua bằng dưa chuột rất quan trọng ở Hoa Kỳ.
Các quốc gia sản xuất nhiều dưa chuột trên thế giới là: 1. Trung Hoa. 2. Thổ Nhĩ Kỳ. 3. Nga. 4. Iran. 5. Hoa Kỳ. Trung Hoa sản xuất 60% tổng sản lượng dưa chuột trên thế giới.
Dưa chuột có sinh tố B1, B2, B3, B5, B6, B9, sinh tố C, chất sắt Fe, phosphorus, magnesium, Zinc, potassium. Phần gần cuống của trái dưa chuột có vị đắng do sự hiện diện của phenylthiocarbamide (PTC – C7H8N2S). Hột dưa chuột có chất hypoxanthine C5H4N4O dùng để trục lãi trong đường ruột. Ngoài ra dưa chuột còn có cucurbitacin C30H42O7.
Dưa chuột được dùng để chống sự thoát nước (dehydration) trong cơ thể vào những ngày nóng bức, trị táo bón, tránh sự kết sạn thận. Sinh tố K giúp cho sự đông máu. Chất vôi Ca trong dưa chuột củng cố xương. Dưa chuột kháng ung thư vì có cucurbitacin, ngăn ngừa cao máu, trị tiểu đường vì cucurbitacin điều hòa insulin. Dưa chuột cũng được dùng để đắp trên mặt làm se da.
(1) Một tình cờ ngộ nghĩnh về tên gọi DƯA CHUỘT của người Việt Nam và MOUSE MELON của người Anh khi gọi dưa chuột chua Mexico (Mexican sour cucumber), mang tên khoa học Melothria scabra, gia đình Cucurbitaceae.
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Tự Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/thaomoctrisanthan.html