Phạm Đình Lân
Thảo mộc trị bịnh về thận
.
Mọi người đều có có hai trái thận nằm gần thắt lưng. Nhiệm vụ của thận là lọc máu; vất cặn bã, chất độc trong cơ thể ra ngoài dưới dạng nước tiểu; tạo thăng bằng của các chất lỏng trong cơ thể; tạo kích thích tố erythropoietin hay hematopoietin để có tế bào hồng huyết cầu; tạo sinh tố D cần thiết cho xương.
Trong ngũ tạng thận thuộc hành Thủy màu đen liên hệ nhiều đến gan (Can) (hành Mộc, màu xanh). Tiêu hóa và bài tiết điều hoà là ấn dấu ấn sức khỏe bình thường và ngược lại.
Bịnh về thận có nhiều dạng khác nhau. Phần lớn nó là hậu quả của cuộc sống trác táng, của bịnh tiểu đường, tình trạng cao huyết áp, thức ăn hàng ngày quá mặn (nhiều muối hay nước mắm). Những dạng bịnh về thận thường thấy là thủy thũng (dropsy), cước khí (edema), sạn thận, rối loạn đường tiểu, huyết tiện, viêm thận (nephretis; Bright’s disease), đái gắt, đái đêm v.v..
Thảo mộc trị bịnh thận là những loại thảo mộc nhuận tiểu (cần cho trường hợp ít nước tiểu, đái gắt), có citric acid (làm mòn sạn thận), có tính cầm máu (huyết tiện), hạ huyết áp, hạ máu đường v.v.. Trên thực tế có rất nhiều loại thảo mộc với những đặc tính nói trên như: rễ bồ công anh (dandelion), củ rau cần bẹ (celery), rau cần Tây (parsley), tỏi, gừng, nghệ, chanh, cỏ băng, râu bắp, lá sống đời, cỏ chó đẻ, trái cranberry, rong biển v.v.
Bài viết này không phải là toa thuốc trị bịnh thận mà chỉ đề cập đến loài thảo mộc nhuận tiểu cần thiết cho những chứng bịnh liên quan đến thận ở cấp thấp hay trong trạng thái phòng ngừa các chứng bịnh liên quan đến thận. Cách chữa trị bịnh thận cổ truyền dựa vào dược tính của thảo mộc thực tế không mang lại nhiều kết quả trông đợi (10 - 15%). Có thể vì không định bịnh đúng và dùng không đúng thảo mộc liên quan đến bịnh?
Có thể dược tính trong thảo mộc không đủ mạnh và không hữu hiệu bằng viên thuốc bào chế gia tăng gấp ngàn lần dược tính trị liệu thiên nhiên?
Các dạng sạn thận mới kết hay huyết tiện dùng dược thảo có kết quả. Dùng thảo mộc nhuận tiểu và có citric acid để tạo một dòng nước và vị chua của citric acid bào mòn sạn và cuốn trôi sạn ra ngoài dưới dạng nước tiểu có chất vôi bị tán nhỏ. Trường hợp bí tiểu tiện hay liên tục tiểu tiện ban đêm có thể dùng châm cứu trị liệu và dược thảo với kết quả khả quan. Chúng tôi có vài kinh nghiệm nhỏ trong việc chữa trị chứng tiểu đêm cho bào huynh của chúng tôi sau khi học tập về. Nặng hơn là trường hợp một thiếu nữ mất ngủ gầy ốm xanh xao vì mỗi đêm phải đi tiểu trên 20 lần! (cô Hứa Thị Hoa. Theo lời chồng cô, anh Cường, một Việt Kiều ở Cambodia, cô đã trải qua 20 thầy thuốc khác nhau nhưng không khỏi và nhận được những lời khuyên bi quan khiến cho gia đình đau buồn và lo lắng). Sau hai tuần chữa trị kết quả rất khích lệ.
Chúng tôi lần lượt nói qua vài loại thảo mộc thông thường, quen thuộc liên hệ đến chủ đề của bài viết này.
CHANH
Citrus aurantiifolia
Gia đình: Rutaceae
(Ảnh: internet)
Cây chanh gốc ở vùng Đông Nam Á được du nhập sang Trung Đông, Nam Âu, Bắc Phi (vùng ven Địa Trung Hải), hải đảo trong biển Caribbean, Trung và Nam Mỹ nhiệt đới và bán nhiệt đới. Chanh, bưởi, cam, quít (agrume < Pháp > – citrus) thích hợp với khí hậu Địa Trung Hải. Do Thái, tiểu bang Florida, California là những nơi sản xuất những loại trái cây dồi dào sinh tố C này.
Cây chanh cao từ 2 - 5m; thân có gai; lá láng và có mùi thơm nồng; hoa màu trắng; trái tròn hay hình bầu dục màu xanh hay màu vàng tựa như trái pingpong. Bên trong của trái có nhiều múi nhỏ li ti, vị chua thơm dễ chịu và vài hột nhỏ như đầu chiếc đũa.
Tên khoa học của cây chanh là Citrus aurantiifolia thuộc gia đình Rutaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Chanh |
Nhật |
Remon |
Anh |
Lime (chanh xanh), Lemon (chanh vàng) (Hoa Kỳ) |
Pháp |
Limon |
Trung Hoa |
Meng |
Iran |
Limu |
Ả Rập |
Lima |
Tây Ban Nha |
Lima |
Vùng Hy Mã Lạp Sơn có một loại chanh đỏ (múi đỏ và có vị chua của chanh + vị ngọt của cam). Các nhà thực vật học Anh và Úc có khuynh hướng cho rằng vùng Hy Mã Lạp Sơn là sinh quán của các loại chanh, bưởi, cam quít.
Ở Việt Nam có: chanh giây (mỏng vỏ và nhiều nước), chanh mọi (chanh rừng trái to nhưng không thơm), chanh núm (trái dài như trái banh cà-na và có núm tựa như cái rún vậy). Người Việt Nam dùng chanh làm nước giải khát hay kết hợp nước vắt và múi chanh + đường + tỏi + ớt + nước mắm để làm nước chấm ăn ốc gạo, ốc bươu. Vị chua trong chén nước mắm thay đổi tùy theo thức ăn. Ăn thịt vịt thì dùng nước mắm + gừng giã nhuyễn + ớt + đường + giấm (vị chua). Ăn thịt lươn um, thịt rùa, rắn thì dùng nước mắm + ớt + đường + me (vị chua) v.v..
Người Trung Hoa dùng chanh để làm chanh muối. Nước giải khát chanh muối rất tốt vì dùng luôn cả vỏ chanh có nhiều sinh tố C tức ascorbic acid C6H8O6 cần thiết cho việc ngừa bịnh scorbutus.
Chanh có nhiều sinh tố C, citric acid C6H8O7, Calcium oxide CaO, apigenin C15H10O5, hesperetin C16H14O6, limonoids, quercetin, naringenin C15H12O5, nobiletin C21H22O8, rutin C27H30O16.
Chanh kháng trùng, kháng nấm, kháng viêm, kháng chất mỡ béo, kháng ung thư, hạ huyết áp, trị tiểu đường, bảo vệ gan, tim, xương và thông đường tiểu.
Vỏ và lá chanh là nguyên liệu để cất dầu chanh. Phải dùng vỏ của 3.000 trái chanh mới cất được 1 lít dầu chanh. Dầu chanh dùng trong nấu nướng, tạo hương vị cho bánh ngọt, dưỡng da, hương trị liệu, có tác dụng tiêu hóa, làm cho côn trùng tránh xa v.v..
RAU CẦN TÂY
Petroselinum crispum
Gia đình: Apiaceae hay Umbellifera
(Ảnh: internet & Wikipedia)
Rau cần Tây gốc ở đông nam Âu Châu, Tây Á tức là miền Địa Trung Hải.
Tên khoa học của cần Tây là Petroselinum crispum thuộc gia đình Apiaceae. Tên gọi thông thường là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Rau cần Tây |
Nhật |
Paseri |
Anh |
Parsley |
Pháp |
Persil |
Trung Hoa |
Xiangcai |
Tây Ban Nha |
Perejil |
Rau cần Tây là một loại rau cải cao lối 50cm; lá chẻ và có mùi thơm. Cọng dài và mọng nước. Rau cần Tây chịu lạnh rất tốt (đối với khí hậu Việt Nam). Hoa nhỏ màu trắng-xanh nhạt. Có một loại cần Tây trồng để lấy củ. Người Trung Hoa ở Việt Nam dùng nhiều cần Tây hơn người Việt Nam. Người Việt Nam biết rau cần Tây sau khi tiếp xúc với người Pháp.
Rau cần Tây được cho vào súp hay chiên xào với thịt heo, bò, gà. Rau có sinh tố A, B1, C, Ca, Fe, Mg, iodine.
Lá rau cần Tây có myristicine C11H12O3 có khả năng ức chế việc kết bướu, ung thư và sát trùng lãi. Lá có tính kháng khuẩn.
Mùi thơm của rau cần Tây do chất menthadiene C10H16 mà ra.
Tinh dầu lấy từ rau cần Tây có nhiều myristicine C11H12O3, menthadiene C10H16, apiol C12H14O4, beta-phellandrene.
Rau cần Tây nhuận tiểu, điều hoà kinh nguyệt, trị nhức đầu, chuột rút vì có kinh, làm cho thận cường tráng (kidneys), trị hoàng đản, thị lực kém, lợi phế.
Nước sắc của lá rau cần Tây gội đầu làm sạch gàu (dandruff) và làm cho tóc đen.
Phụ nữ có thai không dùng lá, hột và dầu rau cần Tây. Người bị sạn thận (kidney stone) không được dùng rau cần Tây vì có oxalic acid C2H2O4. Dầu có độc chất furanocoumarins và psoralens C11H6O3 (dùng trị bịnh ngoài da).
CỎ BĂNG Elymus repens
Gia đình: Poaceae
(Ảnh: pladias.cz & dekruidenwereld.be)
Cỏ băng gốc ở Âu Châu, Bắc Phi, Tây Bá Lợi Á, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á. Nói chung, đó là loài thảo mộc của vùng khí hậu ôn đới hay bán hàn đới. Đó là nguồn gốc của tên gọi cỏ băng tức cỏ ở vùng băng giá.
Tên khoa học của cỏ băng là Elymus repens thuộc gia đình Poaceae của lúa gạo, lúa mì. Chữ Elymos của Hy Lạp có nghĩa là mễ cốc vì cỏ băng có hình dạng giống cây lúa mì trổ bông. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cỏ băng (do người viết dịch từ chữ twitch) |
Nhật |
U-itogurasu |
Anh |
Wheat grass, Quack grass, Couch grass, Quick grass, Twitch |
Pháp |
Agropyre (tên khoa học khác của cỏ băng là Agropyron repens) |
Trung Hoa |
Xiao bing |
Cỏ băng cao lối 1m; lá dài lối 40cm như là cây lúa. Hoa nhỏ, màu trắng.
Lá cỏ băng non xay vắt nước uống rất nhuận tiểu, tẩy sạch độc chất trong thận (kidneys). Cỏ băng có K, Fe, Zn, Cu, Mn, pantothenic acid C9H17NO5 (sinh tố B5), sợi (fibers), sinh tố A, C, E, K, B6.
Từ đầu kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo người Âu Châu biết dùng cỏ băng để trị bịnh viêm tuyến tiền liệt (prostatis). Cỏ băng (cọng và lá non) dùng để trị bịnh bàng quang, sỏi sạn thận, nhiễm trùng đường tiểu, kháng viêm, tiểu đường, hạ cholesterol, gia tăng hồng huyết cầu, viêm đường ruột. Để chữa bịnh thận và bàng quang người ta kết hợp cỏ băng + cây bảy vỏ (thất bì mộc) tức hoa tú cầu dại Hydrangea arborescens (chưa kiểm chứng khoa học về cách chữa trị này chỉ biết rằng cỏ băng nhuận tiểu, nhuận trường khi thí nghiệm trên chuột).
CỦ CẦN BẸ
Apium graveolens
Gia đình: Apiaceae
(Ảnh: gardenersworld.com & cwrnl.nl)
Cần bẹ là rau cải miền ôn đới và bán nhiệt đới. Cây cần bẹ cao từ 60 đến 70cm; lá mỏng, màu xanh nhạt, có mùi thơm; gốc to có nhiều bẹ; hoa màu trắng-xanh; trái có nhiều hột nhỏ. Toàn cây có mùi thơm dễ chịu.
Xuất xứ của cần bẹ không rõ ràng. Người ta tin rằng nó xuất phát từ vùng Địa Trung Hải và Tây Á. Mãi đến năm 1623 nông dân Pháp mới trồng cần bẹ. Hiện nay Ấn Độ là nước sản xuất 62% hột giống cần bẹ trên thế giới.
Tên khoa học của cần bẹ là Apium graveolens thuộc gia đình Apiaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Tây Ban Nha |
Apio |
Nhật |
Serorjini |
Anh |
Celery |
Pháp |
Celeri |
Trung Hoa |
Chin |
Cần bẹ là thức ăn và cũng là một nguồn dược thảo. Cần bẹ có apiol C12H14O4 (có tính trụy thai). Hột hòa với muối là một hương liệu. Từ xưa ở Âu Châu người ta dùng hột cần bẹ để làm thuốc giảm đau. Cần bẹ có 3-N-butyl-phthalide làm hạ huyết áp (thí nghiệm vào chuột). Nó có androstenone C19H28O kích thích sự ham muốn tình dục.
Dầu cần bẹ kích thích tử cung. Phụ nữ mang thai không dùng được.
Hột cần bẹ có chất vôi Ca và androstenone C19H28O. Hột có tác dụng thanh lọc máu, trị tê thấp (thuốc đắp), nhuận trường, lợi cho việc trung tiện, trị kinh nguyệt, kích thích thần kinh.
Thảo mộc gia đình Apiaceae có độc chất polyacetylene (C2H2)n độc đối với cá.
Củ cần bẹ gọi là Celeriac có nhiều antioxidants kháng viêm, hạ huyết áp, nhuận trường, bồi bổ xương, ngừa rỗng xương.
Giá trị dinh dưỡng của củ cần bẹ (tính bằng phần trăm số lượng mà cơ thể cần hàng ngày, khi ăn 100g củ tươi): Na: 6%, K: 13%, Fe: 6%, phosphorus: 18%, protein: 4%, sinh tố C: 20%, sinh tố B6: 15%.
CỎ CHÓ ĐẺ
Diệp Hạ Châu
Phyllanthus niruri
Gia đình: Phyllanthaceae
(Ảnh: indiamart.com & agrotexglobal.com)
Đây là một loại thảo mộc tầm thường rất quen thuộc nhưng có đặc tính trị liệu độc đáo. Khi cần tìm một số lượng cần thiết để trị bịnh không phải dễ!
Gọi là cỏ chó đẻ vì thấy chó mỗi khi sinh con chạy ra ngoài tìm cỏ này để ăn.
Cỏ chó đẻ có nhiều ở Trung, Nam Mỹ, các nước có khí hậu nhiệt đới hay bán nhiệt đới ở Nam Á, Đông Nam Á, hải đảo Thái Bình Dương, bắc Úc Đại Lợi. Cỏ chó đẻ cao từ 30 - 40cm. Cây có nhành nhỏ yếu ớt. Lá nhỏ, mọc đối nhau như lá me màu xanh nhạt. Hoa màu xanh. Trái tròn, nhỏ và có hột nhỏ li ti.
Tên khoa học của cỏ chó đẻ là Phyllanthus niruri thuộc gia đình Phyllanthaceae hay Euphorbiaceae. Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cỏ chó đẻ |
Tagalog |
Sampa-sampalukan (trái mọc dưới lá) |
Anh |
Breaker (làm bể sạn < đá >), Quinine weed, Seed under leaf |
Pháp |
Derrière dos (sau lưng tức chỉ về thận); |
Trung Hoa |
Ze xia zhu (Diệp hạ châu); Zhu zi cao (Châu tử thảo) |
Bồ Đào Nha |
Quebra-pedra (nghiền đá < sạn >) |
Tây Ban Nha |
Chanca piedra (nghiền đá < sạn >) |
Tên gọi thông thường của người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Anh đều gọi cỏ chó đẻ là cây nghiền nát sạn (quebra-pedra – stone breaker). Đó là đặc tính nổi bật của cỏ chó đẻ vậy.
Cỏ chó đẻ kháng viêm, nhuận tiểu, nhuận trường, làm giảm sự đau nhức, kháng khuẩn, chống cao máu, hạ đường trong máu, hạ cholesterol, bảo vệ gan, tẩy độc trong gan, trị viêm gan B (hepatitis B), trị sốt rét, trục lãi. Sự hiện diện của niruriside C38H42O17 làm cho các nhà khoa học nghĩ đến việc ngăn ngừa ung thư và trị HIV bằng cỏ chó đẻ.
Brazil và Ấn Độ là hai quốc gia dày công nghiên cứu về cỏ chó đẻ. Từ lâu người Brazil dùng cỏ chó đẻ để làm mòn sạn thận, làm giảm chất vôi trong nước tiểu.
Cỏ chó đẻ có: carboxylic acid R-COOH, ellagic acid, repandusinic acid, alkaloids, astragalin, brevifolin, corilagin, cumene, ellagitannins, gallocatechins, geraniin, lignans, lintetraline, lupeol C30H50O trị ung thư, methyl salicylate, niranthin C24H32O7, hypophyllantin C24H30O7, phyllantine C14H17NO3, phyllanthenol C30H50O2, nirtetralin, niruretin, ninurine, niruriside C38H42O17 v.v..
Chất phyllanthin C24H34O6 trong cỏ chó đẻ được dùng để thuốc cá.
LÁ SỐNG ĐỜI Kalanchoe pinnata
Gia đình: Crassulaceae
(Ảnh: internet & flower2.la.coocan.jp)
Chúng tôi đã đề cập đến loại dược thảo nầy đôi lần. Dù vậy chúng tôi cảm thấy có bổn phận nhắc lại vài đặc điểm của loài thảo mộc tầm thường nhưng có dược tính trị liệu độc đáo này:
1. Lá sống đời hay là trường sinh có 12 tên khoa học khác nhau từ các dòng thảo mộc Kalanchoe, Bryophyllum, Verea, Cotyledon, Crassula den Sedum thuộc gia đình Crassulaceae.
2. Những tên gọi thông thường của lá sống đời làm cho chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về tính năng trị liệu của nó:
Việt Nam: Lá Quan Âm (trị nhiều thứ bịnh như Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn), lá bỏng (trị phỏng lửa; nước sôi), lá thuốc hàn (vì cầm máu), đả bất tử (đánh không chết vì không bao giờ chết. Lá rụng rễ sẽ mọc lên từ các răng của ngoài rìa lá), lạc diệp sinh căn (lá rụng sẽ mọc rễ), lá lưỡi cọp (loại sống đời lá dài, dày như lá nha đam).
Trung Hoa: Zhang shou hua (trường thọ hoa vì hoa có thể dùng trong nhiều tháng liên tiếp).
Tây Ban Nha ở Nam Mỹ: Angelica (Thiên thần diệp), Siempre viva (Sinh Diệp).
Anh: Miracle plant (cây thần diệu), Air plant (không thảo), Wonder of the world (kỳ quan thế giới), Cathedral bells (Chuông giáo đường ám chỉ hoa hình chuông), Life plant (sinh mộc), Life love plant (cây yêu đời).
Ấn Độ: Parnabija (cây nhiều rễ. Chữ Parnabija đồng nghĩa với tiếng Sanskrit dhanvantari nghĩa là cây thiêng liêng).
Tagalog (Phi Luật Tân): Katakata-ka: cây thần diệu.
3. Nhai hay uống nước vắt: dùng lá chua. Dùng ngoài da: dùng lá chát.
4. Cây được tưới nước, lá xanh và mọng nước (lá chua). Cây không tưới lá vàng và luôn luôn chát. Lá chua hay chát đều cầm máu và ngăn chặn tiêu chảy. Nhưng uống lá chát rất khó chịu vì khó thở. Lá chua là lá gần gốc, lá xanh, dày, mọng nước và hái lúc ban mai. Lá xanh trên đọt luôn luôn chát.
5. Lá có ba vị trong ngày: 1- lá chua vào lúc bình minh. 2- lá chát khi nắng chói lọi. 3- lá có vị lợ vào lúc 9 - 10 giờ đêm. Lá vàng và lá xanh trên đọt luôn luôn chát.
6. Lá sống đời kháng trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, kháng dị ứng, kháng histamine (trị suyễn), kháng viêm, kháng ung thư, kháng ký sinh trùng Leishmania (do tên nhà nghiên cứu bịnh lý Anh William Leishman 1856 - 1926) gây ra bịnh Kala azar (Dum Dum Fever): sốt, da nhăn nheo, da đen, mất hồng huyết cầu, sưng gan và lá lách (Kala: đen; azar: bịnh, chất độc – tiếng Ấn Độ). Lá sống đời chủ trị: phỏng lửa hay nước sôi, bịnh gan, sốt rét (Ấn Độ), ho (kể cả ho gà tức bách nhật khái và ho lao), táo bón, bí tiểu, huyết tiện, sạn thận, sạn bàng quang, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón, kinh nguyệt quá đà, hoàng đản, trĩ, cao huyết áp, tiểu đường, cholesterol, suyễn, các dạng nấm ngoài da.
7. Thành phần hóa học: alkaloids, triterpenes glycosides, flavonoids, steroids, lipids, bufadienolides C24H34O2, cardienolides C23H34O2, protein, Na, Fe, Mn, Mg, K, P, Cu, Zn, ascorbic acid C6H8O6 (sinh tố C) và nhiều loại acids khác. Bufadienolides C24H34O2 có tác dụng như digoxin C41H64O14 và digitoxin C41H64O13 dùng để chữa chứng nghẽn tim. Chất độc này được tìm thấy trong nhựa độc trên da sần sùi của con cóc (thiềm thừ Bufo fowleri, gia đình: Bufonidae) hay trên cây hành biển Urginea maritima nhưng được dùng làm thuốc thông phổi. Liều lượng lý tưởng khi dùng lá sống đời là dưới 5 grams cho mỗi ki-lô trọng lượng (Thí dụ: người cân nặng 60 ki-lô thì liều lượng lý tưởng là 5 x 60: 300 grams lá tối đa mỗi ngày).
Đừng bao giờ uống lá chát (lá vàng hay lá xanh trên đọt). Lá chua có tác dụng đối với các chứng sình bụng, tiêu chảy, kiết lỵ, táo bón. Do đó đừng bao giờ uống lá chát.
Nếu lá sống đời có nhiều công dụng trị liệu đối với loài người thì ngược lại nó không có lợi cho trâu bò. Ngoài đồng cỏ thiên nhiên cây sống đời không được tưới nước hàng ngày. Lá vàng và chát. Trâu bò ăn một số lượng lá chát vào và bị khó thở chăng?
TRÁI CRANBERRY
Vaccinium macrocarpon
Gia đình: Ericaceae
(Ảnh: etsy.com & jerseyards.org)
Chúng tôi không dịch trái cranberry ra Việt ngữ vì loại trái này không có ở Việt Nam nhưng có rất nhiều ở Bắc Mỹ, Âu Châu. Nếu dịch theo Hoa ngữ Suan guo man (toan quả mãn – cây quả chua) thì người Việt Nam cũng không biết là trái gì? Trái cóc, trái chùm ruột, trái khế, trái xoài xanh… đều chua! Vì vậy chúng tôi giữ tên tiếng Anh Cranberry cho dễ hiểu và dễ tìm kiếm.
Tên khoa học của trái cranberry là Vaccinium macrocarpon thuộc gia đình Ericaceae. (Macro: lớn; carpus: trái), nhưng trái cranberry nhỏ bằng đầu ngón tay út.
Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cranberry (không dịch) |
Nhật |
Kuranberi (âm từ cranberry) |
Anh |
Cranberry |
Pháp |
Canneberge |
Trung Hoa |
Suan guo man (toan quả mãn – cây quả chua) |
Cây cranberry là cây bụi cao lối 2 - 3m. Cây mọc hoang ở Âu Châu, Bắc Mỹ. Hoa nhỏ, màu trắng-hồng hay hồng. Trái nhỏ màu đỏ khi chín. Ngày nay người ta thuần hóa cây cranberry để có thu hoạch cao hầu cung ứng cho nhu cầu sản xuất thức uống, làm rượu, làm thạch, nước chấm và được dùng trong y học trị liệu ở Bắc Mỹ, Âu Châu, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan.
Cranberry đóng vai trò quan trọng trong thức ăn mùa đông của người Da Đỏ ở Bắc Mỹ trước kia.
Trái cranberry có sinh tố C, A, E, B6 và Ca, Mg, Ph, K. Đó là nguồn Polyphenols chống oxy hóa. Trái cranberry có những hợp chất anthocyanin flavonoids, cyanidin C15H11O6+, peonidin C16H13O6 và quercetin C15H10O7 phòng ngừa ung thư, phòng ngừa nhiễm trùng, phòng ngừa bịnh tim, phòng ngừa bịnh thần kinh, hạ huyết áp. Người ta dùng trái cranberry để trị các chứng nhiễm trùng đường tiểu, nước tiểu có sạn (lợn cợn chất vôi). Sự bào mòn sạn (chất vôi) tuỳ thuộc vào độ chua của trái cranberry. Ngày xưa người Da Đỏ dùng trái cranberry để trị bịnh thận và bàng quang. Hiện nay các nhà nghiên cứu tìm hiểu xem có thể dùng cranberry ngăn chặn sự kết bướu ở tuyến tiền liệt, ung thư gan, ung thư vú, ung thư ruột v.v..
RONG BỂ WAKAME
Undaria elongata
Gia đình: Alariaceae
Rong bể wakame Undaria pinnatfida (Ảnh: japaneseknotweekillers.com)
Đây là rong bể ăn được (wakame: ăn được) tìm thấy nhiều trong lãnh hải Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Hoa. Người Nhật và Triều Tiên dùng rong bể màu hung đỏ này để nấu súp hay ăn như rau cải. Rong bể wakame cũng được tìm thấy ở bờ biển Calfornia và Tân Tây Lan. Rong nằm sâu dưới mặt nước biển từ 15 đến 20m.
Tên khoa học của rong wakame là Undaria pinnatfida thuộc gia đình Alariaceae. Tên gọi thông thường là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Rong bể ăn được |
Nhật |
Wakame |
Anh |
Seamustard |
Triều Tiên |
Miyeot |
Trung Hoa |
Qn dai cai |
Rong bể wakame vừa là thức ăn vừa là một nguồn fucoxanthin C42H58O6 quan trọng với tác dụng chống béo phì, trị tiểu đường, kháng lão hóa, kháng viêm, bảo vệ gan. Rong còn có nhiều Ca, iodine, thiamine, niacin, polyphenols, omega-3 fatty acids, eicosapentaenoic acid C20H30O2, fucoidans (kháng viêm, kháng khuẩn, kháng ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt). Rong bể wakame thanh lọc máu, làm cho ruột hoạt động tốt, lợi cho da, điều hoà kinh nguyệt, giúp ích nhiều cho cơ quan sinh dục (cường thận), kháng u bướu, kháng ung thư, chống béo phì, chống đông máu, kích thích hệ thống miễn nhiễm. Rong bể wakame còn được dùng để làm mỹ phẩm dưỡng da ở Nhật Bản.
Ở Nhật rong bể wakame còn được dùng nấu súp Miso. Ở Triều Tiên có súp Miyeokguk. Phụ nữ Triều Tiên thường ăn rong bể wakame khi mang thai và vào ngày thôi nôi con với niềm tin rằng đứa trẻ lớn lên sẽ gặp nhiều may mắn.
.
Phạm Đình Lân F.A.B.I.
Bài viết tổng hợp dựa vào Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/thaomoctribinhvethan.html