Phạm Đình Lân


Thảo mộc mang tên cơm và bánh mì

.

Cách đặt tên thông dụng của thảo mộc đôi khi trùng lấp nhau cho những loại thảo mộc khác nhau. Thông thường cách đặt tên thảo mộc dựa trên màu sắc, hương vị, công dụng dinh dưỡng và trị liệu của chúng.

Theo tựa đề của bài viết này có những loại thảo mộc mang tên bánh mì và cơm. Đó là hai thức ăn quan trọng của loài người. Cơm là thức ăn của cư dân vùng khí hậu nhiệt đới hay bán nhiệt đới. Bánh mì là thức ăn hằng ngày của cư dân vùng khí hậu ôn đới và bán hàn đới. Thảo mộc mang tên bánh mì có công dụng dinh dưỡng như bánh mì. Nhưng thảo mộc mang tên Cơm không được dùng như cơm. Người ta gọi là cây Cơm Cháy hay cây Cơm Rượu vì mùi của chúng giống cơm cháy hay Cơm Rượu chớ không phải vì trái của chúng dùng để nấu thành cơm.

 

THẢO MỘC MANG TÊN BÁNH MÌ

Cây Bánh Mì Tartar

Crambe tataria
Tataria hungrica

Gia đình: Cruciferae - Brassicaceae

   

Cây Bánh Mì Tartar và hoa (Ảnh: Wikimedia Commons & Wikispecies-Wikimedia)

Người Tartars là nhóm người du mục thuộc sắc tộc Mông Cổ và Turkish (Thổ). Vào thế kỷ từ XIII, dưới sự chỉ huy của Genghis Khan (Thành Cát Tư Hãn), họ thống trị Trung Á, Đông Á, Nam Á và cả Đông Âu nữa!

Cây bánh mì Tartar mọc hoang ở Trung Á từ miền tây Tây Bá Lợi Á đến phía bắc biển Caspian, Hắc Hải chạy sang tận Bulgaria, Hung Gia Lợi đến miền đông Tiệp Khắc bây giờ. Người Tartar dùng củ của cây bánh mì mọc hoang này để làm bánh mì.

Tên khoa học của cây bánh mì Tartar là Crambe tataria thuộc gia đình Cruciferae hay Brassicaceae của các loại cải. Nó còn mang tên khoa học Tataria hungarica vì được người Hung Gia Lợi dùng để làm bánh mì.

Cây bánh mì Tartar cao lối 1m. Nó mọc thành bụi. Hoa có chùm màu trắng đục. Hoa lưỡng tính do các loại côn trùng thụ phấn. Cây cần độ ẩm nhưng nó có thể mọc trên vùng đất có nhiều alkaline. Lá và củ cây bánh mì Tartar đều ăn được (nấu chín hay ăn sống). Củ to như củ cải trắng ở Việt Nam, có vị ngọt. Người ta ăn sống hay luộc chín ăn với dầu ăn như dầu ô-liu chẳng hạn pha với chút giấm. Ngày xưa quân lính đế quốc La Mã dùng củ của cây bánh mì này làm bánh mì khi họ đóng quân ở Pannonia trên lãnh thổ Hung Gia Lợi bây giờ. Đây là một loại cây lương thực mọc hoang như dây khoai nầng (củ nầng).

Cây Bánh Mì Thánh John
Cây Carob

Ceratonia siliqua

Gia đình: Fabaceae - Leguminosae

Cây và trái Carob (Ảnh: forestrypedia.com & Wikipedia)

Gọi là cây Carob vì âm theo tiếng Ả Rập Kharrub. Người Do Thái gọi là Haruv. Cây Carob gốc ở Syria. Người Hy Lạp du nhập cây Carob vào Ý Đại Lợi. Người Ả Rập truyền cây Carob sang Bắc Phi rồi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Người Tây Ban Nha đem cây Carob sang Mỹ Châu. Uruguay là xứ có nhiều vườn cây Carob. Ngày nay nó được tìm thấy khắp nơi trên thế giới.

Cây Carob cao từ 10 đến 15m, dễ trồng, không sợ nước mặn cũng không ngại sự khô hạn. Hoa nhỏ màu đỏ. Trái giống như trái đậu hình chữ C như trái me giẹp. Trái ăn được. Người Thổ Nhĩ Kỳ ví trái Carob với sừng dê nên gọi là Keciboynuzu. Người Ý gọi là carrubio; người Tây Ban Nha gọi là algarrobo.

Tên khoa học của cây carob là Ceratonia siliqua thuộc gia đình Fabaceae. Theo tiếng Hy Lạp keras là cái sừng; siliqua là tiếng La Tinh có nghĩa là trái có vỏ ngoài giống trái đậu. Tên thường gọi:

Anh

Ả Rập

Do Thái

Ý

Tây Ban Nha

St John’s bread
Locust tree

Kharrub

Haruv

Carrubio

Algarrobo

Trong Tân Ước Kinh sách Matthiew 3:4 có viết: Quần áo của John làm bằng lông lạc đà. Ông mang dây thắt lưng bằng da và thức ăn là cào cào và mật ong.

Không biết thực sự Thánh John ăn cào cào (locust) hay trái cào cào vì cây Carob được người Anh gọi là locust tree tức cây cào cào hay cây bánh mì Thánh John.

Tại sao gọi là cây cào cào (locust tree)? Vì trái nhiều treo trên cây như cào cào? Cào cào hay đậu trên cây Carob? Gọi là cây bánh mì Thánh John vì Thánh John ăn trái cây Carob tức cây cào cào?

Quyển Thánh Kinh gốc được dùng để dịch ra ngoại ngữ viết bằng ngôn ngữ gì? Hy Lạp ngữ? La Tinh? Hebrew? Và trong đó người ta dùng chữ gì (Hy Lạp ngữ, La Tinh hay Hebrew) để được dịch thành locust (cào cào)? Nếu đó là từ ngữ của Hebrew thì ta nhờ các đại học Do Thái cho biết chữ ấy có nghĩa là gì? Con cào cào hay trái cây cào cào tức cây Carob?

Nếu Thánh John ăn cào cào thì người Anh nhầm lẫn khi gọi cây Carob là cây bánh mì Thánh John (St John’s bread tree) chăng?

Chuyện nhỏ này sẽ làm cho các nhà nghiên cứu mất nhiều thì giờ và công sức để tìm ra sự thật: Thánh John ăn cào cào (locust) hay ăn trái cây cào cào (locust tree)?

Cây Carob cho bóng mát, gỗ tốt và nhiều trái ăn được. Trái Carob có nhiều đường (72%). Người ta dùng trái Carob để nuôi súc vật hay nghiền thành bột để thay thế sô-cô-la hay cà phê, làm nước giải khát hay cất rượu. Nó được dùng trong thức ăn, bánh, kẹo. Nhựa của hột trái Carob được dùng trong kỹ nghệ dược phẩm, mỹ phẩm, kỹ nghệ dệt, sơn, phim ảnh, thuốc diệt trùng, ngành nhuộm. Gỗ dùng để đóng bàn ghế.

Trái Carob có 72% đường, nhiều calories, proteins, chất vôi, phosphorus, sợi, carbohydrates, chất béo và tro.

Người Ai Cập cổ thích ăn trái Carob.

Người Do Thái có truyền thống ăn trái Carob vào dịp lễ ‘Tu BiShvat’ tức lễ mừng năm mới cho cây cỏ vào tháng giêng, tháng 2 mỗi năm. Vào ngày này người ta trồng cây mới và ăn trái sung ngọt (fig), nho, chà là, trái Carob. Đó là ngày hoa hạnh nở ở Do Thái.

Tín đồ Hồi Giáo dùng nước ép của trái Carob vào lễ Ramadan.

Ngày xưa người ta dùng hột Carob làm đơn vị cân đo đá quí, kim cương, và vàng. Chữ carat do chữ keration của Hy Lạp mà ra. Một carat lối 0,2 gram. Vàng nguyên chất là vàng 24 carat (vàng 999) (Carat hay Karat)

Trái Carob cầm máu, nhuận trường, trị ho, tiêu chảy. Vỏ cây Carob có nhiều tannins.

THẢO MỘC MANG TÊN CƠM

Cây Cơm Cháy
Cây Thuốc Mọi

Sambucus javanica
Sambucus nigra

Gia đình: Caprifoliaceae hoặc Adoxaceae

Hoa và trái Cơm Cháy (Ảnh: http://stuartxchange.com & https://www.biolib.cz)

Gọi là cây Cơm Cháy vì lá và trái cây Cơm Cháy nghiền nát có mùi hôi như cơm khét. Cây Cơm Cháy hay cây Thuốc Mọi là một loại cây nhỏ cao từ 3m đến 5m. Thân cây nhỏ, mềm và giòn. Lá nhọn mọc đối nhau. Hoa kết thành chùm màu trắng. Trái chín chuyển từ màu vàng cam sang màu đen.

Cây Cơm Cháy được tìm thấy nhiều ở Đông Nam Á, các hải đảo Thái Bình Dương, Trung Hoa và lục địa Mỹ Châu nhiệt đới hay bán nhiệt đới.

Tên khoa học của cây Cơm Cháy là Sambucus javanica (thuộc về đảo Java) hay Sambucus nigra (nigra: đen, hắc vì vậy nó được mệnh danh là cây Thuốc Mọi) thuộc gia đình Caprifoliaceae.

Tên gọi thông thường:

Anh

Tagalog

Việt Nam

Elderberry
Chinese elder
Japanese elder

Saudo

Cây Cơm Cháy
Cây Thuốc Mọi

Người ta cho rằng cây Cơm Cháy có độc chất nhẹ trong rễ, lá và mầm non. Nếu đem luộc chín thì độc chất biến mất và có thể ăn được. Rễ cây Cơm Cháy có chlorogenic acid C16H18O9. Cây có ochnaflavone kháng viêm như Kim Ngân Hoa (Nhẫn Đông Lonicera japonica). Lá và rễ Cơm Cháy dùng để trị đau nhức, tê thấp, bịnh về xương cốt. Trái lọc máu và tẩy xổ. Cây nhuận tiểu. Tất cả những công dụng trị liệu trên được áp dụng trong y học dân gian ở Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia, Lào v.v.

Cây Cơm NếpStrobilanthes acrocephalus

Gia đình: Acanthaceae

Thật sự đây là một loại dây gốc ở miền Á Châu nhiệt đới. Nó được tìm thấy nhiều ở Nepal, Ấn Độ, Miến Điện. Lá có răng cưa và có lông mịn. Hoa màu trắng.

Gọi là cây Cơm Nếp vì khi héo tàn cây toát lên mùi cơm nếp. Cây Cơm Nếp có flavone, apigenninpiperridine alkaloids: conhydrineconhydrinone.

Cây Cơm Nếp được xem là hượt trường và làm giảm đau.

Thảo mộc mang tên khoa học Polygonatum kingianum thuộc gia đình Liliaceae của hoa huệ hay gia đình Convallariaceae cũng được gọi là cây Cơm Nếp. Tên gọi của người Anh là Solomon’s seal (Hoa Ngọc Ấn Solomon) vì gốc cây hoa này có hình ngọc ấn của vua Solomon. Người Trung Hoa gọi là Dian huang jing.

Cây cao từ 1 đến 2m; lá nhỏ và dài. Cây mọc trên đất khô cằn, trong các hốc đá. Hoa hình chuông màu vàng-đỏ. Trái và hột có độc chất. Cây non luộc chín ăn được và không độc.

Cây hoa Ngọc Ấn Solomon hay cây Cơm Nếp được dùng làm thuốc sát trùng, thuốc trị xơ động mạch, trị mỡ trong gan, ho, viêm phổi, ho lao. Hoa Ngọc Ấn Solomon có steroids, saponins, gentrogenin, kingianosides A-D.

Trái: Cây và hoa cơm nếp Strobilanthes oligantha (Ảnh: https://www.hessenhof.nl/)
Phải: Cây Cơm Nếp Polygonatum kingianum - hoa ngọc ấn (Ảnh: Pinterest)

Cây Cơm Nguội Ardisia humilis
Ardisia solanacea
Ardisia myrsinoides
Ardisia annamensis

Gia đình: Myrsinaceae

Hoa và trái Cơm Nguội (Ảnh: Printerest & rozendale.com)

Cây Cơm Nguội gốc ở Đông Nam Á. Nó được tìm thấy nhiều ở Việt Nam, Phi Luật Tân, Cambodia, Thái Lan, Mã Lai, Ấn Độ.

Cây Cơm Nguội cao từ 2m đến 5m. Lá dài, giẹp hình bầu dục. Lá xanh tươi và láng. Hoa màu trắng-hồng có 5 cánh trông đẹp mắt. Trái tròn màu hồng khi chín màu đen-tím sẫm kết thành chùm. Trái có một hột. Trái ăn được nhưng không có hương vị đặc biệt. Có lẽ vì vậy mà người Việt Nam gán cho nó tên Cơm Nguội tạm hiểu là ăn được nhưng không ngon (ngọt lợ). Cơm Nguội núi Dinh ở Phước Tuy (Bà Rịa) Ardisia dinhensis (núi Dinh) có hoa trắng.

Ở Việt Nam có các loại cây Cơm Nguội sau đây:

- Cây Cơm Nguội nam Ardisiia annamensis.
- Cây Cơm Nguội núi Dinh Ardisia dinhensis hoa trắng, lá dài và có lông.
- Cây Cơm Nguội xanh lá có mụt, trái màu xanh mang tên khoa học Ardisia virens.

Cây Cơm Nguội núi Dinh (Ảnh: internet)

Tên khoa học của cây Cơm Nguội là Ardisia humilis thuộc gia đình Myrsinaceae. Tên gọi thông thường:

Anh

Pháp

Trung Hoa

 Ấn Ɖộ

Ardisia
Jet berry
Low shoe button ardisia

Ardisie elleptique

Ai zij in niu
(Ai tử kim ngưu)

Bisi

Ở Nhật có cây Cơm Nguội Ardisia japonica, trái tròn màu đỏ. Cây cao lối 50 - 70 cm; lá to, láng có răng cưa ngoài rìa. Hoa trắng-hồng nhạt. Trái chín màu đen-tím ăn được. Tên gọi thông thường:

Anh

Nhật

Trung Hoa

Red coral berry
Japanese ardisia
Marlberry

Yabukooji

Zi jin niu (Tử kim ngưu)

Cây và trái Cơm Nguội Nhật Bản (Ảnh: kiefernursery.com)

Thầy thuốc Hoa y dùng Zi jin niu (Tử Kim Ngưu – cây Cơm Nguội Nhật Bản) làm thuốc trị viêm gan, ung thư gan, viêm phổi.

Cây Cơm Nguội Nhật Bản còn được dùng để làm thuốc tiêu hoá, lọc máu, thông phổi. Lá dùng để trị ung thư, bướu độc. Rễ nhuận tiểu, lọc máu. Thân cây sắc nước uống trị huyết tiện (hematuria)

Ở Miến Điện người ta dùng cây Cơm Nguội để trị chứng rối loạn kinh nguyệt phụ nữ.

Cây Cơm Rượu
Cây Bưởi Bung
Shan xiao ju (Sơn Tiểu Cúc)

Glycosmis pentaphylla
Glycosmis cochinchinensis
Limonia pentaphylla
Loureria cochinchinensis

Gia đình: Rutaceae

Hoa và trái Cơm Rượu (Ảnh: & https://www.ebay.com.au)

Cây Cơm Rượu (Bưởi Bung; Sơn Tiểu Cúc) được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Á châu nhiệt đới, bắc Úc Đại Lợi, hải đảo Thái Bình Dương, hải đảo trong biển Caribbean. Đó là một loại cây nhỏ; thân cây giòn và cao không quá 5m. Cây có nhiều nhánh, lá dài và rộng, láng. Khi vò nát lá có mùi nồng. Hoa nhỏ màu trắng. Trái tròn, nhiều nước màu hồng rất đẹp. Trái ăn được, vị ngọt-đắng. Trái có một hột khá to so với thể tích của toàn trái Cơm Rượu.

Tên khoa học của cây Cơm Rượu (cây Bưởi Bung) là Glycosmis pentaphylla (năm lá) thuộc gia đình cam quít Rutaceae. Tên gọi thông thường:

Anh

Thái

 Trung Hoa

Lào

Tagalog

Orange berry

Khoet taai

Shan xiao ju (Sơn Tiểu Cúc)

So sum

Gingging

Cây Cơm Rượu mọc tự nhiên chớ không ai trồng vì cây không đẹp, trái không ngon nên không ai trồng.

Ở Ấn Độ, theo kinh nghiệm trị liệu dân gian, người ta giã lá cây Cơm Rượu vắt nước để trị sốt, sán lãi, bịnh gan.

Ở Việt Nam và các quốc gia lân bang người ta giã lá cây Cơm Rượu, vắt nước cho phụ nữ mới sinh con uống để ăn ngon cơm. Cây Cơm Rượu còn được dùng để trị rắn cắn.

Cây Cơm Rượu có arborinine, carbazole alkaloids (glycozolicine), 3-formyl carbazole, glycosinine, mupamine.

.

Bài viết tổng hợp trích từ Thế Giới Thảo Mộc Từ Điển do tác giả Phạm Đình Lân biên soạn.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/thaomocmangtencom.html


Cái Đình - 2022