Phạm Ɖình Lân


Sự trường thọ của cây cỏ

.

Người, động vật và thảo mộc đều bị chi phối bởi định luật Phát Sinh, Phát Triển và Suy Tàn hay nói theo triết lý Phật Giáo: Sinh, Lão, Bịnh, Tử.

Người mạnh khoẻ khi được dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ đầy đủ.

Cây cỏ cũng vậy. Cây cỏ có lá xanh dồi dào, gỗ cứng không bị côn trùng đục khoét là cây khoẻ mạnh.

Con người có râu tóc rậm rạp, xương cốt cứng cáp, lục phủ ngũ tạng hoạt động bình thường là người khoẻ mạnh.

Cây cỏ mọc thẳng đứng, thân rắn chắc, rễ ăn sâu dưới lòng đất là cây vững mạnh và có sức chịu đựng nắng, mưa, giông bão và tuyết giá ngoan cường.

Con người có lưng thẳng có sức khoẻ hơn người có lưng còng như chữ C.

Cây mọc thẳng vững chắc hơn cây mọc quanh co như rắn bò.

Tuổi trường thọ của loài người xê dịch từ 100 đến 140 năm.

Tuổi trường thọ của cây cỏ có thể kéo dài đến hàng ngàn năm.

Người, động vật, cây cỏ đều có thức ăn khác nhau nhưng tất cả đều phải uống nước để sống. Cây trường thọ thường là cây to, gỗ rắn chắc, rễ dài để tìm nguồn nước dưới lòng đất. Cây có rễ cạn không trường thọ bằng cây có rễ đuôi chuột bám sâu dưới lòng đất.

Ấn Độ là nơi có nhiều cây đa có tuổi thọ trung bình lối 450 tuổi. Ngoài rễ dưới gốc, cây đa còn có nhiều rễ từ trên cành chạy xuống dưới đất để tìm nguồn nước để nuôi cây mẹ sinh tồn. Các loại cây trường thọ như cây xồi, cây sequoia, cây ô-liu, các loại cây hình nón có lá xanh quanh năm như thông, tùng, bách đều được tìm thấy trong vùng khí hậu ôn đới, hàn đới hay bán hàn đới.

Từ trái sang phải: Cây thông Methuselah vùng núi White Mountain (Ảnh: https://www.flickr.com/),
cây Sequoia ở California (Ảnh: https://www.weer.nl/) và cây xồi Jurupa Oak (Ảnh: https://mathoplywood.com/)

Cây thông Methuselah vùng núi White Mountain, hạt Inyo, đông bộ California, mang tên khoa học Pinus longaeva, gia đình Pinaceae, được 4.852 tuổi (vẫn còn sống). Methuselah là tên người Do Thái thời Cựu Ước Kinh sống lâu đời nhất trong lịch sử loài người: 969 tuổi.

Cây Sequoia (do tên của ông Sequoyah (1767 - 1843), người Cherokee sáng chế ra vần Cherokee) ở Sierra Nevada, California, mang tên khoa học Sequoiadendron giganteum thuộc gia đình Cupressaceae sống thọ 3.266 tuổi.

Cây xồi Jurupa Oak (Jurupa: tên núi Jurupa trong hạt Riverside, California) hay Hurunga Oak mang tên khoa học Quercus palmeri nên còn được gọi là cây xồi Palmer, thuộc gia đình Fagaceae. Cây xồi Jurupa có tuổi thọ cao nhất trong các loại cây to: 13.000 năm.

Từ trái sang phải: Cây vân sam Na Uy (Ảnh: https://www.reddit.com/),
cây ô-liu làng Ano Vouves trên đảo Crete, Hy Lạp (Ảnh: https://www.griekseolie.nl/) và cây bách sói (Bald Cypress) North Carolina (Ảnh: https://pacojariego.me/)

Cây vân sam Na Uy (Norway spruce) Picea abies, gia đình Pinaceae, trên núi Fulufjallet, tỉnh Dalarma, Thụy Điển, thọ 9.550 tuổi.

Cây ô-liu làng Ano Vouves trên đảo Crete, Hy Lạp, mang tên khoa học Olea europaea, thuộc gia đình Oleaceae, được xem là cây ô-liu trường thọ nhất hiện nay: 4.000 tuổi (vẫn còn sống). Cây ô-liu lớn tuổi nhất được tìm thấy ở Bchaaleh, Lebanon, đã có từ thời thuyền Đại Hồng Thuỷ Noah tức lối 6.000 tuổi.

Cây bách sói Florida Taxodium distichum, gia đình Cupressaceae đã chết vì cháy rừng thọ 3.500 tuổi. Hiện nay cây bách sói (Bald Cypress) North Carolina được xem là cây bách sói có tuổi thọ cao nhất: 2.624 tuổi (vẫn còn sống).

Cây thủy tùng (Yew) trong làng Liangernyw, Wales (Anh) – (Ảnh: https://www.herald.wales/), trái
và cây Jequitiba (Gia Trưởng Rừng Xanh) ở Brazil (Ảnh: https://www.monumentaltrees.com/), phải

Cây thủy tùng (Yew) già nhất được tìm thấy trong làng Liangernyw, Wales (Anh) mang tên khoa học Taxus baccata, gia đình Taxaceae. Tuổi thọ cây thủy tùng này xê dịch từ 4.000 đến 5.000 năm. Đó là cây cao niên nhất ở Anh Quốc hiện vẫn còn sống.

Ở Brazil có cây Jequitiba (Gia Trưởng Rừng Xanh) là cây to và trường thọ trong rừng Đại Tây Dương Brazil. Cây Jequitiba mang tên khoa học Cariniana legalis, gia đình Lecythidaceae, sống trên 3.000 năm.

Từ trái sang phải: Cây tuyết tùng (Cedar tree) ở Lebanon (Ảnh: https://www.gardenia.net/),
cây tuyết tùng Nhật Bản ở Ỵakushima (Ảnh: https://www.yakushimaexperience.com/)
và cây bạch dương ở North Carolina (Hoa K
ỳ) – (Ảnh: https://elevation.maplogs.com/)

Lebanon là xứ nổi tiếng về cây tuyết tùng (Cedar tree). Hình ảnh cây này được tìm thấy trên quốc kỳ Lebanon. Tên khoa học của cây tuyết tùng là Cedrus libani, gia đình Pinaceae. Cây tuyết tùng trường thọ ở Lebanon nằm trên núi Lebanon Governorate, được 3.300 tuổi.

Người Anh gọi cây bá hương Nhật Bản Cryptomeria japonica, gia đình Cupressaceae là Japanese cedar (tuyết tùng Nhật Bản). Người Nhật gọi là Jomon Sugi. Đó là một trong những cây thiêng ở Nhật quanh các đền Thần Giáo Nhật. Cây bá hương trên đảo Yakushima có tuổi thọ xê dịch từ 2.700 tuổi đến 7.000 tuổi được UNESCO công nhận là một di sản văn hoá.

Tuổi thọ của cây bạch dương (Poplar - Peuplier) không cao. Gỗ cây không rắn chắc. Cây bạch dương có tuổi thọ cao là cây bạch dương trong hạt Forsyth, tiểu bang North Carolina. Tương truyền cây bạch dương này đã có từ thời Columbus vượt Đại Tây Dương đến Mỹ Châu tức cuối thế kỷ XV. Cây bị sét đánh, thân cây bị nứt nhưng không chết.

Cây bạch quả vào mùa thu ở Quan Âm Cổ Tự trong tỉnh Shaanxi (Thiểm Tây – Trung Quốc) –
(Ảnh: https://www.chinaxiantour.com/)

Cây bạch quả mang tên khoa học Ginkgo biloba, gia đình Ginkgoaceae có tuổi thọ 1.400 tuổi được tìm thấy ở Quan Âm Cổ Tự trong tỉnh Shaanxi (Thiểm Tây). Vào mùa thu lá bạch quả vàng rơi lả tả trước thu phong rất đẹp.

Người Nhật gọi bạch quả là ICHO. Bạch quả ở Nhật được du nhập từ Trung Hoa. Người Nhật thích thú nhìn lá bạch quả vàng vào mùa thu. Cây bạch quả trường thọ của Nhật trong hạt Aomori trên 1.000 tuổi.

***

Những cây trường thọ vừa đề cập đều là những cây to, cây hình nón trong vùng khí hậu ôn đới, hàn đới hay bán hàn đới. Trung Hoa và Nhật Bản có cây cổ thụ trường thọ vì hai quốc gia này có vùng khí hậu ôn đới lạnh.

Từ trái sang phải: Cây đa khổng lồ trong vườn Bách Thảo Acharya Jagadish Chandra Bose Garden, Ấn Độ (Ảnh: https://www.alamyimages.fr/),
Cây đa trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng (Ảnh: https://zingnews.vn/)
và cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi trong vườn Mahamewna, Anuradhapura, Sri Lanka (Tích Lan) – (Ảnh: https://commons.wikimedia.org/)

Ấn Độ có cây đa khổng lồ trong vườn Bách Thảo Acharya Jagadish Chandra Bose Garden ở Shibpur gần Kolkata. Tên khoa học của cây đa là Ficus benghalensis, gia đình Moraceae. Cây đa khổng lồ này có 1.250 tuổi, chiếm một diện tích 18.918 m2 tức 1,89 hectares (01 hectare: 10.000 m2). Bóng mát chiếm một chu vi 486 m. Cành đa dài nhất của cây đa này đo được 24,5 m!

Cây đa trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng, có tuổi thọ 800 năm.

Cây bồ đề trường thọ nhất là cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi trong vườn Mahamewna, Anuradhapura, Sri Lanka (Tích Lan). Tên khoa học của cây bồ đề là Ficus religiosa thuộc gia đình Moraceae. Cây bồ đề Jaya Sri Maha Bodhi nói trên lấy giống từ cành cây bồ đề nơi Đức Phật tọa thiền và đắc đạo ở Ấn Độ và được trồng vào năm 288 trước Tây Lịch tính đến nay được 2.309 năm.

Cây me cổ thụ ở Miến Điện (Ảnh: https://www.monumentaltrees.com/), trái
và cây trà Camellia sinensis ở miền bắc nước Lào (Ảnh: aostea.com), phải

Miến Điện có cây me cổ thụ Tamarindus indica, gia đình Fabaceae, được 1.004 tuổi. Cây me này nằm trong vùng Mandalay. Thái Lan cũng có cây me có tuổi thọ tương đương với cây me cổ thụ của Miến Điện. Gỗ cây me cứng và dẻo. Ở Việt Nam hay Thái Lan người ta dùng gỗ cây me để làm thớt.

Ở miền bắc nước Lào có nhiều cây trà Camellia sinensis, gia đình Theaceae, cao đến 25 m. Việc hái lá để làm trà hay làm thuốc rất khó khăn vì cây to và cao. Thân cây già phủ đầy rong rêu trơn trợt khó leo lên cao để hái lá.

***

Lục địa Phi Châu là vùng khí hậu khô hạn và có nhiều sa mạc. Thảo mộc sống nhờ nước. Vùng khô hạn hay khí hậu sa mạc là vùng có những loại cây gai như xương rồng hay loại cỏ có lá dài, nhọn và cứng.

Qui luật nào cũng có ngoại lệ. Ở Phi Châu nóng bức vẫn có cây cỏ trường thọ.

Từ trái sang phải: Cây Baobab ở Phi Châu (Ảnh: https://www.nature.com/),
Cây Tumboa trong sa mạc Namid, Namibia (Ảnh: https://worldofsucculents.com/)
và cây Baobab ở Sunland, Nam Phi (Ảnh: https://www.monumentaltrees.com/)

Cây to lớn và trường thọ ở Phi Châu là cây Baobab mang tên khoa học Adansonia digitata, gia đình Bombaceae (có nơi liệt vào gia đình Malvaceae). Cây Baobab là cây to hình cái chai. Phần trên nhỏ, lá lưa thưa. Phần dưới phình to. Đường kính phần thân cây gần gốc có thể xê dịch từ 15 - 17 m. Cây Baobab là cây to có thể cho đến 500m3 gỗ. Gỗ mềm. Những cây có thể sống đến 2.450 năm như cây Baobab ở Zimbabwe. Trong thân cây Baobab có trung bình 300 lít nước dự trữ phòng khi nắng hạn bất thường không có mưa. Ngày nay cây Baobab càng ngày càng hiếm đi. Trong 13 cây Baobab cao tuổi ở Phi Châu có 09 cây đã chết! Số động vật to lớn như voi, tê giác, hà mã càng ngày càng ít đi thì số cây Baobab to lớn cũng giảm sút nhiều. Một số ít cây còn tồn tại trên đảo Madagascar và ở Úc Đại Lợi.

Cây Tumboa là một loại cây sa mạc có rễ cái to và ăn sâu dưới các đụn cát. Cây có hai lá to, dài đến 3 m. Hai lá hút sương ban đêm để có nước nuôi cây. Sa mạc Namid là nơi có nhiều cây Tumboa mà tôi gọi là cây củ hành sa mạc dựa vào cách gọi của thổ dân Herero ở Angola: Onyanga. Thú vật ăn lá cây Tumboa nhưng không diệt hết cây vì lá có nhiều xơ dài và cứng.

Cây Tumboa có tuổi thọ xê dịch từ 500 năm đến 2.000 năm. Cây ngăn chặn bão cát. Vì vậy ngày nay chánh phủ cấm dân chúng chặt cây Tumboa để lấy củi chụm. Mặc dù cây tựa như cây dứa dại không cao nhưng thân cây Tumboa rất rộng. Đôi khi có cây Tumboa có lá dài đến 6 m và rộng 3 m.

Tên khoa học của cây Tumboa là Welwitschia mirabilis, gia đình Welwitschiaceae, đặt theo tên của bác sĩ và nhà thực vật học Áo Friedrich Welwitsch, người khám phá ra cây Tumboa vào năm 1859 ở Angola.

Cây Baobab và cây Tumboa là hai loại cây trong vùng khí hậu khô hạn có tuổi thọ đến 1.000 năm hay cao hơn nữa. Cây Baobab ở Sunland, Nam Phi, cao 22 m, tàng rộng 47 m, đường kính của thân cây: 14 m được ước lượng có đến 6.000 tuổi. Cây Baobab Sunland đã chết năm 2016.

Cây xương rồng Saguaro Arizona, Hoa Kỳ (Ảnh: https://en.wikipedia.org/), trái
và dây nho Zametovka có tuổi thọ cao nhất ở  Maribor, Slovenia (https://www.inyourpocket.com/)

Xương rồng là loại cây sa mạc mình nước và có nhiều gai. Cây xương rồng Saguaro mang tên khoa học Carnegiea gigantea, gia đình Cactaceae, trong Công Viên Quốc Gia Saguaro ở Tucson, Arizona, cao 12,2 m, thọ 300 tuổi.

Dây nho là loại dây ăn trái trong vùng khí hậu Địa Trung Hải có tuổi thọ trung bình từ 80 - 100 tuổi. Tên khoa học của dây nho là Vitis vinifera, gia đình: Vitaceae. Dây nho có tuổi thọ 400 năm là dây nho Zametovka trồng ở Maribor, Slovenia vào thế kỷ XVII khi vùng này bị đế quốc Ottoman xâm chiếm.

Dây nho cao niên ở Hoa Kỳ là dây nho scuppernong trên đảo Roanoke, North Carolina. Dây nho mẹ này được ghi vào sổ sách canh nông vào năm 1584.

Trong Tân Ước Kinh, Chúa Jesus đề cập nhiều đến dây nho, trái nho và rượu nho. Thế nhưng không thấy một dây nho nào thời Chúa Jesus còn sống sót nên người ta phải chấp nhận dây nho ở Maribor, Slovenia, 400 tuổi, là dây nho cao niên nhất thế giới.

Trong các loại củ, nhân sâm là loại củ có sức sống ngoan cường nhất: sống lâu dưới đất phủ đầy tuyết băng giá. Tên khoa học của nhân sâm là Panax ginseng, gia đình Araliaceae.

Nhân sâm (Ảnh internet)

Trong các phim chưởng Hong Kong người ta thường nói đến sâm ngàn năm. Nhân sâm càng nhiều tuổi càng quí và đắt giá. Nhưng sâm ngàn năm chỉ có trong óc tưởng tượng chớ không có trên thực tế. Củ nhân sâm cao niên nhất là củ sâm hoang 130 tuổi tìm thấy ở Mohusa, tỉnh Jeolla Nam, Nam Triều Tiên (Nam Hàn). Còn sâm trồng thì không có sâm ngàn năm được!

Trong vùng khí hậu nhiệt đới có:

Từ trái sang phải: Củ chụp hay củ mài (Ảnh: https://sites.google.com/), củ nần (Ảnh: https://vast.gov.vn/)
củ mandrake Mandragora autumnalis (Ảnh: https://www.flickr.com/)

- Củ chụp hay củ mài hay văn vẻ hơn là hoài sơn Dioscorea persimilis, gia đình Dioscoreaceae sống sâu dưới đất hàng thước.

- Củ nần Dioscorea hispida to nhất cân nặng đến 35 ki-lô, chứng tỏ dây nần cũng có tuổi thọ khá cao.

Ở phương Đông nhân sâm (ginseng) được trân quí và đề cao với nhiều chuyện huyền hoặc. Gọi là nhân sâm vì củ sâm có hai nhánh chẻ bám sâu dưới đất như hai chân người. Người ta cho rằng củ sâm có hình người mới có tính năng trị liệu cao!

Ở Tây Á và các quốc gia quanh Địa Trung Hải người ta đề cập đến củ mandrake như người Đông phương đề cao nhân sâm vậy. Củ mandrake cũng có hai nhánh chẻ phía dưới như hai chân người. Củ ăn sâu dưới đất từ 1 – 1,5 m. Người Iran gọi củ mandrake là Merkomgia có nghĩa là củ có hình người như  người Đông phương gọi củ sâm là nhân sâm. Chúng tôi gọi củ mandrake là KÍCH DỤC DỊ THẢO dựa vào tính kích dục và sự kỳ lạ của nó qua khẩu truyền.

Tên khoa học của mandrake là Mandragora autumnalis, gia đình Solanaceae. Người Anh gọi là love plant (Cây tình yêu), love apple (táo tình yêu), Satan apple (táo Sa-tăng), Duck's foot (Chân vịt). Ấn Độ gọi là Blagener. Tiếng Sanskrit là Laksmana.

Củ mandrake được đề cập đến cách đây trên 4.000 năm. Theo truyền thuyết Do Thái và Hy Lạp người nhổ củ mandrake thường bị chết vì nghe tiếng thét kinh hồn phát ra từ củ mandrake có hình người. Vì vậy người ta không dám nhổ củ mandrake mà phải dùng chó làm công tác này bằng cách cột cổ chó với củ mandrake để chó nhổ củ.

Người Ai Cập cổ tặng củ mandrake như tặng quà tình yêu khi trai gái mới yêu nhau. Người ta tin rằng mang bùa có củ mandrake thì được may mắn, tà ma phải tránh xa không dám quấy nhiễu.

Củ mandrake có nhiều độc chất ma tuý tạo ảo giác cho người dùng. Củ mandrake có tropane alkaloid scopolamine C17H21NO4, atropine C17H23NO3, mandrogorine C17H27NO3, hyoscyamine C17H23NO3 được dùng làm thuốc kích dục, trị bất lực sinh lý, vô tự hay bào chế thuốc làm giảm đau nhức, trị kinh phong, buồn bực, cuồng si, điên giận. Các y sĩ Ả Rập dùng nó làm thuốc mê trong các cuộc giải phẫu ngày xưa. Người bịnh nhai củ mandrake trước khi giải phẫu.

Kích dục dị thảo mandrake được đề cập trong sách Genesis 30: 14 - 22 (Sáng Thế Ký) và Song of Songs 7: 13 (Châm Ngôn).

Theo sách Genesis, Jacob có vợ là hai người con gái của người cậu họ là Laban. Đó là Leah và Rachel. Rachel là em nhưng được gả cho Jacob trước chị là Leah. Leah đẹp nhưng nhan sắc không bằng Rachel. Jacob yêu Rachel hơn Leah. Nhưng Leah có con với Jacob trong khi Rachel không có con. Một hôm, vào mùa gặt lúa mì, Reuben, con của Jacob và Leah, mang củ mandrake về cho mẹ. Rachel thấy vậy nên xin Reuben cho củ mandrake cho bà. Để đổi lấy củ mandrake Leah nhường cho Rachel ngủ với Jacob một đêm. Từ khi dùng củ mandrake Rachel mang thai và có con với Jacob. Có phải chăng đó là tính năng trị liệu chứng vô tự của củ mandrake? Trong Thánh Kinh Việt ngữ củ mandrake được gọi là trái phong.

Lưu ý: Chữ mandrake cũng được người Anh dùng để chỉ dây nhăng đỏ (red bryony) hay Xà Thảo (Wild Weed) mang tên khoa học Bryonia dioica, gia đình Cucurbitaceae của bầu, bí. Dây nhăng (bryony) có củ dài đến 1m. Củ ngoằn ngoèo hình con rắn uốn khúc.

***

Có nhiều loại cây cỏ không trường thọ nhưng dòng giống bất tử. Đó là những loại thảo mộc:

- Có trái có nhiều hột như lê, lựu, bình bát, mãng cầu, ổi v.v. Trong trạng thái hoang dã chim ăn trái và phóng thải hột qua đường tiêu hoá để mọc thành rừng cây. Cây bình bát thường mọc ở những vùng ẩm thấp gần suối, sông hay bờ biển. Trái chín rụng được nước cuốn đi. Hột chìm trên bùn và mọc thành cây như trường hợp duyên hải bình bát ở miền bắc Úc Đại Lợi.

- Thảo mộc tăng trưởng từ mắt của các lóng cây như cây mía, cây tre chẳng hạn. Một cây mía có 10 mắt đặt xuống đất sẽ có 10 cây mía non mọc lên từ các mắt mía. Cây tre là thảo mộc vùng nhiệt đới nhưng vẫn sống ngoan cường vào mùa đông tuyết giá ở Nhật Bản, Trung Hoa, Hoa Kỳ v.v. Đó là Trúc Lệ mang tên khoa học Phyllostachys bambusoides, gia đình Poaceae. Người Nhật gọi là Madake; Anh: Japanese timber bamboo; Trung Hoa: Zhuli. Người Việt Nam gọi là tre bông hay trúc lệ vì khi già thân cây tre này có nhiều đốm. Theo truyền thuyết, người Trung Hoa cho rằng những đốm trên thân tre là nước mắt của hai bà hoàng hậu Nuying (Nữ Anh) và Ehuang (Nga Hoàng) của vua Di Shun (Đế Thuấn). Khi vua Di Shun băng hà, hai bà hoàng hậu khóc thảm thiết và trầm mình dưới sông Xiangjiang (Hương Giang) trong tỉnh Hunan (Hồ Nam). Những đốm trên cây tre bông được tin là nước mắt của hai vị hoàng hậu Nuying và Ehuang. Đó là truyền thuyết về tre trúc lệ hay tre bông. Trúc lệ ra bông sau khi được từ 120 dến 130 tuổi. Cây tre chết sau khi trổ bông.

- Có củ như cỏ gấu (hương phụ), bồ công anh (dandelion), hoa huệ, hoa tulip (uất kim hương), củ hành, củ tỏi v. v.

- Có hoa có hột như hoa vạn thọ, hoa mồng gà, hoa bồ công anh, hoa hướng dương v. v.

- Tăng trưởng từ các kẽ lá như lá sống đời Kalanchoe pinnata, gia đình Crassulaceae. Một lá sống đời có trung bình từ 15 đến 20 răng cưa. Lá chết rụng xuống đất, cây con mọc trên các kẽ răng cưa để có từ 15 đến 20 cây sống đời con. Vì vậy người ta còn gọi lá sống đời là Đả Bất Tử (Đánh không chết) hay Lạc Diệp Sinh Căn (Lá rụng sinh ra rễ và mọc ra cây con).

***

Qua những dòng chữ trên chúng ta thấy cây cỏ miền khí hậu ôn đới, Địa Trung Hải, hàn đới và bán hàn đới có sức đề kháng và thích ứng với sự khắc nghiệt của thời tiết mạnh hơn cây cỏ vùng khí hậu nhiệt đới và xích đới. Sự hiện hữu của cây Baobab và cây Tumboa trường thọ là một ngoại lệ đáng lưu ý về sự thích ứng của cây cỏ với môi trường và điều kiện sống khắc nghiệt.

Cây cỏ vùng khí hậu lạnh trường thọ hơn cây cỏ vùng khí hậu nóng và khô hạn. Có vài điểm tương đồng thú vị giữa con người và cây cỏ trước khí hậu.

Cây cỏ vùng khí hậu lạnh có dược tính cao. Vì khan hiếm hay vì có dược tính cao mà thuốc Bắc, tức thuốc dùng dược thảo nhập cảng từ Trung Hoa (khí hậu ôn đới), đắt tiền hơn thuốc Nam? Loài người ở vùng khí hậu ôn đới hoạt động, sống hợp quần và có nhiều sáng kiến, phát minh hơn loài người sống trong vùng khí hậu nhiệt đới hay xích đới. Trong bốn dân tộc hoàng chủng ở Đông Á, có ba dân tộc sống trong vùng khí hậu ôn đới: Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Người Việt Nam sống trong vùng khí hậu nhiệt đới. Sự phát triển của Việt Nam tương đối chậm so với Nhật Bản, Trung Hoa và Triều Tiên.

Con người có thể thiên cư và tìm cách thích ứng với môi trường sống để sinh tồn. Người Âu Châu thiên cư sang Mỹ Châu, Nam Phi, Úc Đại Lợi, Tân Tây Lan. Sau hai thế chiến có nhiều đợt di cư vĩ đại trên thế giới. Chánh trị và kinh tế là nguồn gốc chính của các cuộc thay đổi vùng sinh cư của loài người trên Trái Đất.

Con người cũng giúp cây cỏ thiên cư.

Người Tây Ban Nha du nhập vài loại cây ăn trái ở Trung và Nam Mỹ vào Phi Luật Tân. Từ đó các loại cây ăn trái này được đưa vào Mã Lai, Indonesia, Cambodia, Lào, Việt Nam.

Các giáo sĩ Thiên Chúa Giáo và chủng sinh ở Penang, Mã Lai, du nhập sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu bòn bon vào những nơi có nhiều giáo dân ở Nam Kỳ như Cái Mơn, Nhị Bình, Bình Nhâm, Hưng Định.

Vào thập niên 1930 người ta thành công trong việc trồng cây Baobab ở Florida.

Cây cà phê, cây cao su bắt đầu rời sinh quán ở Phi Châu và Nam Mỹ Châu để tìm không gian sinh tồn ở các quốc gia khí hậu nhiệt đới Á Châu như các xứ trên bán đảo Đông Dương, Mã Lai, Indonesia v. v. Nho được trồng ở các vùng nhiệt đới có vũ lượng thấp ở Châu Á. Thái Lan, Việt Nam đã trồng nho và có thu hoạch.

Việt Nam là một quốc gia cổ xưa trong vùng nhiệt đới Châu Á Gió Mùa nơi có hàng ngàn loại thảo mộc khác nhau. Nhưng, vì chiến tranh, vì việc phá rừng bừa bãi để khai thác gỗ quí, để hầm than hay để khai khẩn đất canh tác nên hiếm thấy cây cổ thụ ở nước ta.

Địa danh Gò Vấp lại không tìm thấy cây vấp nào cả. Tên khoa học của cây vấp là Mesua ferrea, gia đình Clusiaceae. Người Anh gọi là Iron wood tree (Thiết lực mộc) vì gỗ rất cứng.

Cây vấp hiện còn ở Thảo Cầm viên Sài Gòn (Ảnh: Sơn Trần)

Củ chi là mã tiền Strychnos nux-vomica, gia đình Longaniaceae. Người Anh gọi mã tiền (củ chi) là poison nut. Ngày nay không tìm thấy một cây mã tiền cổ thụ nào ở Củ Chi cả.

Điều đáng nhớ là người Việt Nam rất sợ đốn cây to lớn vì tin rằng đó là nơi trú ngụ của Thần Thánh. Hầu hết các cây cổ thụ ở nước ta là cây đa thường thấy ở đầu làng hay quanh các đình chùa.

Hy vọng rằng tâm lý đốn chặt cây già không ảnh hưởng gì đến tâm lý huỷ diệt nhân tài hữu dụng cho sự phát triển và trường tồn của đất nước.

Một người có trí tuệ trung bình phải mất từ 15 đến 25 năm đào tạo mới trở thành người hữu dụng mang nhiều lợi ích cho xã hội.

Một cây có gỗ quí phải mất từ 50 đến 100 năm mới thực sự hữu dụng.

Trồng cây để có thắng cảnh, gỗ, củi, để thanh lọc không khí, chống bức nhiệt do ánh sáng mặt trời gây ra, để ngăn ngừa đất sa thạch hoá vì bức nhiệt, ngăn ngừa xâm thực gió (eolian erosion) và ngăn chặn lũ lụt.

Trồng người để bảo vệ an ninh, tạo sự phồn vinh xứ sở và góp phần vào việc phong phú hoá văn minh loài người.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/sutruongthocuacayco.htm


Cái Đình - 2021