Nguyễn Xuân Quang


Sâm và Hội chứng Lạm Dụng Sâm

(Gingseng and Ginseng Abuse Syndrome or Gas Syndrome)

.

Nhân sâm thường gọi tắt là sâm được người Đông phương coi như là một thần dược, một thứ thuốc trị bá bệnh, một thứ thuốc tiên, thuốc thánh. Vì thế người Trung Hoa còn gọi nhân sâm là Thần Thảo. Sâm là một vị thuốc danh tiếng nhất trong Đông Y. Sâm đã được vinh danh từ cổ thời. Sách Thần Nông Bản Thảo, Nội Kinh đã nói đến sâm. Hoa Đà thời Tam Quốc đã viết trong sách Trung Tàng Kinh Luận bàn nhiều về tính cách của vị thuốc nhân sâm. Ngày nay sâm cũng vẫn còn được tôn vinh. Đại Hàn trước đây được thế giới biết tới nhiều là nhờ nhân sâm.

Dựa vào ý nghĩa sâm là thần dược đó, người Tây phương đã dịch nhân sâm là ginseng xếp vào loại Panax. Chữ Panax phát gốc từ chữ Panacea có nghĩa là thuốc trị bá bệnh, thần dược. Danh từ Panacea này rút ra từ truyện thần thoại Hy Lạp. Thần Y Học Asclepius có người con gái chữa bệnh rất giỏi. Nàng rất mát tay chữa đâu khỏi đó, chữa bá bệnh, bệnh nào chữa cũng khỏi. Nàng tên là Panakeia. Từ tên nàng Panakeia phát sinh ra từ Panacea và Panax.

Ngày nay dân Tây phương dùng sâm rất nhiều và vì bản tính thái quá nên đã có nhiều trường hợp bị ngộ độc sâm gọi là Hợp Chứng Lạm Dụng Sâm Ginseng Abuse Syndrome, gọi tắt do ba chữ đầu G-A-S ghép lại là GAS Syndrome (xin đừng lầm với Hợp Chứng Hơi!).

Đặc Tính Thảo Mộc:

Sâm thích mọc ở những vùng đồi núi ẩm thấp, dưới bóng rợp của rừng cây um tùm, rậm rạp.

Sâm có thân cọng tròn, trơn, cao chừng 1 bộ (foot) tại đỉnh tẽ ra 3 cuống lá. Muỗi cuống có một chùm lá kép gồm 3-7 lá nhỏ, thường thường trung bình 5 lá. Hoa nhỏ, xanh xanh, xếp theo hình tán đơn đỡ bởi cuống hoa. Quả gồm những trái nhỏ hình thận màu đỏ son, có chứa 2, đôi khi 3 hột. Sâm có rễ củ và rễ phụ, Rễ củ dài từ 1-3 đốt (inch), mọng thịt, to bằng ngón tay. Thường chẻ hai ở dưới trông giống hai chân người. Đó là lý dó người Trung Hoa gọi là nhân sâm. Tận cùng và dọc theo thân có những rễ phụ gọi là nhân sâm chi (bán trên thị trường dưới tên là nhân sâm bách chi, rễ phụ chia nhánh tới trăm lần vẫn còn được gọi là chi) và những rễ sợi nhỏ dài trông như râu tóc gọi là nhân sâm tu. Những râu nhỏ đâm ngang thân rễ cái gọi là sâm nhị hồng.

Khi khô, rễ sâm màu vàng trắng và nhăn nheo ngoài mặt. Những vành nhăn ngang này gọi là hoành văn. Sâm mọc tự nhiên càng có nhiều vành nhăn ngang càng lớn tuổi. Sâm Cao Ly (Đại Hàn) “cứ xem bao nhiêu vành là biết củ sâm ấy đã mọc được bao năm rồi” (Nguyễn Văn Minh, Dược Tính Chỉ Nam, tr.470).

Lõi rễ cứng bao bọc bởi phần thịt và vỏ mềm. Có mùi ngọt nhẹ, hơi thơm. Nhiều nơi trước khi làm khô người ta làm cho rễ trong sáng khiến nó trông trong suốt và giống như sừng.

Sâm Việt Nam gọi là Bố Chính Sâm.

Giải tự từ Hán sâm có chữ nhân là người, chữ sam 彡 ở dưới chữ nhân. Chữ sâm mượn âm chữ sam gồm có ba gạch như chữ tam (ba) nhưng viết nghiêng tượng hình cho lông, lông dài. Ba gạch tượng hình cho vằn lông, bờm lông, “râu ria ba sợi“. Chẳng hạn như chữ sam thấy trong bộ tiêu: 髟 tóc dài, thấy trong chữ phát (tóc) 髮 , chữ tu (râu) 鬚 (đây là lý do những sợi rễ sâm nhỏ gọi là sâm tu).

Trên đầu chữ sâm có chóp gồm có ba bộ “khư” 厶 xếp theo hình nón lá, cả chữ sâm trông như người đội ‘nón lá’. Tôi khám phá ra một điều lý thú là chiếc nón 3 chòm lá trên chữ sâm diễn tả phần ngọn cây nhân sâm tại đỉnh tẽ ra ba chòm lá kép. Tán rộng thêm ra nữa là cây sâm đội nón lá 3 chòm nên kỵ nắng, sợ nắng, chỉ mọc trong bóng rợp, dưới sàn rừng cây um tùm rợp bóng mát, người Đại Hàn trồng sâm phải làm liếp che nắng cho sâm.

Hơn thế nữa, chữ sâm đồng âm với chữ sâm viết bằng ba chữ mộc (cây) tụ lại mà thành, có nghĩa là rậm rạp um tùm, (ba cây chụm lại thành rậm rạp, um tùm. Rậm rạp hơn cả rừng cây. Chữ lâm là rừng chỉ do hai chữ mộc hợp lại). Sâm mọc ở chỗ rừng cây rậm rạp um tùm. Muốn tìm sâm mọc trong thiên nhiên (dã sơn sâm) phải đến những chỗ “sâm” (chỗ rợp, có bóng mát) mới có sâm!

Đúng ra phải giải tự chữ sâm như sau: bộ sam có nghĩa là hình dáng. Sam là một phần của chữ hình: 形 có nghĩa là hình dáng, hình tượng bởi vì ngày xưa dùng lông thú (sam) như lông thỏ làm bút lông để vẽ hình, viết chữ. Giải tự theo cách này, chữ sâm có nghĩa là có hình dáng giống người, giống người trên đầu đội nón ba chòm lá che nắng, sợ nắng, thích bóng mát, bóng rợp, thích dâm (mát).

Ngày nay, để giản tiện cách viết, người Trung Hoa đã giản lược bớt chỉ viết một bộ “khư” trên đầu chữ nhân, thay vì ba bộ “khư” như trước. Đây này là một điểm đáng tiếc và cũng chứng tỏ người Trung Hoa đã mấy ngàn năm rồi mà không hiểu ẩn ý người sáng tạo ra chữ sâm trên đầu viết ba bộ “khư” là dựa vào ba chòm lá trên đỉnh đầu cây sâm mà tác giả đã khám phá ra. Viết giản lược như vậy, người học về cây sâm mất đi một cách nhớ là chỏm cây sâm có ba chòm lá khi nhìn vào chữ sâm viết theo cách giản tự (theo giản tự thì cây sâm chỉ còn có một chòm lá!).

Vậy cây sâm dáng tựa như hình người có râu ria, ‘lông lá’ đầu đội nón lá ba chùm, sợ nắng, thích bóng mát.

“Sâm thì phần nhiều các sách viết là Nhân sâm bởi nghĩa là con sâm nó giống như hình người cũng có đầu có mình rễ chánh tựa như chân tay. Tuyệt nhất là cái gốc nếu nó thắt cổ trông rất giống đầu người rồi lại phụ thêm mấy cái rễ con nhỏ xíu hình như bộ râu thật, có củ đẹp trông rất ngộ” (Nguyễn Văn Minh, Dược Tính Chỉ Nam, tr.469).

Một điểm lý thú nữa là sâm được Đông Y coi như là một thứ thuốc bổ thận, tăng cường sinh lực, trị hiếm muộn nam giới. Râu tóc là biểu tượng của hùng tính, của nam tính, các quan hoạn thường mày râu nhẵn nhụi. Nam tu nữ nhũ. Chữ sâm có bộ sam diễn tả “lông tóc” “rậm rạp, um tùm” viết ở giữa hai chân chữ nhân! Chữ sam ở đây nói lên dược tính bổ thận, cường dương của sâm. Thêm nữa quả sâm thường có hai hột hình quả thận đỏ giúp ta nhớ tới sâm, theo Đông Y, có tính ‘bổ thận’.

Nói tóm lại chỉ nhìn chữ sâm ta có thể nhớ đến thảo mộc tính của cây sâm hình dạng giống người, có nhiều lông tóc (sâm tu, sâm bách chi, sâm nhị hồng) đầu đội nón lá ba chòm, sợ nắng, thích bóng rợp, “thích dâm”! (vừa ưa bóng mát, vừa là thuốc cường dương). Dược tính bổ thận của sâm có thể thấy qua lông lá rậm rạp ở giữa hai chân và quả có hai hạt quả thận đỏ. Dùng sâm, con người “thích dâm” (dâm dục). Sâm thích dâm (bóng mát), người dùng sâm cũng thích dâm.

Nhân Sâm Thần Thảo Panax

Sâm có nhiều giống nhưng chỉ có các giống thuộc họ thần thảo panax mới có nhiều dược tính mà thôi, nên chỉ xin nói qua các loại sâm thuộc họ này. Họ sâm thần thảo có bốn loại chính:

1. Panax qinquefolius: Nhân sâm Hoa Kỳ, Tây Dương Sâm:

Sâm Mỹ mọc ở những vùng đồi núi thuộc các tiểu bang miền Bắc, Trung và Tây Hoa Kỳ.

Một số các bộ lạc thổ dân bản địa có nguồn gốc cổ Á châu vượt eo biển Bering qua Mỹ Châu vốn đã biết dùng và tôn sùng sâm, nên mò tìm ra sâm Hoa Kỳ này. Họ dùng sâm này làm thuốc ái ân, làm thuốc cường dương, bổ thận.

Sâm Mỹ có hai loại:

a. Panax qinquefolius (năm lá):

Là loại thường thấy, 90-95 % thâu hoạch từ những cây mọc dại (gọi là dã sơn sâm Hoa Kỳ) hay được trồng trọt tại Mỹ và Canada. Một thời sâm này đã xuất cảng bán qua Trung Quốc rất nhiều.

b. Hồng sâm Hoa Kỳ (Red American ginseng): Rumex hymenosepalus (polygonaceae).

Cây này nguồn gốc ở vùng Tây Nam Hoa Kỳ, sau đó được trồng ở nhiều nơi. Rễ được đem bán dưới tên là Sâm Hồng Hoa Kỳ. Rễ củ trông giống củ thược dược màu vàng. Thổ dân Navajos dùng làm thuốc nhuộm len sợi. Thổ dân Hopi và Papago dùng rễ cây này làm thuốc trị cảm cúm và đau cổ họng. Sau đó người Mỹ nhất là dân Texas dùng làm thuốc cây nhà lá vườn trị cảm cúm, răng lung lay, đau cổ họng và lở lói. Các thổ dân Hoa Kỳ dùng cuống lá làm bánh.

Những người cung cấp, buôn bán “Hồng Sâm Hoa Kỳ” gán cho là rễ cây này có dược tính giống như nhân sâm, nhất là về phương diện cường dương. Sự thật “sâm hồng” này có ít hay không có dược tính của họ Panax. Rễ loại cây này có chứa một lượng lớn chuyển hóa chất anthraquinone có dược tính nhuận trường. Vì thế nếu mua sâm uống mà bị tiêu chẩy phải nghi là mình đã mua phải loại Sâm Hồng Hoa Kỳ này.

2. Panax pseudo-ginseng: Nhân sâm thần thảo giả: gốc ở Viễn Đông. Dr H.L. Li cho rằng tất cả các loại sâm trồng ở trung, tây, nam Trung Quốc đều thuộc về các giống từ Ấn Độ và nhân sâm loại Panax giả.

3. Panax japonicus: sâm Nhật Bản, Đông Dương sâm, Đông sâm.

(Người Trung Hoa gọi Nhật Bản là Đông Dương không có ý nói Đông Dương Việt, Cambodia, Lào).

Gốc ở Nhật được trồng nhiều ở vùng núi Đông Dương, Vân Nam (Pételot A., Les Plantes du Cambodge, du Laos et Du Vietnam. I. Arch. Recherces Agron., 1952, 1:402)

4. Panax ginseng: Nhân sâm Thần thảo.

Thấy mọc ở Mãn Châu và Đại Hàn.

DƯỢC TÍNH CỦA NHÂN SÂM

Theo Đông Y, sâm vị cam (ngọt), hơi đắng, hơi ấm. Sâm đi vào hai kinh chính là tỳ (spleen) và phế (phổi).

Như trên đã nói Sâm gồm có nhiều giống nhưng chỉ có những giống có họ hàng với giống thần thảo panax mới có dược tính và được coi là tốt. Nhiều loại sâm thương mại bán ở thị trường có khi chẳng có chứa một hoạt chất có dược tính trị liệu gì cả. Sâm là một dược thảo đắt tiền nhất. Vì thế mua phải chọn đúng giống panax cho đáng đồng tiền bát gạo và không bị lừa. Các loại thuộc giống Ethelerococcus senticosus (sâm Tây Bá Lợi Á) không có hoạt chất glycosides và loại Hồng Sâm Hoa Kỳ, hay sâm sa mạc Rumex Hymenosepalus (còn gọi là Canaigre) còn có chứa thêm nhiều tannin và oxalate có độc tính và làm tiêu chẩy.

Sâm được coi như là một thứ thuốc giúp con người thích ứng với hoàn cảnh (adaptogen). Nó giúp cơ thể con người thích ứng với những kích động, kích thích, với những biến động, với stress. Sâm điều hòa tuyến nang thương thận, tuyến giáp trạng (tuyến nội tiết ở cổ có hình giống cái khiên, cái giáp, thyroid gland) và tuyến não thùy.

Nhân sâm có nhiều chất khác nhau dưới dạng saponin. Hoạt chất của saponin của sâm gồm một hỗn hợp các chất glycosides còn gọi là gensinosides. Có tới vài chục loại gensinosides. Trong một cây sâm các saponin này có thể kết hợp lại với nhau hoặc không. Tính chất thay đổi tùy theo vùng địa lý, điều kiện trồng trọt, thời gian gặt hái và tùy theo cấu trúc hóa học của nó.

Có những nghiên cứu cho thấy sâm có tính kháng-Oxyt hóa, chống tế bào bướu tăng sinh, tăng miễn nhiễm, kích động hệ thần kinh, giúp mạch máu thư giãn (vasorelaxation) hữu ích trong các bệnh tim mạch, huyết áp, điếu hòa biến dưỡng và lượng đường trong máu (xin mở một dấu ngoặc ở đây, vì thế người ta hay đổ sâm vào miệng những người hấp hối sắp chết để làm tăng áp huyết và lượng đường cho con bệnh hồi tỉnh. Các người tuyệt thực uống sâm để chữa những triệu chứng thiếu đường trong máu (hypoglycemia) cho đỡ bớt thấy đói, lao đao, xây xẩm, muốn xỉu, vã mồ hôi, trống ngực đổ hồi, bủn rủn tay chân…).

Riêng về diện ‘bổ thận’ cũng có vài khảo cứu cho thấy sâm có thể giúp chứng rối loạn chức năng cương cứng (erectile dysfunction) (có lẽ là do tác dụng thư giãn mạch máu giống Viagra), gia tăng khoái cảm (libido), gia tăng sản suất tinh trùng (giúp trị hiếm muộn nam)…

Tuy nhiên các tác dụng này hãy còn cần nhiều nghiên cứu để xác thực, minh chứng rõ ràng trong tương lai.

Phần xử dụng thông thường nhất là rễ sâm. Phân tích 100gam rễ nhân sâm còn cho thấy có chứa 338 calorie, 12,2g protein, 70g carbohydrate, những loại sinh tố A, B1, B2, B12, C và E, Niacin, Calcium, sắt và phốt pho.

Một vài glycosides sâm dưới dạng đậm đặc có năng tính gây ra ngộ độc. Ở Trung Quốc có khi cho dùng tới liều thật mạnh 50g. Dùng quá liều đưa tới chứng mất ngủ (xin mở một dấu ngoặc nơi đây, người nhậy cảm với sâm không nên uống sâm buổi chiều hay tối sẽ bị mất ngủ), ưu sầu, trầm cảm (depression) và các biến loạn thần kinh. Tại Hoa Kỳ hơn 6 triệu người dùng sâm và đã có nhiều trường hợp ngộ độc sâm gọi là Hội Chứng Lạm Dụng Sâm (Ginseng Abuse Syndrome hay GAS syndrome).

SẢN PHẨM

Cơ Quan Kiểm Thực Dược FDA Hoa Kỳ chỉ công nhận cho dùng một dược phẩm có sâm là kem sâm dùng bôi để làm dịu da.

Tuy nhiên trong các chợ, Đông Y dược phòng, các tiệm bán đồ dinh dưỡng… ở Mỹ và trên TV bầy bán nhan nhản và quảng cáo bán sâm dưới mọi hình thức như sâm củ, sâm rễ, râu sâm, sâm bào, sâm dầm rượu, sâm nước, trà sâm, sâm bột, cao sâm, dầu sâm, kẹo sâm, kẹo cao su sâm, lá sâm, thuốc lá sâm… Sâm ngậm, sâm nhai, sâm nuốt, sâm hít, sâm uống, sâm nhét, sâm chích, sâm dán…

Một vài loại chỉ có bổ tính khi đem chích, nếu uống hoặc dùng các cách khác trở thành vô bổ.

HỘI CHỨNG LẠM DỤNG SÂM

Hội chứng ngộ độc hay lạm dụng sâm, GAS syndrome thấy ở những người dùng sâm lâu dài. Dù chỉ dùng một lượng nhỏ 3mg mỗi ngày trong nhiều năm cũng sẽ đưa đến hội chứng GAS (JAMA số 241, 1979).

Người bị hội chứng này thường có những triệu chứng sau: dễ bị kích thích, sảng khoái, sáng suốt, minh mẫn, bị tiêu chẩy buổi sáng khi thức dậy, nổi mần ở da, giọng trầm đi, mất ngủ, căng thẳng thần kinh, tăng áp huyết, phù thũng, gia tăng hoạt dục, giảm ngon miệng, ưu sầu, đôi khi giảm áp huyết, đàn bà không thấy kinh hoặc có huyết hư…

Trước đây một bác sĩ sản phụ khoa tại Đại Học Michigan phát hiện một trường hợp kem sâm bôi mặt gây ra chứng huyết hư ở một bà đã tắt kinh (American Journal of Obstetrics and Gynecology, December 1988). Khi đã hết kinh mà thấy huyết hư bác sĩ thường nghi bị ung thư cổ hay dạ con. Vì thế khi dùng sâm mà bị huyết hư phải khai rõ cho bác sĩ biết để tránh khỏi bị mất tử cung một cách oan uổng.

Các chuyên gia khác cảnh cáo không nên dùng sâm ở những bà bầu, phụ nữ đang tuổi mang thai và trẻ em vì sâm có thể có tính chất như một kích thích tố nam.

Nhưng đang dùng sâm mà bỏ sâm đột ngột (giống như đang dùng thuốc steroid mà bỏ đột ngột không giảm dần) sẽ gây ra hội chứng cai sâm. Hội chứng này gồm có căng thẳng thần kinh, tay chân run rẩy, kiệt lực và áp huyết tụt xuống thấp gây ra xây xẩm chóng mặt, có cảm giác muốn xỉu…

Tóm lại sâm là loại dược thảo đắt tiền nhất, chỉ có loại thuộc họ thần thảo panax mới có nhiều dược tính, còn các loại sâm khác có rất ít dược tính hay không có dược tính và vì sự tác dụng cũng như độc tính của từng genoside chưa biết rõ ràng nên phải lưu tâm tới hội chứng lạm dụng sâm. Thận trọng kẻo không tiền mất tật mang.

.

Bs. Nguyễn Xuân Quang
(đã đăng trên Y Học Thường Thức và bacsinguyenxuanquang.wordpress.com).

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/samvahoichung.htm


Cái Đình - 2021