Phạm Ɖình Lân
Ruồi tâm sự
.
Hội trường trở nên rộn rịp với những hình vẽ, những khẩu hiệu sắt máu và hiếu chiến, hiếu thắng.
Gà Nòi hỏi Vịt Quê: “Chuyện gì mà hôm nay trông có vẻ khác thường?”
Vịt Quê đáp: “Anh không biết sao? Hôm nay đến phiên đại diện Ruồi đọc tham luận.”
“Vậy có gì là quan trọng mà tổ chức rình rang như vậy?” Gà Nòi nói.
“Gà Nòi, anh lo đấm đá lẫn nhau trong cộng đồng Kê tộc nên không biết Ruồi lập chiến công lừng lẫy trong cuộc đấu tranh chống loài người.” Vịt Quê nói.
Bằng giọng nói khào khào Vịt Xiêm tán đồng ý kiến của Vịt Quê. Vịt Xiêm nói: “Thỉnh thoảng tôi có táp vài thằng Ruồi vào bụng nhưng sức khỏe của tôi không suy suyển chi cả. Tôi nhìn nhận rằng mấy thằng Ruồi gây khủng khiếp cho loài người. Người bán trái cây ghét chúng. Người bán thịt ghét chúng. Các nhà hàng bình dân hay sang trọng đều ghét chúng. Nam, phụ, lão, ấu, người nghèo, người giàu, người không có học vấn và các nhà trí thức trán cao kiếng dày đều ghét chúng. Ɖiều đó chứng tỏ bọn Ruồi gây thiệt hại cho loài người về phương diện kinh tế, y tế vệ sinh, tâm lý sợ sệt loại côn trùng nhỏ bé này.”
Gà Nòi thẹn đỏ mặt. Không ngờ kẻ nhỏ bé bị xem là đồ bẩn lại là kẻ thù đáng sợ của loài người. Hắn nhớ lại đã từng ăn đủ loài Ruồi trước khi được loài người tuyển làm Gà Nòi đá độ. Gà Nòi cảm thấy mình nhỏ lại. Bộ não nhỏ, cái nhìn không sáng và không xa.
Bỗng có tiếng cãi vã giữa một anh Ruồi và ban nhạc La Mouche Parisienne về bản nhạc Le Coche et la Mouche, sáng tác dựa vào bài ngụ ngôn của La Fontaine. Anh Ruồi cho rằng nội dung bản nhạc hoàn toàn vắng bóng trên thực tế. Nó trở thành sự nói xấu dòng tộc Ruồi khi cho rằng nhờ tiếng vo ve của Ruồi mà chiếc xe lên dốc dễ dàng! Anh Ruồi yêu cầu ban nhạc La Mouche Parisienne đừng trình diễn bản nhạc này. Nhạc trưởng ban nhạc đành phải loại bỏ bản nhạc Le Coche et La Mouche và thay vào đó bằng bản The World of Flies hùng tráng, ghê rợn và đầy uất hận đối với loài người. Bản nhạc bị gián đoạn vì đại diện tộc Ruồi đã đến. Tất cả các đại biểu động vật đều đứng dậy. Giàn kèn của Dế trổi lên khi đại lão Ruồi Xanh, đại diện tộc Ruồi, bay vào hội trường. Nhiều đại biểu không biết tại sao ban tổ chức hội nghị không nói rõ gốc tích của lão Ruồi Xanh. Lão từ đâu đến? Nam Á? Ɖông Nam Á? Trung Ɖông? Bắc Úc? Trung Á? Âu Châu? Mỹ Châu? Có lẽ lão là một cố vấn tối quan trọng trong chiến lược chống và phá hoại loài người nên cần phải bảo mật tông tích của lão.
***
Kính chào toàn thế quý đại biểu các tộc động vật trong hội nghị ngày hôm nay. Tôi là Ɖại Lão Ruồi Xanh mà mấy thằng cha Việt Nam gọi là Ruồi Lằng hay Ruồi Nhặng. Vì lý do an ninh tôi xin quý vị đừng tìm hiều tôi từ đâu đến. Quý vị chỉ cần biết tôi là Ɖại Lão Ruồi Xanh sống trong một thành phố kỹ nghệ có nhiều thịt, cá, thức ăn thừa thãi và dồi dào rác rến. Nhờ vậy tôi được tuổi thọ cao và sức khỏe dồi dào hơn những Ruồi Xanh đồng tuổi.
Ruồi chúng tôi có mặt khắp nơi trên thế giới, từ vùng khí hậu sa mạc, nhiệt đới, bán nhiệt đới, ôn đới, đại dương ngoại trừ vùng khí hậu hàn đới. Chúng tôi là loài côn trùng nhỏ bé, có hai cánh, sáu chân, bay không xa, đẻ trứng hay ấu trùng như trường hợp dòng Ruồi Xanh chúng tôi.
Tên gọi thông thường mà loài người gán cho dòng tộc chúng tôi là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Ruồi |
Anh |
Fly |
Pháp |
Mouche |
Tây Ban Nha |
Mosca |
Trung Hoa |
Cangying |
Nhật Bản |
Have |
Ruồi to lớn là Ruồi Xanh, dài từ 1cm - 2,5cm. Tên khoa học của Ruồi Xanh là Phaenicia sericata hay Lucilia sericata, gia đình Calliphoridae.
Ruồi nhỏ nhất là Ruồi Lưng Gù (Humpbacked fly) hay Ruồi Quan Tài (Coffin fly), đo được 0,4mm. Tên khoa học của Ruồi Quan Tài là Conicera tialis, gia đình Phoridae. Nhưng đây là loại Ruồi có thể cắn đầu một anh hay chị kiến trong chớp mắt.
Ruồi Lưng Gù (Ảnh: bugguide.net)
Ruồi là loài côn trùng nhỏ bé không xương sống, đẻ trứng hay ấu trùng trên sinh vật sình thối như trái cây, tôm cá chết hay xác chết súc vật.
Thân thể Ruồi gồm có:
1- Ɖầu có cặp mắt to tựa như thủy tinh, cặp ăn-ten ngắn.
2- Cặp cánh mỏng màu trắng.
3- Ngực có ba cặp chân (6 chân) có gai nhỏ.
4- Bụng có lông nhuyễn gần đuôi.
Nơi sinh sống của Ruồi là những nơi ẩm thấp, nóng và ẩm, những nơi có ống cống, đống rác, mùi cá, tôm, mắm, thịt hôi thối, trái cây chín rã rục.
Khứu giác và vị giác của Ruồi rất bén nhạy. Nơi đâu có mùi hôi tanh, có vị ngọt, nơi đó hấp dẫn đàn Ruồi đến.
Ruồi vẫn có tâm và não. Não có lối 20.000 neurons.
Ruồi có thể bay từ 1,7km đến 3,4km một ngày. Ruồi có thể bay xa 22km với vận tốc 8,5km/giờ và phải đập cánh 20.000 lần/phút.
Như các động vật to lớn hay nhỏ bé khác, Ruồi cũng cần ngủ và nghỉ ngơi. Khi mặt trời lặn, Ruồi tìm nơi an toàn để ngủ. Ɖó là các lá cây, cành cây, hốc đá, các ngọn cỏ lá to v.v.
Tuổi thọ của Ruồi rất ngắn. Bù lại khả năng sinh sản của các chị Ruồi rất nhanh và cao nên sự tiếp nối sinh tồn liên tục của chúng tôi tiếp diễn không ngừng và không bao giờ dứt hay gián đoạn. Ruồi Nhà thọ trung bình 28 ngày. Ruồi Trái Cây thọ hơn Ruồi Nhà. Tuổi thọ trung bình của Ruồi Trái Cây xê dịch từ 45 - 50 ngày. Trong kiếp sống ngắn ngủi các chị Ruồi sinh sản từ 6 đến 8 đợt. Trung bình mỗi chị Ruồi sinh 500 trứng trên trái cây, cá, thịt sình thối hôi tanh.
Tôi xin được phép nói qua về dòng tộc chúng tôi và các thân thuộc:
Ruồi Xanh
Phaenicia sericata
Lucilia sericata
Calliphora vomitaria
Musca sericata
Gia đình: Calliphoridae
Ruồi Xanh Lucilia sericata (Ảnh: flickr.com)
Gọi là Ruồi Xanh hay Ruồi Lằng vì quần áo màu xanh của dòng tộc chúng tôi. Chúng tôi được xem là to lớn nhất trong cộng đồng Ruồi Hoàn Vũ. Người Anh gọi chúng tôi là Green bottle fly, na ná như cách gọi của người Việt Nam.
Trung bình mỗi anh Ruồi Xanh dài từ 6 - 25mm (0,6 - 2,5cm). Ruồi Xanh dài tối đa đến 3cm. Thân hình chúng tôi phủ đầy lông. Sáu chân chúng tôi đầy gai góc. Cặp mắt chúng tôi to và trong như thủy tinh. Mắt chúng tôi màu đỏ. Nơi nào có rác, xác chết động vật to, nhỏ, mùi cá tanh, mắm, thịt đều có sự hiện diện của chúng tôi.
Vật sình thối, xác chết động vật là thức ăn nuôi sống Ruồi Xanh chúng tôi và cũng là nơi sinh đẻ của các chị Ruồi Xanh.
Ruồi là kẻ thù thường trực của loài người. Họ tỏ ra ghê tởm Ruồi, nhất là Ruồi Xanh chúng tôi. Mặc dù tỏ ra khinh bỉ Ruồi Xanh, loài người dùng dấu tích của Ruồi Xanh trên xác chết để xác định khoảng thời gian hậu tử của một xác chết (PMI: Post-mortem Interval). Vì một người hay một động vật sau khi chết, kẻ đến xác chết trước tiên là các anh chị Ruồi Xanh!
Loài người há không dùng ấu trùng của Ruồi Xanh trong việc chữa trị ghẻ hay các vết thương làm độc sao?
Ruồi Nhà
House fly
Musca domestica
Gia đình: Muscidae
Ruồi Nhà (Ảnh: bugguide.net)
Ruồi Nhà dài từ 5 - 8mm hay 0,5 - 0,8cm. Ruồi Nhà nhỏ con, sống quanh quẩn trong nhà, ngoài đống rác, nơi có vật hôi tanh, sình thối như trái cây chín thối, tôm, cá, thịt sình thối.
Ruồi Nhà mặc quần áo đen hay xám. Ngực màu xám, có bốn sọc nhỏ. Thân hình phủ đầy lông.
Tuổi thọ của Ruồi Nhà lối 28 ngày (4 tuần lễ). Trước khi chết, các chị sinh từ 800 - 1000 trứng để vĩnh tồn dòng giống Musca domestica.
Ruồi Nhà mang lại các bịnh sau đây:
1- Nhiễm trùng Shigella, gia đình Enterobacteriaceae, gây tiêu chảy, kiết lỵ (có máu), sốt, dạ dày (bao tử) co thắt.
2- Sốt thương hàn.
3- Thổ tả.
4- Nhiễm trùng E. Coli (Escherichia coli, gia đình Enterobacteriaceae).
Ruồi Trái Cây
Fruit fly
Drosophila melanogaster
Gia đình: Drosophilidae
Ruồi Trái Cây (Ảnh: terro.com)
Gọi là Ruồi Trái Cây vì các anh chị Ruồi này bị mùi mật và mùi trái cây lên men hấp dẫn. Ruồi Trái Cây còn có biệt danh là Vineager fly vì Ruồi này thường tập trung ở những nơi trái cây chín lên men có mùi giấm.
Ruồi Trái Cây màu vàng-hung đỏ. Phần lưng phía cuối màu đen. Mắt đỏ. Thân có nhiều lông mịn. Hai sợi ăn-ten ngắn. Ruồi Trái Cây dài lối 3mm, tức 0,3cm
Tuổi thọ trung bình của Ruồi Trái Cây lối 14 ngày. Trong quá trình sống các chị Ruồi Trái Cây sinh từ 30 - 50 trứng mỗi ngày.
Ruồi Trái Cây gây bịnh về da, mắt và tiêu chảy, kiết lỵ.
Các nhà khoa học dùng Ruồi Trái Cây để nghiên cứu liên hệ giữa Ruồi Trái Cây và Genes di truyền và bịnh di truyền của loài người. 75% bịnh di truyền của loài người (Gene diseases) được tìm thấy nơi Ruồi Trái Cây.
Giáo sư Michael Rosbash (1944 - ) thuộc Viện Ɖại Học Brandeis, MA, nghiên cứu về Ruồi Trái Cây và bịnh di truyền được lãnh giải thưởng Nobel Y Khoa năm 2017.
Ruồi Gác
Attic fly
Cluster fly
Pollenia rudis
Gia đình: Polleniidae
Ruồi Gác (Ảnh: Wikipedia)
Ɖây là những anh chị Ruồi hầu như không gây tổn hại cho loài người. Người Anh gán cho tộc Ruồi này danh hiệu Attic fly (Ruồi Gác) hay Cluster fly (Ruồi Ɖàn) vì:
- Các anh chị Ruồi dòng Pollenia sống trên gác nhà.
- Vào mùa đông giá buốt các anh chị Ruồi này sống thành đàn, thành nhóm trên gác nhà. Ruồi Gác ăn thịt Trùn Ɖất và đẻ trứng trên xác Trùn Ɖất. Ấu trùng Ruồi Gác sống bằng xác thối của Trùn Ɖất để trưởng thành.
Ruồi Gác có nhiều lông mịn màu vàng trên ngực và lưng. Các anh chị ấy bị ánh sáng đèn điện thu hút nên thường thấy nhiều xác chết Ruồi Gác ở các cửa sổ trong nhà. Ở điểm này Ruồi Gác giống anh chị Thiêu Thân hay Phù Du (Éphémère: ngắn ngủi, phù du – Pháp) mà người Anh gọi là Mayfly (vì bắt cặp giao tình vào tháng 5). Tên khoa học của Phù Du hay Thiêu Thân là Ephemera danica, gia đình Ephemeridae.
Phù Du - Thiêu Thân (Ảnh: vi.wikipedia.org)
Sự khác biệt giữa Ruồi Gác và Phù Du đại cương như sau:
Tên côn trùng |
Hình dạng |
Tuổi thọ |
Ruồi Gác |
Mắt và bụng to |
11 - 14 ngày |
Phù Du |
Ɖầu nhỏ, mình thon dài |
1 ngày |
Ruồi Gác |
Là Ruồi |
|
Phù Du (Mayfly) |
Giống Chuồn Chuồn (Dragonfly - Libellule) |
|
Ruồi Trâu - Ruồi Mòng
Horse fly
Gadfly
Tabanus lineola
Gia đình: Tabanidae
Ruồi Trâu - Ruồi Mòng (Ả nh: britannica.com)
Ruồi Trâu hay Ruồi Mòng là Ruồi to lớn, dài đến 3cm. Các anh chị Ruồi Mòng thường được tìm thấy ở những trại chăn nuôi Trâu, Bò, Ngựa, Dê, Trừu, Nai, ở các dòng suối, đầm lầy và vùng có nhiều cây cối v.v. Ở các nước Nam Á và Ɖông Nam Á Ruồi Mòng (Ruồi Trâu) đe dọa hút máu Trâu, Bò. Ở các nước Tây Phương Ngựa là nạn nhân bị Ruồi Mòng hút máu.
Ruồi Mòng ăn mặc đơn sơ. Áo quần màu xám nhạt hay đen-xám trông quê kịch.
Ɖiều đáng lưu ý là chỉ có các chị Ruồi Mòng hút máu động vật và loài người để nuôi trứng. Các anh Ruồi Mòng chỉ hút mật hoa, nhựa cây mà thôi.
Trâu, Bò, Ngựa bị Ruồi Mòng hút máu dễ bị nhiễm trùng, thiếu hồng huyết cầu, mất trọng lượng nên cung cấp ít thịt và sữa.
Ruồi Mòng chích rất đau, gây mất máu và dễ bị nhiễm trùng gây ra:
- Bịnh than (anthrax) do vi trùng Bacillus anthracis, gia đình Bacillaceae gây ra cho động vật ăn cỏ như Trừu, Dê. Ɖối với loài người bịnh than gây ra bịnh về da, phổi, ruột và sự tử vong.
- Bịnh Tularemia (1) là bịnh do trùng Francisella tularensis, gia đình Francisellaceae gây ra. Thỏ rừng, thỏ nhà và các loài gặm nhấm dễ bị nhiễm vì bị Bò Chét hay Ruồi Nai Chrysops discalis, gia đình Tabanidae chích hút máu và truyền bịnh. Loài người bị nhiễm bịnh khi đã tiếp xúc với một động vật bị nhiễm bịnh. Dấu hiệu của bịnh là: sốt cao, da mặt sưng hay lở loét, khó thở. Bịnh Tularemia còn được gọi là Sốt Thỏ (Rabbit fever) hay Sốt Ruồi Nai (Deer fly fever). Ɖó là bịnh hay lây và có thể dẫn đến tử vong dễ dàng.
- Bịnh buồn ngủ Trypanosomiasis thường do Ruồi Tsetse gây ra.
Các từ Anh ngữ Gadfly, Horse fly, Warble fly, Botfly đều tạm dịch thành Ruồi Trâu vì đó là những tộc Ruồi hút máu động vật (thú vật lẫn loài người).
Tên Ruồi Trâu |
Tên khoa học |
Gia đình |
Botfly |
Dermatobia hominis |
Oestridae |
Warble fly |
Hypoderma bovis |
Hypodermatidae |
Gadfly - Horsefly |
Tabanus lineola |
Tabanidae |
(1) Tên thành phố Tulare trong thung lũng San Joaquín, California.
Ruồi Tsetse
Tik Tik Fly
Glossina palpalis
Glossina morsitans
Gia đình: Glossinidae
Ruồi Tsetse Glossina palpalis (Ảnh: reddit.com)
Ruồi Tsetse được tìm thấy trên lục địa Phi Châu (Trung Phi và Ɖông Phi). Người Anh gọi là Tik tik fly. Ɖó là một loại Ruồi rất mạnh, dài từ 0,6 - 1,3cm. Mắt đỏ và trong như thủy tinh. Bụng màu hồng nhạt.
Các anh Ruồi Tsetse sống từ 14 đến 21 ngày trong khi tuổi thọ của các chị cao hơn: 30 ngày đến 120 ngày. Ruồi Tsetse mang ký sinh trùng Trypanosoma brucei gambiense, gia đình Trypanosomatidae.
Ruồi Tsetse Glossina palpalis, gia đình Glossinidae là ruồi ở các sông, ao, hồ. Các anh và các chị Ruồi Tsetse Glossina palpalis đều sống bằng cách hút máu động vật hay máu người để sống và nuôi trứng.
Ruồi Tsetse Glossina morsitans, gia đình Glossinidae là Ruồi Tsetse vùng thảo dã, rừng hay quanh các đồn điền. Ruồi Tsetse Glossina morsitans mang ký sinh trùng Trypanosoma brucei rhodesiense gây bịnh nagana cho súc vật: sốt, đau nhức và sưng chân, hôn mê và chết.
Bệnh buồn ngủ do Ruồi Glossina palpalis gây cho người và bịnh nagana mà Ruồi Tsetse Glossina morsitans gây ra cho súc vật gây tử vong cho người và súc vật vào thế kỷ XIX. Hiện nay chứng bịnh này gần như bị chận đứng bằng cách khai quang cây cỏ, khai thông đầm lầy, ao tù để Ruồi Tsetse không nơi trú ẩn. Tia sáng gamma (Gamma Rays) được dùng để “vô hiệu hóa” các anh Ruồi Tsetse. Sự sinh sản của Ruồi Tsetse giảm thiểu tối đa.
***
Thưa quý vị, giữa Ruồi chúng tôi và loài người không thân, không oán, không thù, không hận nhưng cả đôi bên đều tìm cách tiêu diệt nhau. Tôi thiết nghĩ loài người, động vật, cây cỏ, núi non vô tri vô giác, vạn vật tốt hay xấu, hiền hay dữ, xấu xí, ghê rợn hay đẹp đẽ lộng lẫy đều là sản phẩm của Thượng Ɖế tạo ra để hấp dẫn nhau, chế ngự nhau, khắc chế nhau nhằm gây sự tiến hóa và tạo sự thăng bằng trong vũ trụ. Không phải vì nhỏ mà yếu, dễ bị bắt nạt, dễ tiêu diệt. Trái lại không phải vì to lớn, mạnh bạo, hung hãn, tàn bạo mà bất bại. Luật sinh tồn, đào thải, thừa trừ tiếp nối nhau không ngừng. Không có sự tuyệt đối mà chỉ có sự tương đối. Không có sự độc quyền mà có sự phân quyền. Không có vĩnh viễn ƉÚNG và vĩnh viễn SAI. Không có VĨNH CỬU hay BẤT DIỆT. Mấy thằng cha Việt Nam có những nhận xét rất đúng khi nói:
Không ai giàu ba họ
Không ai khó ba đời
Cha nó lú thì chú nó khôn
Có đức mặc sức mà ăn.
Ruồi chúng tôi mang cho loài người sự dơ bẩn, vi trùng và bịnh tật dẫn đến tử vong. Loài người khinh bỉ dòng tộc chúng tôi, dùng đủ mọi phương cách xua đuổi và tiêu diệt chúng tôi. Ruồi chúng tôi và loài người đấu đá nhau không ngừng trong một cuộc chiến không biết bắt đầu từ lúc nào và chừng nào mới chấm dứt. Thế là loài người và Ruồi tồn tại song song. Loài người dùng mọi phương tiện để đánh bắt và giết Ruồi chúng tôi. Nào là dùng những loại lá cây mà Ruồi không ưa. Nào là dùng đường, mật, giấm để hấp dẫn chúng tôi rơi vào cõi chết đúng với câu Ngọt mật chết Ruồi. Khoa học càng phát triển, nhiều loại thuốc diệt côn trùng được dùng để giết chúng tôi. Ghê gớm hơn khi loài người tìm cách “vô tự hóa” các anh Ruồi để diệt mầm sinh sản của dòng tộc Ruồi chỉ có tuổi thọ cao hơn các anh chị Phù Du (Thiêu Thân) mà thôi.
Quan hệ Ruồi-Người là một quan hệ lẩn quẩn vô thủy, vô chung và nghịch lý. Ruồi sống ấm cúng khi loài người nghèo khó và có trình độ khoa học thấp kém. Ɖó là thời kỳ loài người sống tập trung ở nông thôn, cơm ngày hai bữa toàn những món ăn hấp dẫn Ruồi. Loài người có ăn nhưng sự dinh dưỡng không đầy đủ nên người ốm gầy. Bọn Ruồi chúng tôi cũng ốm gầy như họ. Thỉnh thoảng bọn Ruồi chúng tôi đưa vài người về Âm Giới vì thức ăn sình thối lâu ngày, trái cây Ruồi bu Kiến đậu vừa không hợp vệ sinh vừa không tôn trọng quân bình hàn-nhiệt, tức quân bình Âm-Dương về thức ăn và thời gian ăn thức ăn.
Khi giáo dục phát triển, loài người tìm mọi cách ngăn ngừa sự xâm lăng của chúng tôi vào nhà họ. Họ dùng nhang khói, mùi cay của lá cây xua đuổi chúng tôi. Họ bẫy chúng tôi bằng mật đường. Tàn ác hơn họ chế thuốc phun vào tập thể Ruồi chúng tôi khiến kẻ gãy cánh, kẻ chết vì ngột ngạt, kẻ mù lòa và mất khứu giác. Họ tạo những tiếng động ghê rợn khiến nhiều anh chị Ruồi bị bịnh thần kinh và rút ngắn sự sống. Và như đã thấy, họ dùng gamma Rays để “vô tự hóa” các anh Ruồi Tsetse.
Sự giàu có và phát triển khoa học kỹ thuật của loài người tưởng chừng như đã diệt được chúng tôi. Sự thật diễn ra ngược lại. Loài người càng giàu có, rác rến càng phong phú. Ruồi chúng tôi có đầy đủ thức ăn bổ dưỡng, nơi sinh sống và sinh sản an toàn! Ruồi thành phố to lớn và mạnh khỏe hơn Ruồi nông thôn.
Ruồi chúng tôi không giúp ích gì cho loài người sao?
Có chớ. Các nhà vi trùng học mất nhiều thời giờ nghiên cứu về chúng tôi, đời sống của chúng tôi, cuộc sống chăn gối, sự sinh sản, thị giác, vị giác và khứu giác của Ruồi chúng tôi. Một động vật nhỏ không quá 3cm lại có quá nhiều bộ máy tinh vi. Mỗi sáng mấy anh chị Ruồi xanh đua nhau bay đứng tại chỗ, cánh quạt không ngừng để chào đón mặt trời bình minh. Cách bay đứng tại chỗ của Ruồi tạo nguồn cảm hứng cho các nhà phát minh kỹ thuật của loài người làm ra máy bay trực thăng. Thế là loài người học nơi Ruồi chớ Ruồi không học được gì nơi loài người! Ruồi nói sự thật chớ không khoe khoang như lão La Fontaine tưởng tượng nhằm chế nhạo dòng tộc Ruồi chúng tôi trong bài ngụ ngôn Le Coche et La Mouche.
Các nhà xác há không dùng sự hiện diện của chúng tôi để xác định thời hậu tử của xác chết (PMI: Post-mortem interval) vì Ruồi chúng tôi là nhân chứng đầu tiên hiện diện trong giờ lâm tử của người chết.
Loài người há không dùng hậu duệ của chúng tôi, các Giòi Ruồi để chữa ghẻ, vết thương nhiễm độc bằng cách cho Giòi Ruồi ăn các mô tế bào chết? Loài người cũng dùng Giòi Ruồi làm mồi câu cá.
Các nhà khoa học nghiên cứu bịnh di truyền (Genes disease) qua Ruồi Trái Cây.
Loài người gọi cái chấm nhỏ trên đầu súng để nhắm bắn là con Ruồi hay đầu Ruồi (Front sight) và những nốt đen hay đỏ trên thân thể con người là nốt Ruồi (Beauty spot – Grain de beauté). Nốt Ruồi đỏ được gọi là nốt Ruồi son. Thầy tướng thường nhìn nốt Ruồi của thân chủ để đoán biết bệnh tật, may rủi và tương lai của thân chủ căn cứ vào vị trí và màu sắc của nốt Ruồi (đen hay đỏ).
Một nữ văn sĩ gốc Ái Nhĩ Lan mang quốc tịch Anh là Ethel LilianVoynich (1864 - 1960) nổi tiếng với quyển RUỒI TRÂU (Gadfly), ra đời năm 1897. Bà là một văn sĩ cách mạng. Quyển Gadfly (Ruồi Trâu) rất phổ biến trên lục địa Trung Hoa. Cha bà Ethel LilianVoynich là một nhà toán học. Mẹ bà là một nhà triết học. Chồng bà là một nhà cách mạng Ba Lan. Bà là nhà văn cách mạng.
Trong ngôn ngữ Việt Nam có nhiều cụm từ nói đến Ruồi chúng tôi như: Làm chuyện Ruồi bu; Ruồi chê mật (mật ong), Ong Bướm chê hoa; Ruồi đậu lỗ mũi; Ɖuổi Ruồi không bay (quá yếu vì bịnh); Ruồi đem tin (Ruồi đậu lỗ mũi); Ruồi sa Nhện đón (báo điềm có khách); Trâu Bò húc nhau Ruồi Muỗi chết; Ghẻ Ruồi, Ong Ruồi; Ruồi bu Kiến đậu; Ngọt mật chết Ruồi; Mật ít Ruồi nhiều; Kiến bò miệng chảo bao lâu, Phù Du lướt gió Ruồi bu miệng Hùm.
Trong huyền thoại Hy Lạp có Thần Myiagros được xem là Thần Y Tế và Sức Khỏe vì có công diệt Ruồi và Chuột mang dịch bịnh, bịnh tật, chết chóc.
Trong tinh tú học có sao Musca Constellation (Musca: Ruồi) ở Nam Bán Cầu mà người Trung Hoa gọi là Xing Guan (Tinh Quân).
Trong thực vật học có:
- Fly agaric tức Nấm Bẫy Ruồi Amanita mascara, gia đình Amanitaceae.
- Fly trap (Trap: cái bẫy) là Cây Trị Bịnh Chó Dại Apocynum androsaemifolium, gia đình Apocynaceae.
- Cây Bắt Ruồi tức Trường Lệ Drosera erythrorhiza, gia đình Droseraceae (Thái Dương Sương).
Nhìn chung loài người khinh bỉ, ghét bỏ Ruồi chúng tôi nhưng họ cũng sợ chúng tôi. Chúng tôi và anh chị Ong đều ưa chuộng vị ngọt (mật hoa, đường, nhựa cây ngọt). Ruồi còn ưa chuộng vị mặn và mùi hôi thối nữa. Loài người khen Ong vì Ong tạo mật cho họ. Họ khinh rẻ Ruồi vì Ruồi mang dơ bẩn và bịnh tật cho họ. Họ dùng đường mật để tạo cảnh ngọt mật chết Ruồi. Họ dùng cảnh này để bắt giết Ruồi và răn dạy lẫn nhau trong xã hội loài người phải tuyệt đối thận trọng khi có lời đường mật rót vào tai.
Ɖến đây đại diện Ruồi chấm dứt bài tham luận và mời đại biểu các tộc động vật thưởng thức bản Có Một Ngày, diễn tả cảnh Ruồi chết vô số vì bội thực vì có quá nhiều khối thịt sình thối trên Ɖịa Cầu, hậu quả của những cuộc hủy diệt nhau bằng võ khí nguyên tử và siêu âm. Nhưng những khối thịt sình thối ấy là môi trường sinh sản tốt cho các chị Ruồi được dinh dưỡng quá đầy đủ trước khi chết vì bội thực. Số Ruồi con mập mạnh gia tăng gấp nghìn lần so với dân số Ruồi trước khi xảy ra cảnh NHÂN LOẠI TƯƠNG TRANH. Quả địa cầu bị che phủ bởi lớp Ruồi dày đặc khiến ánh sáng mặt trời không sao sưởi ấm Trái Ɖất được. Cây cối thiếu ánh sáng mặt trời trở nên yếu ớt èo uột. Loài người và động vật chết vô số vì lạnh, vì đói, vì thiếu oxygen và vì chất phóng xạ. Ɖịa Cầu chuyển sang màu đen-xám sau cảnh NHÂN LOẠI TƯƠNG TÀN.
Ɖại Lão Ruồi Xanh Musca sericata
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/ruoitamsu.html