Phạm Ɖình Lân
Rái Cá và thân thuộc
Trước khi đại diện Rái Cá đọc tham luận về Rái Cá và các thân thuộc xa gần từ đất liền đến biển cả, từ vùng nhiệt đới đến các thân nhân có tầm cỡ quốc tế sống ở các vùng biển lạnh hàn đới ở Bắc Bán Cầu và Nam Bán Cầu, một nhạc sĩ vĩ cầm trong ban nhạc Renard trình tấu bản “Có Người Vui Cũng Có Người Buồn” cho một nữ ca sĩ Chích Chòe Việt Nam mang tên khoa học Turdus merula thuộc gia đình Turdidae ca.
Một đại biểu Kê tộc hỏi đại biểu Thiên Nga: “Bài ca này nói về chuyện gì? Có lúc thấy chị Chích Chòe tỏ ra vui nhộn. Có lúc giọng ca của chị trở nên âu sầu, rũ riệt. Mấy thằng cha Việt Nam hay nói: Vịt nghe sấm. Bây giờ đến phiên tôi là Gà nghe nhạc.”
Thiên Nga đáp:
“Tôi sống ở Tây Bá Lợi Á giá buốt nên không biết nhiều các cộng đồng động vật trên thế giới. Nghe nói tác giả bài “Có Người Vui Cũng Có Người Buồn” là một nhạc sĩ Rái Cá Cà Mau hay Ɖồng Tháp Mười gì đó.”
“Cà Mau và Ɖồng Tháp Mười là cái gì?”, một đại diện Kangaroo hỏi.
“Hình như đó là hai vùng sình lầy ẩm ướt ở Việt Nam. Có người nói ở đó có nhiều muỗi và đỉa. Nên có câu:
Trên trời muỗi bay như sáo thổi
Dưới nước đỉa lội như bánh canh.
Cũng có người nói Ɖồng Tháp Mười đẹp lắm vì:
Tháp Mười đẹp nhất hoa sen.”
Thiên Nga nói:
“Tôi cũng chưa hiểu tại sao có người vui và có người buồn.” Ɖại biểu Kê tộc thắc mắc.
“Theo lời bài hát thì người vui là mấy anh chị Rái Cá và người buồn là mấy nông dân đào ao thả cá bị các anh chị Rái Cá ăn sạch. Thế là mộng “nhất thả cá, nhì gá bạc” trở thành mây khói.” Thiên Nga đáp.
“Chị Thiên Nga vừa đẹp vừa quí phái lại hiểu biết rộng rãi về Việt Nam xa xôi.” Ɖại biểu Kê tộc nói.
“Tôi có sự hiểu biết như vậy nhờ đọc báo ở Tây Bá Lợi Á và tiếp xúc với các tội nhân bị đày ở đó. Nhiều tù nhân ở đó giỏi lắm. Họ trao đổi nhau về chuyện vũ trụ, từ chuyện đơn giản đến phức tạp và phi lý.” Thiên Nga nói.
“Cám ơn chị Thiên Nga.” Ɖại biểu Kê tộc nói.
Loa phóng thanh cho biết đại diện Rái Cá đã đến. Ɖó là một lão Rái Cá Âu Châu. Mặt lão nửa giống Chồn, nửa giống Chuột. Trông lão có vẻ gây hấn và bất phục tùng. Lão không chào hỏi 5 thành viên của chủ tọa đoàn. Sư Tử nhìn lão với tất cả sự tức giận của mình.
***
Tôi từ Âu Châu vùng Ɖịa Trung Hải đến. Tôi xin nói qua về đại gia đình Rái Cá của chúng tôi cùng các thân tộc của chúng tôi như anh chị Cáo Cầy (Weasel), Con Lửng (Badgers), anh chị Chồn Hôi Ɖuôi Dài (Mink – Vison), anh chị Chồn miền ôn đới và hàn đới (Wolverines) và Chồn Hôi (Stunk). Chồn Ɖèn có hình dạng giống Rái Cá chúng tôi nhưng không có liên hệ gì với chúng tôi cả. Các anh chị Chồn Ɖèn (Mongoose) thuộc gia đình Herpestinae.
Rái Cá chúng tôi là động vật có vú, có xương sống, máu đỏ và sinh con. Chúng tôi có mặt khắp nơi trên trái đất. Rái Cá thuộc dòng Lutra và gia đình Mustelidae. Chúng tôi có vài đặc điểm sau đây:
– Rái Cá sống nửa đất, nửa nước. Có Rái Cá nước ngọt và Rái Cá nước mặn. Ɖa số Rái Cá sống trong vùng nước ngọt.
– Như tên đặt của người Việt Nam chúng tôi ăn Cá, động vật không xương sống, Ếch, Nhái, côn trùng, Chim, Rùa, Cua, Sò, Ốc và cả động vật có vú nhỏ nữa. Những nhà chăn nuôi Cá (pisciculturists) rất ghét chúng tôi. Kẻ thù của Rái Cá chúng tôi không ít. Ɖó là bọn Mèo Rừng, Sấu, Chim Ưng, Chó Sói đồng cỏ v.v. Loài người là động vật hai chân cực kỳ nguy hiểm đối với chúng tôi. Họ ghét chúng tôi vì chúng tôi ăn Cá của họ. Thực sự họ cũng ăn thịt, lấy mỡ và da lông của chúng tôi, đặt biệc là da, lông của các anh chị Rái Biển.
– Chúng tôi có hình hài của Hồ tộc và Thử tộc. Quanh miệng có ria tua tủa. Mỏ không nhọn như Chuột. Cặp mắt chúng tôi rất sáng. Chúng tôi sống trên mặt đất nhưng lặn và lội dưới nước rất nhanh. Chiều dài trung bình của chúng tôi xê dịch từ 60cm - 100cm tính cả đuôi và cân nặng từ 7kg - 12kg. Rái Cá nặng nhất cân nặng 32kg. Mới đây có tin một anh Rái Cá cân nặng 32kg. Rái Cá nhỏ nhất là Rái Cá Á Châu móng vuốt nhỏ. Ɖó là Rái Cá mang tên khoa học Aonyx cinereus thuộc gia đình Mustelidae.
Rái Cá Á Châu móng vuốt nhỏ Aonyx cinereus (Ảnh: dnazoo.org)
– Nam Rái Cá to lớn và nặng cân hơn nữ Rái Cá. Rái Cá khổng lồ được tìm thấy ở Nam Mỹ, đặc biệt ở Brazil. Ɖó là các anh chị được người Tây Ban Nha gọi là Lobo derio (Lang Hà – Chó Sói Sông) hay Perro de agua (Thủy Khuyển – Chó Nước) mang tên khoa học Pteronura brasiliensis, gia đình Mustelidae, dài từ 1,7m - 2,4m và cân nặng từ 26kg - 32kg.
Rái Cá khổng lồ Lobo derio (Ảnh: cincia.wfu.edu)
– Chúng tôi có 4 chân ngắn, móng vuốt nhọn và bén. Mấy thằng Chó không đương cự lại chúng tôi mỗi lần đụng độ. Mấy anh chị Raccoon (Raton laveur – Pháp) Procyon lotor, gia đình Procyonidae, cũng xem thường sức mạnh và sự lợi hại của Khuyển tộc.
– Rái Cá bắt đầu yêu đương khi lên 2 hay 3 tuổi. Thời gian mang thai kéo dài từ 60 ngày đến 80 ngày. Các chị Rái Cá sinh trong hang (holt), thường là các bộng cây hay hang đào gần một cây to có cỏ, lá cây mục và rong rêu. Rái Cá sinh tối đa 4 con. Rái con được Rái cha, Rái mẹ và các thân thuộc chăm sóc. Rái con bắt đầu rời khỏi hang sau khi được 1 tháng tuổi. Các chị Rái Biển mang thai từ 5 đến 12 tháng mới sinh, mỗi lần chỉ sinh một Rái Biển con mà thôi. Rái Biển con mới sinh đã mở mắt và có 10 cái răng.
Trong trạng thái thiên nhiên tuổi thọ trung bình của Rái Cá xê dịch từ 10 - 15 năm.
Chúng tôi, Rái Cá Âu Châu, mang tên khoa học Lutra lutra, thuộc gia đình Mustelidae.
Rái Cá Âu Châu (Ảnh: Wikipedia)
Tên gọi thông thường của chúng tôi là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Rái Cá |
Anh |
Otter |
Pháp |
Loutre |
Tây Ban Nha |
Nutria |
Trung Hoa |
Shuita (Thủy Ɖà) |
Nhật Bản |
Kawauso |
Ɖịa bàn sống của Rái Cá Lutra lutra là lục địa Á-Âu và một phần của Bắc Phi, tức vùng khí hậu ôn đới lạnh, bán hàn đới và khí hậu đại dương Ɖịa Trung Hải.
Rái Cá giao tình từ tháng 2, tháng 3 đến tháng 7. Cuộc ái ân diễn ra dưới nước hay trên bờ. Sau 60 - 70 ngày các chị Rái Cá sinh lối 2 hay 3 Rái Cá con, lối 0,5kg mỗi con. Rái Cá con mới sinh không mở mắt và không có lông. Sau một tháng Rái Cá con mới mở mắt. Thời gian bú sữa kéo dài 3 tháng nhưng Rái Cá con còn sống bên mẹ đến 14 tháng mới tự túc sống được, tức bắt đầu lặn lội dưới ao, hồ kiếm Cá, Tôm, Cua, Sò, Ốc… để mưu sinh. Ɖối với các nhà chăn nuôi Cá, Rái Cá chúng tôi là những tên trộm Cá chuyên nghiệp đáng ghét.
RÁI BIỂN to lớn và nặng cân hơn Rái Cá sông, hồ nước ngọt. Tên khoa học của các anh chị ấy là Enhydra lutris hay Mustela lutris, gia đình Mustelidae.
Rái Biển (Ảnh: Michael Gore)
Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Rái Biển |
Anh |
Sea Otter |
Pháp |
Loutre de mer |
Tây Ban Nha |
Nutria de mar |
Trung Hoa |
Haita (Hải Ɖà) |
Nhật Bản |
Rakko |
Trọng lượng trung bình của anh chị Rái Biển xê dịch từ 14kg - 45kg. So với Rái Cá sông thì đó là trọng lượng to lớn. Nhưng so với Hải Cẩu, Hải Mã, Hải Tượng thì trọng lượng của Rái Biển quá ư nhỏ bé. Vì vậy cuộc đấu tranh sinh tồn của anh chị Rái Biển rất cam go và gian nguy khủng khiếp.
Loài người khen mấy anh chị Rái biển ăn Nhím biển (Sea urchins) vì đám này tàn phá tảo bẹ (kelp) dưới lòng đại dương.
Rái Biển không có nhiều mỡ để chống lạnh. Ngược lại các anh chị ấy có bộ lông dày ngự hàn rất tốt. Mỗi inch vuông, tức 6,25cm2 có một triệu lông (1.000.000). Tai và lỗ mũi các anh chị ấy đóng lại được để nước biển không vô lỗ tai và mũi. Tạo hóa huyền nhiệm thay!
Rái Biển theo chế độ đa thê. Ɖời sống tình dục của các anh Rái Biển rất bạo tợn. Các chị Rái Biển đều mang vết thẹo khi ái ân. Ɖó là vết thẹo tình dục, ấn dấu ái ân của Rái Biển. Các chị Rái Biển mang thai từ 5 tháng đến 12 tháng mới sinh một con nặng 01kg - 02kg. Rái Biển con mới sinh đã mở mắt và có răng.
Thân thuộc của Rái Cá có:
CÁO CẦY (Weasel) mang tên khoa học Mustela nivalis, thuộc gia đình Mustelidae.
Cáo Cầy Mustela nivalis (Ảnh: Wikipedia)
Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Cáo Cầy |
Anh |
Weasel |
Pháp |
Belette |
Trung Hoa |
Huangshulang (Hoàng Thử Lang – Chuột Sói vàng) |
Nhật Bản |
Itachi |
Tây Ban Nha |
Comadreja |
Chiều dài trung bình của các anh chị Cáo Cầy xê dịch từ 30cm - 50cm. Các anh Cáo Cầy dài và nặng cân hơn các chị. Các anh chị có mặt tựa như mặt Mèo, lưng cong phủ đầy lông màu vàng tối hay hung đỏ. Ɖặc biệt là lưng các anh chị ấy rất dài; bốn chân ngắn, mỗi bàn chân có 5 ngón có móng vuốt bén nhọn.
Cáo Cầy to lớn là Cáo Cầy đuôi dài mang tên khoa học Mustela frenata, gia đình Mustelidae. Cáo Cầy đuôi dài ở miền Bắc Hoa Kỳ thay lông vào mùa thu. Lông chuyển sang màu trắng. Ɖến mùa xuân lông chuyển sang màu hung đỏ như cũ. Ở nhiều nơi khác Cáo Cầy đuôi dài không có sự thay lông, tức màu lông vẫn giữ quanh năm.
Cáo Cầy đuôi dài Mustela frenata (Ảnh: blancowateratlas.wordpress.com)
Tuổi thọ của Cáo Cầy đuôi dài xê dịch từ 15 - 20 năm.
Mùa ái ân của các anh chị ấy xảy ra vào tháng 7, tháng 8 mỗi năm. Thời kỳ mang thai của các chị Cáo Cầy kéo dài lối 280 ngày, tức 9 tháng 10 ngày. Mỗi lần sinh chỉ có một Cáo Cầy con mà thôi. Cáo Cầy con mới sinh không mở mắt, mình trần không có lông.
CON LỬNG Âu Châu mang tên khoa học Meles meles thuộc gia đình Mustelidae Mephitidae. Con Lửng Việt Nam mang tên khoa học Melogale cucphuongensis (Cúc Phương).
Con Lửng Meles meles (Ảnh: flickr.com)
Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Con Lửng |
Anh |
Badgers (Badge: ấn dấu vì trên đầu con Lửng |
Pháp |
Blaireau |
Tây Ban Nha |
Tejones |
Trung Hoa |
Dongwu |
Nhật Bản |
Anaguma |
Con Lửng Việt Nam Melogale cucphuongensis (Ảnh: nl.pinterest.com)
Con Lửng có 4 chân ngắn và to, móng chân dài và bén nhọn. Thân hình có lông dài và thô. Ban ngày con Lửng sống dưới hang đào sâu dưới mặt đất dài đến 70m - 80m. Trong hang có nhiều phòng. Ban đêm con Lửng ra ngoài kiếm ăn.
Trọng lượng con Lửng:
Mùa |
Trọng lượng trung bình |
Xuân |
07kg - 13kg |
Thu |
15kg - 17kg |
Các nhà khoa học của loài người cho rằng Con Lửng mang trùng lao Mycobacterium bovis gây bịnh lao cho Bò và cũng có gây bịnh lao cho người.
CHỒN HÔI ƉUÔI DÀI có hai dòng nổi tiếng:
1- Chồn Hôi Ɖuôi Dài Âu Châu (European minks) mang tên khoa học Mustela lutreola, gia đình Mustelidae
Chồn Hôi Ɖuôi Dài Âu Châu (Ảnh: Wikipedia)
2- Chồn Hôi Hoa Kỳ (American minks) Neovison vison (Neo: tân, mới/ Vison: tiếng Pháp chỉ Chồn Hôi Ɖuôi Dài).
Chồn Hôi Hoa Kỳ (Ảnh: Wikipedia Comons)
Các anh Chồn Hôi Ɖuôi Dài dài trung bình 60cm và cân nặng lối 01kg, các chị dài 50cm và cân nặng trung bình 0,6kg. Chồn Hôi Ɖuôi Dài trong trạng thái hoang dã nhỏ và nhẹ cân hơn Chồn Hôi Ɖuôi Dài được nuôi trong các trại chăn nuôi ở Hoa Kỳ, Ɖan Mạch, Ái Nhĩ Lan để lấy da và lông. Chồn Hôi Ɖuôi Dài nặng cân nhất cân nặng 3,2kg, được nuôi trong trại chăn nuôi ở Hoa Kỳ. Loài người săn bắt và bẫy anh chị Chồn Hôi Ɖuôi Dài để lấy da và lông. Lông anh chị ấy rất mượt và trơn láng như tơ lụa. Ɖan Mạch là quốc gia chăn nuôi và sản xuất nhiều da, lông Chồn Hôi Ɖuôi Dài. Năm 2020 Ɖan Mạch phải loại bỏ từ 15 đến 17 triệu anh chị Chồn Hôi Ɖuôi Dài (Vison) vì sợ sự lan nhiễm Covid-19.
Chồn Hôi Ɖuôi Dài thích ăn Thỏ rừng hay Thỏ nhà. Các anh chị ấy thường sống quanh các dòng nước hay vùng ẩm ướt như suối, ao, hồ, sông, biển. Các chị chỉ sinh con mỗi năm một lần. Mỗi lần sinh lối 4 Chồn Hôi Ɖuôi Dài con. Ít khi các chị sinh 6 con.
Tên gọi thông thường của Chồn Hôi Ɖuôi Dài là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Chồn Hôi Ɖuôi Dài (dịch từ tiếng Pháp VISON |
Anh |
Mink |
Pháp |
Vison |
Tây Ban Nha |
Vison |
Trung Hoa |
Diao |
Nhật Bản |
Minku |
CHỒN GẤU HÔI là cách gọi của người Anh Skunk Bear vì các anh chị ấy có hình dáng và cách đi đứng vững vàng như Gấu. Bốn chân ngắn, móng vuốt bén nhọn. Trong thân thể có hạch xạ có mùi hôi khó chịu như mấy anh chị Chồn Hôi (Skunk). Tên khoa học của Chồn Gấu Hôi là Gulo gulo, thuộc gia đình Mustelidae.
Chồn Gấu Hôi (Ảnh: Wikipedia)
Tên gọi thông thường:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Chồn Gấu Hôi |
Trung Hoa |
Jingang lang (Kim Cương Lang?) |
Nhật Bản |
Kuzuri |
Anh |
Skunk Bear, Glutton, wolverine |
Pháp |
Glouton (giống đực) – Gloutone (giống cái) |
Tây Ban Nha |
Gloton (giống đực) – Glotona (giống cái) |
Chiều dài |
Chiều dài của đuôi |
Trọng lượng trung bình |
65cm - 105cm |
05cm - 25cm |
05kg - 25kg |
Các anh chị Chồn Gấu Hôi này háo ăn xác chết thú vật, các loài gặm nhấm, động vật không có xương sống, động vật có vú nhỏ. Các anh chị ấy sống ở vùng ôn đới lạnh, bán hàn đới và hàn đới trên lục địa Âu Châu, Bắc Á và Bắc Mỹ (Alaska, Canada, Michigan). Vì sống trong những vùng khí hậu lạnh nên các anh chị Chồn Gấu Hôi có bộ lông rất dày để bảo vệ thân thể được ấm chống lại cái lạnh miền hàn đới. Loài người rất quan tâm đến giá trị kinh tế của bộ lông dài, dày và mượt của tộc Wolverine.
Các chị Chồn Gấu Hôi không sinh sản nhiều. Số Chồn Gấu Hôi con sinh ra không quá 4 con. Chốn Gấu Hôi con dứt sữa sau 10 tuần tuổi. Sau khi dứt sữa, họ bắt đầu tìm chỗ để đi kiếm mồi sinh sống.
CHỒN HÔI dòng Mephitis, Spilogale và Conepatus thuộc gia đình Mephitidae, có liên hệ gần với gia đình Mustelidae của Rái Cá chúng tôi. Ɖa số Chồn Hôi đều mặc quần áo có sọc. Các anh chị ấy có bộ lông rất đẹp: trắng-đen, hung đỏ. Xạ của các anh chị Chồn Hôi có mùi khó chịu. Ɖó là võ khí tự vệ của Chồn Hôi. Các động vật khác e ngại không dám tấn công Chồn Hôi vì sợ xạ bắn vào mặt thì thân thể bị ray rứt, ngộp thở vì mùi hôi khó chịu và mắt bị mù trong một thời gian nào đó. Xạ hôi của Chồn Hôi có chất Sulphur. Mùi hôi của Chồn Hôi được cảm nhận ở cách xa 5km.
Chiều dài trung bình của Chồn Hôi xê dịch từ 40cm - 90cm. Trọng lượng xê dịch từ 01kg - 08kg.
Các chị Chồn Hôi sinh trung bình từ 4 - 7 con. Chồn Hôi con mới sinh đều không mở mắt và không nghe được, phải đợi đến 3 tuần mới mở mắt. Các cháu sống bên cạnh mẹ, một năm sau khi chào đời. Trong thời gian ấy các cháu chỉ được mẹ chăm sóc mà thôi.
Chồn Hôi Sọc (striped skunk) mang tên khoa học Mephitis mephitis, gia đình Mephitidae.
Chồn Hôi Sọc (Ảnh: biolib.cz)
Chồn Hôi Tí Hon mang tên khoa học Spilogale pygmaea, gia đình Mephitidae
Chồn Hôi Mũi Heo mang tên khoa học Conepatus semistriatus, gia đình Mephitidae.
Chồn Hôi Tí Hon (Ảnh: britannica.com) và Chồn Hôi Mũi Heo (Ảnh: observation.org)
Tên gọi thông thường của Chồn Hôi là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Chồn Hôi |
Anh |
Skunk |
Pháp |
Moufette |
Tây Ban Nha |
Zorrillo |
Trung Hoa |
Chou you |
Nhật Bản |
Sukanku |
***
Thưa quí vị, là động vật sống nửa đất, nửa nước và ăn Cá, Sò, Ốc Cóc, Ếch, Nhái, Cua, chúng tôi bị loài người đe dọa không ngừng. Loài người săn bắn, gài bẫy bắt Rái Cá và thân thuộc để ăn thịt và lấy da, lông. Họ khen thịt Rái Biển ngon hơn Rái Cá sông, hồ. Thịt Rái Cá là thức ăn của người Da Ɖỏ ngày xưa.
Rái Cá không có những đám tang thơm tho với những người đùa tiền giàu có, sang trọng và quyền thế như trường hợp các anh chị Hà tộc (Tôm) và Long Hà tộc (Tôm Hùm).
Người Việt Nam không đề cập nhiều về Rái Cá chúng tôi mà chỉ nhận xét ngắn gọn với vài chữ “lội như Rái”. Họ nói Ɖinh Bộ Lĩnh, tức vua Ɖinh Tiên Hoàng sau này, thuở nhỏ lặn lội như Rái dưới nước. Hình như loài người thù ghét chúng tôi vì ăn Cá và cắn Chó của họ bị thương đau đớn.
Loài người không quan tâm đến thịt của Rái Cá nhưng họ quan tâm đến lông và da của chúng tôi, nhất là lông của Rái Biển (Sea Otter), Chồn Hôi (Skunk) và Chồn Hôi Ɖuôi Dài (Wolverine). Ngoài da, lông, mỡ, thịt, họ còn săn bắn, gài bẫy bắt Rái và thân thuộc để lấy mùi hôi khó chịu từ Rái và Chồn Hôi. Xạ của các thân thuộc của Rái Cá có thể được dùng trong kỹ nghệ dầu thơm.
Có một loại cây cao từ 30m - 40m, lá rộng và có lông, trái có hai cánh (dipterocarpus: La Tinh âm từ Hy Lạp ngữ) được người Việt Nam gọi là cây DẦU RÁI, cây DẦU CON RÁI hay cây DẦU NƯỚC mang tên khoa học Dipterocarpus alatus, gia đình Dipterocarpaceae. Người Anh gọi là hairy-leaf apitong, Pháp gọi là dipterocarpus. Ở Nam Bộ có các địa danh mang tên cây Dầu Rái như Thủ Dầu Một (Bình Dương), Gò Dầu Hạ, Dầu Tiếng v.v..
Rái Cá không có mặt trong 12 con giáp và đề 40 con của người Trung Hoa. Loài người kỳ thị lẫn nhau thì đừng hỏi tại sao họ kỳ thị động vật vô ngôn ngữ, vô văn tự, không công trình và vắng sự nghiệp như bọn mình. Loài người giống nhau về hình dáng, pha chủng nhau dễ dàng và khác nhau về mọi thứ: màu da (Ɖen, Ɖỏ, Trắng, Vàng, Ɖen mốc như da Cưỡng), tín ngưỡng, tư tưởng, sinh hoạt vật chất và sinh hoạt trí tuệ, hoàn cảnh xã hội, nguồn gốc gia đình, di truyền chủng tộc, địa bàn cư trú (vấn đề địa phương), truyền thống văn hóa, lịch sử, v.v.. Thế là có đủ loại kỳ thị trong xã hội loài người. Vì vậy chuyện Rái Cá chúng tôi không có trong 12 con giáp hay 40 số đề có gì là nhục nhã? Bọn thằng Khỉ, thằng Chó, thằng Heo, thằng Trâu, thằng Cọp, thằng Rắn, thằng Ngựa, thằng Dê, thằng Rồng, thằng Chuột có mặt trong 12 con giáp là danh dự lắm sao?
Các nhà hiền triết trong cộng đồng Rái Cá và thân thuộc đọc nhiều sách vở của loài người đề cập đến tộc của chúng tôi. Họ thấy vỏn vẹn một câu khen ngợi mấy anh chị Rái Biển ăn Nhím Biển (Sea Urchins) mang tên khoa học Echinus ventricosu, gia đình Toxopneustidae. Nghe nói tụi Nhím Biển phá hại rong bẹ (Kelp) trong lòng biển dữ lắm.
Thánh Kinh không đề cập đến Rái Cá mà chỉ nói tổng quát những động vật có chân cẳng như Rái Cá và thân thuộc bị liệt vào loài thú không thanh sạch (Leviticus 11: 29; Exodus 25: 5; Number 4: 6; Ezekiel 16: 10).
Rái Cá được vài bộ lạc người Da Ɖỏ ở tây bắc Bắc Mỹ như British Columbia, Alaska xem như vật tổ (totem). Ɖối với những bộ lạc này, Rái Cá tượng trưng cho lòng trung thành và sự lương thiện.
Người Scotland (Tô Cách Lan) có truyện Otter Kings khó bị giết chết. Theo truyện kể thì tử huyệt của Rái Cá nằm dưới càm!
Người Ái Nhĩ Lan có truyện Cuộc Du Hành Của Maelduin, Rái Cá trên đảo Island of Otters (Ɖảo Rái Cá), mang cho người đi biển Cá Hồi (Salmon). Thánh St. Cuthbert (634 - 687) được xem là Thánh bảo vệ động vật thiên nhiên như Rái Cá và Ɖiểu tộc.
Người Ainu, người thiểu số trên đảo Hokkaido của Nhật Bản, có câu chuyện về Rái Cá như sau:
Một vị Thần được Thượng Ɖế ra lịnh nghiên cứu việc tạo dựng con người. Vị Thần hoàn thành sứ mạng của mình một cách hoàn hảo. Ngài chuẩn bị về Thiên Ɖình và muốn trao thánh lộ đồ về sự hình thành của con người trên Trái Ɖất cho một vị Thần khác hoàn tất nhiệm vụ. Lúc ấy không thấy ai để đưa thánh lộ đồ mà chỉ thấy một anh Rái Cá. Vị Thần đưa thánh lộ đồ tạo nhân cho Rái Cá để chuyển cho Thần X với những lời ghi chú và dặn dò cẩn trọng.
Anh chàng Rái Cá mải mê lặn lội dưới nước bắt cá nên quên đưa thánh lộ đồ tạo nhân cho Thần X. Thế là Thần X tạo con người đầu tiên bằng phương pháp riêng của mình một cách vụng về và kém mỹ thuật. Do đó con người đầu tiên không được hoàn hảo như thánh lộ đồ tạo nhân đã được nghiên cứu tỉ mỉ. Rái Cá bị phạt mất trí nhớ. Người ăn đầu Rái Cá sẽ mất trí nhớ.
Ɖó là chuyện kể của người Ainu về Rái Cá chúng tôi.
Trong Ấn Giáo có chuyện hai anh Rái Cá tên Gambhiracari và Anutiracari đi ra bờ sông tìm ít Cá ăn cho đỡ đói. Gặp một anh Cá Rohita (1) to lớn, Gambhiracari nhảy xuống nước để đuổi bắt. Cá Rohita to và mạnh kéo Gambhiracari xuống đáy sông. Gambhiracari kêu cứu với bạn Anutiracari. Anh nói: “Mày xuống phụ tao bắt con Cá này. Nó mạnh quá. Nó sẽ cho tụi mình một bữa ăn ngon lành.”
Anutiracari nhảy xuống sông phụ bắt Cá Rohita với Gambhiracari. Hai anh khiêng Cá Rohita lên bờ. Gambhiracari nói:
“Anh chia Cá đi!”
“Không. Anh chia đi. Nhớ chia đồng đều nhé! Không ai hơn ai đấy!” Anutiracari đáp lại.
Hai anh Rái Cá cãi vã nhau ầm ĩ. Không ai chịu mất phần nhưng không ai nhận lấy trách nhiệm phân chia Cá một cách công bằng cả.
Một anh Chó Rừng Jackal đi ngang qua. Trông anh ta có vẻ kẻ cả trên đồng cỏ. Gặp anh ta, cả hai anh Rái Cá đều đồng thanh nói:
“Chào Ɖại Ca Jackal, Chúa Tể đồng cỏ. Nhờ Ɖại Ca phân xử việc phân chia Cá Rohita cho tụi em.”
“Chuyện rắc rối quá! Nhưng tao cũng cố gắng phân xử cho hợp lẽ công bằng để làm hài lòng hai đứa tụi bây. Tụi bây đừng quên rằng tao bận rộn và có nhiều việc cần phải làm.” Ɖại Ca Jackal nói.
Jackal vừa nói vừa rút một con dao đựng trong một túi xách da Trâu. Ɖại Ca chặt đầu Cá Rohita đưa cho Gambhiracari. Rồi Ɖại Ca chặt đuôi Cá đưa cho Anutiracari. Xong Ɖại Ca Jackal lóc thịt hai bên hông Cá và chặt xương sống cá ra làm hai, đưa cho mỗi anh Rái phân nửa xương sống Cá và nói:
“Không gì công bằng hơn cách phân chia của tao cho tụi bây. Kẻ được phân nửa xương sống Cá và đầu Cá. Kẻ được đuôi Cá và phân nửa xương sống Cá. Tao làm xong công việc phân xử nặng nhọc nên chỉ lấy hai hông Cá mà thôi.” Ɖại Ca Jackal nói.
Trong một chuyến viếng thăm Hà Nội tôi có nghe chuyện Người Ɖi Ɖường Với Quả Bứa có nội dung na ná chuyện hai chàng Rái Cá bên Ấn Ɖộ gần bờ sông Ganges, sông Indus hay sông Brahmaputra gì đó. Trái đất tròn, đại tư tưởng dễ gặp nhau. Hai anh Rái Cá Ấn Ɖộ có tên hẳn hòi. Hai người đi đường với quả bứa đều vô danh.
Trong tinh tú học có sao Hydrus ở Nam Cực. Theo Hy Lạp ngữ Hydrus là Rắn Nước đôi khi bị nhầm lẫn là Rái Cá. Tên khoa học của Rái Biển là Enhydra lutris, trong đó có chữ HYDRA. Hydra, giống cái của Hydrus, là một nữ Rắn Nước, một loài thủy quái 9 đầu trong hồ Lerna. Thủy quái Hydra trong hồ Lerna bị Hercules giết. Nhưng một đầu bị chặt thì có hai đầu mọc lên! Huyền thoại Hy Lạp kể lại như vậy giống như chuyện Thạch Sanh chém Chằn trong tập thơ Thạch Sanh-Lý Thông do nhà xuất bản Phạm Văn Thìn trên đường Sabourin (sau năm 1954 là đường Tạ Thu Thâu), Sài Gòn, phát hành vào tiền bán thế kỷ XX.
Bài thuyết trình của tộc Rái Cá đến đây chấm dứt. Tôi sẽ gặp lại quí vị trong một ngày rất gần vì tôi được sự ủy nhiệm của cộng đồng thủy tộc miền hàn đới để báo cáo về cộng đồng Hải Cẩu, Hải Mã, Hải Tượng trong hội nghị Quốc Tế này. Trân trọng kính chào toàn thể quí vị và kính chúc quí vị một ngày an lành trọn vẹn.
Dưới hội trường có tiếng vỗ tay vang dội. Ban nhạc La Cigale trổi bản Ngựa Phi Ɖường Xa pha trộn với câu: “Ɖường trường xa ta quyết đi cho đến cùng” để giúp vui và kết thúc phiên họp hôm nay.
Ɖại Lão Rái Cá Âu Châu Ɖịa Trung Hải Lutra lutra tức Big Brother Otter Sr.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
____________
Ghi chú:
(1) Cá Chép Rohita hay Rohu, Roho là loài Cá Chép được tìm thấy nhiều dưới các dòng sông lớn ở Ấn Ɖộ, Nepal, Pakistan, Miến Ɖiện v.v.. Cá có thể dài đến 2m và cân nặng 45kg. Tên gọi thông thường là Cá Chép Rohu, Roho, Rohita. Tên khoa học là Labeo rohita hay Roho labeo thuộc gia đình Cyprinidae.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/raicavathanthuoc.html