Phạm Đình Lân


Phượng Hoàng

.

Ban nhạc Greek Phoenix và Chinese Fenghuang hoà tấu bản Ngô Đồng Thụ vui nhộn. Cả hai giàn nhạc đều dùng nhạc cụ cổ điển để gợi lên sự phát triển của quê hương mình vào buổi bình minh của văn minh nhân loại.

Đại diện các động vật hoàn vũ thích thú thưởng thức các nhạc khí cổ truyền của Hy Lạp và Trung Hoa. Nhạc khí của Trung Hoa có phần ầm ĩ hơn nhạc khí Hy Lạp. Tiếng sáo trúc của Trung Hoa trầm bổng vút cao bên cạnh những tiếng phèn la đinh tai điếc óc nhưng gây sự phấn chấn cho các tộc động vật.

Sư Tử thắc mắc không biết Ngô Đồng Thụ là cái gì mà là chủ đề của ban nhạc hôm nay? Sư tử hỏi Cọp. Cọp lắc đầu ra dấu không biết. Cọp gọi Chó Săn và hỏi: "Mày biết Ngô Đồng Thụ là cái gì không?" Chó đáp: "Dạ thưa em không biết. Để em hỏi thằng Hạc Việt Nam xem nó biết không." Chó đáp một cách sợ sệt.

Chó Săn tìm Hạc Việt Nam và hỏi: "Hạc! Mày ở Việt Nam am tường chữ Hán học từ thời Đinh, Lê, Lý Trần, Lê, Nguyễn, Học Viện Khổng Tử (Confucius). Vậy mày biết Ngô Đồng Thụ là cái gì không?"

"Biết chớ. Tên gọi ngô đồng được phổ biến dưới hai dạng khác nhau: a. Ngô đồng là cây vông nem; lá hình trái tim; thân cây đầy gai; gỗ nhẹ dùng để làm thuyền hay làm guốc; hoa màu đỏ thắm rất đẹp; lá được các nhà sản xuất nem ở Lái Thiêu, Thủ Đức dùng gói nem nên gọi là cây vông nem. Tên khoa học của cây ngô đồng vông nem này là Erythrina variegata, gia đình Fabaceae. b. Cây Ngô Đồng trong bản nhạc là cây mà, theo huyền thoại Trung Hoa, Phượng Hoàng hay đậu. Tên khoa học của ngô đồng này là Sterculia platanifolia, gia đình Sterculiaceae." Hạc Việt Nam giải thích.

"Tại sao anh biết?" Chó Săn hỏi.

"Tổ tiên tôi có qua Pháp và học thuộc lòng những khám phá Khoa Học Tự Nhiên ở Viện Đại Học Bordeaux." Hạc Việt Nam nói.

"Thế à! Giòng họ Hạc của anh thông thái quá. Cảm ơn anh. Để tôi về báo cáo lại cho phó chủ tịch Cọp." Chó Săn nói.

Chó Săn sung sướng trở lại bàn Chủ Tịch Đoàn để báo cáo những gì nghe được từ thằng Hạc Việt Nam. Về đến nơi Chó Săn quên hết những gì nghe được từ Hạc Việt Nam. Chó Săn nói: "Nó nói nhiều quá, nhiều điều lạ và hấp dẫn nhưng em không nhớ điều nào cả." Cọp nổi giận chửi hắn tơi bời.

Một nhạc sĩ Dế thổi kèn báo hiệu đại diện Phượng Hoàng đến.

Đó là một nữ Điểu Tước (Chim Sẻ) từ thành Athens đến. Chị không đẹp nhưng duyên dáng và linh hoạt. Chị cúi đầu chào chủ tịch đoàn, đại biểu các tộc động vật giữa tiếng đàn Kithara hùng tráng của một nhạc sĩ trong ban nhạc Greek Phoenix trình bày điệp khúc của bài Phượng Hoàng Khúc, sáng tác của nhạc sĩ dòng họ Điểu ở Hangzhou (Hàng Châu). Sau khi điệp khúc bản Phượng Hoàng Khúc chấm dứt nữ Điểu Tước Athens lên diễn đàn đọc tham luận về Phượng Hoàng.

***

Tôi, nữ Điểu Tước thành Athens, trân trọng kính chào toàn thể đại biểu các tộc động vật thế giới hiện diện trong Hội Nghị hôm nay ở vùng Phi Châu Nhiệt Đới.

Thưa quí vị, thật vất vả cho tôi khi được đại Hội Đồng Điểu Tộc và Cầm Vũ đề cử đọc tham luận về Phượng Hoàng hôm nay. Tôi phải vất vả tìm hiểu về Phượng Hoàng ở Le Cairo, Athens và Beijing (Bắc Kinh).

Tranh cổ Phượng Hoàng (Ảnh internet)

Phượng Hoàng là một trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phượng hay Phụng. Trong Tứ Linh loài người không thấy Long, Lân và Phượng mà chỉ thấy Qui (Rùa). Điều đặc biệt là người ta không thấy Long (Rồng), Lân (Kỳ Lân), Phượng (Phượng Hoàng) nhưng khắp thế giới đều có tên gọi dành cho ba linh vật vừa nói. Tứ Linh được tìm thấy ở những nơi tôn nghiêm ở Đông Phương và là đề tài của hội hoạ và các tác phẩm nghệ thuật. Dưới đây là tên gọi dành cho Phượng Hoàng:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Phượng Hoàng (Phụng Hoàng)

Trung Hoa

Fenghuang

Ai Cập

Bennu (Thái Dương Thần RA)

Hy Lạp

Phoenix

Nhật Bản

Fenikkkusu

Ấn Độ

Acambra, Finiksa

Anh

Phoenix, August Rooster

Pháp

Phenix

Tây Ban Nha

Fenix

 

<===Phượng Hoàng tái sinh trong ngọn lửa (Hartmann Schedel - 1440-1514 - Ảnh https://historiek.net/)

Người Ai Cập và người Hy Lạp cổ tin rằng Phượng Hoàng là linh vật liên hệ đến Mặt Trời. Phượng Hoàng là Thái Dương Điểu hay Hoả Điểu, tượng trưng cho sự bất tử và tái sinh. Người ta tin rằng Phượng Hoàng rất trường thọ gần như bất tử (tuổi thọ trung bình: 500 năm). Người ta cho rằng Phượng Hoàng chết trong lửa đỏ và tái sinh trên tro cốt của các Phượng Hoàng trước.

Hình linh điểu Bennu ở Ai Cập (Ảnh wikipedia)

Theo sự mô tả của sử gia Hy Lạp Herodotus (484 - 425 tr. Tây Lịch) vào thế kỷ V tr. Tây Lịch về Phượng Hoàng ở Ai Cập, nơi ông không hề thấy Phượng Hoàng lần nào nhưng ông thấy linh điểu này qua hình vẽ với đôi cánh dài như Đại Bàng, lông màu đỏ chen ẩn với một số lông màu vàng óng ánh. Người Ai Cập gọi Phượng Hoàng là Bennu tức Thái Dương Thần RA. Ở Heliopolis (Thái Dương Thành) có đền thờ Bennu tức linh hồn của Thái Dương Thần RA.

Phượng Hoàng đôi khi được mô tả như Sếu (Crane) vùng Numidia (tây bắc Phi Châu như Libya, Tunisia, Morocco) hay Gà Lôi đuôi dài, lông màu đỏ-vàng (golden pheasant) ở Á Châu. Đó là hình ảnh của Phượng Hoàng Ai Cập và Hy Lạp.

Hy Lạp là cái nôi của văn minh Âu Châu. Nhưng vào thời thượng cổ nhiều nhà triết học và toán học Hy Lạp như Thales thành Miletus (624/623 – 548/545 tr. Tây Lịch), nhà triết học đầu tiên của Hy Lạp và nhà toán học và triết học Pythagore (570 - 495 tr. Tây Lịch) đều có học ở Ai Cập. Thư viện cổ xưa nhất của nhân loại là Thư Viện Alexandria ở Ai Cập thành lập từ năm 285 - 246 trước Tây Lịch.

Trong Thánh Kinh Do Thái không thấy đề cập đến Phượng Hoàng. Có người cho rằng Phượng Hoàng được đề cập dưới tên Hỏa Điểu (Firebird). Người ta cho rằng chữ CHOL (CH đọc thành KH) chỉ Phượng Hoàng. Chữ CHOL có thể có ba nghĩa: Cát, Cây Cọ (Chà Là?) và Phượng Hoàng (Job 29: 18).

Sự mô tả nguồn gốc Thái Dương của Phượng Hoàng là điểm chung của sự nhận thức về Phượng Hoàng của người Ai Cập, Hy Lạp và Trung Hoa.

Theo huyền thoại Trung Hoa, Phượng Hoàng xuất hiện trên 8000 năm. Di vật mang hình ảnh Phượng Hoàng được tìm thấy ở Hongjiang (Hồng Giang), Hu Nan (Hồ Nam). Người Trung Hoa gọi Phượng Hoàng là Fenghuang.

Phượng là nam tức Dương (Yang).

Hoàng hay Loan là nữ tức ÂM (Yin).

Phượng Hoàng tượng trưng cho tình yêu vợ chồng.

Từ thời nhà Tần (Qin – 221 - 206 tr. Tây Lịch) về sau Phượng Hoàng bị nữ hoá khi xuất hiện hình ảnh LONG- PHƯỢNG (Long: nam [+]; Phượng: nữ [-]). Thời nhà Tần xuất hiện kẹp tóc Phượng Hoàng. Từ đó Phượng Hoàng gắn liền với nữ phái.

Thời nhà Hán kẹp tóc Phượng Hoàng chỉ dành cho các Thái Hậu. Phượng Hoàng càng ngày càng mang nhiều nữ tính làm lu mờ sự phân biệt giữa Phượng (nam) và Hoàng hay Loan (nữ). Từ khi xuất hiện Long-Phượng thì LONG là Dương (nam) và Phượng là Âm (nữ) hay rõ hơn LONG là chồng và PHƯỢNG là vợ!!

Phượng Hoàng Trung Hoa (điêu khắc gỗ – ảnh: internet)

Dưới nét bút của người Trung Hoa, Phượng Hoàng có mỏ Gà, mặt Chim Én, cổ Rắn, trán Gà, lưng Rùa, ức Ngỗng, cặp chân sau của Hươu và đuôi của Cá. Có nơi mô tả Phượng Hoàng giống Gà Lôi vàng, đuôi Khổng Tước (Công), chân Sếu (Crane), miệng Két và cánh Chim Én. Phượng Hoàng gốc Mặt Trời. Thân ngũ sắc: trắng, đen, vàng, đỏ, xanh. Các họa sĩ Trung Hoa thường vẽ Phượng Hoàng xoè cánh đậu trên nhánh ngô đồng dưới ánh Mặt Trời đỏ chói.

Tranh Phượng Hoàng xoè cánh đậu trên cây ngô đồng (Ảnh internet)

Người Trung Hoa tin rằng Phượng Hoàng xuất hiện thì đất nước có Thánh Chúa chào đời, dân chúng an hưởng thái bình, thịnh vượng.

Cũng lắm lúc người ta xem Phượng Hoàng như loài Kê tộc tầm thường. Nên có câu:

Phượng Hoàng thất thế cũng như đàn Gà.

Trong món điểm sâm của người Trung Hoa có món Fengzhi (Phượng Chỉ) tức chân gà hầm mềm bung gân.

Người Việt Nam có món Phượng Hoàng Ấp Trứng.

Người Anh gọi Phượng Hoàng là August Rooster (Nam Kê Bát Nguyệt – Gà Trống Tháng 08). Tháng tám ở đây là tháng 8 Âm Lịch tính từ tháng 1 (Dần), tháng 2 (Mão), tháng 3 (Thìn), tháng 4 (Tỵ), tháng 5 (Ngọ), tháng 6 (Mùi), tháng 7 (Thân), tháng 8 (Dậu). Đó là ngôi thứ của nam Kê trong 12 con giáp. Nam Kê (Nam Kê Bát Nguyệt) mang số 28 trong số Đề sau anh chị Rùa và trước anh chị Lươn (Thiện Ngư).

Trong Tử Vi học có sao Phượng Các. Long, Phượng, Hổ, Cái gọi là Tứ Linh tượng trưng cho công danh, quyền quí.

Có sự trùng hợp giữa tinh tú học Trung Hoa và Tây Phương về chòm sao Phượng Hoàng (Phoenix constellation) ở vòm Trời phía nam.

Trong tinh tú học Trung Hoa có sao Nam Phương Chu Tước (Nan fang zhu que) tương ứng với phương Nam và mùa Hạ.

Sau khi lên ngôi năm 1789 hoàng đế Quang Trung định biến Nghệ An thành kinh đô dưới tên Phượng Hoàng Trung Đô.

Năm 1835 thành Gia Định tức Qui Thành bị phá huỷ sau khi quân triều đình đánh dẹp loạn Lê Văn Khôi. Thành mới được xây trên nền thành cũ và đặt tên là Phượng Hoàng Thành.

Hình chim Phượng thêu trên áo Phượng bào hoàng hậu triều Nguyễn (Ảnh internet)

Trong tinh tú học Tây Phương có chòm sao Phoenix (Phượng Hoàng), sao Grus (Crane: Sếu), sao Pavo (Peacock: Khổng Tước – Công) và sao Tucana (chim Toucan ở Nam Mỹ) (1) tức các loài chim ở phương nam.

Phượng Hoàng hay Phoenix là tên của nhiều thiếu nữ trên thế giới. Nhiều ngọn núi, thành phố trên thế giới mang tên Phượng Hoàng hay Phoenix. Ở Liaoning (Liêu Ninh) có núi Phượng Hoàng (Fenghuangshan – Phượng Hoàng Sơn). Ở Đà Lạt và Quảng Ninh có núi Phượng Hoàng. Có rất nhiều thành phố ở Hoa Kỳ và trên thế giới mang tên Phoenix (Arizona, Illinois, New York, Louisiana, Oregon, Pennsylvania, Nam Phi có Phoenix Durban, Ái Nhĩ Lan có Phoenix Park, Phoenix ở British Columbia). Ở Kabul, Afghanistan, Hoa Kỳ thành lập trại lính Camp Phoenix. Trong Chiến Tranh Việt Nam II có Chiến Dịch Phượng Hoàng.

Hình Phượng Hoàng trang trí trên đĩa gốm hoa lam thời Lê sơ, thế kỷ 15 (Ảnh kienthuc.net.vn)

Trong thực vật học có:

- Phượng Hoàng Mộc (Phoenix tree) tức cây Ngô Đồng Sterculia platanifolia, gia đình Sterculiaceae. Người Trung Hoa tin rằng Phượng Hoàng chỉ đậu nhánh Ngô Đồng mà thôi.

- Phượng Vĩ tức cây điệp to lớn có hoa nở vào mùa hè đỏ rực tựa như đuôi Phượng Hoàng màu đỏ. Tên khoa học của cây Phượng Vĩ là Delonix regia, gia đình Caesalpiniaceae. Từ khi người Pháp đem giống Phượng Vĩ (Flamboyants) từ Madagascar sang trồng quanh các trường học ở Việt Nam, hoa Phượng gắn liền với mùa hè và học đường Việt Nam. Nhạc sĩ Thanh Sơn nổi tiếng với bài Nỗi Lòng Hoa Phượng đi sâu vào tâm não và ký ức của nam nữ học sinh ở tuổi thanh xuân.

- Phoenix mushroom (Nấm Phượng Hoàng) mang tên khoa học Pleurotus pulmonarius, gia đình Pleurotaceae.

- Phoenix tree (Nữ Hoàng Mộc) mang tên khoa học Paulownia tomentosa, gia đình Bignoniaceae.

- Phoenix palm (Cây Chà Là) mang tên khoa học Phoenix dactylifera, gia đình Arecaceae.

Ngôn ngữ Việt Nam đề cập khá nhiều về Phượng Hoàng như:

- Phượng Cầu Hoàng (nam Phượng đi tìm nữ Hoàng hay Loan). Đó là tên một bản nhạc lãng mạn mà Tư Mã Tương Như (179 - 117 tr. Tây Lịch, một văn thi sĩ và nhạc sĩ hữu tài đời Tây Hán (206 tr. Tây Lịch - 25 sau Tây Lịch) đàn để quyến rũ người đẹp Trác Văn Quân. Người đẹp thấu hiểu hồn nhạc và ưng theo Tư Mã Tương Như.

- Phượng Vĩ là đuôi Phượng Hoàng, chỉ cây điệp to hoa đỏ (flamboyant)

- Phượng sồ là con của Phượng Hoàng.

- Phượng chạ Loan chung (Trai gái sống chung không cưới hỏi hay chưa cưới hỏi).

- Phượng Hoàng đậu nhánh ngô đồng: Vợ chồng xứng đôi vừa lứa như chim Phượng không bao giờ đậu trên nhành cây không phải là nhánh ngô đồng Sterculia simplex hay S. platanifolia.

- Phượng gáy non Kỳ: Phượng gáy trên núi Kỳ Sơn (Qishan trong tỉnh Shaanxi- Thiểm Tây) báo hiệu Thánh Chúa ra đời. Nhà Thương (Shang) bị lật đổ khoảng năm 1046 tr. Tây Lịch. Triều đại nhà Châu (Zhou) (2) ra đời. Trong tỉnh Hunan (Hồ Nam) cũng có núi Kỳ Sơn (Qishan).

Ca dao Việt Nam nói về Phượng Hoàng:

Bạn vàng lại gặp bạn vàng
Long, Lân, Qui, Phượng một đoàn Tứ Linh.

Tranh gốm gắn tường với hình ảnh chim Phượng Hoàng (Ảnh internet)

Ở Việt Nam có chuyện Cống Quỳnh và chúa Trịnh về sự xuất hiện của Phượng Hoàng. Chuyện nào về Cống Quỳnh cũng có chút khôi hài và châm biếm và cố nhiên không có thật. Những câu chuyện như vậy lúc nào cũng xoay vào chúa Trịnh và các hoạn quan thời vua Lê chúa Trịnh. Chúng không có thật vì không có thời gian, không gian và tên các hoạn quan hay tên các chúa Trịnh. Nó càng không xảy ra vì, dưới chế độ quân chủ chuyên chính hay độc tài phong kiến thời vua Lê chúa Trịnh từ thế kỷ XVII đến cuối thế kỷ XVIII, ai dám động đến uy danh hay long thể vua chúa thì khó thoát khỏi án tử hình hay nặng hơn nữa là án tru di tam tộc.

"Chuyện thế nào? Chúng tôi muốn nghe!" Đó là ý kiến của các đại biểu dưới hội trường.

"Nếu quí vị nóng lòng muốn nghe, tôi xin kể." Nữ Điểu Tước Athens đáp.

Cống Quỳnh là người thật tên Nguyễn Quỳnh. Vì đậu cử nhân nên được gọi là Cống Quỳnh tức ông Cử Nhân (Cống) tên Quỳnh. Vì mến tài khôi hài và nhanh trí của ông mà người đời gọi ông là Trạng Quỳnh tức người đậu hạng nhất trong khoa thi Đình. Các chuyện liên quan đến ông đều giả tưởng nhưng đó là những chuyện rất vui khi nghe.

Theo khẩu truyền, một hôm Cống Quỳnh được tin chúa Trịnh rời kinh đô để thanh sát tình hình địa phương. Biết lộ trình của chúa Trịnh, Cống Quỳnh nằm giữa đường, hai tay nắm lấy cái thúng úp. Không biết cái gì nằm dưới cái thúng úp. Quân sĩ kêu gọi dân chúng mở đường cho chúa đi qua. Cống Quỳnh vẫn nằm lì giữa đường ngăn cản xe của chúa đi qua. Cống Quỳnh nói với lính hầu mời chúa Trịnh đến cho ông báo tin lành cho chúa biết tại sao ông không thể rời cái thúng úp. Được báo cáo của người lính hầu chúa Trịnh vui vẻ tiến về phía Cống Quỳnh.

Thấy chúa Trịnh, Cống Quỳnh mở lời chào hỏi và nói:

"Kính mừng Thánh Chúa! Trời ban phúc cho Thánh Chúa bằng cách phái Phượng Hoàng xuống trần để mang tin lành."

"Vì sao ngươi nói như vậy?" Chúa Trịnh hỏi.

"Vì Phượng Hoàng xuất hiện." Cống Quỳnh đáp.

"Bây giờ Phượng Hoàng ở đâu?" Chúa Trịnh hỏi.

"Nằm dưới cái thúng này." Cống Quỳnh đáp.

"Ta muốn xem mặt Phượng Hoàng." Chúa Trịnh nói.

"Không được, thưa Chúa. Nếu mở thúng ra thì Phượng Hoàng bay mất." Cống Quỳnh nói.

"Vậy làm sao ta biết là Phượng Hoàng xuất hiện?" Chúa Trịnh thắc mắc.

"Nếu mở thúng ra cho Chúa thấy Phượng Hoàng thì nó bay mất. Phải có cái lưới thì nó không thoát khỏi lưới nếu mở thúng ra." Cống Quỳnh nói.

"Ngươi đi tìm lưới đi." Chúa nói.

"Thưa Chúa, như vậy không ổn. Không ai nằm ôm cái thúng thì Phượng Hoàng cựa quậy và bay mất!" Cống Quỳnh nói.

"Ngươi nói có lý. Vậy ta thay ngươi nằm ôm cái thúng để Phượng Hoàng không bay thoát được. Ngươi đi tìm cái lưới đi." Chúa Trịnh nói.

"Chúa nhớ không được mở cái thúng ra. Nếu không, Phượng Hoàng bay mất! " Cống Quỳnh nói.

"Được rồi! Ngươi đi tìm lưới đi. Ta nằm ôm cái thúng này." Chúa Trịnh nói.

Cống Quỳnh thong thả đi tìm cái lưới.

Chúa Trịnh nằm ngoài nắng ôm cái thúng úp giữa đường. Nằm ôm cái thúng úp mấy tiếng đồng hồ dưới ánh nắng gay gắt của miền nhiệt đới, chúa Trịnh bắt đầu mất kiên nhẫn. Ông bèn lật cái thúng ra để xem cái gì dưới đó. Phượng Hoàng đâu chẳng thấy chỉ thấy một bãi phân Trâu! Chúa đang tức giận thì Cống Quỳnh đến với một cái lưới rách.

Gặp Cống Quỳnh chúa Trịnh hằn học nói: "Ngươi dám dối gạt ta. Phượng Hoàng đâu không thấy mà chỉ có một bãi phân to tát."

Không một chút sợ sệt Cống Quỳnh đáp lại:

"Thảo dân hèn này làm gì cả gan dám dối gạt Chúa. Chỉ vì Chúa mở cái thúng nên Phượng Hoàng bay mất và để lại một bãi phân to như thế này. Đó là phân của Phượng Hoàng chớ phải phân của loài Gà hay Chim Sẻ." Cống Quỳnh thưa.

Chúa Trịnh bực tức ra lịnh hồi kinh. Dưới hội trường có tiếng la lớn: Hoan hô Cống Quỳnh! Hoan hô Cống Quỳnh!

Trên bàn chủ toạ Sư Tử nghiến răng vì tức giận. Sư Tử gọi ban tổ chức Hội Nghị ra thông cáo cấm đại diện các động vật nói đến tên Cống Quỳnh trong tham luận của mình. Đại diện ban tổ chức Hội Nghị là Khỉ Đít Đỏ vâng lịnh Sư Tử ra thông cáo từ đây về sau không đại diện động vật nào nói đến chuyện Cống Quỳnh, thằng cha cà khịa khó ưa thời vua Lê Chúa Trịnh.

Đại biểu các động vật nháo nhào phản đối bản thông cáo phi dân chủ và mạ lỵ cá nhân Cống Quỳnh. Đả đảo Khỉ Đít Đỏ! Đả đảo! Hoan hô Cống Quỳnh! Hoan hô! Hoan hô!. Đó là tiếng hoan hô của những thành viên thuộc Hội Ái Cống Quỳnh Địa Cầu. Khỉ Đít Đỏ hoảng sợ chạy ra khỏi hội trường.

***

Thưa quí vị, thời xa xưa loài người kính trọng Phượng Hoàng bao nhiêu thì thời nay họ quên lãng chuyện Phượng Hoàng bấy nhiêu. Đã vậy họ còn biếm nhẻ Phượng Hoàng bằng cách hạ cấp Phượng Hoàng xuống hàng Kê tộc.

Nào là món ăn Phượng chỉ, Phượng Hoàng ấp trứng. Nào là Nam Kê Bát Nguyệt.

Chuyện Phượng Hoàng bất tử, Phượng Hoàng tái sinh không còn được nghe lại. Đã vậy họ còn nữ hoá Phượng Hoàng. Thế là không còn anh Phượng, chị Hoàng hay Loan mà là anh Phượng biến thái sống cùng chị Loan thuần nữ. Hèn gì nghe nói Phượng Hoàng mà không có Phượng Sồ tức Phượng Hoàng tử. Từ đó Phượng Hoàng trở thành hiền thê của họ Long thuỷ quái. Một cuộc hôn nhân kỳ lạ xảy ra giữa kẻ sống dưới nước và kẻ sống trên không.

Phượng Hoàng và Rồng (Ảnh internet)

Phượng Hoàng nữ hoá cảm ơn dân đảo Taiwan (Đài Loan) tạc hình Phượng Hoàng rất đẹp trên nóc đền Longshan (Long Sơn) ở Taipei (Đài Bắc).

Mấy bợm nhậu hỏi Phượng Hoàng có to lớn, phùng xoè và có bộ lông đẹp như Khổng Tước (Công) không? Có người hỏi Phượng Hoàng nặng cân bằng Gà Tây hay Đà Điểu không?

Những câu hỏi đại loại như vậy nhắm vào hình sắc và số lượng thịt của Điểu Cầm mà thôi. Không có gì thiêng liêng cao cả và tôn kính đối với Phượng Hoàng cả.

Thưa quí vị bài tham luận về Phượng Hoàng chấm dứt tại đây. Kính chúc toàn thể quí vị một ngày vui và vô ưu.

Trước khi rời khỏi hội trường xin quí vị thưởng thức bản Phượng Gáy Non Kỳ do ban nhạc Dế của hai tỉnh Thiểm Tây (Shaanxi) và Cam Túc (Gansu) trình diễn.

Trên bàn Chủ Tịch Đoàn, Cọp ngồi thu mình như bị nhiễm lạnh. Cọp nói nho nhỏ: "Khiếp quá! Chỉ vì tiếng gáy của Phượng Hoàng trên núi Kỳ Sơn (Qishan) mà nhà Thương (Shang) sụp đổ năm 1046 tr. Tây Lịch. Khiếp quá!"

Nữ ĐiểuTước thành Athens Passer domestica

______

Chú Thích:

(1) Chim Toucan (do tên gọi Tukana của thổ dân Tupi ở Nam Mỹ mà ra) có lông đẹp, mỏ to, cứng và dài màu đỏ, đen hay vàng, thuộc gia đình Ramphastidae. Có nhiều dòng chim Toucan, tôi chọn dòng Ramphatos như Ramhatos discolorus để ghi vào chú thích.

.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/phuonghoang.html


Cái Đình - 2022