Nguyễn Tối Thiện
Nhu cầu tâm linh
.
Tâm linh hợp thành bởi chữ Tâm bao gồm ý nghĩa là tâm thức, tâm ý, tâm hồn, ý thức, tâm tư, tâm tưởng, tâm thần, tâm lực, tâm trạng, những chữ nầy thể hiện tất cả những khía cạnh và năng lực tiềm ẩn của tâm mà tôi sẽ giải thích bên dưới, và chữ Linh bao gồm ý nghĩa là linh thiêng, linh hồn, thần linh, linh diệu, linh nghiệm, linh tính... Tổng hợp lại chữ Tâm Linh bao trùm hai thế giới: hiện tiền của con người với tất cả đời sống tinh thần nội tại như ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc… và thế giới vô hình, trừu tượng, thiêng liêng mà trong đó có một giá trị cao cả, trong sạch, thiện lành để con người có thể đặt niềm tin, niềm hy vọng vươn lên; hay niềm kinh sợ để răn đe kiềm tỏa. Nó nối kết giữa hai thế giới hữu hình và vô hình để làm an lòng con người là cuộc sống của mình không đến nỗi bị giới hạn trong thời gian ngắn ngủi của cuộc đời trăm năm hay bị giới hạn trong những khả năng hạn hẹp của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Nó có tác dụng nối kết chặt chẽ và bền bỉ một cộng đồng nhân loại cùng dựa trên căn bản của niềm tin ấy.
Tại sao nhận thức của con người rất giới hạn? Bởi vì có những thực tại mà con người không nắm bắt được như những thực tại ngoại-cảm-giác (extrasensoriel) vì giác quan con người rất yếu, có khi thua cả loài vật như khứu giác thua loài chó, thị giác thua loài chim ăn đêm, xúc giác thua loài dơi; do đó trong trận Tsunami năm 2004, người ta tìm thấy rất ít xác thú vật bị chết vì chúng đã chạy trốn hết cả lên rừng núi, do cảm nhận được hiểm nguy bằng chính giác quan của chúng, trong khi loài người bị chết hơn 250.000 người. Lại nữa có những thực tại tâm linh xuất thần (réalité extraneuronale) xảy ra ngoài tầm hiểu biết bình thường như những trải nghiệm của những vị chứng đắc thiền, chứng đạo quả hay những kinh nghiệm của những người bịnh được khỏi tê liệt nhờ cầu nguyện và uống nước thánh ở Lourdes hay những thiên khải của những vị đã gặp được thiên chúa, của 3 em bé phát hiện Đức Mẹ ở Fatima…
Đứng trước vũ trụ bao la và cuộc đời con người ngắn ngủi làm cho chúng ta phải suy nghĩ: “cuộc đời có ý nghĩa gì chăng, mục đích của nó là gì? Từ đâu ta đến đây? Và ta sẽ đi về đâu sau khi chết”. Từ đó ý niệm về tâm linh nẩy sinh và nhu cầu tâm linh thúc đẩy con người đi tìm hiểu để trả lời những câu hỏi trên. Đứng trước cái chết, con người sợ hãi cho chính mình vì không muốn bị tiêu hủy thành tro bụi và thương tiếc cho người thân không muốn cho họ đi mất biền biệt ở đâu đâu, muốn níu kéo họ vào một thế giới gần gũi đâu đó mà mình có thể đi lại để gặp gỡ qua trung gian những nhà ngoại cảm. Hơn nữa vì khả năng và hiểu biết của con người rất giới hạn nên con người muốn nương tựa vào một năng lực mà mình nghĩ là cao cả và sáng suốt hơn mình như Phật Trời hay Thần Thánh chẳng hạn.
Đứng trước những nỗi khó khăn nan giải của cuộc sống hay những tật bệnh ngặt nghèo, con người cần đến một niềm an ủi, một đức tin giải cứu như những người vượt biển gặp bão tố nhờ cầu nguyện Phật Bà Quan Âm mà tai qua nạn khỏi, ngay cả những người ngoại đạo cũng chứng kiến sự xuất hiện của Phật Bà.
Trong đời sống bình thường tâm thức con người có hai mức độ: phần nổi là ý thức mà chúng ta có thể hay biết, ghi nhận và phần chìm là tiềm thức và vô thức. Phần nổi bao gồm 4 khía cạnh có thể dùng để định nghĩa ý thức.
- Cảm tính: là những rung động mà chúng ta cảm nhận được qua 5 giác quan: ánh sáng, âm thanh, mùi hương, ngũ vị, thân xúc bao gồm cả tình cảm và cảm xúc của con người.
- Tri giác: là sự diễn dịch các cảm giác thành ý nghĩa và tên gọi, như khi ta nhìn một đóa hoa ta biết là hoa hồng, hoa cúc hay hoa lan một cách không lẫn lộn trong đó bao gồm cả trí nhớ, tưởng tượng.
- Tâm hành: là những hành động của tâm qua ý nghĩ, lời nói, ý định, ước muốn...
- Lục thức: thấy nghe, ngửi, nếm, đụng, hay biết.
Bốn khía cạnh nầy là đặc điểm của ý thức được hình thành nhờ sự làm việc ẩn tàng của tiềm thức mà chúng ta không hay biết. Ngoài những công việc nầy tâm thức con người còn làm được những phận sự sau:
Khả năng tâm linh của con người còn có những thực tại xuất thần, và xảy ra ngoài tầm hiểu biết bình thường mà khoa học chứng nhận là có thật và ngày càng quan tâm nghiên cứu để tìm hiểu giải thích. Một số nhà khoa học (như BS J.J. Charbonnier, chuyên nghiên cứu các hiện tượng chết tạm thời, Ian Stevenson, Dean Radin, Pim Van Lommel...) chia tâm thức làm 2 loại: loại tùy thuộc vào óc não gọi là tâm thức phân tách của não bộ (CAC: conscience analytique cérébrale) làm công việc suy nghĩ, ghi nhớ, nhận thức và loại không thuộc não bộ gọi là tâm thức xuất thần (CIE: conscience intuitive extraneuronale). Hai loại nầy tương tác với nhau: cái nầy làm việc thì cái kia ngưng hoạt động. Ta có thể kể những việc làm của loại tâm thức nầy như sau:
1/ Thần giao cách cảm (télépathie) là sự liên lạc giữa 2 sinh vật sống, người với người hay người với thú, không qua lời nói hay các giác quan, “tâm truyền tâm một cách trực tiếp”, như các thiền sư truyền dạy cho đệ tử, hay Đức Phật nói chuyện với các thú vật (sử tích nhà triệu phú đầu thai làm con chó) .
2/ Ngoại cảm (médiumnité) là sự liên lạc giữa những nhà ngoại cảm, hay ông đồng bà cốt, với linh thức những người đã mất. Tôi không dùng chữ linh hồn vì chữ nầy có vẽ trường cửu không thay đổi không phù hợp với sự thật. Bác sĩ J.J. Charbonnier thuật lại trường hợp bà Geneviève Delpech, vợ của ca sĩ Pháp Michel Delpech mất ngày 2/1/2016. Bà là một nhà ngoại cảm nổi tiếng đã từng hợp tác với cảnh sát để điều tra những cuộc ám sát và truy tìm các xác chết. Ở VN có bà Phan thị Bích Hằng đã giúp biết bao gia đình tìm được mồ chôn của các chiến sĩ vô danh chết trong chiến tranh tàn khốc Quốc-Cộng vừa qua.
3/ Hiện tượng ma nhập (possession)
Theo vũ trụ quan của Đạo Phật, trong cõi Dục giới có 4 cõi xấu mà con người sau khi chết có thể đọa vào là: A-Tu-La, Ngạ quỉ, Thú vật và Địa ngục.
- A-tu-la là loài thần dữ, quyền lực có thể ngang hàng với Chư thiên, họ sống luôn luôn với tâm trạng tức giận, ganh ghét và luôn tìm cách gây chiến tranh, giết chóc.
- Ngạ quỉ là loài ma đói luôn luôn sống trong tình trạng đói khát. Kiếp trước sống trong tham lam, cướp của, bốc lột kẻ khác hay hối tiếc vì những sự bố thí của mình.
Những người thường sống với tâm trạng thù hận có thể dễ bị loài A-tu-la nhập vào để xúi giục trả thù. BS JJ Charbonnier kể trường hợp: vào mùa đông 2013 một thanh niên trẻ tuổi lái chiếc xe 4x4, xông vào chợ Noël và làm bị thương nhiều người. Khi cảnh sát hỏi cung anh khai rằng “tôi nghe bên tai một giọng nói biểu “tông vào đám đông, tông vào đám đông”, thế là tôi làm theo”.
Tôi chứng kiến vụ trả thù của một “vong hồn” với hai người con gái một “thầy Pháp”. Ở Paris có một vị sư rất nổi tiếng về trừ ma. Gia đình nào có người bị ma nhập, đưa vào chùa cho sư giải trừ. Tình cờ một hôm vào chùa tôi gặp một cô gái trẻ tuổi, ngồi củ rủ trong một góc chùa và hai tay đang cầm 2 cây kim đan, móc qua móc lại để đan áo. Sư kể là cô nầy đang bị ma nhập, mỗi lần như thế phải bỏ học vì như người mất trí. Khi ma xuất ra thì cô trở lại bình thường và đi học trở lại. Nhưng con ma nầy quái ác, muốn trả thù cha cô đã hành hạ bức bách nó, nên nó lại nhập vào cô chị, cứ như thế hai chị em cứ phải bỏ học.
Nhờ sự tụng kinh paritta là những bài kinh có sức mạnh phi thường mà hai cô đã thoát cảnh ma nhập và đã tốt nghiệp đại học.
Một cuốn sách viết về Alexis Didier
4/ Thần nhãn, Thiên lý nhãn (vision à distance): tác giả cuốn sách “Những phép lạ của tâm thức” Bertrand Méheust có kể lại ở thế kỷ XIX, ở Paris có một thanh niên tên Alexis Didier nổi tiếng thế giới và làm kinh ngạc vua chúa ở Âu Châu với tài đọc được tư tưởng người khác, nhìn thấy xuyên qua 4 lớp vải bịt mắt, thấy được cảnh ở cách xa nghìn dặm, tiên đoán các biến cố… Tác giả kết luận là trường hợp của Alexis Didier là một điều khó hiểu.
5/ Tiên tri (prémonition, prophétie): Có những người có khả năng tiên tri, đoán được những biến cố sẽ xảy ra trong tương lai. Việc nầy xảy ra như một cảnh chớp nhoáng hiện ra, một cảm tưởng là sẽ có chuyện gì đó sẽ xảy ra. Có người lại có khả năng nhớ lại tiền kiếp, nhất là các trẻ em khoảng 2-6 tuổi khi đã có đủ ngôn ngữ phát biểu. Nhưng khi lớn lên các em lại quên hết.
6/ Di chuyển đồ vật, biến hóa vật chất bằng tâm thức (psychokinèse)
Sự kiện được hiểu là tâm thức con người có thể ảnh hưởng đến vật chất, một cách cố ý hay vô tình, mà không sử dụng đến những cơ chế hay năng lượng cổ điển. Nó có thể gây ra những chuyển động đồ đạc hay biến đổi tính chất lý hóa của vật chất. Vào thập niên 70 ở Mỹ có diễn viên truyền hình Uri Geller nổi tiếng thế giới nhờ những màn làm bẻ cong các chìa khóa, muỗng, sửa chữa các đồng hồ bị hư bể, đọc tư tưởng khán giả. Những màn trình diễn được trực tiếp truyền hình có sự kiểm chứng của những nhà ảo thuật chuyên nghiệp; họ phải chứng nhận là không có giả mạo như các trò ảo thuật.
Uri Geller trong một buổi trình diễn uốn cong muỗng
7/ Sự xuất hồn (sortie du corps)
Hiện tượng xuất hồn thường được nói đến bởi các bác sĩ hồi sinh cấp cứu đã săn sóc cho các bịnh nhân từng bị “chết một thời gian rồi sống lại”. Những trường hợp gọi là “chết tạm thời” hay “kinh nghiệm cận tử”.
- Luận án tiến sĩ y khoa của BS François Lallier, đệ trình ngày 15/12/2014 tại đại học YK Reims trình bày 118 trường hợp hồi sinh vì tim ngưng đập. Mười tám bịnh nhân trong số đó (15,3%) đã trải nghiệm trạng thái “Tâm thức xuất thần” (sự xuất hồn) nghĩa là tâm thức không tùy thuộc não bộ theo đúng tiêu chuẩn Greyson. (để loại bỏ những trường hợp bịnh lý như ảo tưởng, hallucination)
- GS Sam Parnia, trưởng nhóm nghiên cứu về hồi sinh thuộc đại học New York, đưa ra trường hợp 101 bịnh nhân được hồi sinh vì tim ngưng đập. Chín trong số đó đã trải nghiệm “Tâm thức xuất thần”.
- Năm 2001 BS Pim van Lommel, trình bày trên báo Lancet, vol 358, 344 trường hợp hồi sinh tương tự với tỉ số 12% trải nghiệm “Tâm thức xuất thần”
Các bác sĩ đưa ra những nghiên cứu trên nhằm đi đến một kết luận chung là: chắc chắn không thể nào “Tâm thức do não bộ điều chế ra” như trước nay các nhà khoa học vẫn nghĩ theo quan điểm Duy vật. Quan niệm nầy đã lỗi thời, với họ não bộ trong trường hợp xuất hồn, là một cơ quan chỉ thu nhận và chuyển tiếp những thông tin ngoại-thần-kinh (extraneuronale) những thông tin nầy được xem là “trực giác” không tùy thuộc não bộ vì lúc đó bộ não không còn làm việc.
Sau luận án của BS François Lallier vài tháng, BS Pim van Lommel cho ra một quyển sách (Mort ou Pas?/ InterEditions/INREES) giải thích rõ hơn ý niệm nầy dựa trên những dữ kiện của vật lý lượng tử. Họ đều nhấn mạnh là 30 giây sau khi tim ngừng đập thì Điện não đồ sẽ bằng thẳng và không thể có một nhận thức nào sinh ra từ não bộ cả, chỉ có linh thức trực giác ngoại thần kinh mới quan sát theo dõi những sự việc xảy ra chung quanh xác chết đang nằm đó và đang được cấp cứu hồi sinh ra sao.
Tại Canada trước đây có thiền sư Lương sĩ Hằng (tục gọi ông Tám), dạy phương pháp “thiền xuất hồn” một thời nổi tiếng, trí thức theo rất đông.
Trong Phật giáo có nói đến pháp Thiền vô sắc, nếu ai đạt tới mức độ “Không Vô Biên Xứ” thì tâm thức không còn lệ thuộc Không-thời-gian và vật chất nữa.
Để bảo vệ luận án của BS F. Lallier, thầy chỉ đạo luận án của ông, BS JJ Charbonnier đưa ra những giả thuyết:
- có 2 hai loại tâm thức, một gọi là Tâm thức phân tách thuộc não bộ (CAC: conscience analytique cérébrale) hoạt động nhờ những bộ phận và tế bào của não bộ: phân tách, lý giải các thông tin đến từ các giác quan, ghi nhớ, suy nghĩ.../ một gọi là Tâm thức trực-giác ngoại-thần-kinh (CIE: conscience intuitive extraneuronale) không tùy thuộc não bộ, không tùy thuộc không-thời gian, không tùy thuộc vật chất, hoạt động theo nguyên tắc của vật lý lượng tử (physique quantique).
- “Tâm thức xuất thần” (CIE) nầy lấy thông tin từ người đã chết (như nhà ngoại cảm) hoặc từ sinh vật sống (hiện tượng thần giao cách cảm), từ chư thiên (sự thiên khải), từ Ý-thức-trường vũ trụ (như nhớ lại tiền kiếp) hoặc từ Trường-thông-tin vũ trụ (như sự tiên tri)…
-Hai loại tâm thức nầy tương tác với nhau, cái nầy hoạt động thì cái kia bị ức chế không làm việc và ngược lại.
8/ Sự Tái sanh (transmigration)
Phật giáo và Ấn Độ giáo coi sự tái sanh là một sự thật hiển nhiên. Kinh điển Phật giáo có ghi nhiều chứng tích về sự tái sanh: trong đêm thành đạo, vào canh một Bồ Tát chứng Túc Mạng Minh, thấy được tiền kiếp của mình từ một, hai, ba kiếp cho tới trăm ngàn, vô lượng kiếp... Đến canh hai, ngài chứng Thiên-Nhãn-Minh thấy được chúng sanh chết đi, sinh lại trong 6 nẻo luân hồi do nghiệp quả của những hành động từ những kiếp trước như thế nào (kinh Đại Saccaka, TB.36). Trong đời sống thường ngày, mỗi lần có ai chết, các đệ tử hay hỏi Phật người chết đã tái sanh cảnh giới nào, Đức Phật đều trả lời rành mạch... Trong Tạng Kinh có nhiều bài kinh nói về sự Tái sanh, như Kinh Bổn sinh (Jakata, thuộc Tiểu Bộ Kinh) nói về những tiền kiếp của Phật Thích Ca... Trong các thánh đệ tử Phật có ngài Anuruddha (A-Nậu-Lâu-Đà, cũng đắc Thiên-Nhãn-Thông trước khi đắc quả thánh A-La-Hán). Ngài có thể theo dõi thần thức của người vừa chết để biết đi tái sanh ở đâu.
Nếu không có sự Tái sanh thì Phật giáo và Ấn Độ giáo không còn lý do để tồn tại. Bởi vì Tu để làm gì ? Nếu không phải để cải thiện đời sống, để chuyển Nghiệp. Nếu không con người trở thành con vật sống với bản năng: mạnh được yếu thua, thỏa mãn lòng ham muốn, nhục dục, thù hận, si mê...
Sự tái sanh được tìm thấy trong lịch sử nhân loại từ ngàn xưa trong nhiều nền văn hóa khác nhau: Ai Cập, Hy Lạp, La Mã, Celtes, Cathares. Nó cũng có dấu tích ở các bộ lạc da đỏ ở Bắc Mỹ, ở dân Tlingits của Alaska, hay ở người Aztecs, Mayas, Incas (Trung và Nam Mỹ), ở những bộ lạc ở Phi Châu, Úc Châu và giống dân Druzes ở Liban... Nhiều nhân vật nổi tiếng trên thế giới tin ở tiền kiếp và sự tái sanh như Pythagore, Platon, Plotin, Origène, Kant, Fichte, Schopenhauer...
Giáo sư tâm-thần-học Ian Stevenson (1918-2007) thuộc đại học Virginie Mỹ, đã bỏ cả cuộc đời để nghiên cứu về hiện tượng nầy, đoạt giải thưởng William James năm 1960 của Hội Nghiên cứu Tâm lý học Hoa Kỳ, đã đúc kết hơn 2600 trường hợp tái sanh ở khắp nơi trên thế giới và viết hàng chục cuốn sách về tái sanh.
Phương pháp nghiên cứu của ông rất khoa học và ngày càng chính xác hơn. Lúc đầu có tính cách như một cuộc điều tra của cảnh sát. Nơi nào có một trẻ em thuật lại về tiền kiếp của mình, ông đến tận nơi hoặc gởi 2 phái đoàn điều tra làm việc độc lập nhau: một đến nơi em bé hiện sinh sống. Phái đoàn kia được gởi đến nơi mà em bé nói là đã sống trong tiền kiếp. Họ thâu thập tất cả dữ kiện về lý lịch, hoàn cảnh sống, lời khai của các thân nhân, những hiện vật mà em bé đã mô tả... Sau đó hai phái đoàn họp nhau lại để đối chiếu các dữ kiện. Họ thấy là lời nói của em bé rất đúng với sự thật của cuộc sống trong tiền kiếp của em.
Về sau ông tiến gần tới sự thật hơn: phái đoàn thứ hai vào hẳn bịnh viện nghiên cứu trên các hồ sơ bệnh lý của người đã chết ở kiếp trước, đã được chăm sóc hay giải phẫu ra sao, và hiện nay vẫn còn để lại những vết sẹo trên thân thể của kẻ được tái sanh, tương quan như thế nào với những vết thương của người ở tiền kiếp. Ông đã nhấn mạnh nhiều lần là những nghiên cứu của ông đã giúp đưa ra ánh sáng những dữ kiện gợi ý sự Tái sanh. Khi có người hỏi ông có tin sự tái sinh không? Ông trả lời “điều tôi tin là tất cả những trường hợp mà chúng ta biết đến hiện nay về sự Tái sanh, đối với tôi, là sự giảng giải thích đáng nhất được tìm thấy. Có nhiều sự kiện ấn tượng (đáng kể) được ghi nhận và ngày càng trở nên vững chắc hơn. Những kẻ duy lý, nếu họ muốn, có thể tin sự tái sanh dựa trên những dữ kiện có thật thôi”.
Còn nhiều hiện tượng Tâm linh khác không được kể ra, vì con người chưa hiểu hết tất cả những khía cạnh tâm thức của mình: khía cạnh thuộc dục giới, sắc giới hoặc vô-sắc-giới; con người có thể “ngẫu nhiên” hoặc do luyện tập phát triển một hoặc nhiều chiều kích khác nhau như vật thể, khí lực, cảm tính, tinh thần hay tâm linh, ở mỗi chiều kích có một tác dụng có thể đưa tới một kết quả bất ngờ. Khi con người đã đạt được một trạng thái tâm phi thường, cũng như được cuốn hút vào một ước vọng siêu phàm tương ứng thì đó là một nhu cầu tâm linh cần thiết không thể bỏ qua vậy.
.
Nguyễn Tối Thiện
_______________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Miriam Gablier/ Les Mystères de la Conscience/ Hachette Livre
- Dr Jean-Jacques Charbonnier/ La conscience intuitive extraneuronale/ Guy Trédaniel
- Dr Pim Van Lommel/ Mort ou Pas?/ InterEditions/ INREES
- Dean Radin/ Super Pouvoirs, Science et Yoga/ InterEditions/ INREES
- Joseph Head, S.L. Cranston/ Le livre de la Réincarnation/ Le Livre de Poche
- Didier Treutenaere/Bouddhisme et Re-naissances dans la Tradition Theravada/Soukha éditions
- Ian Stevenson/ Réincarnation et Biologie, La croisée des chemins/ Dervy
- NARADA Maha Thera, Nguyễn Trạch Thiện/ Giáo lý Phật giáo về sự Tái sanh/ thuvienhoasen.org
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/nhucautamlinh.html