Nguyễn Tối Thiện
Nhu cầu hiểu biết
Nhu cầu là những điều cần thiết giúp ta sinh sống và tồn tại như ăn, uống, thở, hạnh phúc, tâm linh... Hiểu biết giúp con người thỏa mãn những nhu cầu trên một cách hợp lý, khôn ngoan, không phải dò dẫm lại từ đầu như các loài thú vật và có thể lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau với điều kiện phải đọc, học và hiểu những gì tiền nhân để lại. Sự Biết xảy ra trước sự Hiểu nhờ trải qua 4 giai đoạn:
Khi đã trải qua giai đoạn cuối, kể như ta đã hiểu hết vấn đề cần tìm hiểu.
Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà tư tưởng và lý số Việt Nam thời Lê-Mạt đã đưa ra một câu nói để đời “khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống”. Vậy thì biết cái chi?
Hiểu biết thì vô cùng tận, như nước của đại dương, hay lá cây trong rừng. Trong một đời người chúng ta không thể nào thâu tóm được túi khôn của nhân loại, dù chỉ một phần. Do đó, theo tôi, chúng ta nên giới hạn lại sự học hỏi trong 4 lãnh vực sau đây:
Mỗi người tùy theo năng khiếu, chí hướng, nghề nghiệp, ý thích mà có những trọng tâm nghiên cứu, tìm hiểu khác nhau; tuy nhiên nếu không muốn quên đi bản sắc của dân tộc mình, hay không muốn trở thành kẻ ngu ngơ, nên có một nền tảng cốt lõi gọi là Văn Hóa tổng quát.
A/- KIẾN THỨC TỔNG QUÁT:
a)- Ngôn ngữ nước mẹ: thật là cần thiết phải được học để có thể phát biểu hay viết ra trôi chảy để diễn tả được những gì mình muốn nói và người khác có thể hiểu được dễ dàng. Trên các mạng Việt Nam, ta thấy có vài xướng ngôn viên nói tiếng Việt một cách ngọng nghịu như người ngoại quốc nói tiếng Việt, thật là tội nghiệp cho nền giáo dục nước nhà. Học ngoại ngữ, ta còn cần phải phát âm cho đúng, ở đây học tiếng tiếng Việt mà cha mẹ và thầy cô không sửa giọng cho con trẻ.
b)- Lễ giáo và tác phong tao nhã, đạo đức: Đức dục phải bắt đầu từ trong gia đình do cha mẹ, ông bà đảm nhận. “Tiên học Lễ, hậu học Văn”, câu này muôn đời vẫn còn giá trị. Đức Khổng Tử đã viết “bất học Lễ, vô dĩ lập”, nghĩa là không học Lễ thì không thể nào đứng vững. Thử ví một người đầy bằng cấp nhưng ăn nói ba hoa xách mé, thì có ai tin tưởng để giao cho việc lớn không? Vậy Lễ là gì? - là tập hợp tất cả những nguyên tắc thành văn và bất thành văn qui định cách sống, lối ứng xử của con người trong một cộng đồng xã hội, sao cho trên thuận dưới hòa, kính trên nhường dưới, xứng đáng với tư cách con người sống trong trời đất, xã hội, và không quên sự phê phán của hậu thế. Thành văn thì chúng ta có những sách ghi lại các tục ngữ, ca dao, các sách lịch sử, truyền thuyết, các Bộ Luật... Bất thành văn thì có các phong tục, tập quán, lễ nghi... Dĩ nhiên chúng ta không thể phục hồi các cổ tục để làm sống lại các nghi lễ trong việc Quan, Hôn, Tang, Tế, nhưng cái tinh thần, các tiêu chuẩn giá trị dường như đã thấm nhuần vào tim óc của con người và còn phảng phất trong hồn thiêng sông núi. Chúng ta phải học hỏi, nắm bắt những giá trị ấy và trao truyền lại cho con cháu. Thật là nhục nhã cho nền đức dục của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, chỉ có sau 20 năm (1954-1975) mà đã trồng được những con người VN mở miệng ra là chỉ biết nói “đéo”.
c)- Văn hóa của nước mẹ và của đất nước mình đang sống: Văn hóa là những thành tựu của một cộng đồng dân tộc trải dài suốt thời gian lịch sử trong quá trình tranh đấu với thiên nhiên, với đồng loại để tìm hiểu và thực hiện sự Thật, điều Thiện và cái Đẹp, văn hóa trở thành một hệ thống giá trị lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau. Nó bao gồm cả phần tinh thần như Lịch sử, Tín ngưỡng, Tôn giáo, Triết học, Kiến trúc, Mỹ thuật, Điêu khắc, Hội họa... lẫn văn hóa vật thể như Đền miếu, Chùa chiền, Cung điện, Dinh thự, Lăng tẩm, Nhà thờ, Tác giả, Tác phẩm... Học để hiểu hệ thống giá trị trong mỗi nền văn hóa.
Rất buồn khi thế giới chê Việt Nam không có triết gia, không có những nhà tư tưởng lớn, những nghệ nhân nổi tiếng. Có lẽ chúng ta chỉ biết bắt chước, cóp nhặt mà không biết sáng tạo chăng?
d)- Học để biết phân biệt đúng, sai/ thiện, ác/ đẹp, xấu.
1/- Phân biệt Thực tại và Chân lý:
Thực tại là một phạm trù thuộc bản-thể-học (ontologie, liên quan tới hữu thể). Chân lý là một phạm trù thuộc luận-lý (logic) và nhận thức (liên quan tới ngôn ngữ và kiến thức). Những sự việc có thực hay không, những gì người ta nói về những điều đó đúng hay sai! Sự liên hệ giữa thực tại và chân lý là khi người ta nói về thực tại đúng hay sai tùy thuộc vào những gì hiện hữu hay không. Nói cách khác, thực tại là tiêu chuẩn của chân lý.
Con người sống trong hai thế giới: thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Thế giới bên ngoài được hình thành bởi những thực tại vật chất mà con người có thể nhận diện qua năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi và thân. Còn thế giới bên trong được cảm nhận bằng ý thức, đó giác quan thứ 6 đối với Tâm lý học Phật Giáo. Như vậy, con người có 6 giác quan mà đối tượng là Lục Trần.
Thế giới bên ngoài được hợp thành bởi những thực tại vật chất được phân chia thành 3 loại:
a) thực tại qui ước (réalité conventionnelle) do con người đặt tên riêng biệt từng cái, như: cái nhà, chiếc xe, lời ru, tiếng hát... hoặc đặt tên chung thành từng nhóm, như:
b) thực tại cùng tột (réalité ultime) trong ý nghĩa là không thể phân tách nữa, vì khi phân tách nó không còn là chính nó, chẳng hạn như tế bào hoặc vi trùng là đơn vị hữu cơ nhỏ nhất và có sự sống hay những chất vô cơ trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học của khoa học gia Dmitri Ivanovitch Mendeleïev (1834-1907) công bố năm 1869 lúc đó chỉ có 80 nguyên tố, ngày nay con số đã lên đến 118 nguyên tố.
c) thực tại ngoại-cảm-giác (réalité extrasensorielle). Khoa học ngày nay còn khám phá thêm, là giác quan con người rất giới hạn có khi còn thua các loài thú vật; do đó, có những hình ảnh, âm thanh, mùi hương con người không nắm bắt được. Con người không thấy được hình ảnh trong đêm tối thua các loài chim ăn đêm, ngửi mùi thua loài chó.Do đó, chúng hợp thành những thực tại ngoại-cảm-giác đối với con người. Trong trận Tsunami năm 2004, người ta tìm thấy rất ít xác thú vật bị chết vì chúng đã chạy trốn lên rừng núi hết cả, do cảm nhận được hiểm họa bằng chính giác quan của chúng, trong khi loài người bị chết hơn 250 ngàn người.
Thế giới bên trong bao gồm các thực tại phi vật chất (réalité immatérielle) chỉ có thể tiếp cận và trải nghiệm trực tiếp bởi đương sự không ai có thể xác nhận là có thật, ngay cả đương sự đôi khi cũng không cảm nhận hay nắm bắt được, trừ khi đã được luyện tập vững chắc bằng phương pháp nội quán (thiền Quán). Đó là cách duy nhất để tự tìm hiểu chính mình. Kết quả là chúng ta cũng có được 3 loại thực tại phi vật chất:
a) thực tại tâm lý qui ước, như:
b) tâm lý học Phật Giáo còn dạy ta về sự hiện hữu của những thực tại tâm lý cùng tột bao gồm 121 tâm và 52 tâm sở, với những định luật vận hành của chúng tạo thành toàn bộ đời sống tâm lý của con người.
c) thực tại tâm linh: Từ ngàn xưa các truyền thống tôn giáo và huyền học đã nói đến thực tại tâm linh như những trải nghiệm chứng đắc đạo quả trong Đạo Phật, hay những linh ứng xảy ra trong các tôn giáo khác, với những vị được thiên khải (révélation divine) như: Abraham, Moïse, Mohammed, thánh Paul, thánh Martin, thánh François d’Assise..., hay gần đây sự hiện hình của Đức Mẹ Maria với 3 em bé chăn cừu ở Fatima (Franois, Jacinthe, Lucie). Khoa học gần đây khám phá và thừa nhận những thực tại tâm linh vượt ngoài ý thức và hiểu biết bình thường của con người, được gọi là thực tại trực giác ngoại-thần-kinh (hay thực tại xuất thần, réalité intuitive extraneuronale). Loại thực tại xuất thần này được đề cập đầu tiên bởi Sir John Carew Eccles (1903-1997) – giải Nobel ‘Sinh Lý Học và Y Học’ 1963 – trong quyển sách của Ông viết năm 1989 “Evolution du cerveau et création de la conscience: à la recherche de la vraie nature de l'homme [“Evolution Of The Brain: Creation Of The Self”]”. Gần đây, các ‘bác sĩ gây mê hồi sức’ đề cập đến nhiều trường hợp “chết tạm thời” rồi sống lại, và trong thời gian này “Linh thức” của người “chết tạm” có những khả năng phi thường, như:
Ngoài ra với những kỷ thuật quang ảnh tối tân ngày nay, khoa học còn sáng tạo ra những thực tại ảo tưởng (réalité virtuelle) được sử dụng trong nhiều địa hạt như:
2/- Có Sự Thật không? Nó như thế nào?
*/- Sự Thật của các triết gia: Có nhiều cách định nghĩa sự thật, tùy theo quan niệm khác nhau của các trường phái triết học. Có triết gia định nghĩa “chân lý là sự tương ứng giữa một ý tưởng và một thực tại hiện tiền mà sự hiện hữu chứng minh cho ý tưởng đó”, ý tưởng đúng được coi như đã diễn tả thực tại tương ứng trong cách cấu tạo của nó. (Aristote, Bernard Bolzano, Bertrand Roussel, Thomas d'Aquin). Đây chỉ là định nghĩa của trường phái “Tương Ứng” (correspondantisme).
Trường phái “Liên Hợp nhất quán” (cohérentisme) định nghĩa sự thật không tùy thuộc sự liên hệ giữa ngôn ngữ và thực tại, nhưng tùy thuộc sự liên hệ nhất quán (thống nhất) của các lời phát biểu trong hệ thống các phát biểu (Keith Lehrer).
Trường phái “Thực dụng” định nghĩa sự thật như là tính thích đáng của một điều tin tưởng khi cuối cùng của sự khảo sát nó được phát hiện là hoàn mãn (William James, Ch. S. Peirce).Hoặc “Chân lý là điều có thể áp dụng được mà khi đem ra áp dụng nó sẽ đưa đến kết quả mà chân lý ấy đã tiên liệu”(Tusita N.)
Triết học là sản phẩm của các triết gia, mà khi đọc tư tưởng của họ ta có cảm tưởng họ là những nghệ sĩ dùng ngôn ngữ để chấm phá cuộc đời bằng những suy tư lắc léo của họ. Mỗi triết gia có ý kiến riêng. Kẻ đi sau chịu ảnh hưởng ít nhiều của người đi trước và đồng quan điểm trên 1 số vấn đề, nhưng nhiều khi nói ngược cả với ông thầy của mình. Như Aristote chống lại cả ý kiến của Platon là thầy của mình khi ông nói “ý tưởng là yếu tính của sự vật, không thể tách rời với sự vật”. Đối với ông mỗi hữu thể (être) được cấu tạo bởi vật chất và danh thể (ý tưởng, nghĩa là cấu trúc được ý thức biết đến); muốn tìm đến sự thật phải nghiên cứu cái thế giới đưọc cảm nhận (sensible), trong mục đích khám phá những nguyên nhân của các hiện tượng, bởi vì “hiểu biết là hiểu biết các nguyên nhân”. Trong khi Platon lại nói: “ý tưởng (hay danh thể) là những thực tại hoàn hảo, vĩnh cửu, không thay đổi; còn vật thể được cảm nhận chỉ là những bản sao bất toàn. Để tìm đến sự thật (vérité) phải né tránh tìm hiểu về thực tại cảm giác được mà phải chỉ hướng về cái thực tại được tri thức.
*/- Sự Thật của Tôn giáo: Đối với các tôn giáo hữu thần, chân lý nằm trong tay Thượng Đế, nên con người khó mà đạt được. Chỉ có cách là dọn mình cho trong sạch bằng sự cầu nguyện và đức tin mãnh liệt để có thể hiệp thông với Thiên Chúa mới mong được thiên khải hoặc như trong Đạo Bà-La-Môn dùng thiền định nâng cao Tiểu Ngã (Atman) của con người để thể nhập vào Đại ngã (Brahman, một Hữu-thể tuyệt đối, một Linh-thức tuyệt đối, một Đại-hạnh-phúc tuyệt đối, là một ý niệm khác với Thượng Đế của các tôn giáo độc thần). Xưa nay nếu tính ra số người được thiên khải có rất ít: Abraham, Moïse, Mohammed, thánh Paul, thánh Martin, thánh François d'Assise...
Phật giáo là một tôn giáo vừa hữu thần, trong ý nghĩa là Phật giáo không phủ nhận sự hiện hữu của các Thiên-thể sống trong những cảnh giới cao thượng, hạnh phúc hơn cõi Dục giới của con người và thú vật, nhưng lại vừa vô thần vì Phật giáo không thừa nhận ý niệm Thượng Đế toàn năng và sáng thế.
Vậy chân lý của đạo Phật là gì? “Vạn vật đều vô thường, vô ngã, không có cái ngã nào chen vào làm chủ vật chất và tinh thần. Khổ là đặc tính chung cho mọi chúng sinh”.Chân lý của Phật giáo được phát biểu đầy đủ trong 3 chữ Tứ Diệu Đế (bốn sự thật vi diệu):
-chỉ có một vị mặn cho tất cả đại dương cũng như chỉ có sự Khổ cho tất cả chúng sinh -nguyên nhân của khổ là tham ái -có một trạng thái mà khổ được chấm dứt, đó là Niết bàn.
- chỉ có một con đường để thực hiện sự dứt khổ đó là Bát Chánh Đạo”.
Chúng ta không thể nói sự thật nầy bi quan yếm thế khi mà Đức Phật đã đưa ra giải pháp để làm chấm dứt cái khổ.
Chân lý của Phật giáo có tính cách:
+ Phổ quát: có giá trị vượt thời gian và không gian. Không phải nó chỉ đúng ở thời của Đức Phật cách đây hơn 2550 năm, mà ngày nay nó không còn đúng. Không phải nó chỉ đúng ở Ấn Độ mà nó không đúng ở Âu Tây. Nhà bác học Einstein đã từng nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần phải xét lại quan điểm của mình để cập nhật hoá với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học vì Phật giáo bao hàm cả khoa học, cũng như vượt qua khoa học”.
+ Nhân bản: chân lý Phật giáo vượt qua khái niệm về Thượng Đế, thiên khải: nó do 1 con người phát hiện và dành cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giai cấp, giới tính. Từ con người trở lại cho con người.
+ Thực nghiệm: nó có thể được chứng nghiệm ngay trong hiện tại với kết quả chắc chắn không cần chờ đợi ở kiếp sau hay trong một thế giới bên kia nào khác với điều kiện trải nghiệm vừa lý thuyết vừa thực hành. Chính Đức Phật đã tuyên bố: “đây là con đường mà Như Lai đã hiểu rõ và trải nghiệm, hãy đến để thử nghiệm chính mình”.
+ Đặc tính chuyển hoá: chân lý Phật giáo có khả năng đưa đến tiêu diệt đau khổ.
*/- Sự thật của Khoa học: Đó là một mệnh đề được hình thành bằng những suy tư nghiêm túc từ sự quan sát các hiện tượng, các sự vật và có thể kiểm chứng bằng các thử nghiệm. Do đó nó có thể được các nhà khoa học khác sử dụng trở lại với những thí nghiệm đúng phương pháp khoa học để xác nhận hoặc phủ nhận mệnh đề trên.
Một chân lý khoa học mang những đặc tính sau đây:
- Khách quan: bắt đầu từ giai đoạn quan sát các sự kiện, phải sáng suốt, trung lập, tách rời ngã chấp.
- Lý thuyết có thể được khái quát hóa, tổng quát hóa (généralisable) suy rộng hay qui nạp bằng suy luận để đưa ra một mệnh đề hay một công thức làm giả thuyết.
- Giả thuyết có thể bị bác bỏ (réfutabilité): nhà khoa-học-luận Karl Popper đề nghị là không nên có ước muốn khẳng định một lý thuyết và nên chấp nhận rằng “một chân lý mang tính cách khoa học khi nó có khả năng bị bác bỏ” (une vérité est scientifique quand il est possible de la réfuter).
- Có tính cách tích lũy kiến thức: dựa trên kiến thức người đi trước và đóng góp bổ túc những kiến thức mới.
- Có sự đánh giá bởi các người đồng hành tạo thành một công trình tập thể.
- Có thể được lập lại bằng những thử nghiệm đúng phương pháp khoa học.
-Dựa trên lý trí và suy luận của con người mà không dựa vào đức tin hay giáo điều của bất kỳ một phe nhóm, đảng phái hay tôn giáo nào.
3/-Phân biệt Thiện và Ác:
Trước hết chúng ta xem Khổng Giáo nói gì về Thiện và Ác. Khổng giáo đã cho chúng ta nhiều nguyên tắc sống đạo đức:Tất cả triết thuyết của Khổng Tử đặt nền tảng trên nguyên tắc Chính Danh, nghĩa là tên gọi (danh) phải phù hợp, phải đúng với sự thật. Nếu không người khác sẽ không hiểu hoặc hiểu sai và lời nói của mình sẽ không thuận, không đúng; từ đó lý luận sẽ không hợp lý, mọi việc sẽ không thành, các nghi lễ, phép tắc, luật pháp không định được, xã hội sẽ hỗn loạn. Về lý thuyết , Chính Danh có tính cách luận lý (logique) phù hợp với khoa học nhận thức ngày nay, nghĩa là giữa tri giác (perception) và thực tại phải là một, phù hợp với ngôn ngữ chế định của một cộng đồng xã hội. Về phương diện ứng dụng Chính Danh có tính cách đạo đức, nghĩa là muốn đạt được điều Thiện thì phải chính trực
Theo Luận ngữ XII,11: “Quân quân, Thần thần, Phụ phụ, Tử tử” nghĩa là “vua làm đúng nghĩa đạo vua, bề tôi đúng nghĩa đạo bề tôi, cha đúng nghĩa đạo cha, con đúng nghĩa đạo con”. Đó là Chính Danh. Chính Danh thì thân phải chính mà ngôn cũng phải thuận nữa. Phải siêng năng về việc làm, thận trọng về lời nói (mẫn ư sự, thận ư ngôn- I,14)
Lý tưởng của đạo Khổng là trở thành một Đại Nhân, Quân tử. Muốn thế thì phải học, Khổng Tử rất yêu thích sự học, ông học suốt đời: học để làm sáng tỏ cái Đức sáng, để cải hóa người khác, để cố gắng tìm kiếm sự tuyệt thiện (Minh minh đức, thân dân, chỉ ư chí thiện – sách Đại Học) .
Để tiến đạt đến danh vị Quân tử, Đức Khổng đưa ra phương cách thực hành: cách vật—> trí tri—> thành ý—> chánh tâm—> tu thân—> tề gia—> trị quốc—> bình thiên hạ.
-Bình thiên hạ: đem lại an lạc thái bình cho quần chúng, ra ngoài phạm vi quốc gia.
Thực hành 8 tiến trình trên, chắc chắn con người sẽ trở thành thiện hảo, một Đại nhân Quân tử. Chúng ta có thể đối chiếu với Đạo Phật, nhưng lý tưởng tột cùng của Phật Giáo là sự giải thoát, nó mang 4 sắc thái:
Chư Phật 3 đời đều dạy con người, muốn giải thoát phải thực hành 3 điều: làm lành (bố thí, phục vụ…), lánh dữ (giữ gìn giới luật), Thanh lọc tâm (tham thiền). Trên con đường thực hành 3 điều trên con người phải biết phân biệt thế nào là Thiện và Bất Thiện (ác). Bởi vì có thể bố thí hay hành thiền mà không đúng cách với một tâm ý không trong sạch sẽ là một trở ngại không nhỏ.
Thiện là những yếu tố hổ trợ, giúp đở ta tiến bước dễ dàng trên con đường giải thoát. Bất Thiện là bất cứ nghịch duyên do tư tưởng, lời nói hay hành động làm ngăn trở sự tu tiến của ta. Và Tâm lý học Phật giáo đưa ra 5 tiêu chuẩn bao gồm trong điều Thiện như sau:
Thế nào là điều Bất Thiện: BT trái với định nghĩa trên đây về điều Thiện, nhưng bản thể của nó không ra ngoài Tham, Sân, Si. Đôi khi chúng mang những tên gọi khác nhau tùy theo ngữ cảnh như: phiền não, lậu hoặc, triền cái, chấp thủ, tà kiến…
Để giúp con người thực hiện sự giải thoát, Đức Phật đưa ra Bát Chánh Đạo (con đường với 8 hàng chân chánh):
1/- Chánh Kiến: là quan điểm phù hợp với Giáo Pháp và Chân Lý, thấy sự vật đúng như nó là như vậy.
2/- Chánh Tư Duy: là những tư tưởng xa lìa tham ái và ngã mạn, sân hận và bạo hành; những tư tưởng phù hợp với luận lý (logique), với những định luật thiên nhiên và con người.
3/- Chánh Ngữ: là lời nói chân thật, lời nói hòa nhã, lời nói đoàn kết, lời nói hữu ích.
4/- Chánh Nghiệp: là hành động bắt nguồn từ một tư tưởng chân chánh, từ sự hiểu biết các qui luật chi phối con người và môi sinh.
5/- Chánh Mạng: là sự sinh sống bằng nghề nghiệp chân chánh: không buôn bán vũ khí, rượu, ma túy, đồ giả, mãi dâm, trẻ con và nô lệ.
6/- Chánh Tinh Tấn: là sự cố gắng đúng mức để ngăn ngừa và tiêu trừ điều bất thiện, cố gắng đúng mức thực hiện và phát triển điều Thiện.
7/- Chánh Niệm: là sự ý thức hay biết một cách rõ ràng những đối tượng khi chúng xuất hiện trong tâm thức qua 6 cửa mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý trong mục đích giải trừ phiến não và giải thoát tâm.
8/- Chánh Định:là sự hợp nhất giữa tâm và đối tượng trong một trạng thái an-xả, nó là kết quả của công phu thực hành Chánh Tinh tấn và Chánh Niệm.
Khổng-tử mơ ước một Minh Quân có tài đức thống nhất sơn hà, đem chính sách Đức Trị do ông chủ trương ra trị dân để mang lại thái bình trong thiên hạ. Tiếc thay ông không thấy ai có thể làm được như ông nghĩ. Trong 14 năm bôn ba hết nước này qua nước nọ, không một vị vua nào nghe theo ông.
Ngược lại ở Ấn Độ có hoàng đế A Dục sau khi đã thống nhất đất nước, với 1 trận chiến long trời lở đất, ông đã hối hận vì đã gây ra tử vong cho hàng chục ngàn người, ông qui y theo Phật giáo, cai trị đúng theo lời Phật dạy, Ấn Độ được thái bình thịnh trị trong mấy thế kỷ.
Ở nước ta dưới 2 triều đại nhà Lý và nhà Trần, các vua quan cũng trị nước theo đường lối Đức trị của nhà Phật, nên đất nước ta đã trở nên hùng mạnh và đẩy lùi được 3 cuộc xâm lăng của đạo quân Nguyên Mông, một đạo quân đã đánh chiếm Trung Hoa và đô hộ Hán tộc. Nhà Lý trị vì được 215 năm với 9 đời vua, nhà Trần trị vì được 175 năm với 12 đời vua.
Qua lý thuyết của Khổng giáo và giáo lý của Phật giáo, chúng ta cũng hiểu được một phần nào thế nào là Thiện và Bất Thiện.
e)- Theo dõi để biết hậu quả của những biến cố hay thời sự quan trọng trên thế giới. Những cơn nắng hạn, những trận bão lụt tàn khốc khắp thế giới, là hậu quả của sự khai thác thiên nhiên một cách tham lam vô lối. Con người với tư cách cá nhân và tập thể phải làm gì để bảo vệ môi trường, để duy trì sự sống trên mẹ đất thương yêu nầy? Liên-hiệp-quốc đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển bến vững, trong đó tôi lựa vài mục tiêu hấp dẫn mà mình có thể tham gia trong một phạm vi giới hạn nào đó:
f)- Khoa học và Y khoa thường thức để giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bịnh tật. Sức khỏe là điều quí giá nhất của con người, lúc còn trẻ người ta coi thường nó, nhưng khi già yếu thì sức khỏe là vàng bạc. Ở nhũng quốc gia có một nền Y Tế công cộng tiên tiến, thì chính phủ cống hiến cho người dân những chương trình phòng chống bịnh tật tốt. Chẳng hạn ở nước Pháp có:
Có những người khi phát hiện ra bịnh thì ung thư đã qua thời kỳ di căn (métastases) rồi, thật là rất tiếc bởi vì ung thư càng phát hiện sớm thì càng chữa trị dễ dàng và hiệu quả.
g)- Nguyên tắc tổng quát để quản lý tiền bạc, tài sản. Khi người Việt Nam mở tiệm kinh doanh, lúc đầu khá lắm, nhưng vài ba năm sau thì thấy đóng cửa dẹp tiệm. Hỏi ra tại sao? - tại vỡ nợ! Đa số vì không biết làm kế toán chi thu. Thấy có tiền trong két thì cứ tưởng là tiền của mình: chồng đổi xe, vợ mua sắm đồ xịn..., không nghĩ rằng trong đó có trăm thứ phải bắt buộc chi tiêu: tiền nhà, tiền nợ, tiền trả nhân viên, tiền thuế... Ở các nước tiên tiến, người ta đều nhờ các chuyên gia kế toán (expert comptable), họ biết tính toán đã đành mà còn biết cả luật lệ, khai báo thuế vụ...
B/- KIẾN THỨC ĐỂ ĐI VÀO ĐỜI SỐNG HIỆN ĐẠI:
a)- Học cách suy luận: suy luận bắt đầu bằng sự hiểu biết. Càng có nhiều kiến thức thì lý luận càng sắc bén và chính xác. Lý luận cũng dựa trên ngôn ngữ, ngôn ngữ phải rõ ràng, mạch lạc và đúng với ngữ pháp (văn phạm). Có nhiều phép lý luận:
1)- Tư duy Phản Biện (esprit critique) là khả năng suy nghĩ về một sự việc dựa trên sự phân tích, tìm hiểu, đánh giá để hiểu rõ vấn đề và đi đến một kết luận hợp lý, đúng đắn nhất để có thể hành động hay giải quyết vấn đề. Có 6 bước để đi đến tận cùng của tư tướng:
Trong 6 bước nói trên, ta thấy có nhiều thao tác tâm trí cũng như nhiều cách tư duy khác nhau: phân tích, tổng hợp, hiểu rõ, phê bình, đánh giá mà chúng ta lần lượt khai triễn dưới đây.
2)- Phân tích là đi từ cái tập hợp tổng thể phân chia dần tới các đon vị chi tiết. Thí dụ: đi từ bộ phận → mô → tế bào → nhân → bào tương → thành phần cấu tạo của nhân và bào tương...
3)- Tổng hợp nhằm đưa ra ý tưởng tổng quát hoặc một ý niệm khái quát hóa bao trùm các đon vị chi tiết. Thí dụ ý niệm Thế-giới-hóa bao trùm vấn đề kinh tế, văn hóa, thông tin, chính trị...
4)- Phê bình, Đánh giá: vạch ra những điểm yếu, mạnh, sai lầm dựa trên những tiêu chuẩn giá trị nào đó.
5)- Thế nào là Hiểu đúng? Có 3 mức độ hiểu:
*/ Hiểu theo danh từ: nghĩa là hiểu theo hình vị (morphème) của chữ viết hay theo hình tướng của sự vật, như cái hiểu của người thư ký đánh máy, thấy sao biết vậy để đánh máy cho trúng, không cần hiểu ý nghĩa sâu xa, ngầm chứa bên trong.
*/ Hiểu theo sự diễn dịch của người nghe hay thấy: cái hiểu này tùy thuộc trình độ văn hóa và hiểu biết của người đó, đôi khi nó không đúng với ý muốn diễn tả của người nói hay viết và có thể không đúng cả với sự thật của sự việc.
*/ Hiểu sự vật đúng như nó là như vậy (la réalité telle qu'elle est) hay đúng với ý muốn diễn tả của tác giả. Đây là cái hiểu của người làm phê bình văn học, phải đặt mình vào hoàn cảnh và tâm trạng của tác giả và đồng thời phải biết sự thật khách quan của vấn đề.
6)- Pháp Qui nạp (induction): lý luận qui nạp đi từ những nhận xét cá thể riêng biệt để đi tới một kết luận tổng quát. Thí dụ: con quạ ở VN màu đen, quạ ở Phi châu màu đen, quạ ở Âu châu màu đen, vậy tất cả quạ trên thế giới đều màu đen.
7)- Pháp Suy diễn (déduction): lý luận suy diễn đi từ một ý tưởng tổng quát để đưa ra những đề nghị riêng biệt. Như Tam Đoạn Luận của Aristote (Syllogisme)
-Tất cả con người đều chết
-Socrate là người
-Vậy Socrate cũng chết
8)- Pháp Loại suy (suy diễn giả thuyết, abduction ou hypothético-déduction): theo triết gia C.S. Peirce là lối suy luận bẩm sinh của con người, có khả năng đưa ra những giả thuyết khác hơn những gì quan sát được, thường là những điều không thể quan sát trực tiếp được, nhưng có thể giải thích những sự kiện hay hiện tượng muốn nghiên cứu.
9)- Đức Khổng Tử đưa ra 4 phép Tử tuyệt: vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã: (Luận ngữ IX,4)
10)-Triết học Phật giáo còn đưa ra quan điểm phân tích sự vật xuyên qua cách nhìn Nhân, Duyên, Quả của nó: Nhân khi hội đủ Duyên (điều kiện) sẽ sinh ra Quả.
Để giải thích bản thể của các sự vật và chúng sinh trong vũ trụ Phật giáo đưa ra hai nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ.
1- Duyên Sinh hay thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên” nói về 12 yếu tố chủ yếu liên quan Nhân, Quả với nhau để hoàn thành diễn trình sinh tử, tử sinh của chúng sanh trong vòng luân hồi. Nguyên lý nầy có thể được phát biểu như sau:
“Khi cái nầy có, cái kia có
Khi cái nầy không có, cái kia không có”
Thập Nhị Nhân Duyên là 12 khoen xích trói chặt con người trong vòng sanh tử luân hồi: Vô Minh => Hành => Thức => DanhSắc => Lục Nhập => Xúc => Thọ =>Ái => Thủ => Hữu => Sanh => Lão Tử (=> Vô Minh…).
2- Duyên Hệ: là nguyên lý đề cập một cách rốt ráo chi tiết giữa hai yếu tố có thể là vật chất hay tinh thần, khái niệm hay chân đế (réalité); đồng thời còn cho biết đặc tính của sự liên hệ giữa hai yếu tố: không gian, thời gian, tương sinh, tương khắc, hỗ tương, sức mạnh, tương đồng, tương phản, có mặt, vắng mặt, lập lại, nhân quả…
Có tất cả 24 điều kiện, có thể được phát biểu một cách tổng quát như sau:
“Khi cái nầy có, cái kia không có
Khi cái nầy không có, cái kia có
Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)
Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại)
Nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ đưa ra những điều kiện chánh yếu và phụ thuộc để đưa tới một kết quả như lâu nay ta vẫn thường nói mà không đưa ra chi tiết: phải có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Cũng như khi nấu cơm, chúng ta phải kể hết những yếu tố: gạo, nước, nồi, lửa… Nếu người nông dân không sản xuất gạo thì tất cả những yếu tố khác đều vô ích. Nguyên lý Duyên Sinh cốt cho thấy cái yếu tố căn bản ở đây là gạo. Còn nguyên lý Duyên Hệ bổ túc các yếu tố phụ còn lại.
Trong những pháp lý luận trên, quan trọng nhứt, vì cần phải suy nghĩ nhiều và sáng tạo, là 4 pháp: Phản biện, Tổng hợp, Loại suy, và Nhân-Duyên-Quả.
b)- Biết những sai lầm của lý luận:
1/- “Cả vú lấp miệng em”: dùng uy quyền, vị trí trên trước của mình đưa ra những lý lẽ của kẻ cả để áp đảo người khác mặc dù họ có lý hơn mình. Hoặc mượn tên tuổi của những danh nhân để làm chỗ dựa cho lý lẽ của mình.
- Các nhà nho xưa hay dùng câu “Khổng Tử viết” nhưng không đưa ra chứng cớ viết ở sách nào.
- Các nhà sư hay nói “Đây là lời của Phật” nhưng chính là lời của những vị ấy.
2/- “Vơ đũa cả nắm”: đưa ra vài chứng cớ riêng lẽ nhưng kết luận gán cho toàn thể. Thí dụ: gặp vài con buôn ở chợ Saigon lỗ mãng đưa ra kết luận là tất cả con buôn VN đều lỗ mãng.
3/- Lý luận lưỡng-phân (hay Nhứt chín, Nhì bù): như là chỉ có 2 giải pháp, hai tình huống duy nhất. Thí dụ: nếu anh không theo tôi, anh là kẻ thù của tôi. Nếu anh không tin nơi Thượng Đế, anh là kẻ duy vật.
4/- Suy diễn hàm hồ, võ đoán: đưa ra những lý lẽ không dựa vào những bằng chứng vững chắc, không có tham khảo, qui chiếu (référence) (như chụp mũ, dán nhãn hiệu…).
5/- Phóng đại hóa: chuyện nhỏ vẽ ra to (như 1 lỗi nhỏ của 1 người, vẽ ra to để kết tội người đó).
6/- Giảm thiểu hóa: chuyện to thu lại thành nhỏ (như 1 thất bại lớn của 1 chánh sách đưa 1 con dê tế thần để đền tội).
7/- Duy ngã: “ta là cái rốn của vũ trụ”, tất cả mọi lý lẽ đều qui về mình, có lợi cho mình.
“Khi yêu trái ấu cũng tròn, khi ghét trái bồ hòn cũng méo”
8/- Cá nhân hóa: mọi lỗi lầm đều đổ cho 1 người hay cho chính mình rồi tự làm khổ.
9/- Loại bỏ thiên vị: chỉ ghi nhận những khía cạnh xấu mà bỏ đi những khía cạnh tốt.
10/- Tấn công cá nhân: thay vì phân tích những lý luận của người ấy để phản bác.
Thí dụ: a- Cậu còn trẻ quá chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm làm sao nói chuyện với ‘Qua’ được (Coi chừng tài không đợi tuổi); b- Trong quá khứ bạn đã nhiều lần ngụy biện, giờ đây không biết thảo luận với bạn có ích lợi gì không.
11/- Nhầm lẫn giữa nguyên nhân và hậu quả
Khi thấy hai sự kiện xảy ra trước sau: A xảy ra trước B, tưởng rằng A là nguyên nhân, B là hậu quả. Trong khi sự tương quan nhân quả giữa A và B chưa bao giờ được chứng minh, công nhận.
12/- Nhầm lẫn giữa nhận xét và phê bình:
- nhận xét: quan sát, ghi nhận, mô tả sự vật, sự kiện, con người.
- phê bình: đưa ra những đánh giá về giá trị tốt hay xấu theo quan điểm của người phê bình.
13/- Nhầm lẫn giữa bản chất và hình tướng: “trông mặt mà bắt hình dong”
- Bản chất: thực thể, thể tính của con người hay sự vật (cụ thể hay trừu tượng) có thể dùng để Định nghĩa hay Phân loại sự vật ấy.
- hình tướng: dáng dấp, hình dạng, thể hiện bề ngoài.
14/- Nhầm lẫn giữa ngụy biện và ngộ biện:
-ngụy biện: cố ý đưa ra những lý lẽ không đúng sự thật để bào chữa. (sophisme)
-ngộ biện: lý luận sai lầm nhưng không cố ý (paralogisme)
c)- Khả năng sử dụng phương tiện của công nghệ thông tin và truyền thông: tìm kiếm, chia sẻ, kiểm chứng thông tin, tương tác với người khác:
Thử ví dụ tìm tài liệu trên mạng đi, thì mình phải trải qua những quá trình sau đây:
1) Phải biết đặt câu hỏi cho chính xác, phù hợp với mục tiêu và ý định để tìm hiểu điều gì. Chúng ta có thể sử dụng tiếng Việt và tiếng ngoại quốc để rộng đường tìm kiếm, miễn là biết dùng những từ-khóa (mots clés) hiệu quả.
2) Phải nắm vững cách vận hành trên các navigateurs: Explorer, Netscape, Safari hay Fox Mozilla. Cách sử dụng các moteurs de recherche Google, Yahoo. Công dụng các icônes, signets.
3) Biết tìm thông tin, tài liệu trên các sites chuyên môn về một địa hạt. Chẳng hạn về Phật giáo, chúng ta có những sites rất phong phú sau đây:
-www.rongmotamhon.net/home.html
-www.buddha-vacana.org/fr/index.html (chữ Pháp)
-www.canonpali.org/tipitaka/tipitaka.html (chữ Pháp)
-https://www.dhammadana.org (chữ Pháp)
Chỉ một vài bấm ngón tay, ta có cả bộ Tam Tạng Pháp Bảo trước mắt. Và cũng đừng quên site từ điển bách khoa Wikipédia.
4) Luôn luôn phải phân tích thông tin: phối kiểm, cập nhật với tinh thần phê phán. Đánh giá về thực tính của thông tin, về lợi ích và tác dụng của thông tin. Chúng ta sống trong một thời đại mà thực hư lẫn lộn, tin thật và tin giả cộng sinh với nhau. Làm thế nào để phân biệt đây? Ở tại Pháp, có những sites giúp ta kiểm chứng tính thực giả của tin tức và hình ảnh:
- Decodex do tờ báo Le Monde chủ trương (miễn phí);
- Cheknews.fr do tờ báo Libération làm ra (phải thuê bao);
- TinEye hay Google image “recherche inversée”, để kiểm chứng các hình ảnh xem có bị “Photoshop” biến đổi trong mục đích gạt gẫm đọc giả.
5) Sau khi tìm được thông tin, nên chọn lựa cái nào phù hợp với mục tiêu đã đặt ra, sắp xếp, phân loại, ghi chú nguồn gốc để nêu ra trong mục tài liệu tham khảo. Trong khi chọn lựa, chúng ta phải phân biệt để loại bỏ những gì thuộc quảng cáo, tin giả (fake news), và giữ lại những thông tin có nguồn gốc giá trị, hoặc có ký tên tác giả tên tuổi.
6) Nên đặt ra trước: ý định, kế hoạch tìm kiếm, tiêu chuẩn chọn lựa, để không bị rơi vào một rừng thông tin. Có thể sắp xếp một bên là tài liệu có sẵn trong các sách vở ở nhà, ở thư viện; một bên là tài liệu tìm được trên mạng.
7) Sau cùng là ta khai thác, xử lý các tài liệu nầy:
- tóm tắt, ghi chú;
- đưa vào một sườn bài hay một sơ đồ trình bày.
d)- Khả năng giao tiếp:
Đời sống hiện đại là đời sống truyền thông giao tiếp, của toàn-cầu-hóa, của hợp tác, của việc làm liên-lục-địa... Phương tiện của giao tiếp là ngôn ngữ và của những cách truyền đạt sau đây:
Đối thoại là phần khó nhất trong sự giao tiếp, xuyên qua đó người ta có thể đánh giá sự khôn ngoan, khéo léo, tài đối đáp bặt thiệp, sự ăn nói lịch sự, duyên dáng của mình. Ngày xưa, vua ta, khi cử người đi Sứ sang Tàu, phải lựa người học vấn uyên thâm, lại có tài đối đáp bằng thi phú. Mạc Đĩnh Chi là một vị Sứ được vua Nguyên Trung Hoa ban cho tước vị “Lưỡng Quốc Trạng Nguyên” và được dân gian tôn làm Tổ Ngành Ngoại Giao ở Nước ta. Trong những cuộc đối thoại, muốn có kết quả tốt phải thân thiện,nụ cười đi trước, lời khen tiếp theo, cuối cùng mới chê nếu đáng chê để xây dựng.
Đàm phán, khó hơn một mức, là đối thoại để đạt được một kết quả gì? - như một hợp đồng với bao sự cạnh tranh của các hảng khác, thương thuyết tăng lương, giải hoà một xung đột... Do đó, phải hiểu rõ vấn đề, chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tinh thần kiên định, ngôn ngữ ôn hoà nhã nhặn, nhưng lập trường vững chắc.
Thân biểu tri là ngôn ngữ không lời, thể hiện qua nét mặt và dáng điệu: trang nghiêm hay lất cất, tươi cười hay quạu quọ, tự nhiên hay làm dáng... Thành công hay không có thể tùy thuộc những dáng điệu nầy. Có những cử chỉ làm lột trần tư tưởng và nhân cách của mình, bởi thế phải ý tứ, tỉnh giác quay cái nhìn về chính mình.
Mỗi người có nguồn thông tin của mình, có góc nhìn của mình, có quan điểm của mình, nên phải có đầu óc cởi mỡ để lắng nghe mà không chấp kiến; có như thế mới giao tiếp tốt đẹp được.
Biết lắng nghe: Muốn hiểu những gì người khác nói thì phải biết im lặng, chú tâm, tỉnh giác lắng nghe và đừng cướp lời một cách bất lịch sự. Phong cách tao nhã là chìa khóa thành công trong các cuộc đàm phán.
Thuyết trình. Thuyết trình viên phải trình bày một vấn đề trước công chúng, do đó phải am tường vấn đề và chịu sự chất vấn của thính giả, phải học tập kỹ năng nói trước công chúng:
Tham gia những sinh hoạt văn hóa xã hội của cộng đồng nơi chúng ta sinh sống: viết báo, dạy Việt ngữ, dạy cách sử dụng ordinateur, tổ chức hội thảo, thuyết trình, văn nghệ, tổ chức lễ Tết, giỗ Tổ Hùng Vương... Trong mọi sinh hoạt, điều quan trọng là xây dựng ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, lòng tương thân tương ái, ý thức trách nhiệm đối với người lớn tuổi và thanh thiếu niên, và dẹp bỏ tình cảm vị kỷ, cá nhân.
e)- Khả năng sáng tạo:
Ai cũng có khả năng sáng tạo, nó là một công trình có thể học hỏi luyện tập. Sáng tạo không phải chỉ có trong địa hạt văn chương, nghệ thuật, phim ảnh... mà còn có trong tất cả ngành nghề như bếp núc, may mặc, công nghệ, kỹ thuật, canh nông... nhằm mục đích diễn tả cái đẹp, biểu hiện một cái nhìn khác biệt, cải thiện cách làm việc cho giản dị hơn, tốt đẹp hơn, nhanh lợi hơn. Như ví dụ sau đây:
- Tây phương sáng chế ra giấy đi cầu vừa mềm mại vừa dai chắc, khó rách.
- Văn minh Ấn độ nghĩ ra vòi nước xịt rửa phía sau để tránh sử dụng bàn tay vào chỗ dơ bẩn (vì phải ăn bốc).
- Văn minh Nhật Bổn sáng tạo ra hệ thống xịt rửa nước phía sau cho cả nam nữ, xịt rửa phía trước cho phái nữ, rồi sau đó xịt hơi ấm để làm khô ráo.
Muốn rèn luyện khả năng sáng tạo có những điều kiện bên trong và bên ngoài:
- Bên trong phải rèn luyện những nội lực như nềm tin, sự cố gắng, sự chú tâm ý tứ, sự tập trung làm việc, sự khôn ngoan sáng suốt để chóng lại sự hoài nghi chính mình, sự biếng nhác, sự chểnh mảng sơ ý, thiếu tập trung, thiếu khôn ngoan sáng suốt (suy nghĩ tích cực, cởi mở). Kết quả chúng ta sẽ có những khả năng nội tâm sau đây:
- Bên ngoài tùy thuộc những điều kiện xã hội sau đây:
Cuộc sống hiện đại ngày càng khó khăn rắc rối, nào là tin thật tin giả, thực tại ảo, thông minh nhân tạo, kỹ thuật số... còn nhiều những khả năng và hiểu biết mà mình phải rèn luyện để sống còn như khả năng làm việc tập thể, khả năng trở thành công dân toàn cầu tốt, khả năng tiếp cận đa văn hoá, khả năng sử dụng ngoại ngữ: Anh, Pháp, Hoa, Tây Ban Nha, Đức, Nhật...
C/- KIẾN THỨC NGHỀ NGHIỆP:
Ông bà ta vẫn thường nói “nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng hình như câu này không được hiểu và áp dụng một cách rốt ráo. Người ta đổ xô cho con cái đi học các nghề ngồi văn phòng và thắt cà vạt. Trong xã hội tây phương chúng ta mới thấy rõ giá trị của câu nói nầy. Những người thợ làm tóc giỏi có trong tay hàng chục tiệm uống tóc, giàu có hơn các bác sĩ kỹ sư nhiều, những người làm bếp cũng vậy mỗi khi nổi tiếng, mở tiệm ăn khắp nước rồi mở cả tiệm ăn ở nước ngoài nữa. Nghề nào cũng quí dù là tay chân hay trí óc. Nghề nào cũng phải học hỏi để đạt đến tột đỉnh của nghệ thuật.
Mỗi ngành nghề có những khía cạnh để cải thiện, để khám phá và sáng tạo, tôi xin dành cho quí vị tự suy nghĩ để phát huy nghề nghiệp của mình.
D/- KIẾN THỨC MÀ BẠN THÍCH ĐÀO SÂU:
Tùy theo sở thích và chí hướng, nhiều người thích đi sâu vào một lãnh vực không dính dấp gì đến nghề nghiệp của mình như nhạc sĩ Cung Tiến, ông là chuyên viên về kinh tế tài chánh trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa nhưng đồng thời là một nhạc sĩ nổi tiếng đã sáng tác nhiều bản nhạc để đời. Cũng như ông Nguyễn Từ Thiện là kỹ sư Hàng không, thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải trước 1975, nhưng ông thích nghiên cứu về châm cứu nên đã trở thành Giáo sư Đông-Y Châm Cứu trường Đại học Y khoa Minh Đức, ở Sài Gòn. Thí dụ còn nhiều lắm, nhưng tôi xin dành cho mỗi người suy nghĩ về những kiến thức mà mình ưa thích đào sâu và đã ghi dấu sự hiểu biết của mình bằng những tác phẩm hay công trình để lại cho hậu thế.
Riêng tôi vì thao thức muốn giải đáp những câu hỏi muôn đời của nhân thế: Ta là ai? Từ đâu đến? Để làm gì? Đi về đâu sau khi chết? Nên tôi ra sức tìm hiểu về Đạo Phật, một tôn giáo, vừa là một Triết học.
Là một tôn giáo vì Phật giáo hội đủ 5 tiêu chuẩn sau đây:
Là một triết học vì Phật Giáo bao trùm nhiều phạm trù triết học:
Nhiều học giả như Francisco Varela, Thierry Falissard, ngay cả Đức Đạt-Lai-Lạt-Ma xem Phật giáo là một khoa học đích thực của tâm thức, vậy thì trong lãnh vực nào ta có thể đối chiếu Phật giáo và Khoa học? Theo tôi thì Phật giáo và Khoa học đều đi tìm sự thật bằng phương pháp riêng của mình, có một lúc 2 bên sẽ gặp nhau. Đó là lúc hữu ích nhất cho nhân loại để đối chiếu kết quả nghiên cứu. Ta nên dùng Khoa học để bổ túc cho Phật giáo và dùng những chứng nghiệm của các thiền sư lão luyện để soi sáng cho khoa học.
Là người mang dòng máu Việt Nam, tôi cũng muốn tìm hiểu những giá trị của nền văn hóa VN và Đông Á. Tôi rất đau buồn khi thấy người VN thông minh, linh hoạt, nước VN đã đánh gục những cường quốc vĩ đại trên thế giới, tại sao người VN vẫn nghèo khổ, mẹ VN vẫn u buồn, anh em vẫn giết hại nhau, mặc dù hoà bình đã hơn 48 năm. Người VN ra nước ngoài bị khinh bỉ là ăn cắp, nói láo, buôn lậu, ăn nói thô tục..., vậy thì tinh hoa văn hóa dân tộc nằm ở chỗ nào? - có phải vì chúng ta đã sai lầm tròng vào đầu dân tộc một ý thức hệ ngoại lai không phù hợp với dân tộc tính VN chăng? Làm sao để cải thiện tinh thần dân tộc trước sự gian tham, bạo hành và ngu dốt? Làm sao để phát triển những tiềm năng bẩm sinh và bảo tồn những khả năng thụ đắc. (học cách phát triển cá nhân, cách tự học...).
Đó là tất cả những thao thức mà tôi muốn gợi ý và chia sẻ cùng quí vị.
Bốn địa hạt kiến thức trên đây có thể đáp ứng nhu cầu hiểu biết của con người hiện đại. Nếu được khai thác và áp dụng sẽ giúp chúng ta thực hiện một cuộc sống đầy đủ, có ý nghĩa; tìm ra được thiên hướng của đời mình và với trí lực sung mãn, nghề nghiệp phát triển bền vững sẽ góp phần xây dựng một thế giới an vui, hạnh phúc trong hòa bình thịnh vượng.
,
Nguyễn Tối Thiện
30/04/2023
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/nhucauhieubiet.html