Phạm Ɖình Lân


Người và cây cối

   

<===   Ảnh internet

   

Vạn vật trong vũ trụ đều theo định luật thiên nhiên. Giữa con người và cây cối có những dị biệt. Dù vậy giữa loài người và cây cối cũng có nhiều điểm tương đồng mà chúng ta sẽ đề cập trong những trang dưới đây.

Con người là vạn vật thượng tầng. Họ ra đời để cai quản tài sản thiên nhiên trên Ɖịa Cầu.

Con người là động vật có xương sống, có máu đỏ, có vú, đi bằng hai chân và sinh con. Họ cao trung bình từ 1,50m đến 2,20m. Số người cao từ 2m trở lên tương đối ít. Có người da trắng, có người da đỏ, có người da đen. Có người da cà phê sữa như người Á Rập và các giống người ở Trung Ɖông ven bờ đông Ɖịa Trung Hải và Bắc Phi. Có người da vàng như người Việt Nam, Trung Hoa, Triều Tiên và Nhật Bản. Có người da hung đỏ-đen như vài dân tộc trong vùng nhiệt đới Ɖông Nam Á. Có người tóc vàng, tóc đen, tóc trắng bạc, tóc màu hung đỏ.

Con người khác với động vật và thảo mộc vì có não to chiếm 1:40 (2,5%) trọng lượng của toàn thân thể. Bảng liệt kê dưới đây cho thấy tỷ lệ trọng lượng của não người và não động vật so với trọng lượng của toàn thân thể:

Người và động vật

Tỷ lệ não/trọng lượng

Người

1:40   (2,5%)

Voi

1:560 (0,18%)

Sư Tử

1:550 (0,181%)

Chó

1:125 (0,8%)

Mèo

1:100 (1%)

Ngựa

1:600 (0,16%) v.v.

Trọng lượng não trung bình của loài người xê dịch từ 1.300g đến 1.500g. Não của loài người có nhiều lằn xếp nhăn li ti. Do đó loài người có trí thông minh và óc sáng tạo. Loài người có ngôn ngữ, chữ viết, triết lý, tôn giáo, giáo dục, công trình kiến trúc và sản phẩm văn hóa nghệ thuật mà động vật và cây cỏ không có. Xã hội loài người biến đổi không ngừng do trí khôn và óc sáng tạo của loài người mà ra.

Cây cối hầu như bất biến. Cây trà, cà phê, cao su thay đổi lối sống (từ hoang dã, rừng rú sang đồn điền) và thay đổi không gian sinh tồn từ lục địa này sang lục địa khác là do sự can thiệp của loài người. Trái cam, trái bưởi, trái chanh, dưa hấu… to lớn và không hột cũng do bàn tay và trí tuệ của loài người mà ra.

Thân thể người ta gồm có: đầu, mình và tứ chi (tay chân).

Cây có đọt (đầu), thân cây (mình), các nhánh (tay), rễ (chân).

Máu lưu chuyển trong thân thể con người.

Cây có nhựa bên trong.

Người mất máu thì chết.

Cây mất nhựa không sống được (ngoại lệ: cây cao su, cây phong mật).

Con người đi đứng bằng hai chân.

Cây đi tìm nước và nguồn sống bằng rễ.

Người ta có da. Nếu bị lột da thì không sao sống được.

Cây có vỏ. Nếy cây bị lột vỏ thì cây chết (trường hợp ngoại lệ: cây quế, cây hoa mộc (birch – bouleau), cây phong bạc (silver maple).

Người có râu, tóc rậm rạp là người khỏe mạnh. Tóc rụng, râu thưa là người kém sức khỏe.

Cây có lá. Cây rụng lá là cây khô héo, sự sống khô cằn.

Như đã thấy, tóc của loài người màu đen, trắng bạc, vàng, hung đỏ. Người già râu, tóc rậm rạp bạc phơ là người khỏe mạnh, xương cốt cứng cáp.

Lá cây màu xanh. Các cây hình nón như cây thông, cây tùng có lá xanh quanh năm. Vào mùa thu, ở miền ôn đới lá cây chuyển sang:

- Màu vàng như cây dẻ [beech (Anh), hêtre (Pháp) Fagus grandifolia, gia đình Fagaceae  (Cây dẻ hoa to).

- Màu tím như cây tần bì (ash tree) Fraxinus Americana, gia đình Oleaceae.

Cây tần bì (Fraxinus Americana –  Ảnh: gardeningknowhow.com)

- Màu đỏ như cây phong mật (sugar maple – Acer saccharum)  hay cây phong Nhật Bản Acer palatum, gia đình Aceraceae.

Cây phong Nhật (Ảnh: thepavilion.ie)

Con người cần ăn và uống để sống. Thức ăn của con người đại cương gồm: lúa, bắp, khoai củ, thịt, sữa động vật và nước v.v..

Cây cối cần phân động vật, lá cây rữa mục (humus) và nước.

NƯỚC là thức uống chung của NGƯỜI-ƉỘNG VẬT-THẢO MỘC. Cây to trong rừng sống nhờ nước mưa hay nước sông, suối, ao hồ nếu mọc gần vùng có nguồn nước.

Con người cần ÁNH SÁNG. Ánh sáng do Mặt Trời và Mặt Trăng cung cấp. Ɖó là hai máy phát điện chạy không ngừng nghỉ. Mọi người đều được miễn phí khi thụ hưởng ánh sáng Mặt Trời và Mặt Trăng. Ánh sáng ban  ngày do Mặt Trời cung cấp, ánh sáng ban đêm do Mặt Trăng cung cấp. Ánh sáng ban ngày nhiều hơn ánh sáng ban đêm. Ánh sáng ban đêm chỉ sáng vào những ngày gần ngày rằm, tức ngày 15 âm lịch mỗi tháng. Ánh sáng trong tâm não loài người do di truyền và giáo dục mang lại.

Cây luôn luôn đi tìm ánh sáng và bầu trời xanh tự do và trong lành. Nếu bị cây to án ngữ, cây nhỏ cố vươn lên để tìm ánh sáng Mặt Trời nên phần trên của cây ngoằn ngoèo không được ngay thẳng. Sự vươn lên thường không theo đường thẳng mà theo đường ngoằn ngoèo hay đường trôn ốc. Ɖó là hình ảnh vươn lên tự nhiên của kẻ bé nhỏ trước kẻ to lớn.

Người khỏe mạnh lưng thẳng, đi đứng thẳng người. Người có xương sống hình chữ C chắc chắn không thể là người khỏe mạnh được. Người mạnh khỏe phát triển chiều ngang hơn là chiều cao.

Cây mạnh là cây mọc thẳng và có rễ sâu. Cây có gỗ cứng như gõ, trắc, chò chỉ, giá tỵ (gỗ teak), cây cherry, cây sồi (oak) v.v. phát triển chiều cao rất chậm. Cây tre bọng ruột, gỗ không cứng, phát triển chiều cao rất nhanh. Một mụt măng tre vừa nhú lên khỏi mặt đất có thể cao từ 3m - 6m trong vòng 7 đến 10 ngày. Cây tre có thể cao đến 30m - 40m và sống từ 15 đến 20 năm. Khi tre trổ hoa thì tre chết.

Cây chò chỉ (trái) và cây giá tỵ (phải). (Ảnh: internet)

Người già da nhăn nheo, tóc rụng.

Cây già thì vỏ sần sùi, cây trơ cành, đầy rong rêu và trụi lá.

Người mất máu thì chết.

Cây mất nhựa sẽ chết dần. Cây phong mật (Acer saccharum), cây cao su (Hevea brasiliensis)… là những trường hợp ngoại lệ.

Trong thân thể con người có trùn lãi và các loại vi trùng khác nhau.

Cây cối cũng có sâu đục thân làm cho cây mất nhựa và chết dần.

Người có bệnh ung thư.

Cây to và già cũng có ung thư dưới dạng các u sần sùi và có nhiều vân ngoằn ngoèo dưới gốc các cành cây to gọi là nu. Bàn, ghế, tủ mặt nu đều được trân quí nên rất đắt tiền. Nhưng cũng có người cho rằng bàn ghế mặt nu không đem lại sự may mắn cho người sở hữu chúng.

Gỗ nu (Ảnh internet)

Một người có từ 15 đến 20 năm trên ghế học đường thường có một vị trí xã hội ổn định.

Cây cho gỗ quí phải mất từ 30 đến 50 năm. Ɖốn một cây cổ thụ như giết một nhân tài cao niên vì phải mất nhiều thời gian để đào tạo một nhân tài khác.

Tuổi thọ trung bình của con người vào giữa thế kỷ XX lối 55 tuổi. Ɖó cũng là tuổi hưu trí ở Việt Nam. Tuổi thọ trung bình của loài người tùy thuộc vào các yếu tố căn bản sau đây:

Dù hội đủ các điều kiện kể trên, số người sống 100 tuổi trở lên vẫn hiếm trên thế giới ngày nay. Bà Tomiko Itooka, người Nhật, thọ 116 tuổi 192 ngày. Ông Jono Marinho Neto, người Brazil, thọ 112 tuổi 57 ngày. Tướng Võ Nguyên Giáp thọ 102 tuổi (1911 - 2013). Người trường thọ nhất trong thời đại chúng ta vẫn không đạt đến 150 tuổi.

Người ta quan sát nữ phái luôn luôn có tuổi thọ cao hơn nam phái.

Căn cứ vào Cựu Ước Kinh, sách Genesis 5:25-27, người trường thọ nhất là ông Methuselah, thọ 969 năm hơn cả ông Bành Tổ (Peng Su) của Trung Hoa (thọ 800 tuổi). Theo Cựu Ước Kinh, ông Methuselah có người con đầu tiên là Lamech khi ông được 187 tuổi. Ông vẫn còn có nhiều người con khác ở tuổi 782! Ɖó là ngoại lệ đáng ngạc nhiên đối với các nhà y học hiện đại. Theo lý thuyết, vào thời đại ngày nay đàn ông ở tuổi 45 đến 50 rất hiếm khi có con.

Tuổi thọ của loài người tương đương với tuổi thọ của các loại cây ăn trái nhưng quá thấp so với tuổi thọ của các loại cây hoang dã. Cây có tuổi thọ cao đều được tìm thấy trong vùng khí hậu ôn đới, Ɖịa Trung Hải, hàn đới hay bán hàn đới.

Cây vân sam Na Uy (Norway spruce – Old Tjikko) (1) trong vùng lãnh nguyên (tundra) tỉnh Dalarna của Thụy Ɖiển được 9.550 tuổi.

Cây vân sam 9.550 tuổi ở Thụy Ɖiển (Ảnh internet)

Cây thông Methuselah (tên của người có tuổi thọ cao nhất thời Cựu Ước Kinh) (2) trong dãy White Mountains, California, được 4.847 tuổi. 

Cây thông Methuselah ở California (Ảnh: Shutterstock)

Cây bá hương Nhật Bản tức Jomon Sugi mang tên khoa học Cryptomeria japonica, gia đình Cupressaceae  có tuổi thọ xê dịch từ 2.000 năm đến 7.000 năm.

Cây bá hương Nhật Bản (Ảnh: yakushimaexperience.com)

Tuổi thọ của cây mít, măng cụt, sầu riêng lối 100 năm.

Ở Phi Châu xích đới có cây baobab khổng lồ, đường kính dưới gốc 17m, cao 30m, có tuổi thọ xê dịch từ 2.000 năm đến 3.000 năm. Ɖây là một trường hợp đáng được suy gẫm. Cây baobab là một loài cây to mọc trong vùng khí hậu xích đới nóng bức và thiếu nước. Vậy mà cây baobab vẫn sống đến hàng ngàn năm.

Cây baobab ở Phi Châu (Ảnh: beyondforest.org)

Cây ăn trái vùng khí hậu Ɖịa Trung Hải và nhiệt đới hay bán nhiệt đới có tuổi thọ cao là cây ô-liu, cây nhãn, cây me.

Tuổi thọ trung bình của cây ô-liu là 500 năm. Cây ô-liu cao niên nhất thế giới được ước lượng có từ 2.000 tuổi đến 4.000 tuổi.

Cây nhãn sống trung bình 400 năm.

Tuổi thọ của cây me lối 100 năm. Ở Miến Ɖiện có cây me 1.007 tuổi nằm cách thành phố Bagan 50km về phía Ɖông Nam.

Cây ăn trái có tuổi thọ cao:

Loại cây ăn trái

Tuổi thọ trung bình

Tuổi già nhất

Cây Ô-liu

500 năm

2.000 - 4.000 năm trong làng Ano Vouves trên đảo Crete, Hy Lạp.

Cây Me

100 năm

1.007 năm gần thành phố Bagan (Myanmar - Miến Ɖiện).

Cây Nhãn

400 năm

400 tuổi. Cây Nhãn ở chùa Hiến tỉnh Hưng Yên, Việt Nam.

Như đã thấy, cây có thân mộc thì cứng cáp như người có xương sống rắn chắc nên tuổi thọ cao. Cây thân xốp và chóng ra trái như cây bắp chỉ thọ vài tháng mà thôi. Người còi xương, xương sống cong queo hình chữ C không thể có tuổi thọ cao được.

Xã hội loài người với nhiều chủng tộc cộng đồng sinh tồn tựa như cây rừng mọc chen chúc với nhiều loại cây khác nhau. Quốc gia hay xã hội thuần chủng tựa như loại cây được chọn và trồng trong đồn điền. Ɖồn điền cao su chỉ có cây cao su. Ɖồn điền trà, cà phê chỉ có cây trà và cây cà phê mà thôi. Vườn cây ăn trái như sầu riêng, măng cụt, xoài, mít chỉ có các loại trái sầu riêng, măng cút, xoài, mít mà thôi. Sự thuần chủng trong xã hội loài người ngày nay giảm sút rõ rệt. Qua sự phát triển của các phương tiện giao thông và qua chiến tranh giữa các nước, sự giao tiếp giữa người và người càng ngày càng dễ dàng và đậm nét. Sự pha chủng khó tránh khỏi giữa các sắc tộc khác nhau trên hoàn vũ. Theo Âm Dương Ngũ Hành ta có:

Hành

Màu sắc

Biểu tượng

Kim

Trắng

Kim khí

Mộc

Xanh

Cây cối - Thảo mộc

Thủy

Ɖen

Nước

Hỏa

Ɖỏ

Lửa

Thổ

Vàng

Ɖất

Thủy là nước. Nước làm cho kim khí rỉ sét, hư mục. Nước chế ngự lửa (hỏa), nuôi cây (mộc), làm tốt đất (thổ) trong chừng mực cần thiết nào đó. Với một số lượng to lớn nước xói mòn đất, gây ngập lụt, làm cho cây bị úng nước mà chết. Như vậy hành Thủy có vai trò lớn hơn so với các hành khác.

Dưới đây là kết quả quan sát qua sự hợp chủng trong xã hội loài người:

Hợp chủng

Sắc vượt trội

Hắc + Bạch

Hắc

Hắc + Hoàng

Hắc

Bạch + Hắc

Hắc

Bạch + Hoàng

Bạch

Người hợp chủng to lớn và mạnh hơn người thuần chủng. Trên cơ sở này người ta bắt đầu tháp các giống cây để có trái to. Có nhiều trái của cây tháp giống (hybridization) không giữ hương vị đặc thù của trái cây thuần giống.

Cây tháp

Trái

Màu sắc

Plum + Cherry

Pluerry

Màu tím đen của trái Plum*

Plum + Apricot

Pluot

Màu tím đen của trái Plum

 (*): Plum dịch sang Việt ngữ là trái mận. Nhưng trái mận ở Á Châu (Prunus communis, gia đình Rosaceae) hoàn toàn khác hẳn với trái mận Eugenia malaccensis, gia đình Myrtaceae ở Nam Bộ.

Ở Việt Nam người ta thử tháp giống mãng cầu Xiêm (Annona muricata, gia đình Annonaceae) với bình bát (Annona glabra) để có trái mãng cầu Xiêm to và nặng cân. Cố nhiên hương vị đặc trưng của mãng cầu Xiêm mất đi ít nhiều. Sự tháp giống bình bát với mãng cầu Xiêm chìm trong sự quên lãng của các nhà trồng tỉa ở miền Nam vì hương vị mãng cầu Xiêm + hương vị bình bát không hấp dẫn người ăn.

Như loài người, cây cối cũng có tinh thần đùm bọc lẫn nhau. Cây to cho các loại dây bám vào thân họ để sống, để tìm ánh sáng và không khí trong lành.

Cây cối không có ngôn ngữ, chữ viết, không có trí thông minh nhưng có sự sống và có tình cảm. Cây trồng gần nhà được loài người chăm sóc kỹ lưỡng nên tốt tươi và cho nhiều trái.

Có sự sống tất có sự phản biện và cảm thông. Trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Sơ Ɖẳng ngày xưa có chuyện anh em họ Diên đòi chặt cây trước nhà để chia gia tài. Khi ra chặt cây thì thấy cây đã chết. Ba anh em hối hận ôm nhau khóc thảm thiết!

Cây cối báo điềm tốt hay xấu cho người trồng chúng bằng tình trạng “sức khỏe” của chúng. Cây xanh tươi và nhiều trái là điềm hưng vượng. Cây khô héo vì thiếu nước, vì bị sâu, rầy, cào cào tấn công là điềm xấu cho chủ nhà. Người Việt Nam không trồng cây chuối, cây thị, cây dâu tằm (tang mộc) v.v. trước nhà để tránh những điềm xui xẻo.

CHUỐI đồng âm với CHÚI NHỦI

Cây Thị còn được gọi là Thị Tử (Shizi) hay cây Tử. Tử có nghĩa là con, là hột (trái cây) mà cũng có nghĩa là chết. Ngày xưa người Trung Hoa thường dùng gỗ cây Thị để đóng quan tài.

Cây dâu tằm tức tang mộc, gợi lên sự tang chế, tang tóc, tang thương biến đổi.

Cây có trái ngon nổi tiếng như người mẹ có quí tử lỗi lạc và thành công. Trái ngon được chở đi xa bằng mọi phương tiện để bán cho những người giàu có, cao sang, quyền quí ở các phố thị lớn. Cây mẹ sống âm thầm bên những cây con ra đời từ hột của những trái èo uột rơi rụng dưới gốc cây mẹ và sống bám vào đó.

Những người con lỗi lạc đều sống xa nơi sinh quán và xa mẹ. Bà mẹ chỉ sống bên những đứa con khuyết tật, kém may mắn, thiếu công danh. Họ sống bên mẹ như phụng hiếu cho mẹ trong hoàn cảnh tế nhị đặc biệt khó nói thành lời. Như vậy vạn vật trên Ɖịa Cầu đều có định số. Ɖiều lạ là không có định số nào giống nhau cả!

Từ thời nguyên thủy loài người biết đốt lá khô để nấu nướng hay lấy tro bón vào rau cải. Họ biết dùng gỗ làm chất đốt để nấu nướng, hầm than, làm vật liệu sản xuất bàn, ghế, giường, ván, tủ thờ, võ khí để tự vệ và đánh giặc, đóng ghe thuyền v.v. Căn cứ vào Cựu Ước Kinh, ông Noah (2948 trước Tây Lịch - 1998 trước Tây Lịch) là người đầu tiên đã đóng chiếc thuyền khổng lồ (Noah’s Ark) (3) để cứu gia đình và giữ các giống thú trong thời kỳ Ɖại Hồng Thủy xảy ra vào thế kỷ XXIII trước Tây Lịch. Các đền đài to lớn ở Nhật Bản làm bằng gỗ cây Sugi, tức cây bá hương (cedar: bá hương hay tuyết tùng). Giáo đường cổ kính Notre Dame de Paris được xây vào năm 1163 dưới triều vua Louis VII. Vật liệu gỗ trong nhà thờ là gỗ cây sồi (oaks – chênes).

***

Cây cối tạo bóng mát, thanh lọc không khí, ngăn chận xâm thực gió, mưa, ngăn chận sự sa mạc hóa, giúp mặt đất tránh tình trạng sa thạch hóa, tạo phong cảnh đẹp cho các đường phố và công viên. Cây cối cho hoa thơm, trái ngọt cho ong bướm, chim muông, động vật hoang dã và loài người thưởng thức. Nhiều loại cây trái rừng được loài người thuần hóa.

Phá rừng bừa bãi dẫn đến những hậu quả tai hại như:

Cây, lá và hoa chùm ngây (Ảnh: Wikipedia)

Nhiều cây to cung cấp nguồn dược liệu quí báu cho loài người như cây sồi (oak), cây sầu đâu (neem), cây chùm ngây (moringa), cây quế (cinnamon tree), cây đại phong tử tức chùm bao lớn (chaulmoogra tree) mang tên khoa học Hydnocarpus anthelmintica v.v.

Cây, lá và trái đại phong tử (Ảnh: Shutterstock)

Cây phong, cây thông, cây tùng, cây sồi, cây bạch dương (poplar/peuplier), cây đa, cây tre, cây hoa sứ, cây hoa bằng lăng, cây phượng vĩ, cây sim v.v. đã đi vào văn chương, thi ca, âm nhạc, nghệ thuật của loài người.

Cây và hoa sim (Ảnh: Wikipedia)

Kiếp sau xin chớ làm người,
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo.
                        (Nguyễn Công Trứ)

*

Trúc xinh trúc mọc bờ ao,
Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.
Trúc xinh trúc mọc đầu đình,
Em xinh em đứng một mình cũng xinh.
                                        (Ca dao)

*

Khi nào thong thả lên cung nguyệt
Cho cả cành đa lẫn củ đa

          (Phạm Ɖình Hổ tức Chiêu Hổ)

*

Trăm năm dù lỗi hẹn hò,
Cây đa bến cũ con đò vẫn đưa.
Cây đa bến cũ còn lưa,
Con đò đã thác năm xưa mô rồi.
                                        (Ca dao)

*

Ông Tiên ngồi dựa gốc tùng,
Phất phơ râu bạc, lạnh lùng ông Tiên.
                        (Ca dao)

*

Anh biết em đi chẳng trở về
Dặm ngàn liễu khuất với sương che
Em đừng quay lại nhìn anh nữa
Anh biết em đi chẳng trở về

.

Bên gốc thông xưa mình lỡ ghi
Tình ta âu yếm lúc đam mê
Thôi đành xóa lời thề trăng nước
Bên gốc thông xưa mình lỡ ghi
                        (Thái Can)

*

Tiếng ve kêu thầy âm thầm nhớ lại
Chuyện vui buồn, tình sư đệ ngày xưa.
Gốc phượng già khắc ghi bao kỷ niệm,
Ông giáo già, bao thế hệ trôi qua.

.

Hoa phượng nở nô đùa trong nắng hạ.
Mái trường xưa không thấy bóng thầy già
Mỗi buổi chiều khi chuông chùa ngân đổ,
Màn đêm dày che phủ mái trường rêu.
                        (Phạm Ɖình Lân)

*

Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím (5)
Áo nàng màu tím hoa sim

.

Chiều hành quân
Qua những đồi hoa sim,
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết,
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt.
                        (Hữu Loan)

Vạn vật có sự sống tất nhiên có tình cảm, có hồn như thi hào Pháp Alphonse Lamartine đã viết:

Objet inanimé! As-tu donc une âme?
Hỡi vật vô tri! Ngươi có hồn không nhỉ?

Người và cảnh chung quanh ta có liên hệ gắn bó với nhau. Người vui thì cảnh cũng vui. Người buồn thì cảnh cũng buồn theo. Thi hào Nguyễn Du đã viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

Cây cối nhắc nhở loài người:

  1. Về cội nguồn với câu: Cây có cội, nước có nguồn.
  2. Sống tập đoàn và đoàn kết với câu: Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.
  3. Phương pháp triệt hạ cây to với nhận xét sơ đẳng: Phải tỉa nhánh trước khi đốn cây to.
  4. Nương tựa với nhau mà sống với câu: Cây đa cậy Thần. Thần cậy cây đa.

   

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

________

Chú thích:

(1): Tên khoa học của cây sam Na Uy là Picea abies, gia đình Pinaceae.

(2): Tên khoa học của cây thông Methuselah trong dãy White Mountains, California là Pinus longaeva, gia đình Pinaceae.

(3): Thuyền Noah dài 134m, cao 13m và rộng 22m (134 x 13 x 22). Thuyền được ông Noah và ba người con trai của ông đóng và hoàn thành trong vòng 6 tháng. Lúc ấy ông Noah được 600 tuổi, tức khoảng năm 2348 trước Tây Lịch (cách năm 2025 4.373 năm).

(4): Cây liễu hay lê liễu (weeping willow/ saule pleureur) mang tên khoa học Salix babylonica (vùng Babylone ở Trung Ɖông), gia đình Salicaceae. Cây liễu được tìm thấy nhiều trên đường Tơ Lụa (Silk Road) từ bờ đông Ɖịa Trung Hải đến Trung Hoa. Thi nhân Trung Hoa thường đề cập nhiều đến cây lê liễu vì vẻ buồn duyên dáng và thơ mộng của nó. Suzhou (Tô Châu), Hangzhou (Hàng Châu), West Lake (Tây Hồ), Jiangsu (Giang Tô) là những địa danh đẹp, thơ mộng nổi tiếng của cây lê liễu.

(5): Cây sim còn gọi là cây ngưu nải thi, đào kim nương, cao từ 1m - 1,50m. Lá cứng, hoa màu tím, nhụy vàng, trái màu tím-đen, vị ngọt chát. Tên khoa học của cây sim là Rhodomyrtus tomentosa, gia đình Myrtaceae. Người Anh gọi là Rose myrtle, Pháp: Myrte groseille.

 

 

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/nguoivacaycoi.html


Cái Đình - 2025