Nguyễn Tối Thiện
Năng lượng bên trong con người
Con người được cấu tạo bởi hai thành phần Vật thể và Tinh thần.
Để sinh sống một cách bình thường cả 2 thành phần đều cần đến năng lượng.
Năng lượng vật chất đã được khoa học nghiên cứu hết sức chuyên sâu.
Riêng năng lượng tinh thần ít được đề cập tới.
Năng lượng được định nghĩa là khả năng của một vật thể hay một hệ thống sản sinh ra được một công năng (travail) có thể gây ra một chuyển động, một sức nóng hay một sóng điện từ (như ánh sáng).
Năng lượng được qui định bởi 2 nguyên lý quan trọng cần phải được kể tới:
1- Nguyên lý thứ nhất về sự bảo tồn năng lượng: Trong một hệ thống nhiệt-động kín (thermodynamique isolé), năng lượng luôn luôn được bảo tồn, nghĩa là nó có thể chuyển đổi từ dạng năng lượng nầy sang dạng khác trong diễn trình chuyển biến tự nhiên, nhưng tổng số năng lượng vẫn không thay đổi.
2- Nguyên lý thứ hai về sự chuyển đổi năng lượng: Sự chuyển đổi của một dạng năng lượng sang một dạng duy nhất khác không bao giờ toàn vẹn, sự hao tổn thường dưới dạng nhiệt lượng. Người ta cho sự mất mát nhiệt lượng này là “tai hại” vì nó không được sử dụng, nhưng cần thiết để minh chứng cho nguyên lý thứ nhất trên.
Sự biến dưỡng (métabolisme) trong cơ thể tương ứng với toàn thể những phản ứng hóa học của tất cả những tế bào của cơ thể và mức độ biến dưỡng thường được diễn tả dưới dạng nhiệt lượng phóng thích xảy ra trong những phản ứng hóa học. Nhiệt độ là mẫu số chung (dénominateur commun) của tất cả năng lượng được phóng thích trong cơ thể. Đơn vị được sử dụng để chỉ định năng lượng được phóng thích hoặc tiêu thụ là Kcalorie hay Calorie (= 1000 calories – c không viết hoa). Nên nhớ là 1cal là nhiệt lượng cần thiết để đưa nhiệt độ của 1g nước lên 1 độ C. Hoặc một người nặng 70 kílô, cần mỗi ngày khoảng 2000 Cal. cho những nhu cầu bình thường. Trong cơ thể, năng lượng được dự trữ dưới dạng chất ATP (Adénosine triphosphate) hoặc chất Créatine phosphate. Chất này có thể biến thành chất kia và ngược lại.
Những loại năng lượng vận chuyển trong cơ thể con người gồm có:
1/ Năng lượng biến dưỡng (énergie métabolique):
là năng lượng sinh ra do những phản ứng hóa học xảy ra trong các tế bào của cơ thể. Những phản ứng nầy có phận sự biến đổi các thức ăn thành năng lượng trong cơ thể để gìn giữ sự sống như chức năng hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa và điều hòa thân nhiệt... Những thức ăn mà chúng ta tiêu dùng được phân hủy thành những phân tử nhỏ hơn do các enzyme tiêu hóa và được máu hấp thụ đưa vào các tế bào để biến thành chất ATP (adénosine triphosphate). ATP là phân tử dự trữ năng lượng, khi bị phân hủy thành ADP và phosphate vô cơ, nó sẽ phóng thích năng lượng. Cơ chế tổng hợp và phân hủy ATP xảy ra trong các lạp thể (mitochondrie)
2/ Năng lượng dự trữ hay năng lượng tiềm tàng (énergie potentielle):
là năng lượng có sẵn, tiềm tàng trong một phân tử, một vật thể hay một hệ thống có thể được phóng thích để làm một công tác nào đó. Trong cơ thể con người, năng lượng tiềm tàng thể hiện dưới nhiều hình thức như là:
a) Năng lượng dự trữ hóa học: chứa đựng trong những liên kết hóa học; khi bẻ gãy những liên kết nầy trong sự biến dưỡng các chất glucides, lipides và protéines thì năng lượng được phóng thích.
b) Năng lượng dự trữ tĩnh điện (électrostatique) là năng lượng dự trữ trong những điện tích (charge électrique) của các tế bào và mô cơ thể. Năng lượng nầy có thể được phóng thích khi các thành phần trong cơ thể có điện thế quân bình với nhau.
c) Năng lượng dự trữ của lực hấp dẫn vũ trụ (énergie potentielle gravitationelle) là công năng cần thiết để vận tải một khối lượng từ vô cực (infini) đến vị trí cuối cùng của nó.Ví dụ: một khối lượng riêng biệt m (tính bằng kg), đặt ở một vị trí P, nếu ta gọi V là tiềm năng của lực hấp dẫn trong đó khối lượng đó di chuyển, thì năng lượng dự trữ của lực hấp dẫn Ep (tính bằng joules) được đo lường như sau: Ep=mV(P). Năng lượng nầy được kể như một hằng số.
d) Năng lượng dự trữ đàn hồi (élastique): là năng lượng dự trữ trong những mô đàn hồi của cơ thể như các gân (tendon), dây chằng (ligament), sụn (cartilage). Năng lượng nầy có thể được phóng thích khi những mô nầy bị kéo căng và co thắt.
3/ Năng lượng Sinh Hóa (énergie biochimique):
Năng lượng sinh hóa nằm trong năng lượng biến dưỡng; trong cơ thể có 2 loại biến dưỡng: ưa khí và kỵ khí.
3a) Loại biến dưỡng ưa khí (aérobie): là tiến trình sản xuất năng lượng dùng oxygène để biến đổi thức ăn thành năng lượng. Tiến trình nầy xảy ra chính yếu trong các lạp thể (mitochontrie) của tế bào và được sử dụng trong các sinh hoạt có cường độ yếu như đi bộ, chạy vừa và các sinh hoạt thường ngày.
3b) Loại biến dưỡng kỵ khí (anaérobie) là tiến trình sản xuất năng lượng không cần oxygène xảy ra chính yếu trong các tế bào của bắp thịt, dùng trong những sinh hoạt có cường độ cao như chạy nhanh, luyện tập bắp thịt và các sinh hoạt cần có sức tối đa. Loại biến dưỡng nầy tạo ra acide lactique, có thể gây ra cảm giác đau rát trong bắp thịt nếu nó tích tụ nhiều.
Hai loại biến dưỡng nầy có thể xảy ra cùng lúc trong khi luyện tập.
4/ Năng lượng Sinh Điện (énergie électrique):
Cuối thế kỷ XVI, bác sĩ giải phẫu Luigi Galvani, ở Bologne, Ý Đại Lợi là người đầu tiên khám phá ra điện lực trong cơ thể một sinh vật khi ông nhận thấy đùi của một con ếch, vừa được giải phẫu, co giựt mãnh liệt khi nó được đặt gần một máy phát điện. Một hiện tượng quá quan trọng đối với ông, nên ông đã bỏ ra cả cuộc đời để nghiên cứu những cử động co giựt của bắp thịt khi nó được kết nối với một nguồn điện lực.
Năm 1791, Galvani xuất bản cuốn sách “Kiến giải những kết quả của điện lực trên bắp thịt của thú vật sau 10 năm nghiên cứu”. Sau nhiều thế hệ nghiên cứu gia tiếp nối, nhìn lại công trình của ông, ta nhận thấy đó là nền tảng của môn sinh lý điện học hiện nay.
Điện thế khác nhau giữa bên trong và bên ngoài tế bào thần kinh tạo thành một luồng điện chạy dọc theo sợi trục tế bào (axone) cho tới các khớp thần kinh (synapse) làm phóng thích các chất dẫn truyền thần kinh. Điều nầy giúp sự truyền tải thông tin giữa các tế bào thần kinh và những tế bào khác.
Năng lượng sinh-điện có trong cơ thể dùng để cung cấp cho những quá trình sinh học như sự co thắt bắp thịt, sự liên lạc thần kinh và điều hòa nhịp tim…
5/ Năng lượng Sinh-Từ (énergie Biomagnétique)
Năm 1820, Hans Chistian Orsted, giáo sư vật lý và hóa học của Đan Mạch, tình cờ khám phá ra là 1 dòng điện chạy trong 1 dây điện làm đổi hướng kim của một la-bàn đặt gần đó. Ông đưa ra kết luận là dòng điện làm phát sinh từ-trường trong vùng chung quanh. Nhờ đó người ta đặt tên Orsted là đơn vị cảm ứng từ lực để ghi ơn sự đóng góp của ông trong lãnh vực điện từ. Sự khám phá của ông đã thúc đẩy nhà vật lý học Pháp André Marie Ampère đưa ra công thức toán học để biểu thị từ lực của những dòng điện.
Định luật Ampère rất quan trọng trong ngành Y học Năng lượng vì nó giải thích được nguồn gốc của từ trường bao quanh cơ thể con người. Điện trường mạnh nhứt được sinh ra bởi trái tim, nó gây ra một dòng điện lưu truyền xuyên qua hệ tuần hoàn, là một hệ thống dẫn điện rất tốt. Theo định luật Ampère, dòng điện nầy sinh ra một từ trường mạnh nhất của cơ thể và chung quanh cơ thể mà ngày nay người ta có thể đo lường được bằng Từ-tâm-đồ Squid (Superconducting Quantum Interference Device) do nhóm J.E Zimmerman sáng chế ra 1972. So sánh với điện-tâm-đồ, nó có nhiều lợi điểm hơn: như là không cần gắn những chấu điện vào người bịnh và độ phân giải không gian (résolution spatiale) cao hơn nhiều.
6/ Năng lượng Sinh-Điện-Từ (énergie Bioélectromagnétique)
Cơ thể con người sản xuất được một ít năng lượng điện-từ nên không gây ra được những kết quả nào đáng kể cho sức khỏe hay sự an lạc cả. Năng lượng nầy sinh ra do chủ yếu từ những sinh hoạt điện học và hóa học trong những tế bào thần kinh và bắp thịt cùng những diễn trình thông tin, liên lạc giữa các tế bào.
Ngoài ra cơ thể còn có thể hấp thụ được năng lượng điện-từ ngoại nhập từ thiên nhiên, trái đất, ánh sáng mặt trời hay từ nguồn nhân tạo do những kỹ thuật “không dây”.
Sau đây là vài thí dụ về những nguồn gốc của năng lượng sinh-điện-từ:
6a) Điện thế Sinh-động (Potentiels d’action): điện thế sinh động là những tín hiệu điện sinh ra trong những tế bào thần kinh và bắp thịt để trả lời những kích thích từ bên ngoài hay bên trong. Chúng chủ yếu là những thông tin liên lạc giữa các tế bào để điều chỉnh những cử động bắp thịt.
6b) Hoạt động của tim: đo lường bằng điện-tâm-đồ (ECG)
6c) Hoạt động của não: đo lường băng điện-não-đồ (EEG)
6d) Sự phát quang-tử (émission de proton): những tế bào của cơ thể phát ra ánh sáng rất yếu gọi là phát quang-tử. Người đầu tiên khám phá hiện tượng này là nhà phôi bào học Nga Alexandre Gourvitch vào những năm 1920. Ông gọi đó là “ánh sáng gián phân” (rayon mitosique) dùng để định bịnh ung thư dưới thời Staline, nên ông được giải thưởng Staline. Nhưng sau đó phương pháp này bị chìm trong quên lãng. Mãi đến năm 1981, nhà sinh-vật-lý Đức Fritz-Albert Popp chứng minh được là có sự phát sáng ở mức độ ADN tế bào mà ông đặt tên là “sự phát quang-tử” và định nghĩa bằng cường độ phát sáng từ 10 tới 1.000 quang-tử/cm²/giây.
Ngày nay người ta hiểu được nhiệm vụ của sự phát quang-tử qua nhiều công tác: sự truyền thông giữa các tế bào, tác động trên đồng hồ sinh học, vận hành của ADN và các protéines, nhất là trong tiến trình nhân đôi của ADN, sự tổng hợp các protéines cũng như trong tiến trình tạo 3 phân tử ATP bằng cách oxy-hóa 2 phân tử Hydrogène (phản ứng này được gọi là phosphorylation oxydative).
Trong cơ thể con người có những vùng được ghi nhận là có sự phát quang-tử: trước nhất là bộ óc, sau đến là màng cân (fascia) bao quanh cơ thể, sâu dưới lớp da.
6e) Những phản ứng của các enzymes trong cơ thể có thể sinh ra trường điện-từ yếu để điều hợp những tiến trình sinh hóa.
7/ Năng lượng Sinh-Nhiệt-Học (énergie Biothermique):
Là năng lượng liên quan tới nhiệt độ trong cơ thể. Trong cơ thể nhiệt độ được sản xuất liên tục như một phó sản của sự biến dưỡng luôn luôn bị phát tán ra môi trường chung quanh. Nếu nhiệt lượng được sản xuất tương đương với lượng bị phát tán, ta nói có sự quân bình giữa sự sinh-nhiệt (thermogenèse) và sự giải-nhiệt (thermolyse).
7a) Sự sinh-nhiệt được cung cấp bởi những cơ chế sau đây:
7b) Sự giải nhiệt được thực hiện bởi:
8/ Năng lượng tinh thần:
Năng lượng vật chất đã được khoa học nghiên cứu rất tường tận, riêng năng lượng tinh thần ít được đề cập đến. Sau đây chúng ta thử tìm hiểu sơ lược về Năng lượng tinh thần:
Ta biết là Tâm-Não làm việc rất nhiều, lúc thức cũng như trong lúc ngủ: như suy nghĩ, giải quyết các vấn đề, sáng tạo, kiểm soát tư tưởng và cảm xúc, gìn giữ sự chú tâm trên một công việc chuyên biệt trong một thời gian dài, ghi nhớ vào ký ức, hoặc điều khiển những cử động tay chân... Năng lượng tinh thần cũng có giới hạn, nó có thể bị hao tổn nếu làm việc trí óc quá cật lực hay bị kích ứng (stress) liên tục lâu dài sinh ra kiệt sức (burn out) hay trầm cảm...
Năng lượng tinh thần làm cho Tâm sống và tồn tại, nó chỉ hùng mạnh khi hội đủ 5 yếu tố:
Khoa học ngày nay chưa hiểu rõ lắm năng lượng tinh thần phi vật chất này, nhưng từ từ đã có những nhà khoa học tiến bộ không bằng lòng với bức tường ngăn cách giữa vật chất và tinh thần, vì họ thấy rằng những năng lượng vật lý thuần túy không giải thích được tất cả những hiện tượng trong cuộc sống con người, nhất là những hiện tượng tâm linh, phi vật chất, hoặc những hiện tượng mà giác quan con người không cảm nhận được như hiện tượng ngoại cảm giác (extrasensoriel), tâm thức ngoại thần kinh (conscience extraneuronale).
Từ năm 1994, giáo sư thần-kinh sinh-học Jacobo Grinberg ở Mexique đã thí nghiệm trên 2 người đang thiền sau 20 phút, người này hướng tâm đến người kia, cả hai đều ngồi trong 2 cái lồng Faraday cách xa nhau (lồng Faraday làm bằng kim loại để ngăn chặn ảnh hưởng của các sóng điện từ [onde électromagnétique]). Ông kích thích não bộ của người thứ nhứt, sau đó ông đo những thay đổi trên điện-não đồ của người nầy. Đồng thời, người ta đo điện-não đồ của người thứ 2, thì thấy nó ghi nhận những thay đổi giống như ở người thứ nhứt. Hai người nầy chỉ liên lạc với nhau bằng tư tưởng và ở cách xa nhau có thể hằng trăm kilomét.
Thí nghiệm nầy được lập lại năm 1999 tại Luân-Đôn bởi bác sĩ Fenwick và năm 2004 tại Seattle bởi giáo sư Standish.
Bản chất của Năng lượng tinh thần phải chăng là sóng Vô-hướng (onde scalaire)?
Trong thập niên 1900, Nikola Tesla (1856-1943) là người đầu tiên đã khám phá và thử nghiệm sóng vô-hướng với những cuộn dây cảm điện của ông, ông đã thắp sáng những ngọn đèn không gắn liền với nguồn phát điện nào cả, làm kinh ngạc những nhà khoa học và chứng minh sự hiện hữu của một nguồn năng lực không biết phát xuất từ đâu, phát truyền dưới dạng những sóng hình xoắn ốc và theo chiều thẳng dọc và có thể dẫn truyền đi rất xa.
Ngày nay gs. Konstantin Meyl (1952-), thuộc Đại học Stuttgart Đức, chuyên gia nghiên cứu về vật-lý-trường xoắn ốc (champs des Vortex) đã chế tạo được những máy phát sóng scalaire để điều trị được bịnh tật (SWD: scalar wave device) cùng với bác sĩ thú-y và sinh-học-gia Pháp Hervé Janececk đều công nhận: “các sóng tinh thần do não bộ phát ra hay thu nhận có đặc tính của các sóng scalaire”.
Đặc tính của những sóng Vô-hướng:
Nguồn gốc của sóng scalaire đến từ mặt trời và từ các sinh vật như con người, thú vật và cây cỏ. Những hạt Trung-hòa-tử (neutron) ở mặt trời bị phân hủy thành những hạt Neutrinos rồi bị bắn vào vũ trụ và rơi xuống trái đất với lượng khoảng 66 tỷ/1cm2/1 giây. Lúc đầu người ta nghĩ rằng những hạt này không có trọng lượng, không mang điện tính. Nhưng đến năm 2015, hai nhà vật-lý-học Nhật Bản và Gia Nã Đại đoạt giải Nobel về vật lý vì đã chứng minh được là những hạt Neutrinos có khối lượng và có điện tính; như vậy chúng là một nguồn dự trữ năng lượng (E=mc2). Trong những tế bào của cơ thể chúng ta, chất ADN có hình dạng xoắn ốc là những ăng-ten có thể cộng hưởng với các sóng scalaires đến từ bên ngoài và có thể hấp thụ hay ban phát năng lượng hoặc chuyển tải, trao đổi các thông tin bên trong tế bào và giữa các tế bào với nhau. Hình thức chuyển tải thông tin này được chứng minh là hiệu quả hơn sự chuyển tải qua sự biến dưỡng hóa học các chất hormone hay thần kinh chuyển hóa (neurotransmetteurs) (Médecine énergétique, Oshman).
Sự chuyển tải thông tin và năng lượng giữa các tế bào trong cơ thể kết hợp 2 hệ thống sóng điện-từ (trong đó yếu tố điện mạnh hơn) và sóng scalaire thì yếu tố từ, magnétique, chủ động (còn yếu tố điện gần như vô hiệu, gọi là cách điện = diélectrique). Hai hệ thống có thể chuyển đổi với nhau: cái này biến thành cái kia giống như hạt biến thành sóng và sóng biến thành hạt. Do đó ở mức độ năng lượng và thông tin của tế bào, ta có thể giải thích bằng lý thuyết lượng-tử, nhờ đó ta có thể hiểu tại sao tâm có thể ảnh hưởng trên não (như cấu trúc của não bộ các thiền sư lão luyện được thay đổi kiện toàn) và não có thể ảnh hưởng trên tâm (như não của người bịnh Alzheimer làm cho họ mất trí nhớ hoàn toàn.
Khoa học tiến bộ cho chúng ta những hiểu biết rõ ràng chính xác hơn về ba ý niệm mà người xưa đã nói tới là TINH, KHÍ, THẦN trong mục đích giúp con người tập luyện và bảo tồn sức khỏe. Kết hợp với hai ý niệm khác của nền minh triết phổ quát nữa là TÂM THỨC và TRÍ TUỆ thì con người có đầy đủ phương tiện để hoàn thiện đời mình. Bây giờ là lúc chúng ta phải tự ra tay hành động thôi.
Bs. Nguyễn Tối Thiện
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/nangluongbentrongconnguoi.html