Nguyễn Hiền
Máu của những người trường thọ gợi ra ý tưởng là có những khác biệt quan trọng
Những người sống tới trên trăm tuổi, từng được coi là hiếm, thì nay đã thấy thường hơn. Thực vậy, họ là nhóm nhân khẩu tăng nhanh nhất trong dân số thế giới, với số lượng ước tính là cứ mỗi mười năm lại tăng gấp đôi, kể từ những năm 1970.
Con người có thể sống được bao lâu và điều gì quyết định một cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh là chủ đề đã được quan tâm từ xưa. Triết gia Plato và Aristotle cách đây hơn 2.300 năm đã bàn luận và viết về quá trình lão hóa.
Tuy nhiên, việc theo đuổi để hiểu những bí mật đằng sau sự trường thọ không phải là điều dễ dàng.
Nó liên quan đến việc vén bức màn về sự tương tác phức tạp giữa bẩm sinh qua di truyền và các yếu tố thuộc về lối sống, cũng như cách những yếu tố này tác động qua lại trong suốt đời người.
Nghiên cứu gần đây của chúng tôi, được công bố trên tạp chí GeroScience, đã tiết lộ một số dấu hiệu sinh học phổ quát, trong đó có cả mức cholesterol và đường glucose, ở những người sống trên 90 tuổi.
Những người qua tuổi chín mươi và bách niên từ lâu đã được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm vì họ có thể giúp chúng ta hiểu làm sao để sống lâu hơn và có lẽ cũng là cách để khi về già vẫn khỏe mạnh hơn bình thường.
Cho đến nay, các nghiên cứu nơi những người sống tới trên trăm tuổi thường được thực hiện trên quy mô nhỏ và tập trung vào một nhóm được chọn lựa trước, ví dụ như không bao gồm những người trên trăm tuổi sống trong viện dưỡng lão.
Bộ dữ liệu khổng lồ
Nghiên cứu của chúng tôi là nghiên cứu lớn nhất khi nói về sự so sánh các hồ sơ dữ kiện sinh học được đo trong suốt cuộc đời giữa những người sống lâu khác thường và những người sống ngắn hơn họ cho đến nay.
Chúng tôi đã so sánh các tập hồ sơ dữ kiện sinh học của những người sống qua tuổi 100 và những người có đời sống ngắn hơn họ, đồng thời nghiên cứu mối liên hệ giữa các hồ sơ này và cơ hội thọ trên trăm tuổi.
Nghiên cứu của chúng tôi bao gồm dữ liệu từ 44.000 người Thụy Điển đã trải qua các cuộc đánh giá sức khỏe trong độ tuổi từ 64 tới 99 – họ là biểu tượng chung của nhóm được gọi là nhóm Amoris (1).
Những người tham gia này sau đó đã được theo dõi thông qua dữ liệu lưu trữ của Thụy Điển trong thời gian có thể tới 35 năm. Trong số những người này có 1.224 người, hay 2,7%, sống đến 100 tuổi. Phần lớn (85%) những người sống đến trăm tuổi là phụ nữ.
Mười hai điểm mang dấu ấn trong sinh học dựa trên xét nghiệm máu, có liên quan đến viêm sưng, biến dưỡng, chức năng gan và thận, cũng như tình trạng suy dinh dưỡng và thiếu máu tiềm ẩn đã được đưa vào cuộc nghiên cứu. Tất cả những đặc điểm này đều được cho là có liên quan đến quá trình lão hóa hoặc tử vong trong các nghiên cứu trước đây.
Dấu ấn trong sinh học có liên quan đến chứng viêm là axit uric – một chất do cơ thể thải ra trong quá trình tiêu hóa một số loại thực phẩm.
Chúng tôi cũng xem xét các dấu hiệu có liên quan đến hoạt động và tình trạng biến dưỡng, trong đó có cả cholesterol toàn phần và đường glucose, cùng các dấu hiệu có liên quan đến chức năng gan, như alanine aminotransferase (Alat), aspartate aminotransferase (Asat), albumin, gamma-glutamyl transferase (GGT), phosphatase kiềm (Alp) và lactate dehydrogenase (LD).
Chúng tôi cũng xem mức creatinine, nó có liên quan đến chức năng thận, và sắt cùng khả năng gắn sắt toàn phần (TIBC) (2), nó có liên quan đến chứng thiếu máu. Cuối cùng, chúng tôi cũng nghiên cứu về albumin, một dấu ấn sinh học có liên quan đến dinh dưỡng.
Những phát hiện
Nhìn tổng thể, chúng tôi thấy rằng những người sống đến trăm tuổi thường có khuynh hướng có mức glucose, creatinine và axit uric thấp hơn so với những người trong độ tuổi sáu mươi.
Mặc dù kết quả cho ta thấy là các trị số trung bình của hầu hết các dấu ấn sinh học không có sự khác biệt một cách rõ rệt giữa những người sống đến trăm tuổi và những người không sống đến trăm tuổi, nhưng ở những người sống đến trăm tuổi hiếm khi có các trị số cực kỳ cao hoặc cực kỳ thấp.
Ví dụ, rất ít người sống đến trăm tuổi có mức glucose trên 6,5 mmol/L khi còn trẻ hoặc mức creatinine trên 125 µmol/L.
Ở nhiều dấu ấn sinh học, cả người sống đến trăm tuổi và những người không sống đến trăm tuổi đều có các trị số nằm ngoài phạm vi được coi là bình thường trong các chuẩn mực dùng trong chẩn đoán bệnh.
Điều này có thể là do các chuẩn mực này được lập bằng cách dựa trên nhóm người trẻ và khỏe mạnh hơn.
Khi tìm hiểu sâu thêm những dấu ấn sinh học nào có liên quan đến khả năng đạt đến tuổi 100, chúng tôi thấy rằng trong 12 dấu ấn sinh học – chỉ trừ ra hai yếu tố (là alat và albumin), đều cho thấy chúng có mối liên hệ với khả năng sống đến 100 tuổi. Điều này vẫn đúng như vậy sau khi tính đến tuổi tác, giới tính và bệnh tật đang mang trong người.
Những người có mức cholesterol toàn phần và sắt thấp nhất trong năm nhóm thì có ít cơ hội sống đến 100 so với những người có mức cao hơn.
Trong khi đó, những người có mức glucose, creatinine, axit uric và các số đo chức năng gan cao hơn cũng ít có cơ may có thể sống đến 100 tuổi.
Xét về mặt tuyệt đối, trong một số dấu ấn sinh học, sự khác biệt tìm thấy là khá nhỏ; trong khi đó, đối với những dấu ấn khác, sự khác biệt có phần rõ rệt hơn.
Ví dụ, đối với axit uric, sự khác biệt tuyệt đối là 2,5 điểm phần trăm. Điều này có nghĩa là trong nhóm người có mức axit uric thấp nhất có 4% là có cơ hội sống đến 100 tuổi trong khi ở nhóm có mức axit uric cao nhất, chỉ có 1,5% số người sống đến 100 tuổi.
Mặc dù sự khác biệt mà chúng tôi phát hiện ra nhìn chung là khá nhỏ, nhưng chúng cho thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa một tình trạng biến dưỡng lành mạnh, sự dinh dưỡng và một đời sống thọ khác thường.
Tuy nhiên, nghiên cứu không đưa ra bất kỳ kết luận nào về các yếu tố lối sống hoặc gen nào chịu trách nhiệm cho các giá trị dấu ấn sinh học.
Thế nhưng, nó hữu lý khi cho rằng các yếu tố như dinh dưỡng và lượng rượu tiêu thụ giữ một vai trò nào đó.
Theo dõi các trị số về thận và gan, cũng như mức glucose và axit uric khi ta già đi, có lẽ không phải là một ý kiến dở.
Tuy nhiên, sự may mắn có thể góp một tay tại một thời điểm nào đó trong việc đạt đến mức sống thọ đặc biệt.
Nhưng thực tế là những khác biệt trong các dấu hiệu sinh học đã có thể nhận biết từ rất lâu trước khi qua đời cho thấy rằng gen và lối sống cũng có thể giữ một vai trò trong đó.
Nguyên tác: The Blood of Exceptionally Long-Lived People Suggests Crucial Differences | Karin Modig, Phụ giảng Khoa Truyền Nhiễm Học, Viện Nghiên cứu Karolinska (Thụy Điển)
Người dịch: Nguyễn Hiền
_________
Chú thích của người dịch
(1) AMORIS là viết tắt từ ‘Apolipoprotein MOrtality RISk’. Chữ AMORIS dùng để chỉ những người có nguy cơ từ trần do những nguyên nhân có liên quan đến chất Apolipoprotein, là một chất protein gắn kết với chất mỡ giúp đưa chúng vào máu, vào dịch màng óc và bạch huyết. Chú thích của người dịch.
(2) khả năng gắn sắt toàn phần (Total Iron Binding Capacity – TIBC) là lượng sắt tổng cộng có thể gắn tối đa vào Transferrin, một chất trong cơ thể giữ nhiệm vụ vận chuyển sắt.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/maucuanhungnguoitruongtho.html