Nguyễn Minh Tâm


Làm cách nào để ngăn ngừa bệnh mất trí nhớ (Dementia)?

   

Việc chẩn đoán bệnh mất trí nhớ – hay dementia – là một trong những việc chẩn đoán đáng sợ nhất trong y khoa, bởi vì hầu như không có cách nào để ngăn ngừa chứng bệnh này. Nhưng theo những nghiên cứu mới đây, điều này không còn đúng nữa. Thực tế cho biết, dựa trên hàng trăm công trình nghiên cứu. thì hầu như gần một nửa trường hợp bị bệnh mất trí nhớ có thể ngăn ngừa, hay trì hoãn không để nó xảy ra sớm nếu người ta biết áp dụng một số thói quen tốt. Dưới đây là những điều mà chúng ta nên làm để đem lại kết quả tốt nhất:

Nên có quan hệ bạn bè, xã hội: Bà Gill Livingston, giáo sư chuyên về não bộ ở trường đại học University College London nói rằng những kinh nghiệm mới, đa dạng khiến cho não bộ của chúng ta có những  tác động khác nhau. Bà viết phúc trình về hiện tượng này như sau: “Não bộ của bạn có nhiều chức năng và nhiệm vụ khác nhau, vì vậy nên để chúng kết nối và hoạt động theo đủ mọi loại chức năng.”. Một trong những cách hay nhất để não bộ hoạt động theo nhiều chức năng là hãy cho phép mình nói chuyện, tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Bạn sẽ giữ cho đầu óc của bạn sáng suốt, bén nhậy khi nói chuyện với người khác qua nhiều đề tài khác nhau, và giữ quan hệ xã hội lành mạnh. 

Luôn luôn tập thể dục đều đặn: Thường xuyên tập thể dục có thể giúp cắt giảm hẳn được 30% rủi ro vướng bệnh mất trí nhớ. Bạn không cần phải là tay chạy bộ đường trường mạnh mẽ như một lực sĩ điền kinh. Bạn chỉ cần tập thể dục mỗi ngày một chút, làm loại thể dục nào mà bạn thích. Bà Livingston nói chỉ cần bạn mang nón an toàn, và lấy xe đạp chạy vài vòng cũng đủ. Nên nhớ phải tuyệt đối tránh không để bị thương ở đầu. Nhiều nghiên cứu cho biết cả đời người chỉ cần một lần bị thương ở đầu cũng có thể giảm trí nhớ, hay giảm nhận thức. 

Hãy để ý chăm sóc sức khỏe tinh thần của bạn: Tâm trạng buồn nản, hay trầm cảm là một yếu tố quan trọng dễ đưa đến bệnh mất trí nhớ. Tuy nhiên, đây là một vấn đề khá phức tạp, và phải mất khá nhiều thời gian. Nghiên cứu mới đây tìm ra rằng người bị bệnh trầm cảm, song được chữa trị, sẽ chỉ còn rủi ro rất thấp để bị vướng bệnh mất trí nhớ, so với người bị trầm cảm mà không được chữa trị. 

Nên nghe theo chỉ dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc: Khi đi khám bệnh định kỳ, bác sĩ sẽ sớm phát hiện nhiều yếu tố quan trọng trong cơ thể của bạn. Chẳng hạn như mức cholesterol “xấu” quá cao, huyết áp cao, rủi ro bị tiểu đường, và trọng lượng cơ thể tăng hay giảm. Nghiên cứu cho thấy tất cả những dấu hiệu trên đều có liên hệ đến bệnh mất trí nhớ. Vì thế, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, nhiều chất bổ dưỡng, và uống thuốc đúng theo lời dặn của bác sĩ tất cả đều giúp chúng ta duy trì được khả năng nhận thức, không vướng bệnh mất trí nhớ. 

Tuyệt đối không hút thuốc, và uống nhiều rượu: Theo kết quả nghiên cứu mới nhất: Người nào còn đang hút thuốc có nguy cơ bị bệnh mất trí nhớ khoảng 40% nhiều hơn người không bao giờ hút thuốc. Tuy nhiên, người nào hút thuốc song cai được thuốc lá, không còn hút nữa, rủi ro trên sẽ không còn nữa. Nói rõ hơn là bỏ hút thuốc đem lại kết quả rất tốt. Cắt giảm uống rượu cũng là ý kiến rất tốt, đem lại kết quả rõ ràng. Khoa học nghiên cứu cho thấy rõ càng sớm cai uống rượu nhiều chừng nào, càng tốt cho não bộ chừng nấy. 

Gìn giữ, bảo vệ những giác quan trong cơ thể: Chứng lãng tai, hay thị lực kém, cả hai đều có liên hệ đến bệnh mất trí nhớ. Bạn có thể áp dụng những biện pháp ngăn ngừa hai chứng bệnh này chẳng hạn như khi nghe nhạc, hay tin tức nên vặn nhỏ vừa đủ nghe thôi. Ở tuổi già, hai chứng bệnh lãng tai và mắt kém là chuyện không thể tránh khỏi. Nhưng bạn chớ nên trì hoãn việc chữa trị. Nên dùng máy trợ thính khi cần phải làm, và phải chữa cataracts (bệnh cườm khô) để giúp nhìn rõ. Chữa ngay hai chứng bệnh này có thể giúp trì hoãn việc suy giảm trí nhớ. 

    

Nguyễn Minh Tâm dịch theo báo TIME ngày 26/8/2024

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/lamcachnaodenganngua.html


Cái Đình - 2024