Phạm Ɖình Lân
Kỳ Lân
.
Đại biểu các tộc động vật trong hội nghị ngồi chờ nghe chuyện Kỳ Lân. Không một đại biểu động vật nào biết Kỳ Lân là gì. Tất cả các đại biểu đều im lặng nghe giàn nhạc Shandong (Sơn Đông) trổi bản Kỳ Lân Xuất Hiện, Đức Khổng Ra Đời.
Đại diện Hầu tộc gật gù tỏ ra thán phục văn minh Trung Hoa, ông nói: “Cái gì huyền bí cũng từ Trung Hoa và Ấn Độ mà ra. Hèn chi mấy thằng cha Tây Ăng- lê nói IndoChina!”
Đại biểu Gà Tây nói: “Có gì lạ. Ở Âu Châu cái gì huyễn hoặc thì có các chuyện trong huyền thoại Hy Lạp.”
Đại biểu Hạc Việt Nam góp ý: “Anh Khỉ nói rất hay, rất văn hoá. Người Miến Điện từ cao nguyên Tây Tạng (Tibet) nam tiến. Người Thái-Lào từ Yunnan (Vân Nam) xuống Bắc Bộ Việt Nam trước khi rẽ về hướng tây tức Lào và Thái Lan ngày nay. Miến Điện và Xiêm La (Thái Lan), Lào xuất phát từ lục địa Trung Hoa tràn về phía nam. Họ có liên hệ với Trung Hoa về nơi phát tích và sắc tộc. Nhưng về tôn giáo (Phật Giáo Tiểu Thừa) và chữ viết họ chịu ảnh hưởng của Ấn Độ. Họ thực sự là Indochinese.
Việt Nam chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa vì lý do địa lý và lịch sử sau trên một ngàn năm Bắc thuộc. Sau khi hoàn thành cuộc Nam Tiến vào thế kỷ XVIII có ba nền văn hoá khác nhau trên lãnh thổ Việt Nam:
1. Văn hoá Trung Hoa (Tam Giáo: Phật Giáo Đại Thừa, Khổng Giáo, Lão Giáo). Học chữ viết Trung Hoa nhưng phát âm theo tiếng Việt Nam.
2. Văn Hoá Ấn Độ qua người Khmer Krom (Ấn Giáo rồi Phật Giáo Tiểu Thừa)
3. Văn Hoá Hồi Giáo qua người Chăm (Ấn Giáo và Hồi Giáo).
Văn hoá Trung Hoa đậm nét hơn hai nền văn hoá còn lại.”
Đại biểu Vịt Cái Bè nói với Vịt Xiêm: “Tao không hiểu gì cả. Thằng cha Hạc nói cái gì mày hiểu không?”
“Không”, Vịt Xiêm nói.
Đại diện Khuyển tộc nhìn sang Vịt Cái Bè và Vịt Xiêm và nói: “Bây giờ tao mới thấm ý của mấy thằng cha Việt Nam khi nói: Nước đổ đầu Vịt hay Vịt nghe sấm. Vịt tụi bay nghĩ sao?” Vịt Cái Bè đáp trả lại: Anh Khuyển ơi! Loài người là kẻ thù không tuyên chiến với các loài động vật chúng ta. Họ là kẻ thù thiên thu bất tận của chúng ta. Bị họ khi dễ trở thành danh dự đối với chúng ta. Được loài người khen trung thành như dòng họ Khuyển của các anh không biết đó là vinh hay nhục.”
Chó tức giận sủa vang lên. Ban an ninh và trật tự hội nghị can thiệp. Một anh Ngưu trong ban an ninh trật tự nói: “Im lặng! Để các đại biểu thưởng thức nghệ thuật trình diễn của giàn nhạc Shandong. Hôm nay có bài tham luận rất đặc biệt về Kỳ Lân.” Chó, Vịt Cái Bè và Vịt Xiêm nín im thin thít vì các thành viên trong ban an ninh trật tự gồm có Trâu Rừng, Ngựa Rằn, Tê Giác trông hung hăng lắm.
Bản nhạc vừa dứt, một nhạc sĩ Tất Suất (Dế) của Ý thổi kèn thời đế quốc La Mã báo hiệu đại biểu đọc tham luận về Kỳ Lân đến. Tất cả các đại biểu trong hội trường đều đứng dậy chào đón một lão Cọp Jiangxi (Giang Tây). Lão đã già nhưng việc đi đứng của lão còn vững mạnh lắm. Là Cọp mắt của lão không có những dòng hung điện thường thấy nơi Hổ tộc. Trông lão đạo mạo và thông thái qua cặp mắt kiếng dày cộm. Nghe nói lão là một học giả trong cộng đồng Hổ tộc Giang Tây dưới biệt danh Hùm Tộc Giang Tây Đại Học Sĩ.
Hùm Tộc Giang Tây Đại Học Sĩ cúi chào chủ tịch đoàn và đại biểu các tộc động vật giữa những trận pháo tay liên tục. Ông từ từ bước lên diễn đàn đọc tham luận về Kỳ Lân.
***
Thưa quí vị, thật là một danh dự và cũng là một sự hổ thẹn khi được Đại Lão Hội Đồng Hổ Tộc Giang Tây (Jiangxi), Phúc Kiến (Fujian), Vân Nam (Yunnan), Quảng Tây (Guangxi), Hồ Nam (Hunan) và Mãn Châu (Manzhouli) đề cử để đọc bài tham luận về Kỳ Lân hôm nay.
Danh dự vì được sự ủy nhiệm của các đại lão Hổ tộc trên lục địa Trung Hoa.
Hổ thẹn vì, thú thật với quí vị, sự hiểu biết của tôi về Kỳ Lân rất giới hạn mặc dù tôi được mệnh danh là Hùm Tộc Giang Tây Đại Học Sĩ trong cộng đồng Hổ tộc Giang Tây (Jiangxi).
Tôi phải lên Shandong (Sơn Đông) để tìm quê hương Đức Khổng Tử. Vì trước khi chào đời mẹ Ngài thấy Kỳ Lân vào nhà báo tin mừng một hài nhi thông minh nhất trần gian sẽ chào đời mang danh dự cho dòng họ đấng Chí Thánh. Khổng Phu Tử (Kongfuzi – Confucius) tức Khổng Khâu (Kong Qiu) hay Trọng Ni (Zhongni) sinh năm 559 trước Tây Lịch và mất năm 479 trước Tây Lịch. Ngài chào đời ở Ấp Trâu (Zou), nước Lỗ (Lu) trên bán đảo Shandong. Tôi đã tới Ấp Trâu, bây giờ là Nanxin (Nam Tân Phố, Shandong – bán đảo Sơn Đông), rồi từ đó bay về Beijing (Bắc Kinh) để tìm hiểu về Kỳ Lân.
Kỳ Lân là linh vật trong Tứ Linh: Long, Lân, Qui, Phượng. Cả người Đông Phương lẫn Tây Phương đều có những khái niệm mơ hồ về Tứ Linh. Ngoại trừ Rùa (Qui), không ai biết và trông thấy tận mắt Rồng, Kỳ Lân và Phượng Hoàng. Không thấy nhưng vẫn đặt tên và được gán cho nhiều đặc tính độc đáo. Tên gọi thông thường mà nhân loại dành cho Kỳ Lân là:
Quốc gia |
Tên gọi |
Việt Nam |
Kỳ Lân (gọi phỏng theo cách gọi của người Trung Hoa) |
Trung Hoa |
Qilin (Kỳ Lân) |
Nhật Bản |
Kirin |
Anh |
Unicorn |
Pháp |
Unicorne |
Tây Ban Nha |
Unicornio |
Trung Hoa là quốc gia đầu tiên đề cập đến Kỳ Lân.
Tượng kỳ lân trong Hoàng thành Huế (Ảnh: Wikipedia)
Người Hy Lạp cổ cho rằng Kỳ Lân phát xuất từ thung lũng sông Indus (Ấn Hà). Đối với Hy Lạp, Ấn Độ nằm về phương Đông. Thời xa xưa người Âu Châu chưa biết đến Trung Hoa mà chỉ nghe âm vang của văn minh Ấn Độ. Kể cả vua Solomon (990 ˂?˃ - 931 tr. Tây Lịch) cũng tỏ ra nể trọng văn minh phương Đông của Ấn Độ.
Theo huyền thoại Trung Hoa Kỳ Lân có hai nghĩa tách biệt:
KỲ: chỉ Nam phái (+)
LÂN: chỉ Nữ phái (-)
Giống như chuyện anh Phượng, chị Hoàng (Loan) ngày nào.
Kỳ Lân mà tôi được thấy qua hình vẽ, tượng đá không hình nào giống hình nào và không tượng nào giống tượng nào. Theo sự mô tả Kỳ Lân có một sừng trên đầu. Trong cộng đồng động vật, động vật có vú, sinh con và có một sừng là Tê Giác. Mắt ốc bươu to tròn, miệng rộng có vẻ giống SƯ TỬ. Nhưng ở Trung Hoa không có Sư Tử, cũng không có Tê Giác. Vậy Kỳ Lân có mặt Cọp, mũi Sư Tử hình củ tỏi, mình có vảy như Rồng; đầu có sừng như Nai (như tượng Kỳ Lân ở Beijing), đuôi như đuôi Ngựa, chân có năm (05) ngón.
Tượng một con kỳ lân tại Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: Wikipedia)
Kỳ Lân trở thành phương tiện tuyên truyền về điềm Trời thuận lợi cho một người nào đó hay vương triều nào đó. Vì Kỳ Lân xuất hiện là điềm lành cho đất nước, điềm Thánh Chúa ra đời mang trật tự gia đình, xã hội và hạnh phúc cho trăm họ.
Quí vị có nghĩ rằng Trung Hoa được ân phúc Trời ban không?
Nào là Fu Hsi (Phục Hi) thấy Kỳ Lân lội qua sông.
Nào là Kỳ Lân xuất hiện, Khổng Tử chào đời.
Nào là năm 122 trước Tây Lịch đời Hán Vũ Đế (Wudi) (ngự trị 54 năm từ 141 tr. Tây Lịch - 87 tr. Tây Lịch) bắt một Kỳ Lân. Chuyện này lịch sử e ngại không dám xác nhận.
Dưới thời nhà Minh, Minh Thành Tổ (Yongle: Vĩnh Lạc Hoàng Đế), tên thật là Chu Đệ (Zhou Dì – 1360 - 1424 – Hoàng đế: 1402 - 1424) ra lịnh cho thái giám gốc người Yunnan (Vân Nam) theo đạo Hồi là Zheng He (Trịnh Hòa – 1371 - 1433) mở cuộc thám hiểm xuống nam Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương đến Đông Phi Châu. Cuộc hải trình bắt đầu vào năm 1405 và kết thúc vào năm 1433. Đoàn hải thuyền của Zheng He mang về Nanjing (Nam Kinh) nhiều trầm hương, hương liệu và thú vật lạ ở Somalia và Ả Rập. Trong số đó có Ngựa Rằn, Hươu Cao Cổ. Những con thú lạ này làm cho người Trung Hoa lúc bấy giờ nghĩ rằng đó là Kỳ Lân. Minh triều im lặng hay lặng lẽ bắn tin Kỳ Lân xuất hiện để chứng minh sự vĩ đại Thiên định của triều đại Minh Thành Tổ tức Vĩnh Lạc? Nói một cách dễ hiểu Kỳ Lân không chịu xuất hiện thì phải cho người đi tìm Kỳ Lân để bắt.
Tương truyền rằng Fu Hsi (Phục Hi, 4486 tr. Tây Lịch - 4365 tr. Tây Lịch), nhân vật huyền sử thời Tam Hoàng Ngũ Đế ở Trung Hoa, ngồi trên bờ sông và thấy Kỳ Lân lội qua sông. Ông vẽ lại hình Kỳ Lân trên cát. Theo hình vẽ thì Kỳ Lân giống Nai, mình có vảy giống vảy Rồng. Lưng có nhiều dấu lạ rất thần diệu. Chỉ có một sừng trên trán.
Người Tây Phương mô tả Kỳ Lân như Bạch Mã có sừng trên trán. Có người cho rằng Kỳ Lân mình Dê, đuôi Sư Tử. Trên trán có một sừng nhọn và dài. Cách đây 2000 năm người Hy Lạp mô tả Kỳ Lân như một con vật xa lánh loài người bằng cách tránh xa tầm nhìn của họ để khỏi bị săn đuổi. Tôi trộm nghĩ động vật nào lại không muốn tránh xa loài người rình rập, gài bẫy, dùng cung tên, súng lửa bắn giết động vật chúng ta để ăn thịt, lấy da, xương, móng vuốt, răng, ngà, sừng. Kỳ Lân tránh xa loài người và không bao giờ để cho loài người săn đuổi, đánh bắt giam cầm nhờ sự nhanh nhẹn thiên phú của các anh chị ấy.
Một thầy thuốc và sử gia người Hy Lạp tên Ctesias thành Cnidus, sống và viết nhiều truyện về Ấn Độ vào thế kỷ V trước Tây Lịch đã viết về Kỳ Lân như sau: vóc dáng Ngựa (Mã tộc), lông trắng, đầu tím, mắt xanh, trán có sừng tam sắc: đỏ, đen và trắng. Đó là Kỳ Lân Bạch Mã. Người Hy Lạp gọi là Hippos monokeras (Độc Giác Mã). Có phải chăng đó là anh chị Tê Giác một sừng?
Độc Giác Mã - Hippos monokeras (Ảnh: https://aminoapps.com/)
Trong các bức tranh vẽ Kỳ Lân của người Âu Châu, bức tranh Kỳ Lân nằm trong lòng một trinh nữ là bức tranh gây ấn tượng sâu sắc nhất.
Tranh Trinh Nữ và Kỳ Lân, Domenico Zampieri -
khoảng 1602 (Ảnh: https://nl.wikipedia.org/)
Trong chừng mực nào đó Đông và Tây gặp nhau về đặc tính kích dục, hạ sốt, kéo dài thời thanh xuân và hóa giải thuốc độc của sừng Kỳ Lân. Cho đến đời Trung Cổ người Âu Châu liên hệ Kỳ Lân với đấng Christ biến sừng Kỳ Lân thành dược liệu cứu rỗi loài người. Bức tranh Kỳ Lân được một trinh nữ âu yếm, vuốt ve có phải là hình ảnh của Đức Mẹ Đồng Trinh?
Chữ Re'em dùng trong Cựu Ước Kính ám chỉ động vật độc giác (Unicorn- Monokeros) như Tê Giác chẳng hạn (Numbers – Dân Số Ký 23:22, 24:8; Deuteronomy – Phúc Truyền Luật Lệ Ký 33:17; Job 39:9-12; Psalm – Thi Thiên 29:6.)
Trong Thánh Kinh tiếng Anh dùng chữ Unicorn (Độc Giác – một sừng). Trong Thánh Kinh tiếng Việt dùng chữ Bò Rừng. Bò Rừng không phải là động vật độc giác.
Thưa quí vị, tôi đang điên đầu về Kỳ Lân.
Người thì nói đó là Bò một sừng tức Tê Giác.
Người thì nói Kỳ Lân giống Ngựa, mình có vảy như Rồng, chân Dê hay Hươu Nai, đuôi Sư Tử.
Tượng con Nghê trong thái miếu nhà Hậu Lê (Ảnh: baoxaydung.com.vn)
Ở Việt Nam người đặt tượng anh chị Nghê không có sừng ở các nơi tôn nghiêm. Tôi không rõ anh chị Nghê bà con với Kỳ Lân như thế nào. Có người nói Nghê là Lộc Tử (Nai con nên không có sừng). Người Việt Nam có câu:
Làm cốt thì ngáp.
Làm Nghê thì chầu.
Ngày nay người Trung Hoa có khuynh hướng tạc tượng Kỳ Lân giống Sư Tử. Múa Lân trở thành múa Sư Tử. Khi nói đến Kỳ Lân người ta liên tưởng đến Kỳ Lân Sư Tử. Kỳ Lân Sư Tử ngày nay ngồi trước cửa nhà hàng hay siêu thị Á Đông.
Múa Lân (Ảnh internet)
Dù là Đông hay Tây loài người xem Kỳ Lân là biểu tượng của sự thanh khiết, trí sáng, điềm may mắn, vui tươi và thịnh vượng. Vào dịp Tết hay những ngày hội lớn người Trung Hoa thường tổ chức múa Lân và đốt pháo để xua đuổi điều xui xẻo, hung khí ra khỏi nhà. Múa Lân phải có tiếng pháo nổ vang rền, tiếng trống thúc giục, tiếng phèn la, chập chõa ì ầm cùng với những màn múa gươm đánh võ. Đoàn múa Lân có đẳng cấp, thứ bậc rõ rệt. Lân râu bạc đi đến đâu các đoàn Lân khác phải giở nón, cúi đầu không dám hỗn láo cạnh tranh!
Ngoài múa Lân còn có múa Cù. Cù là thân thuộc của Rồng. Đó là một linh vật như Rồng (Long) trong Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phượng vậy. Khi có mưa to, gió lớn làm sập nhà cửa, người ta nói đó là hiện tượng Cù dậy. Ở các vùng biển thỉnh thoảng xảy ra đất gây sụp như hiện tượng Sìnkhole ở Florida hay Do Thái, người ta cũng cho rằng đó là hậu quả của Cù dậy.
Trong ngôn từ của người Việt Nam có những từ ngữ nói về Lân như:
Trong thôn Lạc Chính, Hà Nội, có bãi Kỳ Lân. Địa danh này rất xưa, nay không còn nữa.
Kỳ Lân là tên hai quả núi trong xã Mật Sơn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Trong tỉnh An Hui (An Huy, Trung Hoa) có Qilin Zhen (Kỳ Lân Phố) và Kỳ Lân Thôn (Qilin Cunzhuang)
Long, Lân, Quy, Phượng là Tứ Linh. Vậy mà trong Lục Vân Tiên có câu:
Quân rằng thịt cá ê hề,
Khô Lân, chả Phượng bộn bề thiếu chi.
Vậy Phượng Hoàng hay Kỳ Lân đâu có hiếm và thiêng liêng gì với khối lượng khô Lân và chả Phượng trong một quán ăn vô danh.
Phượng Hoàng hay Kỳ Lân là linh vật trong trí tưởng tượng của loài người hay thực sự là linh vật tuyệt chủng?
Trong bát trân tức tám món ăn quí ngày xưa có:
Trong Bát Trân có hai món ăn liên quan đến hai linh vật. Đó là Gan Rồng và Tuỷ Phượng.
Theo huyền sử Trung Hoa, Kỳ Lân có một địa vị đặc biệt. Kỳ Lân xuất hiện là điềm Thánh nhân chào đời, điềm may mắn báo hiệu cảnh thanh bình, xã hội có giềng mối trật tự, người người an vui hạnh phúc. Kỳ Lân không nài khó nhọc xuất hiện:
- Thời Fu Hsi (Phục Hi)
- Ngày Đức Khổng Tử chào đời
- Thời Hán Vũ Đế (?)
- Thời Yongle (Vĩnh Lạc Hoàng Đế) khi gắn tên Kỳ Lân cho Hươu Cao Cổ để cho thảo dân thấy tính Thiên Định của Minh Triều.
Tôi được ban danh hiệu Hùm Tộc Giang Tây Đại Học Sĩ nhưng tôi vẫn còn thắc mắc chuyện này:
Kỳ Lân xuất hiện, Đức Khổng Tử chào đời. Vậy những hài nhi sinh cùng năm, cùng tháng, cùng ngày và cùng giờ với Đức Khổng Tử ngày Kỳ Lân xuất hiện có định số như thế nào nói theo Tử Vi Học kết hợp với Siêu Hình Học?
Ở Việt Nam 99% những người mang tên Phượng đều là nữ phái. Theo nghĩa nguyên thuỷ của Phượng trong tên Phượng Hoàng thì Phượng là linh vật nam và Loan hay Hoàng là linh vật nữ. Thế là anh PHƯỢNG (nam) đã bị nữ hoá.
Trong tên gọi Kỳ Lân, KỲ là nam (+) và LÂN là nữ (-). 99% những người Việt Nam mang tên Lân đều là nam phái. Thế là chị LÂN đã bị nam hóa.
Mấy thầy tướng Trung Hoa khen người có mũi Kỳ Lân.
Sừng Kỳ Lân như có phép nhiệm màu trong việc chữa trị bịnh nhất là hóa giải các chất độc, hạ sốt, tăng cường sinh lực cho nam giới. Những đặc tính này được các thầy thuốc Đông Y Trung Hoa tìm thấy trong sừng Tê Giác, một động vật vắng bóng trong rừng Trung Hoa.
Tranh Tứ Linh gồm Long, Lân, Quy, Phụng được dân gian bắt nguồn từ bốn linh vật:
Thanh Long, Bạch Hổ, Huyền Vũ và Chu Tước (Ảnh: https://soha.vn/).
Trong tinh tú học Trung Hoa, Tứ Linh (Long, Lân Qui, Phượng), Bạch Hổ thành Ngũ Linh với những biểu tượng dựa theo Âm Dương Ngũ Hành như sau:
Ngũ linh |
Hướng |
Mùa |
Hành |
Màu sắc |
Thanh Long |
Ɖông |
Xuân |
Mộc |
Xanh |
Chu Tước (Phượng) |
Nam |
Hạ |
Hỏa |
Ɖỏ |
Bạch Hổ |
Tây |
Thu |
Kim |
Trắng |
Huyền Vũ (Quy) |
Bắc |
Ɖông |
Thủy |
Ɖen |
Kỳ Lân (Hoàng Long) |
Trung Tâm |
Hạ Chí |
Thổ |
Vàng |
Thanh Long (Rồng Xanh), Chu Tước (thay cho Phượng Hoàng), Bạch Hổ (Cọp Trắng), Huyền Vũ (Hắc Quy), mỗi sao có 7 sao phụ. Tất cả tạo thành Nhị Thập Bát Tú (28 vì sao) trên vòm Trời.
Trong 12 con Giáp có Cọp (Dần), Chó (Tuất), Dê (Mùi), Ngựa (Ngọ), Rồng (Thìn) mà không thấy Kỳ Lân. Trong số Đề có Cọp, Chó, Dê, Ngựa, và 3 Long tộc (số 5, số 10 và số 26). Kỳ Lân cũng không hiện diện trong 40 số Đề. Điều này cho thấy Kỳ Lân rất bí hiểm. Sự hiểu biết về Kỳ Lân còn mơ hồ lắm.
Trong tinh tú học Tây Phương có chòm sao Monoceros Constellation (Độc Giác Tinh) được tìm thấy dễ dàng ở Bắc Bán Cầu vào mùa Đông. Chòm sao Độc Giác Tinh (tạm xem là Sao Kỳ Lân) do nhà thiên văn học, tu sĩ, nhà vẽ bản đồ Hoà Lan Petrus Plancius (1552 - 1622) đặt tên dựa theo những phát hiện thực tiễn của các nhà hàng hải. Ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Monoceros là sao Alpha Monoceros.
Trong vùng biển lạnh ở Bắc Cực gần Nga, Na Uy, Canada, Greenland có một loại Cá Voi có một ngà. Đó là Cá Voi Narwhale mang tên khoa học Monodon Monoceros thuộc gia đình Monodontidae. Người Anh gọi là Unicorns of the sea (Kỳ Lân Biển hay Độc Giác Ngư hay Hải Kỳ Lân mặc dù đây là ngà chớ không phải sừng giác). Các nam Kỳ Lân Biển có một răng trong miệng và một răng dài như cái ngà dài mọc ra phía trước tựa như cây kiếm. Nữ Kỳ Lân Biển chỉ có một răng trong miệng. Ít khi nữ Kỳ Lân Biển có răng ngà dài như cây kiếm.
Kỳ Lân Biển hay Độc Giác Ngư hay Hải Kỳ Lân -
Cá Voi Narwhale (Ảnh: https://www.istockphoto.com/)
Kỳ Lân Biển dài từ 4 m đến 5,5 m và cân nặng từ 800 kg đến 1.500 kg. Người ta săn Kỳ Lân Biển để lấy da, thịt, xương nhất là ngà được ví như sừng Kỳ Lân nhưng ngà này dài như cây kiếm. Có ngà dài đến 3 m.
Ngà của Kỳ Lân Biển là một bộ phận nhạy cảm được các nhà khoa học nghiên cứu rất nhiều. Ngà giúp cho Kỳ Lân Biển biết được những biến đổi trong môi trường sống. Ngà là võ khí để tự vệ và giao tranh, xung đột khi tìm nữ phái để ái ân. Ngà là phương tiện hữu ích giúp cho Kỳ Lân Biển tìm thức ăn và tìm người yêu. Trên ngà của Kỳ Lân Biển có hàng triệu dây thần kinh. Có phải chăng cái răng dài này có giá trị đặc biệt như sừng Tê Giác hay sừng Kỳ Lân tam sắc?
***
Theo sự mô tả của loài người Kỳ Lân là linh vật hiền hoà, đức độ mang sự may mắn và điềm lành nhưng nhìn tướng của anh chị Kỳ Lân và anh chị Nghê không ai dám nghĩ họ là những linh vật hiền hoà, trái lại họ tượng trưng cho sự hung tợn của Sư Tử và Khuyển tộc vì miệng lúc nào cũng mở rộng để lộ hàm răng nhọn lởm chởm như sẵn sàng cắn xé mọi vật chung quanh.
Ngũ Linh là biểu tượng của:
- Sức mạnh, uy quyền qua hình ảnh của LONG, HỔ
- Sự báo hiệu điềm lành, trí tuệ minh mẫn, sáng suốt, vẻ đẹp, tính quí phái, cao thượng thuần khiết qua hình ảnh của KỲ LÂN và PHƯỢNG HOÀNG.
- Sự trường thọ qua hình ảnh của QUY và PHƯỢNG HOÀNG.
Kỳ Lân còn được gọi là HOÀNG LONG tức Rồng Vàng. Ở Đông Phương màu vàng là màu được quí trọng vì đó là màu áo (hoàng bào) và Vương miện của vua. Màu vàng là màu của một loại kim khí quí mang cùng tên VÀNG (Gold – Au). Ngày xưa màu vàng là màu độc quyền của vua. Rồng là biểu tượng của Vương quyền. Chỉ có vua mới mặc áo màu vàng có thêu hình Rồng đầy đủ năm móng.
Nói theo quan niệm thời đại Rồng tượng trưng cho sức mạnh của Hải Quân và Không Quân. Rồng vùng vẫy trên biển cả và bay bổng tận mây xanh.
Bạch Hổ tượng trưng cho sức mạnh của Lục Quân.
Phượng Hoàng tượng trưng sự quyền quí, cao sang tức sức mạnh Kinh Tế và Văn Hoá, Nghệ Thuật. Phượng Hoàng bay trên không trung như phi cơ hàng không dân sự ngày nay. Sắc đẹp của Phượng Hoàng mang nhiều nữ tính.
Quy tượng trưng cho Hải Quân, Thủy Quân Lục Chiến và xe tăng lội nước (amphibious tanks) (1).
Tất cả các sức mạnh kinh tế và quân sự của Tứ Linh dồn về trung tâm tượng trưng bởi Hoàng Long tức Kỳ Lân (Hướng: Trung Tâm; Hành: Thổ; Màu Sắc: Vàng; Mùa: Hạ Chí). Kỳ Lân sống trên mặt đất, lội nước được. Với biệt danh Hoàng Long, Kỳ Lân bay bổng trên không trung. Như vậy Kỳ Lân (Hoàng Long) tiêu biểu cho sức mạnh tổng hợp của Hải, Lực, Không Quân
Trong Ngũ Linh ta có:
Tây |
|
Ɖông |
|
Trung tâm |
|
Nam |
|
Bắc |
Dưới triều Nguyễn có NGŨ QUÂN ĐÔ THỐNG (2): Tả Quân Đô Thống, Hữu Quân Đô Thống, Tiền Quân Đô Thống, Hậu Quân Đô Thống. Cả bốn vị Đô Thống này đặt dưới quyền chỉ huy của vị Trung Quân Đô Thống.
Kính thưa quí vị, chuyện Kỳ Lân đến đây là hết. Kính chúc quí vị một ngày không giông tố, một đêm đầy trăng sao, một giấc ngủ êm đềm mộng thấy Kỳ Lân và Phượng Hoàng đáo trần gian.
Một nhạc sĩ Bạch Hùng của Nga độc tấu bản Monoceros, một sáng tác của một nhạc sư Thiền tộc Hy Lạp, bằng đàn Balalaika để tặng Quốc Tế Hội Nghị Động Vật.
HÙM TỘC GIANG TÂY ĐẠI HỌC SĨ Panthera tigris amoyensis.
.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
________
Chú thích:
(1) Xe tăng lội nước (Amphibious tanks) đầu tiên là T- 37 A do Liên Sô sản xuất năm 1932 dựa vào mô hình của xe tăng Vickers của Anh. Năm 1939 xe tăng Vickers lội nước của Anh xuất hiện.
(2) Đô Thống: Thống Chế (Marechal- Marshal)
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/kylan.html