Phạm Ɖình Lân


Hải Ly

   

“Hôm nay có chuyện gì lớn lao mà cho nhiều máy lạnh vào giữa rừng nhiệt đới Phi Châu như vậy?” Ngựa Rằn hỏi Hà Mã.

“Anh không biết sao? Hôm nay đại diện tộc Hải Ly đọc tham luận.” Hà Mã sông Nile đáp.

“Hải Ly là tộc nào? Tôi mới nghe đến đám nầy lần đầu tiên.” Ngựa Rằn tò mò hỏi.

“Tộc nầy vốn là loài gặm nhấm như bọn Chuột. Nhưng chúng sống ở miền ôn đới lạnh. Vì vậy, khi bọn họ đến đây, ban tổ chức phải lo nhiều hệ thống lạnh cho bọn họ.”

Trong lúc Ngựa Rằn và Hà Mã trò chuyện, ban nhạc Grillon của Pháp trổi bản Le Chant des Castors hùng dũng giữa tiếng kèn trống vang rền.

Bản Le Chant des Castors vừa dứt thì một nhạc sĩ trong ban nhạc Tượng tộc Ấn Độ giới thiệu với các đại biểu tham dự hội nghị bản Mặt Trời Lặn Sau Đỉnh Kilimanjaro.

Mặt trời mọc rồi łặn sau đỉnh Kilimanjaro.
Ngày qua, đêm đến, mọi việc lặng lẽ trôi qua.
Giòng đời không êm đềm bất biến.
Tất cả đều biến đổi từng giây phút thời gian.
Ngày qua,
Đêm đến.
Sau ánh sáng là bóng tối.
Kilimanjaro! Kilimanjaro!

Bản nhạc kết thúc bằng những hồi trống uể oải, nhịp nhàng khi những tia sáng cuối cùng của vầng thái dương biến mất hẳn sau đỉnh Kilimanjaro. Trong lúc các đại biểu động vật đắm chìm trong giấc ngủ nửa tỉnh nửa mơ trong hội trường thì đại diện Hải Ly tộc đến. Đó là một lão Hải Ly từ Bắc Âu đến. Trông lão còn khỏe mạnh lắm. Lão mặc một cái áo cánh để lộ bộ ngực trắng phau không lông lá. Nghe nói khi đến lục địa Phi Châu bằng đường hàng không, lão ghé một tiệm hớt tóc ở Khartum để cạo lông và tóc vì không chịu nổi thời tiết nóng bức của lục địa Phi Châu. Lão Hải Ly Bắc Âu cúi đầu chào đại biểu động vật hiện diện và bắt đầu đọc bản tham luận của Hải Ly tộc và các thân thuộc xa gần.

***

Địa bàn sống của tộc Hải Ly chúng tôi là vùng khí hậu ôn đới lạnh, bán hàn đới hay hàn đới như Bắc Âu, Bắc Mỹ, Tây Bá Lợi Á, Đông Bắc Trung Hoa, bán đảo Triều Tiên, Chile, Argentina. Hải Ly chúng tôi là loài gặm nhấm như Thử tộc với hàm răng sắc bén, lông thô và rậm rạp. Hải Ly là động vật có vú và sinh con.

Hải Ly lục địa Âu-Á Castor fiber (Ảnh: landschapoverijssel.nl)

Hải Ly có hình dạng của Chuột và Chuột Lang (Guinea pig) trong các phòng thí nghiệm của loài người. Răng Hải Ly màu vàng cam. Hải Ly chúng tôi sống bằng cỏ, hoa màu, trái cây, vỏ cây, rễ cây v.v.. Chúng tôi lặn lội dưới nước lạnh rất giỏi.

Hải Ly là loài gặm nhấm to lớn ở các vùng khí hậu ôn đới lạnh. Loài người xem Hải Ly chúng tôi là động vật thông minh, những nhà kiến trúc đập bằng cách dùng răng cắn gãy các nhánh cây và kéo đến nơi kiến trúc đập.

Hải Ly có mắt nhỏ, đôi tai nhỏ, miệng nhỏ với bộ răng sắc bén. Đuôi Hải Ly phẳng, phủ nhiều lông ở cuối đuôi. Hai chân trước của Hải Ly ngắn hơn hai chân sau. Mỗi bàn chân có 5 ngón. Các ngón chân đều có móng vuốt nhọn và cứng.

Hải Ly sống trên mặt đất và dưới nước. Khả năng lặn lội dưới nước giá lạnh của Hải Ly rất cao.

Hải Ly Bắc Mỹ Castor canadensis (Ảnh: pellavistapoa.com)

Tên khoa học của Hải Ly lục địa Âu-Á là Castor fiber, thuộc gia đình Castoridae. Hải Ly to lớn ở Bắc Mỹ mang tên khoa học Castor canadensis cùng gia đình Castoridae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh & Hoa Kỳ

Beaver

Pháp

Castor

Đan Mạch

Baever

Hòa Lan

Bever

Na Uy

Bever

Trung Hoa

Hai Li

Việt Nam

Hải Ly (âm theo Hoa ngữ)

Theo sự nghiên cứu của loài người Hải Ly chúng tôi theo chế độ độc thê.

Vừa nói đến đây, dưới hội trường đại diện Khuyển tộc hỏi:“Nếu các Hải Ly phu nhân chết thì các ông sống như thế nào?”

– “Sống như quí vị nghĩ!” Lão Hải Ly Bắc Âu trả lời một cách tự nhiên.

– Ồ! Dưới hội trường có tiếng cười rộ.

Lão Hải Ly bắt đầu trở lại chủ đề chính trong ngày.

Hải Ly tộc dài từ 90cm đến 120cm, cân nặng từ 17kg đến 30kg. Hải Ly Bắc Mỹ mang tên khoa học Castoroides ohioensis là Hải Ly khổng lồ. Năm 1921 một anh Hải Ly bị bắt ở Iron County, tiểu bang Wisconsin, cân nặng 50 kg.

Đối với loài người ăn tạp Hải Ly tộc cho họ một nguồn thịt và da, lông to lớn. Loài người khen đuôi Hải Ly có nhiều chất béo. Họ săn bắn Hải Ly để lấy da, lông dùng làm nón và áo ấm. Dân số Hải Ly trên thế giới sụt giảm rất nhiều so với thế kỷ trước. Hiện nay dân số Hải Ly trên thế giới có khoảng từ 10 triệu đến 15 triệu anh chị Hải Ly ở Bắc Mỹ và lối 1 triệu Hải Ly ở Âu Châu so với 100 - 200 triệu vào cuối thế kỷ XIX.

Hải Ly tộc có rất nhiều kẻ thù như Rắn, Rái, Chó Sói, Gấu, Chó Đồng Cỏ (Coyote), Linh Miêu (Lynx), Chồn Gu-lo (Wolverine). Rái rình rập ở các đập để ăn thịt các ấu nhi Hải Ly. Nguy hiểm nhất vẫn là loài người. Họ thù ghét chúng tôi xây đập gây ngập lụt và làm hư hại mùa màng của họ. Họ dùng súng bắn giết chúng tôi, ngoài việc để lấy thịt, da lông, còn ngăn ngừa sự phá hoại của chúng tôi. Hậu quả là dân số Hải Ly trên thế giới ngày nay chỉ bằng 10% dân số của đầu thế kỷ trước!

Sự sinh sản của Hải Ly tộc không cao như sinh suất của Thử tộc. Tuổi yêu đương của Hải Ly xê dịch từ 2 - 3 tuổi. Tuổi yêu đương của các chị Hải Ly là 2,5 tuổi. Các chị chỉ sinh một lứa trong năm. Số con trung bình trong lứa là 4. Số con cao nhất lên đến 8. Hải Ly tử sống bên cha mẹ trong 2 năm thì ra sống riêng. Nhưng họ không rời hẳn đại gia đình. Thường thường vào mùa đông hay khi thời tiết khắc nghiệt các nam Hải Ly tự về với đại gia đình để giúp đỡ cha mẹ.

Kính thưa quí vị,

Hải Ly chúng tôi sống vất vả ở những vùng ẩm thấp nhưng lạnh buốt. Thức ăn chẳng có gì ngoài cây cỏ, vỏ cây. Thợ săn miền hàn đới và bán hàn đới Bắc Mỹ, Bắc Âu xem chúng tôi là nguồn thịt ngon, nhiều mỡ nên khi nướng hay chiên xào bốc mùi thơm phức. Da lông chúng tôi rất thô nhưng được loài người dùng để làm nón, áo ấm đắt tiền ngoài thị trường. Thân xác chúng tôi được nấu ra-gu, xông khói để sấy khô, nướng vỉ hay nghiền nát để làm xúc-xích. Thịt Hải Ly chúng tôi được sơn dân và người bản địa ở Bắc Mỹ ưa thích. Khi người Âu Châu đến Bắc Mỹ, họ bắt chước người bản địa ăn thịt Hải Ly. Họ khen thịt, gan, chân và đuôi Hải Ly có hương vị thơm và béo đặc biệt. Nào là thịt Hải Ly có nhiều protein. Nào là gan Hải Ly có nhiều sinh tố A và chất sắt (Fe). Các bô lão Hải Ly rùng mình khi nghe những lời khen của các tay ăn nhậu sành điệu của loài người.

Bây giờ tôi xin phép quí vị nói qua về các thân thuộc xa gần của Hải Ly tộc.

Trên thế giới có 1.500 loài gặm nhấm khác nhau. Tất cả đều là thân thuộc xa gần của Hải Ly tộc chúng tôi. Thân thuộc chúng tôi sống rải rác khắp nơi trên thế giới. Bọn Chuột, Chuột Kangaroo (Chuột nhảy phóng hai chân như Kangaroo), Chuột Vàng (Gopher), Nhen, Sóc, Nhím v.v. đều là huynh đệ xa gần của đại gia đình Hải Ly. Bọn Chuột sống lủi thủi dưới hang, dưới cống, ngoài đồng vắng. Bọn Nhen, Sóc sống cuộc đời thanh cao trên cây. Tụi nó chỉ ăn trái cây mới chín nên áo quần của chúng sang trọng và khác biệt với mấy thằng gặm nhấm kham khổ khác.

Chuột Kangaroo phóng nhảy bằng hai chân sau

Chuột Kangaroo (Ảnh: fictionrulezforever.fandom.com)

Gọi là Chuột Kangaroo vì hình hài của các anh chị ấy giống Chuột nhưng cách phóng nhảy bằng đôi chân sau rất mạnh và nhanh như cách phóng nhảy của Kangaroo ở Úc Đại Lợi vậy. Cố nhiên các anh chị ấy thuộc về loài gặm nhấm, động vật có vú và sinh con.

Tên khoa học của Chuột Kangaroo là Dipodomys merriami thuộc gia đình Heteramyidae. Tên gọi thông thường là:

Anh & Hoa Kỳ: Kangaroo Rat
Pháp: Rat Kangourou.

Chuột Kangaroo có vóc dáng của Chuột. Mắt to, tai nhỏ; đuôi dài và có nhiều lông ở cuối đuôi. Hai chân trước ngắn; hai chân sau to, dài và mạnh nên phóng nhảy rất nhanh và xa. Mỗi bàn chân có 4 ngón chân có móng nhọn và bén. Chuột Kangaroo dài từ 10cm - 20cm. Trọng lượng trung bình xê dịch từ 40gr đến 180gr. Trên thực tế Chuột Kangaroo to lớn nhất dài lối 22cm, chỉ cân nặng 142gr (05 ounces). Các anh chị Chuột Kangaroo mặc quần áo màu hung đỏ nhạt. Họ sống dưới hang do chính các anh chị đào trong các sa mạc trên thế giới.

Thức ăn của Chuột Kangaroo là các loại hột, trái cây và các loại côn trùng như Trùn, Dế, Cào Cào v.v.. Chuột Kangaroo Dipodomys microps là động vật có vú ăn lá cây muối màu xanh bạc và có vị mặn. Cây muối mang tên khoa học Atriplex lentiformis thuộc gia đình Chenopodiaceae. Tên gọi thông thường là:

Anh: Quail bush, Saltbush.
Việt Nam: Cây Muối Am Thuần Điểu (1).

Tuổi yêu đương của Chuột Kangaroo xê dịch từ 60 - 84 ngày sau khi chào đời. Sau các cuộc yêu đương các chị Chuột Kangaroo mang thai và sinh con trong vòng 33 ngày.

Dưới nhãn quan của loài người thịt Chuột Kangaroo cũng là nguồn thức ăn ngon và bổ dưỡng. Pháp hay Trung Hoa đều có cuisine des rongeurs (Bếp nấu loài gặm nhấm).

Chuột Túi Má hay Chuột Vàng

Chuột Túi Má (Ảnh: bioone.org)

Gọi là Chuột Túi Má dịch từ tiếng Anh Pocket gophers vì Chuột có hai má phình to như cái túi chứa đựng thức ăn hay vật liệu để làm ổ dưới hang. Thường thường hai má được phủ lông vàng nên Chuột Túi Má còn được gọi là Chuột Vàng.

Chuột Túi Má hay Chuột Vàng được tìm thấy nhiều ở Bắc Mỹ, nhất là trên Đại Đồng Bằng Hoa Kỳ. Chuột Túi Má đào hang để sống ở những vùng đất cát có thảo mộc để ăn.

Chuột Túi Má có đuôi ngắn. Chuột dài từ 15 đến 25cm cân nặng từ 450gr đến 01kg. Chuột Túi Má có mặt nhỏ, tai nhỏ. Móng chân trước to, dày và bén nhọn giúp cho Chuột đào hang dễ dàng. Chuột Túi Má đánh hơi bằng ria khi hoạt động ban đêm.

Thức ăn của Chuột Túi Má phần lớn là cỏ, rễ cây, vỏ cây, các loại hột.

Khi lên 1 tuổi Chuột Túi Má đã trưởng thành, biết yêu đương để truyền tử lưu tôn trong cộng đồng Chuột Túi Má vàng.

Các chị Chuột Túi Má vàng mang thai trong 19 - 25 ngày thì sinh từ 5 - 6 con.

Tên khoa học của Chuột Túi Má là Geomys bursarius thuộc gia đình Geomyidae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh & Hoa Kỳ

Pocket gopher, Gopher

Pháp

Marmotte

Việt Nam

Chuột Túi Má, Chuột Vàng

Trung Hoa

Nang di shu

Chuột Đầm Lầy

Chuột Đầm Lầy (Ảnh: Wikipedia)

Chuột Đầm Lầy Nutria được tìm thấy nhiều ở vùng Vịnh Mexico, duyên hải Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chuột này được du nhập từ Nam Mỹ vào Hoa Kỳ năm 1899 để nuôi lấy thịt và bán da, lông. Từ thập niên 1940 về sau thị trường lông Chuột Nutria sụp đổ, Chuột được giải phóng khỏi các trại chăn nuôi để trở lại đời sống thiên nhiên ở những vùng đầm lầy, ẩm ướt có nhiều cỏ và thực vật.

Tên khoa học của Chuột Đầm Lầy là Myocastor coypus thuộc gia đình Myocastoridae. Như vậy Chuột Đầm Lầy là thân thuộc rất gần với Hải Ly (Beaver – Castor). Tên gọi thông thường của Chuột Đầm Lầy là:

Quốc gia

Tên gọi

Anh & Hoa Kỳ

Nutria, Coypu, Swamp beaver

Việt Nam

Chuột Đầm Lầy, Hải Ly Thử

Nam Mỹ

Coypu

Pháp

Ragondin

Hòa Lan

Beverrat (Chuột Hải Ly - Hải Ly Thử)

Đức

Nutria, Sumpfbiber (Hải Ly Đầm Lầy)

Trung Hoa

Haili shu (Hải Ly Thử)

Chuột Đầm Lầy to lớn hơn Chuột thường nhưng nhỏ hơn Hải Ly. Chuột Nutria có đầu to; mắt và tai nhỏ; răng chó to, màu vàng cam nổi cộm nhô ra ngoài; chân ngắn; chân trước ngắn hơn chân sau; mỗi chân có 5 ngón; đuôi ngắn. Chuột Đầm Lầy bơi, lặn rất giỏi.

Chiều dài trung bình của Chuột Nutria lối 50 - 60cm. Trọng lượng trung bình xê dịch từ 7kg đến 9kg.

Ngày nay việc dùng lông Chuột Đầm Lầy không còn quan trọng nữa.

Các anh chị ấy trở thành nguồn thịt của người địa phương. Họ săn Chuột Nutria để lấy thịt và làm giảm sự phá hại mùa màng, đê điều, đường sá dọc theo sông ngòi, kinh rạch và bờ biển do các anh chị gặm nhấm gây ra.

Việc sinh sản của Chuột Nutria rất cao. Chuột trưởng thành khi được từ 6 - 8 tháng tuổi. Sau công tác truyền giống các chị Chuột Nutria mang thai trong 130 ngày mới sinh con. Các chị sinh 3 lứa con trong năm. Mỗi lứa có từ 2 - 6 con. Số con cao nhất là 13!

Chuột Sóc

Chuột Sóc là loài gặm nhấm có vóc dáng bề ngoài đẹp đẽ và sang trọng. Các anh chị ấy không muốn bị gọi là Chuột Sóc mà chỉ muốn gọi là Sóc vì chữ Chuột gợi lên hình ảnh ghê rợn, xấu xí, hay phá phách và mang dịch bịnh gây tử vong khủng khiếp.

Sóc là loài gặm nhấm xinh đẹp, quần áo mịn màng màu đen-xám, đen-vàng với sọc trắng hay vàng trông đẹp mắt. Các anh chị Sóc rất thông minh. Các anh chị ấy biết kêu cứu ầm ĩ khi gặp hiểm nguy.

Sóc có 03 nhóm:

  1. Sóc sống trên cây.
  2. Sóc sống dưới đất.
  3. Sóc bay.

Sóc ăn hột, nấm, trái cây, rau cải v.v.. Các anh chị Sóc rất cần nước.

Sóc kỵ sô-cô-la (Chocolate) vì có chất theobromine C7H8N4O2, một alkaloid đắng, độc đối với tộc gặm nhấm nầy. Sóc cũng kỵ trái avocado (trái bơ, trái trạng sư) vì có persin C23H40O4. Các anh chị Sóc thích thơm, dưa hấu, trái táo (apple).

Sóc Sống Trên Cây

Sóc Sống Trên Cây Bắc Mỹ Sciurus carolinensis (Ảnh: Wikipedia)

Gọi như thế vì các anh chị Sóc nầy sống trên cây. Họ thích sống trên các cây to có gỗ cứng và có nhiều trái. Ở các nước ôn đới đó là cây sồi, cây hình nón, lá xanh quanh năm như cây thông, cây tùng.

Sóc Sống Trên Cây Bắc Mỹ mang tên khoa học Sciurus carolinensis thuộc gia đình Sciuridae. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh & Hoa Kỳ

Squirrel, Tree squirrel

Pháp

Écureuil, Écureuil arboricole

Việt Nam

Sóc

Trung Hoa

Song shu, Hui shu

Đa số anh chị Sóc Sống Trên Cây mặc quần áo xám, đuôi như tàu cau có nhiều lông trông đẹp mắt. Sóc sống trên cây thông mặc quần áo màu đỏ.

Các chị Sóc Sống Trên Cây sinh 2 lứa trong năm. Mỗi lứa có từ 2 đến 4 Sóc con.

Tuổi thọ của Sóc Sống Trên Cây xê dịch từ 5 - 10 năm.

Sóc Sống Dưới Ɖất

Sóc Sống Dưới Đất ở Bắc Mỹ Tamias striatus (Ảnh: Wikipedia)

Sóc Sống Dưới Đất tương đối nhỏ hơn Sóc Sống Trên Cây. Các anh chị ấy thường mặc áo quần có sọc rằn màu trắng hay màu đen chạy dài từ đầu đến đuôi. Họ sống trên mặt đất hay sống dưới hang. Thức ăn của họ là thực vật, các loại hột, trái cây, vỏ cây và các loại côn trùng.

Sóc Sống Dưới Đất được xem là loại Sóc thông minh nhưng khó nuôi vì các anh chị luôn luôn khao khát tự do hơn là sống bám vào loài người, mặc dù họ được loài người chăm sóc nuông chiều.

Tên khoa học của Sóc Sống Dưới Đất ở Bắc Mỹ là Tamias striatus (2) thuộc gia đình Sciuridae. Loài Sóc Sống Dưới Đất to hơn mang tên khoa học Tamias minimus. Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Anh & Hoa Kỳ

Chipmunk, Striped squirrel (Sóc Sọc);
Ground squirrel, Terrestrial rodent

Pháp

Écureuil terrestre

Việt Nam

Sóc đất

Sóc Đất không có đuôi nhiều lông như đuôi Sóc xám sống trên cây.

Sóc Đất bắt cặp 2 lần trong năm vào mùa Xuân và mùa Hạ. Sau khi bắt cặp, các chị Sóc Đất mang thai trong 1 tháng (30 ngày) thì sinh từ 3 đến 5 con nhỏ. Các anh Sóc Đất không có nhiệm vụ gì rõ ràng trong việc sinh sản và nuôi con của các chị. Có người cho rằng các anh Sóc Đất vô trách nhiệm. Có người cho rằng mọi việc xảy ra vì các chị Sóc Đất theo chủ nghĩa đa phu. Các chị đuổi người yêu sau cuộc yêu đương. Mọi việc còn nằm trong vòng điều tra và nghiên cứu của Hội Đồng Công Lý Gặm Nhấm Hoàn Vũ để có giải đáp đúng cho vấn đề.

Sóc Bay

Sóc Bay (Flying squirrel) tương đối hiếm hoi.

Các anh chị nầy sống trên cây, bay lượn từ cây này đến cây khác như các anh chị Dơi vậy.

Sóc Bay có chân dài, mắt to, đuôi dài, lông mịn và dài.

Có ba dòng Sóc Bay chính:

1. Sóc Bay Âu Châu thuộc dòng Pteromys như Pteromys Volans, gia đình Sciuridae.

Sóc Bay Âu Châu Pteromys Volans (Ảnh: mediastorehouse.com.au)

2. Sóc Bay Bắc Mỹ thuộc dòng Glaucomys như Glaucomys sabrinus, gia đình Sciuridae.

Sóc Bay Bắc Mỹ Glaucomys sabrinus (Ảnh: Wikipedia)

3. Sóc Bay Nam Á & Đông Nam Á thuộc dòng Petaurista như Petaurista petaurista, gia đình Sciuridae, là Sóc Bay khổng lồ màu đỏ.

Sóc Bay Nam Á & Đông Nam Á Petaurista petaurista
(Ảnh: ru.pinterest.com)

Sóc Bay là loài gặm nhấm ăn tạp. Các anh chị ấy ăn Trùn, Dế, Cào Cào, Ốc, các loại chim nhỏ, hột, trái cây, vỏ cây v.v.. Họ dùng răng cắn đồ ăn ngậm trong miệng, dồn vào hai bên má đem về ổ tồn trữ để có thức ăn vào mùa đông. Vì vậy hai gò má của các anh Sóc lúc nào cũng phình to.

Tuổi thọ trung bình của Sóc Bay xê dịch từ 3 - 4 năm.

***

Thưa quí vị,

Qua những báo cáo của chúng tôi vừa rồi quí vị thấy đại gia đình gặm nhấm chúng tôi to lớn như thế nào trên quả địa cầu nầy. Hải Ly tộc to lớn, nặng cân, cắn phá cây cối, gây thiệt hại to lớn cho loài người nhưng dân số Hải Ly trong cộng đồng gặm nhấm rất nhỏ. Trên thực tế, nói đến loài gặm nhấm người ta liên tưởng ngay đến Thử tộc với Chuột Lắt, Chuột Xạ, Chuột Cống, Chuột Đồng v.v.. Trong các động vật có vú trên Địa Cầu loài gặm nhấm chúng tôi chiếm 40%. Trên Địa Cầu ngày nay có gần 8 tỷ nhân loại, Thử tộc chiếm con số tương đương như vậy.

Trong cuộc đấu tranh sinh tồn loài gặm nhấm bị bọn Rắn, Chó Sói, Chồn, Chim Ưng cắn mổ rất nhiều. Kẻ giết hại loài gặm nhấm nguy hiểm nhất vẫn là loài người. Đám động vật hai chân nầy khủng khiếp lắm. Họ giết loài gặm nhấm chúng tôi bằng lửa, bằng khói, bằng súng, cung tên, bằng thuốc độc và bằng cách dùng Chó Săn cắn cổ loài gặm nhấm chúng tôi. Họ buộc tội chúng tôi phá hoại mùa màng của họ. Họ nói chúng tôi gây lũ lụt vì phá hại đê điều ngăn ngừa lụt lội của họ dọc theo các bờ sông như sông Hồng Hà ở Việt Nam chẳng hạn.

Thử tộc là loài gặm nhấm bị loài người ghét bỏ và ghê tởm vì bề ngoài xấu xí, đồ bận trông nghèo nàn và mang nhiều vi trùng bịnh dịch chết người. Loài người có định kiến rằng bị loại gặm nhấm cắn thì bị lên cơn sốt, bị điên hay bị tử vong. Vì vậy gặp loài gặm nhấm ở đâu thì họ dùng mọi phương tiện sẵn có để giết chết, vừa trừ tai họa vừa có thịt dinh dưỡng và bồi bổ.

Trong các loài gặm nhấm chỉ có hai tộc hạnh phúc: Đó là Chuột Mickey và bọn Sóc, Nhen.

a. Chuột Mickey

Chuột Mickey (Ảnh: disney-junior-random-episodes.fandom.com)

Chuột Mickey chỉ là hình vẽ chớ không phải Chuột thật. Hạnh phúc của Chuột Mickey chỉ là hạnh phúc ảo chớ không phải là chân hạnh phúc. Loài người cho loài gặm nhấm chúng tôi ăn bánh vẽ qua Chuột Mickey đi bằng hai chân như loài người, luôn luôn ăn mặc đẹp đẽ với vẻ mặt lạc quan tươi cười.

b. Sóc, Nhen

Sóc, Nhen (Ảnh: Internet)

Tụi Sóc, Nhen được loài người nuông chiều vì sự duyên dáng, sang trọng và đẹp đẻ của chúng nó. Đứa thì ở dưới đất. Đứa sống trong hang. Đứa sống trên cây. Đứa bay nhảy lung tung từ cây này đến cây khác. Sắc đẹp mà Đấng Hoá Công ban cho báo hiệu sự sung sướng vật chất của muôn loài động vật, kể cả động vật hai chân, nhưng không phải là Kê tộc, vì có ngôn ngữ và chữ viết. Đó là một trong những cây thước đo đẳng cấp và hạnh phúc vật chất trong vũ trụ bao la này. Do nghiệp chướng nào đó lắm lúc sắc đẹp trở thành tai họa.

Vũ trụ biến thiên không ngừng. Có biết bao nhiêu chuyện tồn đọng trong vũ trụ không sao giải thích rốt ráo hay giải quyết trọn vẹn được.

Tôi xin dừng bài thuyết trình hôm nay và trân trọng kính mời quí vị thưởng thức bản Hoàng Hôn Trên Băng Đảo do Ban Nhạc Penguin Băng Đảo (Iceland) hòa tấu.

Kính chúc quí vị một ngày vui.

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay lẻ tẻ. Uể oải vì thời tiết nóng bức? Hay không có cảm tình với tộc Hải Ly được loài người khen là động vật gặm nhấm thông minh?

Trưởng Lão Hải Ly Bắc Âu dòng Castor thuộc gia đình Castoridae.

   

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_________

Chú Thích:

(1) Am Thuần Điểu: Chim Cút (Quail). Gọi là cây muối am thuần điểu vì loài chim cút hay lai vãng dưới cây muối để ăn hột.

(2) Tamias: thu nhặt; tích lũy (La Tinh). Các anh chị Sóc nầy tích lũy thức ăn dưới hang để dùng vào mùa đông giá buốt, khan hiếm thức ăn. Striatus: sóc rằn ri.

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/haily.html


Cái Đình - 2024