Minh Hạnh


Giết bớt chó sói, nên chăng?

Một con sói con trong rừng Hòa Lan

Từ hơn một năm nay, những lời thỉnh cầu lẫn kêu gào phải giết bớt chó sói để bảo vệ gia súc, chó nhà và cả con người nữa, ngày một gia tăng đồng bộ với sự phát triển của số quần thể chó sói ở Hòa Lan. Một số nhà chăn nuôi cho xem hình ảnh cừu bị cắn chết hàng loạt chỉ trong một đêm. Nhất là từ khi một bé gái bị chó sói cắn khi đang chơi trong khu vườn thiên nhiên (tháng 7/2024) thì sự tranh luận về mức độ bảo vệ chó sói khỏi tuyệt chủng và cách ngăn cản chúng không xâm nhập khu vực có đông cư dân lại càng mãnh liệt hơn.

Ngày 16/09/2024 một tòa án ở Hòa Lan đã ra phán quyết chống lại biện pháp của chính quyền địa phương tỉnh Utrecht dự tính đưa ra, là sẽ đặt bẫy bắt sói để gắn thiết bị theo dõi sự di chuyển nhằm hiểu thêm về tập tục của sói trên thực tế địa hình của Hòa Lan. Dự định này đã bị một số hội đoàn như Hội Bảo Vệ Động Vật và Hội Quyền Thú Vật kiện chống lại, đưa đến phán quyết trên. Một lần nữa, đề nghị cho một biện pháp ‘kiểm soát chó sói’ bị tòa án bác bỏ, cũng như biện pháp dùng thứ súng bắn đạn màu – phổ thông trong các trò chơi tập trận, để dọa cho sói sợ!

Vậy cũng nên tìm hiểu thêm:

Vì sao người ta lại phải bảo vệ chó sói cách nghiêm ngặt như thế?

Vào khoảng giữa thế kỷ vừa qua, người ta bắt đầu nhận thấy rõ là sự đa dạng sinh học đang bị nhân loại đe dọa nặng nề do sự phát triển nhân số và gia tăng sản xuất. Hậu quả là con người đang lấn chỗ thiên nhiên ngày càng tăng. Nếu không có biện pháp bảo vệ sự đa dạng sinh học, nhân loại trong tương lai sẽ chịu ảnh hưởng tồi tệ không lường. Thí dụ: dùng thuốc diệt côn trùng bừa bãi và gây tạo những giống cây có hoa đẹp mà không có mật sẽ giết các loài ong, với hậu quả là các loại cây ăn trái sẽ không còn được thụ phấn đầy đủ nữa, kết quả về lâu về dài sẽ là khan hiếm thực phẩm.

Nhân loại bắt đầu ý thức là thiên nhiên cũng có ‘giá trị nội tại của nó’. Đồng thời, với sử học và khảo cổ, các chuyên gia thấy là nhân loại phải từ bỏ quan niệm ‘con người là kẻ chế ngự thiên nhiên và làm chủ thiên nhiên’. Có nghĩa là: người ta xưa nay vẫn nghĩ là thiên nhiên chỉ có ‘giá trị công cụ’, là vật để cho nhân loại dùng cách ‘thoải mái’. Trời sinh voi thì trời sinh cỏ. Cái gì nhân loại thấy là có lợi thì giữ, thứ gì trong thiên nhiên nhân loại cho là vô ích thì tiêu diệt. Quan niệm như vậy, theo hướng suy nghĩ hiện nay là ấu trĩ và thiển cận. Nhân loại phải tìm hiểu triết lý của một số dân tộc xa xưa, là ‘con người phải biết sống hòa hợp với thiên nhiên’, con người và thiên nhiên coi sóc lẫn nhau. Có hòa hợp mới cùng nhau tiến bộ. Tranh chấp tất sẽ gặp phản kháng, và nếu có diệt được, thì rất có thể mình cũng sẽ tự tiêu tán.

Tìm hiểu cách sinh sống và tập tục của các loài động vật cũng không nằm ngoài mục đích tìm ra một ‘giá trị nội tại’ cho mọi loài. Chó sói là một trong những thí dụ. Chúng thông minh, có những cách phản ứng đặc thù, biết biểu lộ cá tính, biết lập kế hoạch săn mồi. Nếu chúng ta hiểu những đặc tính này và những nguyên do vì sao chúng có, thì sẽ có lợi cho ngay chính chúng ta. Ngoài ra, sói là loài động vật cao nhất trong chuỗi sinh học: trong thiên nhiên sói săn mồi chủ yếu là thỏ, heo rừng, hoẵng…, là những con thú ăn cỏ (và sói chủ yếu săn những con mồi già yếu hoặc bị bệnh). Xác những con thú này do sói bỏ lại sau khi ăn sẽ làm thức ăn cho các loài chim ăn xác chết, và những gì cuối cùng còn lại sẽ là thức ăn cho côn trùng sâu bọ. Côn trùng sâu bọ khi chết sẽ là thức ăn cho kiến rồi tận cùng là vi sinh vật, nấm mốc. Có thể nói sói giúp cân bằng và phát triển toàn bộ hệ sinh thái. Vì thế, khi các luật bảo tồn thiên nhiên được ra đời, chúng đều mang một ý nghĩa căn bản về triết lý của cuộc sống. Đương nhiên trong sự sống chung cũng có đôi lần bị đụng chạm, thí dụ trường hợp chó sói. Bình thường chúng tránh đụng độ với người, hơn nữa sói là loài săn đêm. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, sói trở nên hung dữ: sói mẹ cảm thấy đàn con nhỏ của mình bị đe dọa, bị gây hấn (người dắt chó đi dạo và con chó đánh hơi sói nên sủa) v.v.. Trong thiên nhiên, có những cá thể có cá tính khác đồng loại. Sói cũng vậy. Những con sói sống cô độc thường hung dữ và có phản ứng không giống đồng loại. Đó là lý do vì sao dân chúng bất mãn khi con sói cắn em bé hoặc sói đột nhập trang trại ban đêm, giết hàng loạt cừu rồi bỏ đó. Hoặc có những trường hợp cá biệt, như đầu năm nay (2024) tại một làng quê nhỏ (Kootwijkerbroek), một cặp sói đã cắn ít nhất 22 con cừu trong một trang trại, 3 con chết ngay tại chỗ, 19 con bị thương nặng và phải làm thịt). Nhưng không phải vì những chuyện cá biệt này mà kết tội cả loài sói.

Năm 1982 công ước Bern ra đời, được đa số quốc gia châu Âu ký kết tuân thủ. Vào thời điểm đó, chó sói đã bị đẩy lui đến tận vùng rừng núi Armenia và Ba Lan. Do đó không có gì lạ khi sói nằm trong danh sách động vật bị đe dọa tuyệt chủng.

10 năm sau (1992), Chỉ thị về Môi trường sống cho Thực và Động vật được ban hành (thường được gọi là Chỉ thị 92/43/EEG), trong đó chó sói nằm trong danh sách động vật được bảo vệ nghiêm ngặt (có nghĩa là chỉ trong một số trường hợp thật đặc biệt mới được phép can thiệp vào môi trường sống của chúng). Lý do là khi đó số sói còn sống sót tại châu Âu vẫn còn rất ít. Kể từ đó, sói được mặc nhiên tung hoành. Tai họa do sói gây ra (thí dụ gia súc bị cắn chết) sẽ được chính phủ đền bù sau khi được xác minh bằng nghiên cứu dấu và nếu cần, thử DNA (hiện nay ở Hòa Lan là khoảng 300 euro cho mỗi con cừu thịt bị sói cắn chết. Cừu bị chó nhà hoặc chồn cáo cắn chết không được bồi thường).

Dân Hòa Lan không ngờ ‘thú số’ sói gia tăng đến mức chóng mặt

Vào năm 1760, vùng nam Hòa Lan đã lên tiếng báo động một ‘nạn sói’. Các nhà chăn nuôi khi đó loan truyền một cách phóng đại về tai họa do sói gây nên cho đàn gia súc. Kết quả là những vụ săn bắt sói được tổ chức với hàng trăm tới hàng ngàn thợ săn. Cộng với sự kỹ nghệ hóa, đô thị hóa, chiến tranh liên tiếp, sói bị đẩy lui dần. Năm 1868 có lẽ con sói cuối cùng ở Hòa Lan đã bỏ mạng. Các quốc gia lân cận như Bỉ, Đức, Anh cũng diệt sói. Sói còn bị ghép với những hình ảnh ma quái thần thoại. Bây giờ dân Hòa Lan đinh ninh là sói đã bị đẩy tuốt sang Đông Âu rồi thì chúng khó mà trở lại. Mặt khác, Hòa Lan có mật độ dân số cao, không có nhiều rừng, không phải là môi trường hoạt động thích hợp của sói. Nhưng người ta đã lầm. Khoảng cách từ Amsterdam tới Warsaw (Ba Lan) chỉ hơn 1200km! Nhưng hình ảnh đầu tiên ghi nhận dấu vết của chó sói tại Hòa Lan vào năm 2015 – sau gần 150 năm vắng bóng sói, và năm 2019 một con sói cái đã chính thức được ghi nhận là đã chọn Hòa Lan làm chỗ sinh sống đã làm mọi người sửng sốt đến mức không tin (cho đến khi thấy hình ảnh được công bố, kèm với tên – mã số GW998f). Dù sao, đó cũng là con sói cái. Chỉ có một con, thì khả năng tuyệt tự là đáng kể. Nhưng người ta đã lầm, khi phát hiện có thêm sự hiện diện của bầy sói con mới sinh!

Sau đó không lâu, những tin tức và hình ảnh ghi nhận về sói trong các khu thiên nhiên ở Hòa Lan ngày càng nhiều, cho thấy đã có nhiều ‘gia đình sói’ sinh sống ở đây. Cừu liên tiếp bị sói làm thịt, và thỉnh thoảng cũng có trường hợp bò hoặc ngựa bị sói cắn. Năm 2020, theo báo cáo, đã có 295 con cừu bị sói cắn chết (và đã được xác minh) ở Hòa Lan. Còn hiện giờ số cừu bị giết quá nhiều không thể kiểm tra hết. Từ tháng 10/2023 đến tháng 02/2024 người ta đã dùng các biện pháp nhận dạng qua máy thâu hình giấu trong rừng, qua dấu để lại và thử DNA để đếm, con số được công bố là có ít nhất 51 con sói khác nhau đã đặt chân trên đất Hòa Lan, trong đó có 10 ‘gia đình sói’, đại đa số (7 quần thể) tụ tập trong vùng Veluwe, một vùng có nhiều rừng và khu bảo tồn thiên nhiên ở trung tâm Hòa Lan, là nơi yên tịnh và có nhiều chỗ trú ẩn của các loại thú và đương nhiên cũng là vùng đất săn mồi lý tưởng của sói. Từ khi phát hiện sói ở Hòa Lan cho tới nay, chính phủ đã phải bồi thường tổng cộng hơn 1,3 triệu euro thiệt hại gia súc (cừu, bò, ngựa), riêng 9 tháng đầu năm 2024 đã bồi thường hơn 360 ngàn euro, chưa kể trợ cấp cho các trại chăn nuôi muốn căng lưới chắn sói. Các chủ trại chăn nuôi không hài lòng vì thủ tục xin bồi thường rắc rối và mất nhiều thời gian, hơn nữa mức bồi thường không có sự phân biệt giữa thú nuôi lấy thịt và thú làm giống. Nếu thú giống mất đi là một thiệt hại rất lớn vì phải gây giống lại rất tốn công.

Vì là loài ‘có nguy cơ tuyệt chủng cao’ (sói châu Âu, cũng có tên khác là sói xám hoặc sói Âu-Á – Eurazia, 1 trong 3 giòng sói chính), không dễ gì có biện pháp kiểm soát (giết một cách có lọc lựa để giữ mức quân bình cho môi trường, hoặc thiến bớt), chắc chắn chúng sẽ sinh sản tràn lan, và như thế, đâu là giới hạn?

Một gia đình sói cần một vùng sinh sống khoảng 200km2. Vùng Veluwe rộng khoảng 1000km2, như vậy chỉ có đủ chỗ cho 5 (cùng lắm là 7) gia đình sói sinh sống. Tức là đã cán mức báo động. Nguy hơn nữa, theo báo cáo tháng 9, ở Hòa Lan từ đầu năm 2024 tới nay (tháng 9/2024) người ta đã ghi nhận có 55 sói con ra đời. Tổng số sói ở Hòa Lan được ước tính là đã vượt qua số 100. Số sói trên toàn diện tích Âu châu là trên 20.000.

Các nơi đã phát hiện sự có mặt của sói hiện nay, tháng 9/2024
(màu cam là vùng có những con sói sống lẻ bầy, màu đỏ là nơi quy tụ các đàn sói)

Nếu chúng tiếp tục sinh sản, đụng chạm giữa sói và người là điều không thể tránh. Như vậy tại sao không cho giết bớt? Đó là vì không dễ để có thể xác định khi nào quân bình trong đa dạng sinh học bị xáo trộn dẫn đến sụp đổ. Ngoài ra, bảo tồn thiên nhiên và duy trì quân bình trong hệ sinh thái nhiều khi phải chịu một số hậu quả. Muốn có bướm thì phải chịu nạn sâu lông. Muốn có nhiều chim trong vườn thì phải biết là chúng sẽ ăn trái cây vừa chín tới trong các nhà vườn hoặc ngay trong vườn nhà mình.

Do diện tích không lớn, các giới hạn do quốc tế đặt ra một cách chung chung rất dễ dẫn tới thảm họa cho Hòa Lan. Ngoài ra, muốn tạo luật không phải dễ. Với những thủ tục cần thiết để có được sự chấp nhận một khung các biện pháp và luật hóa chúng, 10 năm qua đi rất nhanh. Nhưng nhìn vào thực tế, rất cần kíp phải tìm ra một biện pháp đối phó với sự bành trướng đàn sói tại quốc gia này trước khi người dân nổi giận và tự ý ra tay bất chấp luật lệ.

May mắn thay, EU vào cuối tháng 9 đã đồng thuận trên nguyên tắc là hạ bớt mức khắt khe trong bảo vệ chó sói.

   

Minh Hạnh

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/gietbotchosoi.html


Cái Đình - 2024