Minh Hạnh


Em bé silicon: mang hấp lực phổ quát, nhưng cũng chịu sự phê phán

.

.

Nhiếp ảnh gia người Pháp Didier Bizet ghi lại trong tấm hình cho thấy sự thân mật
được thể hiện ra sao nếu người ta nhận nuôi một ‘em bé sống lại’ – một con búp bê giống in như thực.
‘Bà Amanda từng vật lộn nhiều năm với chứng trầm cảm, em bé này là một phương cách trị liệu dành cho bà’

.

Vào thập kỷ ’90, em bé reborn đầu tiên đã được sinh ra tại Hoa Kỳ: đó là một con búp bê giống in như thực, có cả nhịp tim và phát ra tiếng giống như hơi thở. Từ đó về sau, các em bé ‘sống lại’ (tạm dịch từ chữ reborn) đã chinh phục cả thế giới: từ Paris cho tới Moscow, từ Nam Phi sang tới Đài Loan – mãnh lực hấp dẫn từ bé sơ sinh vốn là một điều ai cũng biết.

Một em bé giả như trong hình có thể có giá lên tới 20 ngàn đô la, nhưng không bày bán: bạn phải ‘nhận nuôi’ ‘em bé sống lại’, đó là thuật ngữ trong dịch vụ này. Bởi vì bà mẹ nào muốn đón nhận các bé reborn, phải có nhiệm vụ che chở bé. Nhiếp ảnh gia người Pháp Didier Bizet ghi lại sự thân mật nhìn từ cận cảnh.

Như bà người Anh Amanda, đã hai năm nay tối nào cũng ngủ chung với ‘thằng bé’ A.J.. ‘Bà Amanda từng vật lộn nhiều năm với chứng trầm cảm, em bé này là một phương cách trị liệu dành cho bà’, ông Bizet đã khám phá ra điều đó. ‘Trong trường hợp của bà, em bé này là một giải pháp khác, thay thế cho thuốc men.’ Ông cũng thấy có những bà mẹ khác hãnh diện đi dạo với một reborn  địu theo bên người hoặc nằm trong xe đẩy, đôi khi có chồng và các người con khác cùng đi bên cạnh.

Cũng như trong các nhà dưỡng lão và các khoa trong bệnh viện, các bé reborn tỏa ra ma lực của chúng, theo ông Bizet: các cụ ông cụ bà tìm thấy sự âu yếm khi ru dỗ những con búp bê này trong vòng tay ôm, các sinh viên được thực tập việc săn sóc trẻ sơ sinh qua một vật giống như thực.

Nếu sự giống như đúc của các bé này so với các em bé thực được các người ủng hộ ca tụng hết mình, thì nó lại làm dấy lên sự sợ hãi và giận dữ nơi những người chống đối. Ông Bizet thấy là ‘các bé reborn nhận chịu nhiều phản ứng tiêu cực’. Nhà nhiếp ảnh hy vọng là những tác phẩm nhiếp ảnh của ông sẽ gợi nên sự tò mò nơi những người vừa mới nghe nói là đã vội vàng lên tiếng chỉ trích, hoặc tỏ sự ghê tởm với ‘các em bé chết’ này. ‘Nhưng nói cho cùng, chúng chỉ thuần là những con búp bê. Bạn cũng có thể nói: tại sao ta lại không gọi chúng là những reborn  dễ thương nhỉ?’.

.

Nguyên tác: Baby’s van siliconen: universele aantrekkingskracht, maar ook kritiek
Tác giả Eline Huisman. Hình ảnh: Didier Bizet (De Volkskrant 08.05.2023)
Người dịch: Minh Hạnh

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/embesilicon.html


Cái Đình - 2023