Phạm Ɖình Lân


Châu Trùng tâm sự (Con Rệp)

.

Hôm nay có chuyện gì mà ban nhạc Thiền tộc (Ve) ăn mặc rách nát như vậy? Một anh Gà Tây Istanbul hỏi.

Ban nhạc Thiền tộc ăn mặc như thế vì đó là các nhạc sĩ của bạn nhạc Thiền Tộc Ăn Mày (Cicada Beggars Band). Ban Nhạc Ăn Mày thì phải ăn mặc rách rưới chớ sao? Hôm nay là ngày tộc Châu Trùng (Rệp) trình bày về quá trình đấu tranh chống loài người. Ban Nhạc Ăn Mày của Thiền tộc trình tấu bản Kiếp Nghèo vì cuộc đời anh chị Rệp gắn liền với cái Nghèo! Gà Cồ Việt Nam đáp.

Sau khi bản nhạc Kiếp Nghèo vừa dứt, Gà Tây Istanbul dõng dạc nói:  

Vật càng nhỏ sự tàn phá càng dữ dội. Cái gì làm cho loài người lo sợ nhất? Xin trả lời là vi trùng. Do vậy tôi nghĩ rằng hoạt động chống phá loài người của các anh chị Rệp rất đáng kể.

Tại sao phải rên rỉ kiếp nghèo? Tôi yêu cầu giàn kèn Tất Suất tộc (Dế) trỗi bản Châu Trùng Dạ Hành Khúc tạo khí thế đấu tranh cho các loài động vật lớn, nhỏ trong vũ trụ.

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay như sấm nổ. Nhạc trường Tất Suất điều khiển đội Kèn trỗi bản Châu Trùng Dạ Hành Khúc hùng tráng và ghê rợn cơ hồ như loài người đang bị các loại côn trùng bé bỏng vây hãm nguy khốn. Ban nhạc vừa dứt thì có một nhạc sĩ trong đội kèn Tất Suất ngã quỵ và chết tốt. Cả hội trường nhốn nháo. Ban cứu thương Bọ Hung khiêng xác nhạc sĩ Tất Suất ra khỏi sân khấu.

Loa phóng thanh thông báo đại biểu Châu Trùng tộc đến. Tất cả các đại biểu đều đứng dậy, vỗ tay nhịp nhàng để chào đón đại diện Châu Trùng tộc. Đó là một lão Châu Trùng hồng hào to lớn trông minh mẫn và tráng kiện. Lão sống sang giàu trong một khách sạn sang trọng nhất trong thành phố New York. Trông lão không có vẻ gì nghèo khổ như lời đồn của người Việt Nam về cảnh “nghèo Mạt Rệp”. Gà Trống thiến Hoàng Hà (Huanghe Capon) buột miệng nói: “New York có khác!”.

Đại diện Châu Trùng tộc chào các đại biểu và bắt đầu đọc tham luận về Châu Trùng tộc và các tộc liên hệ.

***

Kính chào toàn thể quị vị hiện diện trong hội trường hôm nay.

Thật là một vinh dự lớn lao được đứng trước quí vị để trình bày về Châu Trùng tộc chúng tôi.

Rệp là loài côn trùng nhỏ bé dài từ 5 - 9mm, đẻ trứng và không có cánh. Thoạt mới nhìn, Rệp màu hung đỏ và có hình dạng của Rùa. Rệp có 6 chân. Đầu có hai mắt và hai dây ăn-ten. Lưng có từ 7 - 8 sọc ngang.    

Rệp sống ở nơi tăm tối và ấm áp như kẹt tủ, bàn, ghế, gối nằm, giường nệm v.v.  Người Việt Nam cho rằng Rệp thích làm ổ trong kẹt ván gỗ mật. Rệp chúng tôi hút máu người để sống như các anh chị Muỗi có cánh và bay lơ lửng trên không và các anh chị Đỉa dưới nước. Chúng tôi và các anh chị Muỗi hoạt động ban đêm hơn là ban ngày. Các anh chị Đỉa thường hoạt động ban ngày nhiều hơn vì loài người làm ruộng hay chài lưới thường hoạt động ban ngày hơn là ban đêm.

Châu Trùng tộc chúng tôi có các đặc điểm sau đây:

Tên khoa học mà loài người gán cho tộc chúng tôi là Cimex lectulariushay Cimex hemipterus, gia đình Cimicidae.    

Cimex lectularius là tộc Châu Trùng miền ôn đới.
Cimex hemipterus là tộc Châu Trùng miền nhiệt đới.

Rệp miền ôn đới (trái. Ảnh: Wikipedia) và Rệp miền nhiệt đới (phải. Ảnh: sciencedirect.com)

Tên gọi thông thường là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Rệp, Châu Trùng (Hán-Việt)

Anh

Bed bug (1). Biệt danh: Red coats,
Chinches (con rệp theo cách gọi của người Mỹ),
Mahagony flat (2).

Pháp

Punaise

Trung Hoa 

Chouchong (Châu Trùng)

Nhật Bản

Nankinmushi, Shindai mushi

Tây Ban Nha

Acaro

Trước khi đi sâu vào chuyên đề chúng tôi xin được phép nói qua về các tộc côn trùng nhỏ bé có liên hệ với chúng tôi như Mạt, Chí, Rận, Bọ Chét.

MẠT

Dermatophagoides pteronyssinus
Gia đình: Pyroglyphidae

Mạt (Ảnh: decoupre.com)

Mạt là côn trùng nhỏ li ti lối 1/4 mm. Với mắt thường không thấy rõ hình hài các anh chị Mạt. Nếu rọi ảnh lớn ra thì mới thấy anh chị Mạt trông ghê gớm lắm. Mạt mặc quần áo trắng phủ lông trắng mịn như tơ; 8 chân có móng vuốt phủ đầy lông trắng mịn. Các anh chị Mạt không được xem là côn trùng mà là động vật chân khớp (arthropod) như các anh chị Nhện.

Các anh chị Mạt sống bám trong nhà trên các tấm màn, mền, gối, nệm, thảm.  Các anh chị ấy cũng sống bám vào các loài chim hay động vật có lông như Gà, Vịt.           

Tên khoa học của tộc Mạt là Dermatophagoides pteronyssinus, gia đình Pyroglyphidae.  Tên gọi thông thường:

Quốc gia   

Tên gọi

Việt Nam

Mạt

Anh

House dust mite

Pháp

Acarien

Tây Ban Nha

Acaro del polvo

Trung Hoa

Chen man

Các anh chị Mạt sống bằng bụi, mảnh nhỏ da rụng của loài người.  Sự sinh sôi nẩy nở của tộc Mạt rất nhanh. Một cái mền có thể chứa hàng triệu đơn vị Mạt gây dị ứng cho loài người với các bịnh về mắt, mũi và phổi (ho, suyễn) để gây bịnh Tai, Mắt, Mũi, Họng.

CHÍ

Pediculus humanus humanus (Chí trong cộng đồng loài người)
Pediculus humanus corporis (Chí sống trên cơ thể loài người)
Pediculus humanus capitis (Chí trên đầu)

Gia đình: Pediculidae

Chí sống trên cơ thể loài người (Ảnh: pixnio.com) và Chí trên đầu (Ảnh: flickr.com)

Chí là một loại côn trùng không cánh, nhỏ hơn Rệp. Mình của các anh chị Chí thon dài. Giống như Rệp, Chí có 6 chân, đầu có cặp ăn-ten và sống bằng cách hút máu người hay máu động vật.

Các chị Chí to lớn hơn các anh. Các chị đẻ trứng. Trứng ấp nở ra ấu trùng. Phải trải qua hai lần lột xác mới có một anh hay chị Chí hoàn chỉnh với đầy đủ ba cặp chân (6 chân). 

Chí cắn và hút máu người gây sốt, ngứa ngáy, nhiễm trùng, ghẻ lở trên đầu.

Có hai loại chí trong cơ thể loài người:

Tên gọi thông thường của Chí là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Chi

Trung Hoa 

Shi, Shushi

Anh

Louse (Lice - số nhiều)

Pháp

Pou

Tây Ban Nha

Piojo

Nhật

Shirami

RẬN MU

Phthirus pubis
Gia đình:  Pthiridae

Rận mu (Ảnh: Wikimedia Commons)

Rận là một loại ký sinh sống bằng sự hút máu người như Rệp, Chí v.v.. Đó là loài côn trùng nhỏ bé, không cánh, có 6 chân và hình hài giống Rệp nhưng có vẻ hung tợn với hình dáng bề ngoài trông ghê rợn. Các anh chị Rận sống bám vào cơ thể loài người ở những nơi có nhiều lông (bộ phận sinh dục, râu, chân mày v.v). Vì vậy mấy thằng cha Việt Nam gọi các anh chị ấy là Rận Mu. Thực tế các anh chị Rận sống trên màn, mền, gối, giường, quần áo và trên bộ phận sinh dục của loài người nơi có nhiều lông. Trong quá trình sống lối 3 hay 4 tuần lễ, các chị Rận sinh lối 30 trứng. Trứng ấp nở ra nhộng. Nhộng trải qua 3 lần lột xác (molting) mới trở thành Rận trưởng thành.

Khả năng hút máu và gây bịnh ngoài da, gây sốt, nhiễm trùng của Rận rất đáng sợ.

Các nhà khảo cứu của loài người xem Rận và Chí (Louse – Pou) có mẫu số chung trong tên gọi thông thường: Louse (Lice). Họ gọi Rận là Chí Lông (Pubic Louse) vị các anh chị ấy sống và để trứng trên lông hay Chí Cua (Crab Louse) vì hình dạng của Rận giống mấy anh chị Cua.

Tên khoa học của Rận là Pthirus pubis thuộc gia đình Pthiridae.  Tên gọi thông thường:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Rận, Rận Mu

Anh

Pubic louse, Crab louse

Pháp

Pou de pubis

Tây Ban Nha

Piojo pubico

BỌ CHÉT

Siphonaptera (3)
Ctenocephalides canis (Bọ Chét Chó)
Ctenocephalides felis (Bọ Chét Mèo)
Xenopsylla cheopis (Bọ Chét Chuột)

Gia đình:  Pulicidae     

Từ trái sang phải: Bọ Chét Chó (Ảnh: 1env.com), Bọ Chét Mèo(Ảnh: inaturalist.ala.org.au) và Bọ Chét Chuột (Ảnh: miedzianepatelnie.pl)

Bọ Chét là loại côn trùng nhỏ hơn Chí, có 6 chân, có vòi đề hút máu (siphon) người hay động vật và không có cánh (Aptera).  Bọ Chét không bay được nhưng phóng nhảy rất mạnh từ vùng này qua vùng khác.

Bọ chét thường sống trên thân thể loài người và động vật như chó, mèo, gà v.v. Bọ Chét cắn rất đau, tạo mẩn ngứa và mang bịnh đến cho loài người như trùng lãi, viêm não (encephalitis), dịch hạch. Bọ Chét Chuột gây bịnh dịch hạch năm 1374 làm chết 25% nhân loại ở Âu Châu. Dịch hạch (pestilence, plague) do vi trùng Yersinia pestis gây ra. Thế mới thấy vật càng nhỏ bé càng gây thiệt hại ghê gớm cho loài người.

Tên gọi thông thường của Bọ Chét là:

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Bọ Chét

Anh

Flea

Pháp

Puce

Tây Ban Nha

Pulga

Trung Hoa

Tiaozao

***

Đám côn trùng ký sinh không cánh nhỏ bé của chúng tôi phá hại lẫn gây tử vong cho loài người không ít. So với Muỗi, Đỉa, động vật hút máu người, chúng tôi vượt trội hơn nhiều. Cộng đồng Rệp, Mạt, Chí, Rận, Bọ Chét gây ngứa, mất ngủ, nóng sốt, bịnh ngoài da, thương hàn, dịch hạch và tử vong cho loài người.

Suy cho cùng việc làm của chúng tôi cũng không có gì là anh hùng cho lắm.  Chúng tôi lén lút tấn công loài người bằng cách hút máu họ trong lúc họ không tắm gội lâu ngày, bịnh liệt giường nằm một chỗ hay say rượu thần thái quay cuồng.  Nạn nhân của chúng tôi đều là người nghèo. Hút máu người nghèo và bịnh hoạn thì có gì hay? Máu ấy cũng không bổ dưỡng mà có độc chất. Rệp, Rận hút máu người say rượu sẽ trở thành nghiện ruợu. Hút máu người bịnh thì nhận lấy vi trùng bịnh của anh ấy.

No say một bữa để chịu đau khổ cả đời vì nghiện ngập, nhiễm trùng, đầu óc quay cuồng không phân biệt Tốt-Xấu, Phải-Quấy!

Khả năng phá hại người giàu có của chúng tôi không cao. Người giàu có mặc áo quần sạch sẽ, giữ nhà cửa, giường ngủ sạch sẽ. Mùng, mền, chiếu, gối được giặt sạch sẽ nên bốn côn trùng ký sinh 6 chân không cánh chúng tôi khó xâm nhập.

Chó của nhà giàu được chăm sóc vệ sinh và sức khoẻ đầy đủ nên không có Ve và Bọ Chét. Nhà của người giàu là nhà gạch, khang trang, đẹp đẽ và sạch sẽ. Chuột xâm nhập vào nhà khó khăn thì làm sao mang Bọ Chét Chuột để gây bịnh dịch hạch cho loài người được.    

Loài người dùng mọi phương pháp “ít hiền” chống lại Rệp, Chí, Rận, Bọ Chét bằng lửa, nước sôi, bức nhiệt của ánh nắng mặt trời, thuốc bột hay thuốc nước hóa học để tiêu diệt chúng tôi và các bào thai (trứng) của Rận, Rệp, Chí, Bọ Chét chúng tôi.

Rớt xuống nước chúng tôi bị Ngư tộc đớp mất tích. Rớt xuống đất chúng tôi bị Kê tộc, Điểu tộc và Nga tộc giành nhau cắn, mổ, rỉa không thương tâm.

Chúng tôi bị hành hình dưới mọi dạng khác nhau.  Dù vậy loài người vẫn không tiêu diệt hết chúng tôi.  Chúng tôi sống song song với loài người cho đến thời gian vô định.    

Kiến, Mối, Mọt sống an lành trong các bộng cây vừa tiện nghi, tránh mưa, tránh nắng, tránh gió to, giông bão lại có thức ăn tại chỗ quanh năm.  Cây càng ngày càng yếu như người bị mất máu. Chủ vườn cây cầm cưa giải phẫu vùng bị Kiến, Mối, Mọt (Pou de bois, Charançon; Weevil <Anh>) tấn công để cứu cho cây hồi phục sức khỏe hầu kéo dài tuổi thọ. Các anh Kiến, Mối, Mọt cho biết cộng đồng các anh ấy rất ghét loài người vì họ can thiệp thô bạo vào quyền cư trú và quyền sống của các anh chị ấy. Họ sống trong bộng cây, hút nhựa cây. Cây không nói năng gì cả. Vậy mà loài người xen vào làm các anh chị Kiến, Mối Mọt mất chỗ ở và nguồn sống!    

Rệp là côn trùng không cánh sống gắn bó với loài người từ khi họ xuất hiện trên Địa Cầu. Người Ai Cập cổ, người La Mã, Hy Lạp có đề cập ít nhiều về Rệp.  Nhà soạn kịch Hy Lạp Aristophanes (450 tr. T.L - 388 tr. T.L) có viết vở kịch về Rệp. Nhà hiền triết và tự nhiên học La Mã Pliny (23 - 79 sau T.L) tin rằng uống liều thuốc ngâm xác Rệp để trị Rắn cắn và bịnh nhiễm trùng. Người Việt Nam tin rằng bôi xác Rệp vừa bóp chết trên mụt chắp, gọi nôm na là mụt lẹo (Stye- Hordeolum externum) thì mụt lẹo lặn đi.  

Ngôn ngữ Việt Nam nói về:

Người Anh dùng chữ Bug với nghĩa của một dụng cụ nhỏ bé dùng để nghe lén. Nếu người Việt Nam khinh bỉ Chí, Rận thì người Anh cũng có thái đó khinh xuất tương tự. Tĩnh từ Lousy xuất phát từ Louse (Lice: Chí) có nghĩa là đê tiện.

Flea market là một loại chợ trời (Open air Market) dịch từ Marché aux Puces của người Pháp ở Paris (1922) chuyên bán đủ loại hàng đã dùng rồi.

Ngôn ngữ của loài người độc hại khủng khiếp lắm.  Họ dùng hình ảnh động vật để tạo những hình dung từ hay những cụm từ có ý nghĩa xấu.  Nào là đầu Trâu mặt Ngựa; Đờn khảy tai Trâu; mặt Thỏ mỏ Dơi; lì như Bò; Nhát như Thỏ đế; đĩ Chó, đĩ Ngựa; chậm như Rùa; mặt nọng như Heo; nước mắt Cá Sấu; Chạy như Vịt, nước đồ đầu Vịt, Vịt nghe sấm; như Khỉ chết khô; Nuôi Ong tay áo nuôi Khỉ dòm nhà; Cẩu cuồng tại (tọa) thị (say mê uống rượu thì giống như chó điên ngồi trong chợ); vache (Bò Cái) còn có nghĩa là người độc ác, vacher: người thô lỗ; Chicken: Gà, Chicken-hearted hay Chicken-livered (tt): nhút nhát, nhát gan, v.v.. Thật phức tạp khi giao tiếp với động vật hai chân có tiếng nói và văn tự được gọi văn vẻ là những cây sậy biết suy tưởng.

Thưa quí vị tôi có hai chuyện khôi hài về Rận và Rệp nhưng không tiện nói ra ở đây.

Dưới hội trường có tiếng nói to của đại điện Diều Hâu:“Xin Ngài đại điện Châu Trùng tộc tự nhiên cho chúng tôi biết các chuyện khôi hài ấy như thế nào?” Tất cả đại biểu trong hội trường đều đồng thanh yêu cầu đại diện Châu Trùng tộc thuật lại chuyện khôi hài mà Ngài vừa nói qua. Chuyện khôi hài nào không vui nhộn. Mà chuyện vui nào cũng làm phật lòng người khác.  Bất đắc dĩ lão Châu Trùng New York đành phải kể đầu đuôi câu chuyện khôi hài về Rận và Rệp.

Đại lão Châu Trùng tộc New York đành phải kể:

Chuyện thứ nhất về Rận:

Có một bầy Rận đua nhau hút máu một con Heo thiến. Con Rận nào cũng no tròn vì hút quá nhiều máu. Một anh Rận thủ lãnh cảnh cáo đàn Rận rằng:  

“Nếu tụi bây hút máu như thế này thì thằng Heo xuống cân. Chủ nó sẽ bán nó cho lò thịt. Thế là tui bây sẽ chết đói vì không còn Heo mập để hút máu nữa.” 

Bầy Rận quen hút máu no say đến bò không nổi nên không thể nghe lời thủ lãnh của chúng dễ dàng. Quả nhiên Heo thiến xuống cân. Chủ nó sợ lỗ nên bán nó cho lò thịt. Bầy Rận thiếu ăn và bị bịnh ốm gầy trông thê thảm. Một vài anh chị Rận cố bám vào Heo thiến đi vào lò Heo để cùng chết chung với anh Heo thiến lúc loài người đổ nước sôi trên mình anh để cạo lông.

Chuyện thứ nhì về Rệp:

Có một chàng thanh niên xứ X làm quen với một nhà du lịch Mỹ để tập nói tiếng Anh. Anh dẫn nhà du lịch Mỹ đi thăm thắng cảnh trong thành phố nơi anh ấy cư trú. Đi ngang qua chợ chàng thanh niên hỏi người Mỹ: 

“Anh thấy cái chợ này thế nào?”

“Ɖẹp lắm! Rộng lớn lắm. Nhưng không có bãi đậu xe và bán không đủ các mặt hàng. Chợ của chúng tôi không choán nhiều không gian nhưng có bãi đậu xe, có Rest Rooms sạch sẽ và bán đủ các mặt hàng từ trái cây, rau cải, đủ các loại thịt, cá, đủ các loại gia vị, cá hộp, thịt hộp, đường, muối, nước ngọt, rượu mạnh v.v.. Ngoài ra còn bán quần áo, dụng cụ nấu nướng, dụng cụ làm vườn, dụng cụ lau quét nhà, hút bụi, giặt thảm, các loại hoa, cây cảnh, dụng cụ thể thao, máy chụp ảnh, phòng rửa ảnh, quầy bán đồng hồ, thuốc tây v.v.. Có nơi sửa xe hơi.  Có nơi vô nhớt xe. Có nơi thay bánh xe v.v.”, nhà du lịch Mỹ đáp.

Đi ngang qua nhà của một đại gia trong nước người thanh niên hỏi người Mỹ:

“Ở Mỹ có nhà nào to lớn như thế không?”

“Nếu so với nhà tôi thì nhà nầy to lớn hơn nhiều. Nhưng so với nhà của các đại gia ở xứ tôi thì cái nhà này như một hòn đá trước núi đá”, nhà du lịch Mỹ đáp.

Đến một công viên người thanh niên hỏi nhà du lịch Mỹ:  

“Ở Mỹ có công viên nào đẹp như công viên nầy không?”

Có chớ.  Nhiều lắm. Mỗi thành phố trung bình của Mỹ có 500.000 dân, có từ 2 đến 4 công viên. Mỗi công viên rộng từ 5 - 10 miles vuông. Có công viên có suối, hồ thiên nhiên, đường tráng nhựa. Có công viên có nhiều nai và thỏ. Công viên ở đây (xứ X) đẹp lắm. Nó giống các công viên ở Âu Châu hơn là công viên ở Hangzhou (Hàng Châu) hay Suzhou (Tô Châu)”, nhà du lịch Mỹ đáp.

Cuộc đàm đạo làm cho hai người trở nên thân thiết. Người thanh niên mời nhà du lịch Mỹ về nhà ăn cơm chiều. Nhà du lịch Mỹ vui vẻ nhận lời. Người thanh niên ghé một cửa hàng bán hải sản đặt mua Tôm, Cua, Rùa và rượu bia để thết đãi người bạn ngoại quốc vui tính và cởi mở. Người thanh niên trả tiền hải sản và rượu bia kể cả chi phí giao hàng và rượu bia tận nhà.    

Chiều hôm ấy nhà du lịch Mỹ được ăn hải sản theo cách nấu nướng của xứ X và uống rượu bia Nhật Bản. Vì uống nhiều rượu người Mỹ say mèm nên không về khách sạn được. Người thanh niên dìu nhà du lịch Mỹ vào giường ngủ. Đến khuya nhà du lịch Mỹ tỉnh rượu. Ông không sao ngủ lại được vì dưới nệm có vật gì di động nhấc bổng ông lên. Ông nhảy xuống giường và la lên:  

“Chuyện gì vậy, thưa ông?” Người thanh niên hỏi.

“Dưới nệm có con gì rọ rậy như muốn đẩy tôi ra khỏi giường”, nhà du lịch Mỹ đáp.

Ông vừa nói vừa nâng tấm nệm lên và nói:

“Mấy con này đây! Con gì vậy?”

“Con Rệp! Xứ anh không có Rệp sao?” Người thanh niên vừa đáp vừa hỏi.

“Có. Nhưng Rệp ở nước tôi nhỏ chớ không to lớn đáng khiếp sợ như thế này”, nhà du lịch Mỹ đáp.

Người thanh niên mỉm cười sung sướng vì ít ra xứ anh ta cũng có cái gì to lớn mà nước Mỹ không có.

Cả hội trường vỗ tay như sấm nổ. Tất cả đồng thanh hô to khẩu hiệu “Ta Thắng Địch Thua! Ta Thắng Địch Thua! Ta Thắng Địch Thua!” Tiếng hô to “Ta Thắng Địch Thua” hòa lẫn với tiếng trống, kèn và phèn la tạo thành một âm thanh ghê rợn đinh tai điếc óc.

Đại diện Châu Trùng tộc New York cúi đầu chào các đại biểu trong hội nghị giữa tiếng hò reo “Ta Thắng Địch Thua” vang dội cả một góc Trời.

Đại Lão Châu Trùng Tộc New York Cimex lectularius.

.

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.

_______

Chú Thích:

(1) Theo tiếng lóng thời đại ngày nay bed bug có nghĩa là người nghiện ma túy.

(2) Mahagony là cây dái ngựa, gỗ màu hung đỏ rất chắc dùng làm khung bằng cấp. Trên đường Gia Long, Sài Gòn, gần ngã sáu có nhiều cây dái ngựa, trái to, khi chín khô trái nổ, hột văng tung tóe.

(3) Siphon: ống hút; Aptera: không có cánh (Hy Lạp ngữ).

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/chautrungtamsu.html


Cái Đình - 2023