Phạm Ɖình Lân


Bò Cạp, Rít, Nhện, Cuốn Chiếu báo cáo

   

Đến ngày thứ 15 Hội Nghị Quốc Tế Động Vật trở nên buồn tẻ. Khí hậu nóng bức của lục địa Phi Châu làm cho đại biểu các động vật uể oải. Ban tổ chức than phiền tốn kém quá nhiều. Các phái đoàn Sư Tử, Cọp, Beo, Gấu, Chó Sói than phiền về các thức ăn thiếu hương vị trong thời gian hội nghị.   

Cọp, Beo, Sự Tử than: “Hai tuần nay không có một miếng thịt tươi nào cả. Ăn trái cây và các loại hột đau bụng quá! Mới hai tuần tụi tôi mất gần 20 kí-lô.”  

Voi, Bò, Trâu, Ngựa, Tê Giác than thiếu cỏ. Ban tổ chức hội nghị than thiếu tiền vì các tộc động vật đóng góp quá ít. 

Các nhạc sĩ và ca sĩ Ve, Dế, Chim Oanh bị ho, cảm nên không đủ sức ca hay sử dụng nhạc khí. 

Ban an ninh hội nghị báo động có bốn tay súng của loài người xâm nhập vào vùng tổ chức hội nghị, tìm cách giết phái đoàn Tê Giác để lấy sừng chở qua Trung Quốc bán. Các Tê Giác rụng rời. Hắc Tê Giác đổi sắc thành Bạch Tê Giác. Dũng khí của họ tan biến nhanh chóng. Họ giành nhau tìm chỗ ẩn núp cho được yên thân. Đội an ninh hội nghị kêu gọi các dũng sĩ Ong, Bò Cạp, Rít hành động để bảo vệ sự sống của Sư Tử, Cọp, Beo, Gấu, Chó Sói. Các dũng sĩ Ong bay lượn trên không như những phản lực chiến đấu bất bại. Dưới đất Bò Cạp và Rít lập đội hình chiến đấu nhằm tấn công các tay súng AK của loài người. Bị tấn công bất ngờ bởi đạo quân Ong trên không và Bò Cạp, Rít dưới đất các tay súng AK té nhào trên mặt đất không kịp bóp cò súng. Chó Sói và Cọp nhảy ra cắn cổ họ để hút máu và ăn thịt.

Ban Báo Chí của hội nghị đăng hàng chữ đại tự về lòng anh dũng của Cọp và Chó Sói hạ thịt những tay súng AK hiếu sát. Đại biểu Gà Tây, Vịt Xiêm, Ngỗng kéo nhau đến văn phòng ban Báo Chí Hội Nghị để chất vấn tựa đại tự của ban Báo Chí về thành tích của Cọp và Chó Sói trong việc hạ các tay súng AK đi tìm Tê Giác giết lấy sừng bán qua Trung Quốc. Chủ nhiệm ban Báo Chí là một Khỉ Đột to lớn mặc áo đen tuyền.   

Khỉ Đột hất hàm hỏi đám Gà Tây, Vịt Xiêm và Ngỗng:   

– Các ông đến đây để làm gì?

– Để phản đối bài báo của các ông tường thuật không đúng sự thật. Gà Tây đáp.

Khỉ Đột hỏi:  

– Về chuyện gì?   

– Về việc mấy tay súng AK của loài người bị Cọp và Chó Sói hạ thịt. Gà Tây đáp. 

– Chuyện là vậy có gì mà thắc mắc? Khỉ Đột hỏi. 

– Cọp và Chó Sói có làm gì đâu. Chỉ có Ong, Rít, Bò Cạp chích mấy tay súng AK. Bọn chúng đau và ngất xỉu. Cọp và Chó Sói nhân cơ hội ấy nhảy ra ăn thịt mấy tay súng.” Gà Tây nói. 

– Anh Gà Tây ơi! Anh nói rất đúng. Chúng tôi tường thuật đúng 50%. Các anh nói đúng 50%. Vậy chúng ta đã nói đúng 100% rồi. Nhưng anh Gà Tây ơi! Trên đời này làm gì có chuyện đúng 100% đâu anh! Các anh về chỗ ngồi đi. Đừng ồn ào ban an ninh đến thì phiền lắm. Các anh biết tại sao phiền không? Các anh là Gà Tây, Ngỗng, Vịt Xiêm. Các anh trong ban an ninh đều là Chồn, Cáo. Thấy mấy anh thì mấy ảnh dễ sinh sự và gây đổ máu với các anh. Phiền lắm! Khỉ Đột nói như đe dọa. 

Gà Tây nói nhỏ với Ngỗng và Vịt Xiêm:

– Thằng cha  Khỉ Đột nầy nói đúng đó. Tụi mình chuồn nhanh để tránh gặp bọn Chồn Cáo.

Sau những phút hồi hộp và ngột ngạt ban nhạc Scorpion trổi lên bản We Are Winners, They Are Losers! Hội trường trở nên náo nhiệt.

Khí thế chiến thắng dâng lên như thủy triều. Bản nhạc vừa dứt thì ban tổ chức thông báo đến lượt trưởng lão Bò Cạp Việt Nam đại diện cộng đồng Bò Cạp, Rít, Nhện và Cuốn Chiếu trên hoàn cầu đọc tham luận. Trưởng lão Bò Cạp Việt Nam mặc hắc y xuất hiện sau ba hồi trống của ban nhạc Scorpion. Dưới hội trường có tiếng vỗ tay ầm ĩ chào đón lão. 

*** 

Tôi là trưởng lão Bò Cạp núi Việt Nam. Tộc chúng tôi sống dọc theo dãy Trường Sơn giữa Việt Nam và Lào. Vì vậy loài người cho tộc chúng tôi tên khoa học Heterometrus laoticus (gọi lên xứ Lào, nước Lèo hay Ai Lao như người Việt Nam thường nói). Chúng tôi được liệt vào gia đình Scorpionidae. Được sự uỷ nhiệm của Rít (Ngô Công), Cuốn Chiếu (Thiên Túc), Nhện (Tri Thù) lần lượt chúng tôi sẽ trình bày về các tộc ghi trong nghị trình. 

Yết tộc

Bò Cạp

Bò cạp núi Việt Nam (Ảnh: insektenliebe.com)

Dòng họ Bò Cạp chúng tôi sống khắp địa cầu từ Bắc Bán Cầu đến Nam Bán Cầu, ngoại trừ Nam Băng Châu. Có gần 2.000 chi tộc Bò Cạp trên thế giới. Chúng tôi sống trong hang, các hốc đá, vùng nóng nực khô hạn như sa mạc, trên các cây chết khô. Tộc Bò Cạp nào cũng có nọc độc gây đau đớn khó chịu cho người bị Bò Cạp chích. Trong 2.000 chi tộc Bò Cạp chỉ có từ 30 - 50 chi tộc có nọc độc có thể gây tử vong cho người bị chích. Các chi tộc Bò Cạp Leiurus quinquestriatus Androctonus australis được xem là những dũng sĩ có nọc độc giết người. 

Bò Cạp Leiurus quinquestriatus (Ảnh: inaturalist.org)

Bò Cạp chúng tôi không phải là côn trùng. Các nhà động vật học của loài người gọi chúng tôi là arachnid như Nhện vì Bò Cạp với 4 cặp chân, thân chia ra làm hai phần: 1. phần đầu và ngực, 2. phần bụng. Chúng tôi là động vật không có xương sống, không máu đỏ, không vú nhưng không sinh trứng mà sinh con. 

Loài người gọi Bò Cạp chúng tôi như thế nào?

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Bò Cạp, Yết (Hán Việt) 

Ấn Độ

Bichchhu

Sanskrit

Vrischikan

Hy Lạp

Skorpios

Trung Hoa

Xie

Nhật

Sasori

Anh

Scorpion

Pháp

Scorpion

Tây Ban Nha

Escorpion

Về hình dáng Bò Cạp chúng tôi giống mấy anh chị Tôm. Cũng có ngoe, có hai càng. Dĩ nhiên chúng tôi khác nhau rất nhiều: khác về môi trường sống. Anh chị Tôm mập mạp, chúng tôi có nhiều vỏ hơn là thịt. Anh chị Tôm đi thụt lùi dưới nước, chúng tôi bò về phía trước trên mặt đất khô hạn. Các chị Tôm đẻ trứng, nữ phái Bò Cạp chúng tôi đẻ con. Tôm có đuôi chẻ ba trông rất đẹp; chúng tôi không có đuôi, phần cuối của bụng có một bộ phận như cây kim dùng để chích nọc độc vào đối thủ dù nhỏ bé hay to lớn như loài người. 

Bò Cạp chúng tôi sống trong bóng tối. Vì vậy thị giác của chúng tôi rất bén nhạy. Trên đầu chúng tôi có hai con mắt. Ngoài hai con mắt này mỗi bên còn có thêm 5 con mắt nhỏ. Vị chi có 10 con mắt nhỏ ở phần đầu và ngực. Dưới phần đầu và ngực có một cấu trúc tựa như cái lược hay bàn chải (pectines) có vai trò của cơ quan xúc giác và khứu giác. Nhờ cấu trúc này mà các anh Bò Cạp đi tìm các chị Bò Cạp và Bò Cạp con biết tìm mẹ của họ. 

Bò cạp có hai càng lớn như là võ khí để tự vệ và đấu đá nhau giành người yêu. Ngoài ra còn có 8 cái chân. 

Bò Cạp mặc quần áo đen, vàng nhạt, vàng cam, trắng đục.   

Bò Cạp to lớn nhất dài 21cm. Các anh chị tộc này mang tên khoa hoc Hadogenes troglodytes. Chi tộc này được tìm thấy nhiều trong vùng núi ở miền Nam Phi Châu.

Bò Cạp to lớn Hadogenes troglodytes (Ảnh: Wikipedia)

Bò Cạp nhỏ chỉ dài 6,5mm. Đó là chi tộc Microbuthus pusillu ở Bắc Phi và Trung Đông. 

Bò Cạp nhỏ Microbuthus pusillu (Ảnh: flickr.com)

Bò Cạp nặng cân nhất chỉ cân nặng 60grams. Đó là Bò Cạp Pandinus imperator được tìm thấy nhiều ở Tây Phi.

Bò Cạp Pandinus imperator (Ảnh: freepik.com)

Tộc Bò Cạp chúng tôi là loài ăn thịt. Chúng tôi ăn cào cào, châu chấu, sâu bọ, trùn, dế, và xác của các loại thú chết. Kẻ thù của Bò Cạp là Chim Cú, Gà Rừng, Cáo Cầy (mongoose, meerkat - Hai động vật nầy miễn nhiễm đối với nọc độc của Bò Cạp). 

Tuổi thọ trung bình của tộc Bò Cạp xê dịch từ 6 - 8 năm. Cũng có nhiều anh chị Bò Cạp thay vỏ và sống đến 25 năm. 

Tuổi yêu đương của Bò Cạp xê dịch từ 3 - 6 tuổi. Các chị Bò Cạp có hình dạng to lớn hơn các anh. Nghi thức yêu đương của tộc Bò Cạp rất khó khăn vì có thể kéo dài cả ngày qua nhiều màn nhảy múa van xin tình yêu của các anh Bò Cạp. Ái ân xong các anh phải trốn xa các chị. Nếu không các anh Bò Cạp trở thành mồi ngon của các chị! Sau từ 2 đến 18 tháng giao tình các chị Bò Cạp sinh từ 15 - 25 Bò Cạp con. Bò Cạp con mang hình hài của cha mẹ nhưng mặc quần áo mỏng trắng-vàng nhạt rất trong. Các cháu trèo lên lưng mẹ để được bảo vệ. Các chị Bò Cạp được xem là những bà mẹ khéo chăm sóc con. Vậy mà gặp lúc đói kém, thiếu ăn các chị biến con mình thành thức ăn có proteins. Bò Cạp con sống bên mẹ một thời gian khá lâu mới tự lập và tự đi kiếm mồi để sống. 

Chúng tôi không giúp ích gi loài người, cũng không gây thiệt hại nhiều cho họ. Thỉnh thoảng chúng tôi tấn công Gà, Vịt của loài người. Các nữ Kê bị Bò Cạp chích rên la ầm ĩ. Ban ngày nam, nữ Kê gặp chúng tôi thì họ bu lại mổ và nuốt chúng tôi vào bụng mà không cần nhai. Khiếp quá! Đó là cảnh ăn tươi nuốt sống giữa động vật với nhau. Loài người có thương gì chúng tôi đâu. Thỉnh thoảng có vài nông dân bị Bò Cạp chích. Họ lấy củ hành chà xát trên vết thương bị Bò Cạp chích để vô hiệu hóa nọc độc. Bây giờ loài người nghiên cứu dùng nọc cực độc của Bò Cạp để làm thuốc chữa ung thư. Câu lấy độc trị độc của loài người vô hiệu hóa nọc độc của Rắn, Rít, Bò Cạp. Loài người càng bố ráp, săn ruồng để bắt rắn, rít, bò cạp có nọc độc đem về nghiên cứu và biến thành thuốc cứu người. Trong Đông Y có toa Toàn Yết hay Yết Vĩ dùng Bò Cạp làm thuốc trị bịnh kinh phong trẻ em. Yết tộc chúng tôi không có nhiều thịt mà chỉ có lớp vỏ đen bóng bên ngoài mà thôi. Loài người cũng không tha. Họ dùng dầu mỡ, hành, tiêu, tỏi, ớt chiên bà con chúng tôi rồi ăn như ăn Cua đồng vậy. 

Thưa các đại biểu động vật, quí vị có biết ngày xưa ở Ai Cập Scorpion là tên của vua chúa Ai Cập không? Ta có: Scorpion I, Scorpion II, Scorpion III v.v.. Bò Cạp được Thần hóa dưới dạng nữ Thần Serqet đặc trách việc bảo vệ thi thể và nội tạng người chết. Từ Triều Đại V của Ai Cập tức 2465 - 2323 trước Tây Lịch các thầy thuốc khéo léo trong việc chữa bịnh được mang danh hiệu Đệ Tử Nữ Thần SERQET’. 

Bò Cạp được nhắc đến trong huyền thoại Hy Lạp. Theo một huyền thoại thì nữ Thần Artemis biến con Bò Cạp chết thành chòm sao Scorpius. Trong một huyền thoại khác của Hy Lạp thì Thần Apollo ra lịnh cho một anh Bò Cạp giết người thợ săn Orion. Trong cung hoàng đạo Bò Cạp chiếm cung thứ 8 dưới tên Scorpio. Những người sinh từ ngày 16-11 đến 15-12 nằm trong cung thứ 8 Scorpio nầy. 

Dưới nhãn quan của loài người, Rắn hay Bò Cạp đều là biểu tượng của sự dữ, sự độc ác. Trong Thánh Kinh Bò Cạp được đề cập đến trong sách Luca 10:19; 11: 12; Kings 12:11; Deuteronomy 8:25; Ezekiel 2:6. Bò Cạp chúng tôi rất thích câu: Có người cha nào con mình xin bánh lại cho Bò Cạp bao giờ. 

Trong Phạn ngữ (Sanskrit) Vrischikan là Bò Cạp. Đó là tên của nhiều người ở Ấn Độ. Trong Yoga có tư thế Vrischika Asana uốn mình như Bò Cạp. 

Ở Ấn Độ dân làng Kandakoor tổ chức lễ hội Chelina Jatra tức Lễ Hội Bò Cạp để vinh danh nữ Thần Bò Cạp Kondammai.  

Người Anh gọi cây chùm nụm là Scorpion bush hay Fukien Tea (Trà Phúc Kiến). Người Pháp gọi là arbre à thé de Fukien. Cây chùm nụm là cây nhỏ, lá nhỏ; trái chín màu đỏ-vàng, vị ngọt lợ; hột cứng. Đó là loại cây cảnh bonsai được ưa thích mang tên khoa học Carmona microphylla (microphylla: lá nhỏ) thuộc gia đình Boraginaceae.

Trong Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có một loại cá có nọc độc được gọi là Scorpion fish (Cá Bò Cạp) mang tên khoa học Synaceia horrida thuộc gia đình Scorpaenidae. Loại cá này giống như đá san hô hay đá nên còn được gọi là stone fish hay rock fish (thạch ngư - Cá Bò Cạp: Thạch Ngư). 

Có một loại Ruồi gọi là Ruồi Bò Cạp (Scorpion Fly) có thân hình giống Bò Cạp. Đuôi nhọn như kim. Mỏ nhọn và dài trông bạo tợn. Tên khoa học của Ruồi Bò Cạp là Panorpa communis thuộc gia đình Panorpidae. Loại Ruồi này trông dữ tợn nhưng không gây tử vong cho loài người. 

Ngô Công tộc và Thiện Túc tộc

Rít và Cuốn Chiếu

Rít nhà Scutigera coleoptrata  (Ảnh: Wikipedia)

Rít và Cuốn Chiếu là loại không có xương sống, không máu đỏ, có nhiều chân như loài tôm, loài nhện, không vú và đẻ trứng. Hiếm có loại Rít sinh con.  

Rít sống trong nhà mang tên khoa học Scutigera coleoptrata thuộc gia đình Scutigeridae. Tên gọi thông thường là:  

Quốc gia

Tên gọi 

Việt Nam

Rít, Rết, Ngô Công (Hán-Việt) 

Anh

Centipede (Trăm chân) 

Pháp

Centipède

Trung Hoa

Wu Gong (Ngô Công) 

Nhật

Mukade

Nơi sinh sống của Ngô Công tộc là nơi tăm tối trong nhà, các hốc đá, cây mục, lá mục. Vì vậy ta có Rít nhà, Rít hốc đá, Rít sống dưới đất, Rít sống dưới nước. 

Rít Amazone (Ảnh: inaturalist.org)

Rít to lớn nhất là Rít Amazone mang tên khoa học Scolopendra gigantea thuộc gia đình Scolopendridae và Rít sa mạc Scolopendra polymorpha.  Các anh chị Rít nầy dài lối 30cm. Các anh chị Rít chi tộc này có chân vàng.  

Rít nhỏ nhất là Rít Nannarrup hoffmani thuộc gia đình Mecistocephalidae.  

Rít Việt Nam Scolopendra subspinipes (Ảnh: Wikipedia)

Ngô Công tộc có các đặc điểm sau đây:  

Loài người nhìn Yết tộc để làm xe ủi đất, xe bốc giở hàng, thùng rác nặng. Ngô Công tộc giúp cho loài người có cảm hứng sản xuất xe cam nhông 10 bánh, 18 hay 20 bánh.  

Xe lửa của loài người dựa vào hình ảnh của các anh chị Cuốn Chiếu tức Thiên Túc (ngàn chân) với nhiều bánh xe nhỏ (chân) và thân hình dài uốn khúc như các toa xe lửa dài.    

***  

Con Cuốn Chiếu (Ảnh: Wikipedia)

Người Anh gọi Cuốn Chiếu là Millipede hay thousand leggers vì các anh chị ấy có nhiều chân. Người Trung Hoa gọi các anh chị ấy là Thiên Túc, tức ngàn chân. Người Việt Nam gọi là Cuốn Chiếu vì khi đụng vào mình, các anh chị ấy cuộn tròn như người ta cuốn chiếu vậy. Cách gọi tên Cuốn Chiếu: 

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Cuốn Chiếu, Thiên Túc (Hán-Việt)

Trung Hoa

Qianzu Chong (Thiên Túc Trùng) 

Anh

Millipedes

Pháp

Mille-pattes

Nhật

Yasude (con Ngựa đất)

Cuốn Chiếu nhà hay vườn Oxidus gracilis (Ảnh: Wikipedia)

Thiên Túc tốc sống dưới mặt đất trong cỏ rác, lá mục hay trong nhà tăm tối và ẩm ướt. Thân hình dài và có tối thiểu 20 ngấn. Mỗi ngấn có 4 chân (02 cặp chân). Tối thiểu mỗi anh chị Cuốn Chiếu (Thiên Túc) có 80 chân. Tuy gọi là Mille-pattes hay Millipedes không anh chị Cuốn Chiếu nào có 1.000 chân cả. Thiên Túc chi tộc Illacme plenips thuộc gia đình Siphonorhinidae có 750 chân. Đó là chi tộc Thiên Túc có nhiều chân nhất thế giới. Tổng số chân tùy thuộc vào tổng số các ngấn trên mình Thiên Túc. Ăn uống bổ dưỡng thì thân hình có nhiều ngấn và có nhiều chân. Thiên Túc nhà hay vườn mang tên khoa học Oxidus gracilis thuộc gia đình Paradoxomatidae. Thiên Túc thường mặc quần áo vàng sậm hay đen.

Cuốn Chiếu Illacme plenips (Ảnh: Wikipedia)

Thiên Túc không có nọc độc như Yết tộc chúng tôi hay Ngô Công tộc. Chất lỏng mà các anh chị Thiên Túc toát ra không có hại cho loài người nhưng có hại cho côn trùng sống dưới đất hay côn trùng có cánh như Muỗi chẳng hạn. Dù không phá hại, Thiên Túc tộc cũng bị loài người dùng đủ loại hoá chất để diệt họ. Càng đô thị hóa, nhà cửa càng khang trang sáng sủa, đường sá được trải đá tráng dầu, mặt đất được lót gạch hay tráng xi măng, Thiên Túc tộc càng ngày càng mất môi trường sống. Sống trong thiên nhiên các anh chị Thiên Túc bị bọn Chim, Gà Rừng… hà hiếp, cắn mổ. 

Các chị Thiên Túc sinh trứng nở ra con. Thiên Túc tử mới chào đời không có chân! Thiên Túc không nghe bằng lá nhĩ mà bằng các chân. 

Trong ngôn ngữ Việt Nam không thấy nói về Yết tộc như trong huyền thoại Hy Lạp, Ai Cập cổ hay trong Thánh Kinh Do Thái. Người Việt Nam xem Rắn, Rít, Bò Cạp là đại diện của kẻ độc ác vô lương. Người giàu có mà keo kiệt bị gọi là Rít Chúa. Người Trung Hoa có sao Thanh Long hay Thiên Long. Không lẽ dòng họ Ngô Công có bà con với Long tộc quyền thế cao sang? 

Ca dao Việt Nam có nói vài câu về Rít như sau:  Đố ai biết Rít mấy chân, 
Cầu Ô mấy nhịp? chợ Dinh mấy người? 

Tri Thù tộc

Nhện

Nhện Goliath Điểu Thực Theraphosa blondi (Ảnh: fineartamerica.com)

Nhện là loài vật nhỏ bé không xương sống, không máu đỏ, không có vú và sinh ra trứng. Tên gọi thông thường của Nhện là:  

Quốc gia

Tên gọi

Việt Nam

Nhện, Nhền Nhện, Tri Thù (Hán Việt)

Anh

Spider

Pháp

Araignée

Tây Ban Nha

Arana

Trung Hoa

Zhizhu (âm thanh Tri Thù)

Nhật Bản

Kumo

Ấn Độ

Makara

Các anh chị Tri Thù tộc có hình dáng xấu xí và ghê rợn. Thân hình chia ra làm hai phần: đầu và ngực, bụng phủ đầy lông mịn. Bụng của Nhện rất to. Nhện có 8 (tám) chân dài có gai. Có chi tộc Nhện có 8 mắt. Có chi tộc có 6 mắt. Nhện sống trong nhà, ngoài thiên nhiên trong các cành cây hay bọng cây. Nhện có nhiều mắt và sống trong bóng tối nhưng thị giác của Nhện không bén nhạy.  

Các anh Nhện nhỏ con hơn các chị.      

Nhện to nhất là Nhện Tarantula tức Nhện Goliath ăn thịt Điểu tộc (Goliath birdeater) dài 30cm và cân nặng lối 170grams.

Tên khoa học của các anh chị Nhện khổng lồ vùng Amazon này là Theraphosa blondi thuộc gia đình Theraphosidae. Các anh chị nầy to lớn, có nọc độc nhưng không gây tử vong cho loài người. 

Nhện nhỏ nhất chỉ nhỏ như các anh chị Kiến. Đó là Nhện Patu digua ở Nam Mỹ thuộc gia đình Symphytognathidae.

Nhện nhỏ nhất Patu digua (Ảnh: dierenweetjes.nl)

Nhện nào cũng có nọc độc nhưng không phải người nào bị Nhện cắn đều chết.

Nhện có nọc độc gây tử vong cho người bị cắn đại cương có: 

• Nhện Loxosceles tenochtitlan (Tenochtitlan: tên cố đô của đế quốc Aztec ở Mexico) thuộc gia đình Sicariidae. Nọc rất độc làm thối thịt trên 40cm! 

Nhện Loxosceles Tenochtitlan (Ảnh: Wikipedia)

• Nhện Anelosimus eximius thuộc gia đình Theridiidae ở Nam Mỹ. Các anh chị Nhện này có nọc đọc nhưng cộng đồng chi tộc Tri Thù nầy khéo tổ chức. Các bà mẹ Nhện chăm sóc các Tri Thù tử rất chu đáo. 

Nhện Anelosimus eximius (Ảnh: Wikipedia)

Nhìn chung Tri Thù tộc có các đặc điểm chung như sau: 

  1. Có nhiều chân và nhiều mắt. Thuật leo trèo của Nhện rất tuyệt vời. Nhưng thị giác lại kém.
  2. Có nọc độc có nhiều acids, amines, acypolyamines phá hủy mô tế bào và hệ thần kinh. 
  3. Các anh Nhện nhỏ và nhẹ cân hơn các chị. Tất cả đều có thuật giăng tơ. Đó là một loại lưới để bắt mồi. Có những mạng lưới dài đến 8m. Sa vào lưới có thể là Dế, Mối, Mọt, Ruồi, Muỗi, Chim, Chuột. Khi vào mạng Nhện họ bị chích bất tỉnh hay chết hẳn trước khi bị ăn thịt. Tri Thù tộc được liệt vào loài vật ăn thịt. 
  4. Sau khi ái ân các chị thường ăn thịt các anh. Các chị sinh trứng. Loài người lấy trứng Nhện cho Cá Lia Thia ăn hay làm mồi để câu cá. 
  5. Nhà có nhiều mạng Nhện là nhà không được chăm sóc kỹ lưỡng hay bị bỏ hoang. Những người Da Đỏ ở Mỹ Châu cũng như người Việt Nam đều dùng mạng Nhện để cầm máu khi bị đứt tay. Người Hy Lạp cổ cũng có kinh nghiệm này.

Người Tây Phuơng xem Tri Thù tộc là biểu tượng của:  

Trong huyền thoại Hy Lạp có nữ Thần Arachne (Theo Hy Lạp ngữ Arachne là Nhện). Bà là nữ Thần của Athena, rất khéo về việc kéo chỉ quay tơ. Sau bà trở thành một thành phần trong tộc Tri Thù để tiếp tục việc giăng tơ. 

Trong Cựu Ước lẫn Tân Ước Kinh không thấy nói về Nhện.

Loài người quan tâm nhiều đến Tri Thù tộc. Nào là ‘Araignée du soir’ (Nhện đo trước mắt lúc hoàng hôn là điềm có tin vui hay có khách).  Đó là Tri Thù báo hỉ.    Nằm mộng thấy Nhện thì phải thận trọng. Có nguy hiểm v.v..  

Tương truyền, năm 1306 Robert the Bruce lên ngôi vua Scotland. Ông chống lại người Anh. Thất trận ông chạy trốn và trú ẩn trong một hang đá. Từ trong hang đá ông thấy một anh Nhện miệt mài giăng tơ như để lấp miệng hang. Anh Nhện làm việc một mình. Công việc khó khăn và đòi hỏi phải có nhiều anh chị Nhện khác phụ giúp. Anh chỉ làm một mình nên bị té lên, té xuống không biết bao nhiêu lần, anh vẫn lầm lũi hoàn thành mạng Nhện mà anh muốn làm. Cuối cùng anh thành công. Vua Robert the Bruce xem đó là tấm gương kiên nhẫn mà ông phải noi theo với khẩu hiệu: If at first you don’t succeed, try, try again (Nếu khởi đầu thất bại, hãy cố gắng, cố gắng thêm lần nữa). Đó là gương nhẫn nại của Tri Thù tộc vậy.  

Việt Nam có bài ca dao:   Đêm khuya ra đứng bờ ao,  
Trông cá, cá lặn,  
Trông sao, sao mờ.  
Buồn trông con Nhện giăng tơ,  
Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai?  

Cái ông Việt Nam mất ngủ nầy hỏi nhiều chuyện rắc rối làm sao trả lời được? 

Trong tiếng Anh Nhện được nhắc đến trong các tên gọi: 

Các anh chị Nhện coi vậy mà có uy lắm. Trên thực tế không hề có sao Nhện (Tri Thù Tinh), vậy mà trong dân gian vẫn nói đến sao Nhện trên tinh cầu. 

Yết tộc chúng tôi có một cung trong 12 cung hoàng đạo của người Tây Phương. Ngô Công tộc, Tri Thù tộc không được danh dự ấy. Cả Yết tộc, Ngô Công tộc và Tri Thù tộc đều không có mặt trong 12 con giáp của người Trung Hoa. Xem chừng người Đông Phương xem thường chúng tôi nhiều hơn người Tây Phương. Người Trung Hoa cho Rít và Nhện vào số Đề 40 con. Ngô Công mang số 20 (sau anh chị Bướm và trước anh chị Én). Tri Thù mang số 33 (sau anh chị Rắn và trước anh chị Nai). Yết tộc bị loại ra khỏi số Đề. Nhưng cả ba chúng tôi đều nằm trong các vị thuốc Đông Y. Toàn Yết, Yết Vĩ và Ngô Công đều được dùng làm thuốc trị liệt mặt, nhức đầu, trúng phong méo miệng, xếch mắt. Mạng Nhện gọi là Tri Thù Ty; bao trứng Nhện gọi là Bích Tiền Mạc; Nhện sống (Tri Thù), xác Nhện (Tri Thù Thoái) đều được dùng để chữa bịnh trong Đông Y từ cầm máu đến làm giảm đau, trị mụn nhọt, loét, đinh râu đến trúng phong méo miệng. 

*** Xem thêm Tri Thù Tộc (Nhện) của tác giả Phạm Ɖình Lân

Loài người chế ngự vũ trụ bằng bộ não của họ. Vậy mà không thấy loài động vật nào trong chúng ta học nơi họ điều gì. Chỉ thấy họ học nơi chúng ta mà thôi. Họ học các thế đánh của Cọp, Beo, Sư Tử, Mèo, cách uốn nhảy dịu dàng của Mèo, cách đá giò lái của Ngựa, cách đá song phi của Gà, cách đi hàng ngang của Cua, cách siết cổ của Trăn, Rắn, cách leo tường của Nhện, cách đu dây của Khỉ v.v.. Mã tộc tạo cảm hứng cho họ làm ra xe hơi. Ngư tộc tạo cảm hứng cho loài người làm ra tàu bè, tàu ngầm, hàng không mẫu hạm. Điểu tộc tạo cảm hứng cho họ làm ra phi cơ. Mạng Nhện giống tựa bát quái và hệ thống ra-đa của thời cận đại. Quí vị thấy không, nhân loại có trên 7 tỷ người nhưng có mấy người Spiderman trèo tường như các anh chị Nhện. Vậy ai hơn ai? Ɖộng vật hay loài người? 

Trân trọng kính chào toàn thể quí vị đại biểu. Kính chúc quí vị một ngày dài hạnh phúc trên hành tinh này. 

Dưới hội trường có tiếng vỗ tay vang dội. Ban nhạc Spider Rock trổi bản Ai Hơn Ai? vang rền. 

Trưởng Lão Yết Tộc Việt Nam Heterometrus laoticus, bí danh Hắc Y Yết Trưởng Lão Trường Sơn

   

Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I. 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/khoahockythuat/bocapritnhen.html


Cái Đình - 2023