Thích Tuệ Sỹ


Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam (1)

Thưa quý vị,

Tôi xin mạn phép tự giới thiệu bản thân mình: mặc dù là một diễn giả mới của diễn đàn này, tôi có thể đã được quý vị biết đến. Trước hết, bài phát biểu của tôi hôm nay sẽ được xem là một nghịch lý, nhưng không phải đơn giản chỉ vì ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy triết học và tu sĩ Phật giáo, tôi không hề có chút suy nghĩ nào về những thứ như chính trị và các hoạt động chính trị thường được giải xem như sự tranh giành quyền lực; nhưng rồi, chỉ sau một đêm, tôi bỗng dấn thân vào một cuộc đấu tranh khốc liệt nhưng tuyệt vọng.

Cho điều gì?

Cho điều gì? Cho điều mà cả thế giới đều đã biết đến: phẩm giá con người, một khái niệm ngày nay dường như vẫn còn mơ hồ đối với nhiều chính phủ, trong khi tính phổ quát của nó lại rất quen thuộc với con người qua nhiều thời gian và không gian.

Thứ đến, trong đúng bốn mươi lăm ngày, tôi đã bị giam cầm trong tư thế một tử tù, chờ ngày hành quyết, một chân bị xiềng, và đã đếm từng ngày còn lại của mình. Tôi mò mẫm trong bóng tối để tìm kiếm ý nghĩa của sự sống và cái chết. Mặc dù đã từ chối quyền kháng cáo nhưng tôi vẫn bị đưa ra tòa phúc thẩm. Vì đã từ chối lời cầu xin tha mạng, tôi đã chuẩn bị, sẵn sàng để bị hành quyết. Rốt cuộc thì hình phạt xử tử được giảm xuống thành chung thân.

Xin thú thật rằng tôi không hề biết chuyện gì đã xảy ra khi đó, và đã khiến số phận của tôi chuyển sang một hướng bất ngờ, mãi cho đến mười lăm năm sau, khi tôi buộc phải thừa nhận lệnh ân xá. Hầu hết các tù nhân như tôi đều bị xử tử, không có ngoại lệ. Không những chỉ số phận của tôi đổi thay, mà cả đất nước tôi, rất đỗi ngạc nhiên, cũng đột ngột đổi ngược.

Bức màn sắt đột nhiên bị kéo xuống. Bức tường Berlin sụp đổ. Pháo đài của cách mạng vô sản thế giới sụp đổ. Những sự kiện này được bí mật thì thầm truyền tai trong tù như những câu chuyện cổ tích hay truyện ma cho những đứa trẻ tò mò. Sau đó tôi biết được rằng một kỷ nguyên mới đã được mở ra, một kỷ nguyên trong đó phẩm giá con người được hiểu biết một cách phổ quát.

Điều Nghịch lý

Ngày nay thuật ngữ “tình người” đã có định nghĩa đầy đủ. Tuy nhiên, việc tàn sát hàng loạt hàng ngày ở một số nơi trên toàn thế giới vì sự phân biệt chủng tộc, khác biệt tôn giáo đang thách thức định nghĩa đó. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ khi Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được công bố. Trong 25 năm đầu của khoảng thời gian đó, đất nước tôi đã tan nát vì chiến tranh huynh đệ tương tàn, được gây nên bởi công nghệ giết người hàng loạt mới nhất được phát minh, bởi sự vĩ đại của giai cấp vô sản và sự giàu có của giai cấp tư sản. Cả một thế hệ được nuôi dưỡng để phục vụ cho cuộc chiến, bề ngoài được cho là chống đế quốc nhưng thực chất nó đã trở thành cuộc tranh chấp xem quyền lực nào sẽ là chủ thế giới, đế quốc đỏ hay đế quốc xanh. Các nhà sử học tương lai sẽ tìm hiểu sâu xa ý nghĩa của điều này. Lúc ấy, đa số người dân nước tôi chỉ lo làm sao để có thể sống sót sau chiến tranh. Tôi thuộc thế hệ những người đã đánh mất tuổi trẻ vì chiến tranh và chỉ nhận được sự lạc hậu để có hòa bình.

Trong 25 năm kế tiếp, các nhà lãnh đạo Cộng sản đã thống nhất đất nước tôi thành một xã hội duy ngã, khinh thường tất cả những giá trị nào khác với những gì họ tưởng tượng. Cũng việc trái đất xoay quanh mặt trời luôn theo một quy luật nhất định, cuộc cách mạng của nước tôi không được phép đi chệch khỏi sức kéo giữ của kẻ thống trị. Các nhà khoa học có thể chứng minh được điều gì đã khiến cho sức hút của mặt đất, hay mặt trời, có thể tồn tại được. Sự phục tùng của người dân, cúi đầu nghe theo những kẻ cầm quyền thì lại bị coi là chuyện tất nhiên.

Tôi vừa đề cập đến điều nghịch lý. Hai chữ này cứ ám ảnh tôi mãi sau khi tôi bị tống ra khỏi tù mà không biết chuyện gì đã xảy ra. Trước nhất, sinh viên học sinh miền Nam chúng tôi được dạy phép biện chứng duy tâm để suy ra hàm ý của tự do, dân chủ mà người ta bảo phải đổ máu để bảo vệ. Trong khi đó, đồng bào ta ở miền Bắc miệt mài trau dồi cung cách lập luận biện chứng kiểu duy vật để biện minh cho chế độ độc tài của Đảng. Khi cả hai bên gặp nhau, việc tổng hợp những khác biệt đó để làm thành một xã hội phát triển tối ưu đã lượn lờ, phe phẩy….  và phép biện chứng kiểu “lộn tùng phèo”, đầu đuôi lộn ngược, đã thành mầm móng cho một thực tế trần trụi, phũ phàng. 

Trong hơn một trăm năm, bao thế hệ đã đứng lên đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc. Giờ đây, khi đã “thống nhất, độc lập”, thì người ta lại chứng kiến một khối lượng dân chúng khổng lồ, cả trong Nam lẫn ngoài Bắc, đều chỉ muốn liều mình ra đi, chạy xa khỏi Tổ quốc. Đó là một nghịch lý. Tôi đã nghiền ngẫm sự nghịch lý này, để thấu rõ hơn về tương lai của dân tôi.

Và bây giờ tôi rất vinh dự được những người bạn Hà Lan của chúng tôi mời phát biểu về Việt Nam, đặc biệt là về chủ đề nhân quyền, ý nghĩa của chúng và cách chúng được thực hiện ở đất nước tôi. Và cho phải đạo, tôi muốn bày tỏ ở đây lòng biết ơn sâu xa của tôi đối với tình bạn này. Nhưng điều đầu tiên tôi phải nói trước là về vấn đề này, tôi chỉ có một số kiến ​​thức khá hạn hẹp, vì đã bị tước đoạt một cách không chính thức các phương tiện pháp lý để có được thông tin, trong cũng như ở ngoài nước. Điều này rất dễ hiểu ở một đất nước mà việc lĩnh hội thông tin được đặt dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Đối với tôi, biện pháp kiểm soát, canh chừng, bắt bẻ bị chính quyền nâng lên hàng đầu, vô cùng gắt gao, sát rạt. Và rất dễ hiểu khi bạn bè tôi cố gắng tránh mặt tôi vì sợ bị nhân viên an ninh quấy rối sau này. Đòn cách ly xã hội thay vì giam giữ và hành hạ đúng là rất hiệu quả.

Sống giữa thành phố lớn, thoải mái dạo chơi trên những con phố đông đúc, tôi vẫn nhận rõ ra cảm giác bị cách ly với xung quanh, cuộc đời tôi như trong một giấc mơ, hay nói đúng hơn là một cơn ác mộng. Vì vậy, khi tôi nhận được lời đề nghị về việc phát biểu, dù có mặt tôi hay không, lúc đầu tôi đã lưỡng lự. Cuối cùng, tôi quyết định ghi lại một điều gì đó để xem sự lạc hậu của mình đến đâu.

Tính phổ quát của tự do, dân chủ và nhân phẩm

Mặc dù được nuôi dưỡng theo truyền thống phương Đông nhưng có thể nói, giống như hầu hết thế hệ của tôi, tôi đã nhận được một nền giáo dục theo phương Tây. Các triết gia và hệ thống tư tưởng phương Tây ở một mức độ nào đó đã gây ảnh hưởng đến tôi cũng như các bạn trẻ của tôi, và thậm chí cả cách suy nghĩ của họ. Những khái niệm về tự do và dân chủ, được coi là sản phẩm của phương Tây, dường như không hề xa lạ đối với chúng tôi.

Trên thực tế thì mọi nền văn minh đều chứa đựng trong phạm vi tư tưởng của nó những ý tưởng hay lý tưởng về tự do, dân chủ và phẩm giá con người. Ngoài ra, trong cái kho vốn liếng ngữ từ của các nước Á Châu, thì những danh từ này là những chữ mới mẻ được thêm vào với cấu trúc nhất định sau khi nền Văn minh phương Tây du nhập vào các nước đó trong các cuộc viễn chinh và để bành trướng chính sách thực dân, thuộc địa. Liệu những mục này còn có bất kỳ giá trị mới nào của nhân loại thuộc một phạm trù khác hay không vẫn còn là vấn đề về mặt chính trị. Tôi xin nhấn mạnh thuật ngữ ‘chính trị’. Vì giá trị đạo đức con người có tính toàn cầu, và là điều mà dù ở bất cứ nơi nào, người ta cũng hiểu được.

Một số nhà lãnh đạo chính trị có ảnh hưởng từ phương Đông, trong buổi hoàng hôn ảo tưởng của những giá trị này, đã đưa ra lập luận của họ về những đặc điểm riêng của mỗi nền văn minh và do đó các kháng tố (sự chống lại những gì không quen, không giống họ) có thể được nảy sinh ra theo hướng tốt hơn hoặc xấu đi. Đồng thanh, đồng lòng với “đàn anh” Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Cộng sản Việt Nam quyết liệt phủ nhận tính phổ quát của nhân quyền, tuyên bố những quyền này là vấn đề nội bộ của một quốc gia. Họ khẳng định những ý tưởng đó là của phương Tây, không thể áp dụng được và dị ứng với những truyền thống Việt Nam.

Trên thực tế thì, bản hợp xướng này rất khó nghe, lộn xộn. Vì tư tưởng Mác xít được gieo trồng ở Việt Nam chưa đầy trăm năm đã được tạo ra và hình thành hoàn toàn ở phương Tây. Điều mâu thuẫn với truyền thống Việt Nam không phải là những tư tưởng trong Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà là quan điểm lịch sử biện chứng duy vật, áp dụng một cách giáo điều, cứng ngắc vào sự tiến bộ của xã hội Việt Nam. Đừng nghĩ rằng phương thức đem lại sự phát triển ở các nước ở phương Tây, nơi từng có chế độ phong kiến, nông nô, cũng sẽ đương nhiên mang đến sự tiến bộ cho một Việt Nam phong kiến. Các nhà sử học cộng sản Việt Nam đã không ngần ngại đưa ra quan điểm lịch sử của mình rằng ở nước Việt Nam phong kiến, nông dân phải chịu sự bóc lột do sự cấu kết giữa quý tộc và tăng lữ, y như những gì đã thường xuyên xảy ra ở phương Tây phong kiến. Thế nhưng, trong suốt chiều dài lịch sử từ thời phong kiến cho đến khi Đảng cộng sản cầm quyền, Việt Nam chưa từng chứng kiến sự hiện diện của bất kỳ giáo phái nào quẩn quanh quản chế, chỉ đạo nhà vua. Khi nhồi nhét toàn bộ lịch sử của dân tộc vào cái khuôn biện chứng duy vật, những sử gia này đã thành công trong việc giúp các bậc thầy của họ giăng bức màn sắt bao trùm đất nước.

Bi kịch của chủ nghĩa Mác-Lê nin ở Việt Nam là tên tuổi của Karl Marx và Lenin đã được nông dân mù chữ Việt Nam biết đến trước khi giới khoa bảng nghe đến Kant và Hegel. Sở dĩ có chuyện như vậy là vì (theo nhà cầm quyền Việt Nam) Karl Marx đã đạt đến đỉnh cao của lịch sử nhân loại, nghiên cứu về ông là đủ để mở đường đi tới một tương lai tươi sáng hơn (?!). Cái suy nghĩ đó cũng như có người nghĩ là đã cao hơn cây sồi nếu họ có thể đứng ngay trên đầu ngọn cây. Đối với họ, chuyện ai là người dẫn lối trước khi có Marx, hoặc ai đã mở rộng thêm ra con đường, và những khái niệm về điều này lẽ nọ không là điều đáng để quan tâm. Việc nghiên cứu về Marx và Lenin, nói rõ ra, là điều bắt buộc. Vì vậy ngay cả trẻ em ở trường mẫu giáo cũng phải thuộc lòng hai câu cốt lõi: "Lênin sinh ra ở Nga, nhưng tôi thấy ông ấy rất giống người Việt Nam".

Con Đường tự nhiên

Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, việc du nhập và tiếp thu các yếu tố từ nước ngoài, và cho nó cơ hội bám rễ sâu hơn, làm phong phú thêm bản chất văn hóa sẵn có trong nước là điều tự nhiên. Tuy nhiên, việc nhồi nhét những chất tố từ bên ngoài một cách chủ quan bởi người cai trị thường làm sai, xóa mất đi sự phát triển xã hội theo hướng tự nhiên của nó. Việc chuyển lệch hướng này khiến xã hội tốt hơn hay xấu đi còn tùy vào nhiều điều kiện khác đối với một số tương tác văn hóa.

Trước đây, để tồn tại và phát triển, xã hội Việt Nam đã phải trải qua quá trình du nhập và thu nhận từ bên ngoài. Về mặt này, có thể đề cập đến hai hình thức thu nhận: việc thu nhận đó được thực hiện theo nhu cầu của đa số người dân, hoặc là dưới sự áp đặt của giới cầm quyền. Nhìn từ góc độ phân tích, hai hình thức này mâu thuẫn, không thể dung hòa được với nhau. Tuy nhiên, với trường hợp của Việt Nam, cùng vị trí địa lý đặc biệt, chúng không những không đối chọi mà còn bổ sung cho nhau trong việc hình thành trạng thái ý thức dân tộc.

Tình hình địa lý đặc biệt vừa đề cập ở trên là điểm cốt yếu trong cách giải thích nền văn minh cổ xưa của Trung Quốc. Chỉ cần nhìn vào sơ đồ bát quái tượng trưng cho cuộc xoay vần tự nhiên của trời đất và sự tiến hóa của xã hội loài người, tức là nền văn minh. Hướng Nam được xem là nguyên lý chiếu sáng, như là Mặt trời đối với các hành tinh, như đôi mắt trong cơ thể con người. Trong Kinh Dịch, có một nhận xét về việc hướng tới nền văn minh liên quan đến phía Nam rằng khi con người di chuyển, đi sâu về phía Nam, thì có thể thăng hoa, phát triển. Vì vậy, sự cai trị của một vị vua được diễn đạt là “hướng về phương Nam” và sự phục tùng của chư hầu được diễn đạt là “hướng về phương Bắc và thừa nhận mình là thần dân”.

Trên con đường tiến đến đỉnh cao của nền văn minh, Trung Quốc đã chạm trán Việt Nam. Trung Quốc đưa ra hai lựa chọn cho chính sách hướng nam: hoặc 1) thống trị Việt Nam bằng vũ lực hoặc 2) đồng hóa Việt Nam qua việc hội nhập văn hóa. Cách số 1 đã được thực hiện trong những trường hợp cần thiết. Cách thứ hai thường là cách thường xuyên được dùng đến. Bởi vì hầu hết các nhà hiền triết vĩ đại của Trung Quốc thời cổ đại đều không thích chiến tranh trừ khi đối đế, không còn cách nào khác nữa. Và các triều đại Trung Quốc phong kiến ​​đã áp dụng các chính sách uyển chuyển do nhà Hán ban hành: chiến lược phòng thủ biên giới tập trung vào việc để các bộ lạc biên cương tự kiểm soát, và việc mở rộng về phía nam đã được xây dựng bằng các chiêu bài đồng hóa. Trong suốt nghìn năm, chính sách này được các triều đại kế tiếp nhau thay phiên thực hiện. 

Kết cuộc là thay vì một tỉnh mới được sáp nhập vào Đế chế rộng lớn hơn, một vương quốc tương đối nhỏ đã dần dà thành hình. Giống như một con vật trong bất kỳ hoàn cảnh nào luôn tìm được cách sống bằng bản năng sinh tồn của mình, người dân Việt Nam đã thành công trong việc tránh khỏi sự đồng hóa dai dẳng. Đây không phải là một phép lạ. Nó tuân theo quy luật chọn lọc và tiến hóa. Tuy nhiên, việc nên làm là tìm hiểu những yếu tố nào, bên trong cũng như bên ngoài, đã khiến quá trình đồng hóa người Việt Nam của Tàu hoàn toàn thất bại.

Theo lịch sử Việt Nam ghi lại, đến cuối thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, có một thái thú lừng danh của nhà Hán đã cai trị nước Việt Nam bằng chính sách đứng đắn, và do đó, ông đã thành công trong việc chiếm được cảm tình của người dân bản xứ. Thái thú ấy tên Sĩ Nhiếp, và sau này được các Nho gia Việt Nam tôn kính như người sáng lập nền giáo dục của Việt Nam, vì chính thực là ông đã mở đường cho Nho giáo ăn sâu vào xã hội Việt Nam, thậm chí rất lâu mãi đến sau khi đất nước tuyên bố đã dành được chủ quyền, độc lập.

Sau này, Mâu Bác cũng là một nhân vật khác đáng được nhắc đến ở khía cạnh này như một tấm gương về sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc. Mâu Bác cùng với một số người trong giới trí thức đã chạy trốn tình trạng hỗn loạn ở Trung Quốc , và cuối cùng đã đến Việt Nam để an cư, lập nghiệp. Chính tại đây, Mâu Bác bắt đầu làm quen với Phật giáo. Chẳng bao lâu, ông trở thành một Phật tử, viết một bài tiểu luận để giải thích những điểm cốt yếu của Phật Giáo, và thậm chí có thể còn gây ra một số tranh cãi vì đã chống lại chủ nghĩa lấy Trung Hoa làm trung tâm của Nho giáo, và biện minh cho tính phổ quát ngụ ý trong lời dạy của Đức Phật vốn bị các Nho gia đánh giá là không xác thực vì nó có gốc từ Ấn Độ. Đó là sự giao thoa của hai nền văn minh khác nhau, một nền văn minh đang tìm đường về phía đông và nền văn minh kia đang tiến về phía nam. Sự tổng hợp của chúng bộc lộ tính phổ quát của các giá trị vốn có trong bản chất con người, vốn là cầu nối vượt qua khoảng cách giữa hai dân tộc, đưa con người đến gần nhau hơn.

Việc du nhập Phật giáo vào Trung Quốc cũng diễn ra giống như ở Việt Nam, tức là theo sự lựa chọn của người dân. Sau một thời gian sau khi có sự hiện diện của nó trong dân chúng, ảnh hưởng từ người dân lành đã lan dần lên các tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Người dân cần thêm một số yếu tố ngoại lai khác vào niềm tin ở bản xứ để xoa dịu những khát vọng mãnh liệt của con người. Do đó, việc tạo ra các giá trị phổ quát từ đại đa số người dân cuối cùng đã được giai cấp thống trị, giới quý tộc và trí thức, những người được coi là cầm cán cân đo lường các tiêu chỉ giá trị áp dụng một cách thật dễ dàng. vua Trần Nhân Tông đã viết trong lời nói đầu của cuốn Nhập Thiền Tông: “Đức Phật không phân biệt Nam Bắc. Mọi người đều có thể hy vọng trở thành. Bản chất có thể là trí tuệ hoặc ngu ngốc nhưng tất cả, không có ngoại lệ, đều được ban phước lâu dài với sự giác ngộ.”

Tiến thoái lưỡng nan

Trong thời hiện đại, Việt Nam đứng trước một sự lựa chọn quan trọng. Nó phải phục tùng và không được có một chút phản ứng nào trước sự áp đặt của nền văn hóa thuộc địa, hoặc phải giữ vững các giá trị truyền thống bất chấp nguy cơ bị nghiền nát. Đây không phải là những lựa chọn có thể “tạm thay” cho nhau mà là một vấn đề nan giải. Chính phủ thực dân không che giấu mục đích của họ: cải đạo cả dân tộc. Cả nước lao vào cuộc kháng chiến kéo dài. Phản ứng của cơ thể khi bị các yếu tố lạ xâm nhập là chuyện tự nhiên. Choáng váng trước thành tựu phi thường của phương Tây trong lĩnh vực sản xuất vật chất, và gắn nó vào với các giá trị văn hóa, một số tầng lớp tinh hoa Việt Nam thời đó đã đổ lỗi cho sự lạc hậu của đất nước là do truyền thống cũ, và họ lên án, xem đó là những giá trị mục nát. Họ kêu gọi xóa bỏ nó, và thay thế nó bằng sự tiếp nhận những “giá trị” mới từ phương Tây. Tất nhiên, họ muốn có một sự thay đổi căn bản để đổi mới xã hội với hy vọng bắt kịp nền văn minh hiện thời.

Một nhóm khác, hào hứng với cuộc cách mạng vừa bùng nổ ở Nga, bị thuyết phục bởi lời tiên tri của Lênin về sự xuất hiện của nền văn hóa vô sản, và nó sẽ đưa con người tới đỉnh cao của văn minh nhân loại. Họ tin rằng “đôi hia bảy dặm” mà được sản xuất bởi xã hội chủ nghĩa sẽ đưa cả nước đi lên tới đỉnh vinh quang. Khi toàn dân thành công trong việc giành được chính quyền, phe Cộng sản tiên phong, tự đảm nhận việc tấn công di sản cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở người dân: “Bình tĩnh như Phật chẳng có ích gì cho xã hội”. Vì vậy, để trở nên có ích cho xã hội, điều khôn ngoan là không nên hành xử theo Đức Phật mà hãy đặt Ngài sang một bên. Vì thế, nhiều ngôi chùa được chuyển thành kho hay chỗ chứa vật liệu của hợp tác xã. Trường Chinh, Tổng Bí thư từng cảnh cáo, hăm he giới trí thức Hà Nội rằng: “Việc khôi phục Phật giáo ở Việt Nam là âm mưu ru ngủ dân chúng của thực dân”. Và do đó, các tăng ni trẻ tuổi bị đuổi khỏi chùa, bị bắt trở lại cuộc sống trần tục, chỉ còn lại những người già và người bị bất lực.

“Phật giáo, thế lực phản động hay thúc đẩy cách mạng?”

Do đó, ngay từ những ngày đầu cai trị miền Bắc, Cộng sản Việt Nam đã liệt Phật giáo vào danh sách các lực lượng phản động chính, có thể khiến họ thất bại trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Không phải vì có ác cảm đối với tôn giáo mà họ đã thực hiện một chiến dịch nhằm hạ bệ Phật giáo nói riêng, mà là sự tưởng tượng kỳ quái về một thế giới mới, một xã hội được phú cho những giá trị hư cấu – lấy cảm hứng từ sự hiểu biết hời hợt về phép biện chứng – và vì thế đã thúc đẩy sự bất dung và đưa đến sự hung hăng phá hoại.

Lợi dụng kết quả phá hoại từ miền Bắc, ngay sau khi chiến thắng miền Nam, một số lượng lớn phe cánh tả cực đoan đã tiếp tục chiến dịch chống Phật giáo và các tôn giáo khác, “sản phẩm của hệ tư tưởng tư sản” theo lời của họ. Nhưng bức màn sắt sớm bắt đầu rung chuyển tại miền Nam. Khi nhận thấy có nguy cơ bị kéo xuống, đồng thời cảm thấy áp lực phải mở cánh cửa hội nhập miễn cưỡng vào “thế giới thù địch” trước đây, những người lãnh đạo Cộng sản bắt đầu tìm kiếm nguồn hỗ trợ ổn định. Cùng lúc, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố: “Phật giáo là chỗ dựa cho Cộng sản Việt Nam thúc đẩy cách mạng”. Họ sẽ chỉ “dựa” vào chỗ nào họ có thể kiểm soát được.

Giờ thì Phật giáo Việt Nam, bên cạnh những truyền thống văn hóa lâu đời khác đang trải qua một cuộc “cải cách xã hội chủ nghĩa”, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Những phần tử đối lập, từng phê phán, ngờ vực tôn giáo và những kẻ mê tín dị đoan được tập trung ở khắp các trại cải tạo ở địa phương để trải qua một quá trình tẩy não nào đó. Và rồi thì cửa các đền, miếu được mở để chính quyền có thể thu các vật phẩm quý giá từ khách du lịch nước ngoài.

Cung cách tuyên truyền, khích động thỉnh thoảng được điều chỉnh cho phù hợp với sự biến động của những vận hành, nhưng cốt lõi về sự không khoan dung đối với tôn giáo vẫn nguyên vẹn. Người lãnh đạo xã hội tương đương với người tạo ra các giá trị cho xã hội. Việt Nam tất nhiên có Hiến pháp “tiến bộ” nhất. Để hiểu được nó một cách thấu đáo, người dân phải được đào tạo bài bản về lý lẽ và biện chứng. Hiến pháp thừa nhận quyền tự do ngôn luận. Người dân được phép nói tất cả những gì không trái với phát biểu của lãnh đạo. Hiến pháp ghi nhận quyền tự do tín ngưỡng nhưng người dân không được phép tin vào những điều mà các nhà lãnh đạo cho là mê tín. Trên thực tế, văn hóa xã hội chủ nghĩa vẫn còn tồn tại nguyên mẫu, nguyên hình.

Tôi không có ý định đề cập đến bản chất của chủ nghĩa Marx và những gì nó góp phần trong việc định hướng đi đến một hình thức xã hội mới. Vì việc nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Việt Nam không mang đến được kết quả nào. Những học giả lỗi lạc thông thạo chủ nghĩa Marx và phép biện chứng duy vật như Bách Khoa, Trần Đức Thảo và nhiều người khác, trong đó có một số người đã được phương Tây biết đến, đều bị bưng bít, bịt miệng ngay sau khi họ bộc lộ kiến ​​thức vượt quá khả năng hiểu biết của người lãnh đạo.

Điều tôi muốn đề cập ở đây là trích dẫn một số ví dụ về giao lưu văn hóa giữa các dân tộc và tìm hiểu quá trình hình thành các giá trị phổ quát đã diễn ra ở Việt Nam. Việc tiếp nhận những yếu tố ngoại lai, hòa nhập chúng với những yếu tố bản địa và từ đó đạt đến trạng thái ý thức về những giá trị phổ quát của nhân loại, là cách tiếp cận và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, mà vì hoàn cảnh địa lý và môi trường sinh thái khác nhau, thường dẫn đến việc nhận chân những truyền thống khác biệt và đôi khi nảy sinh ra lòng thù địch.

Tuy nhiên, cả những giá trị cá biệt và phổ quát đều không phải là những thực thể siêu hình. Họ lý ​​tưởng hóa ảnh hưởng của một cá nhân đối với người khác. Thừa nhận một số giá trị được bộc lộ nơi một cá nhân đôi khi được hiểu là thừa nhận sự vượt trội của người đó so với chính mình. Vì vậy, bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia trước hết là bảo vệ di sản văn hóa dân tộc được xây dựng, kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác trước sự thống trị áp đảo của kẻ khác. Điều này nảy sinh sự phân biệt chủng tộc, thù địch sắc tộc và xung đột lợi ích giữa các dân tộc. Đáng buồn là khi các dân tộc trên khắp thế giới xích lại gần nhau hơn để đưa ra một định nghĩa rõ ràng về phẩm giá con người, thì cao trào đấu tranh, đòi nhân quyền lại càng gia tăng mãnh liệt hơn; vì trên thực tế, hàng ngày, thế giới tràn ngập những cảnh báo đáng kinh ngạc. Các cuộc thanh trừng sắc tộc đang trở nên kinh khủng hơn bao giờ hết. Xung đột tôn giáo ngày càng khốc liệt. Các nguyên thủ quốc gia ngày càng tỏ ra cứng rắn, tàn nhẫn trước sự can thiệp của quốc tế vào các hành vi vi phạm nhân quyền do họ quản lý, với lý do “đó là công việc nội bộ của chúng tôi!”

Bản chất của dân chủ

Ý nghĩa của dân chủ theo cách hiểu ngày nay cuối cùng cũng được xác minh với ý nghĩa về sự bình đẳng và nhân phẩm. Về bản chất, thì mọi người đều bình đẳng, không phải vì có Đấng Tạo Hóa Duy Nhất đã tạo ra họ. Sự tồn tại của một Đấng Tạo Hóa như vậy vẫn là điểm gây tranh cãi và trong nhiều trường hợp, đã là động cơ tàn sát con người. Tuy nhiên, sự bình đẳng được công nhận, đơn giản chỉ vì con người hiểu nhau sâu sắc hơn. Con người sẽ thấu hiểu, cảm nhận rõ ràng hơn nỗi thống khổ cũng như hạnh phúc của người khác, khi đang ao ước hay đang khi tuyệt vọng. Vì ai cũng được ban cho những giá trị phổ quát như nhau, và có cùng phẩm giá con người.

Cái ý tưởng cho rằng nền dân chủ dựa trên số lượng cử tri không đồng nhất với bộ mặt thực tế của một thế giới tự do, mặc dù hầu hết các chính phủ dân chủ ngày nay đều được ủng hộ bởi đa số phiếu bầu. Một số chiến dịch bầu cử gần đây ở một số quốc gia bị các phương tiện thông tin đại chúng chỉ trích là “bẩn thỉu” và tại một số quốc gia khác là xem “gian lận”. Điều quan trọng là phải nhận chân ra rằng nền tảng của một xã hội dân chủ văn minh là cách thức mà các giá trị phổ quát của nhân loại được các thành viên của xã hội đó thai nghén và ứng dụng vào cuộc sống. Và nếu thiểu số phải phục tùng đa số, hy sinh lợi ích của mình cho số đông hơn, đó chỉ là hình thức bán dân chủ. Những lợi ích chung tạo nên một nhóm hoặc một cộng đồng, nhưng điều duy trì bản chất của nó phải được tìm thấy trong các giá trị, phổ quát trong cộng đồng, nhưng phải tôn trọng cá thể của từng thành viên. Giống như một con chó trông chừng tài sản của chủ, theo bản năng, nó đang bảo vệ lợi ích của chính mình. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là con chó sẽ có cùng sự bình đẳng, hay những nhu cầu y như chủ của nó. Trong khi đó, vệ sĩ của nguyên thủ quốc gia lại có nghĩa là một loại quan hệ khác. Tôn trọng phẩm giá con người vốn có của người khác, hiểu nỗi buồn và sự tuyệt vọng của họ, nhận ra giới hạn lợi ích của bản thân (trái ngược với lợi ích của họ), những điều này tạo thành bản chất của nền dân chủ. 

Những gì vừa được đề cập ở trên không phải là cảm ứng có được từ những suy ngẫm triết học, từ các học thuyết tôn giáo hay chính trị, mà từ kinh nghiệm cay đắng của tôi. Hiện nay tôi đang cố gắng quán chiếu sâu sắc hơn vấn đề nhân quyền ở Việt Nam dưới chế độ độc tài Cộng sản. Vấn đề đưa tôi trở lại cội nguồn của truyền thống người Việt. Tôi đã chứng kiến ​​một di sản văn hóa lâu đời bị hủy hoại bởi trí tưởng tượng của những nhà lãnh đạo chính trị đam mê quyền lực, những người luôn tự hào rằng mình đã nắm được sự thật về những điều tự nhiên và bản chất của xã hội loài người. Việc họ ngoan cố không muốn thừa nhận tính phổ quát của các quyền căn bản của con người, trên thực tế, đã cản trở sự tiến bộ của đất nước.

Khái niệm mới về quyền lực thế giới

Ngày nay không ai có thể giả vờ phớt lờ quy luật phụ thuộc lẫn nhau. Anh không thể chỉ quan tâm đến lợi ích và sự an toàn của bản thân mà không tính đến điều gì sẽ xảy ra với người khác. Nếu một số loài động vật ở khu rừng xa xôi nào đó của Việt Nam có nguy cơ tuyệt chủng thì người dân ở các nơi khác trên thế giới sẽ bày tỏ sự quan tâm và cố gắng giúp Việt Nam giữ gìn cho nó được an toàn. Nếu vậy, thì tại sao việc cộng đồng thế giới can thiệp trong trường hợp chính quyền Việt Nam đi ngược lại các công ước quốc tế mà họ đã tham gia là điều không thể chấp nhận được? Tương tự như vậy, không có vấn đề nào của con người ngày nay có thể được giải quyết một cách riêng biệt như công việc nội bộ của một quốc gia nào đó. Giống như bất kỳ vấn đề nào khác như cân bằng sinh thái, sự tuyệt chủng của các loài, ô nhiễm khí quyển, ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế, vấn đề nhân quyền không thể được giải quyết độc quyền bởi một số nhà lãnh đạo hẹp hòi và cuồng quyền lực của một đảng chính trị đặc biệt nào luôn dựa theo những phán xét vô tư và thiển cận.

Mặc dù nhìn từ một góc độ nào đó, bức tranh toàn cảnh của thế giới ngày nay trông tươi sáng hơn trước đây, tuy nhiên, phần lớn những gì (xấu ác) còn sót lại trong quá khứ dường như đang trở nên tồi tệ hơn, đe dọa làm xói mòn các giá trị phổ quát. Phân biệt chủng tộc dẫn đến thanh trừng sắc tộc khốc liệt chưa từng có, xung đột tôn giáo thúc đẩy chủ nghĩa khủng bố đẫm máu trên toàn thế giới, những hiện tượng này đang có chiều hướng ngày càng tồi tệ hơn, tạo ra quan điểm bi quan cho một số người. Trong khi đó sự can thiệp của quốc tế ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn, điều này kích động nhiều nhà độc tài càng mạnh tay hơn nữa để củng cố chế độ chuyên chế của họ. Lời cảnh báo của họ không phải là không có căn cứ. Bởi vì một khái niệm mới về quyền lực thế giới đang trên đường hình thành. Ở một khía cạnh nào đó, nó cho thấy những chiêu trò cũ được lặp lại như xưa, khi chính quyền thực dân lợi dụng ưu thế vật chất để buộc kẻ yếu hơn phải phục tùng. Khái niệm mới về quyền lực thế giới này hoạt động như thế nào vẫn chưa rõ ràng. Dù tốt hay xấu, nó sẽ thay đổi thế giới. Dù sao đi nữa, con người cũng sẽ có phản ứng tự vệ trước sự xâm nhập của một tố chất lạ lùng nào đó.

Thực tế đáng lo ngại nhất hiện nay là ở nhiều nước phương Đông vốn nổi tiếng kiên định chống lại sự xâm lược từ bên ngoài trên lĩnh vực văn hóa, đồng thời theo kịp các nước phương Tây hùng mạnh về phát triển vật chất, thái độ tiêu cực của giới trẻ đối với truyền thống cũ đặt lại vấn đề đạo đức và sự hòa hợp xã hội. Rất rõ ràng, những xã hội này đang có xu hướng biến dạng, bị bật gốc khỏi mảnh đất mà họ đã nuôi dưỡng hàng ngàn năm trước. Trên thực tế, ở một khía cạnh nào đó, đây có thể được coi là một cơ hội để đánh giá lại những giá trị cũ, và để tạo ra những giá trị mới. Cái mới và cái cũ chỉ khác nhau ở bề ngoài; bản chất vẫn còn nguyên. Cũng giống như một cơ thể, khi bị cơn đói tấn công sẽ tiêu thụ bất cứ thứ gì trong tầm tay. Tuy nhiên, việc tiêu thụ mà không có sự lựa chọn cẩn thận và không điều độ sẽ gây hại cho chính cơ thể. Việc tố cáo, lên án truyền thống vì sự hạn chế của nó trong việc chạy theo những cám dỗ duy vật không đồng nghĩa với việc tạo ra những giá trị mới hay tìm kiếm bất kỳ phẩm giá nào vốn có trong bản chất con người.

Tham nhũng, bạo lực, khủng bố, nghiện ma túy, buôn người, những hoạt động toàn cầu này phô bày mặt trái, bộ mặt trái đáng sợ nhất từng có từ xưa đến nay của nền văn minh hiện đại. Chúng đang làm xói mòn những lý tưởng cao đẹp, cao cả của nhân loại. Những người ủng hộ chế độ độc tài, như những người Cộng sản Việt Nam, đổ lỗi cho những tội ác vô nhân đạo này là do thiếu bàn tay cứng rắn để trói buộc người dân vào khuôn khổ do chính phủ đặt ra. Nếu con hổ quá hung dữ, hãy nhốt nó vào chuồng! Đó là lý do tại sao họ đã làm như vậy. Thực tình là, cả nước đã được quản lý như một sở thú.

Và vì thế, việc tham nhũng, buôn bán ma túy, buôn người là những tội phạm đầy dẫy, tràn lan ở Việt Nam, được coi là thảm họa quốc gia. Tuy chúng cũng tràn lan ở nhiều quốc gia khác, nhưng vì vị trí địa lý, tổ chức hành chính, môi trường xã hội và điều kiện kinh tế nên những tội phạm này có những nét đặc thù trong phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.

Thực tế cho thấy rõ rằng các quốc gia dưới chế độ độc tài đảng trị như Trung Quốc và Việt Nam, thay vì chấn chỉnh được những tội ác này một cách hữu hiệu, thì lại lại tạo, và ban cho chúng mảnh đất màu mỡ. Chính những người lãnh đạo tối cao  phải chịu trách nhiệm về việc để cho tội ác lan tràn, có cơ hội phát triển, vì chính họ nắm giữ chìa khóa mở hoặc đóng cánh cửa đối với thế giới bên ngoài. Vì vậy, cuộc đấu tranh chống lại những tội ác này cần được tiến hành cùng với cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền.

   

Thích Tuệ Sỹ

Nguyên tác: The Problem of Human Rights in Vietnam (Speech prepared for being delivered in The Netherlands, 2001). Nguồn: Thư viện Phật Việt
Võ Minh Phượng chuyển ngữ.

___________

(1) Tháng 9 năm 1998, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ được trả tự do sau gần 15 năm tù khổ sai. Cũng trong năm đó, Ngài đã được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Ngài cũng đã được các nhân sĩ Hòa Lan mời sang thăm đất nước này nhưng ngài không đi được vì chính quyền Việt Nam không cho phép. Năm 2001, Ngài được nước Hà Lan mời phát biểu về nhân quyền bên Việt Nam, nhưng Ngài cũng không được phép xuất ngoại. Trên đây là bài phát biểu mà Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ dự định sẽ đọc trong chuyến viếng thăm Hà Lan năm 2001.

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/vandenhanquyenovietnam.html


Cái Đình - 2023