Đào Tăng Dực


Tương quan giữa dân chủ và sự phát triển kinh tế trong một quốc gia

    

Lịch sử đương đại chứng minh rằng: Có một sự tương quan thuận chiều giữa dân chủ và sự phát triển phồn vinh của một quốc gia. Độc tài đảng trị, nhất là độc tài đảng trị cộng sản, luôn đi đôi với sự nghèo nàn và kiềm hãm phát triển kinh tế.

Thế kỷ 21 chứng kiến sự vươn lên của các quốc gia Châu Á – Thái Bình Dương, nhất là sự phát triển kinh tế ngoạn mục của Trung Quốc, Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore. Đây là những quốc gia có chung một nền văn hóa Đông Á ngàn xưa. Nền văn hóa này sau nhiều ngàn năm lịch sử, đã tôi luyện cho các dân tộc liên hệ, một bàn tay và khối óc vượt trội, có thể cạnh tranh với bất cứ dân tộc tiên tiến nào trên thế giới.

Nhiều quan sát viên quốc tế công nhận hiện tượng này và cho rằng thế kỷ 21 sẽ là Thế Kỷ Thái Bình Dương (The Pacific Century). Tuy nhiên, khi phân tích kỹ, chúng ta nhận xét ngay rằng, có sự khác biệt về phẩm chất giữa các quốc gia dân chủ Đông Á [tự do] và các quốc gia Đông Á theo chủ nghĩa cộng sản.

Trong khi các quốc gia dân chủ như Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore phát triển thực sự và sánh vai cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới, thì CSTQ, CSVN và CS Bắc Hàn gặp nhiều trở lực khó vượt qua.

CSTQ tuy phát triển ngoạn mục suốt nhiều thập niên, nhờ cải cách của Đặng Tiểu Bình, nhưng đang rơi vào bẫy “thu nhập trung bình” (middle income trap), có GDP đầu người khoảng từ $4.000 đến $12.500 mỗi năm, không biết khi nào thoát ra, hầu trở thành một quốc gia phát triển đúng nghĩa.

Lý do chính là vì đảng CSTQ, đưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình, muốn tái khẳng định quyền kiểm soát tuyệt đối của đảng đối với chính quyền, xã hội dân sự và công dân cá thể Trung Hoa.

Cách đây vài năm, các quan sát viên quốc tế đều cho rằng, TQ sẽ nhanh chóng qua mặt Hoa Kỳ như nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, bây giờ đa số cho rằng, sự kiện này sẽ không sớm xảy ra, hoặc phải chờ ít nhất cả thập niên nữa.

CSVN là một phiên bản thiếu sáng tạo, bảo thủ và trễ hơn CSTQ, cho tới bây giờ chỉ vừa đạt được tầng thấp nhất của mức thu nhập trung bình.

CS Bắc Hàn thì vẫn kiên trì với chế độ CS nguyên thủy mô hình Stalin, nền kinh tế chậm phát triển và nhân dân bữa đói bữa no.

Nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 đang gặp nhiều khó khăn. Lượng xuất cảng giảm mạnh so với năm 2022.

Cũng vì lý do đó, đảng đã ký hiệp ước nâng cấp ngoại giao với Hoa Kỳ lên mức độ cao nhất là Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện, hầu cứu vãn nền kinh tế. Chính phủ Hoa Kỳ hứa hẹn khuyến khích đầu tư vào Việt Nam trên các phương diện đất hiếm, chip bán dẫn, kỹ nghệ điện tử, kể cả bán chiến đấu cơ F16 cho Việt Nam.

Muốn đánh giá nghiêm túc tương quan giữa dân chủ và sự phát triển kinh tế, trước hết chúng ta phải duyệt xét, đâu là những yếu tố thu hút tư bản quốc tế, ngoài các yếu tố hiển nhiên như thị trường tiêu thụ nội địa và trình độ chuyên nghiệp của lực lượng lao động.

1. Trước hết tư bản quốc tế cần một hệ thống pháp trị nghiêm minh, tôn trọng quyền tư hữu, nhất là sở hữu trí tuệ (intellectual property);

2. Thủ tục hành chánh công khai và minh bạch;

3. Hạ tầng cơ sở phát triển;

4. Giá cả lao động hợp lý.

Tuy nhiên theo Reuters, ngày 7 tháng 11 vừa qua, đại công ty chip bán dẫn Hoa Kỳ Intel đã quyết định không đầu tư một dự án khoảng một tỷ Mỹ kim vào Việt Nam, vì hai lý do chính: Nguồn điện lực không ổn định và thủ tục hành chánh quá nhiêu khê phức tạp.

Có nghĩa là bề mặt thì Intel viện dẫn hạ tầng cơ sở yếu kém và chính quyền quá tham nhũng, vi phạm các điều 2 và 3 nêu trên, mặc dù giá cả lao động Việt Nam rất hợp lý và thậm chí còn rất rẻ so với TQ hoặc Malaysia.

Trên thực tế, sở dĩ nhiều nhà tư bản Hoa Kỳ và các nước dân chủ thi nhau rút khỏi TQ nhưng phớt lờ thị trường Việt Nam là vì yếu tố đầu tiên. Đó là sự vắng bóng yếu tố pháp trị nghiêm minh, tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng, trong 3 yếu tố nền tảng của một nền dân chủ chân chính là: Hiến định, pháp trị và đa nguyên, thì đảng CSVN chỉ cần thực thi yếu tố pháp trị nghiêm minh, mà không cần 2 yếu tố hiến định và đa nguyên, là đủ để xây dựng một nền kinh tế phú cường cho đất nước hay sao?

Câu trả lời đương nhiên là không. Lý do là vì có một sự tương quan mật thiết giữa 3 yếu tố nêu trên. Một quốc gia không thể có một chế độ pháp trị nghiêm minh nếu thiếu các yếu tố Hiến Định (tức sự hiện hữu của một hiến pháp của dân, do dân và vì dân) và Đa Nguyên (tức quyền lực chính trị phát xuất từ nhiều tụ điểm khác nhau, hầu kiểm soát lẫn nhau). Ngược lại, các yếu tố Hiến Định và Đa Nguyên cũng sẽ không còn ý nghĩa nếu vắng bóng yếu tố Pháp Trị.

Chính vì lý do đó, các nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên Đông Á chân chính như Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan, Singapore đã qua mặt TQ, VN, Bắc Hàn, dễ dàng vượt thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành những con rồng thật sự trên vũ đài quốc tế.

Chúng ta có thể khẳng định rằng một nền dân chủ chân chính là yếu tố ắt có và đủ, hầu giúp dân tộc Việt có thể phát triển kinh tế, đạt được vị trí xứng đáng của mình, trên vòm trời Đông Á.

   

Đào Tăng Dực

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/tuongquangiuadanchu.html


Cái Đình - 2023