Trần Ngọc


Thực tế, nỗi sợ Trump của châu Âu phụ thuộc vào chúng ta nhiều hơn là vào ông ấy

Jens Stoltenberg chào đón Donald Trump đến tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO
trong thời gian ông còn tại vị. © Christian Hartmann/AFP/Getty Images

Người dân Mỹ đã lên tiếng: Donald Trump sắp trở lại Nhà Trắng. Sự trở lại của ông đã khiến nhiều người tuyệt vọng khi cho rằng ông có thể hành động theo các mối đe dọa trước đây nhằm cắt giảm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, để cho châu Âu tự giải quyết các thách thức về an ninh của mình. Những nỗi sợ hãi này không phải là vô căn cứ – bài phát biểu khoa trương trong chiến dịch tranh cử của Trump đã làm dấy lên những lo ngại chính đáng về cam kết của ông đối với an ninh châu Âu. Nhưng cuối cùng, liệu những điều này có trở thành hiện thực hay không, có thể phụ thuộc nhiều hơn vào chúng ta chứ không phải vào chính ông Trump.

Vào thời điểm ông Trump nhậm chức vào năm 2017, nhiều chính trị gia châu Âu cũng đã lo lắng về ý nghĩa của cuộc bầu cử của ông đối với tương lai của quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương. Trump cảm thấy rằng Hoa Kỳ đang có một thỏa thuận dở. Ông tin rằng các đồng minh đã không làm tròn trách nhiệm của mình và bắt đầu coi liên minh là gánh nặng hơn là một tài sản. Mặc dù cuối cùng ông đã chấp nhận những lợi thế không thể phủ nhận khi có đồng minh, nhưng ông đã nói đúng ở một điểm: Châu Âu thực sự đã để lực lượng của mình suy yếu và một số quốc gia đã trở nên phụ thuộc nguy hiểm vào khí đốt của Nga. Những điều vô ý này sau đó đã khiến dân châu Âu phải trả giá đắt.

Trong thời gian ông ở Nhà Trắng, chúng ta đã thiết lập một mối quan hệ làm việc tốt và đáng tin cậy. Đôi khi chúng tôi có những cuộc họp ồn ào hỗn loạn tại NATO, nhưng chúng ta đã hoàn thành mọi việc. Khi Trump rời chức vụ, NATO đã trở nên mạnh mẽ hơn – và thậm chí ngày nay còn mạnh mẽ hơn. Như phản ứng chung của chúng ta đối với cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine đã cho thấy, NATO ngày nay không hề lỗi thời hay bộ não bị chết. Điều đó tốt rồi – nhưng vẫn chưa đủ tốt.

Trong khi châu Âu đã trở thành những đồng minh tốt hơn, thì tình hình an ninh lại xấu đi một cách đáng kể. Với hậu quả là những nguyên tắc cơ bản cho những gì mà một đồng minh tốt phải làm khi trước thì nay đã chuyển dịch đi xa hơn. Vào năm 2014, các đồng minh NATO đã đồng ý nhắm đến mục tiêu dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng vào năm 2024. Mục tiêu này hầu hết các nước đã đạt được. Nhưng mục tiêu năm 2014 đơn giản là không đủ trong tình hình an ninh năm 2024 – đó là một mức sàn, không phải là mức trần. Các nhà lãnh đạo châu Âu biết rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa. Sự trở lại Nhà Trắng của Trump chỉ củng cố thêm thông điệp đó. Nếu châu Âu thực hiện đúng phần của mình trong thỏa thuận, tôi tin tưởng rằng chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ đạt được phần của họ.

Sự hoài nghi của Trump về chiến lược hiện tại của chúng ta nhằm hỗ trợ Ukraine cũng có thể chứa đựng một phần sự thật. Hoa Kỳ và Châu Âu đã cung cấp cho Ukraine sự hỗ trợ quân sự đáng kể nhưng tựu chung vẫn là không đủ – nó chỉ đủ để sống còn nhưng không đủ để chấm dứt chiến tranh trong vị thế có lợi. Putin dường như vẫn tin rằng ông ta có thể đạt được mục tiêu của mình trên chiến trường và chỉ chờ chúng ta, dựa vào giả định rằng xã hội của chúng ta sẽ dao động. Đầu hàng kẻ xâm lược sẽ là cách nhanh nhất để chấm dứt chiến tranh. Nhưng điều này cũng không có nghĩa là hòa bình sẽ không tiết kiệm chi phí. Đây là nghịch lý cơ bản: chúng ta cung cấp càng nhiều vũ khí thì chúng ta càng có nhiều khả năng đạt được hòa bình. Sự hỗ trợ lâu dài của chúng ta càng đáng tin cậy, thì chiến tranh càng có thể kết thúc sớm hơn. Và nếu chúng ta càng làm nhiều bây giờ, chúng ta sẽ phải chi tiêu ít hơn sau này.

Một cách suy xét như vậy có thể không phù hợp với lối suy nghĩ của ông Trump. Nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, ông đã ủng hộ một chính sách mạnh. Chúng ta không được quên rằng sau cùng, chính ông Trump là người đầu tiên quyết định cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine, trong đó có cả tên lửa chống tăng Javelin đã chứng minh được tính quyết định khi Nga xâm lược. Nếu Trump muốn chấm dứt cuộc chiến này, như ông đã hứa, ông phải chứng minh với Putin rằng việc tiếp tục gây hấn là vô nghĩa. Putin thừa nhận điểm yếu nhưng tôn trọng sức mạnh. Các đồng minh châu Âu nên chuẩn bị ủng hộ một chiến lược như vậy, hợp tác với Trump để đưa ra một giải pháp đàm phán được Ukraine chấp nhận và không khen thưởng cho hành động gây hấn.

Và trong khi Trump nên hiểu rằng cam kết tiếp tục của Hoa Kỳ đối với châu Âu nhằm ngăn chặn một cuộc chiến tốn kém khác là vì lợi ích tốt nhất của Hoa Kỳ, thì châu Âu có thể làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ Hoa Kỳ ở những nơi khác. Phù hợp với các tổng thống trước đây, ông Trump đã lập luận rằng Hoa Kỳ nên tập trung vào các thách thức ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các đồng minh châu Âu có thể chứng minh giá trị của họ bằng cách giúp ông làm như vậy, ví dụ như bằng cách đưa ra những gì để bù lại những vấn đề cụ thể mà Hoa Kỳ có thể cần ở đó.

Trong một thế giới mà các thế lực độc tài liên kết chặt chẽ hơn và ngày càng có năng lực hơn, các liên minh không phải là gánh nặng, chúng là yếu tố gia tăng lực lượng lớn nhất của Washington. Một trục quyền lực do các nhà độc tài mới nổi lập lên có thể có quan hệ đối tác thuận tiện, nhưng Hoa Kỳ có một mạng lưới liên minh mạnh mẽ được thể chế hóa cao, được bạn bè trên khắp thế giới hỗ trợ.

May mắn thay, hầu hết người Mỹ coi trọng tài sản độc đáo này. Mặc dù hiện tại họ có thể không đồng tình về nhiều vấn đề cơ bản, nhưng cuộc hợp tác xuyên Đại Tây Dương không phải là một trong những vấn đề đó. Sự ủng hộ và niềm tự hào dành cho liên minh quân sự hùng mạnh nhất mà thế giới từng thấy vẫn mạnh mẽ trên toàn bộ chính trường. Chúng ta phải làm phần việc của mình để đảm bảo điều này sẽ không thay đổi. Để làm được điều này, chúng ta cần đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng và gánh vác nhiều trách nhiệm hơn. Bằng cách đó, chúng ta có thể nhắc nhở chính quyền mới rằng, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương không phải là gánh nặng, mà là một tài sản chiến lược quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh giữa các cường quốc này.

Do đó, chúng ta không nên tuyệt vọng mà hãy hành động. Sự trở lại của ông Trump thách thức chúng ta phải hành động và chứng minh rằng chúng ta là đối tác thực sự chứ không phải là kẻ ăn bám theo.

   

Nguyên tác: “The reality of Europe’s fears about Trump depends more on us than him” –  Jens Stoltenberg (Financial Times, 11.11.2024).
Người dịch: Trần Ngọc

______

Jens Stoltenberg (sinh ngày 16 tháng 3 năm 1959) là một chính trị gia Na Uy, lãnh đạo Công Đảng Na Uy và là Thủ tướng Chính phủ Na Uy (2000 - 2001 và 2005 – 2013). Tổng thư ký NATO và Chủ tịch Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (2014 - 10/2024).

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/thuctenoisotrump.html


Cái Đình - 2024