Nguyễn Thị Quỳnh Anh
Tại sao Mỹ phản bội châu Âu
Charles Lindbergh phát biểu tại cuộc biểu tình America First (05-10-1941)
- Ảnh: Wikimedia Commons
Thực ra có rất nhiều lý do.
Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về dòng tweet của kinh tế gia châu Âu Anders Aslund:
“Tại sao người Mỹ chấp nhận rằng Trump đang bỏ rơi phương Tây, NATO và Ukraine? Họ ngủ quên hay sao? Hay họ không hiểu rằng Trump đang phản bội mọi thứ mà Hoa Kỳ đã bảo vệ kể từ năm 1776?”
Giọng điệu của ông xót xa, không hẳn là buộc tội hay cay đắng. Ông thực sự không hiểu tại sao nước Mỹ, vốn đã đóng vai trò như người quyết tâm bảo vệ châu Âu trong suốt cuộc đời mình, đột nhiên quay lưng lại với các nền dân chủ anh em và thay vào đó lại liên kết với Nga. Sự bối rối của ông là điều có thể hiểu được. Bằng cách gần như bỏ rơi Ukraine, ủng hộ mục tiêu chiến tranh của Nga, đe dọa không bảo vệ các đồng minh NATO nếu họ bị tấn công và đe dọa hoàn toàn rút khỏi NATO, Trump đang nhanh chóng phá vỡ trật tự toàn cầu mà Hoa Kỳ đã xây dựng sau Thế Chiến thứ 2.
Mặc dù chính quyền định hình chính sách này như là “Nước Mỹ Trên Hết – America First”, nhưng nó sẽ gây tổn hại cho Hoa Kỳ cũng như chắc chắn sẽ gây tổn hại cho châu Âu. Hoạt động xuất khẩu quốc phòng của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng, khi các quốc gia nhận ra rằng Hoa Kỳ có thể và sẽ ngừng hỗ trợ các kế hoạch cung cấp vũ khí của mình bất cứ khi nào họ bực mình với người mua. Vị thế của Hoa Kỳ ở Châu Á và những nơi khác sẽ bị suy yếu nghiêm trọng – và vị thế của Trung Quốc sẽ được củng cố – khi mọi quốc gia trên thế giới nhận ra rằng Hoa Kỳ hiện là một đồng minh không kiên định và không đáng tin cậy. Nếu vắng bóng sự bảo vệ của Hoa Kỳ, nhiều quốc gia – điều khá hợp lý và hợp thời – thay vào đó sẽ chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân.
Thật hấp dẫn khi kết luận rằng Trump và những người của ông ta chỉ đơn giản là làm việc trực tiếp cho Vladimir Putin – rằng, theo lời của Garry Kasparov, “Donald Trump… đã nêu rõ những ưu tiên hàng đầu của mình: phá hủy chính phủ và ảnh hưởng của Hoa Kỳ và bảo vệ ảnh hưởng của Nga.” Tôi sẽ thừa nhận rằng, chắc chắn thường rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa cách cư xử của Trump đối với Nga và những gì sẽ xảy ra nếu ông ta nằm trong danh sách trả lương của Putin. Nhưng trên thực tế, tôi nghĩ có một số lý do khiến Hoa Kỳ đột nhiên bỏ rơi châu Âu, và không có lý do nào trong số đó đòi hỏi những âm mưu mờ ám.
Vì vậy, tôi muốn thử trả lời câu hỏi của Aslund. Nhưng trước tiên, tôi phải cho thấy được là ý chí của Trump không phải là ý chí của người dân Mỹ về mọi vấn đề. Đúng, Trump đã được bầu làm tổng thống, nhưng người Mỹ dường như đã bị che mắt trước sự chuyển hướng của ông sang Nga. Mức thống kê những người đồng ý với ông về chính sách đối ngoại đã giảm đáng kể, từ sau cuộc bầu cử.
Donald Trump đang phải đối mặt với sự sụt giảm mức độ ủng hộ ông trong cách ông xử lý chính sách đối ngoại… Cuộc khảo sát do Reuters và Ipsos thực hiện từ ngày 2 đến ngày 4 tháng 3/2025 cho thấy chỉ có 37 phần trăm số người được hỏi tán đồng cách ông Trump xử lý trong chính sách đối ngoại, trong khi 50 phần trăm không đồng ý, đưa tới kết quả là mức đồng ý với tổng thống, nếu tính ròng, là âm 13 điểm… Điều này biểu thị sự tụt mức từ tháng giêng. Các nhà thăm dò ý kiến thấy là hồi đó Trump đã có được mức đồng ý, nếu tính ròng, là +2 điểm về vấn đề này.
Người Mỹ nói chung, thường ủng hộ việc hợp tác với NATO và bảo vệ các đồng minh (tham khảo biểu đồ mức đồng ý, một cách tổng quát, với các mục tiêu tiềm tàng của chính sách đối ngoại):
Nguồn: Gallup
Nhưng chính sách đối ngoại không phải là ưu tiên hàng đầu của người Mỹ khi đất nước không có chiến tranh. Trong các cuộc khảo sát về các vấn đề quan trọng nhất của đất nước, chính sách đối ngoại hầu như không được đề cập đến. Vì vậy, mặc dù người Mỹ có thể không ưa những gì Trump hành xử với Ukraine hoặc NATO, nhưng không hẳn là họ có khả năng trừng phạt nghiêm khắc ông ta vì điều đó.
Vì thế câu hỏi ở đây không thực sự là tại sao Mỹ lại bỏ rơi châu Âu, mà là tại sao Trump lại làm vậy. Trên thực tế tôi nghĩ có rất nhiều lý do, tất nhiên, đây chỉ là những phỏng đoán; tôi không sao biết được rõ những gì trong đầu ông Trump cùng các đồng minh của ông ta. Nhưng tôi nghĩ tất cả đều phù hợp một cách hợp lý với cả lời nói và hành động mà chúng ta đã thấy từ phía cánh hữu Mỹ.
Từ bỏ mô hình châu Âu phù hợp với thế kỷ 19
Nhìn chung, Trump và nhiều người ủng hộ ông hoài niệm về thời kỳ Hoa Kỳ là một quốc gia trẻ đang trỗi dậy, thay vì là một cường quốc đang suy yếu như thực trạng hiện nay. Họ thường coi thời kỳ thăng tiến mạnh mẽ nhất của Hoa Kỳ là giai đoạn giữa cuộc Nội Chiến và Thế Chiến – khoảng từ năm 1870 đến năm 1913.
Nếu bạn nghĩ rằng thời kỳ hoàng kim của đất nước bạn đã qua và bạn muốn khôi phục lại chúng, một điều hiển nhiên nên thử là chỉ cần làm mọi việc theo cách bạn đã làm trước đây. Một thuật ngữ rộng nghĩa cho điều này là “hợp với một mô hình có sẵn” (pattern-matching). Một lý do khiến Trump và người của ông tôn sùng thuế quan, chẳng hạn, là trước Thế Chiến, nước Mỹ đã thu được phần lớn doanh thu thông qua thuế nhập khẩu. Đây cũng là lý do khiến một số người ở phe cánh hữu của Mỹ muốn dẹp bỏ FED (Cục Dự Trữ Liên Bang – Federal Reserve System | Fed – hay Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ, là ngân hàng trung ương của Hoa Kỳ) và quay trở lại chế độ bản vị vàng. Thái độ bắt nạt của Trump đối với các quốc gia khác, đặc biệt là ở Bắc Mỹ, cũng bắt nguồn từ thời đại này.
Trong thời đại tăng trưởng nhanh chóng và quyền lực đang lên của nước Mỹ, họ đã cố tình tránh sự vướng mắc vào châu Âu. Trước Thế Chiến, người Mỹ coi các nước châu Âu, bao gồm cả Vương quốc Anh, là đối thủ cạnh tranh quyền lực của họ, cả trên lục địa Bắc Mỹ và ở những nơi khác. Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ đã cảnh báo đất nước không nên vướng vào các cuộc xung đột ở châu Âu.
Thái độ này vẫn tồn tại cho đến tận năm 1916, khi Woodrow Wilson vận động tranh cử với thành tích giữ Hoa Kỳ tránh xa Thế Chiến thứ nhất. Wilson đã nghĩ ra thuật ngữ “Nước Mỹ trên hết” để mô tả ý tưởng rằng Hoa Kỳ nên tránh xa các vấn đề của châu Âu. Cuối cùng, Wilson đã tham gia Thế Chiến thứ nhất, nhưng thái độ chống châu Âu đã quay trở lại vào những năm 1930 với phong trào cô lập. Tổ chức cô lập nổi bật nhất là Ủy ban Nước Mỹ trên hết, một liên minh của cả cánh hữu và cánh tả phản đối sự tham gia vào Thế Chiến thứ 2. Trong tổ chức này có cả Charles Lindbergh, người cho rằng Hoa Kỳ nên gắn bó với Tây bán cầu.
Bạn sẽ nhận thấy rằng Trump và nhiều người ủng hộ ông thích sử dụng cụm từ “Nước Mỹ trên hết”. Họ rõ ràng đang nhắc lại thái độ của thời kỳ mà họ coi là thời kỳ hoàng kim của đất nước họ. Điều này có nghĩa là bỏ mặc châu Âu và để châu Âu tự chiến đấu.
Cá nhân ông Trump thích ý tưởng hợp tác với Nga
Bất kể mối quan hệ thực tế trong quá khứ hay hiện tại của ông với người Nga là gì, Trump có vẻ như chắc chắn muốn hợp tác với Vladimir Putin. Tất nhiên, điều này không hoàn toàn phù hợp với ý tưởng về chủ nghĩa cô lập theo phong cách những năm 1930, nhưng Nga dường như là quốc gia duy nhất mà chính quyền này theo bản năng coi là một người bạn tiềm năng.
Như tôi đã viết vào tháng trước, về cơ bản có hai lý thuyết về lý do tại sao ông muốn làm điều này:
Lý thuyết đầu tiên là Trump (hoặc có lẽ là Musk) muốn phối hợp với Nga và Trung Quốc và cùng nhau chia thế giới thành các phạm vi ảnh hưởng, đồng thời sự hợp tác đó cũng nhằm vào việc đàn áp hệ tư tưởng “thức tỉnh” toàn cầu (Woke). Điều này sẽ kết hợp chủ nghĩa cô lập của Lindbergh với cách tiếp cận mang tính phản động của Klemens von Metternich (một chính khách và nhà ngoại giao bảo thủ người Đức, phục vụ cho Đế quốc Áo).
Lý thuyết thứ hai là Trump và những người của ông đang cố gắng thực hiện một động thái ngoại giao “đi ngược lại Kissinger”, trong đó hoặc là họ xoay Nga về phía Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, hoặc ít nhất là đảm bảo Nga giữ thái độ trung lập trong bất kỳ cuộc xung đột nào giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Điều này khó có thể thành công vì nhiều lý do, nhưng có vẻ như đó là một ý tưởng mà những người ủng hộ Trump khá thích thú.
Bất kỳ lý thuyết nào trong số này cũng sẽ là một cách thuận tiện để Trump cố gắng và thể hiện bộ mặt dũng cảm trước sự yếu kém của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ đã hạ thấp tầm quan trọng của sản xuất và để cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình ruỗng mục, khiến nước này không có khả năng bắt kịp tốc độ sản xuất vũ khí của Nga, chứ đừng nói đến của Trung Quốc. Những ngày mà Hoa Kỳ có khả năng tiến hành chiến tranh trên hai mặt trận ở châu Á và châu Âu đã qua lâu rồi; ngày nay nước Mỹ sẽ rất khó có thể tiến hành chỉ một cuộc chiến tranh đơn phương ở châu Á.
Trump có lẽ biết điều này. Ông tin (một cách sai lầm) rằng chủ nghĩa cô lập kinh tế của mình cuối cùng sẽ khôi phục lại ngành sản xuất của Hoa Kỳ, nhưng trong thời gian chờ đợi, ông có lẽ cảm thấy thôi thúc phải rút lui khỏi sân khấu thế giới – hoặc ít nhất là khỏi Châu Âu – để vừa có thể quản lý các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt của Hoa Kỳ vừa tránh khả năng bị sỉ nhục về mặt quân sự.
Trong mọi trường hợp, bất kể lý thuyết nào đúng, có vẻ rõ ràng là Trump và nhiều người theo ông nghĩ rằng Nga sẽ là đối tác tốt hơn của Hoa Kỳ so với châu Âu. Còn lý do tại sao họ nghĩ như vậy… thì tôi có thể suy đoán.
Các giá trị của châu Âu chỏi – còn các giá trị của Nga phần nào phù hợp – với giá trị của phe cánh hữu Hoa Kỳ
Nếu bạn nằm trong không gian sinh hoạt của cánh hữu ở Hoa Kỳ, bạn sẽ nhận thấy sự ngưỡng mộ của họ dành cho các giá trị của Nga. Các nhà báo trong quỹ đạo của Trump, như Tucker Carlson, thường xuyên nịnh hót Nga. Cathy Young đã có một bài viết hay về vấn đề này vào năm ngoái
Một số trích đoạn chính:
Vào thời điểm này, chủ nghĩa ủng hộ Putin không còn là một xu hướng ngầm trong diễn ngôn cánh hữu nữa: nó đã ra mặt… Đối với một số người, lòng căm ghét cánh tả Hoa Kỳ của họ lấn át mọi cảm xúc mà họ có về Putin. Những người khác thì mang tính ý thức hệ hơn: họ phản đối chính dự án tự do của phương Tây…
Một bài báo trên tờ The Federalist trong ngày sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga minh họa rõ nét cho lối suy nghĩ này. Tác giả Christopher Bedford, cựu giám đốc của Daily Caller News Foundation và là một cộng tác viên tích cực của các phương tiện truyền thông cánh hữu, không chỉ thẳng thắn tuyên bố rằng, “nhiều người trong chúng ta ghét giới tinh hoa của mình hơn xa cả việc chúng ta ghét một số nhà độc tài nước ngoài” mà còn thừa nhận rằng họ thấy rất ngưỡng mộ người được cho là nhà độc tài đó – thí dụ như thấy việc Putin không ngần ngại bảo vệ cho “tôn giáo, văn hóa và lịch sử” của Nga, trong khi giới tinh hoa phương Tây lại hạ mình và xin lỗi vì những hành động của họ…
David French đã chỉ ra những ví dụ như lời khen ngợi của chiến lược gia cực hữu Steve Bannon dành cho nhân cách “phản tỉnh thức” (anti-woke) của Putin và chính trị bảo thủ về giới tính của Nga, hoặc lời gợi ý của nhà tâm lý học Jordan Peterson cho rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine một phần là tự vệ chống lại sự suy đồi của “phương Tây bệnh hoạn”....
Hãy xem xét lời ca ngợi Putin gần như ở một địa điểm đáng kính hơn nhiều: bài phát biểu năm 2017 của nhà văn và nghiên cứu viên già dặn của Viện Claremont là Christopher Caldwell... Caldwell, người không hề xấu hổ khi ca ngợi Putin là “anh hùng của những người bảo thủ theo chủ nghĩa dân túy”, cũng không hề xấu hổ khi thừa nhận rằng “người anh hùng” này đã đàn áp “các cuộc biểu tình ôn hòa” và bỏ tù và có thể đã giết hại những người đối lập chính trị. Tuy nhiên, ông khẳng định rằng “nếu chúng ta sử dụng các biện pháp truyền thống để hiểu các nhà lãnh đạo, bao gồm bảo vệ biên giới và sự thịnh vượng của quốc gia, Putin sẽ được coi là chính khách lỗi lạc nhất của thời đại chúng ta”.
Nhiều người theo chủ nghĩa cánh hữu và bảo thủ khác ở Mỹ có những lý do khác biệt để ngưỡng mộ nước Nga. Một số người coi đây là thành trì của Cơ Ɖốc giáo chống lại chủ nghĩa vô thần hậu hiện đại (mặc dù thực tế là xã hội Nga rất vô tôn giáo). Những người khác coi đây là nền văn hóa nam tính và hùng dũng. Những người khác nữa lại thích sự đàn áp người đồng tính của nước này. Một số ít coi đây là thành trì của quyền lực da trắng.
Mặt khác, châu Âu hiện đại thể hiện nhiều giá trị mà phe cánh hữu của Mỹ khinh thường và sợ hãi. Đây là một xã hội thế tục với nhiều giá trị tự do. Nó có hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, mạng lưới an toàn xã hội vững chắc, chế độ bảo vệ lao động mạnh mẽ, luật về khí hậu nghiêm ngặt với một nhà nước quản lý mạnh mẽ và tuân thủ các qui định. Thông thường, người châu Âu, đối với những người Mỹ theo chủ nghĩa bảo thủ, là những người theo chủ nghĩa tự do tự mãn, hay khoác lác, khoe khoang về tuổi thọ cao hơn và dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, đồng thời thuyết giảng cho người Mỹ về việc kiểm soát súng ống, nghèo đói, v.v.. Đôi khi, những người theo chủ nghĩa tiến bộ ở Mỹ coi châu Âu lại là ví dụ về một nền văn minh vượt trội.
Trên hết, các chính phủ châu Âu đã bảo bọc việc nhập cư hàng loạt từ các quốc gia Hồi giáo trong những năm của thập kỷ 2000 và 2010, điều mà nhiều người theo chủ nghĩa cánh hữu coi là một cuộc xâm lược nhằm phá hủy nền văn minh truyền thống của châu Âu. Một số quốc gia châu Âu đã hình sự hóa những phát biểu mà họ cho là kỳ thị Hồi Giáo. Đáng chú ý là JD Vance đã tấn công các quốc gia châu Âu về cả vấn đề di cư lẫn kiểm soát tự do ngôn luận.
Điều đương nhiên là cánh hữu Hoa Kỳ muốn làm việc với các quốc gia chia sẻ các giá trị của họ và chống đối các quốc gia ôm ấp các giá trị theo họ là xa lạ và đáng ghê tởm. Sự ràng buộc với nền dân chủ và các liên minh lâu đời đã lấn át tình cảm đó trong một thời gian dài, nhưng giờ đây khi Trump lên nắm quyền, bản năng sâu xa hơn của cánh hữu Hoa Kỳ đã làm chủ.
Đối với những người hữu phái Hoa Kỳ, Nga có vẻ mạnh và Châu Âu có vẻ yếu đuối
Trump và những người của ông liên tục nói về nhu cầu của Châu Âu trong việc phải chi tiêu nhiều hơn cho quốc phòng của chính họ. Trên thực tế, khi Trump đe dọa từ chối tôn trọng cam kết phòng thủ chung theo Điều 5 của NATO, ông chỉ đe dọa sẽ từ bỏ các quốc gia Châu Âu không chi tiêu nhiều cho quốc phòng của mình.
Nhưng đây không chỉ là chuyện ngồi không hưởng lợi của châu Âu. Trump và những người của ông coi châu Âu là một thực thể yếu đuối – một vùng đất mềm yếu, suy đồi không có khả năng tự vệ trước người hàng xóm hiếu chiến và đầy nam tính hơn. Ted Cruz, một thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, đã từng xem một đoạn video tuyên truyền của quân đội Nga cho thấy cảnh những người lính cởi trần làm động tác hít đất (chống đẩy) và tuyên bố rằng “quân đội tỉnh thức (woke), bị thiến” của Mỹ không có cơ may chống lại họ.
Tất nhiên, quan niệm cho rằng Nga về bản chất mạnh hơn châu Âu là sai lầm – châu Âu đông dân hơn và có nhiều ngành công nghiệp nặng hơn. Tất cả những lần thao tác hít đất trên thế giới cộng lại đều không ngăn được quân đội Nga đã từng được ca ngợi này có một màn trình diễn rõ ràng là kém cỏi ở Ukraine. Nhưng đối với phe cánh hữu của Mỹ thì sự nhận thức, thái độ và cảm xúc thường quan trọng hơn số liệu và thống kê. Nga phô bày sức mạnh, vì vậy họ phải mạnh mẽ.
Và đối với cánh hữu Mỹ, sức mạnh là tất cả trong các vấn đề quốc tế. Đây là thế giới chó-ăn-thịt-chó (tàn sát lẫn nhau) ở ngoài kia, và các khái niệm như trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hoặc luật pháp quốc tế thật tức cười. Nếu Nga và châu Âu chiến đấu, Trump và công ty muốn đặt cược vào phe có những màn phanh ngực mà hít đất.
Trong tất cả các lý do khiến Trump bỏ rơi châu Âu, đây là mặt duy nhất mà khu vực này có thể làm được. Người châu Âu sẽ không từ bỏ các giá trị cơ bản của họ, và họ sẽ không thể ngăn cản Trump thực hiện ước mơ của mình là hợp tác với Nga và giả vờ như hiện giờ là thế kỷ 19. Nhưng điều mà châu Âu có thể làm là tỏ ra cho người ta thấy là mạnh mẽ. Họ có thể tăng cường sự phòng thủ của mình lên rất nhiều, thực hiện huấn luyện quân sự toàn cầu, xây dựng kho vũ khí hạt nhân và thúc đẩy công nghiệp nặng cùng sản xuất cho quốc phòng. Ba Lan đã và đang làm tất cả những điều này, Anh, Pháp và Đức đã sãn sàng tiến tới tái vũ trang. Đó là điều tốt.
Châu Âu không thể khiến Trump hay đảng của ông chấp nhận các giá trị của họ. Nhưng điều họ có thể làm là trở nên đủ mạnh để Trump, theo bản năng, tôn trọng họ. Sức mạnh đó sẽ thúc đẩy Trump hướng tới thái độ trung lập thay vì thân thiện với Nga. Và có lẽ, sau khi nhóm thiểu số cánh hữu kỳ quặc này đã tiếp quản đất nước không còn nắm giữ quyền lực nữa, Hoa Kỳ và Châu Âu có thể tái lập liên minh lừng lẫy của họ – lần này trên một cơ sở bình đẳng hơn.
Nguyên tác: Why America betrayed Europe
| Tác giả: Noah Smith | Noahpinion, 12.03.2025
Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Anh
_________
Tác giả:
Noah Smith là một blogger, nhà báo và nhà bình luận người Mỹ về kinh tế và các sự kiện hiện tại. Là cựu trợ lý giáo sư về tài chính hành vi (behavioral finance – một lĩnh vực thuộc kinh tế học vi với mục đích nghiên cứu lý do tại sao mọi người lại đưa ra một lựa chọn tài chính theo ý họ) tại Đại học Stony Brook. Ông viết cho blog Substack của riêng mình, Noahpinion, và cũng đã viết cho các báo và tạp chí bao gồm Bloomberg, Quartz, Associated Press, Business Insider và The Atlantic. Smith rời Bloomberg vào năm 2021 để tập trung hoàn toàn vào blog của riêng mình, Noahpinion.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/taisaomyphanboichauau.html