Như Hồ


Phong trào dân chủ ở Việt Nam đã tan rã?

.

Bất kỳ ai quan sát tình hình phong trào dân chủ ở Việt Nam đều nhận thấy kể từ cuối năm 2019 cho đến nay, những cuộc đàn áp mở rộng và khốc liệt đã khiến các tiếng nói đấu tranh gần như im bặt. Nhiều người ví von rằng điều luật 331 và 117 tựa như các lưới cào khổng lồ của chính quyền Cộng sản Việt Nam, bủa ra những đợt càn quét vô tội vạ những người yêu nước.

Cô Phạm Đoan Trang, nhân vật nổi bật nhất đại diện cho
phong trào đấu tranh dân chủ hiện ngồi tù với bản án 9 năm

Không khác gì cộng sản Bắc Kinh, bất chấp nhiều tổ chức thế giới chỉ trích như thế nào, Hà Nội vẫn tảng lờ. Họ luôn nói rằng không ai bị bắt vì tự do dân chủ hay nhân quyền mà chỉ có những người vi phạm pháp luật. Nhưng cái gọi là “pháp luật” Việt Nam là những điều hết sức mơ hồ và chỉ dùng để chụp mũ người dân. Điều 331, Bộ luật hình sự 2017 quy định về Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Còn điều 117 là Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Với những lối định tội như vậy thì hầu như không người dân Việt Nam nào có thể thoát khỏi án tù một khi bị công an nhìn tới.

Bà Penelope Faulkner, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Việt Nam, trong một thông cáo về tình trạng vi phạm nhân quyền và nói về sự né tránh mọi cáo buộc của Hà Nội, đã phát biểu vào ngày 18 Tháng Bảy 2022 rằng “Điều nguy hiểm ở đây là chính quyền đang tạo ra thêm các điều luật chống lại nhân quyền, và bất cứ ai phản đối những điều luật này đều bị bắt và kết án tù nặng nề”. Báo cáo Nhân quyền của Việt Nam năm 2021 được Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHR) công bố, cho biết gần 300 tù nhân đang bị giam giữ ở Việt Nam. Chỉ từ Tháng Sáu 2020 đến Tháng Sáu 2021, có đến 80 người bị bắt vì hai điều luật trên.

Cần phải nói rõ rằng “phong trào dân chủ” ở Việt Nam gần như chưa bao giờ được hình thành theo đúng nghĩa phong trào có tổ chức bài bản, hoạt động chuyên nghiệp thật sự, mà hầu hết chỉ là những sự phản ứng tức giận của người dân trước những sự kiện thời sự nhất định. Nói cách khác, cuộc chiến của người Việt với hiện trạng độc tài cộng sản chỉ mới là phiên bản 1.0.

Năm 2021, viết trên Asia Sentinel, nhà báo Mỹ chuyên về chính trị Việt Nam David Brown nhận định rằng thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cầm quyền, bề mặt dân chủ tạm thời của xã hội đã được “cho phép” hiện ra như một kiểu bình phong che mắt thế giới. Tuy nhiên, năm 2016 khi Dũng bị lật đổ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu tái thiết kế bộ máy an ninh và phát động các cuộc đàn áp chính trị trong lẫn bên ngoài đảng.

Có thể thấy rõ bối cảnh đen tối bắt đầu hiện dần cùng với hình ảnh Nguyễn Phú Trọng. Nhân vật này không chỉ hăm hở “đốt lò” trong chiến dịch thanh trừng đảng và xây dựng lực lượng vây cánh trung thành mà còn bật đèn xanh cho Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiến hành chương trình “thi đua” “tìm và diệt phản động”. Từng người một, những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng lần lượt bị chụp mũ, bị bắt, bị bỏ tù. Một số trường hợp khác được sử dụng như những con tin (cho phép đi tỵ nạn chính trị tại Mỹ) trong các cuộc đàm phán mặc cả ngoại giao.

Năm 2020 và 2021, người ta chứng kiến sự thành công thêm một bước của Nhà nước Cộng sản Việt Nam trong việc thao túng những mạng xã hội lớn như Facebook và YouTube. Facebook thậm chí phải tuân theo “chỉ đạo” Hà Nội trong việc kiểm duyệt, xóa bài, đóng tài khoản đối với những người và những thông tin bất lợi cho họ cho dù đó là sự thật và chỉ là sự thật.

Ngoài lý do chính quyền tăng cường đàn áp khiến phong trào dân chủ (nếu có thể gọi là “phong trào”) bị xẹp xuống, tình trạng “nội bộ” những người đấu tranh chia rẽ cũng ảnh hưởng rất mạnh đến bức tranh hoạt động dân chủ Việt Nam. Có rất nhiều lý do gây chia rẽ nhưng tác động từ sự kiện bầu cử tổng thống tại Mỹ cách đây hai năm đã trở thành ngọn đuốc thiêu trụi môi trường tranh đấu của người Việt.

Không thể loại trừ việc an ninh chìm cộng sản trà trộn vào hàng ngũ những người đấu tranh để đánh phá từ bên trong và gây chia rẽ, nhưng cũng có thể thấy rằng tự thân những người được xếp vào thành phần đấu tranh đã chia rẽ và thậm chí thù hằn nhau bởi quan điểm và chính kiến trong việc ủng hộ/chống đối hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden.

Phút chốc, tất cả vấn đề liên quan chính trị và đời sống xã hội Việt Nam đều nhường chỗ cho những tranh cãi Trump-Biden. Chuyện yêu và ghét Trump/Biden trở thành đề tài chính, dẫn đến sự hỗn loạn bát nháo chưa từng có và đưa đến tình trạng phân hóa nghiêm trọng chưa từng có. Hậu quả cuối cùng là “phong trào” dân chủ Việt Nam vốn đã yếu càng sụp đổ nhanh và không ai có thể vực nó trở dậy.

Hai năm sau “cuộc chiến Trump-Biden”, trong hàng ngũ những người đấu tranh dân chủ Việt Nam, sự chia rẽ vẫn chưa được hàn gắn. Người ta tiếp tục thù nhau, trong khi chính quyền cộng sản vẫn tiếp tục tung lưới bắt tù những gương mặt trụ cột được xem là điểm tựa tinh thần rất lớn của bức tranh đấu tranh chống lại chính quyền độc tài mà Phạm Đoan Trang là gương mặt đại diện.

Trong bối cảnh bi đát như thế, điều gì có thể thay đổi diện mạo bức tranh dân chủ Việt Nam, ít nhất trong tương lai gần? Sự thay đổi các nhân vật cầm quyền ở Việt Nam thường kéo theo các làn sóng chính trị mới và có khả năng tạo ra một lớp bất đồng chính kiến khác. Bên cạnh đó, còn phải thấy rằng nhà cầm quyền độc tài vẫn luôn sử dụng một số ý kiến đối lập trong quần chúng để tạo đòn bẩy cho các hoạt động chính trị và ngoại giao, đặc biệt trong mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Chẳng ai còn lạ gì trò chính quyền ngấm ngầm dùng “nhân dân” để nói lên tiếng nói bán chính thức phản đối Trung Quốc trong những sự việc cụ thể.

Với những người bi quan, sự thắng lợi hiện thời của bộ máy công an qua những án tù – khiến xã hội nghẹt thở và ngày càng trở nên im lìm – không thể không khiến họ buồn bã, nản lòng và tuyệt vọng khi nhìn về hoạt động tranh đấu dân chủ tại Việt Nam. Nhưng với những người lạc quan, giai đoạn này có thể là một dấu lặng chứa những ẩn số với những biến đổi khó có thể tiên đoán. Mà nền chính trị của Cộng sản Việt Nam, trong không khí “chặt chém” nhau quyết liệt như hiện nay, qua cái gọi là “cuộc chiến đốt lò”, trở nên biến động từng giờ.

.

Như Hồ
Trích từ: saigonnhonews.com, 24.07.2022

_______

Ghi chú của BBT:

Điều 331 Bộ Luật Hình Sự: Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân

Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

***

Điều 117 Bộ Luật Hình Sự: Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.

2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.

3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/phongtraodanchuovietnam.html


Cái Đình - 2022