Trần Giao Thủy
Những người phải bỏ nước ra đi hiểu rõ ý nghĩa và giá trị của hai chữ tự do
.
Nhìn kỹ, chúng ta có thể thấy rằng cuộc “phản kháng” chiếm đóng thủ đô và cổng biên giới 2022 là sự lạm dụng quyền lực và tự cho mình đặc quyền của một nhóm thiểu số không đại diện cho người dân Canada.
Ottawa sáng ngày 19/02/2022. Nguồn: Seán O'Shea Global News/Twiter.com
Từ thế kỷ 18 Canada đã đón nhận những người tị nạn chính trị, bị đàn áp trong cuộc Cách mạng ở Hoa Kỳ từ New York sang định cư ở Québec và Nova Scotia.
Vào thế kỷ 19 hàng ngàn người nô lệ da đen trốn khỏi Hoa Kỳ sang Canada tự do xây dựng cuộc đời mới, và những đợt sóng người Ukraine chạy trốn sự đàn áp của chính quyền Austria-Hungary, hay vì nội chiến, vì cuộc xâm lăng của Nga và vì trốn chạy cộng sản đã đến Canada.
Đến thế kỷ thứ 20, nạn nhân của Đức Quốc xã, cộng sản và cuộc xâm lăng của Liên Xô, từ Trung Âu và Đông Âu đã phải bỏ quê hương sang Canada tìm tự do. 1960, người tị nạn Trung Hoa bỏ nước ra đi để thoát khỏi bạo lực cộng sản trong cuộc Cách mạng Văn hóa thời Mao Trạch Đông. 1968-1969, người Tiệp đã sang Canada khi đất nước của họ bị quân Liên Xô và khối cộng sản Warsaw xâm lăng.
Cuối thế kỷ 20, Canada đã đón nhận dân tị nạn cộng sản người Việt Nam, người Khmer trong những năm 1980; Thập niên sau cùng của thế kỷ, Canada đã nhận người Hồi giáo Bosnia, và đưa người tị nạn Kosovar đến chốn bình yên.
Tính đến đầu thế kỷ 21 Canada đã đón nhận người tị nạn từ hơn 140 quốc gia trên thế giới cùng xây dựng đất nước thanh bình và dân chủ này.
Họ hiểu ý nghĩa và giá trị của hai chữ tự do.
Một người biểu tình phất cờ Canada trước những đầu xe vận tải đang đậu ở phố chính Ottawa,
trong cuộc chiếm đóng phản đối những biện pháp ngừa COVID-19. Nguồn: Justin Tang/Canadian Press
Hàng triệu người tị nạn chính trị đã sống trong nỗi sợ hãi, bất an khi phải ra khỏi nhà, hay khi đi bất cứ nơi đâu, vì họ đã trải qua những ngày kinh hoàng trong chiến tranh, bị đàn áp, khủng bố và mất tự do không khác người dân miền Nam Việt Nam trong dịp Tết Mậu Thân 1968, nhất là đồng bào của tôi ở Huế. Những kinh nghiệm như thế đã khiến họ có thể làm bất cứ điều gì để bảo vệ hòa bình ngăn chặn bạo lực, nhưng cuối cùng rất nhiều người Việt Nam đã phải bỏ nước đi tìm tự do, trong những năm sau ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Hãy hỏi những người Uyghur đang ở trại tập trung tại Tân Cương hay người Rohingya đang tị nạn ở Pakistan thế nào là mất tự do.
Tưởng rằng những nỗi sợ hãi, bất an, ám ảnh vì bị đàn áp, hay cuộc sống nhọc nhằn trong thời chiến và hậu chiến đã là một phần của ký ức, thường không muốn nghĩ đến, nhưng những gì đang diễn ra ở Ottawa trong ba tuần qua lại khơi dậy những cảm giác đó.
Trong cuộc sống thanh bình hơn bốn mươi năm qua, chưa bao giờ tôi tưởng mình sẽ thấy những gì đã và đang diễn ra ở cầu Ambassador (ON), ở Emerson (MB), ở Coutts (AB), và nhất là ngay giữa lòng thủ đô Canada. Những người chiếm đóng có thực sự phản đối chính sách chích ngừa và những biện pháp y tế hay hay chỉ là nạn nhân bị phỉnh gạt, bị giật dây bằng mưu đồ chính trị (rởm đời) nhằm lật đổ chính phủ dân cử để thay thế bằng một ủy ban “cách mạng” gồm nhóm tổ chức đoàn xe chiếm đóng với Toàn quyền và Thượng nghị sĩ (tất cả đều không phải là những người dân cử). Họ đang chiếm đóng đường phố chính ngay trước Quốc hội, biểu tượng của nền dân chủ Pháp trị Canada từ gần 200 năm. Họ đang trực tiếp làm mất uy tín quốc gia. Họ dựng lều quán, lò nướng thịt, bồn tắm nước nóng, sân khấu, nhảy múa trong tiếng kèn trống gần như suốt ngày và không ngừng hò hét, mạ lị những người đeo mặt nạ. Họ còn đưa cả con trẻ ra làm bình phong chống lại nhân viên công lực. Ô hô! Đạo đức người làm cha mẹ là như thế hay sao?
Họ đe dọa; họ khiêu khích dân chúng sống ở trung tâm thành phố, cùng lúc nổ máy xe, xả khói dầu cặn và bấm còi không ngừng; họ dùng tất cả những cách quấy nhiễu, tra tấn, khiêu khích khiến không ai có thể sống ổn định, sinh hoạt bình thường hoặc có được những giấc ngủ bình an sau gần hai năm mệt mỏi phấn đấu để sống còn trong đại dịch.
Trở lại tháng ba, 2020, không ai trong chúng ta biết ai sẽ còn, ai sẽ mất vì đại dịch COVID-19. Gần 36000 người Canada đã chết. Hầu hết chúng ta đã làm theo những đề nghị của giới chuyên gia dịch tễ để giữ gìn sức khỏe tốt nhất, bằng cách chính ngừa, đeo mặt nạ, sinh hoạt giãn cách, ngay cả những lúc đã không được bắt tay bè bạn, hay ôm thương con cháu, sống tách biệt với người thân và họ hàng. Tôi không thích đeo mặt nạ, dù đã là thói quen nghề nghiệp. Nhưng tôi đã làm tròn bổn phận để vừa giữ mình và giữ cho tất cả người xung quanh không bị lây nhiễm, không ngoài mục đích sớm thấy ngày trở lại cuộc sống bình thường, không còn bị virus đe dọa mãi.
Hôm trước Tết, tôi đem quà đến cho con cháu nhưng chỉ đứng ở ngoài cửa; vẫy tay, mỉm cười, nhưng nước mắt đoanh tròng rồi tôi vội quay đi; khá hơn chút nữa thì chúng tôi được đi dạo quanh xóm khi con cháu đến thăm trong những dịp khác. Còn lại, gia đình chúng tôi, từ cụ bà gần 100 tuổi đến cháu bé mới thôi nôi, chỉ gặp nhau qua mạng, Facetime. Chúng đã trở thành một loại trị liệu tâm lý thời đại dịch mà tất cả chúng ta dường như đã chấp nhận dù muốn hay không. Vẫn nhìn thấy nhưng tôi nhớ con cháu nhiều hơn và mong có những buổi trò chuyện thoải mái với bạn bè bên chung trà, ly rượu.
Ở mặt quốc gia, Canada là một trong những chính phủ trên thế giới đã sớm chuẩn bị bảo vệ người dân trong đại dịch. Tính đến nay đã có hơn 30 triệu người dân, hay trên 80% dân số, đã chích ngừa đầy đủ.
Thuốc chủng ngừa đã giúp người dân vững niềm tin là chúng ta sẽ trở lại đời sống bình thường. Nhưng, với những lý do nào đó, khó hiểu, vẫn còn một số, dù rất nhỏ, đã xem việc chích ngừa, đeo mặt nạ và những biện pháp phòng ngừa y tế khác là mất tự do.
Những công dân Canada từng là người, vượt biên, vượt biển, tị nạn cộng sản, đều biết mất tự do là gì. Mất tự do kinh hoàng và khủng khiếp hơn nhiều so với việc để mũi kim bé tí tẹo tiêm chưa đến 1 ml thuốc vào cánh tay cho chúng ta có sức đề kháng chống lại loại virus rất dễ lây lan để tiếp tục cuộc sống an lành trong một Canada giàu mạnh dân chủ và tự do.
Tôi cổ xúy cho dân chủ, tự do ngôn luận, tự do phản kháng nhưng tất cả phải thực thi đúng với quyền Hiến định của người dân đã được Hiến chương về Quyền và Tự do của Canada bảo vệ.
Không người lãnh đạo Canada nào, bất kể chính đảng, muốn người dân bị đàn áp bằng bạo lực. Nhưng điều đó đã xẩy ra ở Oka năm 1990, ở Wetʼsuwetʼen năm 2020. Người bản địa bị đàn áp vì họ muốn bảo vệ lãnh thổ của tổ tiên. Đó là những bài học lịch sử quan trọng và đã chứng tỏ là hữu ích cho cho giới lãnh đạo nhân viên công lực và chính phủ quốc gia trong cuộc khủng hoảng “xe vận tải” năm 2022.
Nguồn: Twiter.com
Quan tâm đến tính mạng và sức khỏe của người khác là một hành động nhân bản. Nhân chi sơ tánh bản thiện, nhưng có lẽ thực hành để trau dồi thiện tính sẽ khiến nó dễ trở thành nét đặc thù hơn. Lòng căm thù và kỳ thị biểu hiện bằng lá cờ in hình chữ thập ngoặc của Đức Quốc Xã, hay cờ Nam Quân, đồng thời so sánh những quy định y tế ngừa đại dịch với Holocaust, là hành động lăng mạ chính mình, không giúp ích được gì cho nhân quần xã hội.
Nhìn kỹ, chúng ta có thể thấy rằng cuộc “phản kháng” chiếm đóng thủ đô và cổng biên giới 2022 là sự lạm dụng quyền lực và tự cho mình đặc quyền của một nhóm thiểu số bạo động không đại diện cho người dân Canada hiếu hoà, thượng tôn luật pháp.
Những hành động bắt nạt, đe dọa và đòi lật đổ chính phủ dân cử phải chấm dứt ngay lập tức nếu không chúng ta sẽ không bao giờ còn có tự do thực sự nữa.
Sự áp bức mà chúng ta nói chung, hay người dân ở thủ đô nói riêng, và những công nhân lái xe vận tải đang giữ cho chuỗi cung ứng không đứt đoạn, đã và đang phải chịu đựng từ ba tuần qua nhắc lại một phần rất đau khổ trong cuộc đời mà rất nhiều người tị nạn, đi tìm tự do nghĩ rằng đã là ký ức đau buồn không muốn nhớ, khi đã đặt chân đến một Canada tự do và dân chủ.
.
Trần Giao Thủy
Nguồn: Đàn Chim Việt, 19.02.2022
Tác giả là một người tị nạn chính trị trở thành công dân Canada, từng cư ngụ tại Ottawa.
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/nhungnguoiphaibonuocradi.htm