Phúc Lai
M.S. Gorbachev – Anh hùng hay tội đồ lịch sử?
Mikhail Gorbachev (năm 1984) - Ảnh: Bryn Colton
Tôi còn nhớ mùa đông năm 1986, khi đất nước chúng ta đang hết sức khó khăn nhưng cũng đã bắt đầu nhận thấy lờ mờ đâu đó làn gió của đổi mới – là thời điểm mọi người theo dõi cuộc họp Thượng đỉnh Xô - Mỹ ở Reykjavík (Iceland). Hồi đó “nghe người lớn nói”, họ bình luận là trông ông Gorbachev hiền thế kia, còn ông Reagan thì sắc sảo, thì “làm sao ông Gor đấu lại cho được!”
Rất nhiều người Việt Nam hồi đó vẫn còn tin rằng Liên Xô có sức mạnh siêu cường, đủ đối chọi với Mỹ, mà khi đó với Việt Nam thì Mỹ vẫn còn là kẻ thù. Tư tưởng hiếu chiến vẫn còn lan tràn trong xã hội Việt Nam đặc biệt là ở miền Bắc, người ta không thể hình dung ra được Liên Xô có những vấn đề nghiêm trọng như thế nào.
Kết quả của Thượng đỉnh Xô - Mỹ 1986 là hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng vũ khí hạt nhân phải được loại bỏ và họ gần như đã đưa ra một thỏa thuận loại bỏ kho dự trữ vũ khí hạt nhân của Liên Xô và Mỹ vào năm 2000. Điều ngăn cản thỏa thuận đó chỉ là thời điểm này Hoa Kỳ đang xem xét cái gọi là “Hệ thống phòng thủ tên lửa trên không gian” hay còn gọi là “Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược” (SDI). Tổng thống Reagan từ chối yêu cầu giới hạn nghiên cứu và công nghệ SDI trong phòng thí nghiệm. Tất nhiên là Gorbachev không chấp nhận bất cứ điều gì kém hơn lệnh cấm thử nghiệm tên lửa trong không gian.
Có thể nói Mikhail Sergeievich Gorbachev dù sao thì cũng là người có công đưa Liên Xô rút khỏi cuộc chạy đua vũ trang, một hệ quả của chiến tranh lạnh và ông đã có được Giải Nobel Hòa bình cho riêng mình. Nhưng hồi đó, với người Việt Nam chúng ta, hầu hết không được tiếp cận với thông tin quốc tế nhất là những phân tích chiến lược, chúng ta không hiểu và thất vọng, rằng tại sao một siêu cường như Liên Xô lại phải nhún nhường như vậy. Tư tưởng của chúng ta là kết quả của quá trình thông tin từ báo chí trong nước, chúng ta hiểu rằng đó là một hành động thiện chí và vì hòa bình của Liên Xô. Chúng ta vẫn hoàn toàn tin tưởng rằng nếu có bất cứ khó khăn gì, thì “Liên Xô sẽ giúp đỡ chúng ta một cách vô tư” như trước đó hơn 10 năm, chúng ta vừa bước ra khỏi chiến thắng huy hoàng.
Xin độc giả của “Nhịp cầu thế giới” (NCTG) để ý, chỉ trước đó một năm rưỡi, ngày 9/5/1985 chúng ta thông xe cây “Cầu Hữu nghị Việt Xô” tức là cầu Thăng Long, mọi thứ với chúng ta hoàn toàn yên tâm. Lại quay về với mốc mùa đông năm 1986, cũng chỉ chưa đến một năm rưỡi sau, tháng 3/1988 Trung Quốc nổ súng gây hấn ở Gạc Ma làm chết mấy chục thủy thủ Việt Nam, và Liên Xô không hề có động tĩnh gì, dù họ vẫn đang duy trì một căn cứ quân sự ở Cam Ranh.
(Một lần nữa) Rất nhiều người Việt lờ mờ nhận ra có một điều gì đó đã xảy ra với Liên Xô, “người anh cả trong phong trào XHCN”. Tất cả những biến cố này diễn ra trong bối cảnh cuộc sống của người Việt Nam đang ở trong đói khổ trầm kha, đỉnh cao là cú đổi tiền năm 1985 (1), và “gạo đổ vào nồi” vẫn trông cậy ở viện trợ của “các nước XHCN anh em”.
Tuy thế, những gì mà M. S. Gorbachev khởi xướng đã thổi một làn gió mới nào đó, có thể không quá mạnh nhưng rõ ràng có ảnh hưởng đến Việt Nam. Ngày ngày người dân đọc báo “Nhân Dân” để tìm những bài của “cây bút N.V.L.” một cách háo hức, mà người ta bảo nghĩa là “Nói Và Làm” là bút danh của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trên chuyên mục “Những việc cần làm ngay”.
Đến thời điểm năm 1990 và suốt cả năm 1991, người Việt Nam theo dõi tin tức Liên Xô trên báo đài hầu như… không hiểu gì cả. Tôi còn nhớ một tờ báo Việt Nam cố gắng đăng bìa tạp chí “Time” số tháng 3/1991 với ảnh của Boris Yeltsin và dòng chữ: “The Spoiler” và dịch ra tiếng Việt cho độc giả trong nước: “En-xin – kẻ phá bĩnh.” Với người đọc Việt Nam, theo dõi tin tức qua báo chí trong nước sẽ hầu như được dẫn theo hướng cảm thấy Yeltsin là một kẻ tội đồ phá hoại đất nước Liên Xô và công cuộc cải tổ của Gorbachev đang khởi xướng.
Mãi đến sau này, khi ra trường và làm việc trong một cơ quan nhà nước, tôi mới được tiếp xúc với một tài liệu mật được gửi lên một “cấp trên” nào đó: “Cải tổ - lịch sử của những sự phản bội” (“Перестройка. История предательств”) của cựu Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, ông Nikolai Ryzhkov (Николай Рыжков, sinh năm 1929 ở Donbas, nay là lãnh thổ Ukraine). Cuốn này ông ta viết năm 1992, ngay sau khi Liên Xô sụp đổ và khoảng một năm sau khi ông ta bị rớt khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
(Xin giải thích một chút về sự kiện này: đầu năm 1991 Liên Xô dưới sự lãnh đạo của Gorbachev đã giải tán Hội đồng Bộ trưởng cũ, thay vào đó là Chính phủ và tất nhiên, người đứng đầu nội các sẽ là Thủ tướng).
Trong cuốn sách của mình, Ryzhkov kể rất nhiều về những hành động của Gorbachev – họ đã làm việc với nhau những 8 năm từ khi dưới thời của Y. Andropov. Theo lời của ông này, Gorbachev là người không hiểu gì về kinh tế, đặc biệt là kinh tế sản xuất công nghiệp nhưng lại rất thạo về kỹ năng quản lý vùng, do có nhiều kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, ông ta chỉ trích Gorbachev thông qua việc dẫn ra rất nhiều sự kiện hỗn loạn trong đất nước, ví dụ sự kiện tháng 5/1990 ở Armenia, dẫn đến việc binh lính Xô-viết bắn chết 8 người nổi loạn.
Để kết luận cho cuốn sách, Ryzhkov không chỉ thẳng Gorbachev là một kẻ phản bội, mà ông ta viết: “Cải tổ và tất cả chúng tôi, những người thi hành nó một cách trung thành, là những người phản bội”. Sự phản bội ở đây là phản bội tất cả những nguyên tắc mà dựa trên đó Nhà nước Xô-viết tồn tại. Vậy Gorbachev đã từng đưa ra những gì?
Đó là hai điều chính yếu mà bây giờ ai cũng biết, đó là “cải tổ” và “cởi mở”.
Cái gọi là “cải tổ” hay “perestroyka” là việc đổi mới cơ cấu kinh tế, đang theo chiều dọc (tập trung kế hoạch hóa cao độ) sang chiều ngang (có hơi hướng của thị trường).
Cái gọi là “cởi mở” hay “glasnost” nôm na như “N.V.L.” ở nhà ta, có rất nhiều cái cần phải nhìn thẳng vào sự thật, v.v… và v.v…
Nhìn chung thì có nhiều điều Gorbachev nhận thấy, ví dụ như việc Liên Xô tham chiến ở Afghanistan cùng cuộc chạy đua vũ trang, đã làm cạn kiệt sức lực của đất nước. Mặt khác, việc Liên Xô cố ôm đồm một chiến lược quân sự căng mình chống giữ cả Đông Âu trước NATO, cũng là một việc rất quá sức. Vì vậy, người ta bảo ông là ngây thơ chính trị thì cũng phải, nhưng nếu không rút ra khỏi những cuộc chiến cả có súng nổ lẫn không có đó sớm, thì Liên Xô chắc chắn sẽ sụp đổ.
Về cải tổ trong nền kinh tế, thực chất thì Liên Xô đã từng thử nghiệm bằng “công trình” của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Alexei Kosygin năm 1965, và ngay lập tức thu được kết quả khi năng suất lao động và do đó kéo theo sản lượng hàng tiêu dùng của Liên Xô (nhóm sản xuất B, không chiến lược) tăng 35%. (Đáng tiếc là thời gian này kéo dài không lâu vì nổ ra sự kiện Praha – Tiệp Khắc năm 1968, làm cho Liên Xô đóng cửa trở lại và còn đóng chặt hơn).
Gorbachev bước lên vũ đài chính trị Liên Xô vào thời kỳ khó khăn nhất – năm 1983 lần đầu tiên từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, mức sống của người dân Liên Xô trong năm trước không tăng, hay chỉ số tăng trưởng về thu nhập giữ ở con số Zero. Vì thế, những nỗ lực của ông ta trước hết là để cứu Liên bang Xô-viết, chứ không phải là để giải phóng cho ai cả. Vì không hiểu biết nhiều về chính trị, ông muốn copy mô hình kinh tế thị trường bắt đầu có sự tự do hóa, nhưng yêu cầu của nó là làm ngược với tất cả những gì mà nền kinh tế kế hoạch tập trung cao độ theo mệnh lệnh của Liên Xô.
Một nền kinh tế chỉ đạo tập trung như vậy sẽ không thể vận hành được nền kinh tế muốn theo các nguyên tắc của thị trường, vì thế yêu cầu tất yếu là phải thủ tiêu được tính mệnh lệnh hành chính. Để thủ tiêu mệnh lệnh hành chính, thì phải tấn công vào hệ thống bộ máy và tư tưởng quan liêu, đó là lý do tồn tại của vế thứ hai, “glasnost”. Thật bất ngờ là “glasnost” đã đánh trúng “tử huyệt” của chế độ cộng sản Xô-viết, vốn tồn tại dựa trên sự chỉ đạo độc đoán, sự bưng bít thông tin, đàn áp tư tưởng và thắng bằng tuyên truyền. Khi những nguyên tắc đó bị tấn công, chế độ Xô-viết sụp đổ là tất yếu.
Vì thế, thực ra, từ quan điểm của mình – người nuối tiếc chế độ Xô-viết, Ryzhkov lên án sự phản bội cũng đúng. Đó là sự phản bội các nguyên tắc tồn tại của chính quyền và chế độ Xô-viết.
Gorbachev và chế độ Putin
Hôm nay, sau tin Gorbachev qua đời, Vladimir Putin viết trên trang web của Điện Kremlin: “Mikhail Gorbachev là một chính trị gia và chính khách có tác động to lớn đến tiến trình lịch sử toàn cầu. Ông ấy đã lãnh đạo đất nước chúng ta vượt qua thời kỳ biến đổi phức tạp, mạnh mẽ và nhiều thách thức chính trị, kinh tế và xã hội đối ngoại sâu rộng. Ông ấy đã hiểu sâu sắc về sự cần thiết phải cải cách và tìm cách đề xuất các giải pháp của mình cho những vấn đề cấp bách”.
Có thể nói đây là những lời lẽ hết sức lịch sự, vì vào đầu cuộc chiến tranh của Putin chống Ukraine năm nay, cựu Tổng thống Liên Xô M.S. Gorbachev đã chỉ trích Putin khá nặng nề.
Đánh giá một cách công bằng, nếu Gorbachev may mắn hơn và bằng cách nào đó giúp Liên Xô không tan rã, thì không có Yeltsin và do đó cũng chẳng có Putin – tiếc là lịch sử không bao giờ có chữ “nếu”. Lại công bằng mà nói, thì những gì Putin có, có rất nhiều thuộc về “di sản của Gorbachev”. Chẳng hạn, một nền kinh tế thị trường như hiện nay nước Nga đang có, chính là tiếp nối những gì mà Gorbachev đã mở cửa, nhưng Putin đã “sửa sai” bằng cách ngăn chặn tất cả những gì gọi là “mầm mống của tư tưởng tự do” trên nước Nga. Điều này nghĩa là Putin giữ lại một phần của “perestroika” nhưng thủ tiêu luôn “glasnost”.
Điều thú vị hơn nữa, là tuần trước nhân việc con gái của Aleksandr Dugin bị đánh bom chết, người ta nói nhiều đến việc ông này là tác giả của tư tưởng Âu – Á, điều này không đúng. Bản dự thảo Hiến pháp “Liên bang các nước Cộng hòa Xô-viết Châu Âu và Châu Á” do Andrey Dmitryevich Sakharov soạn thảo, chương đầu tiên viết: “Liên bang các nước Cộng hòa Xô-viết của Châu Âu và Châu Á (viết tắt là: Liên bang Xô-viết Âu – Á) là sự tự nguyện thống nhất của các nước Cộng hòa có chủ quyền ở Châu Âu và Châu Á”. Khi rời khỏi chính trường, Gorbachev đã theo ý tưởng này của Sakharov đề xuất mô hình “Cộng đồng các quốc gia Châu Âu và Châu Á”. Ông đề nghị việc “bắt đầu kỷ nguyên mới trong lịch sử đất nước một cách đàng hoàng”.
Sau này chúng ta đã biết, Liên bang này đã không ra đời được vì xu thế li tâm của các nước trong Liên Xô đã quá mạnh, và “Cộng đồng các quốc gia độc lập” ra đời như một đứa con chết yểu của Liên bang Xô-viết. Nhắc lại “câu chuyện Á – Âu” chỉ để thấy, Putin cũng chỉ là một tay láu cá và chẳng có tư tưởng gì, kể cả hệ tư tưởng xương sống của “chủ nghĩa Putin”.
Nhiều người Việt Nam - nhất là những người sống ở Đông Âu - nhìn thấy vai trò tích cực của M.S. Gorbachev, thậm chí coi ông như người anh hùng. Một số người tỉnh táo thì cho rằng ông ta cũng chỉ cố giữ cho Liên Xô không sụp đổ mà thôi. Tôi thì nghĩ, ông là trường hợp “đúng người, đúng hoàn cảnh và đúng thời điểm”. Sự sụp đổ của Liên Xô là tất yếu và khách quan, và nó được thúc đẩy rất rõ ràng bằng sự xuất hiện và bước vào chính trường của Gorbachev, Yelsin cùng rất nhiều người khác nữa trong chính giới Liên Xô lúc bấy giờ.
.
Phúc Lai
Nguồn: Nhịp Cầu Thế Giới, 31.08.2022
_____
(1) Đổi tiền năm 1985 là đợt đổi tiền lần thứ ba sau 1975, được thi hành vào ngày 14/09/1985. Tiền lưu hành phải nộp lại trong vòng 3-5 ngày với tỷ lệ 1 đồng mới ứng với 10 đồng cũ, mỗi gia đình chỉ được giữ 2000 đồng mới. Tiền gửi trong ngân hàng cũng được định giá theo công thức:
Lần đổi tiền này đã gây ra nạn lạm phát khủng khiếp là 700% năm 1986 và còn tiếp diễn trong suốt thập niên ’90. Số tiền bị giữ trong ngân hàng đến khi được phép rút ra chỉ còn là tờ giấy lộn, vì chỉ trong vòng 3 năm, lương tối thiểu đã tăng gấp 100 lần, từ 220 đồng/tháng vào năm 1985 thành 22.500 đồng/tháng vào năm 1988 (chú thích của BBT www.caidinh.com).
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/msgorbachevanhhung.html