Lê Vạn Hoa


Lá phiếu cho Nguyễn Phương Hằng

Bà Nguyễn Phương Hằng. Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

Cái tên Nguyễn Phương Hằng không xa lạ gì với người dân nước ta. Các phiên livestream của bà Hằng thu hút hàng trăm ngàn người xem, nổi tiếng nhất là các buổi livestream bàn luận về giới nghệ sĩ làm từ thiện hay những câu chuyện liên quan tới nhà báo, lãnh đạo nhà nước, v.v.

Bà Hằng bị bắt vào tháng 3/2022 với cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và bị kết án 2,9 năm tù. [1]

Ngày rộ tin bà Hằng bị bắt, các tuyến đường xung quanh căn biệt thự Hằng Hữu của bà ở TP. Hồ chí Minh bị "thất thủ" vì người dân tập trung theo dõi. [2]

Hồi tháng Chín vừa rồi, bà Hằng được giảm án và trả tự do trước hạn vài tháng so với thời gian dự kiến kết thúc án vào tháng 12/2024.

Sau khi ra tù, bà Hằng vẫn là tâm điểm của công chúng và báo chí. Một trong những động thái đầu tiên của bà là mở cửa miễn phí Khu Du lịch Đại Nam trong bốn ngày. Hàng ngàn người dân kéo đến chơi và tham dự các buổi trò chuyện với bà Hằng như đến giao lưu với một thần tượng hiếm có. Và trong thời gian này, bà Hằng cũng tổ chức quyên góp để ủng hộ đồng bào vùng bão Yagi.

Ngày 2/10, báo chí đưa tin rằng bà Hằng đã chuyển 20 tỷ đồng để ủng hộ đồng bào miền Bắc và miền Trung bị ảnh hưởng bão lũ. Ngoài ra, trong quá trình mở cửa miễn phí Khu Du lịch Đại Nam, bà Hằng và Công ty Cổ phần Đại Nam cũng đã quyên góp thêm gần một tỷ đồng từ du khách để hỗ trợ đồng bào vùng bão Yagi. [3]

Việt Nam hiếm có một hiện tượng nào tương tự như vậy, nhất là khi “thần tượng” này không hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, không phải là ngôi sao thể thao, và cũng không nắm quyền hành gì lớn trong nhà nước. Hơn nữa, đại đa số người hâm mộ đều không thụ hưởng gì từ các hoạt động từ thiện của bà Hằng.

Người viết thử đặt ra một giả thuyết: Nếu người dân có quyền tự do bầu cử, và nếu bà Nguyễn Phương Hằng ra tranh cử, thì bà có được sự ủng hộ lớn từ cử tri không?

Chương trình tranh cử tiềm năng của bà Hằng

Trước khi bị bắt, bà Nguyễn Phương Hằng và gia đình đã thực hiện nhiều hoạt động từ thiện quy mô lớn, bao gồm việc đóng góp hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trường học và hỗ trợ các bệnh nhân nghèo. [4]

Các phiên livestream đã cho thấy bà Hằng là người hoạt bát, có kỹ năng ăn nói, hấp dẫn người nghe. Có lẽ, đối với người dân Việt Nam lúc này, chỉ cần nhìn thấy một cá nhân dám nói dám làm, nhiệt tình giúp đỡ những người yếu thế và quan tâm các vấn đề xã hội như bà Hằng, thì cũng đủ để họ dành sự ủng hộ và tín nhiệm.

Nếu cử tri có quyền bỏ phiếu thực sự và bà Hằng tiếp tục các hoạt động xã hội như hiện tại, thì dễ hình dung khả năng bà thu hút được một lượng lớn cử tri.

Chương trình nghị sự tranh cử của bà Hằng cũng rất tiềm năng khi nó tập trung cải thiện các chính sách an sinh xã hội, từ lo viện phí cho bệnh nhân nghèo đến xây thêm trường học, chu cấp cho người yếu thế.

Không có gì ngăn cản bà tiếp tục sử dụng nguồn lực riêng của gia đình để thúc đẩy các mục tiêu dân sinh. Thậm chí, khi có quyền lực, bà Hằng có thể tác động đến việc chi tiêu ngân sách để tập trung vào những mục tiêu an sinh mà bà đề ra trong cương lĩnh tranh cử.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo rằng bà sẽ giữ được tính liêm chính sau khi nắm quyền. Cũng như với bất kỳ chính trị gia nào, có khả năng là bà Hằng sẽ không thực hiện đầy đủ các lời hứa của mình.

Nhưng cũng chính khi ấy, người dân vẫn còn trong tay cùng một công cụ để hạ bệ bà nếu họ cảm thấy thất vọng sau một nhiệm kỳ.

Đó là lá phiếu.

Đây chính là yếu tố kiểm soát quan trọng, giúp cử tri duy trì sự kiểm soát đối với các quan chức.

Nếu bà Hằng không thực hiện được các cam kết của mình, người dân vẫn có quyền dùng lá phiếu để thay đổi lãnh đạo trong kỳ bầu cử tiếp theo.

Thực tế, không có con đường nào cho người dân tự chọn ra lãnh đạo tốt hơn là thông qua cơ chế dân chủ, nơi họ có quyền chọn và thay thế người đại diện nếu cảm thấy không hài lòng.

Những người cầm quyền có thể tuyên bố rằng họ biết rõ hơn ai nên nắm quyền, nhưng thực tế là dân chủ mang lại sự cân bằng quyền lực và cơ hội cho người dân thể hiện quyền công dân của mình một cách đầy đủ.

Nói thêm về cơ chế tự ứng cử đại biểu Quốc hội

Việt Nam có cơ chế cho phép mọi công dân đủ điều kiện có thể tự ứng cử đại biểu Quốc hội.

Nhưng đấy là trên lý thuyết.

Còn thực tế, các ứng viên tự ứng cử thường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong quá trình vượt qua các bước như hiệp thương và vận động bầu cử.

Hai trường hợp tiêu biểu nhất từng tự đứng ra ứng cử đại biểu Quốc hội đều phải đối mặt với nhiều rủi ro.

Năm 2016, bà Nguyễn Thuý Hạnh ra ứng cử trong kỳ bầu cử Quốc hội, với chương trình tập trung vào việc bảo vệ chủ quyền và nâng cao quyền phụ nữ. Tuy nhiên, bà không thể vượt qua vòng hiệp thương (quá trình mà các ứng viên phải được sàng lọc và chấp thuận bởi các ủy ban hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam). Năm 2012, bà Hạnh bị bắt với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, và vừa được trả tự do vào tháng Mười năm nay. [5]

Cũng trong năm 2016, Tiến sĩ Nguyễn Quang A đã tự ứng cử đại biểu Quốc hội. Sau đó, ông bị bôi nhọ và bị nhà chức trách theo dõi, kiểm soát, làm phiền nhiều lần. Điều này cho thấy nhà nước giám sát rất chặt chẽ đối với các ứng viên tự ứng cử mà không có sự hậu thuẫn chính trị​. [6]

Trong kỳ bầu cử Quốc hội khóa 15 năm 2021, có tổng cộng chín người tự ứng cử trên tổng số 868 ứng cử viên. Tuy nhiên, chỉ có 4/9 người trúng cử, và trong đó ba người đã là đại biểu quốc hội khóa 14, người còn lại là giám đốc một công ty trách nhiệm hữu hạn. [7] [8]

Ở nước ta, việc thảo luận về khả năng để người dân trực tiếp bầu lãnh đạo địa phương đã được đưa ra nhiều lần, nhưng không có tiến triển rõ rệt. [9] 

Tựu trung, nhà chức trách thường viện dẫn các lý do như dân trí thấp và thiếu cơ chế rõ ràng để tránh trao cho người dân quyền lực lá phiếu thực sự. [10] 

Người dân có thể nhầm, nhưng không có gì đảm bảo một nhóm nhỏ cầm quyền lại luôn đúng. Chính quyền cũng đã tự bổ nhiệm ra hàng trăm, hàng ngàn quan chức, chỉ để nhận ra họ đã tham nhũng, gây sai phạm, và vi phạm nhiều luật lệ, như chính chiến dịch đốt lò đã chỉ ra. 

Câu trả lời đơn giản cho việc người dân chưa được sử dụng lá phiếu của mình chỉ là chính quyền không muốn chia bớt quyền lực cho dân.

Nếu lá phiếu thực sự có quyền lực để "điều binh khiển tướng" nhằm phục vụ lợi ích của dân, thì có lẽ nhiều người, trong đó có tôi, sẽ sẵn lòng bỏ phiếu cho những ứng cử viên mà họ cảm thấy có sự đồng cảm và trăn trở với lợi ích chung, như bà Nguyễn Phương Hằng.

   

Lê Vạn Hoa

______

Chú thích

1] VnExpress. (2024, September 19). Bà Nguyễn Phương Hằng ra tù sớm 3 tháng. Vnexpress.net; Báo VnExpress.

[2] Nam, L. (2022, March 24). Người dân TP.HCM kéo đến nhà bà Nguyễn Phương Hằng livestream. Thanhnien.vn;

[3] Khoa Nguyễn, & Cao Bách. (2024, September 29). Bà Nguyễn Phương Hằng miễn phí vé khiến khu du lịch Đại Nam chật kín người. Báo Điện Tử Dân Trí.

[4] Chinh Hoàng. (2023, October 13). Quỹ từ thiện Hằng Hữu của vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng vận hành ra sao, vì sao phải dừng hoạt động? Danviet.vn;

[5] Nhà hoạt động Nguyễn Thuý Hạnh mãn hạn tù sau khi bị xét xử kín. (2024). Radio Free Asia.

[6] Văn Việt. (2016). Yêu cầu của Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người tự ứng cử đại biểu Quốc hội | Văn Việt. Vanviet.info.

[7] LÊ KIÊN. (2021, April 27). 9 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội là ai? TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn.

[8] Phạm Đông. (2021, June 10). 4 người tự ứng cử trúng cử đại biểu Quốc hội khoá XV là ai? Laodong.vn; Báo Lao Động.

[9] [10] CHUNG, T., & LONG, T. (2024, June 9). Người dân trực tiếp bầu chủ tịch được không? TUOI TRE ONLINE; tuoitre.vn.

   

Nguồn: Luật Khoa tạp chí, 16.10.2024

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/laphieuchonguyenphuonghang.html


Cái Đình - 2024