Nguyễn Tiến Cảnh


Israel có thể tấn công trả đũa trực tiếp vào Iran không?

   

Trước khi bàn về vấn đề Israel có trả đũa Iran không, tưởng nên xét tổng quát về căn nguyên của những rối loạn ở Trung Đông từ thời cổ đại xa xưa. Và coi đó là điểm của vấn đề tranh chấp hiện nay giữa Ả Rập/Hồi Giáo-Iran và Israel/Do Thái giáo; còn chiến tranh hiện nay giữa Palestine và Israel chỉ là diện mà thôi. Có người nghĩ là cứ giải quyết vụ Palestine và Do Thái được là xong thì có vẻ khiếm diện.

Những người con của Abraham

Không thể hiểu được tường tận về một Trung Đông hiện tại nếu không biết về ba tôn giáo lớn đã phát sinh ra ở nơi đây: Do Thái Giáo (Judaism), KiTô Giáo (Christianity) và Hồi Giáo (Islam). Ba tôn giáo này đã bắt rễ, có một cội nguồn tinh thần từ cùng một nhân vật tổ phụ là Abraham. Ba hình ảnh cao vời của 3 tôn giáo này là MaiSen/Moses, Chúa Giêsu Kitô và Muhammad. Tất cả đều là con cháu trực tiếp của giòng Abraham.

Abraham sinh ra tại thị trấn Ur thuộc miền Mesopotamia, là con của Terah, giòng giống Shem, con trai ông Noah. Sinh ra từ hơn 4.000 năm trước, nhưng ảnh hưởng của Abraham tại Trung Đông vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Là con cháu thuộc giòng giống Shem, con trai của ông Noah, Abraham và con cháu ông thuộc dân tộc Semitic. Sách Sáng Thế (St 11:14-16) cho thấy chắt của Shem là Eber là tổ phụ trực tiếp của Abraham. Do đó danh từ Hebrews là từ chữ Eber mà ra.

Abraham được gọi là “Cha của Niềm Tin”(Rm 4:11). Abraham nghe lời Chúa rời bỏ nơi chôn rau cắt rốn là thị trấn Ur di tản về thị trấn Haran như Stephen, vị tử đạo đầu tiên của thời Kitô giáo đã nói: “Thiên Chúa hiển vinh đã hiện ra với tổ phụ Abraham của chúng ta khi ông còn ở thị trấn Ur, trước khi về Haran, và nói với ông: Hãy bỏ xứ sở, bà con thân quyến và đến một nơi mà ta sẽ chỉ cho ngươi”(Cv 7:2-3).

Cả hai thị trấn Ur và Haran đều ở trong miền Mesopotamia, nằm giữa 2 con sông Euphrates và Tigris. Haran là nơi dừng chân đầu tiên của 2 ông bà Abraham và Sarah. Hai ông bà được Chúa đưa đến một miền đất mới, địa điểm quyết định làm thay đổi lịch sử của cả một vùng.

Chúng ta hãy coi cuộc di hành của Abraham sau khi cha ông là Terah qua đời. Đây là gương vâng lời Chúa một cách tuyệt đối, vô điều kiện. “Bấy giờ Chúa nói với Abram (tên của ông lúc đầu, sau này được biến đổi thành Abraham): ‘Hãy ra khỏi xứ sở của ngươi, xa rời gia đình, bỏ nhà bố mẹ và đi đến một nơi ta sẽ chỉ cho biết. Ta sẽ ban cho ngươi một quốc gia vĩ đại; Ta sẽ chúc phúc cho ngươi và làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng; ngươi sẽ là người ban ơn phước cho muôn dân…’. Thế là Abram nghe lời Chúa và ra đi…” (St 12: 1-4). Thư gửi tín hữu Do Thái (Dt 11:8) còn nói thêm: “Và ông đi mà không cần biết là đi đâu”.

Chúa đã làm việc với Abraham, dẫn dắt ông và con cháu ông đến định cư ở đất Cana mà sau này gọi là Đất Hứa hay Đất Thánh, nằm ngay ở ngã ba Á Châu, Phi Châu và Âu Châu. Nơi này hẳn là một vùng đất lý tưởng cho dân Chúa chọn, một dân tộc gương mẫu cho những dân tộc khác trên thế giới (Dnl 4: 5-8).

Khi đặt chân tới đất mới, Chúa hứa với Abraham là sẽ cho con cháu ông đất đai (St 12:7). Và Chúa nói với Abram… “Bây giờ hãy ngửa mặt lên và nhìn về tứ phía: Đông, Tây, Nam, Bắc; Ta cho ngươi và con cháu ngươi tất cả đất đai mà ngươi nhìn thấy cho đến muôn đời” (St 13:14-15).

Chúa còn phán thêm: “Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đầy đàn nhiều như sao trên trời như cát dưới biển (c.16). Đặc biệt, sau này Chúa lại đổi tên Abram thành Abraham (St 17:5). Abram có nghĩa là “Người Cha đáng tôn vinh”; còn Abraham có nghĩa là “Cha của muôn dân”. Chúa phán “Ta sẽ ban cho ngươi rất nhiều con cháu, và từ đó sẽ nảy sinh ra nhiều quốc gia và các vua chúa sẽ từ ngươi mà ra” (c. 6).

Lúc đó những lời tiên tri này có vẻ khôi hài đối với Abraham, vì Sarah, vợ ông đã hiếm muộn không thể sinh con được. Sự hiếm muộn của Sarah lúc bấy giờ có ý nghĩa đặc biệt và thật là quan trọng trong việc phát triển một Trung Đông hiện đại.

Chúa lại hứa với Abraham (theo như St 15:4) là ông sẽ có con để nối dõi tông đường: “người này sẽ sinh ra do chính thân xác ngươi”. Nóng lòng chờ đợi, Sarah bèn biểu Abraham lấy Hagar là nàng hầu người Ai Cập làm vợ để có con. Việc này xẩy ra sau khi Abram đã định cư ở Cana được 10 năm” (St 16:1-3)

Con trai đầu lòng của Abraham: ISHMAEL

Thế là ông Abraham lấy Hagar làm vợ và nàng thụ thai. Khi Sarah thấy Hagar có thai thì tỏ ra ghen ghét (St 16:4). Tình cảm giữa hai người trở nên lủng củng và Hagar bỏ nhà ra đi.

Nhưng Hagar nghe tiếng Chúa phán phải trở lại. Tiếng Chúa lại quả quyết với Hagar rằng con trai nàng sẽ có nhiều con cháu có những nét đặc thù sẽ biểu hiện rõ ràng trong suốt chiều dài lịch sử: “Ta sẽ làm cho con cháu ngươi sinh sôi nảy nở nhiều vô kể... Ngươi đang mang thai và sẽ sinh một con trai và đặt tên nó là Ishmael nghĩa là ‘Chúa Nghe’, bởi vì Chúa đang lắng nghe nỗi thống khổ của ngươi. Nó sẽ như ‘một con lừa hoang’; tay nó sẽ chống đối mọi người, và tay mọi người sẽ chống lại nó. Nó sẽ sống trong thù hận với tất cả anh em nó” (c.10-12).

Sự miêu tả về con cháu của Hagar có ý nghĩa rất đặc biệt, bởi vì nhiều người Ả Rập bây giờ là tín đồ Hồi Giáo (Ishmaelites), con cháu của Ishmael mà cha họ là Abraham. Muhammad, vị sáng lập ra Hồi Giáo cũng từ Kedar mà ra, một trong 12 người con trai của Ishmael (tiếng Ả Rập là Ismail). Ngày nay 22 quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi là những quốc gia Ả Rập mà phần đông dân chúng theo đạo Hồi. Ngoài ra còn 35 quốc gia là thành viên của Liên Hiệp Hồi Giáo mà đa số những nước này có chính phủ Hồi Giáo nhưng dân chúng thì thuộc nhiều chi tộc khác nhau.

Trước khi con cháu Ishmael đến ở vùng đất này thì danh xưng ARAB dùng để chỉ những dân tộc ở bán đảo Arabia. Ngày nay người Ả Rập và ngôn ngữ của họ bao trùm cả một vùng rộng lớn.

Lời tiên tri Chúa nói với Hagar vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến bây giờ. Tiên đoán ví Ishmael như một con“lừa hoang” thực ra không có ý xúc phạm. Lừa hoang là một con vật thuộc loại quí hiếm, sang cả hơn các loại thú vật khác trong xa mạc mà các tay săn chuyên nghiệp rất ưa thích. Như vậy lời tiên tri ám chỉ con cháu Ishmael sẽ có cuộc sống oai hùng của con lừa hoang, đời sống tự do hào hùng cao cả nơi xa mạc.

Tương tự như vậy, “Tay nó sẽ chống đối mọi người và tay mọi người sẽ chống lại nó” nói lên tinh thần độc lập, bất khuất của con cháu Ishmael không bao giờ để ngoại bang thống trị. “Nó sẽ sống trong thù hận với tất cả anh em nó” thì điều này lại hiển hiện rõ nét trong lịch sử hiện đại: Hận thù giữa những người Ả Rập với nhau, giữa nhưng người Ả Rập và những người con khác của Abraham.

Con trai thứ của Abraham: ISAAC

Khi Ishmael lên 14 tuổi thì Chúa lại chúc phúc cho Abraham sẽ sinh một con trai nữa, nhưng lần nay sẽ do vợ chính là Sarah sinh đẻ. Chúa truyền đặt tên nó là Isaac, nghĩa là “tiếng cười”, bởi vì khi được tin sẽ có con vào tuổi xế chiều, hai ông bà bán tin bán nghi phát phì cười. Tuy nhiên đó cũng là niềm vui mà đứa trẻ sẽ mang lại cho hai ông bà. (St 17: 17-19; 18: 10-15; 21:5-6). Đến lượt Isaac sinh ra Jacob và đặt tên là Israel và trở thành tổ phụ của dân Israel. Như vậy con cháu của Ishmael và của Isaac là anh em bà con với nhau, vì Israel là cháu của Ishmael.

“Khi Isaac lớn lên và thôi sữa thì ông Abraham làm một bữa tiệc mừng thôi sữa. Bấy giờ Sarah thấy Ishmael cười giễu thì bèn nói với Abraham ‘đuổi mẹ con Hagar / Ishmael đi, bởi vì con của nô lệ không thể là con thừa tự cùng với con chính thức là Isaac được’” (St 21:8-10).

Abraham cảm thấy khó chịu, bởi vì ông đã nuôi nấng và yêu thương Ishmael. Nhưng Chúa đã nói với Abraham “Bất cứ điều gì Sarah nói với ngươi thì nên nghe theo lời bà, bởi vì trong Isaac hạt giống của ngươi đã được chọn” (c.12). Nhưng rồi Chúa cũng nói với Abraham là: “Tuy nhiên ta cũng sẽ ban cho Ishmael một quốc gia, bởi vì nó cũng là hạt giống của ngươi” (c. 13). “Như vậy Chúa cũng che chở nuôi dưỡng Ishmael cho nó lớn khôn và sinh sống trong hoang địa…” (c. 20)

Không thể khắt khe nói rằng Ishmael ghét bỏ Isaac được. Bởi vì sau 14 năm sống với cha, được nuông chiều là con một, bất ngờ Isaac xuất hiện đã làm thay đổi tình cảm giữa Ishmael và cha Abraham. Từ đó Ishmael cảm thấy đố kỵ và ganh đua với Isaac, người em cùng cha khác mẹ, một loại cảm tính sống còn của con người, của các bộ lạc, của một quốc gia / dân tộc lưu truyền từ thế hệ này đến thế hệ nọ qua nhiều thế kỷ mà cho đến nay nó vẫn tồn tại và ảnh hưởng đến sắc thái chính trị ở Trung Đông.

Hai người con của Isaac: JACOB ESAU

Thế là những lộn xộn hục hặc trong gia đình bắt đầu xẩy ra. Đến lúc Rebekah, vợ Isaac sinh hai người con trai sinh đôi là Jacob và Esau. Sách Sáng Thế thuật lại là: trước khi chào đời “hai đứa đã cùng nhau phấn đấu vật lộn trong bụng mẹ” (St 25: 22) Chúa thì cắt nghĩa là: “Có hai quốc gia trong bụng ngươi; hai đứa sẽ tách biệt ra khỏi thân xác ngươi, một đứa mạnh một đứa yếu, đứa ra trước sẽ phục vụ đứa ra sau” (c. 23). Cả hai anh em đứa nào cũng tạo lập được một quốc gia vĩ đại do ơn phúc của Chúa.

Bình thường thì con cả được quyền thừa kế, nhưng ở đây có sự khác biệt. Kinh thánh ghi rằng Esau đã bán quyền thừa kế của mình cho Jacob với một chén đậu hầm (c. 29-34). Việc này chứng tỏ quyền thừa kế đối với Esau chẳng là gì cả. Vậy mà sau này Jacob đã đánh lừa cha xin ban cho mình quyền thừa kế. (Chương 27). Vì thế Esau sinh lòng thù ghét Jacob (c. 41).

Đây là đầu mối đưa đến những hậu quả trầm trọng kéo dài mãi mãi sau này và tồn tại cho đến ngày nay.

Khi mà các con cháu của Esau còn gọi là Edom (St 25:30) kết nghĩa vợ chồng với con cháu của Ishmael thì sự hận thù đắng cay đối với con cháu của Jacob lại càng sâu đậm rõ nét qua nhiều thế kỷ. Cháu nội của Esau là Amalek (St 36: 12) sau này là tổ phụ của dân Amakelites lại trở thành kẻ thù cay đắng không đội trời chung với con cháu của Jacob tức 12 chi họ Israel. Lời tiên tri về một chiến tranh giữa hai anh em sẽ kéo dài vô hạn từ thế hệ này sang thế hệ khác quả không sai (Xh 17: 16). Nhiều học giả tin rằng đa số dân Palestines ngày nay là con cháu của giòng Amakelites.

Có chiến tranh lớn giữa Israel và Iran không?

Đây là câu hỏi mà cả thế giới đều đặt ra sau khi hôm 13-4-2024 Iran bất ngờ bắn vào Israel hơn cả trăm trái hỏa tiễn bằng drones nhưng bị Israel chặn lại không gây thiệt hại về cả dân sự lẫn quân sự, chỉ sây sát bị trầy da mà không chảy máu. Câu trả lời quả thật chẳng ai biết dù là rất sợ chiến tranh, và cũng chẳng ai muốn nó xẩy ra. Nhưng hai bên Israel và Iran là hai đối thủ đều tự bản chất vẫn nhất quyết không đội trời chung với nhau. Một bên quyết giết chết đối thủ, một bên quyết bảo vệ quyền sống của mình và dân tộc mình.

Kẻ viết không làm “thầy bàn” về những tay chơi cờ tướng ngồi ngoài rìa xúi bên này thọc bên kia để chứng tỏ ta tài giỏi hoặc để hưởng lợi khi thời cơ đến. Chính phủ Biden hôm thứ năm –khi tôi viết bài này – đã loan báo luật mới trừng phạt Iran vì đã bắn hỏa tiễn drone vào Israel. Biden xác nhận là nhóm 7 quốc gia kỹ nghệ trong nước đã đồng lòng áp lực kinh tế lên Iran.

Biden còn nói thêm các đồng minh của Hoa Kỳ cũng ra một thông cáo phạt không để cho Iran bành trướng những chương trình quân sự. Anh Quốc, Liên Hiệp Âu Châu cũng có thể có những hành động tương tự và tăng sự trừng phạt lên Iran.

Biden tuyên bố: “Thật rõ ràng cho những ai xúi dục hoặc yểm trợ cuộc tấn công của Iran, là Hoa Kỳ cam kết an toàn cho Israel, cam kết an toàn cho nhân viên và đồng bạn của chúng tôi ở trong vùng. Chúng tôi sẽ không ngần ngại dùng mọi biện pháp cần thiết để thực thi những cam kết của chúng tôi.”

Bộ tài chánh hôm thứ năm 18-4-24 đã thông báo là Hoa Kỳ nhắm 16 cá nhân và 2 cơ sở sản xuất drone của Iran, gồm cả những máy móc và xe cộ vận chuyển khả năng tấn công vào cuối tuần qua.

“Hôm nay, với sự phối hợp của Anh Quốc và tham vấn của các hội viên và đồng minh, chúng tôi – bộ trưởng tài chánh Janet Yellen nói – chắc chắn có quyết định nhanh chóng để đáp ứng cuộc tấn kích bất thường của Iran vào Israel. Chúng tôi dùng tài chánh làm khí cụ để giảm bớt và ngăn chặn những hành động ác độc và cấp kỳ của Iran, gồm cả chương trình hạt nhân UAV và những lợi nhuận mà chế độ dùng để yểm trợ khủng bố. Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai và dùng quyền trừng phạt của chúng tôi với Iran bây giờ và những ngày kế tiếp.”

Đó phải chăng chỉ là những đe dọa của một hình nộm nêu cao cho có lệ. Chắc gì Iran đã sợ. Iran đã từng bị bao vây kinh tế rồi nhưng khi Biden làm tổng thống thì chính phe dân chủ / Biden lại vuốt ve và giải tỏa cho Iran cả hàng tỷ dollars.

Về phía Iran thì cũng tự biện hộ, rằng họ tung cuộc tấn kích vào Israel vì Israel đã bỏ bom vào sứ quán của họ ở Syria làm chết 2 tướng lãnh và 5 sĩ quan.

Thủ tướng B. Netanyahu tuyên bố Israel sẽ đáp trả cuộc tấn kích của Iran và kêu gọi những quốc gia Tây Phương, cả Biden, phải kiềm chế thái độ đó của Iran.

Đó là những phản ứng cấp kỳ xẩy ra sau khi Iran tấn kích vào Israel. Hoa Kỳ đe dọa Iran và Iran biện minh cho hành động của mình. Còn Israel thì tự bản tính dân Do Thái là tự chủ, tự quyết và tự bảo vệ tuyên bố sẽ đáp trả cuộc tấn kích của Iran. Mọi người đều mong sẽ không xẩy ra hiện tượng kẻ ăn chả người ăn nem.

Tại sao Israel phải đánh lại Iran? Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel sẽ làm bất cứ điều gì để tự bảo vệ. Thế giới khuyên chúng tôi hãy bình tĩnh, nhưng tự vệ là quyền sinh tồn của con người và của đất nước chúng tôi qua bao thăng trầm trong lịch sử cả mấy chục ngàn năm nay, từ thời tổ phụ chúng tôi là Abraham.

Biden khuyên Israel không nên trả thù. Nhưng Israel trả lời, trả thù hay không là quyền của chúng tôi. Israel hôm thứ tư đã cho không quân bay lượn và hải quân chạy lòng vòng đe dọa tấn công những tàu bè của Iran như định tiêu diệt các thủ lãnh đầu não của Hezbollah.

Về phía Iran cũng không vừa. Những cuộc biểu tình của dân Iran tại Teheran bị kích động xuống đường rầm rộ đòi diệt Do Thái, đe dọa dùng nguyên tử trả đũa nếu Israel làm tới với những lời tuyên bố xác quyết của bộ ngoại giao và cả giáo chủ!

Nếu chiến tranh bùng nổ thực sự giữa Israel và Iran thì sao?

Chúng ta hy vọng nó sẽ không xẩy ra. Người ta đã có lúc nghĩ đến ngày tận thế. Ngày Apocalypse.

Quốc gia Israel được thành lập và tồn tại đúng là một phép lạ, những người ghét bỏ nó trên khắp thế giới đã không để ý đến lý do căn nguyên tại sao. Tuy nhiên, nghiên cứu Kinh Thánh cho thấy việc xẩy ra như vậy là để ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh nói về Jerusalem lại một lần nữa trở thành điểm nóng mà toàn thể thế giới phải chú ý, như sách Zechariah đã ghi: “Hãy nghe đây! Chính Ta sẽ biến Jerusalem thành chén nồng choáng váng cho mọi nước chung quanh…. Ngày ấy Ta sẽ biến Jerusalem thành đá nặng cho muôn dân nước. Bất cứ ai nhấc nó lên sẽ bị rách da nát thịt thành từng mảnh, cho dù muôn dân sẽ cùng nhau chống lại nó” (Dcr 12:2-3).

Nếu bạn có dịp viếng Yad Vashem, bảo tàng viện quốc gia Do Thái về lò sát sinh, bạn sẽ có một cảm nghiệm ghê gớm đập mạnh vào tâm can bạn ngay lúc đó và những ngày tháng kế tiếp. Dân Do Thái sau nhiều thế kỷ bị truy nã, dẫn đến thảm cảnh lò sát sinh thì việc họ cương quyết tái lập một quốc gia cho riêng họ để sống còn chẳng có gì là khó hiểu. Những lời tố cáo với thế giới của Herzl về việc dân Do Thái bị ngược đãi quả là đúng sự thật.

Viễn kiến của Herzl về một tân quốc gia Do Thái có thể là một biểu hiện của lời tiên tri. Quan trọng là phải nhận thức rằng vị thế hiện nay của Israel trên thế giới chính là một yếu tố, một phần lời tiên tri được ứng nghiệm, xác quyết Lời Thiên Chúa phán là thật.

Nói vậy không phải là hợp pháp hóa những hành động quân sự của Israel hay Lời Chúa là bảo đảm và hợp tình hợp lý cho bất cứ một cuộc tấn công nào của Israel vào kẻ thù của họ. Nhưng đúng ra là Thiên Chúa đã cho phép và hướng dẫn những biến cố đó xẩy ra trên thế giới theo đúng chương trình rộng lớn của Người. Thực sự, kế hoạch đó cho thấy những tình trạng rất thảm khốc và ghê sợ đó hiện đang xẩy ra ở phía trước cho một tân quốc gia Israel và thị trấn Jerusalem.

Nói về thời kỳ tận cùng tan hoang ghê sợ, chúa Giêsu đã cảnh báo trước là“khi anh em thấy thành Jerusalem bị quân đội vây hãm, bấy giờ anh em hãy biết rằng ngày thành bị tan hoang đã tới gần… Thật vậy đó là những ngày báo oán, ngày mà tất cả những gì đã ghi chép trong Kinh Thánh sẽ được ứng nghiệm”(Lc 21:20-22). Kinh Thánh còn nói cho biết rộng hơn“Một nửa dân thành bị bắt làm tù binh và đi lưu dày” (Dcr 14:2).

Nhiều người nghĩ rằng Dân Do Thái trở về đất mẹ ở thế kỷ trước là để ứng nghiệm lời Thiên Chúa hứa một cuộc Xuất Hành thứ hai để đem dân Israel trở lại quê hương (Is 11:11-12). Tuy nhiên chúng ta phải hiểu rằng sự hiện diện của dân Do Thái ở trên đất Israel ngày nay chưa phải hoàn toàn là giấc mơ thời đại đã được thực hiện.

Một phần dân Do Thái đang định cư ở đây vẫn còn là tiếng kêu than xa vời từ một tương lai kỳ diệu mà Thiên Chúa đã tuyên phán qua những lời tiên tri. Đó là mang tất cả các chi bộ Israel – không phải chỉ có dân Do Thái mà thôi – về sinh sống trên quê hương họ an bình và bảo đảm khỏi mọi kẻ thù. Ơn Chúa Thánh Thần sẽ đổ xuống tràn đầy trên họ, ban cho họ ơn hiểu biết về Sự Thật Thiên Chúa và họ sẽ thờ phượng Chúa tại tân đền thánh Jerusalem. Mọi nơi trên thế giới sẽ nhìn về đó, coi như một gương mẫu để noi theo.

Ngày nay, không phải chỉ có những người Israel đang gặp nguy hiểm đời đời, nhưng dân Do Thái cũng bị ngăn cản không cho tự do thờ phượng Thiên Chúa ở trên Đồi Đền Thờ vì họ than trách dân Hồi Giáo đã phạm thượng khi xây đền thờ Hồi Giáo ở trên đó. Lời chúc “Sẽ gặp nhau ở Jerusalem năm tới”vẫn còn ở nơi cửa miệng hàng triệu người rõ ràng là sự trở về của dân Israel còn lâu mới được trọn vẹn.

Thành thử, đối với dân Do Thái sự hiện diện của họ ở Đất Thánh chắc chắn vẫn là vấn đề sinh tử để cho lời tiên tri đặc biệt về thời cánh chung như sách Daniel ghi là tái lập các hy lễ phải được ứng nghiệm; những xâm lăng và sầu khổ ghê gớm cuối cùng sẽ phải chấm dứt. Nhưng, thực tế là thời kỳ kinh hoàng đang ở trước mặt lại là những lời hứa quan trọng phục hồi đất đai trong hòa bình, thịnh vượng và an toàn vĩnh cửu cho dân Israel vẫn chưa đến.

May thay, những lời hứa này chắc chắn sẽ trở thành sự thật. Quốc gia Israel được hình thành 80 năm trước và hiện vẫn còn tồn tại đúng theo chương trình của Thiên Chúa, và chương trình này hiện đang ló hiện. Chúng ta hãy hăng say cầu nguyện cho thời đại huy hoàng đó xẩy ra, khi mà tất cả dân Israel bừng nở phồn thịnh và nhận được ân phúc từ khắp nơi trên thế giới.

Khi chứng kiến những thời đại đen tối ở trước một tương lai huy hoàng, chúng ta hãy thận trọng, tin chắc là có bàn tay Thiên Chúa can thiệp trong lịch sử. Người sẽ thực sự xác quyết Lời Người ở tương lai….

   

Fleming Island, Florida, April 18. 2024
Nguyễn Tiến Cảnh

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/israelcothetancong.html


Cái Đình - 2024