Lê Ngọc Vân
Hoa kỳ có lịch sử lâu dài về những thỏa ước hòa bình tồi tệ. Ukraine có thể là nước tiếp theo
Từ trái sang phải: Đặc phái viên Hoa Kỳ về Trung Đông Steve Witkoff, Ngoại trưởng Marco Rubio,
Cố vấn An ninh Quốc gia Mike Waltz, Bộ trưởng Ngoại giao Ả Rập Xê Út Hoàng tử Faisal bin Farhan al-Saud,
Cố vấn An ninh Quốc gia Mosaad bin Mohammad al-Aiban, cố vấn chính sách đối ngoại của tổng thống Nga Yuri Ushakov
và Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tham dự một cuộc họp tại Cung điện Diriyah ở Riyadh vào ngày 18 tháng 2 năm 2025.
(Evelyn Hockstein, Pool photo, AFP, Getty Images via TNS)
Một lệnh đình chiến luôn luôn tốt hơn là không có lệnh đình chiến, và điều đó bao gồm cả lệnh ngừng bắn mà Ukraine, sau các cuộc thảo luận với Hoa Kỳ tại Ả Rập Xê-Út, cho biết là họ sẵn sàng tuân thủ, với điều kiện là Nga cũng làm như vậy. Điều cũng tốt đẹp là Mỹ và Ukraine vẫn nói chuyện với nhau, cho dù sau khi Tổng thống Donald Trump đã coi thường và chỉ trích Volodymyr Zelensky tại Phòng Bầu Dục vào đầu tháng này. Nhưng tổng thống Ukraine có lý khi vẫn phải cảnh giác với các cuộc đàm phán hòa bình sắp tới, khác với suy nghĩ của người đồng cấp với ông ở Hoa Kỳ.
Cốt lõi của các nỗ lực tìm kiếm hòa bình của Hoa Kỳ dưới thời Trump là, do mục đích muốn đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, ông ta lồng vào đó một thỏa ước dù là tồi tệ và bất công cho quốc gia đã trở thành nạn nhân của sự xâm lược của Nga kể từ năm 2014 và cuộc xâm lược toàn diện tàn bạo của nước này kể từ năm 2022. Trump đã đảo ngược các vai trò đạo đức trong cuộc xung đột, đổ lỗi cho Ukraine thay vì cho Nga về cuộc chiến và gọi Zelensky thay vì Tổng thống Nga Vladimir Putin là một nhà độc tài. Rõ ràng là Trump sẽ đòi hỏi Zelensky rất nhiều còn với Putin thì lại ít đến mức gây sốc.
Trước hết, Trump đã phủ đầu bằng cách loại trừ ước muốn làm thành viên NATO của Ukraine và loại trừ chuyện đặt gót giày Mỹ trên đất nước này, và không che dấu chuyện ông mong đợi Ukraine sẽ chấp nhận những nhượng bộ lớn về lãnh thổ. Những điềm xấu này khiến các nhà chiến lược và chuyên gia tìm kiếm sự tương đồng trong lịch sử. Larry Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ, nói với Bloomberg rằng giải pháp sắp tới có thể là “một thỏa thuận theo kiểu giống như Versailles, được áp đặt không phải trên những kẻ xâm lược, mà là trên các nạn nhân của sự xâm lược”.
Ông đang nhắc đến Hiệp ước Versailles đã chấm dứt Thế chiến thứ nhất, nhưng theo các điều khoản mà các nhà quan sát như John Maynard Keynes coi là quá tàn khốc và nhục nhã đối với Đức đến mức nó đảm bảo rằng một cuộc chiến tranh mới sẽ diễn ra trong thời gian sau đó. Thực tế là Ukraine hiện nay, không giống như Đức vào năm 1914, đã chẳng làm gì để gây ra cuộc chiến tranh hiện tại mà vẫn phải chịu kết quả như vậy thì càng rất khó nghe. Nhưng theo nhà sử học Ian Horwood, thì có những trường hợp tương tự như chuyện này nhưng xảy ra gần đây hơn.
Một là chuyện Việt Nam vào đầu những năm 1970s. Giống như Hoa Kỳ đã đứng về phía Ukraine từ năm 2022, trước đây họ đã từng ủng hộ Nam Việt Nam lúc đó đang bị Bắc Việt tấn công, và được Trung Quốc và Liên Xô hậu thuẫn. Một điểm khác biệt lớn so với chuyện Ukraine hiện tại là lúc đó có lính Mỹ đặt chân ở Việt Nam và một mặt trận chống đối chiến tranh tương ứng gây chấn thương trên đất Mỹ. Một điểm tương đồng là Washington lúc đó đã coi cuộc xung đột là không thể thắng được và muốn chấm dứt nó, với Tổng thống Richard Nixon muốn đóng vai trò là người gìn giữ hòa bình.
Khi đó cũng như bây giờ, Hoa Kỳ trên thực tế đã ép buộc đồng minh của mình đàm phán bằng cách đe dọa rút lại mọi sự ủng hộ. Hoa Kỳ cũng đưa ra cho đồng minh của mình những gì hóa ra là những đảm bảo an ninh mong manh. Trong một lá thư gửi cho người đồng cấp Nam Việt Nam, Nixon đã lặp lại “lời đảm bảo cá nhân của tôi với ngài rằng Hoa Kỳ sẽ phản ứng rất mạnh mẽ và nhanh chóng đối với bất kỳ hành vi vi phạm thỏa thuận nào”. Phản ứng đó được hiểu là một cuộc ném bom trên không ồ ạt. Hiệp định Hòa bình Paris được ký kết vào năm 1973. Nhưng khi Bắc Việt Nam phát động một cuộc tấn công mới hai năm sau đó, Hoa Kỳ (lúc này do Gerald Ford lãnh đạo) đã rút lui, và Nam Việt Nam sụp đổ.
Một ví dụ khác chắc chắn sẽ khiến Trump nổi điên, vì nó liên quan đến ông và người kế nhiệm ông, Joe Biden. Trong nhiệm kỳ đầu của mình, Trump đã vội vàng chấm dứt chiến tranh ở Afghanistan, mà ông cũng coi là bế tắc. Vì vậy, chính quyền của ông đã bắt đầu nói chuyện trực tiếp với Taliban (hiện nay chúng ta đang nghe tiếng dội lập lại chuyện này qua các cuộc nói chuyện giữa Trump và Putin) mà không có sự tham dự của chính phủ Afghanistan mà Hoa Kỳ khi đó trên danh nghĩa ủng hộ, và ở đây Trump đã gây áp lực bằng cách đe dọa rút quân đột ngột – chuyện này được coi là “lời nhắn tin như thanh gươm của Damocles” (Tweets of Damocles).
Các cuộc đàm phán này đã dẫn đến thỏa thuận Doha năm 2020, trong đó chính phủ Afghanistan bị gạt sang một bên và Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận với Taliban, những người này hứa sẽ không cho phép bất kỳ kẻ khủng bố nào vào Afghanistan và sẽ đàm phán với chính phủ (do Mỹ ủng hộ). Tuy nhiên, khi họ xâm phạm những đảm bảo đó, người Mỹ vẫn tiếp tục rút quân. Và khi Biden lên nắm quyền, ông vẫn giữ nguyên con đường này, cuối cùng đã rút lui vội vàng, bất tài và vô trách nhiệm, để chính phủ thân Mỹ sụp đổ và Taliban chiếm Kabul.
Ta thấy một mô hình đáng lo ngại là Hoa Kỳ, khi háo hức thoát khỏi một mớ hỗn độn ở nước ngoài, có xu hướng gạt các đồng minh sang một bên, nhượng bộ quá nhiều cho các đối thủ và cuối cùng là từ bỏ các cam kết được hiểu ngầm hoặc đã đưa ra. Mọi điều Trump đã nói và làm với tư cách là ứng cử viên và tổng thống thứ 47 cho thấy ông có thể sẽ lặp lại chuyện cũ. Trump đã có mối quan hệ căng thẳng với tổng thống Ukraine kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Nhưng đối với Zelensky, người đối thoại với ông là ai không quan trọng, cũng giống như việc người Nam Việt Nam hay người Afghanistan bị Nixon hay Ford, Trump hay Biden bỏ rơi cũng chẳng có gì khác biệt. Nhiệm vụ của Kyiv là phải đảm bảo rằng Ukraine tồn tại như một quốc gia, không chỉ trong thời gian của một tổng thống Mỹ, mà là mãi mãi.
Nguyên tác: “The US has a long history of bad peace deals. Ukraine might be next” | Andreas Kluth (Bloomberg Opinion) | Stars and Stripes, 16.03.2025.
Người dịch: Lê Ngọc Vân
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/hoakycolichsulaudai.html