Trần Văn Tích


Hòa bình trong 24 tiếng

   

Trong chương trình tranh cử của mình và thuộc lĩnh vực đối ngoại quốc tế, Donald Trump hứa là sẽ mang lại hoà bình cho Ukraine trong vòng hai mươi bốn tiếng, nếu mình tái đắc cử. Tuy nhiên Trump không đưa ra chi tiết cụ thể nhằm giải quyết tình hình hiện thời, sau khi Putin xua quân chiếm Ukraine hơn hai năm, gây ra thương vong cho hằng trăm ngàn người ở cả hai bên. Tờ Washington Post dựa vào những tiết lộ của các nhân vật thân cận Trump, đã đưa ra một vài chi tiết về kế hoạch bí mật của Trump.

Kế hoạch này có thể tóm tắt vào một ý niệm: từ bỏ. Trump muốn áp lực nhóm lãnh tụ Ukraine phải từ bỏ các lãnh thổ bao gồm bán đảo Crimée và vùng Donbas ở phía đông, giao chúng cho Nga. Cả hai phía phải chấp nhận một giải pháp để giữ được sĩ diện chung mà muốn đạt được mục tiêu đó thì giải pháp nhường đất nhường dân là một giải pháp đáng được chấp nhận; vả lại nhiều người sống trong các địa phương này cũng khứng chịu. Để làm áp lực, Trump vận động giữ lại nhiều phương tiện giúp đỡ Ukraine và đã thành công để một số thành viên Cộng hoà chiếm đa số tại hạ viện thực thi biện pháp này. Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson tuyên bố sau kỳ nghỉ ngắn hạn của các vị dân biểu nhân lễ Phục sinh, sẽ xúc tiến những bước cần thiết để thực thi một chương trình viện trợ chung cho Ukraine, Do thái và Đài loan. Chương trình dự kiến cung cấp viện trợ cho Ukraine dưới dạng tín dụng, tạm cho Ukraine vay nợ để kháng chiến; hoặc tịch biên tài sản quốc ngoại của Nga để ứng vào khoản giúp đỡ này. Nữ dân biểu thiên hữu Majorie Taylor Greene, người tận tình ủng hộ Trump tại Hạ viện, doạ sẽ truất phế Johnson, nếu Johnson tiếp tục tìm cách yểm trợ tài chánh-kinh tế cho Ukraine. Nếu cơ sự xảy ra như vậy, Johnson sẽ phải cần đến các lá phiếu của những dân biểu đảng dân chủ để giữ được ghế. Nhiều dân biểu trung lập tuyên bố sẽ ủng hộ vị Chủ tịch Hạ viện nếu cần thiết trong trường hợp bỏ phiếu viện trợ cho Ukraine. Chẳng hạn Dân biểu thuộc đảng dân chủ Jared Moskowitz thuộc tiểu bang Florida, đã phát biểu là sẽ không để cho các thành phần thuộc phe phái Greene khống chế Hạ viện. Một số dân biểu khác cũng chia sẻ lập trường của Johnson. Chủ tịch Tiểu ban Cơ mật Hạ viện, Mike Turner, thúc giục phải tìm cách tăng cường viện trợ Ukraine vì không thể cho phép Putin chiến thắng. Turner thú nhận là trong nội bộ đảng mình càng ngày càng có nhiều dân biểu ăn phải bả tuyên truyền của điện Cẩm linh mà một trong những mục tiêu hàng đầu là tìm mọi cách để ngăn chặn tiếp tế viện trợ cho Kiev. Ngành truyền thông báo chí, vô tuyến truyền hình, mạng lưới xã hội tràn ngập những tin tức giả mạo xuyên tạc sự thật. Địa bàn hoạt động mạnh nhất là tại Pháp và Đức, nhưng tại Hoa Kỳ lại còn mạnh hơn nữa. Tỷ như trường hợp của DC Weekly. Nội dung tuyên truyền là quảng bá tầm nhìn quốc gia cực đoan và đường lối biệt lập của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump, là kích động sự phẫn nộ của quần chúng cử tri Hoa Kỳ do tình trạng khủng hoảng ở biên giới Mỹ-Mễ, là phóng đại tình hình gọi là tham nhũng trong bộ máy lãnh đạo đất nước Ukraine.

Donald Trump vốn không giấu giếm cảm tình đối với Vladimir Putin cho nên kế hoạch ép buộc Ukraine cắt đất nhường dân cho Nga không gây ngạc nhiên nhưng cũng khiến nhiều nhân vật bất bình. Emma Ashford thuộc Stimson Center cho rằng đây là một “vụ thương thảo khủng khiếp”. Thượng Nghị sĩ cộng hoà Lindsey Graham cũng cùng quan điểm và cố tìm cách nói lại với Donald Trump. Theo Graham, cung cách hữu hiệu nhằm giúp đỡ Ukraine là tạo thuận lợi để nước này gia nhập NATO và Liên Âu.

Thực ra cho đến hôm nay, những điều bàn luận vừa trình bày không hề được bộ tham mưu tranh cử của cựu Tổng thống xác nhận hay phủ nhận. Tuy nhiên bản thân ứng viên Donald Trump thì quả đã từng công khai chính thức lên tiếng chủ trương phải chấm dứt giao tranh chết chóc.

Dẫu vậy, nếu muốn mưu cầu hoà bình mà lại chủ trương nhượng bộ thì lịch sử đã cung cấp những bài học hùng hồn cho hậu thế và hiện đại. Thoả mãn những nhu cầu do một kẻ gây chiến đòi hỏi để chấm dứt chiến tranh thì chẳng bao giờ mang lại được hoà bình hết. Chiến lược trấn an nước Đức quốc xã là một ví dụ điển hình. Qua Hiệp ước Hoà bình München năm 1938, các cường quốc Tây phương nhắm mắt làm ngơ cho Hitler đổ quân vào vùng Sudentenland, bỏ mặc không thèm quan tâm đến số phần chính phủ Prag. Kết quả : hoà bình đã không hiện diện trên lãnh thổ Âu châu mà cuộc diện mệnh danh là “appeasement” này chỉ xúi giục Hitler xua quân giẫm nát Ba lan và khởi đầu Đệ nhị Thế chiến. Đối với người Việt thì ngày 30 tháng tư đang trở về. Để rút cho kỳ được quân đội Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam, Kissinger đã nhượng bộ phe cộng sản một cách trắng trợn và nhục nhã. Kết quả: Miền Nam mất trong đau thương, tủi hờn, uất ức, phản bội. Ngay cả cái gọi là Giải Nobel Hoà bình cũng chẳng có kẻ nào muối mặt đứng ra nhận lãnh!

Bây giờ đến lượt Ukraine. Nếu tìm hoà bình trong hai mươi bốn giờ qua thần phục nước Nga thì đây chỉ là một biện pháp để thoả mãn thú tính của Putin, kẻ không hề che giấu tham vọng điên cuồng bệnh hoạn của nước mình về một đế quốc Nga tân thời. Những người dân các xứ Moldavien, Georgia, Balten và Ba lan có quá thừa lý do để khiếp sợ trước tên độc tài khát máu đang ngự trị điện Cẩm linh.

Hoà bình không thể do quì gối trước một bạo chúa qua nhượng bộ mà chỉ đạt được do răn đe. Và vì vậy, phương Tây nói chung, Hoa Kỳ nói riêng, chỉ có thể theo con đường dốc lòng ủng hộ Ukraine.

   

Trần Văn Tích
12.04.24

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/hoabinhtrong24tieng.html


Cái Đình - 2024