Lê Ngọc Vân


‘Gởi máy bay F16 lúc này là rủi ro rất lớn

Tổng thống Ukraine Volodimir Zelenski thỉnh cầu được cung cấp máy bay chiến đấu.
Nhưng theo giáo sư Tom Sauer, thỏa mãn ông ta không là ý hay.

.

Trong khi Tây phương đưa ra quan điểm gần như đồng thuận về chiến tranh Ukraine, thì giáo sư Tom Sauer phụ trách ngành Chính trị Quốc tế của đại học Antwerpen, vốn là người tỉnh táo và chừng mực, lại gióng lên tiếng nói ngược lại.

Dưới đây là trích một đoạn trong bài phỏng vấn vị giáo sư do phóng viên Hans Nijehuis thực hiện. Bài đăng trong báo De Volkskrant ngày 03.01.2023.

***

Thế nhưng chẳng phải Bỉ hiện nay đã gửi cho Ukraine vũ khí nặng có trị giá gần 100 triệu euro hay sao. Ông nghĩ thế nào về điều này?

“Trước tiên: Nga đã bắt đầu cuộc chiến. Những gì Putin làm là bất hợp pháp, vô đạo đức và ông ta đã gây biết bao đau thương, không kể xiết. Ukraine vì vậy có quyền tự vệ. Không có gì cấm cản việc giúp họ. Có thể là qua tiếp nhận người tị nạn, cung cấp thông tin cho họ hoặc, đương nhiên, qua giúp đỡ về võ khí. Tôi nhận thấy là chúng ta khởi đầu với mũ sắt và áo chống đạn, để rồi bây giờ chúng ta qua tới xe tăng hiện đại. Tổng thống Zelenski của Ukraine giờ đây lại bắt đầu với máy bay chiến đấu. Lời kêu gọi của tôi là chúng ta phải rất thận trọng.”

Tại sao?

“Những vũ khí mới, mạnh hơn, sẽ nâng cấp chiến tranh. Rồi sẽ có nhiều nạn nhân ở cả hai phía. Những đồng thời có lẽ chúng không đủ mạnh để hoàn toàn đuổi Nga đi, chắc chắn là không thể đuổi Nga ra khỏi Krim. Như vậy đó không phải là giải pháp tận gốc rễ.”

Dân Ukraine đã nhiều lần làm chúng ta ngạc nhiên. Rất có thể họ có đủ khả năng đánh đuổi quân Nga?

“Và chuyện đó sẽ làm cho việc cung cấp vũ khí gặp nguy cơ lớn hơn. Bởi vì Putin sẽ không để chuyện đó xảy ra. Ông ta sẽ đưa thêm võ khí mạnh hơn ra sử dụng, rồi cuối cùng có thể là võ khí hạt nhân nếu ông ấy thấy không còn đường nào khác. Tôi không nói nó nhất thiết sẽ phải xảy ra, nhưng muốn bảo là chúng ta đang đối mặt với một rủi ro rất lớn. Để hiểu được tầm nguy hại này, ta phải nhận thức ra được là số phận của Putin, và ngay cả tính mạng của ông ta nữa đều tùy thuộc vào mối nguy đó. Ta phải tự hỏi trước đã: tại sao ông tổng thống Nga lại bắt đầu cuộc chiến như thế? Chúng ta đã thường nghe: đó là do vấn đề quyền lực, và đó là do Putin không thể nào chấp nhận là ông ta đã thua cuộc Chiến Tranh Lạnh. Thậm chí còn có người nói ông ta ‘điên khùng’. Tôi không tin chuyện đó.”

Vậy thì tại sao Putin lại bắt đầu cuộc chiến?

“Không phải vì vấn đề quyền lực, mà là vấn đề an toàn. Nga đã không cảm thấy an toàn khi thấy NATO liên tục mở rộng. Là chuyện Ukraine vào năm 2008 đã nhắm tới việc xin làm thành viên khối NATO, đã thành giọt nước làm tràn ly. Putin đã quay lưng lại với chúng ta và nghiền ngẫm những kế hoạch riêng của ông ấy. Tôi không nghĩ là ông ta muốn chiếm toàn bộ Ukraine. Đúng ra là ông ta muốn đặt một chính phủ thân Nga ở Ukraine. Sự việc đó sẽ bảo đảm cho một vùng trái độn giữa Nga và NATO. Chuyện ông ta muốn có một quốc gia trái độn như vậy là hoàn toàn bình thường. Putin chỉ đánh giá sai sự phản kháng của người dân Ukraine và sự một lòng một dạ của phương Tây.

Hoàn toàn bình thường à? Ukraine là một quốc gia tự trị kia mà.

“Tôi không nói điều đó là công bằng. Chính trị quốc tế chẳng có sự đúng đắn nào cả. Tôi nói là thật bình thường khi một cường quốc muốn có một vùng trái độn giữa cường quốc đó với một cường quốc kế bên mà trong quá khứ đã xảy ra nhiều kinh nghiệm không hay. Người Nga chưa từng bao giờ bén mảng được tới cổng vào thành phố Bruxelles. Còn Napoléon và Hitler thì đã vào đến cửa thành Moskou rồi. 20 triệu người chết nhé, trong chiến tranh thế giới lần thứ 2. Vết thương này in hằn rất sâu.”

Như vậy ông ta sợ cái gì? NATO chẳng phải là một tổ chức phòng vệ hay sao?

Chúng ta hãy cùng nhìn vào thực tế. NATO là liên minh quân sự mạnh nhất từ trước tới nay. Âu châu và Hoa Kỳ chi mỗi năm hơn 1000 tỉ euro cho quân đội của họ. Nếu chúng ta là liên minh phòng thủ, tại sao chúng ta phải cần nhiều tiền như vậy? Nga vì thế đang tự hỏi là có chuyện gì. Bởi vì họ chi bao nhiêu cho quốc phòng? 60 tỉ. Sự khác biệt này tôi chẳng thấy chỗ nào đề cập tới. Và rồi, tại sao NATO vẫn còn hiện diện? Liên minh này phải chăng được thành lập để chống lại Xô-Viết và Tổ chức Hiệp ước Warszawa? Trong lịch sử, các liên minh luôn luôn giải thể khi chiến tranh đã chấm dứt. Sau cuộc chiến tranh lạnh thì Khối Warszawa đã sụp đổ, Liên bang Xô-Viết tan rã, nhưng khối NATO vẫn còn tồn tại. Cho dù chính thức thì không còn địch thủ nữa. Chúng ta khi đó đúng ra phải cùng sống chung với Nga theo phương cách khác. Cả Jeltsin lẫn Putin đều đã đòi hỏi điều này. Nhưng thay vì đó chúng ta, tức khối NATO, đã bành trướng ra đến tận biên giới Nga.

Chúng ta hả? Đó là các quốc gia Đông Âu tự họ muốn như vậy.

“Và chúng ta luôn luôn làm theo những gì các nước khác muốn hay sao? Chúng ta không có phần lợi lộc riêng trong đó hay sao? Chúng ta có một lần nào phải suy nghĩ là chuyện này rồi sẽ kết cục thế nào? Ta cho những quốc gia đó gia nhập và thế là những quốc gia lân bang với quốc gia đó cảm thấy họ tự nhiên bị hất ra ngoài. Rồi chúng ta chấp nhận chuyện đó, và cuối cùng chúng ta đột nhiên đứng sát biên giới với Nga, có đúng không?”

Người theo dân chủ không gây chiến tranh.

“Không gây chiến tranh với nhau thì có. Hoa Kỳ đã khởi đầu nhiều cuộc chiến. Ông có muốn tôi kể lại không? Tôi chỉ xin ông thử đứng về phía Nga mà nhận xét.”

Vậy thì theo ý ông ra sao?

“Có ba cách để chấm dứt chiến tranh. Nga thắng. Ukraine thắng. Hoặc là có một sự bế tắc, chẳng có bên nào thắng cả. Tôi nghĩ cách cuối cùng là tốt nhất, bởi vì mọi cuộc xung đột, mọi cuộc chiến, rồi rốt cuộc cũng phải được giải quyết trên bàn hội nghị. Cho cuộc chiến này cũng sẽ như vậy, trong đó cả hai nước phải nhận được bảo đảm cho sự an toàn của họ. Và để có thể đạt được điều đó, cả hai bên phải nhận ra rằng họ có thể đạt được nhiều hơn khi ngồi vào bàn thương thuyết, thay vì tiếp tục giao tranh.”

Nhưng Putin đã làm chuyện bậy bạ, rồi bây giờ chúng ta lại thưởng cho ông ta hay sao?

“Ê, không phải là chỉ có mình ông ta làm chuyện bậy đâu nhé. Chúng ta luôn quên, nhưng chúng ta cũng đã hành xử không phải trong thập kỷ ’90 và sau đó với Nga, và điều này đã làm quốc gia đó nổi giận như bây giờ ta đã thấy.”

Ta có thể nào thương thảo với Putin, người mà rồi sẽ không giữ lời hứa?

“Ôi chào, chuyện tầm phào. Làm như thể chúng ta luôn luôn hành xử đúng đắn. Thử nhìn dưới nhãn quan của họ. Năm 1999 chúng ta đã giựt Kosovo khỏi Servia. Khi đó chẳng có nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc, nếu ta nhìn theo công pháp quốc tế, thì đó là bất hợp pháp. Putin nói: vậy bây giờ tôi lấy vùng Krim của Ukraine, có gì khác đâu? Chúng ta đã dùng bạo lực tấn công Irak, lại cũng không do nghị quyết nào của Liên Hiệp Quốc, Putin gây tàn phá chết chóc ở Syria và nói: khác chỗ nào? Những cuộc cách mạng tại những cộng hòa Xô Viết cũ, được mệnh danh bằng màu này màu nọ, được sự ủng hộ của các tổ chức phi chính phủ Tây phương, mà những tổ chức này nhận tiền từ chính phủ của họ. Putin đầu tư tiền bạc vào những đảng phái cực hữu ở Âu châu. Và đương nhiên, khác nhau ở chỗ nào?”

Vài nhóm ở Hòa Lan gọi ông là ‘kẻ hiểu Putin’.

“Đó thực là một danh vị cao quý. Ông biết không, tại đây, đã nhiều năm qua, chúng tôi huấn luyện các nhà ngoại giao. Và chúng tôi dậy họ những gì? Là nếu bạn muốn đàm phán tốt, bạn phải hiểu tường tận động cơ của đối phương. Và mối lợi nào nằm ẩn dưới đó. Bạn phải hiểu những yếu tố này. Nếu không, bạn đang làm đại các công việc, theo một cách tùy hứng.”

.

Nguyên tác: 'F16's sturen nu heel groot risico'. Hans Nijenhuis. De Volkskrant 23.01.2023.
Người dịch: Lê Ngọc Vân.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/goimaybayf16lucnay.html


Cái Đình - 2023