Jackhammer Nguyễn


Dù không muốn gọi đúng tên, nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam rất ranh mãnh

Khi tôi viết cụm từ “Đảng Cộng sản Việt Nam”, đó là cách viết đúng tên của đảng cầm quyền, nhưng có khi viết như vậy lại không làm hài lòng một số… đảng viên cộng sản, bởi họ chỉ thích viết ngắn gọn là Đảng, thế thôi.

Sự không hài lòng của họ không phải ở chỗ tôi quá dài dòng, mà là ở nội dung của hai từ “cộng sản”. Có những đảng viên Đảng Cộng sản nói với tôi rằng họ không thích được (bị) gọi là cộng sản! Điều này tôi cũng đã từng nghe nhiều người có tiếp xúc với các lãnh đạo Đảng Cộng sản nói với tôi như thế, chứ không chỉ là kinh nghiệm của riêng tôi.

Một bài viết mà tôi tin rằng, nó vô cùng quan trọng đối với Đảng CSVN, vừa xuất hiện trên báo “lề đảng” hai ngày trước, có tựa đề: Phát triển Đảng trong nhóm trung lưu và người giàu ở Việt Nam. Nội dung quan trọng như thế, gắn liền với ý thức hệ cộng sản như thế, dài hơn 3000 từ, mà chỉ có duy nhất một cụm từ “cộng sản”!

Không cần có… “cao cấp chính trị” gì cả, cũng thấy nội dung bài báo kể trên như sấm động giữa trời quang. Tôi chỉ cần đưa ra hai điều mâu thuẫn sau đây:

Thứ nhất, ý thức hệ cộng sản, và mô hình “chuyên chính vô sản” nói rằng, không được bóc lột giá trị thặng dư! Nói nôm na là không được thuê mướn công nhân để sản xuất của cải kiếm lời, hay là không được mua đầu này bán đầu kia (đầu cơ) kiếm lời.

Thứ hai, giới trung lưu và giàu có tại Việt Nam hiện nay đại đa số thuộc hai nhóm tôi vừa nêu.

Như vậy những người giàu có và trung lưu ở Việt Nam đều là những người bị ý thức hệ cộng sản và mô hình “chuyên chính” chủ trương phải cải tạo, thế mà bây giờ lại “phát triển” họ, đưa họ vào Đảng Cộng sản (lại cộng sản) là nghĩa làm sao?!

Nói đi cũng phải nói lại là, từ khi mở cửa “đổi mới” (thật ra là trở về cái cũ hợp lý) đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn “băn khoăn, trăn trở”, là làm thế nào để có thể tuân theo sự bình thường của kinh tế thị trường (tức là… người bóc lột người, theo ý thức hệ cộng sản), bên cạnh đó vẫn nắm chặt lấy cái tên… cộng sản (lại cộng sản), vì có lẽ cái tên ấy đối với họ nó đẹp lắm, không bỏ được.

Từ đó đưa đến hai chuyện, chuyện đầu tiên là cho phép đảng viên (cộng sản) làm ăn kinh doanh, tức là… bóc lột công nhân, hay buôn đầu này bán đầu kia kiếm lời. Thứ hai là liệu có kết nạp những tay mới nổi lên, giàu có nhờ vào… “bóc lột” không?

Cho tới nay tôi chưa thấy một tuyên bố nào rõ ràng nói rằng: cho phép các đảng viên cộng sản được bóc lột người khác. Thành ra để thực hiện kế hoạch “phát triển” đảng viên (cộng sản) như bài báo nói trên, thì rõ ràng là cái đảng ấy không phải là Đảng Cộng sản nữa.

Vào khoảng những năm cuối thập niên 1990, tôi và một số bạn bè thuê một chiếc tàu gỗ để du lịch trên vịnh Hạ Long. Đa số các con tàu du lịch ở Vịnh Hạ Long đều thuộc sở hữu tư nhân. Ông chủ của con tàu chúng tôi thuê là một anh lính hải quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã giải ngũ. Trước khi làm chủ một đội tàu lúc đó đã có đến 4, 5 chiếc, anh ta làm công nhân viên chức của một xí nghiệp sửa chữa tàu biển.

Hôm đó anh chủ tàu đi cùng với chúng tôi, thế là chúng tôi tình cờ nghe được anh ta bàn với nhân viên về buổi họp… chi bộ (Đảng Cộng sản) sắp tới.

Ví dụ này cho thấy, ngay từ khi bắt đầu cho phép kinh tế tư nhân phát triển (tức là cho phép bóc lột, theo ý thức hệ cộng sản) đã có những chi bộ đảng (cộng sản) trong các công ty tư nhân đó rồi.

Nhưng cũng trong những năm đó, người ta cũng đọc thấy những bài viết rất cứng rắn của những nhân vật “ý thức hệ” của Đảng (cộng sản) như là Nguyễn Đức Bình, kiên quyết không chấp nhận chuyện cho đảng viên (cộng sản) “bóc lột” người khác. Có thể là sau đó đã xuất hiện cụm từ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, thể hiện một cố gắng dung hòa ý thức hệ và thực tế thị trường.

Điều cần chú ý ở đây là, “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, chứ không phải là “kinh tế thị trường định hướng cộng sản chủ nghĩa”. Cụm từ “xã hội chủ nghĩa” nghe có vẻ nhẹ hơn cộng sản, đối với phương Tây, mà nó vẫn “đúng đắn lập trường” với các đồng chí cộng sản còn sót lại trên thế giới như Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Lào.

Nay, việc kêu gọi “phát triển” đảng (cộng sản) trong giới giàu có, làm cho chúng ta tự hỏi có phải là xã hội Việt Nam đã lên một bước mới? Có đông đúc người giàu có, trung lưu không dính dáng đến Đảng (cộng sản)? Mặt khác ta cũng biết là các nhà giàu người Việt mới nổi này dính với Đảng (cộng sản) độc quyền hiện nay, qua những quan hệ thân tộc, tài chính, đất đai rất chặt chẽ.

Liệu đã có một tầng lớp trung lưu độc lập (với Đảng Cộng sản) hay chưa để phát triển đảng? Tôi không nghĩ là đã có một tầng lớp độc lập này. Đảng (cộng sản) chưa nên lo lắng vội.

Hãy nhìn những ngày lễ quốc gia ở Việt Nam, nếu có lệnh yêu cầu đảng viên phải treo cờ Đảng (cộng sản), trong các thành phố lớn, chúng ta sẽ thấy ngay là các khu nhà mặt tiền giàu có đầy cờ, các xóm lao động rất ít ỏi. Các khu công nhân sống 2m2/một người thì càng hiếm thấy cờ, mà về nguyên tắc thì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân đấy.

Thôi, nhưng mà tôi lại dạy Đảng (cộng sản)… vén váy. Đảng Cộng sản Việt Nam tuy vẫn còn mắc cỡ, không muốn được gọi đúng tên, nhưng ranh mãnh hơn tất cả những người Việt Nam còn lại.

.

Jackhammer Nguyễn
(02-11-2021)

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/dukhongmuongoi.htm


Cái Đình - 2021