Châu Quang


Đến hẹn lại lên

 

Khai mạc Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 77 (UNGA 77). Ảnh: The Pacific Community

Hàng năm, cứ vào đầu Thu, lãnh đạo thế giới lại âu yếm dắt tay nhau đến New York họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, giới ngoại giao gọi là đi họp UNGA (UN’s General Assembly), diễn đàn dành cho các tổng thống, thủ tướng, quốc vương và thỉnh thoàng cũng có bộ trưởng.

Cuộc họp lần thứ 77 diễn ra dưới bầu trời âm u của cuộc chiến lớn đầu tiên của châu Âu kể từ Thế chiến thứ hai, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu và cho thấy những rạn nứt giữa các cường quốc theo cách chưa từng thấy kể từ sau Chiến tranh lạnh. 

Gần 150 lãnh đạo quốc gia sẽ lần lượt bước lên diễn đàn, đưa ra quan điểm của họ và gặp gỡ riêng để thảo luận về những thách thức toàn cầu, với hy vọng sẽ đạt một số tiến bộ. 

Các phát biểu công khai thường mang tính hình thức, xã giao, rất hiếm khi có những tuyên bố nảy lửa, rất hiếm khi có cảnh Khrushchev rút giầy đập bôm bốp lên bục như năm 1960, để các báo chạy tít lớn. Còn các buổi gặp riêng tay đôi có nhiều thực chất hơn, nhiều lúc phá vỡ được bế tắc song phương hoặc đa phương. Vì lý do đó, và cũng vì thể diện quốc gia, nước nào cũng cử đại diện đến dự theo kiểu đến hẹn lại lên.

Đặc biệt năm nay là năm gặp mặt trực tiếp sau hai lần trước gặp Covid, phải họp từ xa qua video. Tuy nhiên, muốn chắc ăn lần này, quan khách vẫn phải đeo khẩu trang, ngoại trừ khi đứng trước mi-cờ-rô.

Cái chết của Nữ hoàng Anh Elizabeth II và đám tang của bà ở London hôm thứ Hai, nơi có nhiều nhà lãnh đạo thế giới tham dự, đã tạo ra nhức đầu vào phút chót cho UNGA. Các nhà ngoại giao và nhân viên Liên Hiệp Quốc phải vất vả đối phó với những thay đổi trong kế hoạch du hành, thời gian của các sự kiện và thứ tự phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới.

Tổng thống Hoa Kỳ, đại diện cho nước chủ nhà của trụ sở Liên Hiệp Quốc, theo truyền thống là người phát biểu thứ nhì, sau Tổng thư ký Antonio Guterres. Nhưng vì phải dự lễ tang của nữ hoàng nên bài phát biểu của Tổng thống Biden phải dời sang sáng thứ Tư. 

Vai trò Liên Hiệp Quốc

Một lần nữa, vai trò của Liên Hiệp Quốc lại được đưa lên bàn mổ khi chiến tranh vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Hợp tác và đối thoại, hai nguyên tắc cơ bản của Liên Hiệp Quốc kể từ khi thành lập sau Thế chiến II, vẫn còn bị coi thường, nhiều nước vẫn muốn áp đặt ý muốn của mình lên nước khác. 

Liên Hiệp Quốc có còn hợp thời hay không khi nhiều quốc gia độc tài lại ngồi trong Ủy ban Nhân quyền?

Liên Hiệp Quốc có hiệu quả hay không khi WHO bó tay trước Vũ Hán, và tạp chí y khoa Lancet đã kết luận rằng đại dịch là một “thất bại toàn cầu lớn”, “bộc lộ những điểm yếu lớn của Liên Hiệp Quốc.”

Trong bài diễn văn khai mac, Tổng thư ký Guterres đã cảnh báo rằng các quốc gia đang “bế tắc trước tình trạng mất trật tự toàn cầu to lớn” và không sẵn sàng đối phó với những thách thức đe dọa tương lai của nhân loại. “Thế giới của chúng ta đang gặp nguy hiểm, và tê liệt,” ông nói.

Ukraine

Cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra trong lúc cuộc chiến đang có nhiều tin vui cho Ukraine, vui đến độ các “vùng tạm chiếm” đang cuống quít tổ chức trưng cầu dân ý để xem người dân có muốn gia nhập vào liên bang Nga hay không, đặt Ukraine trước một chuyện đã rồi.

Theo nội quy, lãnh đạo nào muốn phát biểu tại Đại hội đồng phải đích thân đứng trước mi-cờ-rô, nhưng thứ Sáu tuần trước, đã có cuộc bỏ phiếu để cho Tổng thống Ukraine được hưởng biệt lệ, phát biểu qua video, vì tình hình không cho phép ông rời khỏi đất nước.

Nga chỉ có thể vận động 6 quốc gia – Cuba, Eritrea, Belarus, Triều Tiên, Nicaragua và Syria – bỏ phiếu chống lại. Đáng ngạc nhiên, trong phe này không có Trung Quốc và Việt Nam.

Kết quả, Tổng thống Zelensky dự kiến ​​sẽ nói chuyện vào thứ Tư, sau Tổng thống Indonesia và trước Tổng thống Malawi. Chắc chắn bài phát biểu của Zelensky sẽ thu hút những hàng tít lớn của báo chí. 

Nga đang chuẩn bị lãnh những hòn đá tại cuộc họp. Đâu đó đã có tiếng nói đòi loại bỏ Nga khỏi chiếc ghế thường trực vì đã coi thường Liên Hiệp Quốc, nhưng chuyện đó cũng khó giống như đòi Đảng ta bỏ Điều 4.

Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine vẫn còn gian nan, giống như Tổng thư ký Guterres đã nói: “Thật là ngây thơ khi nghĩ rằng chúng ta đã gần đạt đến khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình.” 

Việt Nam 

Đã qua rồi cái thời 1995, sau 20 năm kết thúc chiến tranh, chiếc máy bay Boeing 767 (của Mỹ) cắm lá cờ Việt Nam (cộng sản) do cơ trưởng Nguyễn Thành Trung (cựu giặc lái) điều khiển, hạ cánh xuống JFK của New York, để Lê Đức Anh (chủ tiệm) bước ra dự cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngô Quang Xuân, đại sứ Việt Nam tại đó và những người ra đón Chủ tịch nước đã không cầm được nước mắt. 

Giờ đây, báo chí ngoài luồng – thường bị chụp mũ “phản động” nhưng tin tức thường sớm và đúng hơn báo chí chính thống – đang canh me xem Hà Nội sẽ cử ai đến New York lần này.

Vì Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc chỉ chơi với lãnh đạo quốc gia, không chơi với lãnh đạo một đảng, nên TBT Nguyễn Phú Trọng chắc chắn sẽ ngồi nhà. Mí lại, sức khỏe ở mức “chân không vững” nên ngài khó lòng kham nổi chuyến bay gần 20 tiếng, dù có ngồi khoang thượng hạng.

Báo chí ngoài luồng đang hóng vào Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nếu ông “đầu tàu” này mà không đến New York thì quả là tin đồn ông này có vấn đề lại càng được nhiều người tin hơn.

Trong lúc làm Tổng bí thư từ 2001 đến 2011, ông Nông Đức Mạnh “dự kiến” đến năm 2020, Đảng ta sẽ biến Việt Nam thành một nước công nghiệp hoa hiện đại.

Giờ đây, có lãnh đạo “dự kiến” đến năm 2035, thu nhập đầu người của Việt Nam sẽ bắt kịp Singapore.

Thôi thì chúng ta cứ tạm tin như vậy đi. Nếu điều này xảy ra, Việt Nam có thể tình nguyện xin dời trụ sở Liên Hiệp Quốc từ New York về Hà Nội để cho mọi người thấy ta đây cũng là một nước lớn. Tại sao không? Đã làm được chiếc bánh chưng to nhất thế giới, tô hủ tíu bự nhất thế giới thì đăng cai trụ sở Liên Hiệp Quốc chỉ là chuyện nhỏ.

Có lần ông Trời oái oăm đổ một quả mưa, thế là hơn 150 lãnh đạo thế giới đến dự Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội đã bì bõm đến địa điểm họp.

Vui nhỉ?

.

Châu Quang

_______

Ghi chú của BBT: Việt Nam đã cử Phạm Bình Minh, Phó thủ tướng thường trực chính phủ tham dự đại hội đồng LHQ.

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/denhenlailen.html


Cái Đình - 2022