Thái Hạo
Tôi muốn chia nó thành 2 lớp, là đạo đức xã hội và đạo đức cá nhân.
Xin lấy một ví dụ cho dễ hình dung. Năm 2015, “Ngày 2/10, hàng trăm người dân xã Thanh Sơn, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá) đã đến UBND xã phản ứng trước việc huyện quy hoạch bãi rác cách khu dân cư ở điểm gần nhất chỉ khoảng 100m. Bà con phản ánh, họ không được chính quyền thông báo, họp dân, xem xét nguyện vọng đã tự ý khoan thăm dò, lập bãi rác là chưa khách quan và chưa thấu tình, đạt lý” (báo Đại đoàn kết). Xã Thanh Sơn chính là xã tôi. Sự phản ứng đã biến thành một cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng không khoan nhượng. Tình hình rất căng thẳng, kéo dài, cuối cùng chính quyền phải hủy bỏ quy hoạch này.
Mỗi người, tất nhiên, có quyền lựa chọn tham gia hay không tham gia vào cuộc phản đối ấy mà không ai trong cộng đồng có thể bắt ép họ được. Nhưng, cũng tất nhiên, những người đó sẽ bị coi thường, bị xa lánh, thậm chí bị khinh bỉ. Vì sao thế, vì anh đã không có trách nhiệm với một vấn đề chung mà ở đó anh là người đang cùng chia sẻ về mọi mặt. Tức là anh thiếu đạo đức.
Những người theo Phật giáo (xin nói rõ là Phật giáo ngày nay ở VN), họ chọn “tỉnh thức”, chọn xa lánh trần ai uế tạp để theo đuổi những cao vọng cá nhân, và nhìn xuống đám nhân quần kia như những kẻ đầy sân si, vô minh, mê muội. Đó là việc của họ. Nhưng cũng ngay chính lúc ấy, dù họ có giữ lòng mình trong sạch tới đâu, có đạt được “giác ngộ” siêu tuyệt đi chăng nữa, ít nhất họ vẫn nợ cái đám đông mà họ cho là thấp kém kia một món nợ lớn: môi trường trong sạch mà ở đó họ ngồi tu mỗi ngày.
Đạo đức của con người sẽ là thứ què quặt bệnh hoạn nếu nó không điếm xỉa gì đến cái trách nhiệm cộng đồng kia.
Như những thành viên trong một gia đình, mỗi người có phòng riêng và tùy ý sống theo cách của mình. Nhưng điều đó chỉ chấp nhận được khi họ đã làm tròn phận sự của mình về việc góp tiền điện, dọn dẹp không gian chung, tham gia bàn bạc công việc chung… Đối với một cộng đồng cũng thế, nhỏ là làng xã, lớn là quốc gia, mỗi người trước khi sống theo ý mình thì phải hoàn thành trách nhiệm chung với cộng đồng, bằng không, anh mãi mãi là một kẻ tồi tệ về đạo đức, cho dù anh có giữ cho căn nhà của mình sạch sẽ tới đâu.
Người Việt Nam ta không chịu lớn chính vì cái khiếm khuyết ấy – ý thức công lợi. Một người không thể đi xa được nếu chỉ đi một chân. Tôi không ngạc nhiên về sự thiếu trách nhiệm của mỗi người Việt ngày nay, mà tôi kinh ngạc vì họ còn dương dương tự đắc về cái sự nhận thức đầy tật bệnh ấy. Nó có mặt ở khắp nơi, từ nông dân, công nhân, đến trí thức…, và tụ lại thành điển hình ở những kẻ nhân danh Phật giáo hay “đạo” nói chung.
Xin nói ngay, tôi là một Phật tử, tôi yêu mến giáo lý của Phật và luôn lấy đó làm la bàn cho cuộc sống của mình. Nhưng tôi phê phán thái độ không những bàng quan mà còn kẻ cả ta đây của nhiều người mượn danh Phật để đứng trên thiên hạ, “mục hạ vô nhân”. Họ nghĩ rằng “Thiên hạ đục chỉ mình ta trong/ Thiên hạ say chỉ mình ta tỉnh”, mà quên mất rằng chính mình mới là kẻ khiếm khuyết, khiếm khuyết một cách nghiêm trọng đến nỗi nghiêng lệch và đổ xuống mà không hề tự hay biết.
Tự do, con người được quyền sống theo điều mình muốn, nhưng nó sẽ là thứ tự do hoang dã, tự do vô chính phủ, tự do ích kỷ nếu quên mất cái ràng buộc trách nhiệm mà mình đang dự phần tất yếu. Một nhà trường hư hỏng, quý vị không lên tiếng mà chọn một lối riêng cho mình và con cái, đó là quyền của quý vị. Nhưng ngay lúc đó, sự khuyết tật nhân cách khởi sự và phơi bày.
Đạo đức cá nhân của một con người chỉ được đảm bảo khi họ đã thực hiện cái đạo đức xã hội của mình. Vì thiếu đi phương diện thứ hai mà thành ra đổ nát. Hãy nhìn xem, hiện nay người giáo viên đã thành thợ dạy, thầy tu thành thầy cúng, trí thức thành bút nô… Sở sĩ có cái thảm trạng ấy vì hầu hết đều đinh ninh rằng “cứ sống tốt là được”. Ai cũng chỉ lo vun vén cho cái sân nhà mình mà quên con đường, thành ra khắp nơi ngập rác, mùi hôi thối bay cả vào trong nhà. Trải qua thời gian và chục năm, cả xã hội trở thành một bãi rác khổng lồ và tất cả đều phải lội bì bõm mỗi ngày.
Càng ngày tôi càng ít nói đến Phật giáo vì dường như nó luôn bị lợi dụng để “sống chết mặc bay”. Thử hỏi có cái đạo đức nào không khi mà anh bình thản đi qua một người đang bị hành hung và đối xử bất công? Có đạo đức nào không khi anh có thể coi như không nghe thấy những tiếng rên xiết trong bất hạnh cùng cực của đồng loại? Chứng kiến sự trộm cắp, cướp giật, lọc lừa, ép uổng, đánh người mà có thể ung dung tự tại được thì đó chỉ có thể là vô đạo, chứ không có đạo đức nào cả.
Cho nên, đạo đức phải được quan niệm lại, nếu còn muốn mưu cầu hạnh phúc.
.
Thái Hạo
Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/daoduc.html