Tường An


Công lý nào cho những tổng thống phạm tội?

Với những kẻ phạm luật pháp, người ta đòi hỏi một bản án đúng người, đúng tội cho kẻ vi phạm pháp luật.

Các bản án không chỉ là hình phạt cho những kẻ phạm tội mà còn là một hình thức răn đe những kẻ có ý định phạm pháp.

Trong một xứ sở công minh: hoặc là anh không có tội, hoặc anh phải chấp nhận bản án đúng với tội anh gây ra.

Việc ông Donald Trump dù bị kết tội, nhưng không phải thi hành án vì ông ta vừa mới đắc cử tổng thống là một trường hợp khá tế nhị: trên thế giới hình như chưa có vị tổng thống nào ngồi trong tù để điều hành đất nước. Trump may mắn thoát nạn cho đến khi hết nhiệm kỳ, sau đó thì sao?

Nước Pháp cũng có hai tổng thống phạm tội bị kết án sau khi mãn nhiệm kỳ.

1- Ông Nicolas Sarkozy, người từng giữ chức Tổng thống Pháp từ năm 2007 đến 2012, đã bị điều tra và truy tố trong nhiều vụ án liên quan đến tham nhũng và lạm dụng quyền lực, cụ thể ông Sarkozy bị cáo buộc nhận tài trợ bất hợp pháp từ cố lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi, cho chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2007 (Bê bối Bygmalion)

Quy định ngân quỹ vận động bầu cử tại Pháp:

Tại Pháp mỗi ứng cử viên tranh cử tổng thống đều có một ngân quỹ được nhà nước quy định rõ ràng, ngân sách cho chiến dịch tranh cử tổng thống có giới hạn rất chặt chẽ: Mỗi ứng cử viên chỉ có thể chi tối đa 16,85 triệu euro cho chiến dịch trong vòng đầu tiên. Nếu ứng cử viên tiến vào vòng thứ hai, họ có thể chi thêm 5,66 triệu euro, tổng cộng là 22,51 triệu euro cho chiến dịch tranh cử Tổng thống của mỗi ứng cử viên.

Ngoài ra, nhà nước cũng hoàn trả một phần chi phí cho các ứng cử viên dựa trên tỷ lệ phiếu bầu. Các ứng cử viên có thể nhận được tối đa 8 triệu euro từ nhà nước nếu họ nhận được hơn 5% phiếu bầu trong vòng đầu tiên.

Việc quy định này tạo sự công bằng cho chiến dịch tranh cử, tránh tình trạng kẻ giàu dùng tiền khuynh đảo lá phiếu cử tri.

Năm 2007, ngân sách chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống Sarkozy là 20 triệu €. Cơ quan truyền thông Mediapart đã điều tra ông Sarkozy đã nhận từ cố lãnh đạo Libya, ông Muammar Gaddafi, cho chiến dịch tranh cử tổng thống một số tiền là 50 triệu €!

Người ta còn nhớ sự ngạc nhiên và bực tức của người dân khi ông Sarkozy tiếp nhà độc tài Muammar Gaddafi tại Paris và cho phép phái đoàn của ông này dựng lều ngay trong khuôn viên của điện Elysée vì ông ta “không quen ngủ trong nhà” !

Ngoài ra, Sarkozy cũng bị điều tra trong vụ án “Bê bối điện thoại” (Bê bối Wiretapping), ông bị cáo buộc đã cố gắng mua chuộc một thẩm phán để có được thông tin về các cuộc điều tra liên quan đến mình.

Phiên tòa ngày 18/12/2024, 12 năm sau khi ông Sarkozy không còn là tổng thống, tòa án tối cao của Pháp đã kết án cựu tổng thống Sarkozy 3 năm tù, trong đó có 2 năm tù treo và cựu tổng thống Sarkozy sẽ phải mang vòng giám sát điện tử trong suốt thời gian thi hành án.

2- Cựu tổng thống Jacques Chirac cũng đã từng bị kết tội lạm dụng công quỹ liên quan đến vụ khai gian công việc làm (emplois fictifs) cho 7 người của đảng RPR (một đảng do ông Chirac sáng lập) trong thời gian ông Chirac làm thị trưởng Paris. Số tiền lên đến 30 triệu francs. Tuy nhiên, do luật miễn trừ khi ông Chirac đang là tổng thống của nước Pháp (2002-2007) nên tòa không tuyên án. Tuy nhiên, sau khi ông Chirac mãn nhiệm kỳ tổng thống thì Tòa án Hình sự Paris đã tuyên án ông Chirac hai năm tù treo vào ngày 15 tháng 12/2011, đúng 15 năm sau các sự kiện.

Công lý dù trễ nải nhưng cuối cùng cũng được thực thi, dù là công dân bình thường hay tổng thống!

Trump vừa đắc cử tổng thống nên lách khỏi bản án dành cho 34 tội hình sự đã được tòa án tuyên vào ngày 10/1/2025. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra sau khi hết nhiệm kỳ? khi quyền miễn trừ của tổng thống chấm dứt.

Liệu công lý có được thực thi trên quốc gia được xem là tự do, dân chủ nhất hành tinh?

   

Tường An
Nguồn: FB tác giả

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/conglynao.html


Cái Đình - 2025