Lê Ngọc Vân


Châu Phi có thực sự cần USAID?

   

Thế là trang mạng của USAID đã bị rút xuống, và nhiều người nói đó là do chính quyền của ông Trump muốn đặt cơ quan này dưới sự kiểm soát của Bộ Ngoại Giao.

Nhưng ta đừng nên để cho các tựa bài chia trí.

Câu chuyện thật không phải là về một trục trặc trang mạng mà là vấn đề sâu hơn về chính viện trợ nước ngoài, một đề tài mà tôi đã từng nói đến trong từ hơn một thập kỷ qua.

Viện trợ từ nước ngoài không phải là giải pháp cho nạn nghèo.

Trong nhiều trường hợp, đúng ra nó chính là một phần của vấn đề. Trong suốt nhiều năm qua, chúng ta bị thuyết phục bởi ý tưởng rằng viện trợ từ những tổ chức như USAID giúp “nâng” Châu Phi lên khỏi cảnh nghèo. Nhưng đây là sự thật: nếu viện trợ nước ngoài có tác dụng, Châu Phi ngày nay phải là châu lục giàu có nhất trên Trái Đất.

*** Viện trợ của nước ngoài là lấy tiền của người nghèo trong một quốc gia giàu có để đưa cho người giàu trong một nước nghèo – Ran Paul ***

Cứ đi bộ qua những đường phố của Dakar đi, bạn sẽ thấy chính xác những nơi mà tiền viện trợ của bạn đi đến. Thành phố tràn ngập những cư dân người nước ngoài đang làm việc cho Liên Hợp Quốc, nhiều tổ chức phi chính phủ (NGO) khác nhau, và các tòa đại sứ. Họ sống trong một nền kinh tế song hành – một nền kinh tế mà hầu hết người dân Senegal chỉ có thể ngắm nó từ bên ngoài. Các nhân viên viện trợ hưởng đời sống xa hoa: ăn uống thịnh soạn tại những nhà hàng đắt tiền, lái những chiếc SUV đời mới, cư ngụ tại những căn hộ tốt nhất trong thành phố, mướn nhiều người giúp việc nhà (tất cả nhờ tiền của người đóng thuế từ các quốc gia cấp viện trợ – còn gọi là tiền viện trợ nước ngoài), và tổ chức những bữa tiệc linh đình.

Và ồ, cũng nên nhắc thêm, họ nhận khoản “phí khó nhọc”, vì được cho là hy sinh khi chịu đến sống tại nơi được xem là “một nơi chốn xa xôi đầy rẫy sốt rét, bệnh nhiệt đới và khí hậu khắc nghiệt.”

Điều này tạo ra một tác động lan rộng tàn khốc trên toàn bộ nền kinh tế địa phương của chúng ta.

Các tổ chức này, trong quỹ luôn rủng rỉnh tiền bạc từ những ngân sách tưởng chừng vô tận, đã thổi phồng chi phí của mọi thứ – từ nơi ăn chốn ở cho tới những dịch vụ cơ bản. Một chủ doanh nghiệp địa phương như chính tôi đây phải cạnh tranh với những giá cả thổi phồng này trong khi điều hành một doanh nghiệp thực sự với những bó buộc có thật. Chúng tôi không thể vung tiền ra khắp nơi vì chúng tôi đang đối đầu với những sức mạnh thị trường có thực, không phải là những dòng tiền "miễn phí” bất tận.

Nhưng tổn hại còn đi sâu hơn là chỉ nâng cao chi phí sinh sống.

Các tổ chức này cũng tóm bắt những nhân tài giỏi nhất và sáng chói nhất của chúng ta bằng những mức lương mà không doanh nghiệp địa phương nào có thể sánh nổi. Thay vì xây dựng những doanh nghiệp, tim ra những giải pháp sáng tạo, hay tạo ra giá trị kinh tế thực, thì những con người có khả năng nhất của chúng ta đang dành tâm trí cho những công việc bàn giấy gồm soạn thảo thư từ và những bản báo cáo hiếm khi mang lại một sự thay đổi có ý nghĩa.

Tôi đã chứng kiến những bộ óc sáng chói bị thu nhỏ thành những tham dự viên hội thảo chuyên nghiệp, họ đi từ cuộc họp của nhà tài trợ này đến cuộc họp của nhà tài trợ khác, không sản xuất ra được MỘT CÁI GÌ có giá trị lâu dài.

Khi đi khắp Châu Phi, tôi cũng không hề gặp sự thịnh vượng bền vững do những chương trình viện trợ tạo ra. Thay vào đó, tôi trông thấy sự phá hủy những thị trường địa phương và sự tạo ra những chu kỳ lệ thuộc đã tước đi phẩm giá của chúng ta. Thử xem điều gì xảy ra tại những ngôi làng của chúng ta: Khi mùng chống muỗi miễn phí được đưa tới, những nhà buôn mùng ở địa phương phá sản. Cũng vậy với giày dép. Giày tặng tràn ngập các thị trường địa phương, khiến cho các nhà sản xuất giày không cách nào cạnh tranh được. Mỗi một món quà “miễn phí” đều kèm theo một cái giá ngầm là phá hủy hệ thống môi sinh kinh tế địa phương.

(Xin nói rõ, tôi không đề cập đến viện trợ nhân đạo ở đây. Bài chỉ trích này nhắm vào vào những chương trình viện trợ nước ngoài với mục tiêu là phát triển, không phải là những sự đáp ứng khẩn cấp đối với khủng hoảng như thiên tai hay chiến tranh.)

Thêm nữa, trách nhiệm giải trình chi tiêu của các tổ chức này hầu như không xảy ra.

Ngân sách của họ không hợp lý trong bất cứ bối cảnh đời thật nào – họ vận hành trong một vùng đất hoang tưởng nơi mà tiền bạc tưởng như vô hạn. Họ đo lường thành công bằng số tiền đã chi và số vật phẩm đã phân phối, không phải bằng mức phát triển kinh tế trên thực tế hay việc tạo ra những doanh nghiệp bền vững...

Điều khiến tôi bất mãn hơn nữa là cách hệ thống này tạo ra một văn hóa lệ thuộc trong khi cùng lúc đó chúng giảm thiểu phẩm giá của chúng ta. Sự biện bạch giờ đây đã trở thành câu chuyện là Châu Phi đang cần sự trợ giúp liên tục, chứ không phải Châu Phi đang cần những cơ hội công bằng để cạnh tranh và phát triển.

Tôi đã gióng lên tiếng chuông báo động này từ nhiều năm nay. Viện trợ nước ngoài quả thật đã tạo ra công ăn việc làm và nghề nghiệp – nhưng không phải cho những người mà lẽ ra nó phải giúp. Mỗi một nền kinh tế thành công trong lịch sử đã phát triển qua thương mại và tinh thần doanh nhân, không phải nhờ ăn xin và sự lệ thuộc vào viện trợ.

Do đó, tôi vui vì thế giới đang thức tỉnh trước sự việc ngày nay? Đúng như vậy.

Chúng ta càng sớm chấm dứt việc xem viện trợ nước ngoài như một đề tài linh thiêng không ai được chạm vào, thì chúng ta có thể bắt đầu tập trung càng sớm vào những gì có hiệu quả trên thực tế: tự do kinh tế, tinh thần doanh nhân, và những chính sách trao cho người dân thêm quyền hạn để tự xây dựng tương lai của chính họ.

Bước đầu tiên hướng tới một Châu Phi thịnh vượng là loại trừ điều đang đầu độc nó – sự lệ thuộc độc hại vào viện trợ mà đã tạo ra một nền kinh tế song hành và hướng những nguồn lực của ta ra khỏi những hoạt động mang lại kết quả.

Chỉ khi đó ta mới có thể xây dựng được một Châu Phi mà ta biết là có thể xây dựng được: nơi mà tinh thần doanh nhân vươn mạnh, phẩm giá được bảo tồn, và thịnh vượng được tạo ra qua những nỗ lực của chính ta thay vì phẩm vật bố thí.

Châu Phi không cần thêm viện trợ. Châu Phi cần thêm tự do.

*

Tái bút: Tôi đi sâu vào nạn nghèo của Châu Phi và giải pháp cho nạn này trong cuốn sách của tôi, Trái Tim của con Báo Săn Cheetah. Nếu bạn muốn tìm hiểu điều gì đã cản bước Châu Phi và điều gì có thể tháo cũi cho nó, bạn có thể đặt mua cuốn sách bây giờ!

   

Nguyên tác: Does Africa Really Need USAID? | Magatte Wade | Africa’s Bright Future, 03.02.2025
Người dịch: Lê Ngọc Vân

***

Magatte Wade (sinh năm 1976) là một doanh nhân người Senegal lớn lên ở Pháp. Bà bắt đầu nổi tiếng từ bài phát biểu TEDTalk năm 2017 về vấn đề mà bà cho là môi trường quản lý quá mức ở Châu Phi, buộc những người trẻ Châu Phi phải di cư vì lý do kinh tế. Wade được biết đến từ ​​năm 2004 với công việc kinh doanh và các dự án kinh doanh của mình, bao gồm việc thành lập một công ty nước giải khát bán nước giải khát tại Hoa Kỳ và các thị trường toàn cầu, sử dụng các thành phần truyền thống của Châu Phi như hoa dâm bụt.

 

 

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/chauphicothucsucanusaid.html


Cái Đình - 2025