Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Châu Âu có sẵn sàng chiến đấu và chết vì Ukraine? ‘Câu trả lời là không’

Ảnh: AFP

“Putin sẽ rất hài lòng”, chuyên gia Đông Âu Bob Deen của Viện Clingendael (Hòa Lan) cho biết sau cuộc gặp đầu tiên giữa chính quyền Mỹ và Nga sau nhiều năm. Hôm qua (18-02-2025), ngoại trưởng Mỹ và Nga, Rubio và Lavrov, đã gặp nhau ở Ả Rập Saudi. Ukraine đã bị gạt ra ngoài cuộc chơi.

Vào năm ngoái, ông Deen đã được Ukraine tiếp xúc để tham gia vào việc chuẩn bị cho các cuộc đàm phán khả dĩ nhằm chấm dứt chiến tranh. Tình hình hiện giờ đã thay đổi đáng kể.

Ông Deen nói: “Thứ nhất, Nga đã thoát khỏi sự cô lập và người Nga một lần nữa ngồi cùng bàn trực tiếp với người Mỹ. Và người Mỹ đã từ bỏ mọi thứ trước khi các cuộc đàm phán thật sự bắt đầu”.

Ví dụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hegseth tuần trước cho biết Ukraine nên quên đi chuyện trở thành một thành viên của NATO và quốc gia này không còn có thể trông chờ vào việc giành lại lãnh thổ bị Nga chiếm đóng. Ông Deen nói: “Nga sẽ đòi hỏi nhiều hơn.”

Các điều khoản yêu cầu của Nga thực tế vẫn giống hệt nhau trong nhiều năm: chẳng hạn Putin yêu cầu Ukraine từ bỏ 4 tỉnh hiện nay một phần do người Nga chiếm đóng, còn một phần được dân Ukraine bảo vệ thành công: Donetsk, Luhansk, Kherson và Zaporizhia.

Ông Deen nói: “Tôi không nhận thấy Tổng thống Zelensky sẽ đồng ý nhanh như vậy. Người Ukraine đã hy sinh rất nhiều sinh mạng để bảo vệ lãnh thổ này nên sẽ rất khó để Zelensky từ bỏ mà không chiến đấu”.

Nói cách khác: đừng trông chờ sớm có được một thỏa thuận ngừng bắn. Ông Deen nói: “Tôi nghĩ bây giờ chúng ta mới chỉ nhìn thấy sự khởi đầu của một quá trình đàm phán rất lâu dài và khó khăn. Rất có thể họ sẽ không đạt được thỏa thuận. Ngoài ra Putin cũng rất giỏi trong việc tham gia đàm phán, bằng cách giả vờ rằng ông ấy thật tâm nhưng trong khi đó chỉ tiếp tục chiến đấu.”

‘Lệnh ngừng bắn trước đây chẳng có ý nghĩa gì’

Giả sử rằng tại một thời điểm nào đó thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được, thách thức tiếp theo sẽ là: lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi như thế nào? Cả Ukraine và các nước châu Âu đều lo ngại việc lặp lại các thỏa thuận Minsk năm 2014 và 2015, với một thỏa thuận ngừng bắn được thực hiện giữa Ukraine và phe ly khai ở phía đông đất nước được Nga hậu thuẫn.

Ông Deen: “Những thỏa thuận này sau đó đã bị vi phạm gần như hàng ngày, lệnh ngừng bắn thực sự chẳng có ý nghĩa gì. Đó là lý do tại sao Ukraine và các nước châu Âu nhấn mạnh rất nhiều vào việc đảm bảo an ninh, để thỏa thuận trở nên đủ mạnh.”

Các nhà lãnh đạo và bộ trưởng trong chính phủ Mỹ và châu Âu đã đề nghị là lệnh ngừng bắn ở Ukraine cần được đảm bảo bởi một ‘lực lượng gìn giữ hòa bình’ hoặc ‘lực lượng răn đe’ của quân đội nước ngoài. Người Mỹ đã nói rằng họ sẽ không cung cấp quân đội cho việc này nên binh lính chủ yếu phải đến từ các nước châu Âu.

Ông Deen cho biết: “Putin sẽ không được lợi lộc gì về việc Ukraine được tăng cường quân sự đến mức Nga không bao giờ có thể tấn công nước này nữa. Về mặt này người Nga chắc chắn sẽ tìm cách ngăn trở các cuộc đàm phán.”

Sẵn sàng chết?

Một vấn đề nữa đối với người Ukraine là nhiều nước châu Âu không sẵn sàng cung cấp binh lính cho một lực lượng như vậy ở Ukraine. Theo ông Deen: “Ở Hòa Lan, liên minh cầm quyền bị chia rẽ về vấn đề này và thậm chí ở Ba Lan bạn cũng nghe thấy những phát biểu như ‘Ukraine phải chiến đấu vì an ninh của chính mình’. Câu hỏi rất khó đối với người châu Âu hiện nay là: các chính trị gia đã nói trong ba năm rằng an ninh cho Ukraine cũng có nghĩa là an ninh cho châu Âu, nhưng liệu họ có thực sự có ý đó khi nói: hỗ trợ cho Ukraine, bằng bất cứ giá nào?

“Người Mỹ hiện đang đặt câu hỏi cho châu Âu: ‘Các bạn có sẵn sàng chiến đấu và nếu cần, chết vì Ukraine không?’ Nếu tôi nhìn vào các phản ứng về điêu này cho đến nay, câu trả lời là không.”

Không có NATO mà là EU

Thái độ nửa vời như vậy của các nước châu Âu khác không phải là triển vọng tích cực cho Ukraine. Ukraine đã nhận được gói hỗ trợ vũ khí lớn từ cựu Tổng thống Mỹ Biden, điều này có thể sẽ giúp nước này tồn tại cho đến mùa hè. “Sau đó, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ đối với người Ukraine.”

Vậy nếu người châu Âu không sẵn sàng đưa quân tới Ukraine thì họ có thể làm gì khác? “Điều cấp bách nhất là: giúp Ukraine tự vệ, ngay cả khi không có người Mỹ. Điều này có thể được thực hiện không chỉ bằng tiền mà còn bằng việc sản xuất vũ khí chẳng hạn. Châu Âu cũng có thể thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và củng cố quan điểm của châu Âu: giờ đây NATO dường như nằm ngoài tầm với của Ukraine, dù sao đi nữa quốc gia này có thể nỗ lực hội nhập vào châu Âu, tức là trở thành thành viên Liên Âu. Đó là điều mà Mỹ không có tiếng nói nào cả.”

   

Nguyên tác: Is Europa bereid te vechten en te sterven voor Oekraïne? ‘Antwoord is nee’  – NOS.nl, 19/02/2025
Người dịch: Nguyễn Thị Quỳnh Anh

 

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/chauaucosansang.html


Cái Đình - 2025