Hồng Phúc


Cà phê và phở

.

Tôi vào siêu thị ở Mỹ tìm phở. Những gói phở ăn liền mang địa chỉ các công ty Trung Quốc, Thái Lan và Nhật, không có sản phẩm nào từ Việt Nam.

Một gói phở ăn liền vị bò và gà của Nhật, đang bán tại chuỗi siêu thị Publix, có giá 5 và 6 USD. Tôi mua về ăn thử. Sợi phở dày và cứng, vị nhạt, không có mùi đặc trưng của phở bằng những gói phở ăn liền có thể mua với giá dưới một USD ở Việt Nam.

Ở Atlanta, tôi tìm ra một tiệm phở nằm trong góc khu ăn uống và mua sắm. Tô phở tái chín 14 USD, cộng thêm thuế 1,5 USD và tiền tip 15%-20% giá trị hóa đơn, giá cuối khoảng 17 USD. Anh chủ tiệm người gốc Hà Đông nấu theo vị Bắc, không bỏ đường vào nước và dùng thịt bò Mỹ. Nếu ăn trong nhà hàng sang hơn, một bát phở có giá trên 20 USD. Tuy hầu hết tiệm phở ở Mỹ dùng bánh phở khô nhưng vẫn khiến tôi cảm thấy rất ngon sau những ngày chỉ có bánh mỳ và thịt.

Ở những cuộc gặp gỡ, trao đổi, học tập trong chuyến đi qua bốn bang ở Mỹ mùa đông này, chúng tôi, từ nhiều quốc gia, lần lượt giới thiệu về đất nước mình. “Việt Nam hôm nay là một trong những nhà cung cấp cà phê lớn nhất cho Starbucks của Mỹ”, tôi nói như vậy để họ dễ nắm bắt.

Làm gì có người Mỹ nào không biết Starbucks ở đất nước mà có những nơi, mỗi vài trăm mét bạn sẽ thấy một cửa hàng này. Nhiều người Mỹ coi nó như đồ uống nhanh, mua để mang đi nhiều hơn ngồi ở tiệm.

Trong cuộc trò chuyện vài năm trước với CEO của Starbucks tại Việt Nam, bà cho tôi biết Việt Nam đứng thứ bảy trong số các nhà cung cấp cà phê cho công ty thu mua riêng của hãng.

Việt Nam đang là nhà sản xuất cà phê Robusta lớn thứ hai thế giới và đứng đầu về xuất khẩu Robusta trên toàn cầu. Theo Hiệp hội Cà phê Mỹ, 70% cà phê tiêu thụ tại Mỹ là loại Arabica từ Colombia, Brazil, Mexico; 30% là Robusta nhập từ Việt Nam và Indonesia.

Hầu hết người Mỹ không biết điều này dù họ uống Starbucks mỗi ngày, vị tiến sĩ thuộc Đại học George Washington nói với tôi, hai chữ “Việt Nam” thường khiến người Mỹ nghĩ đến cuộc chiến tranh vẫn còn nhiều tranh cãi, và phở.

“Chúng tôi thấy tất cả đau khổ mà chiến tranh đã gây ra cho người Việt và Mỹ. Tôi ước điều đó chưa bao giờ xảy ra. Tôi nghĩ nhiều người đã hối tiếc và buồn bã”, một người khác - giáo sư, tiến sĩ Willie R. Tubbs của Đại học Tây Florida - nói với tôi, “Nhưng có một sự thật: Người Mỹ chúng tôi thích phở”.

Nhiều người khác cũng chia sẻ với tôi họ thường chọn phở thay vì hamburger, gà và khoai tây chiên. Nhưng khi những người bạn nước ngoài háo hức khoe đã ăn phở như thế nào thì tôi lại buồn. Họ không biết rằng bát phở họ đã ăn chỉ “Việt” ở chỗ người nấu và phục vụ nó đến từ Việt Nam, còn bánh phở khô hầu hết không phải từ Việt Nam mà của một doanh nghiệp nào đó ở Mỹ hay một nước khác. Trong gần 10 hàng phở tôi đã ăn ở đây, các chai nước tương, tương ớt, nước mắm ăn kèm đều ghi tên công ty sản xuất bằng tiếng Thái Lan, tiếng Trung và tiếng Anh. Với thịt bò Mỹ, rất nhiều người Campuchia, Thái Lan, Philippines và các nước châu Á khác cũng đang bán “phở Việt”.

Toàn cầu hóa đã mang Starbucks đến Việt Nam, tại sao nó không mang được phở Việt “thật” sang thị trường đông dân thứ ba thế giới? Mỳ ramen ăn liền, sushi, kim chi, tom yum của Thái Lan đều có bán sẵn dạng ăn liền trong các siêu thị Mỹ và trên cả đường phố. Dù chúng có giá trung bình đắt hơn hẳn phở Việt và đắt cả với người Mỹ đang chao đảo vì lạm phát, nhưng với một chiến lược và cách làm nào đó, những nước láng giềng đều đã đưa thẳng món ăn quốc hồn của họ đến đây.

Phở Việt sẽ không chỉ đóng vai trò hạn hẹp với cái dạ dày của một cá nhân, mà còn có thể trở thành một ngành kinh tế, tương tự hambuger hay gà rán. Liệu các nhà quản lý thương mại của Việt Nam có để cơ hội này tiếp tục tuột vào tay tập đoàn nước ngoài nào đó, nơi các doanh nhân quốc tế hiểu rất rõ giá trị món phở Việt?

Ở một đất nước mà đồ ăn thức uống ngập tràn, một loại kẹo có tới 50 thương hiệu khác nhau trong siêu thị, phở và cà phê có nguồn gốc Việt Nam vẫn được ưa thích. Điều đó mang giá trị tinh thần quan trọng và nhắc nhở về ngành kinh doanh rất lớn chưa được coi sóc từ “cha mẹ ruột”. Phở Việt Nam bao năm qua chỉ vào Mỹ dưới hình thức kinh doanh cá thể nhỏ lẻ của người Việt tha hương, thay vì một chiến lược bài bản nhằm phát triển một thương hiệu ẩm thực quốc gia.

Những gói cà phê Việt Nam chiếm một phần ba trọng lượng hành lý của tôi sang Mỹ. Đến ăn tối với gia đình bà Jean Norman ở Pensacola, tôi tặng bà một gói cà phê. Bà viết tới hai email khá dài khen cà phê và thức ăn Việt Nam, nói rằng bà sẽ thu xếp tới TP HCM.

Dù biết người Mỹ hay khen vì lịch sự, tôi vẫn tin có một sự kết nối kỳ lạ giữa hai dân tộc. Nếu lịch sử đã ràng buộc hai bên bằng cuộc chiến không mong muốn thì lịch sử cũng có thể hàn gắn nhờ phở và cà phê. Giáo sư Willie nói: “Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về Việt Nam trong những năm qua. Xã hội của chúng ta giống nhau hơn là không giống nhau, và tôi hy vọng cả hai dân tộc luôn ghi nhớ điều này”.

Nếu đủ quyết tâm và trí tuệ, Việt Nam có thể dùng phở và cà phê để thay thế những ký ức chỉ có chiến tranh vẫn khởi lên khi một người Việt ở Mỹ và được hỏi: “Where are you from?”

..

Hồng Phúc

 

Direct link: https://caidinh.com/trangluu1/diendan/caphevapho.html


Cái Đình - 2022